Từ điển Y học Việt Nam – Mục D
DA ĐỒI MỒI NGƯỜI GIÀ (y; tk. da mồi), những vết màu hạt dẻ tương đối sẫm, có kích thước to nhỏ không nhất định, tập trung chủ yếu ở mu bàn tay, cẳng tay, mặt và ở da đầu người hói. Là biểu hiện thường gặp của lão hoá biểu bì, chủ yếu là thoái hoá chất mỡ ở da. Không có ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ.
DA HOÁ SỪNG (y), x. Dày sừng.
DA KHÔ (y), x. Da cá.
DA SẠM (y), x. Bệnh sạm da nhiễm độc.
DẠ CON (sinh, y), phần phình ra ở cuối ống dẫn trứng, giống hình quả lê của cơ quan sinh sản cái ở người và động vật, là nơi cư trú của trứng ở các loài động vật đẻ trứng (bò sát, chim) hoặc phôi của động vật có vú (voi, khỉ, hươu, gia súc, vv.). Trong động vật có vú, DC chỉ có ở loài đẻ con. DC là một khối cơ trơn dày, khoẻ, có lớp phúc mạc bọc ngoài và lớp niêm mạc bên trong, phần trên thông với hai vòi DC dẫn đến ống dẫn trứng, phần dưới thông với ống hẹp cổ DC và âm hộ. Lớp niêm mạc thành DC có lớp biểu mô hình trụ, có nhiều lông rung, nhờ đó mà trứng và các chất bài tiết khác được dễ dàng đầy. Bào thai phát triển trong DC, nhận các chất dinh dưỡng và oxi từ cơ thể mẹ qua nhau thai. Ở người, màng bao phủ mặt trong thân tử cung (buồng tử cung) luôn luôn thay đổi hình thái do tác động của các hocmon buồng trứng trong một chu kì kinh nguyệt.
DẠ DÀY (sinh, y, nông), phần ống tiêu hoá nằm giữa thực quản và tá tràng ở động vật có xương sống. Là túi lớn, thành cơ dày, hai đầu thắt lại bằng hai cơ vòng, nơi nhận và chứa thức ăn trong những khoảng thời gian nhất định, tránh cho động vật không ăn liên tục. DD co bắp xáo trộn thức ăn, thấm axit clohiđric do DD tiết ra, thức ăn protein được tiêu hoá một phần dưới tác động của dịch vị. Thức ăn đã biến thành dưỡng trấp bán lỏng, sẽ được chuuyển dần xuống ruột non qua môn vị. Mặt trong DD được lót bằng màng nhày hình ống tiết ra axit clohiđric, các tế bào đặc biệt tiết enzim pepsin, renin và tế bào tiết nhày. Có các loại: 1) DD đơn, DD một túi ở lợn, thỏ, ngựa, vv. 2) DD kép: DD có bốn túi (dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách, dạ múi khế) ở động vật nhai lại. 3) DD tuyến: phần nằm giữa diều (diều gà) và DD, có chức năng giống như DD ở động vật có vú. Thành DD tuyến tương đối mỏng, có các tuyến tiết enzim pepsin và axit clohiđric. 4) DD cơ (mề) nối tiếp DD tuyến, có thành rất dày, cơ trơn rất khoẻ, màu đỏ lẫn ánh xanh. Mặt trong có nhiều lớp nhăn và có màng lót sừng dày màu vàng, trong các lớp nhăn có cát, sỏi. Nhờ dịch vị thấm vào thức ăn rắn và co bóp của cơ, thức ăn được nghiền nhuyễn trước khi chuyển xuống ruột. DD cơ nằm giữa và phía sau thuỳ gan. DD tuyến và DD cơ gặp ở chim.
Ở người, DD là đoạn của ống tiêu hoá, tiếp theo thực quản, bắt đầu từ dưới cơ hoành, hình chữ J, di động; đầu trên là tâm vị nối với hành tá tràng; từ trái sang phải là hai bờ cong lớn và nhỏ; từ trên xuống dưới là thân vị và hang vị; dung tích 0,5 – 1 lít. Từ ngoài vào trong, thành DD gồm 4 lớp: lớp phúc mạc, lớp cơ, lớp dưới niêm mạc và lớp niêm mạc. Quá trình hoạt động cơ học, tiết dịch, quá trình tiêu hoá của DD chịu sự chỉ huy của thần kinh trung ương, tác động của dây thần kinh X (thứ mười) hệ giao cảm. Các bệnh thường hay gặp: viêm, loét, ung thư, vv. (xt. Ống tiêu hoá).
DẦU CÁ (nông, y), chất béo được chiết từ cơ thể một số loài cá (nhám, mú, bơn), thú biển (cá voi, cá heo, cá nhà táng, chó biển), nội tạng mực ống và các dư liệu trong sản xuất cá hộp. DC là một hỗn hợp chứa khoảng 85% axit béo chưa no, các axit béo no, glixerin và vitamin A, D. Được chia theo chất lượng: DC dược phẩm (vd. dầu gan cá), DC công nghịêp, DC chăn nuôi. DC dược phẩm dùng để chữa các chứng viêm, khô nứt, quáng gà, , còi xương, suy nhược cơ thể (x. Dầu gan cá). DC thực phẩm là dầu cá đã được tinh chế, khử mùi, có thể dùng chế bơ. DC công nghiệp là DC tinh chế được hiđro hoá làm nguyên liệu cho công nghiệp mĩ phẩm, sản xuất glixerin, xà phòng, nến, vv. DC có đặc điểm ở 15 – 200C vẫn lỏng, dễ bị oxi hoá làm biến mùi, tạo thành toxisterol độc. Cần bảo quản trong kho tối và mát, đựng trong lọ kín, sẫm màu.
DẦU GAN CÁ (nông, y), dầu chiết xuất từ gan và nội tạng một số loài cá (tuyết, nhám, thu), loài thú biển (cá voi, cá heo) chứa nhiều vitamin A và D hoà tan. Mỗi mililit DGC trung bình có 200 – 500 đơn vị quốc tế (UI) vitamin A và 80 – 100 UI vitamin D; được dùng để chữa các chứng bệnh còi xương, khô giác mạc, thiếu vitamin A – D và bổ sung vitamin A, D cho thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Việt Nam đã sản xuất DGC dạng lỏng và viên bọc gelatin từ nguyên liệu chủ yếu là gan cá nhám.
DẦU GIUN (nông, sinh, y) x. Cây dầu giun.
DÂY RỐN (y), dây nối thai nhi với bánh nhau trong đó có hai động mạch và một tĩnh mạch rốn, đảm bảo sự trao đổi giữa máu của mẹ và con. Sau khi đẻ và DR được cắt, con tách khỏi mẹ. Cuống còn lại dính vào rốn con, sẽ rụng vài ngày sau (từ ngày thứ 3), để lại sẹo là lỗ rốn. Cắt DR phải dùng kéo hay dao sạch, được tiết khuẩn kĩ; buộc dây nhau với chỉ đã được khử khuẩn. Dùng kéo, dao bẩn, que nứa, mảnh sành, vv. để cắt DR sẽ gây nhiễm khuẩn rốn và bệnh uốn ván sơ sinh với tỉ lệ tử vong rất cao. Uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh là khuyết điểm nặng của người đỡ đẻ. Trong một số trường hợp bất thường (ngôi mông, ngôi ngang, đa ối, đẻ nhiều lần, DR quá dài, vv.), DR có thể lọt ra ngoài âm hộ trước thai nhi. Sa DR là một biến chứng nặng, làm chết thai nhi rất nhanh (khoảng 10 phút), cần can thiệp kịp thời để cứu con và có thể cứu cả mẹ.
DÂY THANH (ngôn ngữ), hai giải cơ ở thanh quản có thể khép, mở và rung động khi luồng hơi đi qua để tạo ra các loại âm khác nhau.
DÂY THANH ÂM (sinh), đôi nếp gấp của màng nhày căng qua thanh môn của thanh quản. Không khí đi từ phổi ra làm DTÂ rung động, phát ra tiếng nói. Nhờ co rút của thanh quản làm cho DTÂ căng hay chùng mà độ cao của âm thanh thay đổi (x. Thanh quản; Minh quản).
DÂY THẦN KINH (sinh), dây nối liền một trung tâm thần kinh tới một phủ tạng của cơ thể, gồm có các sợi thần kinh góp lại thành bó, ở giữa các mô xơ – mô liên kết. Các DTK bao gồm: các DTK sọ não, các DTK tuỷ sống, các DTK sinh dưỡng (phó giao cảm và giao cảm). Tuỳ theo tác dụng sinh lí, DTK có thể là dây cảm giác hay giác quan, dây vận động, dây bài tiết. DTK ngoại vi thường là DTK hỗn hợp.
DÂY THẦN KINH LƯỠI HẦU (sinh; tk. dây thần kinh sọ IX), đôi dây thần kinh xuất phát từ vùng giữa mặt bụng của hành tuỷ ở động vật có xương sống, đi tới phần sau xoang miệng kể cả lưỡi, chủ yếu mang các sợi thần kinh cảm giác (x. Dây thần kinh sọ).
