Thuốc điều trị bệnh trứng cá
Thuốc bôi tại chỗ:
- Bôi sáng một trong các chế phẩm có chứa kháng sinh như: eryfluid, fucidin, bactroban…
- Bôi tối một trong các chế phẩm trị mụn như isotretinoin 0,05 – 0,1%.
Thuốc dùng toàn thân: Thuốc uống phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu.
- Nếu có viêm nhẹ và trung bình: uống 1 đợt thuốc kháng sinh.
- Nếu viêm nặng, số lượng mụn nhiều, da nhờn và điều trị như trên không đỡ thì có thể lựa chọn liệu pháp nội tiết tố hoặc uống vitamin A acid trong trị liệu trứng cá. Loại thuốc nội tiết có tác dụng tốt trong điều trị trứng cá có hoạt chất chính để điều trị trứng cá là cyproteron acetate (CPA). CPA cạnh tranh với nội tiết tố androgen tại các thụ thể của tuyến bã, vì thế làm giảm tiết bã nhờn và điều trị nguyên nhân gây ra mụn. Thuốc chỉ sử dụng cho bệnh nhân nữ. Bắt đầu uống vào ngày đầu có kinh, mỗi ngày uống 1 viên, uống liên tục 21 ngày, nghỉ 7 ngày rồi lại uống tiếp dù có kinh hay không. Một đợt điều trị ít nhất là 6 tháng. Ngoài ra trong thuốc điều trị trứng cá còn có hoạt chất ethinylestradiol có tác dụng tránh thai nên nếu bạn gái mà kết hợp cả mục đích tránh thai và điều trị trứng cá thì thời gian uống thuốc có thể kéo dài hơn. Các chống chỉ định khi dùng thuốc là phụ nữ có thai, cho con bú, mắc các bệnh nội tiết, u xơ, u nang vú, buồng trứng, tử cung, hiện tại hoặc tiền sử có huyết khối, tai biến mạch máu não, đái tháo đường có tổn thương mạch máu, bệnh gan, viêm tụy, u gan, dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc… Nhiều nghiên cứu cho thấy thuốc tránh thai không có tác dụng bất lợi đến khả năng có con sau khi ngưng thuốc. Một câu hỏi đặt ra là khi nào thì có thai được? Thực tế, bệnh nhân dừng thuốc là có thai ngay được nhưng để tránh tình trạng song thai hoặc đa thai thì sau ngừng thuốc 3 tháng mới nên có thai.
Chế độ ăn uống: Phải uống nhiều nước, từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày. Kiêng các chất kích thích như ớt, hạt tiêu. Hạn chế ăn thức ăn rán, mỡ. Tăng ăn rau xanh, quả tươi, thức ăn luộc, nấu.
TS. Nguyễn Thị Lai
Suckhoedoisong