Căn bệnh thoát vị đĩa đệm khá phức tạp và độ nặng nhẹ tùy thuộc vào sự thoát vị to nhỏ, nó chèn ép tủy sống … Cột sống là một bộ phận rất quan trọng của con người, nó có thể làm anh phải đi xe lăn suốt đời nếu không biết cách chữa trị kịp thời.
{tab=Bệnh lý}
Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm
Đĩa đệm (ĐĐ) là chiếc gối đệm đàn hồi có dạng như một thấu kính lồi chêm vào giữa 2 đốt sống nhằm tạo sự uyển chuyển cho cột sống trong các động tác xoay, nghiêng, ưỡn, cúi… Đồng thời, ĐĐ còn là vật hộ thân giúp cột sống phân tán trọng lực và lực đè ép từ bên trên do khiêng vác vật nặng và chống rung lắc cho cơ thể. Để thực hiện được các chức năng trên, ĐĐ có một cấu tạo đặc biệt gồm nhân nhầy, bao quanh là các vòng sợi và dây chằng, TVĐĐ hình thành khi vì một lý do nào đó (lão hóa, thoái hóa, chấn thương…) các cấu trúc vòng ngoài xuất hiện “lỗ mọt” hay rách hẳn, mở đường cho nhân nhầy thoát ra chảy vào ống sống hay lỗ tiếp hợp, chèn vào búi thần kinh, gây ra hiện tượng đau thắt lưng dai dẳng. TVĐĐ hay xảy ra ở vùng thắt lưng lan xuống mông, chân, thường được gọi là đau thần kinh tọa.
Phương pháp chẩn đoán
Một thầy thuốc kinh nghiệm có thể xác định TVĐĐ qua thăm khám lâm sàng, nhưng để chẩn đoán chính xác cần nhìn qua phim X-quang hay bổ sung chụp cản quang, ghi điện cơ… Hiện nay, người ta còn sử dụng CT scan hay MRI (cộng hưởng từ) khá hiệu quả trong việc chẩn đoán.
Thoát vị đĩa đệm có thể do vận động quá mức hoặc có thể do đĩa đệm yếu đi theo tuổi tác. Đĩa đệm sẽ dần bị mất nước, co lại và đôi khi có thể bị rạn nứt.
Khi đĩa đệm bị thoát vị hoặc bị vỡ, nó sẽ chèn ép vào các dây thần kinh.Ví dụ khi bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng, nó sẽ chèn vào dây thần kinh chạy dọc xuống 2 bên chân gây ra cảm giác u và tê ở 2 chân, nhưng thực chất vấn đề không phải ở chân mà là ở cột sống thắt lưng.
Nhiều người thường dùng dầu hoặc rượu để xoa bóp ở chân, có thể có cảm giác đỡ nhưng chỉ là tạm thời vì nguyên nhân của nó là ở cột sống.
Khi bị thoát vị đĩa đệm để lâu thì gây ra hiện tượng gì?
Bệnh thoát vị đĩa đệm có nhiều mức độ khác nhau, có người bị nhẹ, có người bị nặng, có người bị rất nặng.
Nếu bệnh nhân chỉ bị thoát vị đĩa đệm nhẹ, có thể áp dụng các bài tập thể dục, phương pháp vật lý trị liệu và uống một số loại thuốc giảm đau. Nhưng khi bị thoát vị đĩa đệm thể nhẹ mà cứ để nguyên, không điều trị, bệnh này sẽ tiến triển nặng thêm, nó có thể tạo ra các cơn đau đột ngột hoặc từ từ.
Bị bệnh thoát vị đĩa đệm không nên để lâu vì có thể gây chèn ép vào dây thần kinh. Khi bị chèn ép bệnh nhân sẽ bị tê tay chân, đau hoặc trong trường hợp xấu nhất bệnh nhân sẽ bị liệt.
Vì vậy, bạn nên phát hiện sớm để điều trị khỏi bằng một số những phương pháp điều trị đơn giản như bằng thuốc và tập thể dục.
Thoát vị đĩa đệm gây đau đớn như thế nào?