DÂY THẦN KINH PHẾ VỊ (sinh; tk. dây thần kinh sọ X), đôi dây xuất phát từ mặt dưới hành tuỷ ở não động vật có xương sống rồi toả vào cơ thể tới các nội quan quan trọng. Là dây chính của hệ thần kinh phó giao cảm mang các sợi thần kinh vận động tới tim, phổi, dạ dày, ruột, gan, thận, vv. và chứa các sợi thần kinh cảm giác chạy từ nội tạng tới não (x. Dây thần kinh sọ)
DÂY THẦN KINH PHỤ (sinh; dây thần kinh sọ XI), dây thần kinh xuất phát từ vùng sau mặt bụng của hành tuỷ ở não động vật có xương sống, mang các dây thần kinh vận động và hoà với thần kinh phế vị nằm sát nó. Ở cá và lưỡng thê, DTKP được xem như một phần chung của dây thần kinh phế vị (x. Dây thần kinh sọ)
DÂY THẦN KINH SỌ (sinh), các đôi dây thần kinh xuất phát trực tiếp từ não của động vật có xương sống, đi tới các cơ quan cảm giác và cơ ở phần đầu, nhưng cũng có một số dây như phế vị đi tới một số phần khác của cơ thể. Ở người và động vật có vú, gồm 12 đôi DTKS: khứu giác (I), thị giác (II), vận nhãn chung (III), ròng rọc (IV), tam khoa (V), vận nhãn cầu ngoài (VI), mặt (VII), thính giác (VIII), lưỡi hầu (IX), phế vị (X), thần kinh phụ (XI), dưới hầu (XII).
DÂY THẦN KINH TUỶ SỐNG (sinh), các đôi dây thần kinh xuất phát dọc theo chiều dài tuỷ sống, cách nhau những khoảng nhất định theo từng đốt sống. Mỗi giây nối với tuỷ sống bằng hai rể thần kinh. Rễ sau gồm các sợi dây thần kinh cảm giác, mang một hạch do thân các tế bào cảm giác tạo nên. Rễ trước gồm các dây thần kinh vận động. Ra khỏi tuỷ sống một đoạn ngắn, hai rễ nhập lại thành thân thần kinh., sau đó chia thành các thân nhỏ hơn tới da, cơ và các nội quan ở các vùng của cơ thể. Các thân thần kinh ở vùng chi liên kết lại tạo thành các đám rối thần kinh.
DÂY THẦN KINH VẬN MẠCH (sinh; tk. dây thần kinh sinh dưỡng), các sợi thần kinh của hệ thần kinh sinh dưỡng, điều khiển độ co giãn các mạch máu. truyền các xung thần kinh từ trung khu vận mạch trong hành tuỷ tới các cơ trơn trong thành mạch máu làm nó co lại (sợi thần kinh co mạch) hoặc giãn ra (sợi thần kinh giãn mạch).
DẬY THÌ (giáo dục, y), toàn bộ những thay đổi xảy ra ở người con gái khi bắt đầu có kinh (x. Kinh nguyệt), ở con trai khi các tinh hoàn sản xuất ra tinh trùng; do các hoạt động nội tiết liên quan đến sự hoàn chỉnh quá trình sinh dục phát triển. Có 2 giai đoạn: 1) Trước DT, kéo dài 1 – 2 năm, với dấu hiệu tăng trưởng nhanh về chiều cao. 2) DT chính thức, ở con gái khoảng 13 – 14 tuổi, với dấu hiệu xuất kinh nguyệt lần đầu tiên; con trai chậm hơn 1 – 2 năm, với sự xuất tinh lần đầu vào ban đêm (mộng tinh). Giai đoạn này kéo dài 2 –3 năm. Ngoài các dấu hiệu trên còn xuất hiện các dấu hiệu sinh dục phụ như: con trai mọc ria, vỡ tiếng; con gái tuyến vú phát triển, tiếng nói thanh và dịu dàng hơn. Tính tình thay đổi, dễ xúc động, cả thẹn, hay mơ mộng, vv. mất cân bằng tâm lí tạm thời. DT sớm là DT xảy ra trước 10 tuổi. Tất cả các trường hợp DT sớm đều cần được khám tìm nguyên nhân (có thể có khối u liên quan đến nội tiết). DT muộn là DT xảy ra sau 18 tuổi. Các gia đình cần đặc biệt chú ý đến việc giáo dục con cái lúc bước vào tuổi DT, đây là một bước ngoặt trên con đường phát triển của con người.
DỄ ÁM THỊ (giáo dục), dễ chịu ảnh hưởng của người khác, dễ làm theo những chỉ dẫn, khuyên bảo của họ dù trái với chủ kiến, ý thích, thậm chí trái với lợi ích của mình. Người DAT thường dễ bắt chước, dễ bị lây những tâm trạng, thói quen của người khác. Tính DAT thường có ở trẻ nhỏ, hoặc ở người lớn lúc mệt nhọc, hoang mang, dao động hay bị tổn thương thần kinh, tâm thần.
DI TRUYỀN HỌC (sinh), khoa học về các quy luật di truyền và biến dị của sinh vật và các phương pháp điều khiển chúng. Người đặt nền móng cho DTH hiện đại là Menđen với sự phát hiện tính di truyền không liên tục khi nghiên cứu lai tạo các giống đậu khác nhau (1863) và Mogân với thuyết nhiễm sắc thể của tính di truyền (1910). Trong những năm 50 – 70 thế kỉ 20, với sự phát triển DTH phân tử, người ta đã thu nhận được các dẫn liệu về bản chất hoá học và vị trí cấu trúc của gen, cho phép xây dựng những phương pháp tổng hợp và phân tích chúng (x. Gen). Trong những năm 70 thế kỉ 20, đã xuất hiện một phân ngành mới của DTH là công nghệ di truyền gắn liền với việc chế tạo các tổ hợp gen mới. Tuỳ theo đối tượng nghiên cứu mà người ta chia DTH thành di truyền thực vật, di truyền động vật, di truyền người, vv. Dựa vào phương pháp sử dụng, lại chia thành các hướng mới là di truyền phân tử, di truyền đột biến, di truyền quần thể, vv.
DI TRUYỀN MIỄN DỊCH (sinh), thuật ngữ do Urbai và Cole đưa ra năm 1936 để chỉ một phần của miễn dịch học, nghiên cứu các điều kiện cơ bản đảm bảo sự di truyền của các yếu tố miễn dịch, di truyền các kháng nguyên như kháng nguyên máu, được phát hiện đầu tiên năm 1910.
DI TRUYỀN TẾ BÀO (sinh), lĩnh vực của di truyền học nghiên cứu quy luật di truyền và biến dị ở mức độ tế bào và chất trong tế bào (củ yếu là nhiễm sắc thể). Cơ sở lí thuyết của DTTB là những luận đề chính của lí thuyết nhiễm sắc thể về di truyền được xây dựng và hình thànhvào đầu thế kỉ 20. Trong thời gian ấy, đã tích luỹ được một số lượng đáng kể các kết quả về hình thái nhiễm sắc thể và các trạng thái của chúng trong hai quá trình phân chia tế bào gián phân và giảm phân. Với các phương pháp hiện đại về DTTB, người ta đã khám phá được những bệnh di truyền của người, động vật và thực vật bằng kĩ thuật nhiễm sắc thể.
DỊ TẬT BẨM SINH (y), biểu hiện hình thức khác thường trong cơ thể của trẻ mới đẻ; thể hiện rõ ra ngoài như không có hậu môn, bàn tay 6 ngón; hoặc không hiện rõ ra ngoài và phải có thầy thuốc khám mới biết được như: tồn tại ống động mạch, thông liên nhĩ, vv. Nguyên nhân: tác động của môi trường sống như bụi , hoá chất, phóng xạ, vv.; các rối loạn chuyển hoá, các bệnh nhiễm khuẩn (rubêôn, vv.), các thuốc nội tiết, các thuốc chống ung thư, các thuốc tránh thai thalidomide, vv. Các dị tật lớn không phù hợp với sự sống thường phát sinh trong 8 tuần đầu của thời kì thai nghén; cần giữ gìn sức khoẻ, tạo một không khí sống thoải mái, yên tĩnh, tránh những bệnh nhiễm khuẩn nhất là nhiễm virut, trong 2 – 3 tháng đầu của thời kì thai nghén.
Dị tật bẩm sinh là tổn thương làm thay đổi hình thái bình thường của tim trong quá trình hình thành thai và xuất hiện ngay từ lúc mới đẻ. Chưa rõ nguyên nhân, nhưng cần lưu ý đến một số yếu tố có khả năng tạo điều kiện cho sự phát sinh các dị tật bẩm sinh: bệnh nhiễm khuẩn ở mẹ trong thời kì mang thai (bệnh rubêôn) nhiễm độc.
DỊ ỨNG (y), phản ứng khác thường của một cơ thể đối với một dị nguyên nào đấy khi tiếp xúc với dị nguyên đó lần thứ hai hoặc sau đó, với biểu hiện rất khác nhau tuỳ người, tuỳ số lần tiếp xúc với dị nguyên và không phụ thuộc vào liều lượng hoặc đường vào cơ thể của dị nguyên. Biểu hiện của DƯ có thể nhẹ (nổi mày đay, hắt hơi, sổ mũi, khó thở kiểu hen), hoặc rất nặng (sốc, trụy tim mạch, có thể chết sau 2 – 3 phút). Khi một người đã bị DƯ (dù rất nhẹ) với một loại thuốc (dị nguyên) nào đó (vd. pénicilline) thì trên nguyên tắc không dùng loại thuốc đó những lần sau. Nếu vì lí do chuyên môn, không thể thay thế được thì phải dùng những phương pháp đặc biệt để phòng tránh DƯ.
