Từ điển Y học Việt Nam – Mục C

1372

Từ điển Y học Việt Nam – Mục C

CÁCH LI KIỂM DỊCH (y), thời gian cách li người bệnh hay hàng hoá ở vùng có dịch bệnh theo luật quốc tế quy định. Trước đây là 40 ngày; ngày nay do tiến bộ về khoa học công nghệ y tế, thời gian cách li đã được rút ngắn, vd. 5 ngày đối với bệnh tả, 6 ngày đối với bệnh dịch hạch, vv.

CAM TẨU MÃ (y), viêm miệng hoại thư, bắt đầu ở lợi hoặc ở má, lan rất nhanh ra má, môi, hoại tử phần mềm làm thủng má, môi, mũi, sau đó làm hoại tử xương, răng lung lay rụng dần, có mùi hôi thối. Vi khuẩn gây bệnh chủ yếu là Fusobacteria và xoắn khuẩn. Gặp ở trẻ em có thể trạng rất suy kiệt, thường gặp sau khi bị sởi, thương hàn hoặc một bệnh nhiễm khuẩn nặng khác. Thể trạng chung rất kém, nhiệt độ cơ thể tăng. Bệnh rất nặng nhưng trẻ không cảm thấy đau. Cần điều trị kịp thời: kháng sinh liều cao, huyết thanh chống hoại thư, nâng cao thể trạng, chăm sóc tại chỗ, cắt lọc và tạo hình, vv. Phòng bệnh: trước hết cần quan tâm đến trẻ ốm yếu, suy dinh dưỡng, mắc bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là bệnh sởi. Phát hiện sớm các vết loét màu đen, thối ở lợi má. Trong y học cổ truyền, CTM có tên đầy đủ là nha CTM (cam răng); còn gọi là tị cam (cam mũi), thuần cam (cam môi), thiệt cam (cam lưỡi), hầu cam (cam họng). Nguyên nhân thường do nhiệt đọc ở hai kinh can vị.

CẢM GIÁC (triết, giáo dục), phản ánh ban đầu do tác động của thế giới khách quan vào những cảm giác của con người đem lại. CG là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. CG phản ánh, sao chụp lại các thuộc tính của những sự vật tồn tại ở bên ngoài và độc lập với ý thức. Như vậy CG là cái có sau so với hiện thực vật chất. Có nhiều loại CG: thị giác, vị giác, khướu giác, thính giác, xúc giác, vv. CG là cái cầu nối trực tiếp con người với thế giới khách quan. Trên cơ sở CG, các hình thức phản ánh cao hơn như tri giác, biểu tượng, khái niệm, phán đoán, suy lí… hình thành. Năng lực CG xuất hiện trong quá trình phát triển lâu dài của vật chất. Ở con người, cơ sở của CG là sự hoạt động, sự tác động qua lại trực tiếp của chủ thể với các khách thể và các đối tượng của thế giới khách quan. Với sự phát triển của các phương tiện kĩ thuật, con người có khả năng mở rộng giới hạn nhận thức cảm tính của mình.

CẢM GIÁC BUỐT MÓT (y), cảm giác đau, nóng rát vùng hậu môn hoặc vùng cổ bàng quang và liên tục muốn đi đại tiện hoặc đại tiện, tuy có thể trong ruột cuối không có phân hoặc bàng quang không có nước tiểu (thường gặp trong bệnh lị, viêm bàng quang, vv.)

CẢM GIÁC KIẾN BÒ (y; tk. dị cảm), xảy ra ở các đầu chi (chủ yếu là bàn tay, hiếm xảy ra ở bàn chân). Dấu hiệu có vẻ tầm thường, nhưng cần cảnh giác vì có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh thần kinh (đau thần kinh cổ – cánh tay, đau đa thần kinh, xơ cứng rải rác, vv.); của tạng co giật (xảy ra ở phụ nữ trên 50 tuổi, có thể do một trạng thái thường xuyên tăng kích thích thần kinh – cơ canxi huyết và pH máu có thể bình thường biểu hiện bằng các triệu chứng như lo âu, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, đánh trống ngực, chóng mặt, đau ngực, nuốt khó, chuột rút, rối loạn tiêu hoá, mệt mỏ… mà nguyên nhân phần lớn do trạng thái ưu tư, loạn thần kinh dạng hysteria hay đồng bóng, vv.); của bệnh hư khớp cột sống cổ (đau cổ phía sau, có thể toả xuống chi trên, động tác cổ bị giới hạn, vv.); của hội chứng ống cổ tay (tê bại 3 ngón tay đầu tiên của bàn tay, giảm cảm giác, giảm trương lực cơ). Nguyên nhân: vi chấn thương, gãy xương, viêm bao hoạt dịch gân, có thai, đái tháo đường, bệnh nội tiết; có thể không tìm thấy nguyên nhân rõ rệt.

CẢM GIÁC NHIỆT (sinh), phản ứng sinh học tổng hợp của con người đối với các thông số về khí hậu đặc trưng cho môi trường xung quang (độ nhiệt, độ ẩm, vận tốc gió và bức xạ nhiệt). Nó phản ánh điều kiện nóng, lạnh của môi trường, cường độ lao động, nhiệt trở của quần áo và mức độ thích nghi của con người với môi trường. CGN phụ thuộc vào hằng số sinh học của con người, vào đặc điểm địa lí và khí hậu của vùng lãnh thổ. Vì vậy trên thế giới hiện nay tồn tại nhiều chỉ tiêu xác định hàm CGN: chỉ tiêu nhiệt độ hiệu quả tương đương, chỉ số điều kiện ZK của Zuilen – Korenkov, chỉ số Yaglow (ƯBGT), chỉ tiêu cường độ nhiệt của Belđinh – Hatch, vv. Vd. chỉ tiêu nhiệt độ của C. Gwebb dùng cho người Ấn Độ và Đông Nam Á: với độ ẩm 82%, vận tốc gió v = 0,3 – 0,5 m/s, thì cảm giác rất lạnh là 10,8oC, rất nóng là 30oC và cảm giác dễ chịu là 21 – 23 oC. Ở Việt Nam, có một số tác giả đã đưa ra các chỉ tiêu cảm giác nhiệt khác nhau.

CẢM GIÁC VẬN ĐỘNG (giáo dục), sự tác động qua lại giữa vận động và các thành tố cảm giác trong hoạt động tâm lí, làm cho chủ thể nhận thấy sự vận động của một nhóm cơ hay một cơ quan trong cơ thể con người. Những thông tin vận động xuất phát từ các cơ quan đang vận động chuyển sang cơ quan phân tích (giác quan) thành các CGVĐ giúp cho chủ thể điều khiển, kiểm tra và điều chỉnh vận động. Đồng thời quá trình vận động cũng làm thay đổi, chính xác hoá và nảy sinh những thông tin mới về cảm giác. Vòng phản xạ là phác đồ cấu trúc chung của việc tổ chức các quá trình CGVĐ. CGVĐ bắt đầu hình thành ở trẻ sơ sinh.

CẢN X QUANG (y; Ph. Radio opaque), cản quang không cho tia X đi xuyên qua. Tia X cũng giống như tia ánh sáng là một tia điện từ và bị các chất có độ dày và tỉ trọng cao cản lại (canxi, sắt, iot và các hợp chất iot, bari sunfat, vv.). Do đặc điểm cấu tạo, các mô trong cơ thể cản tia X không đều nhau, từ thấp (ít) đến cao (nhiều); nhu mô phổi có chứa không khí; mạch máu ở rốn phổi (chứa sắt, canxi, vv.); xương (chứa nhiều canxi). Dùng các chất cản quang để làm hiện rõ các cơ quan và các thương tổn bình thường không thấy được (các mạch máu, dạ dày, ruột, đường niệu, vv.).

CAO RĂNG (y), màng cứng (sỏi) bám trên men răng và xi măng răng ở vùng cổ răng, do canxi photphat, canxi cacbonat – trong nước bọt (nước miếng) – lắng đọng (bao bọc vi khuẩn và các mảnh vụn khác) tạo thành. Thường là nguyên nhan nhiều bệnh răng miệng (viêm quanh răng, viêm lợi…) dẫn tới hỏng răng. Bình thường sáu tháng nên kiểm tra răng một lần; tốt nhất cứ ba tháng nên lấy CR một lần.

CẠO GIÓ (y; tk. đánh gió), phương pháp dùng chất nóng (dầu cao, gừng và tóc rối hoà với rượu) miết vào da dùng cổ, gáy, dọc sống lưng, hai thăn lưng, ngực, bụng, chân tay, để giải cảm. Có thể dùng kết hợp với các bài thuốc giải cảm khác của y học dân tộc.

