Cây Gió bầu

2295

Cây gió bầu

(Aquilaria crassna Pierre ex Lecomte hoặc Aquilaria agallocha Roxb.)

Là loại có khả năng tụ trầm cao.

– Họ: Thymeleaceae.

– Bộ: Thyméales.

– Lớp: Song-tử-diệp

– Ngành: Hiển hoa (bí tử)


Trên thế giới, có khoảng 25 loại Dó Bầu chỉ mọc rải rác ở các nước Ðông Dương.

Cây Dó Bầu sống lâu năm, thuộc loại thân gỗ, cao 30-40m, vỏ xám, có xơ.

Lá mọc so le, thuôn hay bầu dục ngọn giáo, nhọn ở gốc, thon hẹp ở đầu, dài 8 – 10 cm, rộng 3,5 – 5,5 cm, có mép phồng lên thành vòng, mặt trên màu lục, sáng bóng, nhẵn, mặt dưới nhạt hơn có lông mềm. Hoa thành chùm hay thành tán, nách lá có lông.

Quả khô, loại quả nang, hình quả lê có lông lún phún, dài 4cm, rộng 3cm, dày 2cm. Hạt chỉ có 1 phần chính ở trên dạng nón và phần kéo dài ở dưới, vỏ ngoài hoá gỗ, bên trong mềm. Cây thường ra hoa kết quả từ tháng 3 đến tháng 6.

Gỗ cây Dó Bầu có khả năng hình thành một loại sản phẩm đặc biệt gọi là Trầm Hương, do cây bị bệnh hoặc bởi tác động bên ngoài. Căn cứ vào sự tụ nhựa nhiều hay ít để tạo Trầm mà có những sản phẩm khác nhau: Tóc, Trầm Hương hay Kỳ Nam.

Tóc: Do sự biến đổi một phần chất gỗ, hình thành những đường đen như sợi tóc (lượng tinh dầu ít, thường dùng làm nhang đốt)

Trầm Hương: Do sự phân hóa không trọn vẹn của các phần tử gỗ, ngấm tinh dầu Trầm nhiều hơn Tóc, có màu nâu, hay sọc đen. Loại càng tốt thì ít nổi trong nước (trầm = chìm).

Kỳ Nam: tốt nhất, do sự biến đổi hoàn toàn của các phần tử gỗ, thấm nhiều tinh dầu Trầm, có màu nâu đậm, đen, xanh, vàng hay trắng. Kỳ Nam nặng, chìm trong nước, có vị đắng, thường hình thành ở phần lõi của cây trầm.

Theo nghiên cứu của Cty Dó Bầu Hương thì cây Dó bầu là loại này có khả năng tụ Trầm chất lượng cao nhất: Kỳ nam, Trầm loại 1, 2.

Dó Bầu Hương là một chọn lựa sáng suốt nhất khi nhân rộng mô hình trồng cây Dó vì những tính ưu việt của chúng:

(1) Tụ trầm chất lượng cao hơn các giống Dó Bầu khác gấp hai, gấp ba lần, do đó đem lại một nguồn siêu lợi nhuận cho người đầu tư.

– Dó Bầu Hương sẵn chứa một nguồn tinh dầu với hương thơm đặc biệt quyến rũ các loại côn trùng, vi sinh, vi nấm. Chúng thích cộng sinh và phát triển trong thân cây, thuận lợi cho việc tăng tiết một số chất cần thiết để kích thích sự tụ Trầm.

– Dó Bầu Hương có thớ gỗ mềm hơn các loại Dó Bầu khác, giúp các côn trùng dễ đục khoét, các vi sinh vật khác dễ tạo vết thương nơi thân cây, mộc tố dễ bị thoái biến khi tinh dầu Trầm tích tụ. Ðó yếu tố thuận lợi cho việc kết Trầm chất lượng cao.

(2) Phát triển nhanh khi di thực vào vườn hộ vì thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Việt Nam, nhất là vùng cao nguyên và đất đỏ bazan.

(3) Có khả năng tái sinh cao: Trồng một lần, hưởng nhiều đời vì cây cho thu hoạch qua nhiều chu kỳ (7-8 lần, chồi tái sinh phát triển thành cây mới sau khai thác trầm và chừa lại gốc). Gốc để lại lâu năm còn cho được Trầm chất lượng cao đặc biệt.

(4) Bảo vệ tốt sức khỏe con người: nhờ tinh dầu có chứa chất định hương và nguồn dược liệu quan trọng.