DỊ VẬT (y), vật vô tri ở trong cơ thể và trong mọi trường hợp không là thành phần cấu tạo bình thường của cơ thể. DV có thể từ ngoài vào (đạn, mảnh bom, vật nuốt, vv.); hoặc hình thành tại chỗ (DV nội sinh) như sỏi, mảnh xương vụn, vv. Vd. DV tai (hạt thóc, hạt chanh, kiến, ruồi, vv.); DV mũi (viên bi, nút giấy, sỏi mũi); DV họng (xương cá, hạt quả vải, vv.).
DỊ VẬT ĐƯỜNG THỞ (y), dị vật mắc kẹt ở thanh quản, khí quản, phế quản, gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 1 – 4 tuổi. DVĐT thường thấy nhất: các loại hạt (lạc, ngô, na, dưa, hồng bì, hồng xiêm, vv.); vỏ tôm, cua, xương cá, mang cá, sữa, cháo, thuốc viên; đinh ghim, cặp ba lá, kim băng, mảnh nhựa, vv.; con tắc te (con đỉa ở suối). Khi rơi vào đường thở, DVĐT gây ho sặc sụa, nghẹt thở, tím tái (cg. hội chứng xâm nhập), có thể chết ngạt ngay. Để lâu gây ra biến chứng rất nguy hiểm. Soi gắp DVĐT sớm, có kết quả tốt. Dự phòng: cho trẻ em từ từ, chậm chạp; cẩn thận trong khi cho trẻ ăn loại thức ăn có hạt, xương, vv.
DỊCH NÃO TUỶ (sinh, y), loại dịch giống như bạch huyết, không chứa huyết cầu và các phân tử lớn, có trong các khoang bên trong và giữa các màngbao bọc của hệ thần kinh trung ương. Nguyên nhân do các đám rối mạch của não thất lọc từ máu và cuối cùng trở lại qua các mạch bạch huyết hoặc vào máu tĩnh mạch. DNT laà chất đệm, bảo vệ các mô thần kinh. Các tính chất vật lí, sinh hoá của DNT khá ổn định, chỉ thay đổi khi có bệnh liên quan. Việc nghiên cứu các thay đổi bệnh lí (áp suất, thành phần hoá học, sinh học) của DNT giúp ích rất lớn cho chuẩn đoán. Vd. trong viêm màng não mủ, DNT sẽ đục vì chứa mủ, đồng thời có thể dùng để nuôi cấy tìm vi khuẩn gây bệnh.
DỊCH THUỶ TINH (sinh), dịch keo bám dính chứa trong khoang phía sau thể thuỷ tinh trong cầu mắt động vật có xương sống. Gồm một mạng mảnh các sợi giống chất tạo keo và giúp cho cầu mắt giữ được hình dạng.
DỊCH TRUYỀN (y), dịch bổ sung cho cơ thể nước, protein, glucozơ, chất điện giải, một số thành phần của máu nhằm phục hồi khối lượng máu lưu thông, chữa rối loạn cân bằng nước – điện giải, cân bằng axit – bazơ, cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. DT phải đáp ứng các yêu cầu sau: thành phần phải hằng định và đồng nhất; không gây độc cho cơ thể; không mang tiính kháng nguyên; vô khuẩn; không chứa chí nhiệt tố; bảo quản trong thời gian và điều kiện nhất định mà chất lượng không bị giảm, không bị hỏng khi vận chuyển. Đại đa số DT được truyền qua đường tĩnh mạch; một số dung dịch như ngọt đẳng trương, mặn đẳng trương có thể truyền dưới da.
DỊCH VỊ (sinh), loại dịch tiêu hoá do các tuyến vị nằm trong thành dạ dày tiết ra. Chứa hai enzim chính: (pepsin – chất thuỷ phân các protein thành các chuỗi polipeptit ngắn) và rennin (làm đông các cazeinogen thành cazein) và chất nhày (làm thức ăn vận chuyển dễ dàng). Có tính axit. Sự kích thích hoá học, cơ học của thức ăn lên thành dạ dày làm tiết DV và hocmon (gastrin). Hocmon này lưu thông trong máu, kích thích tuyến vị tiết axit clohiđric tạo nên nồng độ axit của dạ dày.
DIỆT VI KHUẨN (y), tiêu diệt hoàn toàn sức sống của vi khuẩn, vd. dùng các kháng sinh pénicilline, céphalosporine, streptomycine, gentamycine, kanamycine. Phân biệt với kìm khuẩn: làm đình chỉ sự phân bào, ngăn cản sự phát triển, làm lão hoá vi khuẩn; chỉ làm chết nếu đủ liều cần thiết; vd. các kháng sinh tétracycline, chloramphénicol, érythromycine, rifamycine.
DINH DƯỠNG (y), khái niệm biểu thị tác động của thức ăn đến cơ thể và phản ứng của cơ thể với chế độ ăn uống, thông thường đồng nghĩa với ăn uống; dùng trong y học với một nội dung rộng hơn, các nguyên tắc nêu thành một hệ thống các quy có tính khoa học về: tổng số năng lượng cho một người trong một ngày; chất lượng và số lượng lương thực, thực phẩm; số lượng lương thực, thực phẩm cho một bữa ăn (kể cả uống), số bữa ăn trong một ngày, khoảng cách giữa các bữa ăn, vv. Xây dựng chế độ DD phải căn cứ vào khả năng và nhịp độ phát triển của nền kinh tế quốc dân, mục tiêu kinh tế – xã hội (mỗi nước có một chế độ ăn chuẩn cho mỗi giai đoạn lịch sử); cơ sở khoa học (vệ sinh lương thực, thực phẩm, sự chuyển hoá thức ăn trong cơ thể, khả năng hấp thu của cơ thể, đào thải khỏi cơ thể, vv.); nhu cầu ăn uống của mỗi người để đảm bảo sự phát triển tốt sức khoẻ, khả năng hoạt động, lao động bình thường, đánh giá cân nặng theo dõi định kì; tập quán sinh sống, tâm lí, khẩu vị của cộng đồng dân cư và mỗi cá nhân, vv. liên quan đến kĩ thuật chế biến lương thực, thực phẩm, kĩ thuật trình bày, môi trường ăn uống. Nếu khẩu phần ăn không thích hợp với nhu cầu về chất DD của cơ thể thì gây ra các bệnh DD: khi quá thừa DD người ta mắc bệnh béo phì hay vữa xơ động mạch; khi quá thiếu (cung cấp không đủ nhu cầu, bệnh của dạ dày, ruột làm cho thức ăn không hấp thụ được đầy đủ) sẽ gây ra bệnh thiếu DD. Các bệnh DD ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và sự phát triển toàn diện của con người (xt. Ăn uống; Chế độ ăn).
DỤC VỌNG (giáo dục) 1. Ham muốn không phù hợp với các chuẩn mực xã hội; còn gọi là “libiđô” (thuật ngữ trong thuyết của Frớt) dùng để chỉ những năng lượng của bản năng sinh dục nhằm vào các đối tượng bên ngoài hoặc bên trong cái “tôi”. Con người bình thường có các nhu cầu cơ thể như nhu cầu sống và tồn tại (của bản thân và giống loài). Các nhu cầu đó xuất hiện, biến đổi theo các lứa tuổi, và cần đượ thực hiện theo quy ước chung của xã hội.
2. Ham muốn thoả mãn những nhu cầu vật chất thấp hèn của con người.
DUNG DỊCH MUỐI SINH LÍ (sinh), dung dịch gồm muối ăn và một số loại muối khác dùng để giữ các mô động vật khi đã tách ra khỏi cơ thể ở trạng thái sống trong quá trình thực nghiệm. DDMSL có áp suất thẩm máu và pH tương đương với dịch cơ thể. DDMSL được dùng phổ biến nhất là dung dịch Ringer, ngoài natri clorua còn có chứa các muối clorua của canxi, magie, kali. Các dung dịch khác có thể có thêm chất dinh dưỡng như glucozơ.
DUNG DỊCH RINGER (sinh), hỗn hợp gồm 9 g NaClo. 0,42 g Kclo, 0,25 g CaCl2 trong 1000 ml nước cất. Được dùng để lưu giữ trong khoảng thời gian ngắn các mẫu vật nghiên cứu bằng hiển vi của toàn bộ cơ thể, một cơ quan hay một mô hoặc ở mức tế bào trong trạng thái sống hay còn sống. DDR không làm biến tính các chất của mẫu vật nên có thể quan sát được các quá trình sinh lí liên quan, thống nhất với giải phẫu – hình thái. Trong nghiên cứu các nhóm động vật khác nhau, ngoài DDR người ta còn dùng dung dịch muối khác.
DUNG TÍCH CẶN CHỨC NĂNG (y), thể tích không khí còn lại trong phổi sau một chu kì thở ra bình thường và bằng thể tích dự trữ thở ra cộng với thể tích cặn. Ở người Việt Nam, DTCCN trung bình vào khoảng 1800 ml ở phụ nữ, 2200 ml ở nam giới. Ở những người lao động trí óc hoặc ít vận động , DTCCN thường khá lớn, khí lưu thông mất nhiều thời gian để pha trộn, gây trở ngại cho việc đưa oxi vào tế bào nên dễ cảm thấy mệt mỏi; từng lúc nên hít sâu, thở dài để giúp việc lưu thông khí dễ dàng hơn; tập thể dục giữa giờ là một biện pháp tốt để khắc phục trạng thái này. Ở người có DTCCN càng cao, thời gian cần thiết để gây mê (trong phẫu thuật) càng kéo dài.
