Từ điển Y học Việt Nam – Mục B
BÀ ĐỠ (dân tộc) x. Bà mụ
BẠCH BIẾN (y), bệnh da có dát trắng, thường xuất hiện đột ngột ở mọi lứa tuổi, ở cả nam và nữ. Dấu hiệu đặc biệt dễ phân biệt với các bệnh bạch bì khác: không ngứa, không tê, không vảy, quanh vết trắng có quầng thâm sẫm màu hơn da lành. BB không ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân, chỉ gây tác động tâm lý về thẩm mũ khi dát trắng xuất hiện ở mặt. Chưa rõ, căn nguyên của bệnh. Có thể dùng nhiều loại thuốc để điều trị, nhưng chưa đạt kết quả ổn định.
BẠCH CẦU (y, sinh), một loại tế bào trong máu, có nhân, nhân không có màu sắc, làm nhiệm vụ bảo vệ cơ thể. Về mặt hình thái có kích thước 7 – 14mm, sau khi nhuộm thường được phân biệt thành loại nhân một múi (đơn nhân) và loại nhân nhiều múi (đa nhân); thành loại không có hạt trong bào tương (tế bào lympho và tế bào đơn nhân) và loại có hạt (trung tính, ưa axit hay ưa bazơ). Nơi sản sinh là tuỷ xương; khi trưởng thành mới vào máu. Trong 1mm3 máu, bình thường có từ 4000 đến 9000 BC nói chung. Số lượng dưới 4000 là giảm, sự giảm thường thấy trong nhiễm độc; cao hơn 9000 là tăng, thường gặp khi nhiễm khuẩn.
BẠCH CẦU ĐƠN NHÂN (sinh), loại bạch cầu có kích thước lớn nhất, trong chất tế bào không có hạt. Nhân lớn, hình quả thận. Chiếm 4-5% số lượng bạch cầu, là các thực bào tích cực ăn các phần tử lạ xâm nhập cơ thể.
BẠCH CẦU HẠT (sinh), loại bạch cầu có nhiều hạt trong chất tế bào. Đôi khi còn gọi là bạch cầu nhân đa hình, vi nhân có nhiều dạng. Có ba dạng: BCH trung tính (chiếm 70% số bạch cầu), BCH ưa axít (chiếm 1,5%) và BCH ưa kiềm (chiếm 0,5%)
BẠCH CẦU KHÔNG HẠT (sinh), loại bạch cầu không chứa các hạt trong chất tế bào. Có hai loại: lymphô bào chiếm 25% và bạch cầu đơn nhân chiếm 4%. Cả hai loại đều có nhân lớn và một lượng nhỏ chất tế bào màu sáng.
BẠCH CẦU TRUNG TÍNH (sinh, y), loại bạch cầu chứa các hạt, không bị bắt màu bởi cả hai loại thuốc nhuộm axit và kiềm. Có nhân phân thuỳ, vì thế còn gọi là bạch cầu nhân đa hình. Chiếm khoảng 70% tổng số bạch cầu, có chứa năng bắt và tiêu các thể lạ như vi khuẩn nhờ các enzym do nó tiết ra. Là tuyến bảo vệ đầu tiên của cơ thể đối với các bệnh. Có thể đi qua các mao mạch bằng chuyển động amip vào các mô vây quanh chỗ bị nhiễm khuẩn, ở đây chúng có thể chết và hình thành mủ.
BẠCH CẦU ƯA AXIT (sinh, y), loại bạch cầu có nhân phân thuỷ và chất tế bào dạng hạt, bắt màu với các thuốc nhuộm axit. Chiếm khoảng 1,5% tổng số bạch cầu, số lượng tăng khi cơ thể bị dị ứng như hen, sốt đồng cỏ, vì nó có tính kháng histamin. Số lượng BCƯA do hocmon vỏ thượng thận điều chỉnh.
BẠCH CẦU ƯA KIỀM (sinh, y), loại bạch cầu chứa hạt bắt mầu với các thuốc nhuộm kiềm. Có một nhân hình thuỳ, chiếm khoảng 0,5% tổng số bạch cầu, chuyển vận bằng chân giả, có thể tiêu diệt vi khuẩn. Sản sinh ra heparin và histamin, được xem là các tế bào lang thang, đã tìm thấy cả trong thành mạch máu.
BẠCH TRUẬT (y Atractylodes macrocephala), cây thảo, họ Cúc (Asteraceae). Thân cao khoảng 0,5m. Lá mọc so le, lá ở phía ngọn không chia thuỳ, phía dưới có chia thuỳ. Cụm hoa hình đầu, hoa hình ống, phía dưới màu trắng, phía trên tím đỏ. Đã được đi thực vào Việt Nam, trồng ở vùng núi mát và đồng bằng. Cây chứa tinh dầu, vitamin A, atratylol, glucozit, insulin, muối kali atractylat. Thân rễ (củ) phơi, sấy khô có vị ngọt hơi đắng, mùi thơm nhẹ, đông y dùng chữa đầy, trướng bụng, chậm tiêu, thấp nhiệt, dương hư.
BÀI TẬP THỂ LỰC (thể thao, y), tổng hợp các động tác vận động được hệ thống hoá thành bài tập, sắp xếp theo một quy trình nhất định và phù hợp với tâm lí, sinh lí người tập, để luyện thân thể, tăng sức khỏe, kĩ năng vận động, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho người tập hướng theo một mục đích định trước (học tập, lao động, thi đấu thể thao,vv). Về nguyên tắc, BTTL khác với các hoạt động vận động thường lệ trong sinh hoạt, lao động chân tay (gánh nước, đốn củi, cày ruộng, giã gạo, vv). Có một số hoạt động lao động thể lực có thể dùng trong các BTTL nếu thực hiện theo những quy định, yêu cầu của giáo dục thể chất.
BAN (tổ chức), tên gọi cơ quan làm chức năng quản lý hay chức năng tham mưu trong hệ thống bộ máy của Nhà nước và các tổ chức của Đảng và đoàn thể ở Việt Nam.
1. Cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành hoặc lĩnh vực được chính phủ phân công trong phạm vi cả nước (vd: Ban tổ chức và cán bộ của Chính phủ)
2. Cơ quan thuộc Chính phủ do thủ tướng trực tiếp chỉ đạo, có chức năng giúp thủ tướng Chính phủ quản lý một số lĩnh vực công tác (vd. Ban biên giới của Chính phủ)
3. Cơ quan tham mưu của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam về các lĩnh vực công tác được phân công (vd. Ban khoa giáo trung ương, Ban tư tưởng văn hoá trung ương)
4. Ngoài ra ở một số ngành của chính quyền trung ương (bộ, tổng cục…) ở các tổ chức Đảng, đoàn thể và chính quyền địa phương cũng có các ban nghiên cứu hay giúp việc chỉ đạo một số lĩnh vực nhất định (vd. Ban tuyên giáo).
BAN ĐỎ (y), một dấu hiệu chung cho nhiều bệnh ngoài da với biểu hiện: da đỏ, đỏ nhạt hoặc thẫm, khi ấn bằng một lam kính thì màu đỏ sẽ mất, khi thôi ấn màu đỏ xuất hiện trở lại. BĐ là một hiện tượng dãn mạch, sung huyết tạm thời và mất đi nhanh chóng.
BAN XUẤT HUYẾT (y) thương tổn cơ bản của da và niêm mạc do hồng cầu thoát ra ngoài mao mạch và niêm mạc. Biểu hiện: các chấm xuất huyết nhỏ, đỏ ở giữa hay chấm xuất huyết lớn có màu tím, bờ không đều và giới hạn không rõ, không mất đi khi ấn bằng lam kính. BXH là thương tổn chung cho nhiều bệnh chảy máu (BXH dị ứng, BXH tối cấp, BXH nhiễm khuẩn, BXH thấp khớp, vv.)
BÀN TAY KHOÈO (y) biến dạng của bàn tay do dị tật bẩm sinh hoặc di chứng chấn thương. Nguyên nhân: các rối loạn phát triển xương hoặc co cơ. Thường bàn tay bị gấp và vẹo ra ngoài về phía xương quay; vẹo vào trong về phía xương trụ. Có trường hợp bị duỗi quá mức so với cẳng tay. Phải mổ sửa biến dạng.
BẢN ĐỒ NHIỄM SẮC THỂ (y) biểu đồ cho thấy trật tự của các gen dọc theo chiều dài nhiễm sắc thể. Đựơc xây dựng từ những thông tin thu được nhờ những nghiên cứu liên kết gen (cho ta bản đồ liên kết gen) và những quan sát thực hiện nhiễm sắc thể đa sợi (nhiễm sắc thể khổng lồ) của tuyến nước bọt ở một số côn trùng như ruồi giấm (Drosophila sp)
BẢN NĂNG SINH DỤC (sinh, y), hành vi bẩm sinh về giới tính của sinh vật nhằm bảo tồn giống loài. Ở động vật, nhu cầu giao phổi chỉ xảy ra khi động dục (X. Động dục). Ở người, do tác động của nhiều yếu tố (văn hoá, xã hội, vv) và đặc biệt của yếu tố tinh thần, BNSD đã phần nào được chế ngự
BAO CAO SU (y; cg, bao dương vật, ca pôt, túi cao su, conđom), bao làm bằng cao su hoặc chất dẻo mỏng để bọc dương vật khi giao hợp nhằm mục đích tránh thai và đề phòng lây bệnh qua đường tình dục (bệnh hoa liễu, AIDS). Kĩ nghệ hiện đại cho phép sản xuất những bao mỏng, dai, chắc, có tráng sẵn chất nhờn, có thêm một túi nhỏ ở đầu để chứa tinh dịch khi xuất tinh, được tiệt khuẩn và đóng gói riêng từng chiếc cho tiện dùng. BCS bảo đảm an toàn cho người sử dụng, không ảnh hưởng gì đến khoái cảm.
BAO QUY ĐẦU (y) nếp da bao bọc quy đầu dương vật của nam giới, ở nữ giởi cũng có một bộ phận tương tự bao bọc âm vật (bao âm vật). BQĐ có một tật bẩm sinh là hẹp hay chít BQĐ (với biểu hiện bao dài, lỗ trước của bao bị thu hẹp, không trật lên được). Tật thường phát hiện từ lúc trẻ mới đẻ vì khi trẻ đi tiểu nếu để ý sẽ thấy bao da phồng to. Tật chít hẹp BQĐ làm cho bựa đóng lại trong bao, có thể gây ngứa ngáy khó chịu, gây viêm. Trẻ em thường hay kéo BQĐ trật lên trên, nhưng sau đấy không kéo trở xuống lại, gây nên biến chứng nghẹt BQĐ, phải mổ ngay. Đối với BQĐ dài, dạng hẹp, cần xén bớt để tránh viêm, nghẽn, ung thư, vv. Dân tộc, Do Thái có tập quán cắt BQĐ cho tất cả trẻ em nam từ lúc 6 – 7 tuổi, nhân dịp này gia đình tổ chức một ngày lễ gia đình gọi là ngày lễ cắt BQĐ.
BAO TRÁNH THAI (y; tk. Bao dương vật, ca pốt, bao cao su, túi cao su, conđom) x. Bao cao su
BÀO CHẾ (y), môn được học nghiên cứu việc điều chế từ các dược liệu thànhc ác dạng thuốc uống, tiêm và dùng ngoài, với công hiệu phòng chữa bệnh cao nhất, dễ dùng, bảo quản được lâu và có hình thức mỹ thuật. BC tân dược (theo y học hiện đại) và đông dược có nhiều điểm kỹ thuật khác nhau, có thể bổ sung cho nhau trong thực tiễn sản xuất thuốc men cần dùng.
BÀO TƯƠNG (sinh), thành phần của tế bào, nằm quanh nhân và phía trong màng tế bào, tạo nên hình dáng của tế bào như hình tròn, vuông, trụ, đa giác hoặc hình sợi, hình nhiều đuôi. Trong một số bệnh (vd. Trong nhiễm độc chì) có xuất hiện một số vật lạ trong BT.
BẢO HIỂM THÂN THỂ (kinh tế), loại bảo hiểm lấy sinh mạng con người làm đối tượng, bao gồm: bảo hiểm tuổi già, ốm đau, tai nạn, mất sức lao động… yêu cầu bảo hiểm cụ thể phụ thuộc vào tính đặc thù trong từng nghành nghề khác nhau. Người được bảo hiểm phải kí kết hợp đồng với tổ chức bảo hiểm và nộp phí bảo hiểm một lần hoặc nhiều lần, tuỳ theo hình thức bảo hiểm. Tổ chức bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm một số tiền theo những thời hạn đã ấn định, một lần, nhiều lần hay định kì thường xuyên như hưu trí (bảo hiểm hưu trí)
BẢO HIỂM Y TẾ (kinh tế), loại bảo hiểm do nhà nước tổ chức, quản lý nhằm huy động sự đóng góp của cá nhân, tập thể và cộng đồng xã hội để chăm lo sức khỏe, khám bệnh và chữa bệnh cho nhân dân. Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị định số 299 ngày 15.8.1992 về BHYT. BHYT áp dụng bắt buộc đối với cán bộ, công nhân viên tại chức, hưu trí, nghỉ mất sức lao động trong các đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức đảng, đoàn thể, xã hội, hội quần chúng có hưởng lương từ ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp quốc doanh, kể cả doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài và tổ chức quốc tế tại Việt Nam có thuê lao động là người Việt Nam. Các đối tượng khác tham gia BHYT tự nguyện. Mức đóng BHYT do cơ quan doanh nghiệp chịu trách nhiệm phần lớn (khoảng 2/3), cá nhân chỉ đóng phần nhỏ. Người đóng BHYT được khám, chữa bệnh ở tất cả các cơ sở y tế. Không được hưởng quyền lợi, về BHYT trong trường hợp tự tử, say rượu, dùng chất ma tuý, vi phạm pháp luật, bệnh lây qua đường sinh dục v.v.
BẢO HỘ LAO ĐỘNG (kinh tế, y), hệ thống các giải pháp về pháp luật, khoa học, kĩ thuật, kinh tế – xã hội nhằm bảo đảm an toàn và sức khỏe của con người trong quá trình lao động sản xuất. Nội dung bao gồm: 1/ Xây dựng, ban hành và giám sát việc thực hiện hệ thống luật vầ bảo đảm an toàn – vệ sinh lao động, hệ thống các tiêu chuẩn giới hạn cho phép của các yếu tố điều kiện lao động, hệ thống các quy phạm an toàn trong lao động – sản xuất và các chínhs ách, chế độ bồi dưỡng sức khỏe, chăm sóc y tế cho những người lao động phải làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, kém hấp dẫn. 2/ Bảo đảm tính đồng bộ và tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu an toàn – vệ sinh lao động trong toàn bộ quá trình thiết kế, sản xuất, vận chuyển, lắp đặt, vận hành và bảo quản nhà xưởng, quy trình công nghệ, máy móc, thiết bị, vật tư, nhiên liệu, năng lượng sử dụng trong quá trình lao động. 3/ Không ngừng nâng cao hiểu biết và ý thức của người sử dụng lao động về an toàn – vệ sinh lao động bằng cách tuyển chọn, tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn, đào tạo thường xuyên luyện tập các phương án phòng, chống các sự cố trong sản xuất.
Các hình thức sơ khai của BHLĐ đã xuất hiện cùng với quá trình phát triển sản xuất. Kĩ thuật và công nghệ sản xuất càng phát triển, nguy cơ ảnh hưởng của các yếu tố không thuận lợi phát sinh trong quá trình phát cũng ngày càng tăng lên, đòi hỏi công tác BHLĐ phải phát triển tương ứng. Nhà nước rất quan tâm đến công tác BHLĐ. Ngay sau khi thành lập nước Việt nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ đã ban hành các Sắc lệnh 29/SL (13.3.1947) và 77/SL (22.5.1950) về an toàn – vệ sinh lao động, thời giờ lao động – nghỉ ngơi. Tiếp theo đó là Điều lệ tạm thời về bảo hộ lao động (Nghị định 181/CP ngày 18.12.1964, Pháp lệnh bảo hộ lao động (10.9.1991) và gần đây trong bộ luật lao động mới ban hành (1994) có một chương quy định về công tác BHLĐ.
Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cũng đã có nhiều công ước và khuyến nghị về BHLĐ. Đáng chú ý là Công ước 155 (1981) về an toàn và sức khỏe của người lao động đã được Việt Nam phê chuẩn; Công ước 148 về bảo hộ người lao động chống những rủi ro nghề nghiệp do ô nhiễm không khí, tiếng ồn và những chấn động ở nơi làm việc; Công ước 174 (1993) về ngăn ngừa các tai nạn công nghiệp.
BẢO VỆ BÀ MẸ TRẺ EM (y), hệ thống các biện pháp nhà nước và xã hội, nhằm bảo vệ sức khỏe phụ nữ và trẻ em, bao gồm: chăm sóc sức khoẻ ban đầu, vệ sinh và dinh dưỡng, chăm sóc thai nghén để bảo đảm sinh đẻ an toàn, tiêm chủng chống các bệnh hiểm nghèo, vv; kế hoạch hoá gia đình; theo dõi tình trạng sức khỏe và sự phát triển của trẻ em; tổ chức cứu trợ xã hội cho phụ nữ và trẻ em; tích cực điều trị khi phát hiện bệnh; nâng cao vị trí người phụ nữ trong xã hội; thực hiện Pháp lệnh bảo vệ trẻ em; vv.
BẢO VỆ SỨC KHỎE (y), tổng hợp các biện pháp của nhà nước và xã hội để giữ gìn, nâng cao sức khỏe, phòng ngừa, điều trị bệnh tật và thương tật, kéo dài tuổi thọ của con người. BVSK gắn chặt với sự phát triển toàn diện của xã hội, chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội của một nước. Công tác BVSK đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành: kinh tế, nông nghiệp, công nghiệp, thể dục thể thao, giáo dục, y tế… và nhất là đòi hỏi sự tham gia tích cực của nhân dân vào các phong trào, các chương trình sức khỏe, thực hiện luật bảo vệ sức khỏe và bảo hiểm sức khỏe.
BÁT VỊ HOÀN (y; thận khí hoàn), bài thuốc ôn bổ thận dương, gồm 8 vị (thục địa, sơn thù, hoài sơn, trạch tả, đan bì, phục linh, nhục quế, phụ tử), được làm thành viên mềm.
BĂNG PHIẾN (hoá) x. Naphtalen
BĂNG HUYẾT (y), hiện tượng ra máu (huyết) nhiều và ồ ạt từ đường sinh dục nữ gây nên tụt huyết áp, sốc, rất nguy hiểm và dễ dẫn tới tử vong. Nguyên nhân: sẩy thai, do sót nhau, chủ yếu là sau khi sổ thai, trước và nhất là sau khi sổ nhau, BH xảy ra ở phụ nữ đẻ nhiều, cơ tử cung giãn, không co hồi sau sổ nhau, làm cho lòng các mạch máu thành tử cung vẫn há rộng và máu chảy ồ ạt ra ngoài. Để phát hiện kịp thời BH, phải kiểm tra kĩ bán nhau, đảm bảo nguyên vẹn, không sót nhau; theo dõi sản phụ ít nhất một giờ sau sổ nhau, bảo đảm tử cung co hồi tốt, làm thành một khối cầu cứng chắc. BH là một ca cấp cứu sản khoa tối cấp, cần phải giải quyết kịp thời mới cứu được sản phụ.