CẬN THỊ (y), tật khúc xạ của mắt, trong đó hình của một vật được đặt ở xa vô cực đối với mắt không hiện đúng ở võng mạc, mà ở một vùng trước võng mạc. Nguyên nhân thông thường: không giữ vệ sinh mắt, trẻ em ngồi học ở bàn quá cao (cúi đầu sát gần sách khi viết, đọc), nằm đọc sách dưới ánh đèn quá tối, vv. Cần đi khám và theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc. Biện pháp thông thường là đeo kính điều chỉnh, mổ chữa CT (chưa phổ cập).

CẬN UNG THƯ (y), hội chứng hoặc những biểu hiện sinh học và giải phẫu lâm sàng diễn ra trong quá trình phát triển của một ung thư, không do biến chứng hay lan tràn ung thư hay di căn ung thư gây ra. Những biểu hiện này có tính chất thần kinh, cơ, xương, khớp, da, nội tiết, máu hoặc chuyển hoá, có thể mất đi khi ung thư được điều trị và lại xuất hiện nếu ung thư tái phát. Vd. ung thư phổi không có các triệu chứng lâm sàng của bệnh phổi nhưng lại gây đau khớp, nhược cơ, chứng vú to đàn ông, vv. Sinh bệnh học chưa rõ.

CẤP ĐỘ DINH DƯỠNG (sinh), các cấp dinh dưỡng khác nhau trong chuỗi thức ăn của sinh vật. Cây xanh là CĐDD đầu tiên – cấp I, động vật ăn cỏ – cấp II, động vật ăn động vật ăn cỏ – cấp III. Các sinh vật tiêu thụ cũng có thể gọi là sinh vật tiêu thụ cấp I, II, III. Trong hệ sinh thái thường có bốn CĐDD, trong đó có ba là ăn thịt.

CHẢY MÁU (y), hiện tượng thoát ra ngoài mạch một khối lượng máu (nhiều hay ít) do thương tổn làm rách thành mạch (động mạch, tĩnh mạch, mao mạch). Nguyên nhân: vết thương do tác nhân có cạnh sắc, mảnh kim khí (đạn, mảnh bom, lựu đạn, vv.) làm rách da, các phần mềm, làm đứt, rách mạch máu, hay một nội tạng, để máu chảy ra ngoài cơ thể (CM ngoài); rách thành mạch ở một nội tạng (phổi, dạ dày, thực quản, gan, lách, vv.), máu có thể tích lại trong một khoảng rỗng (ổ màng phổi, ổ màng bụng, vv.), không chảy ra ngoài (CM trong); sau CM trong, máu có thể được loại ra ngoài (khái huyết hay ho ra máu; thổ huyết hay nôn ra máu, trong loét dạ dày, đứt tĩnh mạch thực quản, vv.); máu có thể từ loét tá tràng đi qua ruột, lẫn vào phân làm cho phân đen.

Dấu hiệu lâm sàng thay đổi tuỳ thuộc vào khối lượng máu bị mất, vị trí của vết thương (đứt động mạch, đứt tĩnh mạch), vv. Khối lượng máu do khái huyết nếu nhiều, cũng gây nên tình trạng toàn thân suy sụp nhanh. Máu chảy tuy ít nhưng liên tục trong nhiều ngày (chảy máu loét tá tràng) gây tình trạng thiếu máu.

Cách chữa: khẩn trương, bình tĩnh cầm máu và điều trị nguyên nhân gây CM. Vết thương mạch máu, các chi gây CM ồ ạt là một loại cấp cứu hàng đầu (đặt ngay một garô phía trên vết thương để cầm máu tạm thời, băng vết thương, chuyển ngay nạn nhân đi cấp cứu). Đối với các trường hợp CM ồ ạt khác (khái huyết, thổ huyết, vv.): để bệnh nhân nghỉ ngơi yên tĩnh , dùng các thuốc cầm máu tạm thời rồi chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế.

CHẢY MÁU CAM (y; expistaxis), chảy máu mũi. CMM tự phát ở thanh, thiếu niên, chưa rõ nguyên nhân và thường xảy ra ở tuổi dậy thì, hành kinh, say nắng, vv. CMM do nguyên nhân tại chỗ (u lành hoặc ác tính tại mũi, xoang vòm họng, chấn thương, vv.) hoặc toàn thân (tăng huyết áp, bệnh van tim, suy gan, cúm, sởi, xuất huyết, bệnh máu và mạch máu, vv.) hoặc thiếu vitamin C. Xử lí: người bệnh cần bình tĩnh, đầu hơi ngửa lên, há mồm, dùng một ngón tay ấn chặn cánh mũi phía chảy máu cho tới khi máu ngừng chảy (khoảng 5 – 10 phút) hoặc dùng vải, gạc, bông sạch vê tròn nhét vào lỗ mũi, không nhét thuốc lào, lông culi vào mũi để cầm máu. Trong trường hợp máu không cầm, cần đi khám.

Y học dân tộc chia CMM làm 3 thể: thể phế nhiệt, thể vị nhiệt, thể hoả. Thể phế nhiệt có thể chữa bằng: lá dâu 20 g, bạc hà 12 g, rai má 30 g, chi tử sao đen 16 g, cỏ nhọ nhồi 30 g, lá sen 20 g, rễ tranh 12 g. Thể vị nhiệt có thể chữa bằng: thạch cao 30 g, thạch môn 30 g, ngưu tất 12 g, chi tử 16 g, sinh địa 12 g. Thể hoả có thể chữa bằng: long đởm thảo 8 g, hoàng cầm 12 g, chi tử 12 g, sài hồ 8 g, đương quy 4 g, sinh địa 12 g, mộc thông 12 g, xa tiền tử 12 g, cam thảo 8 g. Bài thuốc cầm máu chung cho cả 3 thể: hoa hoè sao đen 12 g, mai mực 12 g, tán mịn, rây kĩ, mỗi lần thổi một tí vào lỗ mũi.

CHẢY MÁU CHÂN RĂNG (y) x. Chảy máu lợi.

CHẢY MÁU DẠ DÀY VÀ TÁ TRÀNG (y), hai trạng thái bệnh lí: nôn ra máu tươi hoặc đen lẫn máu cục và thức ăn, có mùi chua; đại tiện ra phân đen như mồ hóng hay nhựa đường, nhão, khắm. Không lầm lẫn với: chảy máu cam (chảy máu mũi với máu đỏ tươi); ho ra máu (ho hoặc khạc đờm lẫn máu hoặc máu tươi); đi phân đen màu chì, do uống thuốc chất sắt. Dấu hiệu của mất máu (tuỳ theo khối lượng của máu mất): mệt mỏi, vật vã; da, niêm mạc nhợt nhạt; chóng mặt, vã mồ hôi; mạch nhanh, huyết áp thấp. Ngoài khám lâm sàng, nếu cần thì làm nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng để tìm điểm chảy máu, nguyên nhân chảy máu và cầm máu tại chỗ. Nguyên nhân: ở dạ dày như loét dạ dày (có thể do một cơn xúc cảm mạnh, uống một số thuốc như aspirine, corticoide, vv.); thay đổi thời tiết; u (lành, ác tính, vv.); viêm dạ dày chảy mául loét tá tràng do uống aspirine, vv. Điều trị: nghỉ ngơi, hồi sức, cầm máu; theo dõi; chữa tuỳ theo nguyên nhân bệnh.

CHẢY MÁU LỢI (y), máu từ mạch máu lợi chảy ra không ngừng ở chân răng, do nhiều nguyên nhân: nguyên nhân tại chỗ (viêm lợi); nguyên nhân toàn thân (các bệnh về máu và rối loạn đông máu, xơ gan, viêm gan, thiếu vitamin C, K, các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc, tăng ure huyết, vv.). Phòng bệnh: không nên xỉa răng, chải răng đúng quy cách (dùng bàn chải mềm, vv.). Trong trường hợp CML kéo dài, cần khám để tìm nguyên nhân. Điều trị tuỳ theo nguyên nhân.

Y học dân tộc chia chảy máu chân răng làm hai thể: chảy máu chân răng do dương minh vị nhiệt; chảy máu chân răng do thận âm hư, thấp nhiệt vượng. Chảy máu chân răng do dương minh vị nhiệt với máu đỏ tươi, mồm hôi; có thể dùng: thục địa 20 g, sài đất 20 g, thạch cao 20 g, ngưu tất 12 g, mạch môn 16 g. Chảy máu chân răng do thận âm hư, thấp nhiệt vượng với máu đỏ nhạt, răng lung lay, hơi đau ; có thể dùng: thục địa 20 g, hoài sơn 16 g, thổ phục linh 12 g, hoàng bá 12 g, ngưu tất 12 g.