DUNG TÍCH PHỔi HÍT VÀO (y), thể tích lớn nhất có thể hít vào sau một lần thở ra bình thường và bằng thể tích lưu thông cộng với thể tích dự trữ hít vào. Ở người Việt Nam, DTPHV trung bình vào khoảng 1500 ml ở phụ nữ và 2000 ml ở nam giới . Về phương diện sinh lí hô hấp, những người làm việc trí óc, ít vận động thường thở ít, lượng khí lưu thông thấp và hay có những thời điểm ngừng thể tự nhiên. Sau một thời gian như vậy, khi trong phế nang lượng oxi giảm và khí cacbonic tăng, trung tâm hô hấp sẽ bị kích thích và sẽ có một phản xạ hít sâu, làm tăng dung tích hít vào, giúp việc thông khí phế nang tốt hơn. Những người thường xuyên luyện tập, có thói quen thở chậm và sâu, dung tích hít vào lớn sẽ ít có cảm giác mệt mỏi sau khi làm việc trí óc lâu dài.
DUNG TÍCH SỐNG (y), thể tích không khí có thể thở ra được khi thở ra hết sức, sau một hơi hít vào hết sức, gồm: thể tích lưu thông , thể tích dự trữ hít vào và thể tích dự trữ thở ra. Ở Việt Nam, lứa tuổi trung bình 25 – 30, DTS trung bình ở nam (có chiều cao 150 – 160 cm) là 2900 – 3200 ml; ở nữ (có chiều cao 145 – 155 cm) là 2100 – 2350 ml. DTS biểu hiện khả năng đưa không khí vào cơ thể của phổi. DTS giảm nhiều khi cơ quan hô hấp có bệnh như các bệnh gây xơ cứng, huỷ hoại nhu mô hoặc màng phổi. Ở người bình thường, tập thể dục và tập thở có khả năng làm tăng DTS rất nhiều. Ở người có bệnh, luyện khí công, tập thở bằng cơ hoành cũng là một biện pháp rất tốt để phục hồi DTS, tăng khả năng hoạt động của cơ quan hô hấp.
DỤNG CỤ TỬ CUNG (y), dụng c dùng để tránh thai có thời hạn được đặt vào trong buồng tử cung lâu dài (ít nhất là hai năm), sau khi tháo, lại vẫn có thể có thai. Cơ chế tránh thai chủ yếu là cản trở trứng làm tổ trong buồng tử cung. DCTC thế hệ một làm bằng chất dẻo có hoặc không cuốn thêm kim loại không gỉ, khép kín; có diện tích tiếp xúc lớn với tử cung. DCTC thế hệ hai cũng làm bằng chất dẻo nhưng không cần diện tích tiếp xúc lớn mà cơ chế tránh thai chủ yếu dựa vàochất kim loại (như đồng) hoặc dựa vào hocmon; thời hạn tác dụng tuỳ thuộc vào hàm lượng đồng hoặc hocmon. Dụng cụ thế hệ hai thường không kép kín (DCTC hở), loại này có dây (đuôi) thò qua lỗ tử cung vào âm đạo để dễ tháo và dễ kiểm tra. Vd. DCTC hình chữ T có đồng (Tcu) (x. Vòng tránh thai).
DƯỢC HỌC (y), khoa học nghiên cứu điều chế thuốc phòng và chữa bệnh. Các môn chính của DH là bào chế, hoá dược, dược liệu và vi sinh – kháng sinh.
DƯỢC LÍ HỌC (y), khoa y sinh học nghiên cứu về thuốc và các chất có tác dụng sinh lí. Hiện nay, trường phái Anh – Mĩ coi DLH đồng nghĩa với dược lực học là khoa học tìm hiểu tác dụng của thuốc trên cơ sở bình thường. Ngoài ra, DLH còn gồm: môn dược điều trị nghiên cứu tác dụng của thuốc trên cơ thể bệnh; môn dược di truyền học tìm hiểu các điều kiện di truyền trong quá trình tác dụng của thuốc trong cơ thể; ngoài ra còn có môn dược lâm sàng; môn dược phân tử; môn dược cảnh giác.
DƯỢC LIỆU HỌC (y), môn học của y học nghiên cứu về dược liệu, bao gồm: mô tả đặc điểm của dược liệu, vi phẫu, phân bố trong nước, bộ phận dùng, chế biến, bảo quản, thành phần hoá học, định lượng hoạt chất chính, tính vị, tác dụng, công dụng, cách dùng, liều lượng, trồng trọt, thu hái.
DƯƠNG VẬT (sinh; penis), cơ quan giao cấu đực của nhiều loài động vật thụ tinh trong như động vật có vú (kể cả người), một số bò sát và động vật không xương sống để đưa tinh trùng vào cơ quan sinh sản của động vật cái. Ở động vật có vú, cả nước tiểu và tinh dịch đều qua niệu đạo trong DV. DV gồm một lớp da và mô liên kết bao quanh ba thể ống cấu tạo từ mô xốp, hai thể hang ở trên chứa máu và một thể xốp ở dưới; niệu đạo nằm ở giữa. DV cương lên khi giao phối.
DƯỠNG BỆNH (y), thời kì bệnh nhân bồi dưỡng và nghỉ ngơi tích cực sau khi khỏi bệnh để chóng bình phục sức khoẻ, theo chỉ định của thầy thuốc. Thời kì DB dài hay ngắn tuỳ bệnh đã mắc, tuỳ tổn thương mà bệnh đã gây ra, tuỳ sức đề kháng và tâm lí của bệnh nhân. Vd. DB sau mổ lao phổi phải lâu hơn so với bệnh viêm phổi thuỳ thông thường. Có một số bệnh phải đặc biệt lưu ý vì bệnh làm giảm sức đề kháng của bệnh nhân, do đó, ngay trong thời kì DB cũng có thể mắc thêm bệnh khác, vd. lao sơ nhiễm ở trẻ em sau bệnh ho gà.
DƯỠNG KHÍ (hoá) x. Oxi.
DƯỠNG SINH (y, y học dân tộc), lối sống theo y học cổ truyền nhằm bảo đảm sự cân bằng trong cơ thể, giữa con người và thiên nhiên, giữa con người và xã hội, để sống lâu, mạnh khoẻ và có ích. Cơ sở lí luận “bế tinh, dưỡng khí, tồn thần, thanh tâm, quản dục, thủ chân, luyện hình”. Có nghĩa là phải giữ gìn, bổ sung và không được làm hao tổn tinh, nuôi dưỡng chức năng, bảo vệ hoạt động tâm thần; muốn vậy phải giữ gìn cho lòng thanh thản, giảm bớt dục vọng cá nhân, giữ gìn tốt các hoạt động sinh lí của cơ thể và luyện tập thân thể. Nội dung đó được thể hiện bằng các phương pháp ăn uống điều độ, luyện thở, luyện thư giãn; tự xoa bóp day bấm huyệt; vận động các khớp ở mức tối đa; biết cách lao động và nghỉ ngơi; có thái độ tâm thần đúng trong cuộc sống; vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.
DƯỠNG TRẤP (sinh), dịch màu trắng sữa được dạ dày tiết ra có nhiều colesteron và triglixerin hấp thụ từ ruột non do tiêu hoá mỡ. DT cũng chứa protein như dịch bạch mạch. DT được chứa trong ống DT rồi đổ vào ống bạch mạch ngực để vào máu nuôi dưỡng cơ thể.
DỊCH TRẤP NIỆU (y), nước tiểu đái ra có dưỡng trấp, trắng như sữa hoặc nước vo gạo. Nước tiểu có nhiều dưỡng trấp để lâu trong ống nghiệm sẽ đông lại như thạch. Cũng có khi nước tiểu có lẫn máu và dưỡng trấp gọi là máu dưỡng trấp. Đái dưỡng trấp là do ống bạch mạch bị thông với bể thận. Chủ yếu do mắc bệnh giun chỉ. Phải điều trị tận gốc nguyên nhân DTN giun chỉ, điều trị chứng đái ra dưỡng trấp bằng phẫu thuật.
ĐÁI BUỐT (y), đái đau với cảm giác nóng rát, rất khó chịu và tăng lên vào cuối mỗi lần đái; là biểu hiện của viêm thận kẽ, niệu đạo và bàng quang ở trẻ em (sỏi bàng quang, vv.), ở người lớn (lậu, vv.). Thường kèm theo đái rắt (xt. Đái rắt).
ĐÁI DẦM (y), đái lúc đạng ngủ, thường về ban đêm, tự mình không biết là mình đái hoặc có khi vừa ĐD lại nằm mơ thấy mình đang đi đái; thường gặp ở trẻ em 3 – 10 tuổi. Nguyên nhân do yếu tố thần kinh. Sẽ hết lúc trẻ lớn khoảng 10 tuổi. Có thể đề phòng bằng cách giữa giấc ngủ đánh thức trẻ dậy đi đái. Có thể là biểu hiện của bệnh ở bàng quang. Trong một số trường hợp, châm cứu cho kết quả tốt.
ĐÁI ĐÊM (y), đái vào ban đêm, biểu hiện của tình trạng giảm chức năng thận do viêm cầu thận mạn tính hay bệnh thận người già, do tuyến tiền liệt to, dễ kích thích đái vặt (vào ban đêm), hoặc do bệnh huyết áp tăng. Người bị mất ngủ, ngủ không say, thần kinh căng thẳng, bệnh tăng huyết áp cũng có tật ĐĐ.