Khi cột sống của bạn bị thoái, hệ thống các dây chằng giữa các đốt sống lỏng lẻo, nó có thể thoát vị (đẩy nhân nhầy bên trong ra) ra sau hoặc vào trong ống sống. Biểu hiện triệu chứng lâm sàng là bệnh nhân cảm thấy đau dọc cột sống có thể lan xuống chân hoặc chèn ép vào các dây thần kinh gây hiện tượng liệt, mất hay tăng cảm giác vận động.
Khoảng 90% trường hợp thoát vị cột sống xảy ra ở L4-L5 (tổn thương ở cột sống thắt lưng 4 và 5) hoặc L5-S1 (đoạn đốt sống thắt lưng 5 và xương cùng đốt sống 1), thoát vị tại những vị trí này sẽ gây ra các cơn đau mất chi phối cảm giác kiểu đuôi ngựa.
Sự ảnh hưởng của thoát vị đĩa đệm tới dây thần kinh L5 có thể gây ra sự suy yếu khi cử động xoè ngòn chân cái và có khả năng ảnh hưởng tới vận động cổ chân. Bệnh nhân có thể cảm thấy tê và đau ở đầu ngón chân cái và các cơn đau cũng có thể lan ra phía gan chân.
Sự ảnh hưởng của thoát vị đĩa đệm tới dây thần kinh S1 có thể gây ra mất phản ứng của cổ chân và/hoặc khó cử động chân (ví dụ bệnh nhân không thể cong ngón chân cái). Cảm giác tê và đau có thể lan toả xuống gan bàn chân hoặc mặt ngoài của bàn chân.
Thoát vị đĩa đệm nhiều tầng – một bệnh lý lâm sàng rất phức tạp, đa dạng, nhất là trường hợp khối lượng thoát vị quá to gây chèn ép tủy sống và đuôi ngựa. Đây là chùm hội tụ nhiều rễ thần kinh thắt lưng – cùng gây đau đớn cho người bệnh tới cực điểm, đòi hỏi phải xử trí cấp cứu kịp thời.
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Đau rễ thần kinh
Đau rễ phản ánh một quá trình tổn thương kích thích rễ thần kinh. Có thể do chèn ép cơ học (thoát vị đĩa đệm, chèn ép do xương); do viêm rễ, viêm ngoài màng cứng, viêm màng nhện của tủy sống; do u rễ. Đau rễ thần kinh thường đau theo dải, lan từ thắt lưng xuống chân, tương ứng với vùng phân bố của rễ thần kinh. Đau rễ xuất hiện sau giai đoạn đau thắt lưng cục bộ, đau tăng lên khi đi lại, đứng lâu, ngồi lâu. Đau dội mạnh lên khi ho, hắt hơi, rặn đại tiện. Nằm nghỉ tại giường lại giảm đau nhanh chóng. Đó là kiểu đau mang tính chất cơ học, thường gặp trong cơ chế xung đột giữa đĩa đệm với rễ thần kinh do thoát vị đĩa đệm.
Đau rễ lại xuất hiện khi đi được một đoạn làm bệnh nhân phải dừng lại để nghỉ. Khi đi tiếp một đoạn nữa, đau lại xuất hiện, buộc bệnh nhân phải nằm nghỉ. Người ta gọi đó là hội chứng đau khập khễnh cách hồi.
Trường hợp đau một rễ thần kinh thường gặp trong thoát vị đĩa đệm tầng L4 – L5 (đốt thắt lưng 4 – 5) và thoát vị đĩa đệm L5 – S1 (đốt thắt lưng 5 – xương cùng thứ nhất). Trường hợp thoát vị đĩa đệm hai tầng sẽ gây đau hai rễ thần kinh, thường gặp ở hai đĩa đệm cuối là L4 – L5 và L5 – S1 vì đây là đoạn bản lề của cột sống thắt lưng, nơi chịu sức ép mạnh của tải trọng phần trên cơ thể và sự chuyển động của cột sống về nhiều phía.
Rối loạn cảm giác thường gặp là giảm cảm giác nông (nóng, lạnh, xúc giác) ở những khu vực khoang da tương ứng với rễ thần kinh bị tổn thương. Đây là biểu hiện mức độ tổn thương sâu sắc của rễ thần kinh.