(5) Có thể tận dụng tất cả các thành phần của cây từ cành, lá, gốc, rễ, ngọn để chế biến nhang trầm, dược liệu và các nhu yếu phẩm khác như trà hương (bổ thần kinh, sức khỏe), kẹo ngậm sát trùng, dầu gội, xà bông sát khuẩn, sữa tắm, kem đánh răng, thuốc hút v.v.

Như vậy nếu vùng nguyên liệu cây Dó rộng lớn, chỉ sau vài ba năm là có thể thu mua lá Dó (cho người dân nghèo có thu nhập sớm) để chế biến các nhu yếu phẩm trên.

Cây gió bầu

Trầm hương và Kỳ Nam

1. Trong nguồn tài nguyên rừng, trầm hương và kỳ nam (gọi tắt là trầm kỳ) là hai loại lâm đặc sản có giá trị kinh tế lớn nhất. Trầm hương và kỳ nam là phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó bầu mọc hoang trong những cánh rừng già Trung bộ. Cây dó có 2 loại: dó bầu (tên khoa học là Aquilaria agallocha) và dó gạch hay còn gọi là dó niệt (Aquilaria malaccensis). Dó gạch cũng cho trầm nhưng mùi thơm nồng, hắc, có vị tanh và giá trị thấp. Chỉ có dó bầu mới cho ta trầm tốt và kỳ nam. Cây dó bầu cao từ 10m – 40m, vỏ xám, thân thẳng ít nhánh. Dó bầu là loài cây ưa ẩm, chịu bóng râm, thường phân bố trên độ cao từ 300 – 600 mét so với mặt biển. Không phải bất kỳ cây dó bầu nào cũng tạo thành trầm hương. Cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào làm sáng tỏ một cách rốt ráo cơ chế hình thành trầm hương trong cây dó bầu. Về nguyên nhân tạo trầm kỳ của cây dó, có nhiều giả thuyết khác nhau.

Từ thế kỷ XVIII, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) đã viết trong sách “Phủ biên tạp lục”: “Hương ấy là do ở ruột cây dó kết thành. Dó có ba loại: dó lưỡi trâu thì thành khổ trầm, dó niệt thì thành trầm hương, dó bầu thì thành kỳ nam hương. Người ta thấy cây già lá vàng mà nhỏ, thân nhiều u bướu, thì biết ngay là có hương, chặt mổ để lấy”. Gần đây, khi trầm hương có giá trị xuất khẩu cao trên thị trường thế giới, đã có nhiều công trình khoa học đề cập đến hương liệu quý này. Đa số các nhà nghiên cứu cho rằng trầm hương là một sản phẩm do bệnh lý cộng sinh với tế bào gỗ tạo thành. Dân đi điệu (đi tìm trầm) chuyên nghiệp cũng cho rằng muốn xác định cây dó bầu có trầm hay kỳ thì trước hết nhìn mặt bì (vỏ) cây dó đó. Mặt bì có dạng kết cấu như thế nào đó thì bên trong mới có trầm kỳ. Người ta nghiệm rằng trên cây dó nơi nào có những chỗ lõm vào hoặc lồi ra mà da cây khô nứt, nổi lên những chấm màu tím, đỏ nâu là dấu hiệu có kỳ nam. Như vậy, mặt bì có thể là một lớp nấm cộng sinh ở vỏ cây báo hiệu bên trong thân cây đã có trầm kỳ.

Sự hình thành trầm hương có liên quan chặt chẽ tới cấu trúc di truyền của loài, tuổi cây và một loạt các tiêu chí sinh thái khác như cường độ chiếu sáng, nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm, thành phần đất đai… Về nguyên lý, để cây dó tạo thành trầm phải có hai yếu tố:

– Chấn thương cơ giới mạnh, như bị mảnh bom đạn khi nổ găm vào thân cây, hoặc do con người dùng rìu, rựa chặt sâu vào thân cây, những lỗ hổng lớn do sâu bệnh đục khoét, hoặc những vị trí gãy cành, gãy ngọn do gió bão gây ra, hoặc những vị trí tỉa cành tự nhiên của cây.

– Tại những nơi chấn thương ấy, sau một thời gian dài từ 10 – 15 năm, dưới tác đông mỗi ngày một ít của những chỉ tiêu sinh thái vừa kể trên, những bào tử sẵn có nằm trong không gian môi trường tác động vào vết thương gây ra những phản ứng hóa học bên trong cây dó và từ đó tạo thành trầm hương, tùy theo mức độ tác động mà cho ta trầm tốt hay xấu.

