Từ điển Y học Việt Nam – Mục H
HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG x. Lê Hữu Trác.
HÀN RĂNG (tk. trám răng), phương pháp chữa răng sâu, được tiến hành bằng cách: dùng mũi khoan răng mài sạch các bờ của ổ sâu răng; tạo hình phần còn lại của răng để răng có hình dáng thích hợp và có thể giữ vững chắc vật liệu trám bít (amangam, xi măng răng, nhựa, nhựa hỗn hợp, kim loại); dùng vật liệu trám bít chỗ thiếu hổng ở răng.
BỆNH CƠM bệnh lây do virut với thương tổn sùi lên mặt da, bằng đầu đinh ghim hoặc to hơn, có màu nâu xám hoặc nâu sẫm, khu trú ở ngón tay, dưới rãnh móng, mu và lòng bàn tay, bàn chân và cả thân mình. Ở trẻ em và người còn trẻ, sẩn có hình đa giác, có màu như màu da hoặc sẫm hơn; ở người có tuổi, sẩn bè rộng, có chất bã, màu xám hoặc đen, đóng thành vẩy, khi cậy ra thấy sần sùi. Điều trị chủ yếu bằng đốt điện, đốt bằng hoá chất hoặc nitơ lỏng.
HẮC LÀO bệnh da do nấm với tổn thương: dát màu hồng, có ranh giới rõ ràng, ở giữa nhạt màu hơn, trên có vẩy da nhỏ, dễ bong, quanh bờ có mụn nước nhỏ, rất ngứa. Thương tổn HL thường xuất hiện ở mông, bụng, bẹn, có khi ở các chi. Dễ lây qua tiếp xúc trực tiếp và dùng chung quần áo. Điều trị: bôi hàng ngày cồn iốt 2%, mỡ axit chrisophanic 3%, dung dịch ASA (cồn, natri salixilat, aspirin); ngày bôi 2 – 3 lần. Phòng bệnh: giữ gìn vệ sinh thân thể; xoa phấn rôm để giữ các kẽ da khô, nhất là vào mùa nóng, ẩm; không dùng chung quần áo, giày dép.
HẮC MẠC (tk. thạch mạc), bộ phận của màng bồ đào, nằm giữa cung mạc và võng mạc, trải rộng từ vùng ora serrata đến đĩa thị. Trong HM có nhiều sắc tố và mạch máu nuôi dưỡng các lớp ngoài của võng mạc.
HẮC TỐ sắc tố nội sinh gồm các hạt nhỏ, không đều, màu thẫm từ đen đến hung hung; bình thường gặp ở nhiều bộ phận trên cơ thể (hắc mạc hay màng mạch; lớp đáy hay lớp nền của da, thượng thận, tuỷ, tế bào thần kinh). Người da sẫm có nhiều HT hơn người da trắng; người da trắng cảm ứng ánh sáng hơn da màu. HT có nhiều trong các u HT da, thường là u lành tính. Nếu ác tính hoá, u HT di căn rất mạnh và nhanh; vì vậy không được làm sinh thiết một phần u HT nghi ung thư hoá, mà phải cắt bỏ rộng ngay từ đầu (sinh thiết cắt bỏ).
HẰNG SỐ SINH HỌC đại lượng có giá trị không đổi, thu được bằng phép thống kê những chỉ số đo lường được trên toàn bộ, từng bộ phận, các thành phần cấu tạo cơ thể (máu, các dịch, vv.) với các phương tiện từ trắc đạc thông thường (thước đo, cân) đến các trang bị hiện đại, tinh vi, chính xác ở các phòng xét nghiệm (vật lí, hoá học, sinh học, thăm dò chức năng). HSSH biến đổi tuỳ theo điều kiện môi trường, sự phát triển kinh tế – xã hội của từng giai đoạn lịch sử. (con người thế kỉ 20 to lớn hơn ở các thế kỉ trước). Nghiên cứu HSSH là một bộ phận của điều tra cơ bản trong việc hoạch định “Chiến lược con người”. HSSH là những số liệu tham khảo để thiết kế nhà ở, đồ dùng, nội thất, sản xuất quần áo, giầy, mũ hàng loạt, vv. Năm 1975, Bộ y tế đã xuất bản quyển HSSH người Việt Nam.
HẰNG SỐ SINH LÍ đại lượng có giá trị không đổi, thu được bằng biện pháp thống kê những chỉ số sinh lí học, cho phép đáng giá tình trạng chức năng của một cơ quan, một cơ thể bình thường, phản ánh tình trạng sức khoẻ, được dùng làm cơ sở trong chuẩn đoán, dự phòng, chữa bệnh. HSSL thu được qua xét nghiệm, phân chất các thành phần của cơ thể (máu, các dịch) hay các chất đào thải (nước tiểu) được biểu hiện bằng các con số tuỳ theo quy định của mỗi phòng xét nghiệm, quốc gia. Vd. đối với máu: số lượng hồng cầu 4 triệu – 4,5 triệu trong 1 mm3 (dưới 4 triệu là thiếu máu, trên 5 triệu là bệnh tăng hồng cầu); thời gian đông máu trong ống nghiệm là 10 – 20 phút, nếu trên 60 phút là bệnh ưa chảy máu; thời gian chảy máu là 3 – 4 phút; hàm lượng hemoglobin (huyết cầu tố) 12 – 18 g/ 100ml máu, hoặc 156 – 200 mg/ 100 ml huyết tương. Đối với nước tiểu của người lớn bài tiết trong 24 giờ: 1000 – 1200 ml (nữ), 1200 – 1400 (nam), protein – niệu không có (-), tỉ trọng nước tiểu 1,018 – 1,022. Xt. Hằng số sinh học.
HẬU MÔN lỗ sau của ống tiêu hoá, có ở hầu hết động vật để đưa phân, đôi khi các chất thải nửa đặc ra ngoài cơ thể, thường do cơ điều khiển. HM đôi khi mở vào huyệt (ở động vật bậc thấp). Một số động vật ở nước còn dùng HM trong quá trình hô hấp.
HEN 1. (y), điển hình là H phế quản (cg. suyễn), bệnh thường hay gặp. Dấu hiệu lâm sàng chủ yếu là cơn H, cơn khó thở ra chậm, xảy ra một cách đột ngột vào ban đêm, sau khi ngủ 2 hay 3 giờ; cơn kéo dài vài phút đến 1 – 2 giờ; đến cuối cơn bệnh nhân ho, ho khan hoặc khạc ra đờm đặc quánh, trắng, lổn nhổn; cơn H dịu dần, tự biến mất hoặc do điều trị; bệnh nhân có thể ngủ lại. Cơn H có thể đơn độc, không tái diễn ngày hôm sau, cũng có thể tái diễn trong nhiều ngày. Giữa các cơn H, cơ quan hô hấp hoạt động bình thường. Sau một thời gian, các cơn H thay đổi tính chất: có khạc đờm, sốt, các cơn sốt nối nhau liên tiếp, tạo nên trạng thái khó thở, ho thường xuyên, lâu dần dẫn đến suy tim (phải). Cơn H điển hình có thể diễn tả một tạng dị ứng: sổ mũi cơn chu kì do dị ứng với phấn hoa, rơm, rạ, …xảy ra vào mùa gặt; sổ mũi cơn không chu kì; viêm phế quản liên tiếp, mề đay, polip mũi, viêm xoang, vv. Điều trị nguyên nhân (nếu tìm được). Thông thường điều trị cắt cơn H (dùng theophylin, épheđrin,vv.). Điều trị giữa các cơn: cải thiện tạng (cơ địa); điều trị các ổ nhiễm khuẩn; thay đổi môi trường (vùng khí hậu thích hợp, tránh các yếu tố gây xúc cảm mạnh, cải thiện môi trường sống, vv.). H ở người lớn có thể xuất hiện muộn, ở người nhiều tuổi, đặc biệt ở phụ nữ gần tuổi mãn kinh. Lưu ý các yếu tố tinh thần, nội tiết. H trẻ em gặp ở trẻ sơ sinh, nếu nặng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển. Đến tuổi dậy thì, có thể khỏi. Tập luyện thể dục thể thao, rèn luyện cơ thể một cách thích hợp có tác dụng tốt.
2. (thú y), những cơn khó thở với tiết dịch nhiều ở phế quản do co bóp không chủ động của hệ cơ phế quản lớn và nhỏ. Thường thấy hội chứng này ở những loài chó lùn mặt dẹt. Ở ngựa, có một hội chứng gọi là khí thũng phổi (phù có hơi) mạn tính: các phế nang giãn ra một cách không bình thường làm vỡ thành phế nang khiến không khí lọt sang những mô gián cách. Ở Việt Nam, bệnh viêm phổi do virut ở lợn được gọi là bệnh suyễn, không nên nhầm với hội chứng H. Bệnh H thở ở gà là bệnh CRD (mycoplasmosis).
