Từ điển Y học Việt Nam – Mục F

614

Từ điển Y học Việt Nam – Mục F

FIBRIN (A. fibrin), loại protein không hoà tan có tác dụng làm đông máu. Trong quá trình đông máu, tiểu cầu hay các mô giải phóng chất gọi là thromboplaxtin. Chất này với sự có mặt của ion canxi biến enzim prothrombin thành thrombin. Thrombin hoạt động biến fibrinogen trong huyết tương thành F và F sẽ kết tủa làm đông máu. F là một globulin, dưới dạng sợi trắng nhỏ như bông, chun giãn, làm thành một mạng lưới giam cầm những huyết cầu, huyết thanh và thành cục máu đông.

FIBRINOGEN (A. fibrinogen), chất globulin (protein) phân tử lớn, dài, có trong huyết tương, tạo ra fibrin tham gia quá trình làm đông máu. Bình thường huyết tương có 0,2 – 0,4 g F trong 100 ml. F tăng trong hầu hết các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt trong khớp và viêm phổi, có thể dẫn tới 1 g/ 100 ml hoặc cao hơn nữa. F giảm khi tế bào bị tổn thương như xơ gan, suy gan.

FOCXEP (Ph. forceps), dụng cụ sản khoa bằng kim loại có hai cành đối xứng , kết hợp với nhau bắt chéo hoặc song song, có độ cong, kích thước, hình dáng phù hợp với đầu thai nhi đủ tháng và khung xương chậu người mẹ; để giữ và kéo đầu thai nhi sau khi cổ tử cung đã mở hết, ối vỡ và đầu thai nhi ra ngoài theo một cơ chế gần giống như đẻ tự nhiên. F được đặt trong những trường hợp: rặn lâu không có hiệu quả, cuộc đẻ không tiến triển; không cho sản phụ rặn do có vết mổ đẻ của lần trước, do suy tim, huyết áp cao, suy thai.