BĂNG KINH (y) hiện tượng hành kinh ra nhiều máu tới mức ảnh hưởng đến toàn thể trạng, bất kể thời gian dài hay ngắn. Nguyên nhân BK: tử cung co bóp kém ở những người đã đẻ nhiều lần, u cơ dưới niêm mạc tử cung, tăng sản niêm mạc tử cung…Cần tích cực giải quyết các hậu quả mất máu cấp, sự suy yếu cơ thể đồng thời cầm máu nhanh. Điều trị dự phòng cho những kỳ hành kinh sau, đồng thời tìm nguyên nhân của BK.
BẨM CHẤT DỄ MẮC BỆNH (y), tình trạng đặc biệt của cơ thể một cá thể (thể địa) làm cho cơ thể đó dễ mắc một bệnh mà nhiều người khác không mắc. Nguyên nhân là trong cơ thể có sẵn từ trước một sự thay đổi hay rối loạn sinh hoá, nhưng chưa bộc lộ ra ngoài, khi gặp một điều kiện thuận lợi nhất định, các dấu hiệu bệnh lý mới phát sinh và mới có thể phát hiện được. Vd. bệnh thiếu máu tan máu do thiếu một trong số các enzym trong hồng cầu cần thiết cho sự chuyển hoá của nó, chẳng hạn enzym G6PD (glucozơ – 6 – phophat đehiđrogenaza). Bệnh nhân có các dấu hiệu của bệnh thiếu máu tan máu bẩm sinh mạn tính. Thiếu enzym G6PD tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện bệnh vàng da tan máu cấp tính nếu xảy ra nhiễm khuẩn hay nhiễm độc (do uống các thuốc chống sốt rét như primachin, các sulfamide, các thuốc hạ nhiệt, vv).
BẨM SINH (sinh, giáo dục), tố chất được hình thành trong thời kỳ bào thai, có được do di truyền, hoặc do những điều kiện phát triển thai nhi. Vd. Do sự phát triển không bình thường của một cơ quan hay mô nào đó trong thời kỳ bào thai dẫn đến sứt môi, hở hàm ếch, bạch tạng, thừa ngón tay… có quan điểm cho rằng, cái BS quy định mọi sự phát triển tâm lý, còn môi trường, xã hội, giáo dục chỉ làm bộc lộ dần các đặc điểm BS. Quan điểm duy vật biện chứng xem BS chỉ là tiền đề vật chất của sự phát triển. Những biến đổi về chất trong sự phát triển tâm lý trẻ chủ yếu được quyết định do hoạt động giao lưu của chủ thể trong môi trường sống và giáo dục.
BẤM HUYỆT (y) x. Day ấn huyệt
BẤT LỰC (y), không sử dụng được chức năng bình thường của một bộ phận cơ thể do nhiều nguyên nhân khác nhau (thương tật, vv). Vd. Chi bị bại liệt, tai điếc, vv.
BẤT LỰC TÌNH DỤC (y), không có khả năng tiến hành giao hợp một cách bình thường và trọn vẹn. Vd. liệt dương đối với nam, lãnh đạm tình dục đối với nữ. Nguyên nhân: do khuyết tật của bộ phận sinh dục, do sức khỏe kém, quá lao tâm lao lực, do các yếu tố tâm lý, thần kinh, nội tiết, vv. Chữa khó khăn, phức tạp, tập trung tác động chủ yếu vào các yếu tố thần kinh tâm lý. Theo y học cổ truyền, BLTD là do thận âm hư. Có thể chữa bằng châm cứu và thuốc đông y.
BÉO PHÌ (y), tình trạng một cơ thể tích lũy mỡ quá mức ở trong các phủ tạng cũng như tổ chức liên kết và tổ chức dưới da, làm cho khối lượng cơ thể vượt quá 25% khối lượng lý tưởng. Nguyên nhân: ăn nhiều hoặc rối loạn chuyển hoá hay nội tiết. BP là trạng thái bệnh lý kèm theo các bện khác như đái tháo đường, tăng huyết áp. Để chống BP, cần có chế độ ăn hợp lý (lượng thức ăn có năng lượng không quá cao so với nhu cầu của cơ thể) và tập luyện thường xuyên.
BỆNH (y, nông sinh), quá trình hoạt động không bình thường của cơ thể sinh vật (người, động vật, thực vật), từ nguyên nhân khởi thủy đến hậu quả cuối cùng. Nguyên nhân gây B rất nhiều, có thể tổng hợp làm ba loại chính: hoặc do bản thân cơ thể sinh vật có khuyết tật như di truyền bẩm sinh hay rối loạn sinh lý hoặc do hoàn cảnh sống của sinh vật khắc nghiệt như quá nóng, quá lạnh , bị ngộ độc, không đủ chất dinh dưỡng; hoặc do bị các sinh vật khác (nhất là các vi sinh vật) kí sinh. Do đó, bệnh có rất nhiều loại, nhiều dạng hình. Một cơ thể, sinh vật không chỉ có một loại bệnh, và nhiều lúc một loại bệnh không chỉ có trên một cá thể sinh vật. Triệu chứng, điều kiện phát sinh phát triển của từng loại bệnh thường khác nhau. Điều quan trọng trước hết là phải xác định đúng nguyên nhân gây B, sau đó xét đến mối quan hệ giữa nguyên nhân gây bệnh và cơ thể bị B cùng mối quan hệ giữa chúng với điều kiện hoàn cảnh xung quanh thì mới phòng chữa B có hiệu quả.
BỆNH AĐIXƠN (y), bệnh suy tuyến thượng thận mạn tính do Ađixơn (Addison) mô tả lần đầu tiên năm 1855. Nguyên nhân: vỏ tuyến thượng thận bị phá huỷ do lao (chủ yếu), ung thư, giang mai, xơ cứng động mạch, vv. Dấu hiệu: sút cân, chóng mệt mỏi, suy yếu về thể chất và tinh thần, chán ăn, buồn nôn, nôn, giảm huyết áp, da bị sạm nâu, nhất là ở những nơi bị hở như mặt, cổ tay hoặc những nơi da thường bị cọ xát, chỗ có sẹo cũ. Bệnh nhân có thể chết vì truỵ tim mạch, ngừng tim đột ngột do kali trong máu tăng cao. Điều trị: bổ sung các hocmon bị thiếu (cortisone), chữa nguyên nhân (lao, ung thư,vv).
BỆNH ÁN (y) hồ sơ bệnh án của từng bệnh nhân trong mọi cơ sở điều trị nội, ngoại trú. BA được lập theo một mẫu tương đối thống nhất, nhằm ghi chép đầy đủ các thông tin liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới bệnh được điều trị, gồm các phần: sơ yếu lí lịch (họ, tên, tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân và gia đình, hoàn cảnh kinh tế); bệnh sử (diễn biến của các triệu chứng bệnh từ khi bắt đầu, các biện pháp khám chữa bệnh đã được sử dụng); tiền sử bệnh tật gia đình và bản thân; các thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, chẩn đoán phân biệt và xác định, chỉ định điều trị. Phần thực hiện và theo dõi được ghi hàng ngày lên phiếu điều trị kèm theo. Kết thúc quá trình điều trị, thầy thuốc ghi nhận xét về tình hình lúc ra viện (hoặc chết). BA là tài liệu cần thiết cho bệnh nhân trong hàng chục năm và có giá trị nghiên cứu cho các cơ sở khám và điều trị bệnh.
BỆNH BẠCH CẦU (y), bệnh ác tính của máu và các tổ chức tạo máu (tuỷ xương, lách, hạch). Bệnh biểu hiện bằng hiện tượng sinh sản quá mức không ngăn cản, kiểm soát được của bạch cầu bình thường và bất thường là 4000 – 9000/mm3, khi bị bệnh có thể lên tới 100 – 200 nghìn/mm3. Sự xâm lấn này kết hợp với hiện tượng rối loạn tế bào hồng cầu và tiểu cầu. Căn cứ vào dòng bạch cầu bị bệnh có thể có BBC thể tủy, BBC lympho, BBC đơn nhân. Nguyên nhân bệnh: nhiễm phóng xạ (như nạn nhân ở Hirosima), có những nguyên nhân chưa rõ như bệnh ở súc vật (x. Bệnh lơcôxis). Cách điều trị hiện nay: dùng hoá chất chống ung thư đặc hiệu, corticoides, kháng sinh, truyền máu. Có thể bệnh giảm từng đợt, bệnh nhân sống bình thường và bệnh kéo dài.
BỆNH BẠCH HẦU (nông y), bệnh nhiễm độc, nhiễm khuẩn do vi khuẩn Corynebacterium diphteriae gây ra, chủ yếu ở trẻ em. Biểu hiện: viêm họng có giả mạc hoặc viêm thanh quản ngạt thở do giả mạc phủ đầy trên thanh quản và dấu hiệu nhiễm độc nặng (viêm cơ tim và liệt các các dây thần kinh). Bệnh truyền nhiễm, lây bằng các giọt nước bọt bắn ra xung quanh do hắt hơi hoặc ho, trong đó có chứa vi khuẩn BBH và theo đường hô hấp xâm nhập vào người lành. Phòng bệnh có hiệu quả cao bằng tiêm giải độc tố BBH. Ở gà, có một bệnh gọi là BBH nhưng là một thể của bệnh đậu gà, do virut (x. Bệnh đậu) và ở bê có một bệnh cũng gọi là BBH nhưng do vi khuẩn Spherophonus necrophonus gây viêm niêm mạc miệng và hoại thư nặng.
BỆNH BẠI LIỆT (y, tk. bệnh Heine – Medin, lấy tên 2 tác giả mô bệnh đầu tiên), bệnh nhiễm khuẩn lây lan có thể gây thành dịch, do virut bại liệt làm thương tổn chất xám của tuỷ sống, chủ yếu là sừng trước của tuỷ sống. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em với dấu hiệu sốt nhẹ, rồi liệt ở các chi hay liệt cơ hô hấp, chứa virut bại liệt, làm ô nhiễm nước và thực phẩm. Phòng bệnh có hiệu quả bằng vắc xin bại liệt. Tổ chức Y tế Thế giới đặt kế hoạch thanh toán BBL vào năm 2000.
BỆNH BAZƠĐÔ (y), bệnh cường tuyến giáp, xảy ra phần nhiều ở nữ, nam ít bị hơn. BB do thầy thuốc người Đức Bazơđô (D. Kart Basedow) mô tả năm 1840 với 3 triệu chứng chính (tam chứng Bazơđô): bướu cổ, lồi mắt hai bên, tim đập nhanh. Sau này thêm một số dấu hiệu khác: run tay, gầy sút cân và thay đổi tính tình, dễ bị kích động, lo âu, hay ra mồ hôi, vv (x. Cường tuyến giáp). Điều trị nội khoa bằng cách dùng các thuốc kháng giáp MTU (methyl thiouracile), PTU (propylthiouracile), néo mercazole, vv, trợ tim và an thần, dùng iot phóng xạ, điều trị ngoại khoa bằng chỉ định cắt bỏ tuyến giáp nếu điều trị nội khoa không đem lại kết quả.
BỆNH BẨM SINH (y), bệnh có nguy cơ ngay từ khi mới đẻ; có thể dễ nhận thấy (thừa ngón tay, ngón chân, cụt một phần của chi trên, chi dưới, sứt môi, tràn dịch não,…); cũng có khi phải khám kĩ mới phát hiện được (tật không thủng hậu môn, tinh hoàn lạc chỗ vv); có thể không phát hiện được trừ khi ngẫu nhiên khám nghiệm tử thi (thừa lách,vv). Nguyên nhân: bệnh di truyền do gen, bệnh bào thai mắc phải cùng với mẹ khi có thai (nhiễm virut rubeon, nhiễm hoá chất độc như chất phát quang, chất diệt cỏ
BỆNH BỐT KIN (y) x. Bôtkin X.P
BỆNH BỤI PHỔI SILIC (y), tình trạng bệnh lý ở phổi do hít phải bụi có hàm lượng silic tự do cao. Là bệnh nghề nghiệp phổ biến nhất ở Việt Nam. Đến nay, số trường hợp bệnh được xác định khoảng 5 nghìn chiếm tỷ lệ xấp xỉ 90% tổng số bệnh nhân làm những nghề được hưởng chế độ đền bù độc hại. Đặc điểm của bệnh: về mặt giải phẫu là xơ hoá và phát triển các hạt ở hai lá phổi; về lâm sàng là khó thở; về mặt Xquang là phổi có hình ảnh tổn thương đặc biệt. Bệnh phát triển và không hồi phục ở công nhân hàng ngày hít thở bụi chứa silic như thạch anh, cát, granit, vv. Triệu chứng cơ bản là khó thở. Còn có thể gặp các triệu chứng khác như đau ngực, hay đau ở vùng đáy phổi, ho và khạc đờm (đờm đen, gặp ở công nhân mỏ than). Dấu hiệu bệnh xuất hiện sớm nhất là hình ảnh tổn thương trên phim Xquang. BBPS có nhiều biến chứng, là nguyên nhân gây tử vong của lao phổi (x. Silicô lao), suy hô hấp và nhiễm khuẩn phế quản – phổi cấp tính.
Ở Việt Nam, bệnh gặp nhiều nhất ở công nhân khai thác than (trong hầm lò), đúc cơ khí, luyện kim, sản xuất vật liệu chịu lửa. Cho đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu làm ngừng sự tiến triển của bệnh hoặc làm khỏi bệnh. Tuy nhiên, có thể áp dụng một số phương pháp như điều trị triệu chứng (khó thở), điều trị biến chứng hạn chế tử vong sớm (nhất là đối với viêm phế quản – phổi cấp tính), điều trị phục hồi khả năng lao động (tập thở, khí công, dưỡng sinh, vv) làm tăng dung tích sống của phổi, làm giảm hội chứng tắc nghẽn và hội chứng hạn chế.
Biện pháp dự phòng quan trọng nhất là giảm nồng độ bụi ở môi trường lao động. Công nhân phải đeo khẩu trang – loại có hiệu quả ngăn được bụi. BBPS là bệnh nghề nghiệp đựơc bảo hiểm. Khi mắc bệnh, người bệnh được giám định bệnh và được hưởng chế độ đền bù.
BỆNH CẢNH LÂM SÀNG (y, bệnh tình, tình trạng bệnh), tập hợp những biểu hiện của bệnh từ nhiều nguồn: bện nhân tự nhận thấy và diễn tả các rối loạn chức năng như nhức đầu, chóng mặt, táo bón, vv (triệu chứng chủ quan); lời kể của thân nhân người bệnh; thầy thuốc phát hiện qua khám lâm sàng trực tiếp (tứ chẩn trong y học cổ truyền dân tộc: vọng, văn, vấn, thiết) hoặc bằng các dụng cụ đơn giản (ống nghe, búa gõ phản xạ, vv); xét nghiệm dịch và bệnh phẩm (máu, nước tiểu, phân, đờm, chất chọc dò, vv) trong các phòng xét nghiệm, kết quả thăm dò chức năng các cơ quan, nội soi, vv. BCLS là cơ sở cho phép hình dung được tình hình của bệnh, đi đến xác định chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh.
BỆNH CHÂN VOI (y) 1. Ở người (tk. Phù voi), biểu hiện ở thể tích của hạ nang hay một chi dưới to ra như chân voi. Bệnh thấy ở xứ nóng do giun chỉ làm tắc các mạch bạch huyết. Cũng có thể tắc do nguyên nhân khác. Hoặc do mạch bạch huyết nhiễm liên cầu khuẩn nhiều lần. Ở Việt Nam, đã thấy BVC ở Nam Hà, Hải Hưng, vùng đất cát Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, vv. 2. Ở súc vật, bệnh của da và mô liên kết dưới da ở chân, đặc biệt là chân sau, thường thấy ở ngựa. Đặc điểm : viêm da mạn tính do những biến loạn tuần hoàn, da bị nứt, sinh apxe, chân ngựa thành một hình trụ to cứng, lạnh; thỉnh thoảng có những cơn viêm cấp tính, làm cho da nóng và đau.
BỆNH CHẤT TẠO KEO (y; tk. bệnh colagen), một nhóm bệnh khác nhau nhưng có đặc điểm chung là tổn thương thoái hoá tỏa lan do phản ứng kháng nguyên – kháng thể của mô liên kết (thoái hoá dạng tơ huyết). Những bệnh thường được xếp trong nhóm bệnh này là luput đỏ, viêm nút quanh động mạch, cứng bì.
BỆNH CHUNG CHO NGƯỜI VÀ ĐỘNG VẬT (nông; zoonosis), bệnh truyền một cách tự nhiên từ động vật có xương sống, gia súc hay thú hoang sang người và ngược lại. Có hai loại bệnh: bệnh truyền từ người sang động vật và bệnh truyền từ động vật sang người. Có những zoonosis gọi là giới hạn, tức là bệnh truyền sang người rồi ngừng lại, không có khả năng truyền từ người nọ sang người kia, vd. bệnh sảy thai truyền nhiễm, bệnh dại và một số bệnh kí sinh trùng. Có những zoonosis mở rộng, tức là sau khi truyền từ động vật sang người, bệnh có thể truyền từ người này sang người khác.
Những bệnh chính: viêm não do virut, sốt vàng ở rừng, bệnh dai, viêm miệng có mụn nước, đậu bò, sốt vẹt, sốt Q, sẩy thai truyền nhiễm, bệnh than, các bệnh trùng xoắn, bệnh tị thư, bệnh lao, bệnh dịch hạch, bệnh phó thương hàn, bệnh đóng dấu, các bệnh nấm ngoài da.
BỆNH CHỨNG VẬN ĐỘNG (y), trạng thái không bình thường (say tầu, say xe, say sóng, vv), bao gồm: trạng thái khó ở, cảm giác khó chịu, ngáp dài, nôn nao, ói mửa, vã mồ hôi, xây xẩm, thỉu, vv. Xảy ra ở những người đi tàu, xe, vv, do ảnh hưởng của sự chuyển động của phương tiện giao thông đối với mê nhĩ.