ĐÁI ÍT (y; cg. giảm niệu), đái một ngày dưới 500 ml nước tiểu (ở một người lớn ăn uống bình thường, lượng nước tiểu bài tiết cả ngày đêm vào khoảng 1 – 1,5 l). Nguyên nhân: uống không đủ nước, toát mồ hôi quá nhiều; làm việc ở môi trường nóng, nhiệt độ cao; ỉa chảy mất nước, suy thận cấp hoặc mạn tính, vv. Cần tránh tình trạng sợ đi đái (phụ nữ sinh hoạt ở nơi đông người, thiếu nhà vệ sinh), hoặc giảm lượng nước uống để đái ít.
ĐÁI NHIỀU (y; cg. đa niệu), đái một ngày quá 2000 ml nước tiểu. ĐN khác với đái nhiều lần, nhưng số lượng mỗi lần ít (cả ngày không quá 1500 ml). Nguyên nhân: uống quá nhiều (bia, nước ngọt, vv.); đái tháo nhạt; đái tháo đường; sỏi ở thận được truyền nhiều dịch, dùng các thuốc lợi tiểu, một số trường hợp viêm cầu thận giai đoạn đầu hoặc cuối, vv.
ĐÁI RA MÁU (y), đái ra nước tiểu có lẫn máu với lượng máu nhiều hay ít tuỳ theo nguyên nhân bệnh. ĐRM có thể rõ rệt, thấy được bằng mắt thường (máu đỏ, có cục máu đông, fibrin), hoặc phải soi kính hiển vi mới khẳng định được; ĐRM có thể ở phần đầu, ở cuối của dòng nước đái, ở toàn bộ dòng nước đái. Cần tránh nhầm lẫn với nước tiểu đỏ do uống một số thuốc làm đỏ nước tiểu; do máu ở đường sinh dục lẫn vào nước đái (ở phụ nữ). ĐRM có thể là một dấu hiệu đơn độc hoặc có thể kèm theo nhiều triệu chứng khác: cơn đau quặn, đái đau, đái rắt, sốt, vv. ĐRM là một dấu hiệu dễ làm cho bệnh nhân lo lắng, băn khoăn, thường không đòi hỏi phải cấp cứu ngay. Nghỉ ngơi yên tĩnh, dùng một ít thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc thì ĐRM sẽ ngừng lại, nhưng điều căn bản là tìm được nguyên nhân (viêm đường tiết niệu, chấn thương, sỏi, lao, ung thư, vv.), đôi khi phải cấp cứu như trong chấn thương thận (ĐRM ồ ạt, liên tục). Y học cổ truyền phân ĐRM làm 2 thể:
1.ĐRM do hạ tiêu có nhiệt: bứt rứt khó ngủ, mặt đỏ, khát nước, mạch sác. Có thể dùng bài thuốc: sinh địa 20 g, mộc thông 16 g, cam thảo 8 g, trúc diệp 20 g, cỏ nhọ nồi 20 g.
2.ĐRM do tì thận bị thương tổn: ăn uống kém, mệt mỏi, mạch vô lực. Có thể dùng: hoài sơn 40 g, thỏ ti tử 40 g, liên nhục 40 g, ngưu tất 20 g, trắc bách diệp sao cháy 20 g, cỏ nhọ nồi sao đen 20 g, tiểu hồi 16 g, hoa mã đề sao 20 g, cao quý lộc 40 g, mật ong 1lít. Cách làm: cao quý lộc cho vào mật ong, đem cô cho tan cao; các vị thuốc khác sấy khô, tán mịn cho vào một ong luyện làm hoàn, mỗi hoàn 2 g; ngày uống 3 lần, mỗi lần 6 hoàn.
ĐÁI TA MỦ (y), đái ra nước tiểu có lẫn mủ. Nước tiểu vẩn đục, đục lờ hoặc như nước vo gạo; để lâu cặn đục có thể lắng ở dưới; có thể khẳng định ĐRM khi soi kính hiển vi thấy nhiều bạch cầu đa nhân và bạch cầu thoái hoá. Cần phân biệt ĐRM với đái ra dưỡng trấp (trong bệnh giun chỉ), chảy mủ niệu đạo (bệnh lậu, vv.). Thường gặp ĐRM trong viêm bàng quang (do tạp trùng, lao, vv.), viêm mủ bể thận (có thể ĐRM gián cách), vv.
ĐÁI RẮT (y) tăng quá mức số lần đái, nhưng không nhất thiết đi đôi với tăng khối lượng nước tiểu trong 24 giờ và gây cảm giác như còn sót nước tiểu sau mỗi lần đái, và lại muốn đái tiếp. Là dấu hiện của bệnh viêm thận kẽ hoặc bệnh của tuyến tiền liệt bàng quang.
ĐÁI THÁO ĐƯỜNG (y), bệnh rối loạn chuyển hoá đường: cơ thể mất khả năng tích luỹ glucôzơ (đường) dưới thể glucôgen, đường sẽ tăng trong máu và bài tiết ra nước tiểu. Nguyên nhân chưa thật rõ, có khi là so di truyền, có khi là do mắc phải. Cơ chế gây bệnh: thiếu hocmon (insuline) thường xảy ra ở người còn trẻ tuổi, tuỵ nội bị phá huỷ, có thể do các kháng thể tự miễn sinh ra sau nhiễm virut trên một cơ địa di truyền thận lợi; xảy ra ở người có tuổi, insuline được tiết ra bình thường, nhưng không được các tế bào tiếp nhận và sử dụng. Các triệu chứng: ba dấu hiệu lâm sàng (ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều); hai dấu hiệu hoá sinh (tăng glucôzơ huyết, glucôzơ niệu). Các biến chứng: nhiễm khuẩn (lao phổi, nhiễm tụ cầu như nhọt, đinh râu, hậu bối, vv.); các biến chứng thoái hoá (xơ vữa động mạch, viêm thận, biến chứng mắt có thể gây mù như viêm võng mạc, đục thể thuỷ tinh); nhiễm axit, nhiễm độc thần kinh, hôn mê, vv. Chữa bệnh theo hướng dẫn của thầy thuốc (insuline, sulfamide hạ đường, chế độ ăn uống, vv.).
Y học cổ truyền gọi ĐTĐ là tiêu khát. Thường chia làm ba thể: thể phế nhiệt ở thượng tiêu chủ yếu là uống nhiều và đái nhiều; thể vị nhiệt ở trung tiêu chủ yếu là ăn nhiều, gầy, ỉa táo; thể thận hư ở hạ tiêu, chủ yếu là đái nhiều lần, nước tiểu nhiều. Cả ba thể có chung đặc điểm là âm hư táo nhiệt. Vì vậy trong điều trị thường dùng thuốc tá âm: sinh địa, mạch môn, thiên môn, thục địa; thuốc thanh nhiệt: hoàng tiên, hoàng cầm, chi tử, thạch cao, tri mẫu.
ĐÁI THÁO NHẠT (y), bệnh rối loạn chuyển hoá nước do thiếu hocmon chống đái ADH (vasopressin, pituitrine), làm cho nước không được hút trở lại ở phần cuối của ống thận nên để cho thận thải rất nhiều nước. Nước tiểu loãng, tỉ trọng giảm nhưng các thành phần cấu tạo không thay đổi. Nguyên nhân: một thương tổn ở vùng não trung gian – tuyến yên (khối u, nhiễm khuẩn, chấn thương, vv.); có 2/3 số trường hợp không rõ nguyên nhân. Dấu hiệu: uống nhiều do khát nước dữ dội, mỗi ngày uống từ 10 đến 20 lít, kể cả ban đêm; đái nhiều, bệnh nhân bài tiết gần như hết cả nước uống vào, trung bình 15 – 20 l/ngày, có khi hơn; gầy do khó ăn, kém ngủ, vv. Chữa bệnh theo hướng dẫn của thầy thuốc (pituitrine, điều trị nguyên nhân).
ĐAU CƠ (y), cảm giác đau ở một hoặc nhiều cơ, nhưng không có hiện tượng viêm. Nguyên nhân: sinh lí (lao động nặng, luyện tập và thi đấu quá sức); chấn thương cơ; bệnh lí (nhiễm khuẩn, bệnh toàn thân, bệnh tại cơ). Điều trị tuỳ theo các nguyên nhân. Có thể xoa bóp tay không hoặc với các loại cao xoa.
ĐAU DÂY THẦN KINH (y), đau dọc theo đường đi của một dây thần kinh hoặc do nó chi phối. Đau có thể liên tục hoặc thành cơn, đau khi ấn lên dây ở những điểm ở nông. ĐDTK có thể do viêm nhiễm, chấn thương hoặc chèn ép. Thường gặp nhất là ĐDTK liên sườn, cánh tay và dây thần kinh hông. Điều trị: thường dùng các thuốc giảm đau, vitamin nhóm B, châm cứu, chờm nóng, vv.
ĐAU ĐẦU (y) (nhức đầu), đau vùng sọ lan toả hoặc khu trú tại một vùng, một bên đầu, đau liên tục hoặc theo từng cơn, từng thời điểm. Đau có thể tăng lên do các kích thích từ bên ngoài (ánh sáng, tiếng động, sự rung chuyển, vv.), hoặc bên trong (do cảm xúc, lao động trí óc), do làm việc quá sức. ĐĐ là một triệu chứng có thể gặp trong rất nhiều bệnh, từ bệnh thông thường nhất như sốt cao đến các bệnh nội khoa (tăng huyết áp, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, dị ứng, vv.), các bệnh tâm thần, thần kinh (não, màng não, tăng áp lực nội sọ, chấn thương, vv.), các bệnh tai mũi họng, mắt, răng hàm mặt; cũng có thể không có nguyên nhân. Trước một trường hợp ĐĐ, thầy thuốc thường phải điều tra tỉ mỉ về hoàn cảnh xuất hiện, tính chất, cường độ vùng đau, thời gian, các dấu hiệu kèm theo (nôn, mờ mắt, vv.), để xác định bệnh, nguyên nhân dẫn đến ĐĐ.