Rối loạn vận động: bại và liệt cơ ở hai chân do rễ thần kinh chi phối.
Rối loạn cơ thắt: trong tổn thương các rễ vùng xương cùng (rễ S3, S4, S5) có biểu hiện lúc đầu bí tiểu sau đái dầm dề, luôn luôn có nước tiểu chảy rỉ ra một cách thụ động do liệt cơ thắt kiểu ngoại vi không giữ được nước tiểu.
Ngoài các triệu chứng trên, thầy thuốc chuyên khoa thần kinh có những nghiệm pháp khám khách quan như rối loạn phản xạ, rối loạn thần kinh thực vật…
Các giai đoạn tiến triển của thoát vị đĩa đệm.
Và hội chứng đuôi ngựa
Tủy sống tận cùng ở ngang mức đốt sống thắt lưng 2 (L2). Tiếp theo khoanh tủy cuối là nón cùng (hình tam giác giống như cái nón). Đuôi ngựa là hội tụ của các rễ thần kinh thắt lưng cùng, gồm các rễ L2, L3, L4, L5, S1, S2, S3, S4, S5 chi phối thần kinh vận động, cảm giác và dinh dưỡng cho các cơ quan trong chậu hông và hai chân.
Trường hợp đau nhiều rễ thần kinh do chèn ép của khối thoát vị đĩa đệm lớn, nhiều tầng tạo nên bảng lâm sàng như là một khối u, được gọi là hội chứng đuôi ngựa. Đau nhiều rễ cũng ít gặp nhưng rất quan trọng vì thường là khởi đầu của bệnh cảnh hội chứng đuôi ngựa do khối thoát vị đĩa đệm lớn (thể giả u) chèn ép đuôi ngựa. Đặc điểm lâm sàng là đau khốc liệt, người bệnh không thể chịu nổi, đòi hỏi cấp cứu về thần kinh. Đau lại kèm theo liệt cơ, mất cảm giác, rối loạn cảm giác…
Có 3 hội chứng đuôi ngựa tùy theo tầng thoát vị đĩa đệm, có các hội chứng khác nhau:
Hội chứng đuôi ngựa trên: liệt ngoại vi toàn bộ ở hai chân, rối loạn cảm giác hai chân từ nếp bẹn trở xuống, rối loạn cơ thắt kiểu ngoại vi. Thể này ít gặp vì thoát vị đĩa đệm ở đoạn cao (L1 – L2 và L2 – L3) ít có điều kiện xảy ra.
Hội chứng đuôi ngựa dưới: do thoát vị đĩa đệm L5 – S1, có rối loạn cơ thắt kiểu ngoại vi, rối loạn cảm giác vùng đáy chậu, không có liệt hoặc chỉ liệt một số động tác của bàn chân (rễ L5, S1, S2).
Hội chứng đuôi ngựa giữa: thường gặp do thoát vị đĩa đệm L3 – L4 và L4 – L5. Liệt gấp cẳng chân, liệt các động tác của bàn chân và ngón chân, mất cảm giác toàn bộ ngón chân; mất cảm giác toàn bộ cẳng chân, bàn chân, mặt sau đùi và mông; rối loạn cơ thắt kiểu ngoại vi.
Chẩn đoán xác định viêm đa rễ thần kinh dựa trên cơ sở lâm sàng và các kỹ thuật cận lâm sàng như chụp Xquang, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ…
Thoát vị đĩa đệm gây nhiều rối loạn khác nhau.
{tab=Điều trị}
Điều trị
Tùy theo tính chất tổn thương, vị trí, biến chứng cũng như mức độ ảnh hưởng tới khả năng vận động, lao động và sinh hoạt của người bệnh mà cân nhắc tới các biện pháp điều trị bảo tồn và điều trị can thiệp phẫu thuật. Điều trị bảo tồn bao gồm các biện pháp như: nghỉ ngơi; vật lý trị liệu xoa bóp, tắm suối khoáng, đắp bùn; chiếu đèn hồng ngoại, sóng ngắn, điện phân, đắp dầu paraphin… Có thể dùng các biện pháp như tác động cột sống, kéo giãn cột sống trong điều trị bệnh. Một vài tuần đầu tiên, khi tổn thương thoát vị đĩa đệm còn mới chưa bị xơ hóa, việc tác động cột sống làm giãn các mâm sống và dịch chuyển phần đĩa đệm bị lồi trở lại vị trí bình thường. Kéo giãn cột sống bằng dụng cụ cũng có tác dụng tương tự, chỉ định cho lồi hoặc thoát vị đĩa đệm. Mặc áo nẹp cột sống có tác dụng cố định tạm thời, hạn chế các động tác lên vùng cột sống tổn thương, qua đó giảm lực tác động lên đĩa đệm.