BỆNH CO CỨNG ĐẦU CHI (y) x. Bệnh têtani
BỆNH CÚM (y, nông) 1. Ở người, là bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp do virut Myxovirus influenzae gây nên, lây lan theo đường hô hấp. Xuất hiện đột ngột, đau toàn thân, chảy nước mắt, nước mũi, ho, đau họng, vv. Thường tự khỏi sau 2-7 ngày nếu không có biến chứng. Biến chứng hay gặp là bội nhiễm vi khuẩn gây viêm phế quản, viêm phổi với mức độ nặnt nhẹ khác nhau tuỳ từng vụ dịch và từng cơ địa. Người già và những người có bệnh mạn tính như tim, viêm phế quản mạn dễ có biến chứng và dễ tử vong. BC có thể phát thành dịch rất lớn. Vụ dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 làm chết hàng triệu người, vụ dịch cúm châu Á 1957, vụ dịch Hồng Kông 1968, vụ dịch ở Pháp 1972, là những ví dụ điển hình. Không có thuốc điều trị đặc hiệu; cần điều trị sốt, đau bằng aspirine (cẩn thận khi biết chắc chắn không phải là sốt xuất huyết), paracétamol, vitamin C. Chỉ dùng kháng sinh khi có biến chứng bội nhiễm do khuẩn (viêm phế quản, viêm tai, viêm xương). Việc phòng bệnh bằng tiêm vacxin còn khó khăn vì loại vacxin phòng cúm có hiệu lực phải chứa kháng nguyên phù hợp với chủng virut đang gây dịch. Y học cổ truyền chữa bằng cách phát hãn (cho ra mồ hôi), giải nhiệt thanh nhiệt, giải độc với các vị thuốc thanh cao, ngăn sài hồ, cát cánh, hoàng cầm. 2. Ở vật nuôi: thường thấy ở lợn, ngựa. Ở lợn, là bệnh truyền nhiễm, lây lan, do Hemophilis influenzaesuis và một loại virut đặc hiệu (gần giống virut tip A gây BC ở người) gây ra hoặc do lợn nuốt phải giun đất có chứa ấu trùng giun phổi (Metastrongylus) mang virut. Triệu chứng: sốt cao, rối loạn hô hấp, gặp nhiều nhất ở lợn dưới 4 tuần tuổi. Tỷ lệ chết thấp. Ở ngựa, bệnh đường hô hấp do myxovirut 1A.E1 và 1A/E 2 nhiễm vào phổi ngựa. Triệu chứng: viêm chảy ở phế quản, sốt trong thời gian ngắn, sau đó ho khan và đau kéo dài khoảng 3 tuần. Bệnh thường tự nhiên khỏi nếu tránh được nhiễm khuẩn thứ phát; có thể phòng bệnh bằng vắcxin.
BỆNH DA LIỄU (y), nhóm bệnh bao gồm các bệnh của bản thân da hoặc được biểu hiện trên da và các bệnh hoa liễu.
BỆNH DA NHIỄM ĐỘC (y), bệnh da do tác động gây nhiễm độc dị ứng của hoá chất (axit, bazơ, clo, brom, iot, vv.), thuốc (kháng sinh, vv.), thức ăn, các loại dị nguyên khác trong sinh hoạt và sản xuất (thuốc trừ sâu, phân bón, vv.). Bệnh thường nặng ở người có sẵn bệnh nội tạng, nội tiết, bệnh đái tháo đường, nghiện rượu và cơ thể suy nhược. Dấu hiệu lâm sàng: da đỏ, mụn nước, bọng nước và sẩn, kèm theo ngứa; trong trường hợp nặng, các thương tổn lan rộng: xuất huyết, loét và hoại tử da; sốt cao, cơ thể suy sụp, kèm theo các biến chứng về gan, thận. Dự phòng: thận trọng khi dùng thuốc, thức ăn, hoá chất. Điều trị bằng các loại thuốc giảm mẫn cảm, chống dị ứng và chống nhiễm khuẩn.
BỆNH DẠI (y, nông), bệnh do virut dại (myxovirut) chung cho người và một số động vật (chó, mèo, nhiều động vật nuôi và hoang dại khác). Bệnh xảy ra ở hầu hết các nước trên thế giới, biểu hiện qua các triệu chứng của viêm não – màng não. Người mắc bệnh thường do chó dại cắn vì nước bọt của chó dại chứa virut dại. Từ khi bị chó dại cắn đến khi có triệu chứng khoảng 2-8 tuần. Ở chó dại có hai thể BD: dại điên cuồng, con vật bị kích thích cao độ và tấn công dữ dội; dại câm, con vật nhanh chóng bị bại liệt. Triệu chứng điển hình ở người là sợ gió, sợ nước, miệng trào nước bọt, dễ bị kích động la hét, lúc tỉnh lúc mê. Chết sau 3 ngày kể từ khi có dấu hiệu sợ gió, sợ nước. Khi bị chó dại cắn hay nghi bị chó dại cắn, phải cách li chó để theo dõi 15 ngày và tiêm phòng dại theo chỉ định của thầy thuốc. Phòng bệnh bằng cách tiêm vắcxin phòng dại cho chó và súc vật và chăn giữ vật nuôi cẩn thận. Các nước Châu Âu đang nghiên cứu thí nghiệm dùng văcxin phòng bệnh cho vật hoang.
BỆNH DI TRUYỀN (sinh), bệnh do cha mẹ truyền cho con qua tế bào sinh dục (tinh trùng hay trứng), do đó mầm bệnh có từ trong hợp tử (phôi), từ điểm khởi thuỷ của sự sống trong tử cung. Trên nhiễm sắc thể của tinh trùng hay trứng, có các gen bị bệnh (các BDT thực, có thể truyền được cho các thế hệ sau), hay do các sai lệch bất thường của nhiễm sắc thể (ít khi di truyền). Bệnh có thể biểu hiện ở mức độ quần thể (một số bệnh rối loạn hemoglobin), cá thể (bệnh mù màu sắc), tế bào và phân tử (bệnh đái tháo đường di truyền, bệnh ưa chảy máu, vv.). Theo chức năng các sản phẩm của gen bị bệnh, có thể chia ra: bệnh của phân tử không phải enzim (bệnh tan máu của trẻ sơ sinh do hemoglobin bệnh lí); bệnh lí của phân tử enzim gây các bệnh về rối loạn chuyển hoá axit amin, lipit, gluxit, purin, pirimiđin. Đến nay đã biết khoảng 600 BDT rối loạn chuyển hoá (bạch tạng, niệu alkapton, xistin niệu, bệnh tăng colesteron huyết gia đình, vv.). Cần phân biệt với bệnh bẩm sinh (xt. Bệnh bẩm sinh). Cần chú ý: bệnh gia đình có thể là một BDT hoặc có thể chỉ là một bệnh lây thông thường do các thành viên sống trong gia đình có các điều kiện và môi trường sống như nhau nên mắc cùng một bệnh. BDT cũng đã thấy ở một số loài vật nuôi.
BỆNH DỊCH (y) 1. Theo nghĩa cũ và hẹp: bệnh nhiễm khuẩn, lây lan rộng, nhanh chóng, từ người này sang người khác trong một vùng dân cư rộng (dịch hạch, dịch tả, đậu mùa, vv.). 2. Theo nghĩa rộng hiện nay: bệnh nhiễm khuẩn hay không nhiễm khuẩn, hoặc một hiện tượng bệnh lí xảy ra đồng thời trên nhiều người ở trong một khu vực dân cư, với những điều kiện sống không bình thường và có ảnh hưởng như nhau (dịch tả, dịch sốt rét, dịch khô giác mạc, dịch ma tuý, dịch tự tử, vv.). Dịch tễ học là một môn khoa học trong y tế công cộng nghiên cứu và giải quyết các BD và các hiện tượng bệnh tật ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân.
BỆNH DỊCH HẠCH (y), bệnh nhiễm khuẩn lưu hành ở loài gặm nhấm do vi khuẩn Yersinia pestis. Bệnh truyền sang người do bọ chét ở chuột mắc bệnh đốt người. Bệnh thường có 3 thể: thể nổi hạch, thể phổi có thể lây sang người lành qua đờm và thể nhiễm khuẩn huyết. Bệnh phải khai báo quốc tế. Phòng bệnh bằng cách diệt chuột, diệt bọ chét và tiêm phòng văcxin ở những nơi dịch lưu hành nặng. Chữa bệnh: dùng kháng sinh tétracycline đạt kết quả tốt.
BỆNH DINH DƯỠNG (y), những bệnh gây ra do khẩu phần ăn không thích hợp với nhu cầu về chất dinh dưỡng của cơ thể. Khi khẩu phần thừa chất dinh dưỡng, người mắc bệnh béo phì hay xơ vữa động mạch. Bệnh thiếu dinh dưỡng phát sinh khi cơ thể không được cung cấp đủ nhu cầu hoặc do bệnh của dạ dày, ruột làm cho thức ăn không hấp thu được đầy đủ. Các BDD ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và sự phát triển toàn diện của con người.
BỆNH DO TÁC NHÂN VẬT LÍ (y), bệnh do tác nhân vật lí (nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, tiếng ồn, độ rung, các loại sóng điện, từ trường, phóng xạ, vv.) ở quá mức an toàn trong thời gian dài hoặc với cường độ cao ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Mỗi tác nhân gây ra một số loại bệnh riêng: nhiệt độ cao gây say nóng; môi trường trong các giếng chìm có độ ẩm cao bị giảm đột ngột làm cho chất khí nitơ hoà tan trong máu bốc hơi gây bệnh khí nén (bệnh của thợ nặn); tiếng ồn gây suy nhược thần kinh và các bệnh về thính giác; tia tử ngoại gây loét giác mạc và cứng thể thuỷ tinh, gây ung thư da; sống ở nơi có độ nhiễm xạ cao bị các bệnh nhiễm xạ; độ rung dù nhỏ, nhưng lâu ngày sẽ gây thoái hoá các khớp nhỏ. Muốn phòng các bệnh trên, phải thực hiện nghiêm ngặt các chế độ bảo hộ lao động. Phát hiện bệnh qua các cơ sở quản lí sức khoẻ (khám bệnh định kì và hàng loạt).
BỆNH DO THẦY THUỐC (y), bệnh do thầy thuốc gây ra một cách không tự giác trong các trường hợp chuẩn đoán không đúng làm cho việc chữa bệnh không có hiệu quả, bệnh tiếp tục diễn biến; thực hiện các thao tác kĩ thuật không đúng quy trình (bỏ sót gạc trong vùng mổ, tiêm canxi chệch ra ngoài tĩnh mạch, băng bó không vô khuẩn, vv.); lạm dụng thuốc (chỉ định dùng thuốc không đúng, quá liều hoặc kéo dài quá thời gian); cho dùng nhầm thuốc; không đảm bảo yêu cầu vệ sinh trong bệnh viện (gây nhiễm khuẩn chéo, vv.); không theo dõi bệnh nhân cho đáo, vd. không kiểm tra máu, công thức bạch cầu khi điều trị bằng phóng xạ, hoá chất chống ung thư, vv. Phòng tránh: nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm và lương tâm của thầy thuốc, quản lí tốt công tác y tế trong chuẩn đoán và điều trị bệnh.
BỆNH ĐĂNGGƠ (y; Ph. Đengue), bệnh do virut Đănggơ gây ra, lây truyền do muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus đốt người bệnh rồi truyền sang người lành. Dấu hiệu lâm sàn: sốt cao, đau đầu, đau cơ, đau khớp. Bệnh gây dich lưu hành ở dọc bờ biển, bờ sông vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới Châu Phi, Châu Á, Châu Úc và Nam Mỹ. Phòng bệnh: diệt bọ gậy của muỗi, diệt muỗi trưởng thành. BĐ xuất huyết là một thể bệnh của BĐ cổ điển; ngoài các triệu chứng của BĐ cổ điển như sốt cao, đau đầu, đau khớp, còn có dấu hiệu xuất huyết, chủ yếu ở dưới da và niêm mạc, nhưng cũng thường gặp xuất huyết đường tiêu hoá, tiết niệu, não. Dấu hiệu đặc trưng về sinh học là hạ tiểu cầu và cô đặc máu. Chết vì thể BĐ xuất huyết có sốc chiếm tỉ lệ 70-80%, số còn lại chết là do chảy máu ồ ạt.
Ở Việt Nam, hiện nay BĐ xuất huyết là bệnh dịch có số người mắc bệnh nhiều đứng vào hàng thứ ba sau sốt rét và ỉa chảy. Đối tượng cảm thụ chủ yếu là trẻ em. Điều trị: bồi phụ nước và điện giải sớm bằng cách cho uống oresol hoặc dung dịch thay thế. Phòng bệnh rất khó vì chưa có văcxin; chỉ tập trung diệt bọ gậy trước khi có dịch, diệt muỗi trưởng thành khi có dịch.
BỆNH ĐẬU (y), bệnh truyền nhiễm do virut gây ra cho người và vật nuôi, đặc điểm chung là có phản ứng sốt và xuất hiện những mụn nước chuyển thành mụn mủ. Virut gây BĐ được phân thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất gồm virut đậu mùa ở người, BĐ bò, BĐ ngựa, BĐ lạc đà và BĐ lợn. Nhóm thứ hai gồm virut BĐ cừu, BĐ dê, BĐ lợn, BĐgà, BĐ bồ câu và BĐ bạch yến. Tất cả những BĐ trong nhóm thứ nhất đều do cùng một virut gây ra gọi là vaccine, lây lan nhẫn nhau và dùng văcxin phòng bệnh lẫn cho nhau được. Nhóm thứ hai gồm những virut khác nhau, mỗi virut gây bệnh ở một loài vật. BĐ mùa đặ biệt nguy hiểm (trước khi phát minh phương pháp chủng đậu) vì có những thể bệnh cấp tính và những biến chứng có thể gây tử vong. BĐ bò do virut vaccine, gây mụn có nước sau thành mủ ở núm vú bò. Jênơ (A. Edward Jenner), năm1796, nhận thấy những người vắt sữa đã lây BĐ bò thì không mắc BĐ mùa của người nữa, nên có những phát minh dùng virut vaccine chủng cho người để phòng BĐ mùa.
BỆNH ĐẬU MÙA (y) x. Bệnh đậu.
BỆNH ĐIÊN (y) x. Điên
BỆNH GUT (y; tk. thống phong), bệnh rối loạn chuyển hoá các chất có nhân purin, làm cho axit uric trong máu tăng, axit uric trong nước tiểu giảm, hậu quả là lắng đọng tinh thể urat ở khớp, dưới da và thận. Thường xảy ra (tới 95%) ở nam trưởng thành (30-40 tuổi) và có tính gia đình. BG có thể cấp hoặc mạn. BG cấp thường xảy ra sau bữa ăn nhiều thịt và rượu hoặc mệt mỏi; biêu hiện: cơn đau đột ngột vào ban đêm, sốt; khớp bàn chân, ngón chân cái sưng, nóng, đỏ, đau chói, chạm nhẹ cũng rất đau; axit uric máu tăng quá 70 mg/l; hết đau nhanh, sau khi dùng thuốc colchicine. BG mạn thường xảy ra khá lâu sau đợt cấp tính với biểu hiện: cơn đau vừa phải ở khớp ngón chân cái, vận động khớp hạn chế; lắng đọng tinh thể urat ở màng hoạt dịch, dưới da (hạt urat) ở vành tai, quanh khớp nhỏ, đầu xương dài, vv. Có sỏi urat ở thận gây suy thận; khớp bị huỷ, dính khớp. BG mạn tiến triển chậm (10-30 năm); người bệnh thường chết vì suy thận. Điều trị: tránh thức ăn có purin, rượu (nhất là rượu nho); chế độ ăn nên có nhiều rau, quả, cá; uống nhiều nước, dung dịch kiềm, lợi tiểu. Dùng các loại thuốc đặc hiệu: trong thống phong cấp, dùng indométacine, colchicine (viên, công hiệu nhưng độc); trong thống phong mạn tính, dùng những thuốc tăng axit uric niệu như allopurinol (viên) hay probénécide (viên).
BỆNH HẮC LÀO (y), bệnh da do nấm, có dát màu hồng, có bờ xung quanh, ở giữa thương tổn nhạt màu hơn, trên có vẩy da nhỏ dễ bong, quanh bờ có mụn nước nhỏ, rất ngứa; thương tổn hắc lào thường xuất hiện ở mông, bụng, bẹn, có khi ở các chi. Bệnh dễ lây do dùng chung quần áo hoặc tiếp xúc trực tiếp. Điều trị bằng cồn iot 2%, mỡ acide chrysophanique 3%, dung dịch ASA (cồn, natrisalixylatm, aspirine), hằng ngày bôi 2-3 lần. Phòng bệnh: vệ sinh thân thể, giữ khô các kẽ da, nhất là vào mùa nóng ẩm, bằng cách xoa phấn rôm, không dùng chung quần áo lót, đi lẫn giày dép. Theo y học cổ truyền, có thể dùng các thuốc sau bôi vào chỗ bị tổn thương: rễ cây kiến cò 100g, riềng khô 30g tán nhỏ, rây mịn, bỏ lọ nút kín mỗi lần dùng cho vào ít dầu hoả vừa đủ để bôi; bột rễ cây kiến cò 100g ngâm rượu 40-70° trong hai tuần; bột rễ cây chút chít 100g ngâm rượu 40-70° trong hai tuần.
BỆNH HĂM KẼ (y), bệnh xuất hiện ở các kẽ như cổ, nách, bẹn, khuỷu tay, khoeo chân, kẽ ngón, thường gặp ở những người béo (hoặc trẻ em bụ bẫm) với biểu hiện: các kẽ cọ xát, lớp sừng trượt ra, dễ bị nhiễm khuẩn và nhiễm nấm. Dự phòng: giữ vệ sinh các kẽ, tránh cọ xát, xoa bột tan. Điều trị bằng các thuốc làm dịu da, các thuốc diệt khuẩn và diệt nấm theo chỉ định của thầy thuốc.
BỆNH HỌC (y), bộ môn của y học, chuyên nghiên cứu các bệnh và thương tật xảy ra trên cơ thể người về các mặt: xác định; phân loại; mô tả về lâm sàng; nguyên nhân; cơ chế sinh bệnh; tiên lượng; dự phòng, chữa bệnh, vv. Từ mô tả dựa vào kinh nghiệm cá nhân của các thầy thuốc và về sau, nhờ các trang thiết bị ngày càng hiện đại, y học đi sâu dần vào các biến đổi rất tinh vi của cơ thể, tới mức phân tử (BH phân tử) mà giác quan thông thường không phát hiện được và từng bước tìm được nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh (gen di truyền, enzim, miễn dịch, vv.) để ngày càng đạt được nhiều kết quả trong điều trị và dự phòng một số bệnh mà trước kia coi như định mệnh, nan y. Nhờ công nghệ viễn thông, các thầy thuốc đã có thể theo dõi, nghiên cứu các biến đổi trên cơ thể các nhà phi hành vũ trụ khi hoạt động nhiều ngày trong vũ trụ (y học vũ trụ), vv. BH đã được chia làm nhiều chuyên khoa và phân khoa: BH đại cương, so sánh, nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, thần kinh, tim mạch, lâm sàng, cận lâm sàng, vv. dựa trên cơ sở các đối tượng, phương thức chữa bệnh chủ yếu, tác nhân gây bệnh, cơ chế gây bệnh, vv.