CHẢY MÁU NÃO (y), tình trạng bệnh lí do máu thoát ra ngoài một hay nhiều mạch máu trong não do vỡ mạch máu, máu thấm qua thành mạch máu. Chảy máu ở một bên bán cầu não sẽ gây liệt nửa người đối bên kèm theo hôn mê, đầu và mắt lệch về phía chảy máu, thở rống, huyết áp cao; sau đó phục hồi dần nếu chữa kịp thời và làm phục hồi chức năng tốt. Chảy máu ở cả hai bên bán cầu não (tràn ngập não – não thất) sẽ gây liệt toàn thân , hôn mê (thường sâu), thở rống, huyết áp cao, chảy máu võng mạc; tỉ lệ tử vong thường cao. Nguyên nhân: biến chứng của bệnh tăng huyết áp làm vỡ động mạch; chấn thương sọ não, dãn động mạch não bẩm sinh bị vỡ; các bệnh máu ác tính hay lành tính gây chảy máu. CMN là một tai biến nặng; sau khi khỏi cơn nguy hiểm sẽ để lại nhiều hậu quả thần kinh (liệt nửa người, nói ngọng, vv.). Dự phòng: theo dõi sức khoẻ định kì những người bị tăng huyết áp; áp dụng chế độ lao động, sinh hoạt, ăn uống, luyện tập (dưỡng sinh) thích hợp. Chữa bệnh: sau khi ra khỏi cơn nguy hiểm, thực hiện từng bước và tích cực việc phục hồi chức năng.

CHẢY MÁU SÉT ĐÁNH (y), chảy máu ồ ạt (một khối lượng máu lớn) trong một thời gian ngắn (vài phút), dẫn đến tử vong nếu không cầm máu kịp và hồi sức có hiệu quả. Nguyên nhân: thương tổn rách một mạch máu lớn hoặc có huyết áp cao (các nhánh ở gần động mạch chủ, vết thương động mạch đùi ở gần bẹn; vỡ phình động mạch chủ; vỡ tĩnh mạch thực quản trong tăng áp lực tĩnh mạch cửa); khái huyết trong lao hang phổi; nôn ra máu (thổ huyết) trong loét dạ dày – tá tràng, vv.

CHẢY NƯỚC MẮT (y) hiện tượng nước mắt không lưu thông hết theo hệ thống lệ đạo và tràn qua bờ mi. Có thể do tuyến lệ tiết quá nhiều nước mắt (lệ đạo vẫn thông suốt), do bị kích thích vì viêm chói, vv. hoặc lệ đạo bị tắc hẳn ở một vị trí nào đó. Cần khám và điều trị nguyên nhân bệnh.

CHÂN VÒNG KIỀNG (y), tình trạng biến dạng các xương chi dưới, làm cho hai đầu gối cách xa nhau, hai cẳng chân bị cong vào trong (cg. chân chữ “O”). Thường gặp trong bệnh còi xương.

CHUẨN ĐOÁN (y), xác định bệnh qua triệu chứng. Có hai loại CĐ:
1. CĐ lâm sàng: xác định bệnh qua các triệu chứng, phát hiện bằng cáchhỏi và khám bệnh nhân trên giường (lâm sàng). Triệu chứng do bệnh nhân tự nhận thấy là triệu chứng chủ quan. Triệu chứng do thầy thuốc phát hiện khi thăm khám là triệu chứng khách quan.
2. CĐ cận lâm sàng: xác định bệnh qua các dấu hiệu cận lâm sàng, phát hiện bằng các xét nghiệm (huyết học, sinh hoá, tế bào học, X quang, vv.) Vd. xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chọc kim nhỏ, chụp X quang. Những năm gần đây, hàng loạt phương pháp CĐ cận lâm sàng mới đã trở thành phổ cập như siêu âm, ghi hình phóng xạ, chụp nhiệt, chụp cắt lớp điện toán hay bằng máy Scanne (Scanner), chụp nhiệt, chụp cộng hưởng từ trường hạt nhân, miễn dịch huỳnh quang, miên dịch mô học, enzim học, kháng thể đơn clôn, siêu li tâm… cho phép phát hiện hàng loạt bệnh trước đây khó xác định (ung thư mới, ổ di căn ung thư nội tặng, ổ nhồi máu, vv.).
CĐ có thể đúng hay sai với các mức độ khác nhau: CĐ âm tính; CĐ âm tính giả; CĐ dương tính; CĐ dương tính giả; CĐ xác định; CĐ nguyên nhân; CĐ phân biệt; CĐ sớm, vv. CĐ sớm là xác định bệnh từ khi các triệu chứng mới xuất hiện. Vd. CĐ ung thư khối u có đường kính chưa quá 1 cm; CĐ bệnh giang mai qua phản ứng huyết thanh dương tính khi bệnh nhân chưa thấy rõ săng. CĐ sớm đặc biệt có ý nghĩa với các bệnh hiểm nghèo vì đó là thời điểm tốt nhất để điều trị khỏi bệnh cũng như đề phòng các biến chứng, di chứng, song trên thực tế không dễ dàng thực hiện.

CHUẨN ĐOÁN ĐỊNH KHU (y), xác định khu trú chính xác của một quá trình bệnh lí, vị trí của tổn thương. Trong bệnh học thần kinh, dựa vào các triệu chứng tìm được để xác định vùng tổn thương trung ương và ngoại vi.

CHUẨN ĐOÁN HUYẾT THANH HỌC (y), phương pháp chuẩn đoán bệnh bằng huyết thanh của bệnh nhân, dựa trên cơ sở: huyết thanh người bệnh có chứa kháng thể phản ứng đặc hiệu với yếu tố gây bệnh (kháng nguyên), thường là vi khuẩn (phản ứng ngưng kết kháng nguyên) – kháng thể), vd. chuẩn đoán huyết thanh ở bệnh thương hàn.

CHUẨN ĐOÁN X QUANG (y), chuẩn đoán bệnh bằng tia X: chiếu tia X lên vùng có cơ quan nghi là bị bệnh, cho hình ảnh hiện lên một màn huỳnh quang để quan sát và tìm các thương tổn (soi X quang); hoặc đưa hình ảnh lên một phim X quang (chụp X quang với nhiều kĩ thuật khác nhau như chụp X quang thường, chụp cắt lớp, vv.), sau đó đọc kết quả trên phim X quang qua đèn đọc phim để tìm các tổn thương.

Khuynh hướng hiện nay: ít dùng phương pháp soi X quang (bệnh nhân và thầy thuốc tiếp xúc với tia X quá lâu có hại, kết quả không được chính xác lắm, vv.). Chụp X quang nhiều cũng có hại (nhất là đối với trẻ em, phụ nữ có thai, vv.). Cần thận trọng, cân nhắc kĩ khi chỉ định chụp X quang.

CHẤN ĐỘNG NÃO (y), chấn thương não do sức ép hoặc va chạm mạnh nhưng không gây ra các tổn thương giải phẩu quan trọng cho xương và phần mềm. Bệnh nhân rơi vào tình trạng li bì hoặc hôn mê, có thể phục hồi hoàn toàn sau vài giờ hoặc vài ngày. Trong một số trường hợp, sau chấn thương não, bệnh nhân có khoảng (thời gian) tỉnh trước khi hôn mê, do đó cần được theo dõi chặt chẽ. Đôi khi CĐN để lại các di chứng: rối loạn thị giác, co giật, quên. Đánh giá đầy đủ các thương tổn do CĐN gây ra chỉ có thể làm được sau vài tháng.

CHẤN THƯƠNG (y), trạng thái của cơ thể bị một tác nhân bên ngoài gây những tổn thương dưới nhiều hình thái và mức độ khác nhau trong các tai nạn hàng ngày (sinh hoạt, lao động, giao thông, vv.). Tác nhân gây CT có thể là các yếu tố cơ học (vật sắc, nhọn, vật khối tù, mảnh bom đạn, súng nổ, lực đè ép, nghiến, sự thay đổi đột biến và trên mức giới hạn của áp lực, vv.), các yếu tố nóng, lạnh, hoá học, lí học, vv.Tuỳ mức độ và hình thái tổn thương, có thể gặp CT kín (da, niêm mạc không bị rách đứt nhưng có thể có các tổn thương các phần cơ thể dưới da, dưới niêm mạc hoặc nội tạng); CT mở (khi da, niêm mạc các phần mềm hoặc cứng bị rách đứt, gẫy, hình thành một vết thương để lộ phần tổn thương ở dưới). Tuỳ theo vị trí tổn thương mà phân loại các CT: tứ chi, sọ não, cột sống, ngực, bụng, tiết niệu, sinh dục, mặt hàm, răng miệng, tai mũi họng, mắt, vv. Cần phải sơ cứu ngay tại hiện trường, sau khi xảy ra tai nạn, cho qua khỏi cơn sốc đầu tiên. Sau đó, gửi ngay đi cấp cứu ở bệnh viện. Thuật ngữ CT còn được dùng trong tâm lí học và tâm thần bệnh học…, vd. CT tâm lí.

CHẤN THƯƠNG ÂM THANH (y), tổn thương thính giác do các loại âm thanh gây ra: suy giảm thính giác vĩnh viễn do tiếp xúc với tiếng ồn lớn trong một thời gian ngắn (tiếng súng, bom, mìn, tiếng sét trong lúc đang nghe điện thoại, vv.). Điếc nghề nghiệp do tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn cao trong sản xuất công nghiệp.