ĐAU ĐẺ (y), cảm giác đau từng cơn đi kèm với các cơn co tử cung trong khi chuyển dạ đẻ. Trong chuyển dạ đẻ thường, lúc bắt đầu cơn co thưa (2 cơn co trong 10 phút), sau mau dần lên đến 4 cơn co trong 10 phút vào lúc cổ tử cung mở hết và ngôi thai đã xuống. Giai đoạn cuối, khi thai gần sổ, cơ co lên đến 5 lần trong 10 phút và lúc này theo phản xạ,sản phụ phối hợp với cơn co tự nhiên bằng những cơn rặn (chủ động co cơ thành bụng) để thúc thai ra ngoài. Rặn đẻ bình thường không bao giờ quá 30 phút tức là 15 lần rặn xen kẽ với những thời gian nghỉ. Trong trường hợp bất thường, tử cung co thắt gây đau liên tục, có thể gây choáng và thai có thể bị ngạt vì thiếu oxi – máu. Ở một số trường hợp, sản phụ không có cảm giác đau mà chỉ thấy mỏi hoặc sút lưng. Trước khi đẻ khoảng 2 – 3 tuần, nếu được chuẩn bị kĩ, hướng dẫn chu đáo, hiểu về cơ chế cơn co tử cung và biết thư giãn đúng lúc, có thể giảm đau hoặc không đau (thực hiện đẻ không đau). Có thể dùng châm cứu để giảm ĐĐ. Dùng huyệt Tâm âm giao để điều hoà co bóp của thân tử cung; Thái xung hoặc Hành gian để làm mềm tử cung. Kích thích huyệt bằng vê kim hoặc xung điện. Sau 10 phút có thể giảm đau. tiếp tục lưu kim đến khi đẻ xong. Trong quá trình đẻ, nếu đau nhiều lại kích thích như trên.
ĐAU KHỚP (y), cảm giác đau ở khớp và phần mềm của bao khớp. Có ĐK sinh lí và ĐK bệnh lí. ĐK sinh lí thường gặp ở lứa tuổi đang lớn (còn gọi là đau phát triển) hoặc sau lao động nặng, luyện tập, thi đấu thể thao. ĐK bệnh lí có thể do bệnh tại khớp như chấn thương khớp, nhiễm khuẩn khớp (viêm đa khớp dạng thấp, gút, lao khớp, viêm khớp do lậu, tụ cầu tạo mủ, giang mai, vv.), hoặc do các bệnh không tại khớp như suy nhược thần kinh, rối loạn chuyển hoá, thiếu máu, bệnh bạch cầu, ưa chảy máu, nhiễm khuẩn, nhiễm virut, các bệnh hệ thống (luput ban đỏ, xơ cứng bì). ĐK bệnh lí sẽ dẫn tới mất chức năng khớp. Cần điều trị sớm theo nguyên nhân và phục hồi chức năng tích cực, tránh mất chức năng khớp. Y học cổ truyền gọi chứng đau nhức cơ khớp là chứng tí và thường chia làm 2 thể lớn: phong hàn thấp tí do phong hàn thấp thừa lúc cơ thể nhất thời suy yếu cùng vào kinh mạch làm tắc gây đau; nhiệt tí hoặc do phong hàn thấp hoá nhiệt hoặc do nhiệt xâm nhập vào kinh mạch gây sưng, nóng đỏ, đau ở nhiều khớp. Trong chữa bệnh thường dùng châm cứu huyệt nằm trên đường kinh đi qua nơi đau, huyệt A thị; nếu có sưng hoặc ứ nước ở khớp dùng cách châm chích nặn máu 4 huyệt xung quanh nơi sưng ứ nước (x. Thuốc chữa phong thấp).
ĐAU LƯNG (y), chứng đau vùng thắt lưng do nhiều nguyên nhân: hư khớp đốt sống, tổn thương đĩa đệm, co cứng cơ (nguyên nhân phổ biến); thường bắt đầu từ tuổi trung niên, là hậu quả của lao động nặng, tư thế không thuận do thói quen hoặc dị tật (gù, vẹo); ít hoạt động thể lực. Bệnh kéo dài âm ỉ, thỉnh thoảng trội lên một động tác gắng sức đột ngột hoặc mệt mỏi, nhiễm lạnh. Những đợt ĐL cấp làm bệnh nhân phải nằm bất động, có thể kéo dài tới 10 – 15 ngày. Ngoài việc điều trị nội hoặc ngoại khoa, còn kết hợp châm cứu và liệu pháp vận động . Vận động còn có mục đích dự phòng: tập các vùng cơ lưng, nhất là đối với những người lao động nặng, ít vận động đối với người có dị tật cột sống (vd. gù); cần hợp lí hoá các thao tác, tư thế lao động. Nhiều bệnh cột sống khác có thể gây ĐL, nhưng ít gặp hơn (viêm cột sống dính khớp, lao u, vv.). Trong các bệnh hệ niệu – sinh dục ở cả hai giới; đều có thể có triệu chứng ĐL, đôi khi là triệu chứng đầu tiên của bệnh (sỏi thận, niệu quản, viêm thận mạn, bệnh tử cung, vòi trứng, hành kinh, có thai, vv.).
ĐAU QUẶN (y), đau ở bụng do các cơn co bóp những tạng rỗng và xuất hiện thành từng cơn; có khi đau ở vị trí cố định, có khi đau di chuyển. Trong bệnh kiết lị, ĐQ hay đi kèm với mót rặn.
ĐAU THẮT NGỰC (y; cg. cơn đau thắt vùng trước tim hay cơn ĐTN), những cơn đau nhói sâu trong ngực do động mạch vành tim bị co thắt đột ngột gây thiếu máu cơ tim. Yếu tố chính gây ra co thắt động mạch vành tim là sự rối loạn chức năng của hệ thần kinh điều khiển việc tiếp tế máu nuôi cơ tim. Kinh nghiệm lâm sàng cho biết: sự căng thẳng, mệt mỏi quá mức về tâm thần, nhất là sự ức chế thần kinh, sự chịu đựng quá sức và nặng nề về nội tâm thường là những yếu tố dẫn tới sự co thắt đột ngột động mạch vành tim và từ đó phát sinh ra các cơn đau co thắt vùng trước tim. Trong phần lớn các trường hợp, sự xuất hiện các cơn đau co thắt vùng trước tim xảy ra do sự thiếu máu cơ tim tương đối so với tình trạng sinh lí của bệnh nhân lúc đó, vd. lúc nghỉ ngơi yên tĩnh hoàn hoàn về thể xác và tâm thần, mỗi phút cơ tim nhận được 300ml, nếu số máu đó chỉ đạt tới 250 ml thì sẽ xảy ra tình trạng thiếu máu cơ tim tương đối; còn khi làm việc gắng sức, cơ tim sẽ nhận được khoảng 2000 ml mỗi phút, trong trường hợp đó, thiếu máu cơ tim sẽ xảy ra khi lượng máu tiếp tế cho cơ tim chỉ đạt tới 1950 ml. Cơ chế phát sinh ra cơn đau vùng trước tim thường được giải thích như sau: các đầu dây thần kinh hướng tâm của cơ tim đang làm việc bị kích thích bởi các sản phẩm không bình thường (cả về chất lượng và số lượng) của quá trình chuyển hoá các chất không hoàn toàn do tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim gây ra. Cơn ĐTN biến đi rất nhanh khi sự nuôi dưỡng cơ tim được phục hồi lại đầy đủ nhờ sử dụng kịp thời các thuốc dãn động mạch vành tim như papaverine, validol, nitroglycérine, vv.
ĐAU TIM (y), danh từ dùng trong nhân dân để chỉ bệnh tim một cách chung chung, không nói rõ được là bệnh gì, dựa trên một số cảm giác cơ năng như đau nhói vùng tim, tức ngực bên trái, khó thở lúc làm một động tác mạnh, chóng mặt, vv.
ĐIỆN CHÂM (y) x. Châm cứu.
ĐIỆN NÃO ĐỒ (y; tk. ghi điện não), đồ thị nghiên cứu hệ thần kinh dựa vào kĩ thuật ghi những dòng điện sinh học xuất hiện trong não sống. Các điện cựu ghi thường đặt tiếp xúc với da đầu. Khi mổ não, có thể đặt điện cực trực tiếp lên vỏ não hoặc đưa vào sâu hơn nữa. Hiện nay, đã có các máy ghi điện não hiện đại, nhờ đó người ta có thể nghiên cứu tới hàng chục dòng điện não khác nhau. Dựa vào các đặc trưng và sự biến thiên của mỗi dòng điện và so sánh chúng với nhau, người ta có thể rút ra những thông tin cần thiết về sinh lí, bệnh lí thần kinh để đặt chuẩn đoán, tiên lượng hoặc nghiên cứu khoa học. ĐNĐ là một xét nghiệm hoàn toàn không đau và không nguy hiểm cho bệnh nhân.