Biện pháp dùng thuốc bao gồm các thuốc giảm đau đơn thuần như paracetamol; giảm đau chống viêm không steroid như diclofenac, meloxicam… uống, tiêm hoặc bôi tại chỗ. Lưu ý các thuốc trên dùng đường toàn thân có thể ảnh hưởng tới dạ dày, chức năng gan, thận… Các thuốc giãn cơ như mydocalm, myonal được chỉ định trong trường hợp co cứng cơ cạnh cột sống. Có thể bổ sung các thuốc bổ thần kinh như vitamin B1, B6, B12; các thuốc giảm đau thần kinh như neurontin. Nhìn chung không có chỉ định dùng thuốc giảm đau chống viêm loại steroid như prednisolon, dexamethason… đường toàn thân vì có nhiều tác dụng phụ. Một số trường hợp hãn hữu như đau nhiều không đáp ứng với các biện pháp trên, đặc biệt kèm phù tủy có thể methylprednisolon đường tĩnh mạch liều cao, ngắn ngày, giảm liều nhanh nhưng phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và phải được theo dõi chặt chẽ các biến chứng. Đối với đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, có thể áp dụng biện pháp dùng thuốc tại chỗ là tiêm ngoài màng cứng bằng hydrocortison với liệu trình mỗi đợt 3 mũi, mỗi mũi cách nhau 3-7 ngày cũng cho hiệu quả giảm đau khá tốt. Tuy nhiên, việc tiêm ngoài màng cứng phải được thực hiện tại cơ sở chuyên khoa khớp có kinh nghiệm, trong điều kiện tuyệt đối vô khuẩn.
Gần đây, người ta bắt đầu sử dụng tia laser, sóng radio qua da để điều trị đau do thoát vị đĩa đệm. Đây là các phương pháp an toàn, tuy nhiên chỉ có hiệu quả khi chỉ định trong những trường hợp nhẹ, nhân nhầy mới chỉ lồi vào ống sống và không có các tổn thương kèm theo như gai xương, xẹp trượt đốt sống, hay phối hợp dày dây chằng vàng.
Phương pháp phẫu thuật ngoại khoa được chỉ định trong các trường hợp sau: thoát vị đĩa đệm gây hội chứng đuôi ngựa (biểu hiện bí đại, tiểu tiện, mất cảm giác đau xung quanh hậu môn và bộ phận sinh dục); có liệt chi; đau quá mức, các thuốc giảm đau không hoặc rất ít tác dụng; sau khoảng 6 tháng áp dụng các biện pháp điều trị nội khoa không có kết quả. Phẫu thuật nhằm giải phóng rễ thần kinh khỏi bị chèn ép. Bao gồm các biện pháp: Kinh điển là mổ cắt cung sau lấy bỏ khối thoát vị – nhìn chung là can thiệp rộng, nhiều biến chứng về sau, đặc biệt là tái phát đau do vết mổ cũ xơ dính. Về sau, các kỹ thuật được cải tiến hơn như phẫu thuật mở nhỏ (mini- open); cắt bỏ đĩa đệm qua da; mổ nội soi lấy nhân thoát vị; mổ nội soi hút nhân nhầy… Trường hợp tổn thương có trượt đốt sống phối hợp gây mất vững có thể cố định cột sống bằng khung kim loại. Phẫu thuật thay đĩa đệm mới nhìn chung ít được chỉ định.