CHẤN THƯƠNG KÍN (y) x. Chấn thương.

CHẤN THƯƠNG MẮT (y), tổn thương đụng giập hoặc xuyên thủng nhãn cầu do nhiều nguyên nhân: tác nhân cơ học (mảnh kim loại, hạt thóc, vv.), tác nhân hoá học (axit, bazơ, vv.), tác nhân vật lí (tia hàn điện,vv.) vv. Cần đeo kính bảo vệ mắt khi làm các công việc có nguy cơ gây CTM (đập, tuốt lúa, hàn, vv.). Khi bị CTM, bệnh nhân cần phải được cấp cứu và điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Không nên dịu mắt và tự đắp thuốc vào mắt.

CHẤN THƯƠNG MỞ (y) x. Chân thương.

CHẤN THƯƠNG SẢN KHOA (y), thương tổn xảy ra ở các phần của bộ phận sinh dục nữ khi đẻ, đặc biệt là các lần đẻ khó, có can thiệp bằng thủ thuật. CTSK có thể nhẹ, nặng hay rất nặng, gây tử vong cho sản phụ và cả con. Các CTSK nhẹ thường là rách tầng sinh môn (đáy chậu), rách âm đạo, rác cổ tử cung. CTSK nặng là vỡ tử cung. CTSK rất nặng là vỡ tử cung rộng kèm theo nhiễm khuẩn và vỡ bàng quang. Triệu chứng chung: chảy máu sau đẻ (máu tươi, chảy ít nhưng kéo dài), nếu không xử lí kịp thời sẽ dẫn đến chết do thiếu máu. Nguyên tắc xử lí: tìm chỗ rách và khâu cầm máu. Nếu vỡ tử cung phải mổ khâu vết vỡ hoặc cắt tử cung. Đồng thời với khâu cầm máu, phải cho thuốc nâng cao thể trạng và bù lại số máu đã mất.

CHẤN THƯƠNG TÂM LÍ (giáo dục), hiện tượng rối loạn tạm thời hay kéo dài của tâm lí , do ảnh hưởng của những tác động tâm lí quá mạnh khiến con người không chịu nổi.

CHẤT BÉO (hoá, sinh, cg. lipit), mỡ, dầu động thực vật. Là este của axit béo với glixerin nên còn được gọi là các glixerit, có công thức chung:

 

trong đó R, R’, R’’ là gốc hữu cơ. CB là thành phần cơ bản của tế bào mỡ và nhiều tế bào khác trong cơ thể; mô mỡ tạo ra một lớp cách li mềm bảo vệ cơ thể. Về cấu trúc, trong CB có axit béo no (axit stearic và axit panmitic…) và axit béo không no (axit oleic, axit linoleic, axit linolenic, vv.). CB không tan trong nước, tan trong các dung môi hữu cơ (ete, benzen, dầu hoả, vv.). Thuỷ phân CB bằng kiềm sẽ thu được xà phòng. Là dung môi tốt cho nhiều vitamin. Theo nguồn gốc tự nhiên, CB được phân biệt thành CB động vật (bơ, mỡ của bò, lợn, cừu, vv.) và CB thực vật (các loại dầu: dừa, đậu tương, vừng, lạc, hướng dương, vv.). Thành phần CB động vật và thực vật khác nhau do tỉ lệ axit béo no và không no khác nhau: tỉ lệ axit béo không no trong dầu cao hơn trong mỡ. Dầu, mỡ… là nguồn thực phẩm có giá trị, cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể (một gam CB vào cơ thể được oxi hoá sinh ra 9,3 kcal) và là nguyên liệu để chế tạo xà phòng, glixerin, sơn, vv. Về dinh dưỡng, CB là nguồn axit béo cần thiết trong quá trình sinh trưởng, phát triển cơ thể. Thiếu CB trong khẩu phần sẽ làm giảm tỉ lệ hấp thụ protein, gây hiện tượng viêm loét dạ dày, đường ruột và giảm tỉ lệ mỡ trong sữa.

CHẤT GÂY UNG THƯ (y), các yếu tố lí, hoá học có khả năng sinh ra ung thư ở sinh vật. Có nhiều CGUT cho động vật (thực nghiệm) cũng như cho người có tác dụng phối hợp (đa yếu tố). Ngày nay, y học đã xác nhận có trên 500 CGUT, đáng chú ý là các chất phóng xạ (bon nguyên tử ném xuống Hirôsima và Nagaxaki đã gây ung thư máu, ung thư xương, ung thư phổi, vv.) và hoá chất (chất 3 – 4 benzopiren trong khói thuốc lá gây ung thư phổi, ung thư thận, ung thư bàng quang, vv.; chất aflatoxin trong nấm mốc ở gạo, mì và lạc gây ung thư gan; chất nitrosamin trong rau, quả ôi dễ gây ung thư đường tiêu hoá; chất đioxin có khả năng gây ung thư phần mềm, ung thư gan, ung thư hạch, vv.).

CHẤT KHÁNG SINH (sinh; tk. trụ sinh), các chất hữu cơ do vi sinh vật tạo ra và ở nồng độ rất loãng (1 – 2 mg/l nước) có tác dụng ức chế sự phát triển hoặc tiêu huỷ vi khuẩn, đôi khi cả virut, các vi sinh vật khác và một số tế bào của sinh vật đa bào. Loại kháng sinh đầu tiên (pénicilline) do Fleminh (Ph. Alexander Fleming; 1881 – 1955) tìm ra 1982. Các CKS thường dùng: pénicilline, ampicilline, érythromycine, cephalosporine, gentamicine, tétracycline, biomycine, vv. Khi dùng CKS, cần có chỉ định và theo dõi của thầy thuốc để tránh quen thuốc và tai biến. Có thể sản xuất CKS theo phương pháp công nghiệp bằng tổng hợp hoá học và tổng hợp vi sinh vật. Trong chăn nuôi, dùng CKS thêm vào thức ăn với liều lượng thấp (vài gam cho 1 tấn thức ăn) không nhằm chữa bệnh mà để kích thích sinh trưởng súc vật non, tăng tỉ lệ hấp thụ thức ăn.

CHẾ ĐỘ ĂN (y; cg. chế độ dinh dưỡng), hệ thống những quy định cần phải được tuân theo về ăn uống (số lượng, chất lượng, cách chế biến lương thực, thực phẩm và số bữa ăn trong ngày) cho một đối tượng, nhằm sử dụng hợp lí và có cơ sở khoa học về lương thực, thực phẩm cần thiết cho cuộc sống, cho sức khoẻ của đối tượng đó. Một CĐĂ đúng phẩi đảm bảo duy trì, phát triển tốt sức khỏe, khả năng hoạt động, lao động, khả năng đề kháng bệnh, khả năng sinh sản. Tuỳ theo khí hậu, tuổi, giới tính, tính chất lao động, sinh hoạt, sức khoẻ, bệnh tật mà có CĐĂ riêng cho mỗi cộng đồng, mỗi cá nhân. Có nhiều CĐĂ: CĐĂ cho trẻ sơ sinh, trẻ đang phát triển, người khoẻ mạnh, người có thai, mẹ nuôi con; CĐĂ bệnh lí (CĐĂ nhạt, giảm calo, tăng calo, hạn chế protein, tăng protein, giảm lipit, CĐĂ lỏng); CĐĂ chay, vv.

CHẾ ĐỘ ĂN BỆNH LÍ (y), chế độ ăn dành cho người ốm (x. Ăn kiêng). Mục đích: hạn chế một hay nhiều loại thức ăn, chất dinh dưỡng cho phù hợp với những rối loạn chuyển hoá do bệnh gây ra để không làm cho bệnh nặng thêm, không chuyển từ cấp tính sang mạn tính và làm tăng tác dụng của thuốc. CĐĂBL còn được dùng để cung cấp những yếu tố chữa bệnh tích cực, được gọi là chế độ ăn điều trị . Những CĐĂBL thông dụng: ăn nhạt, ăn kiêng mỡ, ăn giảm tinh bột, ăn hạn chế năng lượng, ăn chay, nhịn ăn, vv.

Y học cổ truyền Việt Nam chia bệnh thành loại “hàn”, “nhiệt”, cũng chia thức ăn thành loại “hàn”, “nhiệt” mà đề xuất những thức ăn cần phải kiêng cho từng loại bệnh và đã nêu ra gần 100 thức ăn chữa bệnh. Nhiều nhà khoa học Việt Nam đã xây dựng những chế độ ăn điều trị suy dinh dưỡng – năng lượng, ỉa chảy, tăng huyết áp.

