Khi nào bướu cổ cần điều trị?

186

Bướu cổ thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nên không phải lúc nào cũng cần điều trị
Bướu cổ là bệnh lý tuyến giáp phổ biến, gây không ít ảnh hưởng đến sức khỏe tới người mắc. Mặc dù đã có nhiều thông tin về tác hại của việc tùy tiện sử dụng thuốc nam trong điều trị bướu cổ, song trên thực tế, nhiều người bệnh vẫn sử dụng phương pháp này.

Đắp thuốc nam chữa bướu cổ

Chị Ng.Th.C (40 tuổi) quê ở Phú Thọ phát hiện mắc bướu cổ 19 năm nay. Nghe lời người quen, chị không dùng thuốc theo đơn của bác sĩ mà mua thuốc nam chữa bướu cổ. Thời gian đầu, một tuần một lần, chị được thầy lang dùng miếng ngải cứu chườm nóng châm cho loét ở cổ ra, sau đó được đắp thuốc vào hai bên. Vết thương bỏng rát khiến chị thường phải bật quạt hướng thẳng vào cổ mặc dù đang trong thời tiết giá lạnh. Sau một năm kiên trì điều trị theo phương pháp như vậy, chị thấy hai bên cổ có mùi tanh, hôi, da cổ bong ra. Người chữa trị khẳng định chị đã khỏi bệnh và đưa thuốc liền sẹo cho chị về bôi tại nhà. 5 tháng sau, chân tay chị thường xuyên bị run rẩy, tim đập nhanh, nuốt nghẹn, cổ to ra. Thấy bệnh tình phức tạp chị đã đến khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Tại đây, chị được tư vấn về việc sử dụng thuốc, theo dõi trong hai tháng để ổn định các chỉ số cần thiết chuẩn bị cho việc phẫu thuật.

Mới đây các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã phẫu thuật cho một bệnh nhân ở Sơn La với khối u bướu giáp khổng lồ, với kích thước 13×12 cm. Bệnh nhân là bà C.T.M (57 tuổi), ở Sơn La, được chẩn đoán mắc basedow 10 năm nay và đang điều trị theo đơn thuốc tại bệnh viện địa phương. Gần đây, bà M. thấy cổ to dần, đặc biệt cổ to nhanh trong khoảng 1 năm nay khiến bà luôn cảm thấy mệt mỏi, nuốt khó, vướng nghẹn, gầy sút cân. Bệnh nhân đi khám và được chuyển đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Kết quả bệnh nhân M. được chẩn đoán basedow – bướu giáp khổng lồ và được chỉ định phẫu thuật.


Bệnh nhân bị bướu cổ trước khi phẫu thuật

Bướu cổ lành tính không phải phẫu thuật

Theo các bác sĩ, trong quá trình điều trị, bệnh viện gặp không ít trường hợp bướu cổ rất to do không điều trị sớm hoặc tự chữa bệnh bằng các bài thuốc không rõ nguồn gốc như: uống hoặc đắp, bôi trực tiếp lên vùng cổ. Chính việc tùy tiện sử dụng các thuốc nói trên đã gây ra bỏng rát, lở loét nghiêm trọng vùng cổ. Sau quá trình chữa bệnh dai dẳng, tốn kém cả về thời gian và tiền bạc mà gốc rễ của bệnh vẫn còn nguyên, tiếp tục gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của mình.

Tiến sĩ Đinh Văn Trực, Trưởng Khoa Ngoại chung (Bệnh viện Nội tiết Trung ương), cho hay với trường hợp có khối bướu lớn như bệnh nhân M. nói trên cũng không phải hiếm gặp. Đối với những trường hợp này, việc tiến hành phẫu thuật phải được các bác sĩ cân nhắc cẩn trọng vì sẽ gây khó khăn cho việc đặt nội khí quản trong quá trình gây mê. Đặc biệt khối u có kích thước quá lớn, rất khó bóc tách, các mạch máu trong u nhiều, quá trình bóc rất dễ chảy máu. Bên cạnh đó, xung quanh có các mạch máu lớn, thần kinh, khí quản, thực quản… nên việc bóc tách dễ gây tổn thương và biến chứng.

Do rất phổ biến nên bướu cổ thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, ngay cả khi điều trị để ngăn ngừa biến chứng về sau cũng không hiệu quả, nên không phải lúc nào cũng cần điều trị. Bệnh bướu cổ rất phổ biến, có thể đến 70% dân số mắc phải, nhưng hầu hết bướu cổ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe do bướu cổ thường là loại phình giáp không có rối loạn chức năng tuyến giáp, còn gọi phình giáp đơn thuần.

Theo bác sĩ Trực, bướu cổ là bệnh lý tuyến giáp phổ biến, gây không ít ảnh hưởng đến sức khỏe tới người mắc. Bướu cổ được chia làm ba nhóm: bướu cổ lành tính, ung thư và rối loạn chức năng nội tiết tuyến giáp; trong đó bướu cổ lành tính là hay gặp nhất. Các trường hợp bướu cổ lành tính hầu như không phải can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, khi bướu quá lớn gây nuốt vướng, nuốt khó, khó thở và lồi ra phía trước gây mất thẩm mỹ hay bướu cổ nghi ngờ ung thư… gây ảnh hưởng nặng nề thì sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bướu.

Các chuyên gia cũng lưu ý phẫu thuật cắt tuyến giáp là phẫu thuật không phức tạp tuy nhiên nếu để muộn, khối u tăng trưởng kích thước lớn hoặc thòng trung thất thì phẫu thuật tiềm ẩn nhiều nguy cơ và tai biến. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân có bướu đa nhân, bướu kích thước lớn, hoặc có biểu hiện chèn ép, khàn tiếng… nên thường xuyên tới các cơ sở y tế để tiến hành kiểm tra sức khỏe. Bệnh nhân khi thấy có các dấu hiệu bất thường cần được điều trị phẫu thuật sớm, hạn chế tai biến và biến chứng nguy hiểm.

Hiện các cơ sở y tế đã áp dụng nhiều phương pháp hiện đại để điều trị bướu cổ, trong đó, phương pháp sử dụng sóng cao tần, phẫu thuật nội soi tuyến giáp là những phương pháp có nhiều ưu việt, mang lại hiệu quả cao cả về sức khỏe và thẩm mỹ cho người bệnh.

Bài và ảnh: Khánh Anh