Trong thực tế, không phải vết thương nào trên cây dó cũng tạo trầm, nhưng cách lý giải này xem ra có độ xác thực hơn cả, chẳng thế mà xưa nay những những người đi điệu khi gặp những cây dó bầu chưa ăn trầm, đã biết tác động vào nó bằng cách chém vài nhát rìu sâu vào rễ, thân hoặc nhánh cây- là những nơi có nhiều khả năng tạo trầm- để tạo ra vết thương, với hy vọng sau đó một thời gian cây sẽ được tạo trầm.

2. Người Việt đã biết tìm kiếm, khai thác và sử dụng trầm kỳ từ bao giờ, đến nay chưa tìm được tài liệu nào xác minh rõ, nhưng chắc chắn đã từ rất lâu đời. Sử sách còn ghi lại rằng trong số những đặc sản, báu vật mà Nhà nước phong kiến xâm lược phương Bắc trực tiếp vơ vét hoặc bắt dân ta cống nạp hàng năm, có trầm hương bên cạnh ngà voi, tê giác, ngọc trai, yến sào, chim sâm cầm… Sách “Thiên nam dư hạ tập” (có thể xem như một bộ từ điển bách khoa của người Việt ở thế kỷ XV) chép rằng hai nguồn Trà Đình, Ô Kim huyện Bồng Sơn; thôn Nha Ca, nguồn Cầu Bông, huyện Phù Ly và huyện Tuy Viễn đều hàng năm cống kỳ nam hương, tức là thứ ấy.

Trầm hương

 

 

Cách phân loại trầm kỳ từng được người xưa xem xét ti mỉ, kỹ lưỡng. Cũng sách “Phủ biên tạp lục” (soạn năm 1776) của Lê Quý Đôn ghi rõ: “Kỳ nam hương xuất tự đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh xứ Quảng Nam là thứ tốt nhất, xuất tự Phú Yên và Quy Nhơn là thứ hai…Họ Nguyễn trước đặt đội Am sơn, hàng năm cứ tháng hai thì đi tìm kiếm, tháng sáu thì trở về, số lượng nhiều ít không nhất định, lấy sắc sáp trắng là tốt nhất, sắc xanh đầu vịt là thứ hai, sắc sáp xanh là kém nữa, sắc sáp vàng lại càng kém nữa, sắc như vằn hổ thì kém nhất; lấy chất mềm như phấn đông, có thể cắt thành miếng là hạng tốt nhất, bền rắn là hạng xấu. Tục ngữ nói: “Nhất bạch, nhị thanh, tam hoàng, tứ hắc”. Muốn phân biệt trầm với kỳ nam thì lấy hình, chất, khí vị mà phân biệt. Trầm hương thì cứng, nặng, ít thơm, sắc nhạt, vị đắng;, kỳ nam thì mềm nhẹ, có hơi dầu, thơm mát, vị gồm đủ cay ngọt, chua, đắng; đốt trầm hương thì khói kết xoáy rồi sau mới tan, đốt kỳ nam thì hơi khói lên thẳng mà dài. Trầm hương chỉ có thể giáng khí, kỳ nam có thể trị trúng phong, đàm suyễn, cấm khẩu, mọi chứng, mài vào nước mà rỏ và đốt khói cho hơi hương vào mũi thì tỉnh lại ngay. Đau bụng đầy tức thì ngậm là khỏi ngay. Lại có thể trừ được tà khí, uế khí, nên trong chỗ hành dịch, hành quân không thể không dùng. Kiêng nhất là bọc giấy, nên chứa vào đồ sứ hay đồ thiếc, rồi lấy bẹ chuối bọc vào cho kín, phơi giữa chỗ mặt trời, đến chiều lấy ra thì nước dầu tiết ra. Cũng không nên phơi luôn”.