CHẾ ĐỘ RÈN LUYỆN THÂN THỂ THEO TIÊU CHUẨN (thể thao; tên đầy đủ: chế độ rèn luyện thân thể để lao động và bảo vệ Tổ quốc), được ban hành theo Nghị định 110 – CP ngày 26.9.1962 của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Mục đích: giáo dục, cổ vũ mọi người có ý thức tự nguyện tập luyện các môn thể dục thể thao để có sức khoẻ. Đối tượng thực hiện CĐRLTTTTC: nam từ 13 đến 45 tuổi, nữ từ 13 đến 39 tuổi , chia ra 3 cấp: cấp thiếu niên, cấp 1, cấp 2 (cho nam và nữ riêng). Nội dung gồm: các yêu cầu cơ bản về kiến thức và thói quen tập luyện và các tiêu chuẩn đánh giá trình độ về sức mạnh, sức nhanh, sức doẻ dai, sự khéo léo thông qua các bài tập chạy, nhảy, ném, bơi, bắn, vv. Người thi đạt tiêu chuẩn được cấp chứng chỉ.

CHÍT HẸP BAO QUY ĐẦU (y) x. Bao quy đầu.

CHỊU THUỐC (y; cg. nhạy cảm thuốc), hiện tượng vi khuẩn chịu tác động của thuốc kháng sinh (hay hoá chất): bị thuốc tiêu diệt hoặc bị hạn chế sinh sản khi tiếp xúc với thuốc. Phân biệt: 1) CT tuyệt đối: dù với một liều lượng rất nhỏ, thuốc cũng ức chế hoàn toàn sự phát triển của vi khuẩn; 2) CT lâm sàng: vi khuẩn chỉ bị ức chế ở nồng độ thuốc nhất định thường xuyên có trong máu trong thời gian điều trị, vd. đối với vi khuẩn lao, đó là nồng độ 4 mg/ml streptomycine…(xt. Kháng thuốc).

CHOÁNG (y) x. Chấn động não; Sốc.

CHỌC KHÔ (y; tk. chọc trắng), chọc không lấy được bệnh phẩm (dù là chọc thăm dò, chọc hút hay chọc tháo). Khi phải chọc thăm dò (để xét nghiệm) hay chọc tháo (để lấy bớt hay lấy hết dịch và để điều trị) thì CK là không có kết quả, thường phải chọc lại, nếu lâm sàng và xét nghiệm X quang đã khẳng định có âm tính, vd. chọc vào vùng nghi apxe gan mà không hút ra mủ.

CHỌC SINH THIẾT (y), thủ thuật lấy bệnh phẩm trên cơ thể sống bằng cách chọc kim vào vùng tổn thương, hút một mảnh mô (kim chọc to) hay các tế bào bệnh (kim chọc nhỏ). Qua soi phiến đồ, tiêu bản trên kính hiển vi, có thể chuẩn đoán bệnh chính xác trước khi điều trị. Là kĩ thuật tốt, tương đối đơn giản, tiết kiệm, thích hợp với các cơ sở y tế thực hành.

CHỌC SỐNG THẮT LƯNG (y), thủ thuật đưa kim vào khoang dưới màng nhện lấy dịch não tuỷ để nghiên cứu nhằm mục đích chuẩn đoán, đo áp lực dịch não tuỷ. Nếu có chỉ định của lâm sàng, cùng với CSTL có thể kết hợp làm những nghiệm pháp thăm dò sự lưu thông dịch não tuỷ hoặc bơm không khí, chất cản quang để chụp tuỷ hoặc đưa thuốc vào. Trường hợp khó CSTL, người ta còn chọc ở đường dưới chẩm tay hay chọc não thất.

CHỌC THÁO (y), thủ thuật chọc bằng kim (thường là kim to) nhằm lấy bớt hoặc lấy hết dịch bệnh lí (có thể là một loại dịch trong, dịch màu vàng chanh, máu hay mủ, vd. dịch màng phổi, màng tim…) trong một bộ phận cơ thể để xét nghiệm hoặc chữa bệnh.

CHỐNG KHÁNG SINH (y, sinh), đặc tính của một số chủng vi khuẩn thuộc một loại bình thường dị cảm với một kháng sinh nào đó, nhưng nay không bị kháng sinh đó ức chế hoặc tiêu diệt. Vd. chủng Streptococcus khác vẫn dị cảm với pénicilline và bản thân chủng chống pénicilline vẫn dị cảm với streptomycine. Tính CKS thường được tạo ra do điều trị bằng kháng sinh không đủ liều, gây ra sự chọn lọc những cá thể vi khuẩn có tính chống đỡ tự nhiên. Gần đây, đã phát hiện được là tính CKS có thể truyền cho một số vi khuẩn khác (kể cả những vi khuẩn không gây bệnh) cho đến lúc đó vẫn dị cảm với kháng sinh, do việc chuyển những plasmit chứa thông tin cần thiết đủ làm mất hoạt lực của kháng sinh.

CHỐNG THỤ THAI (y) x. Thuốc tránh thai.

CHỐNG THUỐC (y) x. Kháng thuốc.

CHỤP ĐỘNG MẠCH (y), kĩ thuật dùng trong chuẩn đoán các bệnh của động mạch: bơm thuốc cản quang vào động mạch để thuốc theo dòng máu đến nơi định chụp; chụp cố định trên phim X quang hình ảnh và những biến đổi hình thái động mạch và các nhánh. Giúp chuẩn đoán phình động mạch, tắc nghẽn động mạch, chấn thương sọ não, các ổ máu tụ trong sọ (động mạch não bị u máu đẩy sang một bên), vv.

CHỤP HUỲNH QUANG (y), kĩ thuật dùng phim X quang cỡ nhỏ chụp lại hình của màn chiếu huỳnh quang, thông qua một hệ thống quang học (thấu kính, gương lõm). Mục đích: chụp hàng loạt cho một số đông người để phát hiện bệnh sơ bộ hoặc phát hiện sớm hàng loạt đối với các bệnh phổi (lao, bụi phổi, ung thư, vv.). Là kĩ thuật rất tiết kiệm, không phải chụp ngay từ đầu phim X quang cỡ lớn (30 x 40 cm) vẫn có thể đảm bảo chuẩn đoán bệnh chính xác. Các cỡ phim thông dụng hiện nay: 7 x 7 cm, 10 x 10 cm. Áp dụng thuận tiện ở các cơ sở y tế tuyến trước hoặc đội công tác lưu động.

CHỤP LẤP LÁNH (y) x. Ghi hình phóng xạ.

CHỤP X QUANG (y), phương pháp ghi hình ảnh các cơ quan, bộ phận của cơ thể lên phim X quang. Là cơ sở cho chuẩn đoán X quang. Tuỳ theo kĩ thuật chụp và lĩnh vực ứng dụng, phân biệt nhiều loại CXQ: 1) CXQ thường: không cần chuẩn bị đặc biệt cho bệnh nhân trước khi chụp hoặc đưa vào cơ thể các chất làm nổi rõ hình thể của các cơ quan cần chụp (chất khí, chất cản quang, vv.); được sử dụng để chụp tim, phổi, xương khớp… 2) CXQ có chuẩn bị: cần chuẩn bị cho bệnh nhân trước khi chụp (nội dung chuẩn bị tuỳ thuộc vào yêu cầu kĩ thuật và cơ quan định chụp) để làm nổi rõ các chi tiết cần phát hiện ; vd. tiêm thuốc cản quang khi chụp động mạch cảnh, động mạch não, vv. 3) CXQ có bơm khí: kĩ thuật CXQ sau khi bơm một chất khí (không khí thường, oxi, điôxit cacbon, vv.) vào vùng có cơ quan định chụp, tách nó khỏi các cơ quan lân cận để dễ quan sát các chi tiết, biến đổi cần thiết cho chuẩn đoán và chữa bệnh; vd. bơm khí vào màng phổi để làm rõ u màng phổi. 4) CXQ cắt lớp: kĩ thuật CXQ với hình ảnh của từng lớp khác nhau, nhằm phát hiện những thương tổn lớn (khối u, hang) khu trú ở nhiều lớp, các thương tổn nhỏ khu trú ở một lớp hay rải rác ở nhiều lớp mà CXQ thường dễ bỏ sót; được sử dụng khi CXQ các cơ quan dày hoặc đặc. 5) CXQ hàng loạt: kĩ thuật CXQ một cơ quan bằng một loạt phim liên tiếp với tốc độ nhanh (3 giây, 1 giây, 4/100 giây mỗi phim) nhằm ghi được hình ảnh về cấu trúc, chức năng và thương tổn của cơ quan đang hoạt động; thường được dùng để chuẩn đoán các bệnh tim bẩm sinh, các dị dạng của động mạch chủ, động mạch thận.

