Từ điển Y học Việt Nam – Mục I
ỈA CHẢY (cg. tiêu chảy), ỉa ra phân lỏng, thậm chí toé nước, từ 3 lần trở lên trong một ngày, có thể kèm theo đau quặn bụng, sôi bụng, sốt, nôn. Bệnh hay gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Người bệnh dễ bị mất nước, từ đó dễ bị hụt huyết áp (chân tay lạnh, da tái, đái ít, li bì hoặc vật vã). Cần phát hiện sớm những dấu hiệu mất nước: khát, môi khô, lưỡi khô, mắt trũng. Xảy ra quanh năm, phổ biến về mùa hè, đôi khi phát thành dịch ở nhà trẻ, lớp mẫu giáo. Nguyên nhân có nhiều, chủ yếu do một số loài vi khuẩn (Coli gây bệnh, Salmonella, Shigella, Campylobacter, phẩy khuẩn tả, vv.); virut (virut Rota, vv.); kí sinh trùng đường ruột (giun, vv.); trẻ em còi xương, suy dinh dưỡng, giảm hấp thụ; thể trạng dị ứng với một số loại thực phẩm (tôm, đồ biển, vv.); chế độ nuôi dưỡng thiếu vệ sinh; trẻ em bị viêm nhiễm ở tai – mũi – họng đã nuốt dịch viêm có vi khuẩn xuống dạ dày, ruột, vv.
Điều trị: trước tiên phải cho bệnh nhân uống đủ nước (nước chè, cháo, nước bột điện giải oresol); phải đi khám ngay nhất là khi có dấu hiệu mất nước, tụt huyết áp; cho trẻ ăn đầy đủ (chất đạm), cho bú sữa mẹ; cách li với các trẻ em khác; khử trùng tẩy uế phân và chất nôn của bệnh nhân. Dự phòng: ăn uống đầy đủ, giữ vệ sinh ăn uống, quản lí vệ sinh phân, nguồn nước, rác, chống ruồi nhặng, rửa tay sạch trước khi ăn; đối với phụ nữ cho con bú, cần giữ vệ sinh đầu vú.
Y học cổ truyền gọi IC là tiết ỉa và thường chia thành bạo tiết (IC cấp tính) và cửu tiết (IC mạn tính):
1. Bạo tiết thường do ngoại tà và ăn uống gây nên. Bạo tiết hàn thấp: đau bụng, ỉa chảy. Có thể dùng bài thuốc: hương phụ 20 g, búp ổi sao vàng 20 g, trần bì 12 g, củ sả 12 g, sinh khương 8 g. Bạo tiết do thấp nhiệt: đau bụng đi ỉa lỏng ngay, phân khắm, hậu môn nóng. Có thể dùng bài: hoàng bá 12 g, ngũ bội tử 4 g, ngũ vị tử 5 g, phèn phi 2 g. Bạo tiết doăn uống không cẩn thận; có thể dùng bài: gừng tươi sắc uống hoặc hương phụ 10 g, trần bì 6 g, can khương 4 g, củ sả 6 g, khổ sâm 16 g. Chữa bạo tiết bằng châm cứu các huyệt: Đại trường du, Thiên khu, Thượng cự hư, Tiểu trường du, Hợp cốc.
2. Cửu tiết thường do tì dương hư, thận dương không phấn chấn, can mộc thừa tì. Cửu tiết do thừa dương hư, ỉa xối ra khi dùng thức ăn hoặc đồ uống lạnh, không hợp. Có thể dùng bài: đẳng sâm 12 g, can khương 12 g, bạch truật 12 g, cam thảo 12 g, hoặc một củ gừng sống nhai và chiêu dần với nước nóng. Châm cứu các huyệt: Tì du, Trung quản, Thiên khu, Túc tam lí, Tam âm giao. Cửu tiết do thận dương hư: sôi bụng, ỉa nửa đêm về sáng lúc sắp ngủ dậy. Có thể dùng bài: phá cố chỉ 16 g, ngũ vị tử 8 g, nhục đậu khấu 8 g, ngô thù du 4 g, sinh khương 20 g, đại táo 3 quả; châm cứu các huyệt: Thân du, Mệnh môn, Quan nguyên. Cửu tiết do can mộc thừa tì, khi cảm xúc mạnh dễ đi IC. Có thể dùng bài: bạch truật 12 g, bạch thược 8 g, phòng phong 8 g, trần bì 10 g. Châm cứu các huyệt: Túc tam lí, Thái xung, Tam âm giao.
ỈA LỎNG x. Ỉa chảy
ỈA RA MÁU ỉa phân dính máu hoặc ỉa ra toàn máu. Nguyên nhân: ra máu tươi nhỏ giọt cuối bãi phân thường do trĩ (tĩnh mạch vùng hậu môn giãn thành búi trĩ, bị viêm bội nhiễm nên máu thoát ra); ỉa ra toàn máu đen, màu cà phê, thường do xuất huyết từ dạ dày, tá tràng trở lên (thường kèm choáng váng, chóng mặt; nếu mất máu nhiều, da, niêm mạc nhợt nhạt, mạch nhanh, huyết áp tụt); IRM màu mận chín, thường do xuất huyết từ ruột non, hay gặp nhất là ỉa phân dính lẫn máu và mũi, màu máu cá, có khi nước phân như nước rửa thịt (ỉa nhiều lần trong ngày, mỗi ngày ra ít phân và nhày mũi, máu, kèm theo đau tức, rát hậu môn, luôn mót rặn ; trước khi đi đại tiện thường đau quặn bụng vùng hố chậu trái; sau khi đi đại tiện, bớt đau quặn, vv.) thường do viêm đoạn đại – trực tràng (do bị lị trực khuẩn hoặc lị amip cấp; đợt bột phát của viêm đại tràng – trực tràng mạn). Bệnh nhân IRM cần được khám bệnh ngay, giữ lại phân để thầy thuốc xem; cần được điều trị kịp thời. Trường hợp phân có mũi và máu, phải cách li bệnh nhân, khử trùng tẩy uế để tránh lây lan.