ĐIỆN SINH HỌC (sinh), điện thế phát sinh trong các hệ thống sống do các quá trình lí, hoá, phân chia thành các điện tích dương và âm. Có các dạng chủ yếu: điện thế nghỉ của tế bào thần kinh, tế bào cơ; điện thế hoạt động; điện thế hưng phấn và ức chế sau synap. Ngoài ra còn có những hiện tượng còn ít được nghiên cứu như dao động chậm của điện thế màng các tế bào thần kinh, màng cơ tim và một số tế bào thực vật. Điện tim, điện não, điện cơ là những dạng ĐSH. ĐSH đang được dùng rộng rãi trong lâm sàng để chuẩn đoán và điều trị bệnh, cũng như trong nghiên cứu chức năng các cơ quan.
ĐIỆN TÂM ĐỒ (y), biểu đồ những dãy sóng dao động thay đổi về điện thế diễn ra trong chu kì hoạt động của cơ tim. Phát hiện được bằng cách cho điện cực áp vào da (thường ở tay hoặc chân), được ghi bằng dao động kế hoặc thiết bị tương tự (máy ghi điện tim) đặc trưng. Hiện tượng sai lệch với mẫu bình thường có thể cho biết những rối loạn về tốc độ và nhịp tim, nhồi máu cơ tim.
ĐOPING (thể thao; A. Doping), sử dụng những chất và những biện pháp nhằm tăng trạng thái thể lực hoặc tâm lí của vận động viên trước hoặc trong lúc thi đấu. Đ coi là vi phạm tinh thần thể thao chân chính, có hại cho vận động viên về thể chất, tâm lí. Các nhóm chất và dẫn xuất nghiêm cấm: chất kích thích (stimulans); chất dịu đau và gây ngủ (narcotics and analgesics); steroide đồng hoá (suabolic steroide); chất phong bế bêta (bêta – blockers); chất lợi tiểu (diuretics); các hocmon peptit và các chất tương tự (peptid hormones and analogues). Các chất cấm đặc biệt: gonađotrophine màng đệm (human chorioruc gonadotrophine): corticotrophine (ACTH), hocmon lớn (growth – hormone). Các phương pháp D máu (blood doping) làm biến đổi nước tiểu về vật lí, hoá học và dược lí học nhằm phá hoại sự toàn vẹn về giá trị các mẫu nước tiểu đem kiểm tra Đ. Chất hạn chế sử dụng: rượu, cần sa (marijuana); các chất gây tê tại chỗ; các corticosteroide. Những vận động viên bị phát hiện sử dụng Đ có thể bị kỉ luật, tước bỏ danh hiệu thể thao đã giành được, đình chỉ có thời hạn hoặc vĩnh viễn tham gia thi đấu thể thao.
Việc kiểm tra Đ lần đầu tiên được tiến hành sau cuộc đua xe đạp tại Pháp 1955. Năm 1967, Tiểu ban y học của IOC đã quyết định cấm sử dụng các chất kích thích, các chất gây ngủ. Danh mục các chất bị cấm được bổ sung và phổ biến rộng rãi. Chống Đ là biện pháp nhân đạo, là một hoạt động lớn của IOC, được tất cả các thành viên của IOC ủng hộ trên cơ sở phê phán chủ nghĩa thực dụng – chạy theo danh hiệu và tiền thưởng trong thi đấu thể thao. Marađôna (TBN. Diego Maradona), cầu thủ bóng đá lừng danh thế giới, bị phát hiện sử dụng Đ nên đã bị loại khỏi cúp vô địch bóng đá thế giới 1994 (World Cup USA 94).
ĐỘC TÍNH (nông, sinh, y), tính gây độc của một chất, chủ yếu đối với người và động vật máu nóng. ĐT được chia ra các dạng: 1) Độc cấp tính: chất độc xâm nhập vào cơ thể gây nhiễm độc tức thì, kí hiệu LD50 (letal dosis 50), biểu thị lượng chất độc (mg) đối với 1 kg trọng lượng cơ thể có thể gây chết 50% các thể vật thí nghiệm (thường là chuột hoặc thỏ). LD50 khác nhau tuỳ loại chất độc, con đường xâm nhập (qua miệng, qua da…) vào vật thí nghiệm. Nếu chất độc lẫn với không khí (hơi độc, hay ở trong nước), thì được kí hiệu LC50 (letal concentration 50) biểu thị lượng chất độc (mg) trong 1m3 không khí hoặc 1 lít nước có thể gây chết 50% cá thể thí nghiệm. LD50 và LC50 càng thấp chứng tỏ độ độc cấp tính càng cao. 2) Độc mạn tính (cg. độc thường diễn) chỉ khả năng tích luỹ chất độc trong cơ thể, khả năng gây đột biến, gây ung thư hoặc quái thai, dị dạng. Nếu thường xuyên làm việc nơi có chất độc (xưởng hoá chất, xử lí chất phế thải, sản xuất và phun thuốc trừ sâu, vv.), thì cần làm đầy đủ quy trình bảo hộ lao động, quy định kiểm tra độ độc nơi làm việc và khám sức khoẻ thường xuyên.
Ngoài việc nhiễm độc do trực tiếp hấp thụ chất độc, còn do bị môi trường sống gây nên như đất, không khí, nguồn nước sinh hoạt có chất độc hoặc dùng các nông sản, thực phẩm có chất độc tồn tại. Để bảo vệ an toàn cho người, gia súc và môi trường, các tổ chức thế giới và quốc gia đã có những quy định chi tiết và chặt chẽ về sản xuất, lưu thông, sử dụng các chất có khả năng gây độc, phân cấp các chất độc và quy định cách dùng, tiêu chuẩn không khí, đất và nước sinh học, xử lí chất thải công nghiệp, mức dư lượng tối đa cho phép về chất độc trong lương thực, thực phẩm, vv.
Trong luật bảo vệ sức khoẻ của Việt Nam (1991) có những quy định về sử dụng, lưu thông, chế biến các chất gây độc, xử lí các chất thải, vệ sinh lương thực, thực phẩm, vv.. mặc dù còn cần có nhiều hướng dẫn chi tiết hơn nữa mới đầy đủ (x. Chất độc).
ĐỘC TỐ (hoá), chất độc tiết ra từ sinh vật hay vi sinh vật. Phân biệt: 1) ĐT thực vật: chất độc chứa trong rễ, thân, lá, hoa… vd. stricnin trong cây, mã tiền. 2) ĐT thực phẩm: thường do các vi sinh vật trong thực phẩm tiết ra, vd. các loại aflatoxin trong lạc. 3) ĐT động vật: tiết ra từ rết, ong, bò cạp, các loại bò sát (vd. rắn độc). Tuỳ thuộc vào liều lượng mà trong một số trường hợp một chất có thể là ĐT hoặc là chất kích thích có tác dụng cũng bệnh., vd. nọc rắn là ĐT những với lượng nhỏ lại là thuốc chữa bệnh. ĐT vi khuẩn khác các chất độc thông thường. ĐT do vi khuẩn tiết ra vào môi trường xung quanh gọi là ngoại ĐT, khác với nội ĐT trên thân vi khuẩn.
ĐÔNG MÁU (sinh, y), hiện tượng máu từ thể lỏng trở thành thể đặc khi thoát ra ngoài cơ thể (vd. qua vết thương rách da và các phần mềm, vv.), là hiện tượng sinh lí phức tạp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố ĐM, mà sự rối loạn dẫn đến những bệnh chảy máu, hoặc di truyền hoặc mắc phải. Thường gian ĐM bình thường là từ 5 đến 7 phút. Lấy một khối lượng máu cho vào một ống nghiệm, máu từ thể lỏng trở thành thể đặc và sau đó co lại, chia ra làm 2 phần: phần đặc lắng ở đáy ống nghiệm gọi là cục ĐM, gồm có fibrin, các huyết cầu, vv.; phần dịch trong nổi lên trên cục ĐM gọi là huyết thanh.
Các bệnh máu làm thay đổi quá trình diễn biến ĐM: thời gian ĐM có thể kéo dài (trên nửa giờ); có khi cục đông không hình thành, không co, vv. Quan sát thời gian máu đông và hình thành cục đông cho thấy dấu hiệu của một số bệnh máu, vd. trong bệnh dễ chảy máu (hémophilie) máu đông chậm, thời gian ĐM kéo dài; trong bệnh sinh chảy máu (hémogénie) ngoài thời gian chảy máu kéo dài, cục đông không hình thành, vv.
ĐỒNG DÂM (y) x. Đồng tính luyến ái.
ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI (y), quan hệ luyến ái, tình dục giữa những người cùng giới tính, đều có bộ phận sinh dục phát triển bình thường. Trên thực tế thường gặp ĐTLA giữa nam với nam, ít gặp ở nữ hơn. ĐTLA tồn tại từ lâu ở các nước phương Tây, có nơi được chấp nhận như hợp pháp. Gần đây, được dư luận xã hội chú ý vì là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây lan tràn AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải).
ĐỐT SÁN (sinh; proglottis), một trong vô số các đốt cơ thể của sán dây. Các đốt chín sinh dục ở phần sau cơ thể có kích thước lớn và là cơ quan sinh sản phát triển đầy đủ. Các đốt đẫy sức ở sau cùng chứa rất nhiều trứng với phôi phát triển thường bị đứt tách ra khỏi cơ thể và theo phân ra ngoài cơ thể vật chủ. Khi trứng này được vật chủ trung gian ăn phải và nuốt vào ruột, chúng sẽ nở ra ấu trùng và tiếp tục chu kì phát triển (x. Sán dây).