CHỬA (sinh, nông, y; tk. mang thai), giai đoạn từ khi trứng thụ tinh đến lúc đẻ ở động vật đẻ con. Ở người, C bình thường có thai trong tử cung , được đánh giá theo một số tiêu chuẩn: một thai phát triển bình thường, khi đẻ ra nặng ít nhất 2500g, thời gian C 38 – 40 tuần, không quá 42 tuần (C già tháng), không dưới 37 tuần (đẻ non) ; trong quá trình thai nghén không xảy ra bất cứ biến cố nào (thai phụ không ốm, không bị ra máu, không có cơn co tử cung đột xuất, vv.), ngôi thai thuận. Trong quá trình C, thai phụ phải tăng trọng lượng ít nhất 10 – 14 kg. Có những quá trình C bệnh lí như C trứng (x. Chửa trứng), C ngoài tử cung (x. Chửa ngoài tử cung). Ở các loài động vật khác nhau, thời gian mang thai khác nhau: ở lợn 110 – 118 ngày, trunh bình 114 ngày; trâu Việt Nam 315 – 320 ngày; trâu sữa Mura (Ấn Độ) 301 – 315 ngày; dê và cừu 146 – 161 ngày, trung bình 150 ngày; ngựa 320 – 360, ngựa 320 – 360 ngày, trung bình 336 – 340 ngày.

CHỬA GIÀ THÁNG (y) x. Chửa.

CHỬA NGOÀI TỬ CUNG (y), trứng thụ tinh không làm tổ trong buồng tử cung mà ở nơi khác ngoài tử cung. Bình thường sự thụ tinh xảy ra ở 1/3 ngoài của vòi trứng, rồi trứng di chuyển vào buồng tử cung và làm tổ ở đấy. Vì lí do nào đó, như vòi trứng di dạng, vòi trứng bị viêm nhiễm hoặc nhu động bất thường làm cho trứng không di chuyển được vào buồng tử cung như thông thường, mà làm tổ bất thường ở nơi khác ngoài tử cung như ở vòi trứng (chửa ở vòi trứng, vv.), ở trong ổ bụng và làm tổ ở những tạng mà nó bám vào, gây nên chửa trong ổ bụng, chửa ở buồng trứng, vv. Dấu hiệu CNTC: dấu hiệu chửa (chậm kinh, nôn hoặc buồn nôn, chán ăn, vv.), thỉnh thoảng có chảy ít máu nâu đen qua âm hộ, cảm giác nặng ở bụng dưới, đau râm ran, vv. Cần đi khám ngay. Nguy cơ của CNTC: thông thường là bào thai sẽ vỡ, gây chảy máu nặng bên trong ổ bụng dẫn đến tử vong. Điều trị: sau chuẩn đoán phải mổ ngay, không để bào thai vỡ vào trong ổ bụng.

CHỬA TRỨNG (y), loại bệnh của thai, phát sinh do các gai màng đệm của nhau bị thoái hoá thành các nang (túi) nước tập trung sát với nhau như chùm nho. Nguyên nhân sinh bệnh chưa rõ, nhưng bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi mang thai, thường thấy ở Châu Á và Châu Phi. Triệu chứng của người có thai, nhưng có nhiều biểu hiện khác thường: nghén nhiều, ra máu qua âm đạo kéo dài, tử cung to nhanh hơn so với thời gian mang thai. Hướng xử trí: cho sẩy thai, nong rộng cổ tử cung, nạo hút hết trứng và nhau. Vì có 15% trường hợp CT trở thành ung thư nên sau khi nạo thai, người bị CT phải được theo dõi nhiều lần ở bệnh viện theo quy định để phát hiện sớm các dấu hiệu của ung thư nhau.

CHỮA BỆNH (y), môn y học nghiên cứu các phương pháp chữa trị khỏi bệnh hoặc làm giảm bớt đau đớn, khó chịu cho người bệnh. Có nhiều phương pháp CB: chữa bằng thuốc, bằng ăn uống, bằng tâm lý, vật lý, châm cứu, nước khoáng, bùn khoáng, lao động, thể dục, vv. Y học cổ truyền dân gian giữ một vị trí quan trọng cùng với y học hiện đại trong CB, đặc biệt các bệnh mạn tính, cho các đối tượng người cao tuổi, trẻ em, vv.

CHỮA RĂNG (y), chuyên khoa của nha khoa, có nhiệm vụ phục hồi các mô cứng của răng (men, ngà răng) bị tổn thương (do sâu răng, chấn thương, rối loạn chức năng nhai) và phục hồi thẩm mĩ của hàm răng.

CHỨNG UỐNG NHIỀU (y), uống nước nhiều hơn bình thường, có khi tới 5 – 10 lít nước hoặc hơn trong một ngày đêm, thường đi đôi với chứng đái nhiều. Gặp trong bệnh đái tháo đường, đái tháo nhạt; CUN do thói quen hoặc do nguyên nhân tâm thần. Xác định CUN bằng cách đo lượng nước uống vào trong 24 giờ, trong điều kiện sinh hoạt bình thường.

CHỨNG ƯA CHẢY MÁU (y), chứng chảy máu có tính di truyền do thiếu yếu tố đông máu kháng ưa chảy máu, hoặc làm cho máu chậm đông. Biểu hiện: chảy máu một cách tự nhiên sau chấn thương, thường chảy máu dưới da, trong cơ, trong khớp; đái máu; thời gian đông máu kéo dài. Điều trị bằng cách đưa yếu tố đông máu vào cơ thể (truyền huyết tương tươi, huyết tương ngưng kết lạnh, huyết tương chống ưa chảy máu) hoặc truyền máu tươi trong trường hợp có thiếu máu kèm theo.

CHỨNG XANH TÍM (y), hiện tượng da và niêm mạc đổi sang màu sang tím (xanh lam) khi nồng độ hemoglobin khử trong máu mao mạch lớn hơn hoặc bằng 5g/100 ml máu. Xanh tím có nguồn gốc ngoại vi do máu tĩnh mạch bị khử oxi quá nhiều, máu lưu chuyển chậm (trong trường hợp suy tim) làm cho các mô hút được oxi của máu nhiều hơn bình thường. Xanh tím có nguồn gốc trung tâm do máu động mạch khi khử oxi quá nhiều (trong bệnh phế quản – phổi gây khó khăn trao đổi oxi ở phổi). Xanh tím do tuần hoàn máu bất thường làm cho máu tĩnh mạch trộn với máu động mạch trong các bệnh tim bẩm sinh, vd. tứ chứng Falô (Fallot). Xanh tím do nhiễm độc (vd. cacbon oxit) tạo nên trong máu một loại hemoglobin bất thường (methemoglobin).

CHỨNG XANH TÍM ĐẦU CHI (y), hiện tượng xanh tím xuất hiện thường xuyên ở bàn tay, bàn chân (hiếm gặp ở tai, mũi, gò má), với biểu hiện: da bị ngấm phù, nhiệt độ tại chỗ thường thấp hơn bình thường, tăng tiết mồ hôi. Nguyên nhân: rối loạn nội tiết, giao cảm làm co thắt các mao mạch; viêm tắc mạch; bệnh nghề nghiệp (nhiễm độc chì, asen, vv.); bệnh máu; bệnh tim. CXTĐC tăng khi thời tiết lạnh và ẩm; hay gặp ở thiếu nữ; không nguy hiểm và có tiên lượng không đáng ngại. Điều trị theo nguyên nhân, kết hợp với các biện pháp hỗ trợ (tăng cường vận động, tập thể dục, xoa bóp đầu chi và vùng bị xanh tím, áp dụng chế độ nghỉ ngơi tích cực, vv.)

CHƯỜM NÓNG (y), phương pháp chữa bệnh dùng nhiệt chữa bệnh trực tiếp lên vùng đau hay vùng chiếu ngoài da của nội tạng bị đau. Các biện động vật lí, tuần hoàn, thần kinh, vv. do nhiệt gây ra làm đỡ hoặc khỏi đau. CN được dùng trong các trường hợp: cơn đau dạ dày, đau bụng vùng dưới rốn chưa rõ nguyên nhân, vùng da sưng tấy nghi mưng mủ do khi tiêm bị nhiễm khuẩn, vv. Là phương pháp đơn giản, nhiều khi có hiệu quả. Về nguồn nhiệt, có thể dùng túi chườm cao su, bình chườm bằng thuỷ tinh hay sứ, gốm, có nút thật kín đựng nước nóng; muối rang bọc vải; ngải cứu sao nóng; hòn gạch nung; hoặc các thiết bị điện. Cần chú ý lót vải hay chăn bông giữa vật chườm và da bệnh nhân để tránh bỏng.

CO CƠ (y; tk. co giật cơ), những cơn co giật đột ngột thành từng đợt, không phụ thuộc vào ý muốn, không hệ thống. Có thể thấy ở từng cơ hoặc từng nhóm cơ. Tật CC có thể gặp ở một số người (như máy môi, nháy mắt, giật vai, vv.), thường do bẩm sinh. CC có thể là triệu chứng của động kinh, ngộ độc thần kinh và một số bệnh thần kinh khác; cũng có thể hoàn toàn không có ý nghĩa bệnh lí, như co giật cơ lúc ngủ.

