Một số dị tật dương vật thường gặp

759

Như mọi cơ quan khác, dương vật cũng có thể có những khiếm khuyết, mức độ có thể từ nhẹ đến nặng. Dị tật ở cơ quan khác thì có thể ảnh hưởng đến sinh mạng, còn dị tật tại dương vật tuy thường nhẹ nhưng lại làm người bệnh ưu tư nhiều hơn, ảnh hưởng đến cuộc sống.


Dương vật gồm 3 ống xốp nằm song song nhau. Đó là 2 thể hang tạo thành phần trên của dương vật, và 1 thể xốp nằm ở dưới, giữa 2 thể hang và bao xung quanh niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài); thể xốp tạo thành quy đầu (phần đầu của dương vật). Mỗi ống xốp này được bọc một bao mỏng, gọi là bao xơ trắng.

Hiện tượng cương xảy ra do máu bơm vào dương vật nhanh hơn là máu rút đi, làm các ống xốp kể trên căng ra, dương vật cương lên. Kích thước và hình dạng của dương vật tùy thuộc vào các ống này, nhất là 2 thể hang.

Thế nào là một dương vật bình thường?

Điều quan trọng đối với dương vật, cũng như đối với nhiều bộ phận khác của cơ thể, là nó có hoàn thành tốt chức năng được tự nhiên giao phó hay không: đi tiểu và sinh sản. Đây là bộ phận “kín”, chỉ lộ ra nơi kín đáo khi cần, nên hình dạng và kích thước thật sự không quan trọng. Giống như có người cao kẻ thấp, dương vật cũng có độ dài khác nhau tùy theo người. Y học chỉ coi là ngắn nếu dương vật dài ít hơn 4 cm. Về hình dạng, dương vật ít khi thẳng hoàn toàn mà thường hay bị lệch một chút.

Dị tật hay gặp nhất là… không dị tật

Rất nhiều người, đại đa số là người trẻ đến khám tại các bệnh viện vì cứ nghĩ “cái” của mình bất thường, cho là nó ngắn quá so với bạn bè. Đôi khi mặc cảm lớn đến mức người bệnh không dám mặc quần bơi, khi vào nhà vệ sinh nam thì tránh lúc có người khác… Yêu cầu mà họ thường đặt ra là bác sĩ làm sao chích thứ thuốc nào đó, hay phẫu thuật để nó lớn hơn. Trừ một số rất hiếm nam thanh niên bị bệnh thiểu năng sinh dục, mà dương vật rất nhỏ và cơ thể tuy cao nhưng kém phát triển nam tính (râu và lông ít), thì dùng hoóc môn nam sẽ giúp dương vật dài ra; còn đại đa số bệnh nhân khác, thuốc không có tác dụng gì. Phẫu thuật kéo dài dương vật ra cho tới nay không chỉ là mơ ước của nhiều người mà còn là ước mơ của các phẫu thuật viên. Phẫu thuật cắt dây treo có thể kéo dài dương vật thêm được 2-3 cm nữa, nhưng dương vật khi cương bị “rớt” chứ không chỉa thẳng lên trên. Liệt dương sau mổ có thể xảy ra dù rất hiếm gặp. Do những biến chứng đáng ngại này, nên phẫu thuật chỉ được thực hiện cho những người có dương vật thật sự ngắn, dưới 4 cm.

Cong dương vật bẩm sinh

Cong lệch dương vật thường không ảnh hưởng gì tới chức năng. Chỉ khi dương vật lệch trên 30 độ, làm khó tiểu và khó “quan hệ” thì mới cần mổ sửa thẳng lại. Phẫu thuật không khó, kéo dài khoảng 1 giờ. Đừng bao giờ lý tưởng hoá, đòi hỏi bác sĩ phải làm cho dương vật thẳng hoàn toàn. Tuy có thể còn cong một chút nhưng chức năng tốt là được rồi. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ lưu ý là sau mổ dương vật bị ngắn đi một tí.

Bệnh lỗ tiểu đóng thấp (bệnh hypospadias)

Hypospadias là một bệnh bẩm sinh mà dương vật bị cong quặp hẳn xuống dưới, lỗ tiểu chạy ra phía sau (có khi chạy xa quá nên bệnh nhân phải tiểu ngồi như phụ nữ) và phần da trên lưng dương vật dư lùng nhùng. Do bị cong quặp nên dương vật thường kém phát triển, có khi nhỏ xíu làm bà mụ nhìn lầm ra con gái, bị khai sinh là con gái.

Bệnh này nên mổ sớm lúc còn bé. Phẫu thuật tương đối phức tạp vì vừa phải kéo thẳng, vừa phải dùng da cuốn lại thành ống tiểu có 2 đầu, một đầu đính vào phía đầu dương vật, một đầu nối vào lỗ tiểu phía sau, để sau này bệnh nhân đi tiểu đứng được.

Hẹp da quy đầu

Phần da bao trùm bên ngoài dương vật sẽ tuột xuống khi đến tuổi dậy thì. Ở bé trai, đôi khi bao da bị thít chặt làm bé đi tiểu khó, khi tiểu vừa rặn vừa khóc thét, bao da phồng căng lên. Nếu da hẹp ít, cha mẹ dùng tay tuột da xuống mỗi ngày vài lần, trong vài tuần là khỏi. Tuy nhiên nếu nong thử mà thấy bé đau thêm do da bị nứt thì nên đưa bé đi khám bác sĩ sớm, vì vết nứt sẽ thành sẹo, có thể làm da hẹp nặng hơn. Thường thì bác sĩ chỉ cần dùng kẹp vô trùng nong nhẹ bao da ra là khỏi luôn. Nếu hẹp nặng thì phải cắt da hẹp tại các bệnh viện nhi khoa hay ngoại khoa.

Người lớn cũng có thể bị hẹp da quy đầu. Khi đó cần đi cắt da tại các bệnh viện ngoại khoa. Đây chỉ là một tiểu phẫu, kéo dài khoảng 20 phút, gây tê.

Tuy nhiên, nếu da quy đầu chỉ dài, vẫn tuột lên xuống dễ dàng thì không cần thiết phải cắt.

Bác sĩ Nguyễn Thành Như, Bệnh viện Bình Dân TPHCM