Hiện nay, việc phân loại trầm kỳ vẫn còn mang tính cảm quan, chưa có tiêu chuẩn nào đánh giá cho thật đúng phẩm cấp của từng loại. Dân gian thường chia trầm hương làm nhiều loại: trầm kiến – có lỗ có hang do kiến đục làm tổ trước khi cây thành trầm; trầm rễ – do rễ cây sinh ra; trầm tốc – ở nơi thân cây sinh ra, miếng trầm đặc, không có lỗ; trầm mắt tử – kết tạo trên nhánh cây. Trầm tốc có nhiều nhất và trên thị trường, chia ra làm nhiều thứ giá bán khác nhau: tốc hoa màu vàng lạt, có những chấm lốm đốm như hoa; tốc nước màu vàng lợt, chất ươn ướt và nặng; tốc xám màu xam xám như tro; tốc lọ nghẹ màu đen đen như bồ hóng và nặng; tốc đá nặng và trông hình sắc như đá; tốc ớt sắc vàng lợt, vị cay như ớt xiêm; tốc hương sắc vàng lợt, hương đượm, thường bao quanh kỳ nam, cho nên có nhiều gân nhiều điểm kỳ nam lẫn vào. Trầm ít dùng làm thuốc, thường dùng để đốt lấy hương trong các dịp cúng tế, lễ lạc, giá trị thua kỳ nam nhưng thông dụng hơn. Hình dáng, màu sắc của một miếng trầm rất đa dạng, có khi là một miếng gỗ hình trụ hoặc hình chóp nón, có miếng màu nâu nhạt, miếng màu đen sẫm.

Kỳ nam được phân biệt với trầm hương ở mùi thơm và lượng dầu kết tinh. Dầu ở kỳ nam kết tinh giống như sáp ong, tỏa mùi thơm ngào ngạt. Dựa vào màu sắc, người ta chia kỳ nam thành 4 loại theo thứ tự giá trị: nhất bạch, nhì thanh, tam huỳnh, tứ hắc. Kỳ bạch có màu trắng ngà, chất mềm và rất nhiều dầu; kỳ thanh có màu xanh biếc, nhiều dầu thì mềm, ít dầu thì cứng; kỳ huỳnh vàng như sáp ong, chất cứng và năng, để lâu khô dầu trở nên nhẹ; kỳ hắc có màu đen bóng. Theo kinh nghiệm dân gian, kỳ nam là vị thuốc quý dùng trị các chứng đau bụng kèm ói mửa, tiêu chảy rất hay (mài với nước hoặc ngâm rượu mà uống) hoặc dùng trong trường hợp người bị trúng gió, bất tỉnh, cấm khẩu (mài với nước cạy miệng đổ vào hoặc đốt xông vào lỗ mũi) hiệu nghiệm như thần. Phụ nữ có thai kỵ kỳ nam, không nên uống hoặc mang theo trong người vì có thể bị sẩy thai. Hình tượng trầm hương và kỳ nam đã được các vua nhà Nguyễn cho khắc trên Cao đỉnh và Nhân đỉnh đặt trong Thế miếu của Hoàng thành Huế. Trầm kỳ không chỉ là nguồn dược liệu mà còn là hương liệu cho nhiều loại mỹ phẩm: xà phòng, nước hoa, dầu gội đầu…, là chất khử độc, khử trùng cho môi trường, làm chất ướp xác và là vật không thể thiếu trong các buổi lễ của nhiều tôn giáo. Mùi thơm của trầm xông lên tại các đình, chùa, đền, miếu tượng trưng cho sự tôn kính thiêng liêng. Vì vậy trầm hương và kỳ nam ngày càng có giá trị trên thị trường thế giới.