Y học cổ truyền thường chia làm hai thể: 1) Thể IRM do đại tràng có nhiệt, ỉa ra máu tươi. Có thể dùng bài: hoa kinh giới sao đen 30 g, trắc bách điệp sao đen 30 g, hoa hoè sao đen 30 g, chỉ xác 20 g, tán mịn, mỗi lần uống 8 g với nước sôi để nguội. Châm cứu các huyệt: Thường cường, Đại trường du, Thừa sơn. 2) Thể IRM do tì hư, ỉa phân đen. Có thể dùng bài: hoàng kì 8 g, đảng sâm 16 g, bạch truật 8 g, phục linh 8 g, toan toán nhân 8 g, long nhãn 8 g, dương quy 4 g, viễn chí 4 g, mộc hương 2 g, cam thảo 2 g.
ỈA RA MŨI ỉa ra phân dính mũi hoặc ỉa ra toàn mũi (chất nhầy, quánh, đặc, giống như đờm hoặc khạc từ mũi họng hoặc sỉ từ mũi ra khi viêm mũi, viêm họng, viêm khí, phế quản hoặc chất trong như nhựa chuối, xuất tiết từ niêm mạc đại – trực tràng bị viêm, nhưng hoại tử bong ra, hồng cầu, bạch cầu, vi khuẩn). Ít khi IRM đơn thuần, thường có dính cả máu, màu máu cá hoặc gỉ sắt, nhìn thấy được bằng mắt thường hoặc phải xét nghiệm, soi qua kính hiển vi. Nguyên nhân: viêm đại – trực tràng, chủ yếu trong bệnh lị trực khuẩn, lị amip, hoặc do một căn nguyên khác (lao ruột). Cần đi khám, giữ lại phân để thầy thuốc xem và tuân theo chế độ ăn uống trong viêm đại tràng (kiêng đồ xào, rán, thức ăn có nhiều gia vị…nên ăn đồ luộc, nướng, hạn chế ăn mỡ).
ÍCH MẪU (Leonurus heterophyllus), cây thảo, họ Hoa môi (Labitae). Cao 0.5 – 1 m. Hoa mọc vòng ở kẽ lá, màu hồng hay màu tím hồng. Mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi. Cây có vị đắng, chứa ancaloit (leonurin A, B; leonuriđin; leonurinin), flavonoit, tinh dầu, tanin. Dùng cả cây bỏ rễ, chữa kinh nguyệt bế tắc, đau bụng trước khi thấy kinh, kinh ra quá nhiều, huyết áp tăng, nhức đầu, ngày dùng 8 – 16 g dược liệu phơi sấy khô, dạng thuốc sắc, cao hoàn, viên nén.
INSULIN (A. insulin), hocmon của tuyến tuỵ, do tế bào bêta tiểu đảo Lăngghechan (Lengherhans) tiết ra; là polipeptit, có tác dụng kiểm tra sự chuyển hoá glucozơ – huyết. Tinh thể không màu, thường chứa 0,3 – 0,6% Zn2+ , tnc = 233oC. I được tiết ra khi lượng glucozơ trong máu cao và có nhiều các axit amin sau khi ăn. I kích thích các quá trình tổng hợp, kìm hãm phân giải ở mô cơ, gan, mô mỡ. I làm tăng vận tốc tổng hợp glicogen, axit béo, protein, kích thích phân giải glucozơ. I được dùng điều trị đái tháo đường, hôn mê do đái tháo đường; gây sốc trong điều trị bệnh nhân tâm thần. Dùng dưới dạng thuốc tiêm (lọ 10 ml, 400 đơn vị), liều dùng theo chỉ định của thầy thuốc; thuốc bột và mỡ bôi vết mổ bị rò, hoại thư, mun nhọt do đái tháo đường. Nếu dùng I với liều quá cao sẽ gây tai biến hạ glucozơ – huyết, với biểu hiện co giật, ngất, có thể gây tử vong. Người bệnh phải được hướng dẫn kĩ chế độ ăn, chế độ lao động, cách dùng thuốc, cách phát hiện và xử lí hạ glucozơ – huyết. I thường được chiết xuất từ tuỵ của lợn, bò, ngựa, cá voi. Ngày nay, bằng các biện pháp công nghệ sinh học người ta đã có thể sử dụng E. coli để sản xuất I trên quy mô lớn.
INTERFERON (A. interferon), protein được sản xuất ra ở tế bào động vật có vú, chim, để chống lại virut, ức chế quá trình sao chép của virut (ức chế tái sao ARN thông tin) và ức chế sinh sản của virut. I lan toả ra các mô xung quanh và thông tin cho các tế bào chưa bị nhiễm, các tế bào này sẽ sản xuất ra một protein khác để phong bế sự sản xuất ra axit nucleic và ức chế sinh sản của virut. Nhờ kĩ thuật AND tái tổ hợp, mà I được sản xuất từ tế bào vi sinh vật và có thể sản xuất bằng quy mô công nghiệp. Đã được dùng để điều trị nhiễm virut và một số ung thư. I được Ixac (A. Isaccs) và Linđenmen (J. Lindenmann) người Anh tìm ra (1957).