BỆNH HỌC TẾ BÀO (y) 1. Môn học về những bệnh của tế bào do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. 2. Một chuyên khoa của y học nghiên cứu và chuẩn đoán tình hình sức khoẻ và bệnh tật bằng cách khám nghiệm và đánh giá qua soi hiển vi các phiến đồ.
BỆNH HỌC THỂ THAO (y) x. Thể thao chữa bệnh.
BỆNH HỘT XOÀI (y; tk. bệnh Nicôla – Favre; bệnh hoa liễu thứ tư), bệnh lây qua đường tình dục, do Chlamydia trachomatis gây ra. Đã được hai tác giả Nicôla (Ph. J. Nicolas) và Favrơ (Ph. M. J. Favre) tả đầu tiên năm 1913. Khởi đầu là vết trượt rất nhỏ, khu trú ở bộ phận sinh dục, sau đó xuất hiện rất nhanh các hạnh viêm ở bẹn. Nhiều hạch liên kết với nhau thành cụm giống hột xoài. Bệnh tiến triển dai dẳng, mủ chảy từ nhiều lỗ rò như gương sen ở vùng bẹn, sau thành sẹo và xơ hoá. Có thể biến chứng phù voi ở bộ phận sinh dục hoặc trực tràng. Cần điều trị sớm và tích cực bằng kháng sinh theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.
BỆNH HỦI (y) x. Bệnh phong.
BỆNH HUYẾT CẦU TỐ (y), bệnh do các biến hỏng về mặt số lượng của phân tử huyết cầu tố của hồng cầu, các chuỗi polipeptit cấu tạo globin được phân bố một cách bất thường, nhưng vẫn giữ một cấu trúc bình thường. Biến đổi này do thiếu gen điều hoà của huyết cầu tố, như thường gặp trong bệnh thalassémie (bệnh thiếu máu vùng biển). Do biến đổi chất lượng của huyết cầu tố, ở trong một chuỗi polipeptit của globin có một axit amin thay thế bằng một axit khác, tạo nên một cấu trúc bất thường của một trong các chuỗi polipeptit và do đó tạo nên một huyết cầu tố bất thường. Bệnh có tính di truyền: nếu tật dị thường chỉ có ở một người (cha hoặc mẹ), bệnh có thể ở trạng thái ẩn, không lộ ra ngoài; nếu có cả bố và mẹ, bệnh sẽ xuất hiện ra ngoài dưới dạng thiếu máu tan máu. Có nhiều loại BHCT: BHCT S (hay drépanocytose) là bệnh thiếu máu với hồng cầu hình liềm; BHCT C trong đó axit amin thứ sáu (axit glutamic) của chuỗi beta được thay bằng lisin; BHCT E trong đó axit amin thứ 26 (axit glutamic) của chuỗi beta được thay bằng lisin. Trong điều kiện hiện nay, chưa có biện pháp nào để phòng và chữa BHCT.
BỆNH KALA – AZAR (y), bệnh lưu hành do trùng roi Leishmania donovani hay L. infatum truyền từ súc vật mắc bệnh (chó, mèo, loài gặm nhấm), đôi khi từ người bệnh, qua muỗi cát (Phlebonomus argentypes) sang người lành. Có 4 loài Leishmania gây ra BK – A ở ngoài da, ở lách. Ở trẻ em, BK – A gây lách to và hạ bạch cầu. Bệnh có ở khắp các châu, từ Ôxtrâylia.
BỆNH KHÔ MẮT – GIÁC MẠC (y), tình trạng khô và loạn dưỡng của mắt do thiếu vitamin A, với các triệu chứng: kết mạc trở nên dày và nhăn nheo; giác mạc mất độ bóng và trong suốt. Nếu không điều trị kịp thời, giác mạc sẽ bị hoại tử và loét thủng (cam ám mục). BKM – GM thường gặp ở trẻ em bị thiếu sữa, suy dinh dưỡng trong thời kì bị biến chứng rối loạn tiêu hoá và sởi. Đề phòng BKM – GM: cho trẻ em ăn đủ chất, nhất là thực phẩm giàu vitamin A (trứng, gấc, đu đủ, cà rốt, bí đỏ, rau ngót, rau rền, vv.); phòng các bệnh đường ruột, đường hô hấp, sởi; không bắt trẻ em ăn kiêng quá mức khi bị ỉa chảy.
BỆNH KÍ SINH TRÙNG (nông, y), bệnh do kí sinh trùng gây nên trong cơ thể người và vật nuôi. Là loại bệnh quan trọng ở vùng khí hậu nhiệt đới ẩm, vì nóng và ẩm là hai điều kiện thuận lợi cho kí sinh trùng phát triển. Có nhiều loại BKST: ở bên ngoài, ở bên trong, đường tiêu hoá, đường máu. Thuốc trị kí sinh trùng có các loại: thuốc diệt kí sinh trùng bên ngoài, diệt kí sinh trùng bên trong, thuốc tẩy đưa kí sinh trùng ra ngoài cơ thể hoặc làm cho kí sinh trùng phải lánh xa mà không diệt chúng.
BỆNH LAMBLIA (y), bệnhdo kí sinh trùng đường ruột Giardia intestinalis gây nên ở người, với các biểu hiện lâm sàng của ỉa chảy mạn tính: ỉa chảy với phân nhão; mệt mỏi, suy nhược, gầy (cần khám phân để xác định bệnh); thỉnh thoảng gây viêm túi mật. Dự phòng: tránh các nguyên nhân nhiễm bệnh như ăn thức ăn sống, rửa không sạch (rau, hoa quả, vv.), thức ăn nấu không chín, thịt không qua kiểm dịch; bàn tay bẩn, không rửa trước khi ăn, vv. Chữa bệnh: các thuốc có kết quả tốt là quinacrine, nivaquine (nivaquine có lợi là không làm vàng da).
BỆNH LAO (y; tuberculosis), bệnh nhiễm khuẩn chung ở người và nhiều loài động vật, do vi khuẩn Mycobaterium tuberculosis gây ra. Vi khuẩn còn gọi là trực khuẩn Kôc [do nhà bác học Đức R. Kôc (R. Koch) tìm ra 1882, viết tắt là BK] gồm các chủng: M. t. hominis (BL người), M. t. bovis (BL bò), M. t. avium (BL gia cầm), M. t. muris (BL chuột), M. t. chelonis (BL rùa). Trong y học, người ta đã biết BL từ rất xa xưa. Ở Việt Nam, trước kia lao được coi là một trong tứ chứng nan y (phong, lao, cổ, lại). Y học hiện đại nêu lên những đặc điểm của BL người: 1) BL là một nhiễm khuẩn (nhiễm trực khuẩn lao). 2) BL không di truyền, mà là lây từ các bệnh nhân bị lao phổi có nhiều trực khuẩn lao trong đờm (nguồn lây chính). Các khu trú khác của BL (lao xương, lao xương khớp, lao hạch, vv.) ít khả năng lây lan hơn (x. Lao cấp; Lao ruột). 3) BL diễn biến qua hai giai đoạn: sau khi bị lây lần đầu tiên (bị lao sơ nhiễm), cơ thể có thay đổi về mặt sinh học nhưng đa số (khoảng 90%) không có triệu chứng lâm sàng; chỉ khoảng 10% trường hợp khi sức đề kháng của cơ thể giảm sút, lao sơ nhiễm chuyển sang BL, có triệu chứng và cần được điều trị. Nhiều hội nghị quốc tế đã đặt vấn đề thanh toán BL: phòng BL bằng tiêm văcxin BCG cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi (x. BCG) sẽ bảo vệ cho trẻ không mắc lao trong tương lai; điều trị BL bằng thuốc đặc hiệu, đúng công thức, đủ liều lượng, đều đặn và đủ thời gian. Để điều trị BL, hiện nay không nhất thiết phải nằm bệnh viện mà có thể ngoại trú với kết quả tốt; do đó xây dựng mạng lưới y tế đến tận cơ sở là rất quan trọng. Năm 1977, các nước Á, Phi, Mỹ latinh chiếm 76% dân số, nhưng hằng năm chiếm 95% số bệnh nhân lao của cả thế giới. Đánh giá tình hình BL, người ta thường chia ra ba cấp: nặng, trung bình, nhẹ. Việt Nam vào loại cấp trung bình. Theo Viện lao và bệnh phổi (1986), trong cả nước có khoảng 50 nghìn đến 60 nghìn trường hợp lao mới phát hàng năm nhưng phát hiện và điều trị chỉ được một nửa.
Trong thú y, BL tác hại nhiều nhất ở trâu, bò sữa nuôi nhốt. Con vật bị BL phản ứng dương tính với tuberculin (chất đặc hiệu chiết xuất từ trực khuẩn BK). Ở bò, dê, cừu và các động vật ăn thịt, bệnh chủ yếu ở đường hô hấp. Ở lợn và gia cầm, bệnh chủ yếu ở đường tiêu hoá. Bệnh có thể có thương tổn ở màng bụng, xương, khớp xương, vú, da, hạch. BL bò gây thiệt hại kinh tế lớn và có thể chuyển sang người (qua sữa, không khí). Cần kiểm tra bò và loại trừ những con có phản ứng dương tính với tuberculin.
BỆNH LẬU (y), bệnh lây truyền qua đường sinh dục do lậu cầu khuẩn. Trung bình từ 3 đến 5 ngày sau khi giao hợp với người bệnh, nam giới thấy đái buốt, đái mủ, có khi lẫn máu; ở nữ, triệu chứng không rõ rệt như nam giới (ra khí hư, tức bụng dưới, khi giao hợp thấy máu ở bộ phận sinh dục). Nếu không được chữa đúng cách, bệnh sẽ chuyển thành mạn tính: sáng ngủ dậy ở đầu dương vật rỉ ra vài giọt mủ trắng, niệu đạo ngứa, đi đái hơi rát; mỗi khi uống rượu, giao hợp hoặc thức đêm, bệnh tái phát với triệu chứng viêm niệu đạo cấp (đái buốt, đái mủ). Lâu ngày có thể biến chứng: viêm tuyến tiền liệt, viêm tinh hoàn, ống dẫn tinh; nữ có thể bị đái dắt, ra khí hư, nặng thì viêm hậu môn, viêm trực tràng, viêm vòi trứng, chửa ngoài dạ con, vô sinh. Điều trị bằng pénicilline, ampicilline, kanamycine, spectinomycine, tuỳ theo kháng sinh đồ. Không được tự chữa, phải theo chỉ dẫn của thầy thuốc chuyên khoa; vì có những trường hợp đái buốt, đái mủ không phải lậu mà lại là do các nguyên nhân khác như trùng roi, nấm mốc, liên cầu khuẩn, vv. Dự phòng: tiến hành giáo dục sức khoẻ, đặc biệt cho thanh niên, ngăn chặn tệ nạn mại dâm.
BỆNH LÂY TRUYỀN (y), chỉ chung các bệnh lây, mắc phải do sự tiếp xúc giữa người với người hoặc các sinh vật khác qua nhiều phương thức: qua vật trung gian truyền mầm bệnh từ người ốm sang sang người lành như muỗi đốt truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết Đangơ, bệnh giun chỉ, vv.; mò, ve truyền bệnh dịch hạch sang người, rận truyền bệnh sốt phát ban, vv.; hoặc truyền trực tiếp qua sự tiếp xúc giữa người với người qua đường sinh dục (bệnh giang mai, bệnh lậu, hạ cam, bệnh AIDS), qua đường hô hấp, lúc nói, lúc ho vào mặt người khác, mầm bệnh bắn theo hơi thở (cúm, lao phổi, dịch hạch thể phổi), thở hít bụi có mầm bệnh; qua các dịch vụ sức khoẻ, thủ thuật làm không đúng quy trình (châm cứu bằng kim không được khử khuẩn, truyền máu có chứa virut HIV, viêm gan do virut B, vv.); bị súc vật cắn (chó dại cắn, mèo cào); qua đường tiêu hoá như ăn thức ăn bị ruồi đậu (chân ruồi có nhiễm mầm bệnh tả, lị, thương hàn), uống nước bị nhiễm mầm bệnh tả, thương hàn… bị nhiễm các loại Salmonella khi ăn sò huyết không nướng chín, ăn nem chua làm bằng thịt lợn gạo, vv. Phòng bệnh: tuân theo các quy định vệ sinh trong sinh hoạt (ăn chín, uống sôi, vv.), đặc biệt chú ý trong mùa nắng, ở các vùng có dịch bệnh, lúc mới đến hoạt động ở vùng xa lạ.
BỆNH LEPTOSPIRA (nông, y; leptospirosis; tk. bệnh trùng xoắn), bệnh truyền nhiễm chung cho người và nhiều loài vật, do một trong những vi khuẩn thuộc chi Leptospira gây ra. Có nhiều serotip: Leptospira interohaemorrhagiae, L. canicola, L. grippotyphosa, L. pomona, L. mitis, vv. Đặc điểm chung của bệnh: có bệnh tích ở gan hay thận và có biến chứng ở mắt. Bệnh phổ biến khắp thế giới, nhưng có nhiều hơn ở những vùng khí hậu nóng ẩm, đất kiềm và có nhiều mặt nước. Các BL: 1)Bệnh ở bò thường do L. pomona và L. grippotyphosa. Đã thấy nhiều con vật có kháng thể đặc hiệu và không phát bệnh lâm sàng. 2) Bệnh ở chó do L. interohaemorrhagiae. Chuột là môi giới truyền bệnh; hoặc lây từ chó sang chó. 3) Bệnh ở lợn do L. pomina, và cũng do L. mitis và L. canicola và L. interohaemorrhagiae. Bệnh ở lợn thường tiềm ẩn, hoặc phát dưới thể giảm nhẹ. 4) Bệnh ở ngựa do L. grippotyphosa, L. pomona, L. canicola. Bệnh ở người, do nhiều tip: Leptospira interohaemorrhagiae, L. canicola, L. grippotyphosa, L. pomona gây ra. Về lâm sàng, thấy những biến loạn nặng ở màng não, ở gan, thận, và sốt cao. Một thể bệnh đặc biệt gọi là bệnh của người chăn lợn (thương hàn – viêm não giả của những người chăn lợn), bệnh do L. pomina là tip Leptospira phổ biến ở lợn gây ra.
Các BL đều có thể điều trị bằng kháng sinh. Cách phòng bệnh: loại thải những con vật mang mầm bệnh, thực hiện vệ sinh để ngăn chặn lây lan, dùng văcxin tiêm phòng cho những con dị cảm.
BỆNH LÍ GEN (sinh), bệnh xuất phát từ các biến đổi bất thường ở các giao tử: tinh trùng hay noãn (trứng chưa thụ tinh), do các sai lạc nhiễm sắc thể (bệnh Đao) gây ra, rất ít lây truyền; do các gen bệnh lí trên các nhiễm sắc thể, bệnh có thể bẩm sinh hay không bẩm sinh (xuất hiện chậm ở tuổi thanh niên hay tuổi già); bệnh di truyền có thể do gen trội hay gen lặn, do liên kết giới tính. Nguyên nhân: các yếu tố độc hại trong môi trường sống (tia xạ, hoá chất, virut, vv.) gây tổn thương trên hệ thống gen (gen cấu trúc, gen vận hành, gen khởi động, gen điều chỉnh) và tham gia tổng hợp một phân tử protein hay một enzim. Xt. Bệnh di truyền.
BỆNH LÍ MIỄN DỊCH (y), trạng thái bệnh lí liên quan đến các rối loạn số lượng hay chất lượng của các phương tiện bảo vệ tự nhiên của cơ thể (hệ thống miễn dịch). Có 3 loại. BLMD thứ nhất: do hệ thống miễn dịch bị suy giảm, không sản xuất được kháng thể; có thể suy giảm bẩm sinh, thường là bệnh nhi không sống được quá một vài tuổi, do nhiễm khuẩn, nhiễm virut tái phát, không thể điều trị bằng thuốc; có thể suy giảm mắc phải (thứ phát theo nghĩa rộng) do suy dinh dưỡng; nhiễm khuẩn (lao), kí sinh trùng (sốt rét, nấm), nhiễm virut, viêm gan B virut Epstein – Barr, virut HIV (SIDA = AIDS); do ung thư; do nhiễm độc (hoá chất, độc tố, các thuốc dùng điều trị ung thư và điều trị bệnh tụe miễn). Loại BLMD thứ hai: do các phản ứng quá mẫn cảm (hoặc dị ứng), hậu quả cảu phản ứng kết hợp giữa một số loại kháng nguyên và kháng thể tương ứng, có thể thấy trong hẹp phế quản, dị ứng thuốc, trong phản ứng gây tan máu (tai biến truyền máu), khi có sự tham gia của bổ thể (C) trong viêm các cơ quan và mô do lắng đọng các phức hợp kháng nguyên và kháng thể (có thể có C) như viêm khớp, viêm cầu thận, phổi, hạch bạch huyết, vv. Loại BLMD thứ ba do rối loạn sản xuất các kháng thể gặp trong bệnh tự miễn dịch (x. Bệnh tự miễn dịch).
BỆNH LỊ AMIP (y), gặp ở người (x. Amip) do Entamoeba histolytica gây nên. 1. BLA ruột biểu hiện bằng hội chứng lị. Gồm các triệu chứng: đại tiện nhiều lần trong ngày, phân có máu, mũi, quặn đau trước khi đi đại tiện, mót rặn và cơn co thắt hậu môn. Bệnh lây theo đường ăn uống, nếu điều trị không đúng, bệnh dễ tái phát và gây apxe gan. 2. BLA gan biểu hiện dưới dạng viêm gan, tiến tới gan hoá mủ. Dấu hiệu: gan to, đau, sốt cao dao động lớn. Gan hoá mủ có thể gây ra nước trong màng phổi và apxe phổi do amip.
BỆNH LYMPHO HẠT LÀNH TÍNH (y; tk. bệnh sacoit, bệnh Besnier – Boeck – Schumanm), bệnh có tính chất mạn tính, nguồn gốc chưa rõ, đặc trưng bởi sự xuất hiện các u hạt trong nhiều cơ quan: da, phổi, các hạch bạch huyết, xương, khớp, mắt, các tuyết nước bọt. Triệu chứng thay đổi tuỳ theo nơi cư trú của các tổn thương. Theo quy ước, người ta chia bệnh ra 4 giai đoạn tuỳ theo hình ảnh X quang của thương tổn phổi: giai đoạn 0 – hai phổi bình thường; giai đoạn 1 – có hạch rốn phổi hai bên, điều trị bằng corticoide; giai đoạn 2 – nổi hạch rốn phổi hai bên phối hợp với một thâm nhiễm phổi; giai đoạn 3 – giai đoạn cuối cùng của thâm nhiễm phổi.