Phòng thoát vị đĩa đệm
Cần rèn luyện để đạt được cơ thể khỏe mạnh và đặc biệt là một cột sống vững chắc ngay từ tuổi trẻ bằng chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Giữ gìn tư thế cột sống đúng trong lao động, học tập cũng như sinh hoạt hàng ngày; tránh cúi người khiêng vác vật nặng; tránh mọi chấn thương cho cột sống
Chữa trị bằng các biện pháp kết hợp
Chế độ vận động: trong thời kỳ cấp tính, nằm nghỉ tại giường là nguyên tắc quan trọng đầu tiên. Tư thế nằm ngửa trên ván cứng, có đệm ở vùng khoeo làm co nhẹ khớp gối và khớp háng.
Điều trị vật lý và các liệu pháp phản xạ: bao gồm phương pháp nhiệt như chườm nóng (túi nước, muối rang, cám rang, lá lốt, lá ngải cứu nóng); dùng các dòng điện tại khoa vật lý trị liệu, điều trị bằng laser; châm cứu.
Dùng thuốc: chủ yếu là dùng các loại thuốc chống viêm, giảm đau, giãn cơ, an thần, trấn tĩnh thần kinh và vitamin nhóm B liều cao (B1, B6, B12). Các thuốc này đều có những chống chỉ định nên phải do thầy thuốc chuyên khoa sử dụng.
Các biện pháp điều trị đặc hiệu khác đều phải điều trị nội trú tại các trung tâm chuyên khoa thần kinh và phẫu thuật thần kinh.
Bệnh thoát vị đĩa đệm chữa bằng biện pháp chiếu tia hồng ngoại hoặc mát xa bằng máy có được không?
Bạn cần phải hiểu được rằng dù chiếu tia hồng ngoại hay mát xa bằng máy, thì bệnh thoát vị đĩa đệm vẫn như vậy không hề biến mất. Đĩa đệm bị trượt không thể về vị trí cũ. Chỉ có tác dụng giảm đau tại các vùng đó tạm thời. Cho nên nếu bạn đứng, ngồi, làm việc đúng tư thế sẽ có lợi hơn nhiều so với việc chiếu tia hồng ngoại hay mát xa.
Tôi bị thoát vị đĩa đệm thì có nên phẫu thuật hay không?
Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm tuỳ theo mức độ của từng người mà bác sĩ sẽ quyết định có cần tiến hành phẫu thuật hay không. Đối với thoát vị mức độ nhẹ có thể tập luyện theo các bài tập đặc biệt để đĩa đệm không thoát vị thêm. Nếu bệnh nhân đã bị thoát vị ở mức độ gây chèn ép vào dây thần kinh thì phẫu thuật là phương pháp giúp bệnh nhân giảm chèn ép và tránh các biến chứng do thoát vị gây ra.
Khi phẫu thuật thay đĩa đệm bằng phương pháp sử dụng đĩa đệm nhân tạo thì sau bao lâu bệnh lại tái phát và thời gian sử dụng đĩa đệm nhân tạo là bao nhiêu lâu?
Đĩa đệm nhân tạo được cấu tạo bằng hợp chất đặc biệt nên có thể sử dụng trong thời gian dai, có thể là 15, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Tỉ lệ tái phát đối với đĩa đệm đã thay thế là rất thấp, dưới 5%.
Tỉ lệ thành công của phương pháp thay đĩa đệm cột sống bằng vật liệu nhân tạo là bao nhiêu phần trăm?
Tỉ lệ thành công là 80 – 90 % nếu như bệnh nhân được quyết định phương pháp điều trị đúng.
Chữa thoát vị đĩa đệm qua da
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thạch, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Việt Đức cho biết, phẫu thuật chữa thoát vị đĩa đệm là phương pháp can thiệp tối thiểu nhất nên an toàn tuyệt đối và không để lại biến chứng.
Bác sĩ sẽ sát trùng vùng da bên ngoài, xác định trên X-quang về đĩa đệm cần điều trị rồi dùng một kim có đường kính 1,5mm chọc vào lòng đĩa đệm, hút phần đĩa đệm bị thoát vị. Việc này có tác dụng làm giảm áp lực lên đĩa đệm khiến phần thoát vị co lại.