3. Trước đây cây dó bầu mọc nhiều ở các vùng rừng núi của tỉnh Khánh Hòa. Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, phần viết về thổ sản của tỉnh Khánh Hoà cũng ghi: “Vùng núi các huyện đều có kỳ nam, trầm hương. Dân xã An Thành huyện Tân Định hàng năm đi kiếm để nạp, năm nào không có kỳ nam phải nạp thay bằng trầm hương”. Trầm Khánh Hòa tập trung nhiều ở rừng núi các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, trong đó nổi tiếng nhất là vùng Tu Bông, Vạn Giã (thuộc huyện Vạn Ninh) mà danh tiếng đã đi vào ca dao:”Cây quế thiên thai mọc ngoài khe đá, Trầm nơi Vạn Giã hương toả sơn lâm…”. Xưa nay, trầm khai thác được ở Khánh Hòa phần lớn là trầm tốt và có nhiều kỳ nam. Hàng năm nhân dân địa phương tích cực khai thác bán cho Nhà nước để xuất khẩu. Giá xuất tại thời điểm 1989 (thời cực thịnh của nghề khai thác trầm kỳ) như sau: trầm hương loại 1 giá 1.050 USD/kg, loại 2 giá 900 USD/kg, loại 3 giá 700 USD/kg, loại 4 giá 410 USD/kg; kỳ nam loại 1: 2.000 USD/kg, loại 4: 850 USD/kg. Giá cao như vậy nên người dân đổ xô vào việc đi khai thác trầm hương, bỏ cả sản xuất. Tất cả những cây dó bầu, dó gạch từ lớn đến nhỏ đều bị chặt sạch để tìm trầm. Cây dó đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Hiện nay, tìm được một vài cây dó bầu con còn sót lại trong rừng thật vô cùng khó khăn, mà nếu có thì những cây dó non này dễ chừng phải đến bốn năm chục năm sau hoặc lâu hơn mới có lại trầm kỳ. Đối với loại cây quý hiếm và có giá trị kinh tế cao này, không thể trông chờ vào sự phát triển tự nhiên của rừng mà phải tìm cách gây trồng thuần hóa nó. Trầm hương là sản phẩm đặc biệt của cây dó bầu, nhưng nó không phải là sản phẩm tất yếu như ở các loại thực vật khác để rồi cứ đến mùa vụ là thu hoạch. Trầm hương sinh ra từ cây dó bầu, nhưng không phải bất cứ cây dó bầu nào cũng cho ta trầm hương, thậm chí theo lời anh em đi điệu cho biết, có những khu rừng dày đặc cây dó bầu, nhiều cây đã lớn nhưng không một cây nào cho trầm. Bởi vậy, song song với việc gây trồng, thuần hóa, phải đầu tư nghiên cứu để tìm ra quy luật hình thành trầm hương trong cây dó bầu và rút ngắn chu kỳ tạo trầm, đem lại nhiều trầm tốt. Đồng thời phải thấy rằng chu kỳ sinh trưởng của cây dó rất dài, có thể đến hàng chục năm sau khi gây trồng. Vì vậy, việc nghiên cứu đòi hỏi phải có sự kế thừa của nhiều thế hệ cán bộ khoa học để có thể đưa sự nghiệp này đến kết quả.

Mỗi xứ sở có một đặc sản tiêu biểu, đó là niềm tự hào của nhân dân địa phương. Khánh Hòa đã từ lâu nổi tiếng là “xứ trầm hương”, nhưng nếu chúng ta không biết bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này, không chủ động đầu tư để gây trồng thuần hóa cây dó bầu ngay từ bây giờ, không tái tạo lại nó, thì e rằng niềm tự hào đó ngày mai đây sẽ chỉ còn là vang bóng.

Kỹ thuật trồng Gió bầu

Trồng gió bầu (trầm hương) không còn xa lạ với người dân các tỉnh miền Trung. Nhưng việc khai thác cây như thế nào để có lãi cao nhất là chuyện không phải ai cũng làm được.

Tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam như Trà My, Tiên Phước, Quế Sơn, Nông Sơn, Phước Sơn… cây gió bầu đang được nhiều người trồng. Tuy vậy, kỹ thuật tạo trầm trên cây gió vẫn là bí quyết mà không phải ai cũng dễ dàng nắm được. Sau đây là kỹ thuật trồng cây gió bầu:

Kỹ thuật sản xuất  cây con: Chọn hạt giống có chất lượng tốt, hạt đen bóng, tỷ lệ nảy mầm cao(>80%). Gieo hạt trên luống có thành phần cơ giới nhẹ như cát pha có pH5-6, giàn che tốt, chủ động điều chỉnh ánh sáng. Sau 30-35 ngày, cây mạ sẽ cất vào các bầu đất (hỗn hợp xơ dừa, tro trấu..)kích thước 12×16 cm. Bầu cây đặt trong vườn ươm có dàn che tránh bớt nắng và hạt mưa trực tiếp lên cây con sau khi cấy.

Trong thời gian 30-45 ngày đầu sau khi cấy thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây, ngày tưới 2 lần, lượng nước tưới 2-4l/m2. Sau 45 ngày đến khi cây xuất vườn lượng nước tưới giảm dần 3-5 ngày/ lần. Cây trong vườn ươm cần chú trọng đảo bầu cây khi cây ra rễ khỏi bầu thường 1lần /tháng. Giai đoạn này bón phân vào lúc chiều mát, bón xong phải tưới nước ngay để rửa sạch cây, lá. Phân bón DAP với nồng độ 1-1,5% với 2lít/m2, chỉ tưới cây từ 2 tháng tuổi trở lên, 15 ngày/ lần.

Phòng trừ sâu bệnh : bệnh thường là lở cổ rễ, thối thân, phấn trắng, cháy lá.., các thuốc sử dụng trị bệnh là Brocdeau, Basudin hoặc Baylidin theo hướng dẫn ở bao bì. Các loại sâu ăn lá, sâu đục thân có thể dùng thuốc nội hấp hoặc thuốc tiếp xúc để phòng trừ. Cây xuất vườn xanh tốt, thân thẳng, không cụt ngọn, cây cao >50cm, đường kính cổ rễ >0,4cm và bầu cây không bị mục nát đứt rễ.