BỆNH MÀNG TRONG (y), bệnh của phổi, sinh ra một màng trong (vô hình hoặc như kính) lót mặt trong các phế nang. Bản chất của màng trong là một chất dạng tơ huyết có nguồn gốc từ máu, được thoát ra ngoài vi mạch (vì thiếu oxi gây tăng tính thấm của mạch) nên cô đặc lại và thoái hoá trong. Thường là nguyên nhân gây suy hô hấp cấp tính ở trẻ sơ sinh đẻ non, gây tỉ lệ tử vong cao. Hằng năm, thế giới có nửa triệu trẻ sơ sinh chết vì BMT. Ở Việt Nam, bệnh cũng thường gặp. Bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm ở các cơ sở chữa bệnh chuyên khoa trẻ em.
BỆNH MẮC PHẢI (y), bệnh xuất hiện ở một cơ thể trong quá trình phát triển của một đời người. Khác với bệnh bẩm sinh (có sẵn ngay khi đẻ), bệnh xảy ra không do di truyền (hay do gen) mà do nhiều yếu tố ngoại sinh (nhiễm khuẩn, chấn thương, vv.) hay nội sinh ( rối loạn chuyển hoá, rối loạn vận mạch, vv.).
BỆNH MẤT CẢM GIÁC NGÔN NGỮ (giáo dục), hiện tượng mất năng lực phân biệt các thành phần âm thanh của từ, không hiểu (hoặc hiểu rất kém) chính tả. Xuất hiện khi một phần ba phía sau thuỳ thái dương ở bán cầu não trái (đối với người thuận tay phải) bị phá huỷ.
BỆNH MẤT KHẢ NĂNG ĐỌC (ngôn ngữ), bệnh không có khả năng tự kiểm tra được các hoạt động tâm – sinh lí thông thường trong quá trình nhận diện, phân biệt và tổng hợp các chữ cái, không còn khả năng liên hệ giữa chữ viết và âm thanh, do đó người bệnh không đọc được chữ viết.
BỆNH MẤT KHẢ NĂNG VIẾT (ngôn ngữ), bệnh không có khả năng tự kiểm tra các hoạt động tâm – sinh lí trong quá trình nhận diện mối liên hệ chữ viết và âm thanh của một ngôn ngữ, do đó người bệnh không hiện thực hoá được các tư tưởng của mình ra thành hình thức chữ viết.
BỆNH MẤT NĂNG LỰC TÍNH TOÁN (giáo dục), hiện tượng mất khả năng các thao tác tính toán do bị tổn thương những vùng khác nhau trong não, đặc biệt là vùng đỉnh của vỏ đại não. BMNLTT tiên phát là sự phá huỷ khả năng hiểu được cấu tạo thứ tự của chữ số (vd. số 12 và 21 được cảm nhận như nhau), không hiểu được ý nghĩa các dấu hiệu số học, không thực hiện được các thao tác tính toán; nảy sinh khi các thuỳ (vùng) đỉnh – chẩm – thái dương của vỏ bán cầu não trái bị tổn thương. BMNLTT thứ phát nảy sinh khi có sự rối loạn các chức năng tâm lí cao cấp, biểu hiện ở hiện tượng mất khả năng tri giác, thính giác và thị giác đối với các chữ số, khó phân biệt các con số giống nhau về hình dạng, mất sự kiểm soát việc thực hiện các thao tác tính toán.
BỆNH MẤT NGÔN NGỮ VẬN ĐỘNG (giáo dục), bệnh có hai loại: hướng tâm và li tâm. BMNNVĐ hướng tâm là sự phá huỷ khả năng phát âm các từ do rối loạn về tri giác âm thanh ngôn ngữ, nảy sinh khi các thành phần dưới sau trung tâm ở bán cầu não trái (đói với người thuận tay phải) bị tổn thương. Người đầu tiên mô tả bệnh này là Lipman (1913). BMNNVĐ li tâm là sự phá huỷ tổ chức vận động của các hành động ngôn ngữ, nảy sinh khi các thành phần dưới trước trung tâm ở bán cầu trái (đối với người thuận tay phải) bị tổn thương. Người đầu tiên mô tả bệnh này là Broca (Paul Broca; 1861).
BỆNH MẤT TIẾNG NÓI (ngôn ngữ; A. aphasia; cg. bệnh mất tri giác ngôn ngữ), bệnh rối loạn ngôn ngữ do mất khả năng kiểm tra mối liên hệ giữa mặt biểu đạt và mặt được biểu đạt ở các đơn vị ngôn ngữ.
BỆNH MẤT TRI GIÁC (giáo dục), bệnh rối loạn các tri giác khác nhau do sự tổn thương của vỏ não và các cấu trúc gần nhất dưới vỏ não. Có 3 loại BMTG: 1. BMTG nhìn, thể hiện ở chỗ vẫn duy trì được độ tinh của thị giác nhưng không thể hiện ra được các đồ vật và các hình ảnh của chúng. 2. BMTG sờ, thể hiện ở sự rối loạn trong việc nhận biết các đồ vật, hay các phần cơ thể của bản thân mình khi sờ mó chúng. 3. BMTG nghe, thể hiện ở sự rối loạn tai âm vị, dẫn đến rối loạn ngôn ngữ, hay khả năng nhận biết âm điệu, âm thanh, tiếng động quen biết, trong khi vẫn duy trì các dạng thính giác sơ đẳng.
BỆNH MÈO CÀO (y), nguyên nhân do bị mèo cào. Có thể sau khi bị mèo cào khoảng hai tuần, xuất hiện một hay nhiều hạch lympho sưng to trong khu vực của vết cào (nách, bẹn, vv.), sốt nhẹ hoặc không sốt. Đó là một biểu hiện xấu có thể dẫn đến bệnh dại, phải giải quyết kịp thời. Trường hợp mèo cào bình thường, khoẻ mạnh, vết cào xước nhẹ, vẫn phải xử lý vết thường đầy đủ; rửa sạch vết cào bằng nước xà phòng, bôi thuốc sát khuẩn, băng sạch, theo dõi kĩ con mèo. Nếu vết cào sâu, phải đến cơ sở y tế để tiêm huyết thanh chống uốn ván, dùng kháng sinh, theo dõi diễn biến của vết thương và theo dõi con mèo. Nếu thấy mèo có biểu hiện bệnh dại, phải tiêm phòng dại.
BỆNH MONTGORY (nông) x. Dịch tả lợn.
BỆNH NẤM (y, nông, sinh), nhiều loại bệnh khác nhau ở da, niêm mạc, ở tổ chức nông hoặc sâu, do nhiều loại nấm khác nhau gây nên.
1. Ở người, có thể phân thành hai loại: a. BN nông, chỉ ăn nông trên bề mặt da, thường gặp: 1) Hắc lào (gọi chung là nấm da) có thể khu trú ở bẹn (nấm bẹn), thắt lưng, kẽ các ngón (nấm kẽ chân). Chủng nấm gây bệnh thường gặp nhất ở Việt Nam Trichophyton rubrum (khoảng 61 – 62% số trường hợp), sống rất dai dẳng. 2) Lang ben do nấm Microsporum furfur tạo thành đốm trắng, nâu trên da, có vẩy rất mịn, ngứa nhiều trong mùa nóng bức. 3) Nấm Candida thường gây bệnh ở niêm mạc miệng trẻ em (gọi là “tưa”) hoặc quanh móng tay, kẽ ngón tay, ngón chân hoặc quanh ngón chân, biểu hiện bằng các chấm hoặc màng trắng nhợt. Nấm có thể vào máu rồi khu trú ở ống tiêu hoá, ở phổi, tim. Trẻ em suy dinh dưỡng thường hay nhiễm nấm Candida albicans. 4) Nấm tóc,làm đứt tóc ở sát da đầu hoặc cách da đầu vài mm; tuỳ theo chủng loại nấm gây bệnh, có thể tạo thành những nút dọc theo sợ tóc được gọi là “tóc hột”, do Piedra bortai gây nên. b. BN sâu: các tổn thương khu trú ở sâu trong da thịt, trong hạch hoặc phủ tạng do các nấm Actinomyces, Blastomyces, Sporotricus (đã thấy ở Việt Nam) gây ra; loại này thường khó chuẩn đoán và cần được theo dõi điều trị tại các cơ sở chuyên khoa. Nói chung, nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho BN phát triển. Ở trên da, những chỗ nóng và ẩm thường bị nhiễm, nhất là bẹn, kẽ chân, kẽ tay, kẽ mông, dưới vú, vùng thắt lưng, vv. Phòng bệnh và phối hợp với thuốc điều trị bằng cách tránh hoặc khắc phục điều kiện nóng ẩm. Thuốc trị có mỡ chrysophanic 3%, cồn iot salixilic 1 – 2%, mỡ salixilic 5%; hoặc khi bị nhiễm nấm lan toả hay nấm nóng, dùng kháng sinh chống nấm griseofulvine (gricin).
2. Ở động vật, những bệnh quan trọng nhất: a) Nấm gây u ở bò do Actinomyces bovis gây ra, triệu chứng thường thấy là những khối u rất to ở hàm, rụng răng, lưỡi sưng to và cứng (lưỡi gỗ) làm bò không ăn được và chết đói. Nguyên nhân: bò ăn phải thức ăn cứng, nhọn, làm tổn thương niêm mạc miệng, nấm gây bệnh ở rơm, cỏ khô (phơi không kĩ) xâm nhập qua vết thương vào hàm và lưỡi. Phòng bệnh bằng loại bỏ thức ăn cứng, nhọn, ẩm mốc. Bệnh khó chữa. b) Nấm phổi do Aspergillus fumigatus gây ra ở các loài chim, ngựa, bò,… vì con bệnh hít phải bào tử nấm trong rơm, cở mốc. Bệnh còn thấy ở gà, vịt con mới nở do dụng cụ ấp có nấm. Triệu chứng: ho, chảy nước mũi, khó thở, gầy dần; xuất hiện các hang trong phổi do các sợi nấm kí sinh. Bệnh khó chữa. c) Nấm rụng lông do Ascomycetes làm rụng lông ngựa, chó, mèo, gà, vì những chất nhiễm nấm bám vào vết thương đã có trên da, các sợi nấm tiến sâu vào bao lông và rễ lông. Da có những vết lông rụng, tròn, phủ vẩy bột trắng nhưng không gây ngứa. Bệnh dễ chữa nhưng lây lan nhanh. (x. Nấm gây bệnh vật nuôi)
3. Ở thực vật, có những BN nguy hiểm như đạo ôn hại lúa, mốc sương cà chua, khoai tây, sưng rễ bắp cải, thán thư đay. Bệnh cũng thấy ở cây rừng. Một số BN hại gỗ làm gỗ bị mục, ải (x. Nấm gây bệnh cây; Nấm hại gỗ)
BỆNH NẤM MÓNG (y; Onychomycoses), bệnh do nấm gây thương tổn ở móng tay và móng chân; có thể một, hai hoặc toàn bộ các móng đều bị thương tổn. Do đi lai dễ bị chấn thương nên móng chân bị nhiều hơn móng tay. Bắt đầu từ bờ tự do hoặc bờ bên của móng xuất hiện các đốm trắng mờ đục; sau các móng trở nên dễ gẫy, mủn, lòng móng bị tổn thương và toàn bộ móng bị biến dạng, đổi màu vàng hoặc nâu sẫm. Cạo móng làm xét nghiệm có thể tìm được loài nấm gây bệnh. Bệnh tiến triển dai dẳng. Điều trị lâu dài bằng các loại thuốc diệt nấm, kết hợp với bóc móng nếu cần thiết.
BỆNH NGHỀ NGHIỆP (y), hiện trạng bệnh lí mang tính chất đặc trung nghề nghiệp hoặc liên quan đến nghề nghiệp, do tác hại thường xuyên và kéo dài của điều kiện lao động xấu.
Từ khi có lao động, con người đã chịu ảnh hưởng tác hại của nghề nghiệp và bị BNN. Trước Công nguyên, Hippocrat đã phát hiện bệnh nhiễm độc chì. Thế kỉ 1, Pline đã phát hiện những ảnh hưởng xấu của bụi đến cơ thể người. Thế kỉ 2, Galien (Ph. Claude Gallien) đã tả những bệnh mà công nhân mỏ mắc phải. Những thế kỉ sau đó đã phát hiện bệnh nhiễm độc thuỷ ngân và BNN khác.
Công nhân có thể bị BNN phải được hưởng chế độ bảo hiểm nên mỗi quốc gia đã quy định những BNN có ở nước mình và ban hành chế độ bảo hiểm BNN. Vào thế kỉ 19, thế kỉ 20, các nước Đức, Anh, Pháp, Italia,vv. Đã lần lượt quy định những BNN của nước mình.
Tổ chức lao động quốc tế (ILO) hiện nay xếp BNN thành 29 nhóm gồm hàng trăm BNN khác nhau.
Ở Việt Nam, từ 1976 Nhà nước đã quy định 8 BNN được bảo hiểm và năm 1991 đã công nhận thêm 8 BNN. Đến nay đã có 16 BNN được công nhận bảo hiểm:
1. Bệnh bụi phổi do silic.
2. Bệnh bụi phổi do amiăng.
3. Bệnh bụi phổi bông.
4. Bệnh nhiễm độc chì và các hợp chất chì.
5. Bệnh nhiễm độc benzen và các đồng đẳng.
6. Bệnh nhiễm độc thuỷ ngân và các hợp chất thuỷ ngân.
7. Bệnh nhiễm độc mangan và các hợp chất mangan.
8. Bệnh nhiễm độc TNT (trinitrotoluen).
9. Bệnh nhiễm các tia phóng xạ và tia X.
10. Bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn.
11. Bệnh rung chuyển nghề nghiệp.
12. Bệnh sạm da nghề nghiệp.
13. Bệnh loét da, viêm da, chàm tiếp xúc.
14. Bệnh lao nghề nghiệp.
15. Bệnh viêm gan virut nghề nghiệp.
16. Bệnh do Leptospira nghề nghiệp.
BỆNH NGOẠI CẢM (y học dân tộc), bệnh do nguyên nhân bên ngoài xâm nhập vào cơ thể người qua đường da và niêm mạc, khi sức chống đỡ của cơ thể (chính khí) nhất thời bị suy yếu. Biểu hiện thông thường là sốt, đau nhức mình mẩy, nhức đầu, mỏi gáy, hắt hơi, sổ mũi, sợ gió lạnh. Dự phòng: chống lạnh khi thời tiết thay đổi (giữ ấm chân, đầu cổ, vv.). Tuỳ theo trường hợp bệnh, có thể cạo gió, bầu giác, chích lể, vv. cho kết quả tốt.
BỆNH NGỦ (y), bệnh lây truyền, thường gặp ở các nước vùng Châu Phi xích đạo. Bệnh do ruồi Glossina (tk. ruồi tsé – tsé) đốt và truyền kí sinh vật Trypanosoma cho người. Bệnh diễn biến thành hai giai đoạn: thời kì đầu – Trypanosoma vào máu và bạch huyết, gây sốt, gan, lách, hạch sưng to, phát ban ngoài da; thời kì hai – Trypanosoma vào hệ thần kinh trung ương, gây viêm màng não, rối loạn tâm thần, sau đó gây ngủ nhiều, giấc ngủ ngày càng sâu, cuối cùng hôn mê và tử vong. Phòng bệnh: giám sát ruồi tsé – tsé, dùng các thuốc diệt côn trùng bảo vệ cho người lành, tránh ruồi đốt như mặc quần áo bịt kín cổ chân, cổ tay, đi tất, nhà có màn che cửa để ban ngày ruồi không vào được. Hiện nay, dùng các thuốc phòng cho người như pentamidine, có tác dụng bảo vệ cơ thể trong 6- 8 tháng; moranyl có tác dụng bảo vệ trong 3 tháng.
BỆNH NHI (y), người bệnh ở lứa tuổi trẻ em (dưới 15 tuổi). Cũng có những đặc điểm riêng về mặt giải phẫu, sinh lí, tâm lí, tâm thần, vv. tuỳ theo lứa tuổi. Để chuẩn đoán và điều trị BN; y học có một ngành riêng là nhi khoa.
BỆNH NHIỄM ĐỘC HOÁ CHẤT (y), trạng thái bệnh lí do tiếp xúc với các hoá chất ở các xí nghiệp sản xuất hoá chất, trong sản xuất, sinh hoạt hằng ngày (hoá chất trong công nghiệp; hoá chất trong y tế); thường nói đến nhiễm độc do các chất phát quang (làm rụng lá), các chất diệt cỏ, các thuốc diệt chuột, côn trùng (ruồi,muỗi, sâu rầy hại lúa, vv.). Các loại hoá chất được xếp theo nhiều loại: 1) Các chất lân hữu cơ: parathion (thiophot), parathion metyl (vofatox), malathion, điazinon, DDVP. 2) Các chất clo hữu cơ: DDT, 666, đienđrin, anđrin, heptaclo, 2,4 – D, 2,4,5 – T, các chất cacbamat. Trên thế giới từng xảy ra những tai nạn lớn do các hoá chất thoát ra từ các máy của các xí nghiệp sản xuất [ở Xăng Xevedô (Italia) năm 1976; ở Nigara Fanxơ (Hoa Kì) năm 1980], do chiến tranh hóa học [các khí độc làm chảy nước mắt, hắt hơi, các khí ngạt dùng trong Chiến tranh thế giới I (1914 – 1918); chiến dịch Ranch Hand trong chiến tranh Đông Dương lần thứ hai (1961 – 1971), thực chất là một cuộc chiến tranh hoá học ở Việt Nam, Cămpuchia, Lào, trong đó quân đội Hoa Kì rải các chất phát quang (2,4 – D; 2,4,5 – T) dưới hình thức một hỗn hợp gọi là chất da cam, chất xanh, chất trắng, vv.]
Tình trạng nhiễm độc khác nhau tuỳ theo loại hoá chất và liều lượng dùng. Các chất lân hữu cơ thường gây nhiễm độc cấp tính qua đường hô hấp, qua đường tiêu hoá, qua da; ngoài ra còn các dấu hiệu khác: nhịp tim đập, huyết áp giảm, vv. Chất lân hữu cơ bị phân giải nhanh trong cơ thể, nên ít gây nhiễm độc mạn tính, trừ người lao động có tiếp xúc lâu dài. Các chất clo hữu cơ có thể gây nhiễm độc cấp tính nhẹ hay nặng: rối loạn tiêu hoá, nhức đầu, suy nhược thần kinh, mất trí nhớ, co giật liên tục, khó thở, ngất và dẫn đến tử vong. Chất clo hữu cơ tồn lưu trong cơ thể rất lâu, gây nhiễm độc mạn tính: rối loạn thần kinh, mất ngủ, kém trí nhớ, mờ mắt, giảm thính lực, suy nhược cơ thể; sức khoẻ suy yếu dần; phụ nữ bị các tai biến sinh sản (sẩy thai, đẻ non, chửa chứng và ung thư nguyên bào nuôi), các dị tật bẩm sinh ở trẻ em (sứt môi, hở hàm ếch, cụt chi, vv.); các quái thai, thai đôi dính, vô não do tác động đến bộ gen ở mẹ và bố, di truyền cho các thế hệ con cháu; gây ung thư.