HEN TIM cơn khó thở kịch phát, xảy ra ở những người bị bệnh tim: khó thở có hai thì, xảy ra đột ngột ban đêm hoặc sau một hoạt động cố sức; bệnh nhân phải ngồi mới thể được, môi tím, có thể ho và khạc đờm có bọt và màu hồng. Cơn khó thở kéo dài 5, 10 phút, không quá 30 phút. Nếu không cấp cứu kịp thời, sẽ xảy ra phù phổi cấp, có thể gây tử vong rất nhanh. Nguyên nhân: suy tim trái mạn tính ở người bị bệnh hẹp van hai lá, cao huyết áp; suy tim trái cấp tính ở người bị nhồi máu cơ tim hay loạn nhịp tim. Dự phòng: chữa nguyên nhân (bệnh tim) theo chỉ định của thầy thuốc.
HẸP BAO QUY ĐẦU chứng hẹp lỗ bao quy đầu, bình thường bao vẫn trùm kín quy đầu, làm cho chất bựa đọng lại bên trong. Nếu lỗ này quá hẹp, cần cắt bao quy đầu, để giữ gìn vệ sinh bộ phận sinh dục và phòng biến chứng chít hẹp bao quy đầu.
HẸP MÔN VỊ tình trạng môn vị (lỗ dưới của dạ dày thông vào hành tá tràng) bị hẹp lại, làm tắc một phần hay hoàn toàn sự lưu thông giữa dạ dày và ruột non. Có HMV bẩm sinh và HMV mắc phải.
1) HMV bẩm sinh ở trẻ sơ sinh và trẻ còn bú, còn gọi là HMV phì đại vì các lớp cơ vòng của môn vị to và dầy hơn bình thường rất nhiều, tạo nên một khối u gọi là u cơ môn vị, làm tắc hoàn toàn lỗ môn vị, xảy ra ngay sau khi sinh hoặc một thời gian ngắn sau khi sinh. Bệnh nhi nôn vọt sau khi bú, sữa trào ra miệng, mũi nhưng không bao giờ có lẫn chất mật. Điều trị bằng phẫu thuật rạch đứt các lớp cơ trơn đến tận niêm mạc, cho kết quả tốt.
2) HMV mắc phải là biến chứng của nhiều bệnh như loét dạ dày (môn vị, hang vị), loét hành tá tràng, ung thư hoặc polip hang vị. Triệu chứng chính: nôn các thức ăn cũ từ ngày hôm trước; buổi tối trước khi đi ngủ, bệnh nhân phải móc họng cố gặng nôn ra cho hết các thức ăn ở trong dạ dày thì mới thấy dễ chịu; vùng thượng vị (trên rốn) nổi cuộn cục; sôi bụng, khi đói lắc bụng có tiếng óc ách, ợ có mùi hăng và hôi do thức ăn lưu lâu ở dạ dày đã lên men. Dạ dày thường bị giãn. Điều trị: mổ để phục hồi sự lưu thông giữa dạ dày và ruột non (nối vị – tràng hoặc cắt dạ dày).
HẸP PHẾ QUẢN khẩu kính của phế quản bị hẹp lại do nguyên nhân ngay ở trong lòng phế quản (dị vật, u, polip, sẹo ở thành phế quản) hoặc ở ngoài phế quản (hạch lympho, khối u, vv.). HPQ thường sinh ứ đọng chất tiết dưới chỗ hẹp, gây nhiều hội chứng bệnh lí phế quản – phổi (làm tắc nghẽn sự thông khí, xẹp phổi, gây viêm phổi, apxe phổi, vv.) hoặc gây giãn phế nang, giãn phế nang.
HẸP VAN TIM tình trạng hẹp lỗ van tim do viêm dính các mép van, sùi van trong bệnh thấp khớp cấp; khối u trong buồng tim; bẩm sinh. HVT gây cản trở sự lưu thông máu: khi tim co bóp, không đẩy được máu nhanh chóng qua lỗ van bị hẹp, máu bị ứ trệ lại ở phía trên chỗ hẹp gây nên những thay đổi về huyết động học; buồng tim ở phía trên chỗ hẹp phải tăng cường độ co bóp, sẽ phì đại, thành tim dày lên, về sau sẽ gây nên suy tim; ở dưới chỗ hẹp, sự cung cấp máu bị giảm với các hậu quả kèm theo. Thường hay gặp nhất: hẹp van hai lá (van ở giữa tâm nhĩ và tâm thất trái); hẹp van tổ chim (van ở giữa tâm thất trái và động mạch chủ) do lão hoá và vôi hoá ở người trên 50 tuổi. Triệu chứng: thời kì đầu không rõ rệt; thời kì sau với khó thở, thở hổn hển lúc cố sức, đánh trống ngực, cơn đau thắt ngực, ngất (trong trường hợp hẹp van tổ chim), vv. Chuẩn đoán dựa vào khám lâm sàng, X quang, siêu âm. Dự phòng: điều trị tích cực và lâu dài bệnh thấp khớp cấp ở trẻ em, người còn trẻ, các nhiễm khuẩn răng – miệng; chế độ sinh hoạt thoải mái; theo dõi sức khoẻ định kì ở giai đoạn sau, lúc bệnh nhân không chịu đựng được độ hẹp lỗ van tăng, phải mổ tách van tim, nong rộng van, thay van nhân tạo, HVT có thể kèm theo hở van tim nhân tạo hoặc sửa van.
HEPARIN (A. heparin), chất chống đông máu có trong gan, tim, cơ động vật và một số động vật hút máu tiết ra để ngăn cản quá trình biến prothrombin thành thrombin. H còn làm trong huyết thanh vì nó làm cho lipoproteinaza từ mô giải phóng ra huyết tương. Thành phần hoá học của H gồm: glucozamin, axit gluconomic và axit sunfuric (dưới dạng este). Đơn vị cấu tạo gồm nhiều disacarit nối với nhau, phân tử khối 17 – 20 nghìn.
HEROIN (A. heroin, diacetylmorphine; cg. bạch phiến, diaxetylmocphin), C21H23NO5. Là dẫn xuất diaxetyl của mocphin. Tinh thể hoặc bột trắng, không mùi, vị đắng; tnc = 173oC. Tan trong etanol, clorofom, ete. Một loại ma tuý, rất độc, dễ gây nghiện, có thể dẫn tới tử vong.
HERPES (A. herpes) 1. Nhóm virut động vật có dạng hình khối, có vỏ, đường kính 200 nm, có phân tử AND kép mạch thẳng. Được bọc trong vỏ hình khối có 20 mặt. Tác nhân gây một số bệnh: H, thuỷ đậu, bệnh zona, bệnh Marek.
2. Bệnh H: mụn nước nhỏ, nổi từng đám, gây ngứa, không nặng (trừ ở trẻ sơ sinh). Mụn nước bằng đầu đinh ghim, vỡ ra, khô lại thành vẩy. Diễn biến khoảng 8 ngày, không để lại sẹo. Sau khi bị lần thứ nhất (thường không rõ), virut sống trong các hạch thần kinh và có thể gây bệnh trở lại khi có thể bị viêm phổi, cúm, đau răng, tiêm chủng, sốt say nắng, vv. Thường thấy ở môi (dân gian gọi là chốc méo), mũi, trong miệng, mắt và bộ phận sinh dục (cần phân biệt với bệnh hoa liễu). Không cần điều trị, trừ trường hợp tái phát nhiều lần không rõ nguyên nhân hoặc trong trường hợp bệnh xuất hiện khi hành kinh. Có thể dùng kháng sinh, vacxin H, gamma – globulin.
Ở súc vật, cũng thấy bệnh H, một chứng viêm chân bì do virut H, nổi những mụn nhỏ cạnh các lỗ tự nhiên, có kèm theo viêm vùng lân cận.
3. H mắt: viêm kết mạc, nhất là giác mạc, do virut H với đặc điểm rất hay tái phát. Một trong các nguyên nhân chính gây mù do tổn thương giác mạc. Bệnh thể hiện bằng nhiều hình thái khác nhau: loét nông, loét hình cành cây, hình chân rết, hình bản đồ địa dư; hình thái sâu, nhỏ trong nhu mô giác mạc không kèm theo loét nông giác mạc, thể hiện bằng viêm hình đĩa. Có nhiều yếu tố toàn thân thuận lợi cho bệnh phát triển (sốt, cảm, cúm, chu kì sinh lí của phụ nữ) hoặc tại chỗ (bụi, dị vật trên giác mạc) làm cho bệnh xuất hiện hoặc tái phát. Sau mỗi lần tái phát, bệnh lại nặng thêm, thị lực lại giảm đi.
HỆ BẠCH HUYẾT x. Hệ tuần hoàn.
HỆ GEN (A.genome), bộ nhiễm sắc thể có trong từng tế bào hoặc sinh vật đơn bội. Các sinh vật đơn bội có một HG, sinh vật lưỡng bội có hai HG, các sinh vật đa bội cùng một lúc mang nhiều HG từ cùng một tổ tiên (các thể tự đa bội) và đôi khi từ các tổ tiên khác nhau (các thể dị đa bội). HG còn được hiểu là toàn bộ các yếu tố di truyền khu trú trong nhân.