ĐỐT SỐNG (sinh), các xương (hoặc sụn) tạo nên cột sống ở động vật có xương sống. Mỗi ĐS có cấu tạo điển hình gồm: thân ĐS ở phía bụng; cung ĐS ở phía lưng, có lỗ chứa tuỷ sống (ống não tuỷ). Từ cung ĐS có các mấu khác nhau để cho cơ bám. Cấu trúc này biến đổi tuỳ theo các khu vực khác nhau. Ở vùng cổ, các ĐS nhỏ tạo nên cột sống rất sinh động. Ở động vật có vú có 7 ĐS cổ: đốt thứ nhất (đốt đôi), đốt thứ hai (đốt trục) có cấu tạo đặc biệt. ĐS cổ thứ nhất hình nhẫn, tiếp xúc trực tiếp với họp sọ. Ở bò sát, chim, động vật có vú, đầu trên của ĐS cổ thứ nhất khớp với sọ cho phép đầu cúi xuống và ngẩng lên, đầu dưới khớp với ĐS thư hai để cho đầu quay vòng. ĐS cổ thứ hai là đốt sống dài nhẩt trong các ĐS của cột sống. Ở bò sát, chim và động vật có vú, đốt này có mấu răng với diện khớp nhỏ ứng với vành cung trước của ĐS cổ thứ nhất tạo thành trụ để quay đầu. Đặc điểm đặc trưng của ĐS cổ là có lỗ ĐS tương đối lớn. ĐS nằm ở vùng lưng trên là ĐS ngực. Mỗi bên đều có diện khớp ở hai bên thân đốt và ở u lồi bên ở khớp với các đầu trên của đôi xương sườn. Ở người, có 12 ĐS ngực, ĐS nằm ở phía dưới của cột sống giữa phần ngực và phần cùng là ĐS thắt lưng. Ở động vật có vú, có 5 ĐS thắt lưng, có các gai ngang lớn là chỗ bám cho cơ. ĐS rộng và chắc chắn giữa vùng thắt lưng và vùng xương cụt gọi là ĐS cùng. ĐS cùng khớp với khung chậu ở động vật bốn chi; ở lưỡng cư chỉ có một; ở bò sát, chim, động vật có vú có hai hoặc nhiều hơn. Các ĐS bảo vệ cho tuỷ sống ở vùng đuôi là ĐS đuôi. Vì phần chóp đuôi bị thoái hoá, nên các ĐS đuôi không có đặc điểm chung của ĐS của động vật có xương sống. Các đốt sống này chỉ có phần thân đốt hình trụ. Ở người và các động vật linh trưởng, các ĐS đuôi thoái hoá và hợp lại thành xương cụt.
ĐỘT BIẾN (sinhl mutatio), những biến đổi gián đoạn, nhảy vọt của tính di truyền, ảnh hưởng một cách nhất định lên các tính trạng. ĐB cung cấp nguyên liệu cho chọn lọc tự nguyên trong quá trình tiến hoá. Mọi biến đổi đó đều do khả năng tái tạo trên cơ sở sao chép của gen. Theo đặc điểm phát sinh, ĐB được phần thành: ĐB tự nhiên (ĐB ngẫu nhiên) và ĐB nhân tạo (ĐB thực nghiệm). Về biểu hiện di truyền , ĐB có thể trội (xuất hiện ở trạng thái dị hợp tử và bị phân li trong thế hệ tiếp theo) và ĐB lặn biểu hiện khi gen ĐB ở trạng thái đồng hợp tử. Dựa vào đặc điểm tính trạng hay tính chất chịu sự kiểm soát của gen ĐB, người ta phân biệt ĐB hình thái, ĐB sinh lí, ĐB hoá sinh. Dựa vào ảnh hưởng tương đối lên khả năng sống, mức sinh sản, chia ĐB thành: ĐB có ích, ĐB trung tính, ĐB có hại và gây chết (nếu ĐB kèm theo sự chết). ĐB có nhiều ứng dụng trong chọn giống động, thực vật và vi sinh vật: tạo ra các sinh vật có sức chống chịu sâu hại, thay đổi sức sinh sản, tính miễn kháng với các chất độc, phản ứng với điều kiện môi trường như nhiệt độ; thay đổi sinh hoá học hoặc hình thái học quần lạc, năng suất; sản sinh ra các chế phẩm sinh học của vi sinh vật. Ở người, các ĐB có thể làm thay đổi hình thái, hoá sinh, cử chỉ, trí thông minh, một số dạng về khiếu thẩm mĩ (nặng khiếu về âm nhạc, hội hoạ, trí nhớ, vv.)
ĐỘT BIẾN CẤU TRÚC NHIỄM SẮC THỂ (sinh), các đột biến biểu hiện giữa các nhiễm sắc thể và trong từng nhiễm sắc thể. Gồm có hiện tượng: mất đoạn (deletion), mất đi một phần của đoạn nhiễm sắc thể nhỏ bên trong hoặc phần đầu mút của nhiễm sắc thể; nhân đoạn (duplication), thêm từng gen hay một nhóm gen vào bộ nhiễm sắc thể cơ bản; đảo gen (inversion), chuyển đoạn đột biến giữa các nhiễm sắc thể tạo nên các nhiễm sắc thể mới.
ĐỘT BIẾN GEN (sinh), đột biến xảy ra bên trong các gen, do ngẫu nhiên hay do gây nhân tạo. Bản chất hoá sinh của ĐBG là do những biến đổi trong trình tự các cặp bazơ trong mạch polinucleotit như thay thế một cặp hay thêm cặp của các cặp trong gen, vì vậy không phải tất cả đều dẫn đến thay đổi kiểu hình của sinh vật, xt. Đột biến.
ĐỘT QUỴ (y; trúng phong), ngừng đột ngột ở mức độ nặng nhẹ khác nhau tất cả các hoạt động của não (mất tri giác, các vận động tự chủ) trong khi các chức năng sống vẫn còn (tim vẫn đập, phổi vẫn thở, vv.). Nguyên nhân: chảy máu não ở những người tăng huyết áp; tắc động mạch não gây thiếu máu cục bộ nhất thời, một vào trường hợp xảy ra trong khi giao hợp (gọi là phạm phòng). Dự phòng: theo dõi sức khoẻ định kì những người bị tăng huyết áp; chế độ sinh hoạt nhẹ nhàng, tránh các chấn động tâm thần, các cảm xúc quá mạnh; chú ý đặc biệt đến các thay đổi thời tiết (quá nóng, quá lạnh) giao thời giữa xuân – hè, thu – đông. Điều trị theo nguyên nhân. (x. Chảy máu não).
Theo y học cổ truyền, ĐQ là trạng thái đột nhiên ngã bất tỉnh nhân sự, hoặc đột nhiên méo mồm, liệt nửa người, nói khó (tương đương với tai biến mạch máu não theo y học hiện đại). Nguyên nhân là phong (ngoại phong, nội phong). Trúng phong phân ra 2 thể lớn: trúng kinh lạc và trúng tạng phủ. 1) Trúng kinh lạc chỉ có liệt nửa người, méo mồm. Cách chữa: bột hoa kinh giới 10 g, rượu trắng 20 ml, mỗi lần uống 5 g bột và 10 ml rượu hoà tan với nước sôi để nguội, uống trong một vài ngày; chữa méo mồm bằng châm cứu các huyệt Địa thương, Giáp xa, Tinh minh; châm cứu các huyệt Khúc trì, Kiên ngung, Thủ tam lí, Hợp cốc, Ngoại quan, Bát tà, Dương trì, Dương lan tuyền, Hoa khiêu, Phong thị, Túc tam lí, Giải khuê, Bát phong, kết hợp vận động các khớp bên liệt hàng ngày để chữa liệt nửa người. 2) Trúng tạng phủ chia ra làm 2 thể: hôn mê nông với huyết áp cao (chứng bế), hôn mê sâu với huyết áp tụt hoặc mất huyết áp (chứng thoát). Chữa chứng bế: châm Nhân trung, Dũng tuyền, Thập tuyền, Bách hội; dùng xương bồ 8 g, tỏi 2 g giã nhỏ, hoà với 20 ml nước sôi vắt nước bỏ bã, lọc lấy nước thêm 4 ml rượu trắng, quấy đều, uống; nếu đờm nhiều, dùng la bặc tử (hạt củ cải) sao chín 4 g, quả bồ kết 4 g, bỏ hột nướng vàng, tán mịn, mỗi lần uống 5 g hoà tan với nước đun sôi, để nôn đờm. Chữa chứng thoát: cứu huyệt Thần khuyết bằng điếu ngải đến khi chân tay ấm lại; dùng sâm cao li 10 g sắc đổ từng thìa; sau khi đã tỉnh lại, để lại di chứng liệt nửa người (x. Liệt nửa người).
ĐỘT TỬ (y), chết đột ngột ở một người mà tình hình bệnh tật hay sức khoẻ trước đó không lí giải được thoả đáng. Phải mổ tử thi và làm giám định pháp y để tìm nguyên nhân, tuy nhiên việc xác định có thể khó khăn. Nguyên nhân: các bệnh của não (chảy máu não, nhồi máu não, tắc mạch não); các bệnh tim (nhồi máu cơ tim, vỡ tim, vv.); khái huyết sét đánh, thổ huyết sét đánh, chảy máu trong nặng (ung thư gan vỡ vào ổ bụng, viêm tuỵ chảy máu, vỡ một phần động mạch chủ, vv.). Đề phòng đột tử: quản lí sức khoẻ các đối tượng có nhiều nguy cơ (trẻ sơ sinh, người có tuổi từ 50 trở lên, người lao động trong môi trường có nhiều độc hại, vv.).