CO CỨNG (y), hội chứng mà đặc điểm là CC không chủ động được của một số cơ hay toàn bộ hệ cơ, lặp đi lặp lại thành từng cơn. Điển hình của CC thấy trong bệnh uốn ván. CC thường do biến loạn chức năng tuyến cận giáp, cũng có thể do mất cân bằng dinh dưỡng (thiếu canxi, thiếu magie trong máu), ngộ độc strychnine, do các bệnh thần kinh, chấn thương, viêm các tạng (viêm ruột thừa, thủng dạ dày).

CO GIẬT (y), co đột ngột không cố ý tạo nên những động tác khu trú ở một hoặc nhiều nhóm cơ hay lan tràn ra toàn thân. Tuỳ theo thời gian, chia ra hai loại: CG cứng – co kéo dài tạo nên một trạng thái cứng liên tục, thỉnh thoảng có các cơn co giật ngắt quãng; CG rung – nhiều động tác co cứng nhanh và nối tiếp nhau một cách liên tục với biên độ rộng. Nguyên nhân: thương tổn não – màng não (chảy máu, u, apxe não, vv.), thương tổn tuỷ sống, giảm oxi – máu trong cơn ngất, ngộ độc (strychnine, mã tiền), cảm nặng, sốt cao (nhất là vào mùa hè), tâm lí cảm xúc, istêri, di chứng chấn thương, vv. Ở trẻ em, CG thường lan ra toàn thân và là một phản ứng đối với bất cứ một sự kích thích nào, có thể do một thể địa CG sẵn có ở nhiều giai đoạn phát triển của trẻ em (dưới 2 tuổi, tuổi dậy thì…). Điều trị theo nguyên nhân: tạm thời lúc xảy ra CG, để người bệnh nằm, đầu hơi cao, nghiêng về một bên để đờm dãi dễ chảy ra, cởi, nới lỏng quần áo; nếu sốt chờm nước đá, dùng thuốc hạ nhiệt; thuốc an thần nhẹ.

CO MẠCH (sinh), hiện tượng co hẹp các mạch máu nhỏ do cơ trơn co trong thành mạch. Xảy ra khi huyết áp giảm, nhiệt độ bên ngoài thấp hoặc bị đau do kích thích các sợi dây thần kinh CM hoặc tiết ađrenalin (x. Dây thần kinh vận mạch)

CO THẮT ĐỘNG MẠCH VÀNH (y), tình trạng bệnh lí xảy ra ở người có các thương tổn xơ – cứng hay xơ vữa động mạch vành và suy động mạch vành, do một cơn co thắt mạch làm thu hẹp một phần lòng của một hay nhiều nhánh động mạch vành, làm suy giảm sự lưu thông máu và cung cấp oxi cho vùng cơ tim ở phía dưới. Biểu hiện lâm sàng: cơn đau thắt ngực (x. Cơn đau thắt ngực). Nếu nhẹ: nghỉ và dùng thuốc kịp thời, cơn đau dịu dần và biến mất do nhu cầu oxi giảm và trở lại mức bình thường. Nếu nặng, kéo dài liên tục quá 15 phút, có khả năng gây nhồi máu cơ tim (x. Nhồi máu cơ tim). Nguyên nhân: nghiện hút thuốc lá, tăng huyết áp, tăng colesteron máu, tăng triglixerit máu, đái tháo đường, các cảm xúc mạnh gây chấn động tâm lí, tinh thần, sự cố sức làm tăng nhu cầu oxi của cơ tim (đi bộ nhanh ngoài trời lạnh), đợt lao động nặng, chơi thể thao quá sức, vv. Điều trị: nghỉ ngơi yên tĩnh; dùng ngay một viên thuốc loại nitroglixerin có tác dụng nhanh; tiếp tục điều trị theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Theo y học cổ truyền, CTĐNV thuộc phạm vi chứng hung thống và tâm thống. Thường chia ra các thể sau: 1) Thể khí trệ huyết ứ: ngực tâm đau như bị đâm, thở hụt hơi, tâm phiền, mạch huyền. 2) Thể khí dương ở trong ngực bị bế tắc: tâm thống, thở hụt hơi, ngực như bị nghẽn, nặng thì đau từ tim xuyên sang lưng hoặc từ lưng xuyên vào tim. 3) Thể khí âm lưỡng hư: tâm thống, thở hụt hơi, tim đập, vã mồ hôi, mạch kết đại hoặc vô lực. 4) Thể dương khí hư tổn: tâm thống, thở hụt hơi, tim đập, vã mồ hôi, người lạnh, ỉa lỏng, mạch trầm vô lực hoặc kết đại. 5) Thể dương hư muốn thoát: tâm thống, thở hụt hơi, vã mồ hôi, chân tay lạnh, mặt bệch, có thể hôn mê, mạch trầm tế vô lực hoặc kết đại.

Khi có tâm thống, có thể dùng châm cứu: châm loa tai (vùng tim, vùng giao cảm), châm ở thân thể [huyệt Nội quan, Thông lí, Tâm du, Quyết âm du, A thị (tại vùng mỏm tim ở ngực)].

CO THẮT MẠCH (y), tình trạng bệnh lí do co thắt các cơ trơn thành mạch, làm thuhẹp đột ngột lòng của mạch máu (thường là động mạch thuộc hệ đại tuần hoàn), tạo nên sự thiếu máu cục bộ tại vùng cơ thể ở dưới chỗ máu bị tắc. Nguyên nhân: do lạnh, phản ứng thần kinh đối với một sự kích thích (như trong thủ thuật thông các mạch máu, thông tim, vv. lúc bệnh nhân không được chuẩn bị kĩ); do thuốc, vv. Các dấu hiệu lâm sàng, diễn biến của bệnh phụ thuộc vào chỗ mạch máu bị co thắt, vào tình hình sức khoẻ của bệnh nhân (tăng huyết áp, vữa xơ động mạch, tăng colesteron máu…) vào cơ quan được động mạch cung cấp máu, vv.

CO THẮT TÂM VỊ (y), co thắt lỗ trên của dạ dày, tiếp nối với thực quản do các lớp cơ trơn hình vòng tròn của thành tâm vị co thắt liên tục gây ra, làm cho thức ăn bị ứ đọng một phẩn trong thực quản, lâu dần dẫn đến phình thực quản hay dãn thực quản. Các triệu chứng chính: nuốt nghẹn, đau vùng sau xương ức, nôn (ói) ra thức ăn cũ (từ chiều hôm trước), sau nôn thì các triệu chứng giảm đi. Bệnh diễn biến chậm và kéo dài hằng năm. Điều trị nội khoa ít có kết quả. Điều trị phẫu thuật: rạch các lớp cơ quanh tâm vị theo chiều dọc tới niêm mạc, sau đó vá vào đó một mảnh cơ hoành có chân nuôi. Kết quả thường tốt.

CƠ QUAN CẢM GIÁC (sinh), một hay một số tế bào cảm giác (thụ quan) và cấu trúc tương ứng trong cơ thể động vật, có khả năng trả lời các kích thích từ trong hay ngoài cơ thể. Các kích thích được chuyển thành xung động điện và được truyền về não để phân tích và trả lời. Một giác quan chỉ có thể trả lời cho một loại kích thích nhất định. Có nhiều loại CQCG khác nhau: sờ, nghe, nhìn, ngửi, áp suất, vv.; có thể ở khắp cơ thể, cũng có thể được tập trung vào các khu nhất định, vd. chồi vị giác ở lưỡi (x. Tai; Mắt).

CƠ QUAN THỤ CẢM (sinh), tế bào hoặc cơ quan chuyên hoá tiếp nhận hoặc phản ứng với những kích thích từ bên trong hoặc bên ngoài cơ thể. Vd. mắt là CQTC ánh sáng; tai là CQTC âm thanh; mũi là CQTC mùi và lưỡi là CQTC vị.

CƠ THỂ HỌC (sinh; tk. giải phẫu học) 1) Khoa học nghiên cứu cấu trúc cơ thể sinh vật bằng phương pháp giải phẫu. 2) Tổ chức các phần của cơ thể và mối quan hệ về mặt cấu trúc giữ chúng.

CƠ THỂ HỌC MĨ THUẬT (mĩ thuật; cg. giải phẫu mĩ thuật; Ph. Anatomique artisque), môn học nghiên cứu cấu trúc cơ thể con người hoặc loài vật với mục đích áp dụng vào nghệ thuật tạo hình để vẽ hoặ nặn tượng cho chính xác. Môn CTHMT chỉ chú trọng về tỉ lệ cấu trúc cơ học ngoại hình, cơ chế hoạt động của xương, cơ bắp, chứ không đi sâu vào chi tiết và toàn diện như giải phẫu y học. Môn CTHMT là cơ sở cho sự sáng tạo nên hình tượng nghệ thuật.