HỆ HÔ HẤP (tk. bộ máy hô hấp), hệ thống các cơ quan thực hiện việc hấp thụ oxi của không khí và thải khí cacbonic từ cơ thể động vật ra ngoài. Mức độ tiến hoá của HHH phụ thuộc vào mức tiến hoá của các nhóm động vật.
Ở động vật nguyên sinh, việc hô hấp thực hiện qua toàn bộ cơ thể. Ở Thân lỗ (Porifera) có các bào phòng lót tế bào tiêm mao. Các loài giun chưa có HHH nên việc lấy oxi và thải cặn bã ra ngoài cũng do bề mặt cơ thể đảm nhận. Ở côn trùng đã hình thành HHH gồm các khí quản là các ống vách lót các tấm kitin làm các ống này luôn căng phồng và thông ra ngoài bằng các lỗ thở phân phối khắp các đốt cơ thể. Những động vật không xương sống ở nước, thường thở bằng mang lá, mang tấm (sam, thân mềm…).
Ở động vật có xương sống, HHH được hoàn thiện dần. Cá hô hấp bằng mang ngoài (cá sụn), mang nằm trong các khe mang (cá xương), nước được lưu thông từ hầu qua mang, đưa oxi vào rồi ra ngoài qua khe mang. Ở lưỡng cư, bò sát, đã có phổi nhưng cũng chỉ là các bao đàn hồi đơn giản với các nếp gấp để tăng diện tiếp xúc. HHH hoàn thiện nhất là ở động vật có vú (kể cả người), gồm phổi và những đường hô hấp ngoài phổi (phế quản gốc, khí quản, thanh quản, hầu, hốc mũi). Các cơ quan này có nguồn gốc nội bì (trừ hốc mũi) (xt. Phổi). Đặc biệt hốc mũi của động vật có vú được bao phủ bằng lớp niêm mạc, gồm tế bào biểu mô trụ giả có lông chuyển, có tế bào tiết chất nhày làm cho lớp biểu mô này không bị khô và bao lấy bụi, vi khuẩn do không khí mang vào, lông chuyển rung động liên tục đẩy dần chất nhầy lên miệng khí quản để tống ra ngoài. Các tế bào lympho rải rác trong niêm mạc các ống khí, giữ bụi và vi khuẩn, có tác dụng bảo vệ HHH.
HỆ MẠCH MÁU x. Hệ tuần hoàn.
HỆ SINH DỤC CÁI cơ quan sinh sản ở động vật cái bậc cao, gồm: buồng trứng phát sinh từ trung bì trung gian, đảm nhiệm việc tạo những giao tử cái và tiết những hocmon; hai vòi trứng [vòi Falôp (Fallope)]; tử cung và âm đạo; bộ phận sinh dục ngoài (âm hộ).
Ở người, buồng trứng hình hạt đậu, dài 3 cm, nằm dưới khoang bụng, chứa 150 – 500 nghìn noãn trong đó có khoảng 400 noãn được phát triển thành tế bào trứng thành thục. Khi trứng chín thì rụng vào khoang bụng, sau đó rơi vào một trong hai vòi trứng và di chuyển theo ống nhờ dòng chảy do tiêm mao biểu mô lót cử động tạo nên. Vòi trứng mở ra ở góc trên tử cung – nơi mà phôi phát triển. Tử cung nằm ở trung tâm khoang bụng, sau bàng quang. Tử cung đổ vào âm đạo qua vòng cơ (cổ tử cung). Âm đạo là nơi thu nhận tinh dịch khi giao phối, cũng là nơi đẻ con.
Tập hợp tất cả các cơ quan sinh dục phía ngoài là âm hộ: môi sinh dục lớn gồm nếp da mô mỡ, mọc lông và tuyến nhờn; trong môi sinh dục lớn là môi sinh dục nhỏ; phía trước nơi các môi sinh dục dính vào nhau là âm vật rất nhạy cảm và cương cứng (tương đồng với dương vật), được che khuất sau nếp da. Âm vật và môi sinh dục nhỏ có chứa chức năng điều hoà hưng phấn tình dục. Lỗ âm đạo nằm sau lỗ tiết niệu, được che bằng màng mỏng (màng trinh). Ở bờ bụng dưới ngay trên âm vật là đồi Vệ nữ. Sự tồn tại và hoạt động bình thường của HSDC phụ thuộc vào những hocmon sinh dục tiết ra từ buồng trứng và thuỳ trước tuyến yên. Trước tuổi trưởng thành, buồng trứng chưa hoạt động, chưa tiết hocmon. Đến tuổi trưởng thành sinh dục, các buồng trứng hoạt động, phóng noãn đều đặn (ở người 28 ngày), trước khi phóng noãn có tiết folliculin và sau phóng noãn có folliculin và progesteron. Ở người khi mãn kinh, các niêm mạc teo lại và các bộ phận của hệ sinh dục đều có thể bị bệnh.
HỆ SINH DỤC ĐỰC cơ quan sinh sản ở động vật đực bậc cao, gồm có: hai tinh hoàn đảm nhiệm việc sản ra những giao tử đực (x. Tinh trùng) và tiết vào máu những hocmon sinh dục; những đường dẫn tinh và các tuyến phụ, cơ quan giao cấu – dương vật.
Đôi tinh hoàn thường phát triển trong khoang bụng, ở người và động vật có vú, ngay trước hoặc sau khi sinh, các tinh hoàn đã tụt vào trong bìu (túi da do thành cơ thể tạo nên). Khoang bìu thông với khoang bụng bằng ống bẹn. Sau khi tinh hoàn theo ống bẹn tuột vào bì thì ống dính lại nhờ mô liên kết (tinh hoàn phải tuột vào bìu thì mới hình thành được tinh trùng vì trong khoang bụng nhiệt độ quá cao sẽ ức chế sự sinh tinh). Mỗi tinh hoàn có khoảng một nghìn ống sinh tinh. Xen kẽ giữa các ống sinh tinh là tế bào mô kẽ, có vai trò chế tiết các hocmon sinh dục. Thành ống sinh tinh gồm các tinh nguyên bào (được tạo thành từ tế bào sinh dục nguyên thuỷ), tế bào dinh dưỡng (tế bào Sectori nằm xen kẽ với tế bào dòng tinh) cung cấp chất dinh dưỡng nuôi tinh trùng trong thời gian phát triển từ các tế bào tròn thành các giao tử có đuôi. Việc hình thành tinh trùng diễn ra theo dạng làn sóng lan dọc ống sinh tinh. Các ống sinh tinh nối với ống chung uốn khúc là ống dẫn tinh (ở người, mỗi ống dẫn tinh dài 0,6 m) đi từ bìu qua ống bẹn vào khoang bụng, luồn dưới bàng quang đổ vào niệu đạo (ở người, ống niệu đạo xuyên qua dương vật). Dương vật được bọc bởi da thể hang xốp, khi hưng phấn tình dục, các mạch máu trong mô căng to làm dương vật to và cứng. Có ba loại tuyến tham gia và sự hình thành tinh dịch: tuyến túi tinh tiết tinh dịch; tuyến tiền liệt tiết dịch có mùi đặc biệt; tuyến Cupơ (Cooper) tiết dịch kiềm tính. Trong tinh dịch có chứa glucôzơ, fructozơ. Ở người, các bệnh của tuyến tiền liệt xuất hiện sau tuổi dậy thì như viêm nhiễm từ niệu đạo với các dấu hiệu này tăng lên khi đi tiểu; u tuyến tiền liệt gây đái rắt vào ban đêm và cả ban ngày; ung thư thường xảy ra khoảng từ 40 tuổi, với biểu hiện đái khó, đau và cảm giác dày ở khung chậu. Cần đi khám để được chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.
HỆ SINH DỤC NAM x. Hệ sinh dục đực.
HỆ SINH DỤC NỮ x. Hệ sinh dục cái.