Vì chỉ thực hiện qua da, nên phương pháp này không hề ảnh hưởng tới cấu trúc độ vững của cột sống và ít xâm lấn vào các vùng mô mềm khác, bệnh nhân có thể ra viện sau 1-3 giờ điều trị.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Thạch, phương pháp này chỉ định khá hạn chế, áp dụng với những trường hợp bị thoát vị ở giai đoạn từ 2 đến 3 trong 4 giai đoạn bệnh thoát vị đĩa đệm, khi bệnh nhân dùng thuốc không hiệu quả nữa nhưng bệnh chưa quá nặng, bao xơ không bị rách.
Hiện đã có hàng chục bệnh nhân được áp dụng cách chữa này và đều có kết quả tốt.
Tiến sĩ Thạch cho biết, thoát vị đĩa đệm là một bệnh khá phổ biến, thường do quá trình lão hóa hay bị chấn thương. Tại Bệnh viện Việt Đức đã áp dụng nhiều phương pháp chữa bệnh này hiệu quả như thay đĩa đệm nhân tạo, điều trị bằng sóng cao tần, mổ nội soi…
Điều trị TVĐĐ thắt lưng
Tùy thuộc mức độ nặng – nhẹ (chủ yếu căn cứ vào lượng nhân nhầy thoát ra nhiều hay ít và mức độ chèn ép thần kinh), các thầy thuốc sẽ dành cho bệnh nhân những can thiệp vừa phải trước, sau đó tùy tình hình sẽ lựa chọn biện pháp triệt để hơn. Lần lượt gồm có:
– Kéo giãn cột sống thắt lưng bằng giường kéo:
Mục đích làm giảm áp lực đè lên các đốt sống thắt lưng mở đường cho nhân nhầy quay trở lại vị trí cũ. Giường kéo là một thiết bị chuyên dụng nhưng không phức tạp lắm, áp dụng nguyên lý đơn giản là cố định phần trên thân thể, phần dưới nối với hệ thống ròng rọc có treo quả cân nặng để duy trì lực kéo thường xuyên và từ từ. Trọng lượng quả cân sẽ tăng dần theo thời gian, đôi khi người ta dùng chính sức nặng của bệnh nhân làm lực kéo (nằm trên giường dốc xuống).
Ngoài ra, các thầy thuốc còn thêm vài trợ giúp như xông hơi thuốc, áp nhiệt, chiếu tia hồng ngoại, xung điện… nhằm mục đích giãn cơ, giảm đau. Mọi chi tiết về chỉ định, kỹ thuật, thời gian kéo sẽ được áp dụng cụ thể cho từng bệnh nhân. Những trường hợp thoát vị bán cấp hay mạn tính thường là lựa chọn của biện pháp này.
– Tiêm nội đĩa đệm:
Tác động vào chính ĐĐ với mong muốn thu nhỏ hay tiêu hẳn khối thoát vị để giảm áp lực căng phồng, giải phóng sự chèn ép của nó vào thần kinh. Biết được thành tố chính của nhân nhầy là một loại protein, nhiều chất tiêu đạm thịnh hành được mang ra dùng như chymopain (trích xuất từ một giống đu đủ), collagenase (men tiêu collagen)… Tuy có vẻ khả thi nhưng cho đến nay, nhiều thầy thuốc thường e dè biện pháp này vì những tai biến sốc phản vệ nguy hiểm. Gần đây, người ta đã tính đến việc tiêm máu tự thân của chính bệnh nhân vào ĐĐ với cùng mục đích trên nhưng có thể tránh được hiện tượng phản vệ.
– Phẫu thuật đĩa đệm:
Lựa chọn sau cùng có tính triệt để, nhất là sau khi các biện pháp bảo tồn thất bại, mở đường vào thẳng ĐĐ và lấy đi khối thoái vị.
– Laser điều trị:
Rất may là “cánh tay” ngày càng dài ra của laser đã vươn tới lĩnh vực điều trị TVĐĐ, triển khai vào thập niên 80 và ngày càng thâu tóm mọi ưu điểm mà các thầy thuốc mong muốn. Không ngoài cung cách phá hủy cấu trúc nhân nhầy giải phóng chèn ép (laser điều trị giảm áp đĩa đệm cột sống xuyên da – Percutaneous Laser Disc Decompresion – PLDD), các bác sĩ dùng kim chuyên dụng chọc vào ĐĐ và gửi theo nó một sợi quang học dẫn đường năng lượng bức xạ từ máy phát laser (loại Nd-YAR) vào khởi hoạt hiện tượng quang động làm bốc cháy và bay hơi một phần nhân nhầy.