Kỹ thuật trồng cây: đất trồng cây nên chủ động nước tưới, tránh mưa lụt úng (>1giờ).

-Đào hố trồng: Kích thước: 40x40x30cm. Khi đào hố phải để lớp đất mặt sang 1 bên. Đào hố trước khi trồng 1 tháng sau đó lấp hố theo quy định lớp đất mặt trộn phân lắp xuống trước. Lượng phân NPK từ 0,3-0,5 kg/ hố, nên trộn với phân hữu cơ 1kg/ hố.

-Mật độ cây trồng: tuỳ loại đất có thể chọn các loại mật độ sau:  625 cây/ha: với cự ly 4×4 m; 800 cây/ha: 2,5×5 m; 1160 cây/ha: 3×3 m. Nếu trồng xen trong vườn cà phê, điều, nhãn, tiêu… mật độ từ 250 -500 cây.

– Kỹ thuật trồng: cây đủ tiêu chuẩn trồng, tiến hành trồng sau những trận mưa đầu mùa  mưa. Trồng vào những ngày mưa nhỏ, thời tiết mát dịu, ẩm là tốt. Bố trí cây trồng hình nanh sấu, chống xói mòn. Bóc vỏ bầu nylon, đặt bầu sâu hơn lớp đất tự nhiên 1-2cm. Đặt cây ngay ngắn giữa hố, lấp đất và nén chặt, vun gốc cao hơn mặt đất thường 2-3cm là vừa.

Sau khi trồng xem xét dẫy cỏ quanh gốc, vun xới nhẹ nhàng chung quanh gốc cây đường kính 1-1,2m. Bón phân 2 lần vào năm 1 và năm 2 hai lần/năm với lượng phân NPK 100gr/cây. Các năm sau chỉ làm cỏ, xới đất quanh cây, tỉa bớt cành tạo dáng cho cây vươn cao, không cần bón phân vô cơ, nên tạo độ ẩm xung quanh gốc bằng phân hữu cơ.

 

Kỳ nam

 

 

Thao khảo thêm

Kỹ thuật trồng cây gió bầu tạo trầm kỳ (Aquilaria Crassna Pierre ex Lecomte)

1. Đặc điểm thực vật học: cây dó bầu còn gọi là cây trầm hương, cây tóc, cây kỳ nam. Cây dó bầu cao từ 30-40m, có vỏ xám nhiều xơ, lá mọc cách, phiến lá mỏng thuôn dài hoặc bầu dục, mặt trên xanh bóng, mặt dưới xanh nhạt có lông tơ. Hoa tự hình tán, mọc chùm ở kẻ lá, màu trắng tro, quả nang, khi khô tách thành 2 mảnh, quả hình lê, mỗi quả chứa 1 – 2 hạt màu đen. Cây có tác động tạo tuyến nhựa màu đen, có mùi thơm gọi là trầm hương.

2. Điều kiện trồng cây: Khí hậu: nhiệt độ trung bình hàng năm từ 20-25OC, lượng mưa từ >1500mm/năm, ẩm độ>80%. Đất ẩm, tơi xốp, độ dày tầng đất trên 40cm,nhiều mùn. Không nên trồng trên các loại đất đá vôi, cát hoặc ngập úng.

3. Giống cây con : do quá trình khai thác bừa bãi tìm trầm, đã làm nguồn giống cây dó bầu (loại giống tỷ lệ tạo trầm kỳ cao trong tự nhiên) cạn kiệt, kéo theo một số giống dó tạo trầm khác như dó me.. cũng ít dần. Nhưng trên 10 năm qua (từ năm 1990), nguồn giống được p[hục hồi từ vườn nhà từ việc thu hạt giống, cây con tại rừng về trồng, do đó tỷ lệ lai tạp giữa các giống dó rất cao, phần lớn giữa 2 giống dó bầu và dó me.  Nhưng qua khảo sát thực tế cho thấy khi cấy tạo trầm nhân tạo giữa 2 giống dó bầu và dó me (phần lớn cây thường bị lai tạp giữa 2 giống) đều cho tỷ lệ tạo trầm khác biệt không cao. Hiện nay nguồn giống cây dó thường lấy hạt từ những cây dó trưởng thành (>7 năm) tại các tỉnh hà Tĩnh, Quảng Nam, An Giang, Kiên Giang (chưa qua khâu tuyển chọn). Nên việc chọn cây dó bầu thuần chuẩn cần có thời gian cho các nhà chọn giống.