CƠ VẬN NHÃN (y, sinh), sáu cơ ở trong hốc mắt với một đầu dính vào hốc mắt, đầu kia dính vào nhãn cầu và có chức năng đưa mắt theo những hướng khác nhau. Có nhiều loại CVN: cơ thẳng trên, cơ thẳng dưới, cơ chéo bẻ, vv. Các thương tổn của các nhóm CVN sẽ gây rối loạn vận động của nhãn cầu hay các tật của mắt (vd. lác).

CƠN (y), một hiện tượng bệnh lí xuất hiện một cách đột ngột, mạnh mẽ, trong một thời gian ngắn và có thể tái diễn theo chu kì. Vd. C sốt, C hen, C động kinh, C đau tim, vv.

CƠN ĐAU QUẶN (y) x. Đau quặn.

CƠN ĐAU QUẶN GAN (y), cơn đau xuất hiện ở vùng dưới sườn phải, do túi mật co bóp từng cơn để đẩy sỏi di chuyển vào trong ống mật hoặc do sỏi mật, dị vật di chuyển trong ống mật, hay gây tắc ống mật. Thường kèm các triệu chứng như vàng da, sốt.

CƠN ĐAU QUẶN THẬN (y), cơn đau dữ dội ở vùng thắt lưng, lan toả về phía bàng quang và đùi, do viên sỏi hoặc ngoại vật di chuyển từ bệ thận qua niệu quản đến bàng quang. Có kèm rối loạn tiêu hoá (nôn) và cảm giác buốt mót bàng quang.

CƠN ĐAU THẮT NGỰC (y), cơn đau thắt đột ngột, dữ dội sâu trong lồng ngực ở vùng tim và sau xương ức, có thể lan toả ra cánh tay trái, kèm theo một trạng thái kinh hoàng với cảm giác như sắp chết. Xảy ra sau khi gắng sức, ăn no, trong khi ngủ hoặc nhiễm lạnh. Hay tái phát. Nguyên nhân: thiếu máu cơ tim do động mạch vành tim bị co thắt đột ngột, trong các trường hợp căng thẳng quá mức về tâm thần, tình cảm; quá mệt mỏi, lao động quá căng thẳng, ăn no, vv. tạo nên một sự rối loạn chức năng của hệ thần kinh điều khiển việc tiếp tế máu nuôi cơ tim. CĐTN hay xảy ra ở người bị vữa xơ động mạch, viêm mạch vành tim, vv. CĐTN biến đi nhanh khi sự nuôi dưỡng cơ tim được hồi phục lại kịp thời bằng thuốc giãn mạch vành (nitroglycérine, papavérine, validol, amylnitrine, vv.) và các thuốc an thần.

CƠN KỊCH PHÁT (y),thời điểm phát triển của một bệnh (cấp tính, mạn tính) hay một trạng thái bệnh lí, trong đó các dấu hiêu vượng (tăng) lên đến cường độ cao nhất (đau, sốt, nhức đầu, vv.); biểu hiện một biến chuyển cấp tính của bệnh: viêm phế quản cấp ở một bệnh nhân đã bị viêm phế quản mạn tính từ trước, cơn suy tim kịch phát.

CƠN SỐT (y), cơn tăng thân nhiệt trên 37,50C kèm theo các triệu chứng: nhức đầu, gai rét, mạch nhanh, thở nhanh, đái ít, khô miệng, buồn nôn, vv. Kéo dài hàng chục phút đến vài giờ. CS thường báo hiệu một bệnh cấp tính; có thể tái diễn theo một chu kì nhất định trong một số bệnh, vd. trong bệnh sốt rét, CS gồm các đặc thù: rét run, sốt cao, nhức đầu, đau người, vã mồ hôi, có thể ngày nào cũng sốt (sốt hằng ngày) hoặc cách một ngày (sốt cách nhật), cách hai ngày, tuỳ theo loại kí sinh trùng sốt rét gây bệnh. Sốt là một triệu chứng cho rất nhiều bệnh, do những nguyên nhân khác nhau và có các cách điều trị khác nhau. Trước một CS, điều quan trọng là tìm cho ra nguyên nhân bệnh bằng khám lâm sàng tỉ mỉ, toàn diện; làm các xét nghiệm cần thiết, vd. ở những vùng có sốt rét lưu hành, phải làm ngay một phiến kính máu để tìm kí sinh vật sốt rét, lấy máu thử trong ba ngày liền, vv. Nếu CS quá cao, bệnh nhân vật vã thì mới cho tạm các thuốc hạ sốt, thuốc an thần, vv. theo dõi sát bệnh nhân các ngày sau để cố tìm ra nguyên nhân của bệnh.

CƠN TIM NHANH KỊCH PHÁT (y), nhịp tim nhanh quá 140 lần/phút (tới 180 – 200 lần hoặc hơn) nhưng vẫn đều. CTNKP bắt đầu và chấm dứt đột ngột, kéo dài trong vài phút, hoặc có thể trong vài giờ. Có: CTNKP không rõ nguyên nhân, xảy ra trên tim có vẻ bình thường và không nguy hiểm; CTNKP do bệnh tim (nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạn tính ở giai đoạn cuối) và có tiên lượng xấu. Cần theo dõi kĩ và theo đúng chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.

CƠN VẮNG (y), mất ý thức trong khoảng thời gian ngắn, có thể vài giây, vài phần giây, do quá mệt hoặc nhiễm độc. Người bệnh đang làm việc gì, bỗng nhiên lặng người đi hoặc đang làm một hành động gì thì đờ ra trong tư thế cử động, đánh rơi các đồ vật cầm trong tay, nét mặt trở nên thẫn thờ. Hết cơn, người bệnh lại có thể tiếp tục công việc đang bỏ dở. Bệnh nhân thông thường không nhớ gì về CV. CV là một thể của động kinh nhỏ.

CƠSINH H.U. (y; A. Harvey Williams Cushing; 1869 – 1939), phẫu thuật viên chuyên ngành thần kinh, người Hoa Kì. Mô tả hội chứng lâm sàng gồm các dấu hiệu: tăng huyết áp, béo phị khu trú ở mặt, cổ và thân mình, rậm râu, teo cơ, suy nhược cơ thể, loãng xương; thiểu năng tình dục; xảy ra ở phụ nữ còn trẻ tuổi; tử vong sau 2 – 10 năm. Mô tả bệnh C: là một bệnh thần kinh – tuyến yên; u tuyến ưa bazơ của tuyến yên thường kèm theo tăng sản tuyến yên hai bên.

CUỒNG DÂM (y), chứng loạn dục: tăng ham muốn tình dục thường xuyên và quá mức (có tính chất bệnh lí tâm thần), người bệnh thường tự kích thích các bộ phận sinh dục của mình. Trong tâm thần học còn gọi chứng tăng dục.

CƯỜNG TUYẾN GIÁP (y; tk. tăng năng tuyến giáp), tình trạng chức năng tuyến giáp tăng quá mức bình thường, gặp trong bệnh Bazơđô, bướu giáp độc nhiều nhân, bệnh u tuyến giáp độc, u tuyến yên (tiết hocmon hướng giáp). Nguyên nhân: các tế bào của tuyến giáp tăng sinh, hoạt động mạnh, chế tiết vào máu nhiều hocmon giáp (thyroxine, triiodo – thyroxine). Triệu chứng thường có: tuyến giáp to ra toàn bộ (bướu lan toả) hoặc một phần (bướu nhân); mạch nhanh, tim đập nhanh, hồi hộp, gầy, tay run, cảm giác nóng trong cơ thể, cơn bốc hoả lên đầu, bồn chồn, dễ cáu gắt, mất ngủ, rụng tóc, nhiều mồ hôi (mồ hôi tay, chân, vv.), rối loạn kinh nguyệt ở bệnh nhân nữ. Trong bệnh Bazơđô, thường có thêm triệu chứng mắt lồi và sáng, chuyển hoá cơ bản tăng (trên 20%). Điều trị theo nguyên nhân: điều trị bằng các thuốc kháng giáp và thuốc an thần; điều trị ngoại khoa (mổ) khi có chỉ định; iot đồng vị phóng xạ (131I) được sử dụng rộng rãi để chuẩn đoán và điều trị.

CỨT SU (y), phân của trẻ sơ sinh, bài tiết trong 2 – 3 ngày sau khi đẻ . CS có màu xanh hoặc nâu sẫm, đặc quánh, không mùi. Thành phần: chủ yếu là mật (có màu xanh), các chất tiết của ruột già, các tế bào biểu bì và lông tơ bong ra mà thai nhi nuốt vào khi còn trong bụng mẹ. Giai đoạn đầu, CS không có vi khuẩn. Bài tiết CS là hiện tượng bình thường ở trẻ sơ sinh trong 2 – 3 ngày đầu. Trong trường hợp trẻ không bài tiết CS, cần theo dõi và khám để phát hiện tắc ruột do CS.