HỆ THẦN KINH hệ thống tế bào phân nhánh gồm tế bào thần kinh (nơron) và thần kinh đệm nâng đỡ các mô sợi bao quanh ở các động vật đa bào; có chức năng thông tin giữa các thụ quan và cơ quan hoạt động với mức độ khác nhau, các thông tin từ các thụ quan khác nhau được phân tích tổng hợp ghi nhớ ở trung ương thần kinh, rồi từ đó có các lệnh đáp ứng với các kích thích. Các tế bào thần kinh liên kết nhau qua các mối tiếp xúc đặc biệt – các synap, các sung đột được truyền qua nó, chỉ hướng xung động theo một chiều và là cơ sở của mọi phân tích tổng hợp. Xung động là một thế năng điện hoá gồm sự thay đổi lan truyền trong cả hai phía của màng tế bào thần kinh. Tốc độ truyền của thế năng 1 – 120 m/s, phụ thuộc vào từng loại tế bào thần kinh và loài động vật. HTK đơn giản nhất là thần kinh mạng lưới, có ở động ruột khoang. Ở động vật bậc cao hơn, có hiện tượng tập trung thành các hạch – các trung tâm phân tích tổng hợp. Hạch thần kinh lớn nhất nằm trong đầu – não. Não là trung tâm điều hoà mọi hoạt động của cơ thể. Não thông tin với cơ thể qua tuỷ sống, gồm chủ yếu là các sợi trục dài truyền xung động đến và đi ra từ não, còn các sợi vòng điều khiển các phản xạ của cơ thể với HTK ngoại biên mà chủ yếu là các tế bào cảm giác, gồm những bó dẫn xung động từ các trung tâm ở trên xuống tuỷ (như các bó tháp, ngoại tháp) và những bó dẫn xung cảm giác từ tuỷ lên. Các tua rể nơron chui qua lỗ xương sọ và cột sống ra ngoài thành các dây thần kinh ngoại vi. Gồm 12 đôi từ sọ (đánh số La Mã từ I đến XII) và các dây tuỷ, mỗi đốt một đôi. Các dây tuỷ, trừ một số ở lưng, có nhiều sợi nối với nhau, hợp thành các đám rối: đám rối cánh tay, thắt lưng cùng. Toàn bộ các dây và hạch thần kinh được gọi là HTK ngoại vi.
Phần trung tâm của HTK gồm não và tuỷ nằm hoàn toàn trong hộp sọ và cột sống. Khối não có một rãnh sâu cắt dọc nửa chừng, tạo nên hai bán cầu đại não trái và phải. Giữa mỗi bán cầu có một khoang trống (các não thất bên) và phía sau, dưới rãnh liên bán cầu còn hai khoang trống khác, đó là não thất 3 và 4. Các não thất có ống thông với nhau và cuối cùng thông với ống tuỷ là nơi tiết và chứa dịch não tuỷ. Não trung gian bao quanh não thất 3 là trung tâm nhận cảm (vùng đồi thị) và điều khiển các chức năng thực vật (vùng dưới đồi), đồng thời thông qua tuyến yên, trung tâm phối hợp thần kinh – nội tiết.
Thân não, ở phía dưới kéo dài thành hành tuỷ để tiếp nối với tuỷ sống. Tác nhân điều khiển hoạt động sống của cơ thể (tuần hoàn, hô hấp…) tập trung tại thân não và hành tuỷ, nơi đây còn là chỗ đi qua của hầu hết các đường thần kinh nhưng lại là phần nông nhất và được bảo vệ kém nhất. Một va chạm vào gáy có thể làm thương tổn các đường thần kinh, ngưng trệ toàn bộ hoạt động sống.
Tiểu não nằm phía sau thân não, dưới hai bán cầu đại não và cũng được chia thành hai bán cầu và một thuỳ ở giữa. Tiểu não giữ vai trò điều hoà và phối hợp các vận động, thăng bằng.
Toàn bộ phần trung tâm được bao bọc bởi một màng có ba lớp (từ ngoài vào trong là màng cứng, màng nhện, màng nuôi, được gọi chung là màng não tuỷ) đồng thời là một túi chứa dịch não tuỷ.
HTK sinh dưỡng điều khiển hoạt động tự động của các cơ quan trong cơ thể như tim, dạ dày, phổi…hoặc trực tiếp điều khiển các cơ trơn, hoặc gián tiếp qua HTK thô sơ của cơ quan (như tim). HTK sinh dưỡng có hai thành phần: hệ giao cảm xuất phát từ các nơron sừng bên của tuỷ, đoạn lưng – thắt lưng đi tới chuỗi hạch giao cảm hai bên cột sống, từ đó phân nhánh tới các cơ quan; hệ phó giao cảm xuất phát một phần tử não (dây thần kinh X hay dây thần kinh phế vị), một phần tử cột sống, cuối cùng đi tới các hạch phó giao cảm tạo nên các kích thích ngược chiều nhau, nhằm điều hoà hoạt động của cơ quan nội tạng (vd. hạch giao cảm làm nhanh nhịp tim và giảm tiết mồ hôi thì hạch phó giao cảm làm chậm nhịp tim và tăng tiết mồ hôi).
HIẾP DÂM hành vi dùng sức mạnh cưỡng bức người khác để thoả mãn nhu cầu tình dục của mình. Hành vi này có thể với người khác giới hoặc cùng giới.
HD là hành vi phạm pháp và phạm tội, đặc biệt nghiêm trọng khi phạm tội với vị thành niên. Giám định pháp y sẽ xác định tính chất của mỗi đối tượng vi phạm cụ thể.
HIỆP HỘI Y HỌC CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á (viết tắt: MASEAN), tổ chức liên kết các hội y học của các nước Đông Nam Á, do sáng kiến của 5 nước: Inđônêxia, Malaixia, Philippin, Xingapo và Thái Lan (10.4.1980). Tôn chỉ mục đích: tăng cường mối liên hệ chặt chẽ giữa các hội y học quốc gia và các thầy thuốc trong khối ASEAN; khuyến khích nghiên cứu và thông báo các vấn đề có liên quan đến nghiệp vụ y tế trong vùng; cùng nhau chung sức xây dựng các chiến lược để đạt mức cao nhất có thể được về chăm sóc sức khoẻ cho toàn dân. Tháng 1.1981, được Ban chấp hành ASEAM công nhận chính thức. Nhiệm kì của Ban chấp hành là 2 năm. Các nước luân phiên nhau làm chủ tịch. Tổng hội Y – Dược học Việt Nam là thành viên chính thức từ 1997. Hiện nay có 8 hội viên chính thức là Cămpuchia, Inđônêxia, Malaixia, Myanma, Philippin, Xingapo, Thái Lan, Việt Nam và hai hội viên dự bị (Brunây và Lào). Việt Nam là chủ tịch nhiệm kì 9 (1999 – 2001).
HIỆP HỘI Y KHOA THẾ GIỚI (viết tắt: WMA), thành lập năm 1947 tại Pari (Pháp), sau đó quy chế đã được sửa đổi nhiều lần tại Giơnevơ (Genève) (1948) và tại Luân Đôn (1949). Thành viên: gồm 60 hiệp hội y khoa của các nước trên thế giới. Mục đích: giáo dục các kiến thức y học, nghê thuật y học, đặc biệt quan tâm chăm sóc tới việc chăm sóc sức khoẻ cho mọi dân tộc toàn thế giới. Cơ cấu tổ chức: Đại hội, mỗi năm họi 1 lần; Hội đồng; mỗi năm họp 3 lần, gồm các đại diện của 6 khu vực trên thế giới; Ban thư kí 6 người. Trụ sở: Pari.
HISTAMIN (A. histamine), một bazơ – amin tồn tại tự nhiên trong cơ thể người (khoảng 20 mg/kg thể trọng), có tác dụng làm tiết dịch vị, co thắt cơ trơn và mạch máu nhỏ, giãn mao mạch, tăng tính thấm của thành mạch máu. Trong cơ thể có bệnh, nồng độ H máu tăng quá mức, gây dị ứng như hắt hơi liên tiếp, sổ mũi, phát ban đỏ, ngứa, lên cơn hen suyễn, cảm mạo mùa, đau nửa đầu, phù Quyncơ [bệnh do thầy thuốc người Đức Quyncơ (H. Quincke) mô tả (1883)].
HISTIĐIN (A. histidine) x. Axit amin.
HO một phản xạ thở ra đột ngột, phần lớn do kích thích dây thần kinh phế vị. Nguyên nhân: bệnh ở đường hô hấp (viêm thanh quản – khí – phế quản, phổi, lao, ung thư, apxe phổi, vv.); dị vật lọt vào thanh quản; phản xạ sinh lí bình thường. H khan, đờm ít, dính, quánh, có căn nguyên ở phế quản; đờm nhiều lổn nhổn, đặc, trắng vàng hoặc xanh, có căn nguyên từ nhu mô phổi. H có tác dụng dẫn lưu đờm dãi ra ngoài, nhưng H nhiều làm cơ thể mệt nhọc; gieo rắc nguồn lây cho bản thân người bệnh (lây theo đường phế quản) và nhất là cho nhiều người xung quanh; H nhiều có thể gây vỡ phế nang, làm không khí tràn vào màng phổi gây khó thở (tràn khí màng phổi tự phát) phải cấp cứu. Nếu H dai dẳng trên 3 tuần (không rõ nguyên nhân), cần chú ý phát hiện lao phổi (ở người trẻ tuổi), ung thư phổi (người trên 45 tuổi). Chữa căn nguyên các bệnh mũi họng, khí – phế quản, phổi.
