Căng cơ và Bong gân

1656

Căng cơ & bong gân là gì?
Cơ luôn co & dãn trong mọi hoạt động của Bạn. Căng cơ quá mức là tình trạng các thớ cơ căng dãn hơn bình thường, vượt quá giới hạn chịu đựng của cơ. Căng cơ thường thấy ở những nơi có các vận động xoay tròn hoặc uốn cong như ở vùng thắt lưng, cổ, tay & chân.

Các đầu xương thì liên kết với nhau bằng các khớp xương. Nhiệm vụ của khớp xương là làm cho các vận động theo nhiều chiều & phối hợp phong phú các vận động đó, nó cũng có chức năng làm giảm chấn động lên các đầu xương khi ta hoạt động. Các bó sợi có tính đàn hồi, có mức căng dãn cao dùng để nối 2 đầu xương ở mỗi khớp- gọi là dây chằng. Bong gân là tình trạng các dây chằng này căng dãn quá mức gây ra tình trạng tổn thương và sưng phù, khi ấy dây chằng không thể hoàn thành nhiệm vụ như đã nêu trên. Một số khớp thường bị bong gân như khớp vai, khớp cùi chỏ, khớp gối & nhất là khớp cổ tay & mắt cá chân.

Sự khác biệt giữa căng cơ & bong gân:

Mặc dù cả hai đều có thể gây cho chúng ta đau rất nhiều, tuy nhiên căng cơ thì không có nghiêm trọng bằng bong gân. Căng cơ là chứng đau ở các bắp thịt, có thể khởi đau tức khắc hoặc là sau đó vài giờ. Các vùng bị đau có khuynh hướng bị sưng lên và cũng có thể xuất hiện những vết bầm tím. Bong gân gây đau ngay tức khắc, nơi bị bong gân sưng phồng lên và trông có vết bầm tím, gây ra khó khăn trong vận động và thậm chí các đầu xương có thể đã bị lệch ra khỏi ổ khớp hoặc đã bị gãy, mẻ.

Bạn bị căng cơ & bong gân như thế nào?

Chứng căng cơ xảy ra khi Bạn dồn ép nhiều sức lực vào một bắp thịt hoặc là Bạn ra sức để với lấy một vật gì đó quá xa, hoặc khi nâng nhấc một vật nặng. Chứng căng cờ thường xảy ra nhiều hơn khi Bạn không trải qua khâu làm nóng cơ thể trước những lần vận động nặng. Bạn không chơi thể thao trong một khoảng thời gian dài & một hôm nào đó hứng khởi chơi quá mức trở lại có thể gây ra chứng chứng căng cơ. Hay nói khác đi, chứng căng cơ thường xảy ra đối với các vận động viên thể thao vừa mới trở lại tập luyện sau một thời gian nghỉ tập. Bong gân thường xảy ra do chấn thương, chẳng hạn như bị trặc mắt cá chân. Dạng chấn thương này thường gặp trong lúc chơi các môn thể thao, tuy nhiên nó cũng có thể xảy ra khi bất chợt Bạn bị té ngã. Trật mắt cá chân cũng thường thấy do hụt hẩn đột ngột khi bước vào một nơi mất thăng bằng như cổ chân bị vẹo sang một bên khi mang giày cao gót, hoặc bước trượt bậc cầu thang, …

Bạn nên làm gì khi bị căng cơ hoặc bong gân?

Ngừng mọi hoạt động lại ngay lập tức. Không được phép vận động bằng vùng cơ hoặc vùng gân đang bị tổn thương. Có nghĩa là không được đi bằng chân đang bị trật mắt cá, hoặc sử dụng tay đang bị trật cổ tay để cầm vật nặng. Nhờ sự giúp đỡ bởi người lớn xung quanh. Sau đó, tốt nhất nên đi thăm khám BS vì Bạn không thể cảm nhận được khi nào thì bong gân, khi nào có kèm theo gãy xương hay không.

BS xử trí như thế nào?

Trước tiên BS sẽ khám chổ bị đau. Những đặc tính về chổ đau có thể được BS ghi nhận như tình trạng sưng phù, tình trạng xuất huyết có kèm theo hay không, hoặc tình trạng có bị giới hạn vận động hoặc tình trạng rối loạn cảm giác có xuất hiện hay không. Trong một vài trường hợp BS yêu cầu cần được chụp phim X–quang để xem xương có bị gãy hay không.
Sau khi thăm khám BS, Bạn nên làm gì?

Tuân theo những lời chỉ dẩn của BS là một điều rất quan trọng. Khi mà Bạn đã rời Bệnh viện về nhà hãy luôn nhớ chữ RICE. Ở đây chúng ta không nói về lương thực, gạo mà chúng ta nói về 4 biện pháp phối hợp để chăm sóc tốt nhất cho chổ đau.

RICE được viết tắt từ Rest, Ice, Compression & Elevation

Rest: Hãy để chổ bị đau nghỉ ngơi hoàn toàn bằng cách đừng dùng các cơ vùng bị đau cho các hoạt động thường nhật.
Ice: Chườm nước đá hoặc bó chổ bị đau lại bằng băng lạnh. Cách này sẽ gíúp cho chổ bị sưng phồng xẹp xuống.
Compression: Băng ép vết thương lại bằng một dải băng có tính đàn hồi. Khi chổ đau đã được quấn băng chắc chắn nó sẽ giúp tránh được sự sưng phồng lên.
Elivation: Nâng cao hay đưa cao chổ cơ thể bị đau tạo cho nó có vị trí cao hơn tim của Bạn để làm giảm sưng phù. Ví dụ nếu bị bong gân khớp cổ tay, có thể đeo tay cao hơn ngực trái khi đứng, hoặc gác tay lên gối khi nằm ngủ. Nếu bị trật mắt cá chân, có thể kê gối cao ở gót chân khi nằm và hạn chế đi lại.

Sau 24 giờ, Bạn đã có thể dùng băng gạc ấm hay là miếng dán có nhiệt để làm dịu chổ cơ bắp đang bị đau. Phải triệt để tuân thủ dùng tất cả thuốc mà BS đã ra toa cho Bạn. Chứng căng cơ kéo dài khoảng một tuần lể. Tuy nhiên một cú bong gân trầm trọng có thể kéo dài lâu hơn, nó có thể gây đau kéo dài từ 03 đến 04 tuần, hoặc thậm chí lâu hơn nữa để hết đau. Trong lúc đang bị bong gân hay khi đang chờ cho lành bong gân hãy để cho nó tự nhiên và chớ có làm những điều rồ dại để rồi có thể gây ra một chứng đau khác. Nếu Bạn đã đi khám BS để khám chổ bị trặc gân, thì Bạn phải đi khám thường xuyên để theo dỏi và chắc chắn rằng tất cả đều đã lành hết. Khi tất cả chổ đau bong gân của Bạn đã lành hết thì BS sẽ bật đèn xanh cho phép Bạn làm trở lại những hoạt động theo sở thích của Bạn.