Các công trình nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam đã bắt đầu chứng minh các tác hại nêu trên là do một loạn tạp chất xuất hiện trong quá trình sản xuất chất 2,4 – D và 2,4,5 – T, gọi là đioxin (2,3,7,8 – tetraclođibenzo – p – đioxin), một chất rất độc và rất bền vững gây nên. Trước các tác hại của các chất hoá học, hiện nay đang nghiên cứu cách giảm việc sử dụng và dùng các chất thay thế.
BỆNH NHIỄM ĐỘC THUỶ NGÂN (y), nhiễm độc cấp tính thường xảy ra lẻ tẻ do nhiễm hay uống phải một liều lượng cao thuỷ ngân (từ 100 đến 200 mg một lần). Các triệu chứng nhiễm độc thuỷ ngân khá phổ biến (sau nhiễm độc chì, benzen hoặc hoá chất diệt côn trùng, diệt cỏ, phát quang). Tỉ lệ tử vong 60% từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 12. Nhiễm độc bán cấp xảy ra khi điều trị bằng thuốc có thuỷ ngân. Nhiễm độc mạn tính thường là nhiễm độc nghề nghiệp trong sản xuất. Triệu chứng: các rối loạn tiêu hoá xuất hiện sớm, sau đó xuất hiện các dấu hiệu thần kinh, các dấu hiêu viêm thận mạn tính. Nhiễm độc thuỷ ngân được liệt vào bệnh nghề nghiệp, được hưởng bảo hiểm. Y học đã từng chứng kiến những vụ nhiễm độc hàng loạt như ở thành phố Minamata (Nhật Bản): nhân dân bị nhiễm độc do ăn cá, các hải sản đánh bắt ở vùng biển lân cận bị nhiễm chất thải có chứa nhiều thuỷ ngân của các xí nghiệp sản xuất công nghiệp ở thành phố này. Đặc điểm bệnh lí là các dấu hiệu thần kinh xuất hiện bán cấp: liệt, đau dữ dội, giảm thị lực (có thể bị mù), rối loạn tâm thần; các dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh. Bệnh nhân chết sau một thời gian (có thể kéo dài vài năm). Các bệnh nhân đầu tiên được phát hiện năm 1953, tìm ra nguyên nhân năm 1959; bệnh được chính thức công nhận năm 1965, và từ đó gọi là bệnh Minamata.
BỆNH NHIỆT ĐỚI (y), cụm từ chung chỉ các bệnh thường gặp ở xứ nóng. Danh mục BNĐ có nhiều, nhưng hiện nay Tổ chức y tế thế giới tập trung sự chú ý vào bệnh sốt rét, sán máng, bệnh phong, dịch tả. Các BNĐ phần nhiều là những bệnh nhiễm khuẩn hay nhiễm kí sinh trùng. Năm 1989, ở Việt Nam đã thành lập Viện y học nhiệt đới lâm sàng.
BỆNH NHIỆT THÁN (nông) x. Bệnh than.
BỆNH PHẨM (y), vật liệu lấy từ người bệnh hoặc vật thử nghiệm để thự hiện các xét nghiệm phục vụ chuẩn đoán, tiên lượng bệnh, tìm hiểu cơ chế bệnh lí. BP có thể được bảo quản để làm mô hình giảng dạy và nghiên cứu. BP có thể là chất lỏng (máu, mủ, nước tiểu, nước tràn dịch, vv.), có thể là những mảnh mô hoặc những tế bào.
BỆNH PHẤN HOA (y), tên gọi chung các thể bệnh lí đường thở, xuất hiện khi các hạt phấn hoa tiếp xúc với niêm mạc có mẫn cảm một cách đặc biệt (mũi, kết mạc, phế quản, vv.), vd. hen, sổ mũi mùa gặt, phù phổi quá mẫn vào mùa xuân.
BỆNH PHÓ THƯƠNG HÀN (y, nông) 1. Ở người, bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường tiêu hoá do trực khuẩn chi Salmonella gây ra (trực khuẩn phó thương hàn A hoặc B), lây do sử dụng thứ ăn, nước uống bị nhiễm trực khuẩn này. Biểu hiện giống bệnh thương hàn, sốt liên tục, nhức đầu, li bì, rối loạn tiêu hoá. Nhưng các triệu chứng thường nhẹ hơn, bệnh khỏi nhah hơn và tỉ lệ chết ít hơn bệnh thương hàn. Chloramphénicol là kháng sinh đặc hiệu chữa BPTH. 2. Ở vật nuôi, bệnh nhiễm khuẩn gây viêm ruột, viêm khớp, nhiễm khuẩn huyết. Ở bê, có thể gây nhiễm khuẩn huyết, lây lan mạnh. Ở bò, thường thấy phát sinh lẻ tẻ, sẩy thai do S. dublin. Ở gà, do S. typhimurium, S. pullorum, S. gallinarum gây bệnh bạch lị. Ở lợn, do S. chloreaesuis, S. typhisuis, S. enteridis gây viêm ruột nhiễm khuẩn cấp hay mạn tính. Ở Việt Nam, đáng chú ý nhất là BPTH lợn, thường ghép với bệnh dịch tả lợn.
BỆNH PHONG (y, tk. bệnh Hanxen, bệnh hủi, bệnh cùi, bệnh phung), bệnh truyền nhiễm, mạn tính nặng, do trực khuẩn phong (Mycobacterium leparae) gây ra. Sau thời kì ủ bệnh kéo dài (trung bình 1 – 3 năm) là giai đoạn của thể phong bất định (cg. giai đoạn bất định) với biểu hiện: vài vết thâm hay trắng ở mặt, chi trên, vv.; khi sờ có cảm giác tê dại hoặc bì bì (rối loạn cảm giác). Tuỳ theo sức đề kháng của cơ thể (miễn dịch trung gian tế bào), bệnh có thể tiến triển sang nhiều thể khác: thể củ (khi sức đề kháng tốt hơn) với các củ đứng riêng rẽ hay sắp xếp thành từng đám, bờ hơi cao, ranh giới rõ, ở giữa lành sẹo; thể u (trong trường hợp sức đề kháng kém hẳn đi) với các u nổi cao, bóng hoặc các mảng cộp, chai, có bờ không rõ rệt, mất cảm giác (tê) hoặc có khi tăng cảm giác; thể trung gian (trong trường hợp sức đề kháng trung bình). Ở các thể của BP bao giờ cũng có triệu chứng tê hay bì bì. Dây thần kinh (thần kinh trụ, thần kinh giữa, thần kinh hông khoeo ngoài, vv.) thường viêm to, đau và dẫn đến tàn phế (co, rụt, vv.). Bệnh không di truyền, lây lan ít và chậm. Trước kia, BP được xếp vào một trong tứ chứng nan y: phong, lao, cổ, lại. Người bệnh được tập trung trong các trại phong. Ngày nay, BP đã có thuốc chữa đặc hiệu, nếu sớm phát hiện có thể chữa ở nhà. Điều trị: phối hợp 2,3 hoặc 4 loại thuốc (rifamycine, clofazimin, dapsone, ethionamide) có công hiệu và tránh được hiện tượng kháng thuốc. Phòng bệnh: vệ sinh thân thể (tắm giặt thường xuyên bằng xà phòng, không dùng chung đồ dùng, quần áo); bôi thuốc sát khuẩn và băng kín khi bị xây xước, lở loét.
BỆNH PHÓNG XẠ (y, quân sự; tk. bệnh nhiễm phóng xạ), bệnh do tác động của các bức xạ ion hoá lên cơ thể quá liều lượng cho phép. Có thể gặp ở các bệnh nhân được khám chữa bằng các tia X hay các chất phóng xạ, các nạn nhân của các vụ nổ nguyên tử, tai nạn ở nhà máy điện nguyên tử hay ở các phòng xét nghiệm nghiên cứu hạt nhân nghiên tử. Tuỳ mức độ và thời gian nhiễm phóng xạ, bệnh biểu hiện ở trạng thái cấp tính hay mạn tính. Trạng thái cấp tính (ngoài trung tâm nổ) với các tai biên thần kinh làm chết ngay hay sau vài giờ; các tai biến tiêu hoá (nôn mửa, ỉa chảy, sốt, vv.) trong 15 ngày đầu và làm chết nhanh; các tai biến máu do teo tuỷ xương xuất hiện sau 2 – 3 tuần, gây chết do giảm khả năng tạo huyết ở tuỷ xương, rất ít khi khỏi bệnh. Các bệnh nhân bị nhiễm phóng xạ có thể có biểu hiện tức thời, nhẹ, thoáng qua như xay sóng (hay ngáp, buồn nôn, nôn, da nhợt nhạt, ra mồ hôi, muốn xỉu); có thể có biểu hiện chậm như mệt mỏi, phân lỏng, nôn, sốt, khó thở, hạ huyết áp, do tia phóng xạ phá huỷ máu, do nhiễm độc từ mô (ung thư). Dự phòng: thầy thuốc cần hạn chế chỉ định các xét nghiệm X quang, phóng xạ tới mức cần thiết (đặc biệt đối với phụ nữ có thai, trẻ em…); trong điều trị bằng tia phóng xạ, cần theo dõi, chăm sóc bệnh nhân thật chu đáo; bảo hộ lao động, thực hiện các chế độ, chính sách đầy đủ cho người sử dụng máy hoặc tiếp xúc với các chất phóng xạ, vv.
BỆNH POTT (y, tk. lao cột sống), lao xương khớp ở khớp đốt sống, theo thứ tự đốt sống lưng tới đốt sống thắt lưng, hiếm gặp ở các đốt sống cổ. Triệu chứng: đau nhẹ cột sống ở vị trí đốt sống bị viêm lao, kèm theo đau rễ thần kinh, khó hay mất vận động ở cột sống, cột sống hơi lồi phía sau, ấn gõ đau nhói; chụp X quang có hình lún đĩa cột sống, huỷ thân đốt sống ở phía trước (một hoặc nhiều đốt). Lứa tuổi thanh niên, thiếu niên bị BP nhiều hơn so với các lứa tuổi khác. Trong trước hợp điều trị không kịp thời và không triệt để, cột sống sẽ đổ ra phí trước, tạo thành gù cột sống vĩnh viễn. BP mang tên nhà phẫu thuật Anh Pexivan Pôt (Percival Pott) (người đầu tiên mô tả BP). Điều trị: ngoài thuốc chống lao, nghỉ ngơi ăn uống tốt (x. Lao xương – khớp), cần chỉnh hình (cho nằm giường bột 6 – 12 tháng), phẫu thuật nạo xương chết, tháo apxe lạnh (nếu có). Nếu nhiều đốt sống bị huỷ, đe dọa ép tuỷ, phải gia cố các đốt sống tổn thương bằng các mảnh ghép hợp kim.
BỆNH QUAI BỊ (y), bệnh nhiễm khuẩn lây lan có thể gây dịch nhỏ, do virut quai bị có ái lực cao đối với hệ thần kinh, tuyến nước bọt, tinh hoàn. Lây qua các hạt nước bọt nhỏ của người bệnh có virut quai bị do hắt hơi bắn ra xung quanh và qua đường hô hấp trên xâm nhập vào người lành. Các biểu hiện lâm sàng: sốt nhẹ, đau trước tai, nhai nuốt khó và sưng tuyến mang tai cả hai bên. Biến chứng thường gặp là viêmtinh hoàn gây teo tinh hoàn; đôi khi gây viêm tuyến tuỵ, viêm màng não. Phòng bệnh: cách li người bệnh trong suốt thời gian sưng tuyến mang tai, đeo khẩu trang, nằm nghỉ, giữ vệ sinh răng – miệng, súc miệng bằng nước oxy già (1 thìa canh vào một cốc nước) hoặc nước muối. Y học cổ truyền gọi là trái tai, do phong ôn vào mũi miệng kết hợp với nhiệt tích ở thượng vị và hoả uất ở can đởm, tụ lại ở mang tai (kinh thiếu dương). Nếu bệnh nặng có thể truyền vào kinh can (viêm tinh hoàn) vì kinh can và kinh đởm có quan hệ lí biểu. Có thể chữa ngay bằng châm cứu các huyệt Giáp xa, Ế phong, Khúc trì, Giáp tôn; nếu có viêm tinh hoàn, châm cứu thêm các huyết Thái xung, Tam âm giao, Huyết thai; dùng thuốc bôi tại chỗ như bột chàm (thanh đại) hoà với dấm thanh, bôi nhiều lần, dùng hạt gấc mài với dấm thanh cho sền sệt, bôi nhiều lầnl dùng thuốc uống (bồ công anh, hạ khô thảo), (sắc uống).
BỆNH QUÁNH NIÊM DỊCH (y) x. Bệnh nhầy nhớt.
BỆNH RICKETSIA (nông, y), chỉ các bệnh do Rickettsia gây ra, có những nét chung như: sốt có chu kì, trạng thái li bì; phát ban (không phát ban ở mặt, gan bàn tay, bàn chân); các phản ứng huyết thanh (ngưng kết với Proteus X19); có thể gây dịch và lưu hành truyền qua người khác các côn trùng đốt. Thuộc nhóm này ở Việt Nam có bệnh sốt triền sông Nhật Bản do Rickettsia isutsugamushi và do mò đốt; bệnh sốt Rickettsia mooseri do bọ chét của chuột Xenopsylla cheopis truyền sang người (x. Bệnh sốt phát ban).
Ở động vật, BR do R. ruminantium gây ra ở cừu, dê, với đặc điểm rõ nhất là có nước trong màng ngoài tim; ở chó do R. canis với đặc điểm là sốt cao, có xuất huyết trong da (nội bì); ở động vật nhai lại, gặp sốt Queensland (sốt Q) so R. burneti với triệu chứng như bệnh cúm có sốt và bệnh so R. conjunstivea gây viêm giác mạc và kết mạc mắt.
BỆNH RUBÊÔN (y), bệnh lây, có miễn dịch, diễn biến nhẹ. Bệnh do virut gây nên. Triệu chứng: sốt cao; nổi hạch nhiều nơi (cổ, nách, bẹn); có phát ban ngoài da, nốt ban màu đỏ, to bằng đầu ghim, ban mọc toàn thân, sau 4 – 5 ngày ban bay hết. Ở phụ nữ có thai, trong 3 tháng đầu, BR có thể gây dị dạng cho thai nhi (ở hệ tim – mạch, mắt, tai, vv.). Để đề phòng các tai biến sinh sản, cần tiêm chủng cho các em gái vào lúc 12 – 14 tuổi hoặc trước khi lấy chồng.
BỆNH SẠM DA NHIỄM ĐỘC (y), bệnh nghề nghiệp xuất hiện ở người tiếp xúc với nhựa, than, dầu hoả, dầu nhờn (công nhân lái tàu hoả, sản xuất than, công nhân cơ khí, công nhân làm đường, vv.). Các chất gây bệnh có thể tác động trực tiếp trên da hoặc qua đường hô hấp, tiêu hoá như một dị nguyên, làm cho cơ thể tăng cảm ứng đối với ánh sáng. Biểu hiện: ở phần hở (mặt, cổ, đầu, chi) đỏ, ngứa và sạm lan rộng sang các phần da khác; mệt mỏi, nhức đầu kéo dài. Dự phòng: chống nắng, bảo vệ da bằng cách bôi kem chống nắng (kem quinine 5% hoặc kem tanin 5%) trước giờ làm việc, rửa sạch và bôi thuốc dịu da như hồ Broc (kẽm oxit 30g, lanoline 30g, vaselin 40g). Cần có chế độ ngh ngơi, an dưỡng thích hợp cho người làm việc lâu năm trong các nghề độc hại (công nhân lái tàu, làm đường, vv.). Điều trị bằng các loại thuốc giải mẫn cảm, vitamin C liều cao và thuốc nâng cao thể trạng. Phải xử lí môi trường ô nhiễm, bảo đảm chất độc hại ở dưới mức an toàn quy định.
BỆNH SẨY THAI TRUYỀN NHIỄM (nông; Brucellosis), bệnh truyền nhiễm mạn tính do một trong ba biến chủng của vi khuẩn Brucella: Brucella melitensis (ở cừu, dê), B. suis (lợn), B. abortus (bò). Khuynh hướng hiến nay cho là chỉ có một Brucella, những biến chủng nói trên không thành những loại riêng. 1) Bệnh ở bò (tk. bệnh Bang): bệnh truyền nhiễm mạn tính do Brucella abortus, làm bò cái sẩy thai, sát nhau và không sinh đẻ; bò đực bị viêm dịch hoàn hay viêm ống dẫn tnh. Chuẩn đoán bệnh bằng phản ứng huyết thanh ngưng kết chậm hay nhanh và phản ứng thử nghiệm vòng với tiêu bản sữa. Văcxin phòng bệnh: dùng giống gốc Buck 19 và giống gốc 45/20. Phòng bệnh: cách li, vệ sinh, loại thải những con nhiễm bệnh. 2) Bệnh ở cừu và dê: BSTTT được phát hiện đầu tiên với tên gọi là sốt Malte (mélitococcie). Bệnh gây sảy thai, mất sữa và nhiều biến chứng. Nguy hiểm hơn cả là Brucelle melitensis có thể truyền sang người. 3) Bệnh ở lợn do Brucella suis, nhưng cũng có khi do B. abortus hay B. melitensis; đặc điểm: viêm khớp xương, viêm dịch hoàn ở lợn đực giống, sẩy thai hoặc đẻ non ở lợn cái. Chưa có văcxin có hiệu lực ở lợn. 4) Bệnh ở ngựa do B. abortus, có khi B.suis, thường có triêu chứng viêm túi tương mạc (gáy, vai). 5) Bệnh ở người (tk. bệnh sốt Malte, bệnh mélitococcie, bệnh sốt làn sóng, bệnh sốt điên), chủ yếu do B. melitensis, nhưng cũng có thể do B. abortus và B. suis. Bệnh thường thấy ở những người làm nghề chăn nuôi, thú y, mua bán súc vật, nhưng cũng lây qua sữa và sản phẩm của sữa. Triệu chứng: bắt đầu sốt nhẹ, rồi sốt cao hơn, nhiệt độ lên xuống thất thường (làn sóng), ra mồ hôi ban đêm, viêm khớp xương, viêm cơ bắp. Nhưng nếu không chữa kịp thời, bệnh thành mạn tính với viêm khớp, viêm dịch hoàn, viêm màng não. Điều trị bằng kháng sinh.
BỆNH SCOBUT (y), bệnh thiếu vitamin C, biểu hiện: sốt nhẹ; chảy máu chân răng, chảy máu ở da, cơ, xương, thiếu máu, rối loạn tiêu hoá, vv. cơ thể suy kiện dần, có thể gây tử vong. Một số quần thể người có chế độ ăn kém hay không cân đối cũng có thể mắc BS (vd. thuỷ thủ đi biển dài ngày, tù nhân).