HO GÀ bệnh truyền nhiễm do trực khuẩn Hemophilus pertussis, lây theo đường hô hấp, dễ phát thành dịch về mùa xuân trong nhà trẻ, lớp mẫu giáo. Bệnh rất nặng ở trẻ em dưới 2 tuổi. Bệnh lây do hít phải những giọt nước bọt đờm dãi có chứa mầm bệnh. Bệnh rất dễ lây trong thời kì đầu. Thời gian ủ bệnh 1 – 2 tuần. Bệnh bắt đầu với thời kì viêm xuất tiết mũi họng và khí – phế quản khoảng một, hai tuần: trẻ húng hắng ho khan về đêm, không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ, họng đỏ, đôi khi mắt đỏ. Hai dấu hiệu có thể giúp cho chuẩn đoán sớm: huyết đồ (tăng bạch cầu 15.000 – 50.000/mm3 đặc biệt là lympho bào); ngoáy họng lấy dịch làm xét nghiệm (tìm thấy vi khuẩn gây bệnh). Liệu pháp kháng sinh cho kết quả tốt. Thời kì toàn phát kéo dài từ 3 – 6 tuần với dấu hiệu đặc biệt: cơn ho thành chuỗi, mặt tím lại, mắt đỏ ngầu, chảy nước mắt, lưỡi thè ra; sau mỗi chuỗi ho là một tiếng rít vào dài, giống như tiếng gà gáy; rồi lại một chuỗi ho khác tiếp theo, cho tới khi bệnh nhân khạc ra được cục đờm nhày quánh và trong thì cơn ho mới ngừng; trẻ mệt, thở nhanh, mạch nhanh, vã mồ hôi. Bệnh nhân thường không sốt, giữa ho cơn ho vẫn vui chơi như trẻ bình thường. Các cơn ho nối tiếp nhiều lần trong ngày, số cơn tuỳ theo bệnh nặng hay nhẹ. Vào cuối thời kì toàn phát, các cơn ho thưa dần. Nếu bệnh nhân sốt là có các biến chứng: viêm phổi, viêm phế quản – phổi, dễ dẫn đến viêm phế quản mạn, giãn phế quản, khí thũng phổi; các biến chứng khác như xuất huyết dưới màng tiếp hợp, ngừng thở do co thắt thanh quản trong 30 – 60 giây làm rối loạn tuần hoàn não. Chữa bệnh: cần được khám và chữa sớm; dùng kháng sinh từ thời kì đầu; thuốc an thần, thuốc chống ho; tiếp nước đường qua đường uống hoặc tiêm truyền, cho ăn nhiều bữa và bổ sung sau mỗi lần nôn tiếp sau cơn ho; chú ý lau sạch đờm dãi ở mũi họng sau mỗi cơn ho. Cần cách li 30 ngày kể từ khi có cơn ho đầu tiên. Dự phòng: tiêm chủng, kể từ lúc trẻ được 9 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng của ngành y tế, là biện pháp có hiệu quả tốt nhất.
HOA ĐÀ [Hua Tuo; tự Nguyên Hoá (Yuan Hua); ? – 208)], nhà y học nổi tiếng cuối Đông Hán của Trung Quốc, người tỉnh An Huy. Giỏi các khoa nội, ngoại, phụ, nhi và châm cứu, nhất là ngoại khoa. Dùng ma phế tán gây mê rồi mổ bụng chữa các bệnh dạ dày và đường ruột. Về sau vì không chịu theo Tào Tháo nên bị giết. Sách thuốc của ông bị thất truyền, quyển “Trung tàng kinh” hiện còn là tác phẩm của người đời sau mượn đề tên ông.
HOẠN (tk. thiến), phẫu thuật loại bỏ khả năng hình thành giao tử (tinh trùng ở con đực, trứng ở con cái) để triệt khả năng sinh sản ở động vật. H làm cho con vật trở nên ôn hoà và thích hợp để nuôi vỗ béo.
Có 3 phương pháp H: 1) Phẫu thuật có chảy máu: cắt bỏ tuyến sinh dục của gia súc, gia cầm đực và con cái. 2) Kẹp dập ống dẫn tinh, dịch hoàn con đực. 3) Cấy hocmon ơstrogen vào cơ thể (đực, cái). Độ tuổi thiến tốt nhất đối với con đực: 7 – 21 ngày tuổi, lớn cái: 3 tháng tuổi (không để quá 4 tháng); gia súc đực ăn cỏ: 4 – 6 tháng tuổi; gà trống: lúc bắt đầu gạ mái nhưng chưa đạp mái. Bê nghé nuôi để cày, kéo nên thiến lúc tròn một năm tuổi. Gia súc thiến nuôi béo sẽ lớn nhanh, ít tiêu tốn thức ăn, thớ thịt mịn hơn.
HOẠT ĐỘNG THẦN KINH CAO CẤP hoạt động của các phần cao thuộc hệ thần kinh trung ương nhằm làm cho cơ thể thích ứng với những điều kiện luôn thay đổi của môi trường sống. Là hoạt động điều hoà phối hợp các chức năng của các cơ quan khác nhau trong cơ thể. Khái niệm này được Paplôp đưa ra và dùng như khái niệm hoạt động tinh thần. Các dạng hoạt động như tư duy, ý thức của con người đều là biểu hiện của HĐTKCC. Cơ sở chung của HĐTKCC là phản xạ có điều kiện (x. Phản xạ), được hình thành với các kích thích cụ thể (hệ thống tín hiệu thứ nhất) gặp ở động vật và người. Ở người, trong quá trình phát triển, tiếng nói (hệ thống tín hiệu thứ hai) được hoàn thiện dần và đóng vai trò chủ đạo trong đời sống có ý thức. Tiếng nói trở thành phương tiện tư duy trừu tượng làm cho HĐTKCC của người khác hẳn động vật. Có các quy luật cơ bản của HĐTKCC: 1) Hình thành phản xạ có điều kiện (hay hình thành các đường liên hệ thần kinh tạm thời) nhờ sự gặp gỡ giữa các luồng hưng phấn phát sinh từ các trung khu vỏ não tiếp nhận sự kích thích có điều kiện và không điều kiện, nhờ khả năng thích hợp, ghi nhớ của tế bào thần kinh trong vỏ não. 2) Sự phụ thuộc của chỉ số phản xạ có điều kiện và lực kích thích. 3) Sự tích hợp các kích thích có điều kiện. 4) Sự phát triển của quá trình ức chế không điều kiện và có điều kiện (x. Ức chế) trong vỏ não do ảnh hưởng của kích thích lạ. 5) Sự khuếch tán và quy tụ các quá trình thần kinh trong vỏ bán cầu đại não. 6) Cảm ứng tương hỗ các quá trình thần kinh nhằm đảm bảo mối quan hệ tương phản giữa trung khu hưng phấn và ức chế trong vỏ não.
HĐTKCC có ý nghĩa quan trọng trong sự phối hợp các chức năng trong vỏ não để đảm bảo tính tin cậy, cường độ, tính cân bằng và linh hoạt của quá trình hoạt động của thần kinh. HĐTKCC đặt cơ sở cho sự phát triển của sinh lý học, y học, tâm lí, giáo dục, điều khiển học, phỏng sinh học, với lao động hợp lí, khoa học và nhiều lĩnh vực khác trong hoạt động của con người.
HÔ HẤP 1. Quá trình sinh vật lấy oxi từ ngoài cơ thể và nhả khí cacbonic ra ngoài không khí. Ở động vật có vú, hoạt động HH do phổi thực hiện , gồm hai động tác hít vào và thở ra. Ở động vật bậc thấp, HH do mang (cá), da (lưỡng cư), qua bề mặt cơ thể (động vật nguyên sinh). Ở thực vật, HH là quá trình thở của cây, thông qua các lỗ hổng (khí khổng) của lá, thân, cành, hút oxi từ ngoài cơ thể, chuyển đường và tinh bột thành năng lượng và nhả khí cacbonic ra ngoài:
C6H1206 + 6O2 à 6CO2 + 2H2O + năng lượng hoá học.Năng lượng sinh ra được dùng cho mọi hoạt động của cây. Khí cacbonic sinh ra, được cây xanh hút lại, sử dụng trong quá trình quang hợp để tạo thành các chất đường và tinh bột:
6CO2 + 6H2O + năng lượng Mặt trời à C6H1206 + 6O2Hai quá trình HH và quang hợp song song diễn ra trong cây xanh vào ban ngày (ban đêm, cây chỉ HH, không quang hợp). Dựa theo thuộc tính đó, người ta phân thực vật thành hai nhóm chính: các thực vật, ban ngày vừa HH vừa quang hợp ; một số cây là thực vật C4 thường sống ở vùng nhiệt đới, ban ngày chỉ quang hợp, còn HH rất ít, hoặc không HH trong ánh sáng (không có quang HH), vì vậy năng suất chất khô cũng cao hơn (thuộc nhóm cây này có ngô, mía và một số cây nhiệt đới).