Ít tai biến, không “động dao, động kéo” nhiều, thời gian hồi phục nhanh, PLDD thường được chỉ định trong khá nhiều trường hợp, trừ khi kèm theo thoát vị là nhiều tổn thương nặng nề khác như rách dây chằng ĐĐ, khối thoát vị quá to hay có các bất thường của cột sống liên quan… thì không còn cách nào khác là phẫu thuật để giải quyết trọn gói.
Sau cùng, biện pháp nội khoa hỗ trợ như giảm đau, giảm cứng cơ, vật lý trị liệu… luôn được áp dụng song song. Với các cứu cánh trên cùng với sự hợp tác tích cực của bệnh nhân, đa số các trường hợp đau thắt lưng do TVĐĐ đều đạt kết quả khả quan. Vấn đề còn lại là thời gian, tổn phí nằm viện… có thể trở thành trở ngại lớn với bệnh nhân nghèo là một trong những đối tượng mà bệnh đau thắt lưng hay “viếng thăm” nhất.
{tab=Lời khuyên}
Do bệnh tồn tại trong khoảng thời gian dài mà không ảnh hưởng gì đến chức năng cơ thể, cũng như không gây khó chịu đáng kể nên có không ít người nhầm tưởng bệnh thoát vị không nguy hiểm. Thực tế điều trị đã ghi nhận có trường hợp bị biến chứng nặng, tử vong do chậm trễ điều trị.
Các loại thoát vị vùng bụng
Thoát vị là từ dùng để chỉ tình trạng một bộ phận nào đó của cơ thể bị đẩy ra khỏi vị trí bình thường được giới hạn của nó trong cơ thể. Tình trạng này làm ảnh hưởng đến cấu trúc hay chức năng của bộ phận đó hoặc các bộ phận khác. Ở vùng bụng có thể có những loại thoát vị sau:
Thoát vị thành bụng: một chỗ thành bụng có lớp cân cơ bị hở hoặc yếu (do vết sẹo mổ hoặc chấn thương, do bẩm sinh) làm ruột hoặc mỡ chài lòi ra qua chỗ yếu này và đội da bụng phồng lên thành một khối.
Thoát vị rốn: rốn là một sẹo tự nhiên của cơ thể. Nếu sau khi cuống rốn rụng, sự lành sẹo chỉ xảy ra ở lớp da, còn lớp cân cơ thì không liền sẹo chắc, sẽ xảy ra thoát vị qua chỗ yếu này (kiểu thoát vị thành bụng). Trẻ nhỏ khóc nhiều, ho nhiều làm tăng áp lực ổ bụng là điều kiện thuận lợi để bị thoát vị rốn.
Thoát vị bẹn: dân gian còn gọi là bệnh ruột thòng, sa ruột. Trong bệnh này, chỗ yếu của thành bụng là vùng bẹn, ruột và mỡ chài chui qua đó, có thể xuống đến bìu. Đây là loại thoát vị thường gặp nhất do bẹn là vùng mà cơ thành bụng không bao bọc kín, vì phải cho thừng tinh đi qua từ bụng xuống bìu, mỗi người đều có đến hai bẹn (phải và trái).
Thoát vị đùi: là thoát vị qua “lỗ đùi”, phồng ra vùng đùi ngay dưới nếp bẹn.
Ngoài ra còn phải kể đến “thoát vị bên trong” là thoát vị qua các khe, lỗ bẩm sinh hay mắc phải bên trong ổ bụng. Bệnh không biểu hiện thành khối phồng lên ngoài thành bụng, nên bệnh nhân hoàn toàn không hay biết trước khi có các biến chứng xảy ra.