4. Kỹ thuật sản xuất  cây con: Chọn hạt giống có chất lượng tốt, hạt đen bóng, tỷ lệ nảy mầm cao(>80%). Gieo hạt trên luống có thành phần cơ giới nhẹ như cát pha có pH5-6, giàn che tốt, chủ động điều chỉnh ánh sáng. Sau 30-35 ngày, cây mạ sẽ cất vào các bầu đất (hỗn hợp xơ dừa, tro trấu..)kích thước 12×16 cm. Bầu cây đặt trong vườn ươm có dàn che tránh bớt nắng và hạt mưa trực tiếp lên cây con sau khi cấy.  Trong thời gian 30-45 ngày đầu sau khi cấy thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây, ngày tưới 2 lần, lượng nước tưới 2-4l/m2. Sau 45 ngày đến khi cây xuất vườn lượng nước tưới giảm dần 3-5 ngày/ lần. Cây trong vườn ươm cần chú trọng đảo bầu cây khi cây ra rễ khỏi bầu thường 1lần /tháng. Giai đoạn này bón phân vào lúc chiều mát, bón xong phải tưới nước ngay để rửa sạch cây, lá. Phân bón DAP với nồng độ 1-1,5% với 2lít/m2, chỉ tưới cây từ 2 tháng tuổi trở lên, 15 ngày/ lần.

Phòng trừ sâu bệnh : bệnh thường là lở cổ rễ, thối thân, phấn trắng, cháy lá.., các thuốc sử dụng trị bệnh là Brocdeau, Basudin hoặc Baylidin theo hướng dẫn ở bao bì. Các loại sâu ăn lá, sâu đục thân có thể dùng thuốc nội hấp hoặc thuốc tiếp xúc để phòng trừ. Cây xuất vườn xanh tốt, thân thẳng, không cụt ngọn, cây cao >50cm, đường kính cổ rễ >0,4cm và bầu cây không bị mục nát đứt rễ.

5. Kỹ thuật trồng cây: đất trồng cây nên chủ động nước tưới, tránh mưa lụt úng (>1giờ).

a. Đào hố trồng: Kích thước: 40x40x30cm. Khi đào hố phải để lớp đất mặt sang 1 bên. Đào hố trước khi trồng 1 tháng sau đó lấp hố theo quy định lớp đất mặt trộn phân lắp xuống trước. Lượng phân NPK từ 0,3-0,5 kg/ hố, nên trộn với phân hữu cơ 1kg/ hố.

b. Mật độ cây trồng: tuỳ loại đất có thể chọn các loại mật độ sau:  625 cây/ha: với cự ly 4×4 m; 800 cây/ha: 2,5×5 m; 1160 cây/ha: 3×3 m. Nếu trồng xen trong vườn cà phê, điều, nhãn, tiêu… mật độ từ 250 -500 cây.

c. Kỹ thuật trồng: cây đủ tiêu chuẩn trồng, tiến hành trồng sau những trận mưa đầu mùa  mưa. Trồng vào những ngày mưa nhỏ, thời tiết mát dịu, ẩm là tốt. Bố trí cây trồng hình nanh sấu, chống xói mòn. Bóc vỏ bầu nylon, đặt bầu sâu hơn lớp đất tự nhiên 1-2cm. Đặt cây ngay ngắn giữa hố, lấp đất và nén chặt, vun gốc cao hơn mặt đất thường 2-3cm là vừa. Sau khi trồng xem xét dẫy cỏ quanh gốc, vun xới nhẹ nhàng chung quanh gốc cây đường kính 1-1,2m. Bón phân 2 lần vào năm 1 và năm 2 hai lần/năm với lượng phân NPK 100gr/cây. Các năm sau chỉ làm cỏ, xới đất quanh cây, tỉa bớt cành tạo dáng cho cây vươn cao, không cần bón phân vô cơ, nên tạo độ ẩm xung quanh gốc bằng phân hữu cơ.

6. Bảo vệ cây trồng: cây dó có độ tuổi trên 4 năm (đường kính>15cm) có thể cấy tạo trầm. Nên việc bảo vệ cây đến tuổi thu hoạch cần nên: Chú ý trâu bò chăn thả ăn cây con. Phòng chống cháy nhất l2 trong mùa khô hạn.