2. Y học thường gọi HH ở người là thở, một hoạt động sinh lí bình thường, tạo ra sự thông khí ở phổi, có hai thì nối tiếp nhau một cách nhịp nhàng. Thì hít: không khí mang theo oxi từ ngoài qua mũi (bất thường qua miệng) vào thanh quản, khí quản, phế quản và cuối cùng là phế nang, nơi diễn ra sự trao đổi chất giữa không khí và máu qua thành các mao mạch và các phế nang. Thì thở: (thì thụ động): không khí mang theo khí cacbonic thải ra ngoài cơ thể. Trung tâm HH ở hành não điều khiển thở theo một nhịp, ở người bình thường trung bình khoảng 14 – 16 lần trong một phút. HH là một hoạt động chủ động không thể thiếu của cơ thể sống; có thể nhịn ăn 4 – 5 ngày, nhưng không thể nhịp thở quá 5 phút. Tập luyện hằng ngày (hít vào sâu, thở ra dài, nhịp độ khoảng 14 – 16 lần/ phút) ở nơi không khí trong lành, làm tăng sức khoẻ. Với rèn luyện thở dài, sâu và chậm (theo các phương pháp dưỡng khí, khí công) có thể giảm nhịp thở xuống 10 lần/phút hay ít hơn, điều hoà hoạt động của các hệ thống khác (tim mạch, tiêu hoá, bài tiết, thần kinh, vv.). Áp tai hay ống nghe vào thành ngực một người khoẻ mạnh thở bình thường, thầy thuốc nghe tiếng rì rào phế nang rất êm dịu như gió nhẹ thổi qua lá, do không khí làm nở các phế nang; áp gan bàn tay vào thành ngực bệnh nhân và bảo bệnh nhân đếm một, hai, ba, thầy thuốc cảm nhận được rung thanh quản.
HÔ HẤP NHÂN TẠO phương pháp và kĩ thuật phục hồi, tăng cường, điều chỉnh quá trình lưu thông không khí phổi trong những trường hợp ngừng thở, thở không bình thường hoặc theo yêu cầu điều trị, bằng những phương pháp đơn giản (ấn lồng ngực, thổi vào mũi, miệng) hoặc dùng dụng cụ (máy thở). Hà hơi thổi ngạt là một phương pháp phục hồi hô hấp đơn giản có hiệu quả, được tiến hành bằng cách: kê gáy để đầu bệnh nhân ngửa hẳn ra (để cuống lưỡi không bịt đường thở); dùng ngón tay cuốn vải lau sạch đờm dãi, chất nôn trong họng; đặt một miếng gạc mỏng che kín miệng; người cấp cứu một tay mở miệng, một tay bịt mũi nạn nhân, áp miệng mình thổi mạnh vào miệng của bệnh nhân theo nhịp 10 lần một phút. Nếu không nghe tiếng tim đập, phải kết hợp thêm xoa bóp tim ngoài lồng ngực.
Trong khi một người làm động tác thổi, người cấp cứu thứ hai đảm nhiệm việc ấn tim theo kĩ thuật: ấn mạnh bằng hai tay chồng lên nhau đè vào nửa dưới xương ức theo nhịp 50 – 60 lần/phút (5 – 6 lần ấn tim, 1 lần thổi hơi vào miệng). Xt. Hô hấp hỗ trợ; Hô hấp điều khiển.
HỘI CHỮ THẬP ĐỎ một tổ chức xã hội nhằm tập hợp những người tự nguyện làm công tác nhân đạo; được thành lập năm 1863 tại Thuỵ Sĩ. Có 175 quốc gia thành viên (199). Có ba nhiệm vụ chủ yếu: góp phần chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho dân nghèo; góp phần thực hiện chính sách xã hội (tương trợ khi có thiên tai, dịch hoạ, chiến tranh; chăm sóc trẻ em mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật, nạn nhân chiến tranh, vv.); tham gia đấu tranh bảo vệ hoà bình thế giới. Những nguyên tắc cơ bản của HCTĐ: nhân đạo, vô tư, trung lập, độc lập, tự nguyện, thống nhất, bình đẳng. Phong trào quốc tế Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ (trước 1986 gọi là Chữ thập đỏ quốc tế) gồm: Uỷ ban quốc tế Chữ thập đỏ (1983); Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ (1919); Các hội quốc gia Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ (ở các nước theo đạo Hồi). Uỷ ban quốc tế Chữ thập đỏ đề xướng 4 công ước Giơnevơ: Công ước Giơnevơ I (1864) về cải thiện tình trạng của thương, bệnh binh thuộc các lực lượng vũ trang chiến đấu trên bộ; Công ước Giơnevơ II (1899) về cải thiện tình trạng của thương, bệnh binh thuộc các lực lượng vũ trang trên biển và những người bị đắm tàu; Công ước Giơnevơ III (1929) về việc đối xử với tù binh; Công ước Giơnevơ IV (1949) về việc bảo hộ thường dân trong chiến tranh. Bốn Công ước Giơnevơ và hai nghị định thư bổ sung vào năm 1977 là nền tảng của Luật quốc tế nhân đạo.
HỘI CHỨNG một tập hợp các triệu chứng cùng xảy ra, các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng (xét nghiệm) có tính đặc thù của một bệnh hay chung cho một số bệnh. Vd. HC đông đặc phổi là tập hợp các dấu hiệu sờ (rung thanh tăng), gõ (đục), nghe (rì rào phế nang giảm) gặp trong các bệnh viêm phổi thuỳ, một số thể xẹp phổi, lao phổi lan rộng. Một bệnh có thể có nhiều HC (lâm sàng và cận lâm sàng). Nghiên cứu tổ hợp các HC giúp chuẩn đoán bệnh.
HỘI CHỨNG BỤNG CẤP trạng thái bệnh lí cấp tính, đang tiến triển ở vùng bụng và chưa rõ nguyên nhân, xảy ra đột ngột, diễn biến nhanh, nặng nề và thường đem lại những hậu quả xấu. HCBC có thể do những nguyên nhân: chấn thương, vết thương ở bụng (nguyên nhân rõ rệt); bệnh của tạng trong bụng đã biết từ trước (vd. loét dạ dày, tá tràng, vv.); bệnh chưa biết (xoắn một nang buồng trứng nhỏ,vv.). Dấu hiệu chính: đau bụng dữ dội, đột ngột, xuất hiện từ các điểm khác nhau trong ổ bụng tuỳ theo bệnh (vd. đau ở hố chậu phải trong viêm ruột thừa cấp, vv.) và đau tăng dần hoặc có thể dịu vào giai đoạn cuối của hội chứng (đã quá nặng); có thể kèm theo nôn mửa, bí trung tiện, bí đại tiện. Khám lâm sàng tìm thấy các dấu hiệu đặc thù của mỗi bệnh, vd. thành bụng cứng như gỗ; bụng trướng, vv. Cần thăm khám khẩn trương, tỉ mỉ về lâm sàng, kết hợp với xét nghiệm cận lâm sàng để tìm đúng nguyên nhân bệnh, hồi sức cấp cứu và xử lí nhanh chóng. Trong HCBC, dùng thuốc giảm đau loại thuốc phiện (mocphin, vv.) là một sai lầm rất lớn vì thuốc sẽ làm hỏng mất phản ứng của thành bụng, dẫn tới chuẩn đoán khó khăn và kéo dài, điều trị cho ít kết quả, tỉ lệ tử vong cao.
HỘI CHỨNG ĐAO trạng thái gặp ở người, đặc trưng bằng thể lực phát triển không bình thường và trí tuệ chậm phát triển. Nguyên nhân: không phân tách nhiễm sắc thể số 21 trong giảm phân (xt. Không phân tách). Được gọi theo tên của bác sĩ người Anh) Đao (L. Down).
HỘI CHỨNG LÁCH TO lách tăng kích thước (khối lượng), xuất hiện quá dưới bờ sườn trái (có thể đến quá rốn), kèm theo một số triệu chứng khác ở gan (viêm gan, xơ gan, vv.), ở máu và cơ quan tạo máu (thiếu máu, gan to, biến đổi công thức máu, vv.). Nguyên nhân: sốt rét (nguyên nhân quan trọng ở Việt Nam); bệnh máu; một số bệnh nhiễm kí sinh trùng (sán máng, vv.); bệnh nấm; hội chứng Banti [theo tên của thầy thuốc người Italia Banti (G. Banti)], vv. Khi bị chấn thương, lách to rất dễ vỡ, nứt (nhất là ở bệnh nhân bị sốt rét), gây chảy máu trong nặng; cần mổ cấp cứu và cắt bỏ lách.
HỘI CHỨNG RUỘT QUÁ NHẠY CẢM trạng thái bệnh lí với các rối loạn tiêu hoá (chủ yếu của đại tràng), phổ biến ở lứa tuổi trung niên, không do viêm nhiễm; nguyên nhân hữu cơ chưa rõ; đã khẳng định là các yếu tố tâm lí và chấn động tâm thần xã hội dễ gây và làm nặng thêm các rối loạn chức năng ruột (các đặc điểm cá nhân của bệnh nhân, đáng chú ý là thái độ cứng rắn, làm việc có kế hoạch, nghiêm túc, luôn băn khoăn, day dứt vì công việc). Triệu chứng: đau bụng khi ăn các thức ăn lạ, căng trướng ruột già, xen kẽ giữa ỉa chảy và táo bón (phân cứng, bóng, có mũi nhầy), nhức đầu, luôn buồn ngủ. Điều trị: liệu pháp tâm lí làm thay đổi các thói quen sinh hoạt, ăn uống; tổ chức cuộc sống yên tĩnh, bình thản hơn; rèn luyện khí công, dưỡng sinh, luyện tập thể dục thể thao thích hợp; chữa các dấu hiệu bất thường (táo bón, ỉa chảy, vv.).