BỆNH SILICO – LAO (y), bệnh nhiễm bị silic phổi hay thêm lao phổi. Phổi bị nhiễm silic tạo điều kiện thuận lợi cho trực khuẩn lao phát triển, thường có trên 50% người bệnh silico bị nhiễm bệnh lao. Thương tổn xơ hoá: Chuẩn đoán khó, xét nghiệm ít khi tìm thấy trực khuẩn lao. Tiên lượng xấu. Nếu bị bệnh rồi điều trị kéo dài, nhưng ít kết quả. Tỉ lệ tái phát cao. Dự phòng bệnh: đẩy mạnh việc bảo hộ, an toàn lao động ở các xí nghiệp có nhiều bụi, có thể tiêm phòng lao bằng BCG.
BỆNH SINH (y), bao gồm các cơ chế và quy luật chi phối quá trình phát sinh, phát triển, diễn biến và kết thúc của bệnh. Vd. BS của cơn sốt gồm giai đoạn chất gây sốt tác động lên trung tâm điều hoà nhiệt và sự thay đổi chuyển hoá của cơ thể, tiếp đó là các giai đoạn thân nhiệt tăng lên, rồi giữ ổn định ở mức cao và sau đó trở về bình thường với mọi cơ chế, quy luật của mỗi giai đoạn đó. BS của một bệnh nhiễm khuẩn có thể gồm: cơ chế, quy luật của giai đoạn ủ bệnh, khởi phát, toàn phát, kết thúc, vv. BS học là khoa học nghiên cứu về các cơ chế, quy luật phát triển và kết thúc của một bệnh, các bệnh chung hoặc một quá trình bệnh lí nói chung (vd. quá trình viêm).
BỆNH SINH CHẢY MÁU (y; tk. hội chứng chảy máu), bệnh với những triệu chứng nổi bật: chảy máu, xuất huyết dưới da, dưới niêm mạc (mũi, lợi, vv.) kèm theo các biến đổi bất thường của tiểu cầu (giảm số lượng, chất lượng) và có thể của mao mạch. Nguyên nhân: bệnh tự miễn, nhiễm khuẩn huyết (thông thường là do màng não cầu khuẩn, vv.).
BỆNH SINH HỌC (y) x. Bệnh sinh.
BỆNH SỐT PHÁT BAN (y; nông; tk. bệnh sốt chấy rận), bệnh Rickettsia cổ điển lây lan, thành dịch, do rận, bọ chét truyền sang người. Thời gian ủ bệnh 15 ngày. Bắt đầu đột ngột sốt cao, nổi ban (dát và đốm xuất huyết), xuất hiện các rối loạn thần kinh giống như trong bệnh thương hàn; sau khoảng 2 tuần, nếu tiến triển thuận lợi, bệnh dịu dần. Tác nhân gây bệnh là Rickettsia, có trong phân của rận, bọ chét, vào cơ thể người do các vết xước da. Trước kỉ nguyên kháng sinh, tỉ lệ tử vong rất cao; dùng kháng sinh bệnh khỏi nhanh, tỉ lệ tử vong thấp. Dự phòng: vệ sinh sạch sẽ, diệt rận, chấy và ve, tiêm chủng cho cư dân quanh vùng có bệnh. Hiện nay trên thực tế, bệnh coi như đã được thanh toán trên phạm vi toàn thế giới, chỉ còn tồn tại lẻ tẻ ở một số vùng nghèo khổ, điều kiện ăn ở quá thiếu vệ sinh. Ở Việt Nam, có một vụ dịch lớn xảy ra năm 1944, từ 1945 đến nay không thấy xuất hiện bệnh (x. Bệnh Ricketsia)
BỆNH SỐT VẸT (nông), bệnh nhiễm khuẩn lúc đầu lây lan ở chim vẹt, sau phát hiện thấy ở một số chim khác và gia cầm: gà, bồ câu, vịt, ngỗng, chim sẻ. Triệu chứng: ủ rũ, không ăn, đi tả, viêm màng não, khó thở; tỉ lệ chết cao. Người có thể bị lây. Vi dinh gây bệnh là một loài Rickettsia, nhìn thấy được dưới kính hiển vi.
BỆNH SỞI (y), bệnh dịch rất dễ lây, do virut gây lên. Bệnh bắt đầu bằng sốt cao, chảy nước mắt, nước mũi, ho, mắt hơi đỏ, mi mắt sưng nhẹ. Có thể chuẩn đoán sớm bệnh, nếu khám bệnh thấy một đám các nốt chấm trắng ở mặt trong má, đối diện với các răng hàm (dấu hiệu Koplic). Sốt 3 – 4 ngày thì sởi mọc. Đầu tiên mọc sau tai, rồi đến trán, mặt. Tiếp đó lần lượt mọc đến thân mình và tay chân. Nốt sởi màu đỏ hồng. Đến ngày thứ bảy, sởi bay, để lại trên da những nốt màu hơi thâm. BS gây biến chứng nặng: viêm phế quản, phổi, viêm não, viêm tai giữa. Nếu vệ sinh răng miệng kém, có thể bị cam tẩu mã. Phòng bệnh: cách li trẻ bị lên sởi với trẻ lành. Bệnh lây 5 ngày trước và sau khi sởi mọc. Tiêm văcxin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 11 tháng tuổi. Ở Việt Nam, BS khá phổ biến theo mùa.
BỆNH SỬ (y) x. Tiền sử bệnh.
BỆNH TẢ (y), bệnh truyền nhiễm cấp tính đường tiêu hoá do phẩy khuẩn tả (Vibrio cholerae) được Koch (Robert Koch) phát hiện năm 1883 và từ 1957 được phát hiện do loại En To (El tor) gây nên. Bệnh còn lưu hành ở Châu Á và vẫn có nguy cơ lan rộng thành dịch. Lây do sử dụng thức ăn, nước uống bị ô nhiễm phẩy khuẩn tả. Bệnh xuất hiện đột ngột: ỉa chảy nhiều lần liên tục, toàn nước, nôn nhiều, nhanh chóng dẫn đến tình trạng kiệt nước và truỵ tim mạch. Chữa sớm và đúng cách bằng phục hồi nước và các chất điện giải, người bệnh khỏi nhanh. Trong trường hợp bệnh nặng, nếu không được phục hồi nước điện giải, người bệnh chết trong vòng 12 – 36 giờ. Kháng sinh tétracycline chỉ có tác dụng hỗ trợ cho việc phục hồi nước và điện giải, làm giảm thời gian và khối lượng ỉa chảy, đồng thời rút ngắn thời gian đào thải phẩy khuẩn tả. Có thể dùng hỗ trợ một số vị thuốc nam (trần bì, nhục quế, sinh khương, phụ tử, vv.) với một ly nhỏ rượu rum. Bệnh nhẹ chỉ có biểu hiện ỉa chảy vài lần trong ngày và có thể tự khỏi (hoặc dùng các viên berberine, opium, vv.). Phòng bệnh: chủ yếu là dùng nước sạch, quản lí phân người (không sử dụng phân tươi bón cây); thực hiện ăn chín, uống nước sôi. Hiện nay, việc tiêm phòng văcxin tả ít có giá trị thực tế, chỉ gây miễn dịch ngắn và không vững bền.
BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT (y), bệnh tâm thần nặng, phổ biến (có thể chiếm khoảng 0,7 ‰ dân số), nguyên nhân chưa rõ, thường bắt đầu từ tuổi trẻ và có khuynh hướng tiến triển mạn tính. Bệnh thường có các dạng: hoang tưởng, ảo giác (vd. người bị ám ảnh là mình bị tia laze chi phối hoặc nghe thấy các lời nói bình phẩm hành vi của mình), trong lời nói, hành vi có sự thiếu hoà hợp dị kì khó hiểu; hiệu suất lao động, tâm thần giảm sút, ý nghĩ nghèo nàn, cảm xúc ngày càng khô lạnh, người bệnh mất dần quan hệ với xung quanh. Tiên lượng tuỳ thuộc vào thể bệnh, thời gian phát hiện và điều trị sớm hay muộn.
BỆNH TÊTANI (y; tetania), tình trạng canxi trong máu giảm, với biểu hiện: co giật đầu chi, ngón tay chụm lại, bàn chân duỗi thẳng, đôi khi thanh quản bị co thắt có thể gây ngạt thở. Hay gặp trong một số trường hợp: còi xương, giảm năng tuyến cận giáp, nôn nhiều do các bệnh khác nhau.
BỆNH THAN (nông, y; tk. nhiệt thán), bệnh nhiễm khuẩn cấp diễn ở gia súc (bò, cừu, dê, vv.) do Bacillus anthracis, có thể truyền sang người. 1) Ở người có bệnh, có những nốt loét màu đen ở da và phù nề, các thể nặng là thể nhiễm khuẩn máu và phổi. Bệnh lây do tiếp xúc trực tiếp với động vật bị bệnh (mổ xác, phanh thịt) hoặc gián tiếp qua các vật phẩm bị ô nhiễm (len, dạ, đất) hoặc (rất hiếm) do hít phải bào tử (thể phổi ở thợ chải len) hay ăn phải thịt bị nhiễm khuẩn nấu chưa chín kĩ (thể ruột). Phòng bệnh: tiêm văcxin cho gia súc, thiêu xác động vật bị chết, không ăn thịt trâu, bò… bị bệnh, tiêm văcxin cho những người tiếp xúc (người làm công tác thú ý, công nhân công nghiệp xử lí các sản phẩm động vật). 2) Ở súc vật, bệnh phổ biến ở các nước khí hậu nhiệt đới, do bào tử của Bacillus anthracis được bảo tồn trong đất thời gian lâu. Ở Việt Nam tỉ lệ chết bệnh cao nhất ở trâu, bò, rồi đến ngựa, lợn. Bệnh thường phát dưới dạng cấp tính: nhiễm khuẩn huyết, gây chết nhanh, có máu đen như than chảy ra từ các lỗ tự nhiên ở xác chết. Bệnh tích đặc trưng: máu không đông, lá lách sưng to. Bệnh có thể truyền từ đất (bào tử trong đất) và thức ăn nhiễm khuẩn (thịt bệnh, bột thịt ô nhiễm). Những vụ dịch quan trọng nhất đã xảy ra ở Nam Bộ (1941 – 1942), Bắc Bộ (1956 – 1957). Bệnh có nhiều hơn ở phía bắc và thường phát và mùa nóng sau những cơn mưa to (ở đồng bằng) và mùa đông khô hanh (ở miền núi). Văcxin chế ở Việt Nam dùng tiêm phòng theo kế hoạch đã góp phần hạn chế bệnh, chỉ còn những trường hợp lẻ tẻ. Thuyệt đối không mổ xác súc vật chết bệnh vì máu rơi vãi ra sẽ làm bào tử vi khuẩn tồn trữ trong đất, duy trì nguồn bệnh ở địa phương.
BỆNH THUỶ ĐẬU (y), bệnh nhiễm khuẩn do một virut thuộc nhóm ecpet (herpès), rất dễ lây, thường là lành tính, gặp chủ yếu ở trẻ em. Người bệnh sốt nhẹ, các nốt phỏng rất ngứa, giống các hạt sương, không bị lõm ở giữa, xuất hiện làm nhiều đợt (3- 4 đợt) cách nhau khoảng 3 ngày, ở dưới da đầu và toàn thân; các nốt phỏng vỡ ra hoặc khô đi, đóng thành vẩy, không để lại sẹo. Có biến chứng như viêm não nhưng rất hiếm gặp. Điều trị chủ yếu là chữa triệu chứng ngứa: cắt ngắn móng tay, giữ gìn tay sạch để khỏi làm nhiễm khuẩn các nốt phỏng lúc gãi. Phòng bệnh: cách li người bệnh 8 – 10 ngày cho đến lúc tất cả các nốt phỏng đóng vẩy.
BỆNH THƯƠNG HÀN (y), bệnh nhiễm khuẩn cấp diễn do trực khuẩn thương hàn Salmonella typhi gây ra. Triêu chứng: sốt tăng dần và kéo dài, mạch thường chậm, mọc nốt hồng ban ở bụng và ngực vào tuần lễ thứ hai; phân lỏng hoặc táo; thường kèm theo lách to và dấu hiệu thần kinh như li bì, mê sảng. Từ tuần thứ ba, bệnh lui dần. Đôi khi có biến chứng nguy kịch: xuất huyết hiêu hoá và thủng ruột. Bệnh lây từ phân người theo đường ăn uống (thức ăn hoặc nước uống bị ô nhiễm). Phòng bệnh: dùng văcxin TAB, vệ sinh môi trường (phân, nước, vv.), vệ sinh dinh dưỡng. Điều trị: dùng chloramphénicol hoặc ampicilline.
BỆNH TIM (y), tình trạng bất thường, bệnh lí xảy ra ở tim. Có hai loại: BT bẩm sinh (tiên thiên) phát sinh từ khi còn là bào thai. BT mắc phải phát sinh sau khi đã lọt lòng mẹ, đặc biệt ở tuổi thiếu niên (thấp tim, vv.) hoặc do nhiều bệnh khác (thiếu máu, bệnh Bazơđô, vv.). Dấu hiệu của BT nhiều và đa dạng, có thể phát hiện được bằng thăm khám lâm sàng hoặc xét nghiệm (siêu âm, thông tin, vv.). Cần có cách điều trị thích hợp theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
BỆNH TINH HỒNG NHIỆT (y), bệnh truyền nhiễm ở trẻ em do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A khu trú ở họng, sản sinh độc tố gây ra. Bệnh bắt đầu với cơn sốt cao đột ngột, đau họng, đau khớp; niêm mạc họng đỏ; lưỡi đỏ dần từ trước ra sau và đỏ rực; phát ban toàn thân (dấu hiệu đặc thù). Nốt ban to bằng đầu đinh ghim, màu đỏ. Bệnh có khả năng lây lan 3 ngày trước và 5 ngày sau khi phát ban; khoảng ngày thứ 7 thì ban bay, da bong vẩy. Bệnh có thể gây biến chứng viêm khớp cấp hoặc viêm cầu thận cấp. Phòng bệnh: cách li bệnh nhân. Chữa bệnh: dùng pénicilline cho uống. Những người tiếp xúc với bệnh nhân cần được ngáy họng cấy tìm liên cầu khuẩn, nếu kết quả dương tính phải cho dùng pénicilline như người ốm.
BỆNH TO CỰC (y), bệnh to các đầu xương, chủ yếu là xương ngón tay và ngón chân, nhưng cũng gặp ở các cơ quan khác (xương mặt, xương hàm, kể cả tổ chức liên kết và các phủ tạng). Nguyên nhân thường do u lành tuyến yên loại tế bào ưa axit. Phân biệt với bệnh khổng lồ cùng do một nguyên nhân nhưng xuất hiện sớm ở người trẻ khi sụn nối các đầu xương còn hoạt động. Hocmon phát dục trong BTC và bệnh khổng lồ được sản sinh ra nhiều do tế bào u.
BỆNH TRĨ (y), bệnh các búi giãn của các đám rối tĩnh mạch trong thành ống hậu môn. Tuỳ theo vị trí của các búi trĩ, BT được chia làm 2 loại: BT nội và BT ngoại. BT nội khi các búi nằm ở 2/3 trên ống hậu môn với triệu chứng chính: lúc bị táo bón, đi ngoài ra máu tươi sau khi đi hết phân hoặc vào cuối bãi phân. BT ngoại khi các búi tĩnh mạch nằm ở 1/3 dưới ống hậu môn. Trong giai đoạn đầu, mỗi khi đi ngoài, búi trĩ lòi ra ngoài, đi ngoài xong búi trĩ lại tụt vào trong hậu môn; sau một thời gian búi trĩ to, không vào được trong hậu môn nữa. Khi các búi trĩ căng, viêm, ống hậu môn bị hẹp lại, đi ngoài khó, đau và rất rát. Khi viêm tắc, chúng tạo thành những hột mủ to cỡ hạt ngô, rất đau. Cũng có khi bị vỡ, chảy máu kèm theo một ít chất nhày dễ nhầm với bệnh ung thư đại tràng và trực tràng. Nam bị BT nhiều gấp hai lần nữ. Lứa tuổi già mắc nhiều hơn lứa tuổi trẻ. Những người làm việc trong tư thế ngồi liên tục (lái xe, nhân viên văn phòng) cũng dễ bị. Ở mức độ nhẹ, phòng bệnh bằng cách chống táo bón: vận động, kiêng rượu và gia vị nóng; uống thuốc nhuận tràng hoặc đạt thuốc tại hậu môn (viên hình đầu đạn). Nặng hơn, phải đến bệnh viện để khám và chữa theo chỉ định của thầy thuốc để tránh các biến chứng có thể xảy ra sau khi mổ.
BỆNH TRĨ MŨI (y), bệnh viêm mũi teo, thoát ra mùi rất thối; hốc mũi rộng, cuốn mũi teo; có nhiều vẩy thối; khứu giác giảm sút hoặc mất hẳn; sống mũi có thể lõm hình yên ngựa. Nguyên nhân chưa thật rõ, điều trị còn khó khăn.
BỆNH TRÙNG XOẮN (nông) x. Bệnh Leptospira.
BỆNH TRUYỀN NHIỄM (y), một số bệnh mắc phải do sự phát triển của tác nhân sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, virut) trong cơ thể, có thể truyền đi dễ dàng bằng lây lan, gây thành những vụ dịch. Gọi là dịch hay dịch tễ khi BTN lan rộng ra cả một vùng, có khi ra cả một nước hay một lục địa. Bệnh nhiễm khuẩn cũng do sự phát triển của một tác nhân sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, virut), một số bệnh có thể thành dịch hay đại dịch lưu hành, một số bệnh chỉ phát lẻ tẻ. Trong các BTN hay nhiễm khuẩn, còn có khái niệm bệnh lưu hành địa phương để chỉ những bệnh lưu hành ở một vùng nhất định (trại, làng, vùng, vv.) mà không có khuynh hướng lan rộng. (x. Bệnh địa phương).
BỆNH TỰ MIỄN DỊCH (y; tk. bệnh tự miễn), bệnh thường do sự kết hợp của tự kháng nguyên và tự kháng thể, làm tổn thương mô và rối loạn chức năng của cơ quan mang tự kháng nguyên. Vd. bệnh luput đỏ hệ thống, thiếu máu tan máu tự miễn, xuất huyết giảm tiểu cầu chưa rõ nguyên nhân, giảm bạch cầu tự miễn, viêm cầu thận tự miễn, viêm tuyến giáp tự miễn Hashimoto, vv. Gần đây, một số tác giả cho rằng các tự kháng thể và các phản ứng kết hợp giữa tự kháng nguyên và tự kháng thể không phải là nguyên nhân gây ra BTMD mà sự xuất hiện các kháng thể chỉ là hậu quả của BTMD. X. Tự miễn dịch.