Cảnh giác khối phồng bất thường
Ngoài loại thoát vị bên trong, các loại thoát vị còn lại rất dễ nhận biết bởi sự xuất hiện một khối phồng lên bất thường ở các vị trí thành bụng, tương ứng với chỗ thoát vị. Khối này mềm, lùng nhùng, không đau hay chỉ cảm giác tưng tức nếu không bị biến chứng nghẹt. Khi đi đứng, ho rặn thì khối thoát vị xuất hiện và to ra. Khi nằm nghỉ thì tự nhỏ lại hoặc biến mất. Đôi khi phải dùng tay đẩy ép mới đẩy được khối thoát vị biến vào trong bụng. Các vị trí thoát vị thường là vùng bẹn một hay hai bên, có thể xuống bìu, vùng rốn, vùng vết mổ ở bụng. Nếu tồn tại lâu, khối thoát vị có thể bị kẹt lại và lúc nào cũng phồng, không đẩy xẹp được. Trường hợp biến chứng nghẹt thì bệnh nhân rất đau ở khối thoát vị, kèm theo có thể có những biểu hiện tắc ruột như đau quặn bụng, nôn ói, bí trung đại tiện, trướng bụng. Nặng hơn nữa có thể nhiễm trùng, nhiễm độc và choáng.
Bệnh thoát vị có thể tồn tại trong khoảng thời gian dài mà không ảnh hưởng gì đến chức năng cơ thể và không gây khó chịu đáng kể. Tuy nhiên, không sớm thì muộn sẽ gây ra những hậu quả ở những mức độ khác nhau. Khối thoát vị lớn dần theo thời gian gây cảm giác căng tức và vướng víu khó chịu trong sinh hoạt. Khối này kẹt không xẹp xuống được mà lúc nào cũng phồng to, gây khó chịu và mất thẩm mỹ. Biến chứng nghẹt là hậu quả nghiêm trọng nhất, gây hoại tử thành phần bên trong túi thoát vị (ruột, mỡ chài) làm bệnh nhân đau dữ dội, và thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không phẫu thuật cấp cứu kịp thời.
Có chữa khỏi thoát vị?
Điều trị khỏi bệnh thoát vị chỉ có một chọn lựa duy nhất là phẫu thuật. Những trường hợp có chống chỉ định phẫu thuật không thể mổ (bệnh nhân có bệnh khác quá nặng, thể trạng quá suy kiệt, rối loạn đông máu bẩm sinh…) thì không chữa khỏi mà chỉ dùng những biện pháp giảm nhẹ như mặc quần thun ôm sát vùng bẹn nếu thoát vị bẹn, mang đai bụng nếu thoát vị thành bụng, hạn chế gắng sức, điều trị các chứng bệnh gây tăng áp lực bụng.
Ngoại trừ biến chứng nghẹt phải mổ cấp cứu, bệnh thoát vị không cần phải mổ gấp. Tuy nhiên, bệnh không thể chữa khỏi nếu không phẫu thuật nên cần phải mổ càng sớm càng tốt. Nếu để lâu, khối thoát vị sẽ lớn dần và khó phẫu thuật hơn, chưa kể nguy cơ biến chứng nghẹt có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Nên mổ mở hay mổ nội soi?
Ngày xưa có rất nhiều phương pháp phẫu thuật thoát vị bẹn, bụng theo kỹ thuật mổ mở. Tuy nhiên, các phương pháp này đều có một hạn chế chung là tỷ lệ tái phát khá cao, từ 5 – 10%. Hiện nay, nhờ công nghệ tiên tiến chế tạo ra các mảnh ghép nhân tạo để đặt vào diện yếu của vị trí thoát vị, kết quả phẫu thuật cải thiện hơn nhiều. Đặt các mảnh ghép này có thể qua phẫu thuật mở hoặc nội soi.
Mổ nội soi ngoài ưu điểm sẹo mổ nhỏ, ít đau, mau bình phục còn có ưu điểm nổi bật là không có tái phát nếu mổ đúng kỹ thuật. Đa số trường hợp đều có thể mổ nội soi, ngoại trừ trẻ em và các trường hợp thoát vị kẹt hoặc nghẹt. Mổ mở cũng rất nhẹ nhàng và kết quả tốt ở trẻ em.
{tab=Vật lý trị liệu}
{/tabs}
benhvathuoc.com