HỘI CHỨNG SUY GIẢM MIỄN DỊCH MẮC PHẢI (viết tắt: hội chứng SMM) x. AIDS.
HỘI CHỨNG THÍCH NGHI toàn bộ các phản ứng không đặc hiệu của cơ thể đối với bất kì một tác động nào (chấn thương, quá sức, sốc, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, nhiễm xạ, vv.), gồm ba giai đoạn liên tiếp: phản ứng báo động của cơ thể bị tấn công với một hội chứng sốc, tiếp theo là các phản ứng bảo vệ đầu tiên; giai đoạn cầm cự dài hơn, trong đó cơ thể thích nghi và tăng sức đề kháng đối với các tác nhân tấn công; giai đoạn suy kiệt dẫn đến tử vong khi sự tấn công mạnh, kéo dài và điều trị không có kết quả. Trong việc vận dụng các phản ứng thực vật và nội tiết, vai trò của vỏ thượng thận là chủ yếu (sản sinh desoxycorticosterone và 11 – oxycorticosteron) dưới sự khởi động của tuyến yên.
HỘI CHỨNG TIM PHỔI (cg. tâm – phế mạn), các tai biến tim mạn tính hay cấp tính do một bệnh phổi mạn tính, viêm phế quản mạn tính, hen phế quản, xơ cứng phổi, giãn phế nang, bệnh bụi phổi, các dị dạng lồng ngực hay một tai biến đột ngột ở tuần hoàn phổi (tắc mạch máu phổi) gây ra, làm cho tim phải tăng năng suất co bóp để đưa máu lên phổi, dần dần bị suy, dẫn đến suy toàn bộ tim. Các triệu chứng lâm sàng của suy tim phải: khó thở, xanh tím, gan to; kèm theo các biến đổi của điện tâm đồ. Điều trị rất khó khăn, cần theo đúng chỉ định của thầy thuốc. Tập thở kiên trì, thở bụng, tập khí công, có thể đem lại kết quả tốt. Dự phòng: chữa tốt các bệnh phổi, không để trở thành mạn tính.
HÔN MÊ tình trạng mất ý thức với những mức độ nặng, vừa, nhẹ khác nhau. Ở mức độ nặng, cơ thể hoàn toàn mất phản ứng với các tác nhân kích thích bên ngoài, mất phản xạ (giác mạc, gân, xương, da, đồng tử, vv.), rối loạn thần kinh thực vật biểu hiện ở rối loạn nhịp thở, huyết áp.. thường gọi là hôn mê sâu. Nhiều bệnh có thể gây HM: bệnh sọ não (viêm, u, chấn thương), nhiễm độc, ngộ độc thuốc, rối loạn tuần hoàn não, đái tháo đường, động kinh. Tiên lượng của HM phụ thuộc vào bệnh căn. Cần được điều trị tại các trung tâm hồi sức.
HỞ VAN TIM trường hợp bệnh lí (hở van): các van không khép kín được, để một phần máu trào ngược dòng trở lại phía trên, làm ứ máu và làm giãn buồng tim ở phía trên van tim bị hở, lâu dần dẫn đến suy tim. Các van thường hay bị hở: hở van hai lá làm máu trào ngược từ tâm thất trái lên tâm nhĩ trái; hở van tổ chim (cg. van bán nguyệt) làm máu trào ngược từ động mạch chủ về tâm thất trái. Nguyên nhân: thấp khớp cấp, viêm màng trong tim (thường là hậu quả của nhiễm khuẩn răng miệng); các thương tổn thoái hoá kèm theo lão hoá toàn bộ van tim; các dây chằng van tim (néo vào các tâm thất) dài ra kèm theo phì đại các van; giãn buồng tim; phìng động mạch chủ, vv. Dự phòng: chữa tốt thấp khớp cấp, các nhiễm khuẩn răng miệng. Điều trị nội khoa trong thời gian đầu (dùng thuốc, vệ sinh răng, miệng, chế độ lao động, sinh hoạt thích hợp); mổ và thay van tim nếu xuất hiện khó thở, đau thắt ngực, bắt đầu suy tim. HVT có thê kèm theo hẹp van tim ở cùng một van hoặc đồng thời ở nhiều van (gọi là bệnh van tim), làm cho bệnh cảnh lâm sàng và việc điều trị trở nên phức tạp.
HỞ VÒM MIỆNG (cg. hở hàm ếch), dị dạng bẩm sinh ở vòm miệng mềm và vòm miệng cứng, do các nụ mặt thiếu dính liền, tạo thành khe hở ở vòm miệng. HVM ảnh hưởng đến phát âm, nuốt và làm cho cơ thể dễ mắc các bệnh đường hô hấp. Điều trị: mổ tạo hình lúc trẻ còn nhỏ (2 – 3 tuổi); sau khi mổ phải kiên trì huấn luyện cho trẻ tập nói.
HƠI BỤNG hơi được hít sâu xuống đáy cuống phổi, làm bụng phình ra trước khi hát; có tác dụng: khi hát, âm thanh phát ra vang, to, khoẻ và dài hơi. Chèo gọi là HB, hí khúc Trung Quốc gọi là hơi “đan điền”; hát mới gọi là hoành cách mô.
HUYẾT ÁP áp lực co giãn do thành mạch tác động lên khối lượng máu trong lòng mạch. HA chịu ảnh hưởng của sức bóp tim, khối lượng máu được bóp đi và sự chun giãn của thành mạch.
1. HA động mạch (cg. áp lực động mạch) là sự chun giãn của thành động mạch trong hệ đại tuần hoàn tác động lên khối lượng máu bên trong động mạch; trên thực tế nó cân bằng với lực co của tim được máu truyền đi (áp suất động mạch). HA động mạch gồm: HA tối đa (áp suất tâm thu đo được ở thời kì tâm thu) khoảng 12 – 14 cm Hg; HA tối thiểu (áp suất tâm trương ở thời kì giữa hai lần co của tim) khoảng 8 – 9 cm Hg. Tuỳ theo tình hình sức khoẻ, HA có thể tăng hơn mức bình thường tạo nên hội chứng cao HA (HA tối đa trên 16 cm Hg; HA tối thiểu trên 10 cm Hg). HA có thể thấp hơn mức bình thường tạo nên hội chứng giảm HA (HA tối đa dưới 10 cm Hg; HA tối thiểu dưới 6 cm Hg). Theo dõi HA thường xuyên, định kì và ở các thời điểm thay đổi thời tiết là một điểm cần thiết trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu đối với người ở độ tuổi 45 – 50 tuổi trở lên để dự phòng tai biến bất ngờ do các biến động HA gây nên. HA là một chỉ số lâm sàng cho phép đánh giá tình trạng và tình hình hoạt động của hệ tuần hoàn. Người ta còn đo HA tĩnh mạch đại tuần hoàn bằng cách chọc kim nối với áp kế tại tĩnh mạch khuỷu tay hoặc tĩnh mạch dưới đòn. Cũng có khi cho một ống thông luồn theo tĩnh mạch vào tận các buồng tim để đo áp lực máu trong các buồng tim, đồng thời đo áp lực riêng của oxi và cacbon đioxit trong buồng tim.
2. HA tĩnh mạch là áp lực của dòng máu lên thành tĩnh mạch. HA tĩnh mạch bình thường là 20 –120 mm cột nước. Đo HA tĩnh mạch (thường cao hơn bình thường) để chuẩn đoán các bệnh gây ứ trệ máu ở hệ thống tĩnh mạch (suy tim, viêm màng tim co khít, tăng tĩnh mạch cửa, vv.)
HUYẾT ÁP KẾ dụng cụ đo huyết áp. Thường có 2 loại máy đo huyết áp: loại có cột thuỷ ngân và loại có đồng hồ. Hiện nay, có loại đồng hồ điện tử, tiện lợi khi sử dụng vì không cần cán bộ y tế dùng ống nghe theo dõi nhịp mạch tối đa và tối thiểu, mà khi mạch đập và thôi đập sẽ báo trên đồng hồ điện tử huyết áp tối đa và tối thiểu cùng với tần số nhịp mạch trong một phút. HAK thuỷ ngân dùng tĩnh tại bệnh viện chính xác hơn cả; loại có đồng hồ gọn nhẹ, được dùng đi lưu động; với loại đồng hồ điện tử, người bệnh có thể tự theo dõi huyết áp của mình rồi điều chỉnh thuốc uống theo chỉ định trước của thầy thuốc (loại này đắt tiền và phải đảm bảo nguồn pin và độ chuẩn xác của máy).