BỆNH TƯỞNG (y), trạng thái bệnh trong đó người bệnh nhận thức không đúng những cảm giác hay những biến đổi trong cơ thể mình, cho rằng điều đó là không bình thường rồi sinh ra lo lắng, sợ hãi và nghĩ là mình có một bệnh thực sự. Ngành tâm thần học Việt Nam hiện nay dùng thuật ngữ “nghi bệnh” thay cho thuật ngữ “bệnh tưởng” và xem đó là một triệu chứng có thể gặp trong nhiều bệnh tâm thần.
BỆNH UỐN VÁN (y, nông), bệnh nhiễm độc, nhiễm khuẩn do vi khuẩn Clostridium tetani. Bệnh không lây, không để lại miẩn dịch cao. Do độc tố của vi khuẩn tại các vết thương kích thích tế bào thần kinh vận động nên có các biêu hiện lâm sàng đặc hiệu: co cứng và đau các cơ, bắt đầu từ cơ nhai lan dần tới cơ gáy, cơ lưng và các chi, tạo nên tư thế uốn cong (uốn ván). Từ các kích thích nhẹ (tiếng động, ánh sáng), xuất hiện các cơn co giật cơ, lúc đầu là cục bộ sau lan ra toàn thân. Phòng và chữa bệnh: dùng anatoxine (giải độc tố) và huyết thanh kháng uốn ván, giữ gìn sạch sẽ, vo khuẩn các vết thương, các vết đụng dập, không rịt thuốc lào, không dùng bông băng chưa được tiệt khuẩn. Ở động vật, bệnh phát lẻ tẻ nhưng có khi thành những ổ bệnh nhỏ ở lợn con và cừu con, thường có nguyên nhân từ đất (nha bào vi khuẩn tồn tại lâu trong đất). Triệu chứng: co cứng ở hệ cơ vân, con vật bị kích thích cao độ. Ở một số loài vật, bệnh giới hạn trong vài nhóm cơ bắp. Phòng bệnh: dùng huyết thanh phòng bệnh khi con vật bị thương hoặc tiêm phòng bằng anatoxine. Có khả năng điều trị bằng kháng sinh. Ở Việt Nam, BUV thường thấy ở trâu và lợn đực sau khi thiến không đảm bảo vệ sinh.
BỆNH VẨY NẾN (y), bệnh toàn thân liên quan đến rối loạn chuyển hoá (các chất lipit, cacbon hiđrat, vv.), các bệnh về nội tạng, nội tiết, thần kinh. Có thuyết hướng về căn nguyên nhiễm khuẩn, nhiễm virut và tự miễn. Khoảng 15 – 30% trường hợp bị BYN có liên quan đến yếu tố gia đình. Có nhiều hình thể lâm sàng. Dấu hiệu chính: sẩn đỏ, có thể liên kết với nhau thành mảng, phủ vẩy trắng như nến, dễ bong khi cạo; khu trú chủ yếu ở những phần tì, đè như cùi tay, đầu gối, vùng xương cùng, có thể ở da đầu hoặc lan ra toàn cơ thể. Bệnh nhân phải được theo dõi, điều trị thuốc thích hợp theo từng giai đoạn của bệnh; nghỉ ngơi, an dưỡng, tránh làm việc nặng, tránh các chấn thương về thần kinh, tâm thần, để bệnh ít tái phát và không chuyển biến nặng.
BỆNH VIỆN (y; tk. nhà thương), cơ sở chuyên khám và chữa bệnh cho bệnh nhân. BV đầu tiên là cơ sở y tế được các nhà thờ Thiên Chúa giáo lập ra từ thế kỉ 16 ở Châu Âu để chữa bệnh cho những bệnh nhân không chữa được ở gia đình (bệnh nhân nặng, bệnh nhân lây, người nghèo, vv.). Ngày nay, một BV hiện đại có các nhiệm vụ: 1) Chữa bệnh bằng các kĩ thuật tiến bộ, hiện đại phù hợp với sự phát triển của mỗi nước. Bệnh nhân thường lưu trú một số ngày; đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho bệnh nhân đầy đủ, sạch sẽ, vô khuẩn, tránh sự lây chéo giữa các bệnh nhân. 2) Nghiên cứu khoa học chú ý các lĩnh vực y – sinh học và y – xã hội học, những vấn đề cần thiết đối với sức khoẻ nhân dân. 3) Đào tạo cán bộ y học và thầy thuốc. 4) Cải tiến tổ chức và phương thức hoạt động , giảm bớt ngày bệnh nhân nằm viện, chuyển bệnh nhân ra điều trị ngaọi trú (điều trị tại nhà); phát triển mạng lưới các trạm y tế cơ sở, để có thể khám và điều trị, chăm sóc sức khoẻ tại gia đình sau khi bệnh nhân ra viện. 5) Phổ biến kiến thức y học, xây dựng nếp sống văn minh (sạch sẽ, ngăn nắp, trật tự, vv.).
Có nhiều loại BV chuyên khoa, chuyên ngành như BV nhi, BV phụ sản, BV mắt, BV tâm thần, vv. BV dã chiến là cơ sở y tế quân đội có nhiệm vụ cứu chữa cho thương binh, bệnh binh trong các điều kiện hoạt động ngoài doanh trại thời chiến cũng như trong diễn tập thời bình.
BỆNH XÃ HỘI (y), tên chung chỉ những bệnh có ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội, do tỉ lệ mắc bệnh cao ở một vùng hoặc trong phạm vi cả nước, có tính chất lây lan, có tỉ lệ tử vong cao, ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ nhân dân, đến sự phát triển kinh tế – xã hội do bệnh nhân mất khả năng lao động tạm thời hay vĩnh viễn (vd. bệnh phong, sốt rét, bệnh hoa liễu, bướu cổ, lao, mắt hột, tâm thần, chứng suy giảm miễn dịch mắc phải, vv.). Với sự phát triển kinh tế xã hội ngày càng cao, nâng cao dân trí, tổ chức y tế chăm sóc sức khoẻ tốt… có thể khống chế và thanh toán một số BXH.
BỆNH XÁ (y) x. Bệnh viện.
BỆNH ZONA (y), bệnh do virut có ái lực với dây thần kinh gây ra. Biểu hiện: khởi đầu da đỏ, có cảm giác đau nhức, nóng rát dọc theo một vùng dây thần kinh; về sau phát mụn nước chứa dịch trong, to, căng, hình bán cầu, thường mọc thành cụm; mụn nước hoá mủ, vỡ và đóng vẩy. Các thương tổn khu trú ở mặt, cổ, vùng cạnh sườn, ngực, cánh tay, sắp xếp không đối xứng và không lan sang bên đối diện của cơ thể. Ở người già, người bị bệnh đái tháo đường, hoặc khi BZ khu trú ở mặt, thì bệnh thường nặng, với các thương tổn xuất huyết, hoại tử, loét và cảm giác đau nhức tăng hơn. Điều trị: dùng thuốc giảm đau, thuốc dịu thần kinh và kháng sinh cần thiết theo chỉ định của thầy thuốc.
BÍ TIỂU TIỆN (y; tk. bí đái), không đái được mặc dù muốn đái dữ dội. Dấu hiệu: bụng dưới đau, thận vẫn sản xuất nước tiểu, nước tiểu vẫn xuống bàng quang bình thường nhưng tích lại đầy căng bàng quang, làm thành một quả cầu. Nguyên nhân: tắc do chướng ngại vật trên đường niệu bàng quang – niệu đạo (sỏi ở cổ bàng quang; u xơ, ung thư tuyến tiền liệt; chấn thương vùng đáy chậu làm đứt, rách hay dập nát niệu đạo; cơ thắt cơ tròn ở cổ bàng quang do phản xạ, vv.). Cấp cứu ngoại khoa: đem ngay đến cơ sở y tế để rút nước tiểu ra (chọc hút bàng quang, thông đái qua niệu đạo); đồng thời phải tìm nguyên nhân gây bí đái và chữa theo chỉ định của thầy thuốc.
BIẾN DỊ (sinh), quá trình xuất hiện những khác biệt giữa các cá thể hoặc những cơ quan riêng biệt (kích thước, hình dáng, màu sắc, thành phần hoá học…) và những chức năng của sinh vật. Dựa trên nguyên nhân, người ta phân ra: BD di truyền và BD không di truyền. BD di truyền được chia ra: BD tổ hợp và BD đột biến. BD đột biến dựa trên cấu trúc của gen và các nhiễm sắc thể, dẫn đến xuất hiện những tính trạng và tính di truyền mới của sinh vật; có bốn loại: đột biến gen, đột biến nhiễm sắc thể, đột biến hệ gen, đột biến tế bào. BD di truyền là cơ sở thực tiễn cho chọn giống cây trồng, vật nuôi và vi sinh vật. BD đột biến có vai trò quan trọng trong nghiên cứu lí thuyết của di truyền học và các lĩnh vực khác trong sinh học. Các BD trong đó cá thể của quần thể mang tính trạng trung bình và các thành viên khác trong quần thể có tính trạng thay đổi quanh giá trị trung bình đó (thường là loại tính trạng đa gen , mỗi gen có một hiệu quả nhỏ) gọi là BD số lượng (cg. BD liên tục); ngược lại, các dạng BD có hai hay nhiều tính trạng riêng biệt khi có hai hoặc nhiều alen của một gen phức trong quần thể như nhóm máu ở người, các tính trạng ở các cây đậu trong thí nghiệm của Menđen gọi là BD chất lượng. Ở thực vật, BD có thể phát sinh ở những tính chất khác nhau về giải phẫu, hình thái, sinh lí, sinh hoá và ở các cơ quan khác nhau như hạt, phấn, hình dạng tán cây. Nghiên cứu cá BD cá thể (sự phân hoá giữa các cá thể trong quần thể) do nguyên nhân di truyền và BD địa lí (do tác động đồng thời các nhân tố sinh thái và các quá trình di truyền phức tạp khi hình thành khu phân bố loài) có ý nghĩa trong chọn giống cây trồng.
Phương pháp nghiên cứu BD tốt nhất là trồng thực nghiệm theo khảo nghiệm xuất xứ (khả năng di truyền của các BD địa lí) hoặc khảo nghiệm hậu thế của cây trội được chọn lọc (xác định khả năng di truyền của BD cá thể) trong những điều kiện khác nhau.
BIẾNG ĂN (y), tình trạng không muốn ăn, ăn uể oải, tiêu dùng lượng thức ăn thấp hơn mức bình thường. Nguyên nhân: giảm cảm giác thèm ăn (trong bệnh suy sinh dưỡng, thiếu protein – năng lượng nặng, cơ thể thiếu kẽm, vv.); tổn thương trung tâm “đói” ở vùng dưới đồi thị; thời gian sau đẻ; thay đổi tâm lí; bệnh tâm thần; tập quán sinh hoạt (ở một số thiếu nữ 15 – 20 tuổi, có kèm theo mất kinh, gầy…); tác dụng của một vài loại thuốc. BĂ kéo dài dẫn tới thiếu hay suy dinh dưỡng. Chữa nguyên nhân gây biếng ăn: dùng các vị thuốc kích thích tiêu hoá, thuốc kiện tì, tiêu thực như đảng sâm, bạch truật, trần bì, mạch nha, sơn tra, thần khúc.
BIỂU ĐỒ NHIỄM SẮC THỂ (sinh) x. Nhân đồ.
BIỂU MÔ (sinh), mô gồm một hay nhiều lớp tế bào ở mặt ngoài hay lót bên trong xoang (rỗng) hoặc sinh ra các tuyến đặc (gan, thận, tuỵ). Các tế bào BM nằm sát nhau, mặt tiếp xúc rất mỏng và tựa trên màng nền. Có thể có hình khối, hình trụ, dạng lông hay vẩy, phụ thuộc vào hình dạng của các tế bào và trong một số trường hợp gồm một tế bào nhu BM da. Những mô lót bên trong xoang cơ thể gọ là BM giữa. Các mô đơn độc hình trụ hoặc khối sắp xếp chặt chẽ với lông nhô ra trên bề mặt tự do gọi là BM tiêm mao. Các lông này hoạt động nhịp nhàng theo làn sóng, tạo nên chuyển động của chất lỏng hoặc các phân tử bao quanh.
BƠM HƠI MÀNG BỤNG (y), phương pháp cổ điển điều trị lao hang ở phần đáy của phổi, được áp dụng trước kia, khi chưa có thuốc đặc trị lao. Ngày nay, chỉ còn dùng BHMB trong một số trường hợp chuẩn đoán khối u trong bụng.
BƠM HƠI TRUNG THẤT (y), phương pháp chuẩn đoán X quang bằng cách bơm khoảng 1200 – 1500 ml không khí hoặc một loại khí trơ vào khoang giữa hai lá phổi trong lồng ngực (khoang trung thất) để các phủ tạng bị tách ra và nhìn được rõ hơn khi chụp hoặc chiếu X quang. BHTT được dùng để chuẩn đoán các tổn thương vùng trung thất trước; đánh giá khả năng phẫu thuật một ung thư phế quản; phân biệt khối u thuộc nhu mô phổi với khối u trung thất; xác định khối lượng và tính chất của một hạch vùng trung thất trước bị sưng to, vv.
BÚ SỮA MẸ (y) nuôi con bằng cách cho bú trực tiếp từ vú mẹ. Chất và lượng sữa mẹ tuỳ thuộc vào sức khoẻ, chế độ ăn uống, lao động và nghỉ ngơi của người mẹ và cách cho bú. Sữa mẹ là chất dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ nhỏ, là nguồn năng lượng, nguồn sống chính của trẻ trong 6 tháng đầu của đời người. Sữa non ban đầu (của người mẹ sau khi đẻ) giàu chất dinh dưỡng và các yếu tố miễn dịch, rất có ích cho sự phát triển của trẻ sơ sinh. Từ 6 đến 12 tháng, sữa mẹ chỉ đáp ứng được ¾ nhu cầu của trẻ, khi đó cần cho trẻ em ăn sam (bột, thịt, rau, vv.) thêm. Khi trẻ đi tướt, sữa mẹ vẫn là thức ăn đảm bảo nhất bù đắp nước và chất dinh dưỡng kịp thời cho trẻ nhỏ. Các bà mẹ mắc một số bệnh sau không nên cho bú: lao đang tiến triển, suy tim hay đang điều trị bệnh bằng các thuốc chống ung thư, đang mắc những bệnh lây lan (viêm gan virut, AIDS, vv.).
BUỒN NGỦ (y), trạng thái muốn ngủ. BN là hiện tượng sinh lí tự nhiên, xảy ra sau một thời gian lao động làm cho cơ thể mệt mỏi, hoặc trong một quá trình lao động đơn điệu (lái xe ban đêm, lái xe trên các đường cao tốc, lái xe sau một bữa ăn, sau khi uống rượu, vv.). Khi có kích thích con người trở lại bình thường. Trạng thái BN bệnh lí kiểu loạn thần kinh tâm căn làm con người rơi vào trạng thái luôn muốn ngủ khó cưỡng lại, hay ngủ gật hoặc rơi vào ngủ lịm, ngủ rũ.
BUỒN NÔN (y) x. Nôn.
BUỒNG BỆNH (y), nơi bệnh nhân nằm điều trị (trên 24 giờ) tại bệnh viện. BB phải đạt các yêu cầu: ngăn nắp, trật tự, đẹp, yên tĩnh, sạch sẽ, môi trường không có mầm bệnh gây nhiễm khuẩn (gọi là nhiễm khuẩn chéo); tạo được một không khí gia đình, làm cho bệnh nhân cảm thấy dễ chịu, tin tưởng. Trong một bệnh viện, có nhiều loại BB: loại 1 người, loại 2 người, loại 4 người nằm với các tiện nghi sinh hoạt trong buồng; các dịch vụ kĩ thuật đều có thể làm ở trong buồng. Trong một BB, cần xếp các bệnh nhân cùng một giới tính, một lứa tuổi, một bệnh cảnh lâm sàng, một loại bệnh chuyên khoa, vv.
BUỒNG CÁCH LI (y), buồng bệnh dành riêng cho bệnh nhân mắc từng loại bệnh truyền nhiễm với các điều kiện săn sóc riêng biệt, để mầm bệnh không lây lan sang người khác và môi trường xung quanh (thương hàn, sởi, ho gà, vv.)
BỰA RĂNG (sinh), lớp phủ trên răng do nước bọt kết hợp với đường và các mảnh thức ăn khác, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sản, nếu để lâu, các vi khuẩn tạo ra axit ăn mòn men răng. Khi men răng bị mòn, vi khuẩn tiếp tục xâm nhập vào ngà làm hỏng răng.
BƯỚU CỔ (y; tk. u giáp), ở người, thuật ngữ dân gian chỉ sự to ra của tuyến giáp trong nhiều tình trạng bệnh lí khác nhau (tăng năng, giảm năng, quá sản đơn thuần, các loại viêm, các loại u lành, các loại ung thư, vv.). Ở Việt Nam, bướu vùng cổ có thể là u giáp, song cũng có thể là di căn của ung thư vòm họng, các u ác tính của hạnh thuộc khu vực này. Trong các bệnh nhân có BC, BC đơn thuần là loại hay gặp nhất, ở khoảng 200 triệu người trên thế giới và khoảng trên 1 triệu người ở miền Bắc Việt Nam. Ở Việt Nam, bệnh bướu cổ phổ biến ở miền núi. BC đơn thuần là tuyến giáp to không do viêm hay do ung thư, cũng không có tình trạng tăng năng hay giảm năng tuyến giáp; nguyên nhân chủ yếu do thiếu iôt, do dinh dưỡng do các thuốc kháng giáp tổng hợp, do bẩm sinh, di truyền. BC có tính chất địa phương thường xảy ra ở một khu vực nhất định (ở Việt Nam, chủ yếu là vùng núi, tỉ lệ người mắc ít nhất 10% dân số).
Về chức năng, chia ba loại BC: BC bình năng không có biểu hiện rối loạn nội tiết, thường có tính địa phương, do thiếu iôt; BC tăng năng thường biểu hiện kín đáo ở giai đoạn đầu khi phát, điển hình có triệu chứng của bệnh Bazơđô với những đặc điểm như người gầy, mệt mỏi, mạch nhanh, mắt sáng, lồi, run tay; BC giảm năng, điển hình là chứng đần độn với trẻ em và chứng phù niêm đối với trẻ lớn, người trưởng thành. Chuẩn đoán tế bào học qua chọc hút BC bằng kim nhỏ đang được áp dụng rỗng rãi ở Việt Nam, cho kết quả xác định bệnh tin cậy.
Phòng bệnh có kết quả nhất là với các BC đơn thuần địa phương bằng trộn muối iođua kali và muối ăn 50 – 60 mg/kg; hoặc uống viên iođat theo chỉ dẫn của thầy thuốc, hạn chế thức ăn chứa nhiều chất gây u.
BƯỚU GIÁP (y) x. U giáp.
BƯỚU MỠ (y) x. U mỡ.