Trồng và tạo trầm sớm cho cây dó bầu

Để giúp các hộ trồng cây dó bầu, từ thực tiễn và kinh nghiệm trồng cây dó bầu người viết bài này xin mạo muội và xin lỗi những ông vua bầu dó mà “phá rào” “phá lệ” chuyên giữ bí quyết nhà vườn để truyền đạt lại những gì đúc kết lại đôi điều về cây dó bầu cho bà con và những người làm vườn có trồng cây dó bầu cùng được biết.

+ Trước hết, khi trồng cây dó bầu chúng ta cần xem và chọn đất sao cho vùng đất đó không là đất trũng, đất có độ ẩm lớn, đất không quá tốt, không quá dối dào về dinh dưỡng. Vì lẽ đất tốt cây sẽ phát triển nhanh về chiều cao, tạo ít cành nhánh mà chính từ những gáy của cành nhánh lại là những điểm tạo cho cây ít tạo trầm. Người có kinh nghiệm chỉ cần xem lá cây: Nếu lá cây có màu xanh thẫm, cây phát triển có chiều cao nhưng ít cành nhánh, không có sâu kiến thì đối với những cây này nhìn thì đẹp nhưng chất lượng tinh dầu ít, hiệu quả kinh tế thấp vì vùng đất này tốt, đất có nhiều dinh dưỡng. Ngược lại, nếu trồng cây vào vùng đất trũng, có độ ẩm cao thì cây không những không phát triển được mà còn bị chết ẻo, tỷ lệ sống không cao làm ảnh hưởng tới giá trị kinh tế.

+ Hợp lý nhất là trồng cây dó trầm vào những sườn đồi, vườn có độ dốc 50 – 200. Người trồng cây dó bầu ở những vùng, lô, khoảnh, đất này bước đầu có thể không hài lòng vì cây phát triển chậm, nhìn không đẹp nhưng xin thưa với bà con, nhà vườn khi cây đã bén rễ, đã phát triển thì sẽ cho ra nhiều cành nhánh lá cây sẽ có màu xanh vàng, sâu kiến sẽ không mời cũng đến trú ngụ. Những tính hiệu này báo hiệu cho chúng ta biết cây vừa phát triển nhưng đã sớm tích tụ trầm hương. Với những cây như vậy thì ta không cần phải xử lý kỹ thuật tạo trầm vì tự nó đã điều chiết ra trầm rồi.

+ Riêng đối với những cây có lá xanh thẫm, cây mọc vòng cao, ít cành nhánh, không có sâu kiến thì để sớm cho tích tụ dầu trầm tạo cho cây có % tinh trầm cao thì ta cần xử lý bằng 2 cách. Cấy dung dịch hoá học hoặc xử lý thủ công.

+ Với bài viết này, tôi không muốn nói đến, đề cập đến việc xử lý trầm bằng dung dịch hoá học vì đã là dân quê, đã là nhà vườn, trang trại thì đa phần trong họ đang còn phải XĐGN nên không thể có điều kiện thực hiện vì giá thành cao, chi phí lớn thực hiện công phu. Với bài viết này tôi chỉ mong muốn nói với bà con về cách xử lý thủ công đơn giản, dễ làm, tiện lợi nhưng không tốn kém về chi phí.

+ Người trồng cây dó bầu hãy để ý khi thân cây đã có đường kính từ 25cm trở lên (chu vi từ 3 gang tay trở lên) để tạo tinh dầu trầm cho những cây đạt chuẩn vừa nêu, ta lấy đục 3 phân, đục vào thân cây cách mặt đất 1- 1,5m đục lỗ theo vòng tròn quanh thân, lỗ xen kẽ, chân chó (tức giao chéo nhau) trượt lên ngọn. Yêu cầu lỗ phải là 3×3 hoặc 3×6, độ sâu phải đảm bảo 3-4cm, hàng cách hàng, lỗ cách lỗ từ 10-15cm.

+ Công việc xử lý bằng thủ công chỉ có vậy. Sau một thời gian ngắn chúng ta sẽ thấy: Lá cây từ xanh thẫm dần chuyển sang xanh vàng, cùng với sự phát triển của cây là quá trình lấp lỗ đục và xuất hiện dần sâu kiến. Những dấu hiệu này đã ngầm báo với nhà vườn, chủ trang trại biết rằng, việc sử lý của chúng ta đã có kết quả. Với kinh nghiệm nhỏ nhoi, mong bà con và các nhà vườn tham khảo.