HUYẾT ÁP TÂM THU x. Huyết áp.
HUYẾT ÁP TÂM TRƯƠNG x. Huyết áp.
HUYẾT CẦU các tiểu thể hay các thể hữu hình của máu như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Mỗi loại HC có chức năng riêng biệt: hồng cầu vận chuyển oxi đến các mô và cacbon đioxit từ các mô về phổi; bạch cầu chống đỡ nhiễm khuẩn; tiểu cầu cầm máu.
HUYẾT ĐỒ kết quả phân tích số lượng, chất lượng của thành phần máu ngoại vi (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, hemoglobin, thể tích huyết cầu, hồng cầu lưới, tỉ lệ các loại bạch cầu và hình thái các loại huyết cầu). Xét nghiệm HĐ giúp việc chuẩn đoán các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc, dị ứng, bệnh máu và cơ quan tạo máu. HĐ của người lớn bình thường: hồng cầu (3,8 – 4,5 triệu/mm3 , kích thước đồng đều, đẳng sắc); bạch cầu (6000 – 8000/mm3 , trong đó bạch cầu hạt trung tính 60 – 65%, bạch cầu ưa axit 1 – 2%, bạch cầu ưa bazơ 0 – 0,75%, bạch cầu lympho 10 – 20%, bạch cầu đơn nhân 5 – 10 %); tiểu cầu (150 – 300 nghìn/mm3 , độ tập trung tốt); hemoglobin (13 – 15 g/100ml); thể tích hồng cầu (hematocrit) 35 – 40%; hồng cầu lưới 1 – 2%.
HUYẾT HỌC một chuyên khoa thuộc hệ nội, chuyên nghiên cứu những vấn đề liên quan đến máu, các cơ quan tạo máu (vd. bệnh về máu), xét nghiệm máu và truyền máu để chuẩn đoán và điều trị bệnh về máu. Ở Việt Nam, có Viện Huyết học và Truyền máu trung ương ở Hà Nội, thành lập 30.12.1984 và Trung tâm Truyền máu và Huyết học ở thành phố Hồ Chí Minh.
HUYẾT KHỐI hiện tượng gây ra do một cặn máu đông tại chỗ, ngay trong lòng mạch máu (ở tĩnh mạch có nhiều hơn ở động mạch); ở người còn sống, thường ở một điểm có tổn thương nội mô từ trước do xơ mỡ động mạch, chấn thương phẫu thuật hay ngoài phẫu thuật. Có thể xảy ra ngay trong buồng tim. HK làm hẹp dần khẩu kính của mạch máu, gây tác hại lớn ở động mạch vành, động mạch não, động mạch chi [nhồi máu cơ tim, nhũn não, chảy máu não, bệnh Raynô là bệnh do thầy thuốc người Pháp Raynô (M. Raynaud) mô tả (1862)]. Xt. Viêm nghẽn tĩnh mạch; Tắc mạch.
HUYẾT THANH chất lỏng màu nhạt còn lại sau khi máu đông, gồm huyết tương không chứa bất kì chất nào tham gia vào việc động máu, chất điện giải và miễn dịch. Trong phòng thí nghiệm, dùng HT để chuẩn đoán bệnh. Dùng HT miễn dịch (HT lấy từ máu động vật đã được tiêm một loại vi khuẩn hay độc tố nào đó) tiêm vào cơ thể sẽ gây miễn dịch thụ động bằng các kháng thể trong huyết tương đó và được sử dụng để chữa bệnh (vd. HT chống uốn ván, HT chống nọc rắn độc, vv.).
HUYẾT THANH CHỐNG LYMPHO BÀO huyết thanh dùng để ức chế phản ứng miễn dịch ở người nhận mô hoặc cơ quan cấy truyền. Được tạo ra bằng cách tiêm lympho bào của người vào ngựa để ngựa sản ra các kháng thể chống lại chúng. Sau đó lấy huyết thanh ở ngựa và chiết các kháng thể, làm tinh sạch. Các kháng thể đó tiêm vào người được cấy truyền, chúng sẽ phá huỷ các lympho bào của người bệnh, nếu không bạch cầu sẽ tạo ra các kháng thể gây hiện tượng không tiếp nhận bộ phận ghép. X. Ghép.
HUYẾT THANH DỰ PHÒNG biện pháp dự phòng bằng cách tiêm cho người có thể mắc một bệnh nào đó (uốn ván, bạch hầu, vv.) một huyết thanh có chứa kháng thể lấy từ con vật (ngựa) đã được mẫn cảm với độc tố (uốn ván, bạch hầu, vv.) hay từ người mới khỏi bệnh (sỏi, viêm gan, vv.). Có thể gây nên tai biến như dị ứng, phản vệ. Xt. Dị ứng, Phản vệ.
HUYẾT THANH LIỆU PHÁP dùng huyết thanh miễn dịch nhằm mục đích điều trị, nghĩa là chữa bệnh khi bệnh đã phát như tiêm huyết thanh chống uốn ván, chống bạch cầu, chống hoại thư sinh hơi cho những người đã có triệu chứng mắc bệnh ấy. Xt. Huyết thanh dự phòng.
HUYẾT THỐNG cơ sở của quan hệ dòng họ (x. Dòng họ). Các mối quan hệ dòng họ được xây dựng trên cơ sở cùng một dòng máu (cùng HT). Trong những trường hợp nhất định, quan hệ HT có thể có ý nghĩa pháp lí. Chẳng hạn, Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong ba đời (khoản C, điều 7).
HUYẾT TƯƠNG chất lỏng có màu nhạt, phần còn lại của máu sau khi loại bỏ tất cả các huyết cầu. Chứa 91% nước, 7% protein, gồm: anbumin, globulin (chủ yếu là kháng thể), prothrombin, fibrinogen. HT còn chứa một số ion của muối hoà tan đặc biệt: muối clorua, bicacbonat, sunfat và photphat của natri và kali. HT có độ kiềm nhẹ (pH = 7,3); các protein và bicacbonat có tác dụng như dung dịch đệm giữ cho pH ổn định. HT vận chuyển các chất dinh dưỡng hoà tan (glucozơ, axit amin, mỡ, axit béo), các sản phẩm bài tiết (ure, axit uric), các khí hoà tan (khoảng 40 mm3 oxi, 19 mm3 cacbon đioxit và 1 mm3 nitơ trong 100 mm3 HT), hocmon và vitamin. Đa số các hoạt động sinh lí của cơ thể đều có liên quan tới việc duy trì nồng độ chính xác và độ pH của tất cả các chất hoà tan (đó là trạng thái tối ưu của cơ thể). Vì vậy, HT là dung dịch ngoại bào, môi trường cho tất cả các tế bào.
Dùng HT để sản xuất một số chế phẩm của máu (chế phẩm đông máu, miễn dịch) và điều trị một số trường hợp (sốc, thiếu hụt yếu tố đông máu và protein). HT được chế biến thành HT khô để tiện chuyên chở.
HUYẾT TƯƠNG KHÔ huyết tương lỏng của máu người được loại hết nước, làm thành một dạng bột khô. Được dùng để phục hồi lượng máu lưu thông; bổ sung cho cơ thể các chất dinh dưỡng và các chất cần thiết cho việc chuyển hoá; tạo miễn dịch; cầm máu. Muốn chế 1 lít huyết tương thể lỏng phải cần 2,5 lít máu. HTK giữ được 3 – 5 năm. Khi dùng, phải pha HTK với dung dịch nước cất vô khuẩn, không có chí nhiệt tố; kiểm tra chất lượng dịch đã pha; HTK phải được hoà tan hoàn toàn trong 5 phút, không bị vón cục. HTK có thể gây dị ứng; sốc do chí nhiệt tố; truyền bệnh viêm gan virut.
HƯ KHỚP (tk. bệnh xương – khớp loạn dưỡng, thoái hoá khớp), các thể bệnh mạn tính không do viêm (không đỏ, nóng, dính khớp) của khớp, do các thương tổn thoái hoá sụn khớp (loét, xơ) tạo nên các gai sụn và gai xương. Bệnh không ảnh hưởng đến sức khoẻ toàn thân và phát sinh ở lứa tuổi 50 trở lên. Nguyên nhân: quá trình lão hoá. Dấu hiệu: khớp đau rát; có tiếng lạo xạo khi vận động; vận động của khớp bị hạn chế; biến dạng đầu khớp. Thường xảy ra ở khớp gối, khớp háng, cột xương sống, khớp các đầu ngón tay, vv. Dự phòng: tổ chức cuộc sống hợp lí (chế độ ăn thanh đạm, vận động tập luyện thể dục thể thao, dưỡng sinh, vv.). Điều trị: dùng thuốc giảm đau; xoa bóp, vận động khớp; phục hồi chức năng, dùng các biện pháp vật lí (tia hồng ngoại, điện sóng ngắn, vv.).