Từ điển Y học Việt Nam – Mục K

679

Từ điển Y học Việt Nam – Mục K

KÉ ĐẦU NGỰA (Xanthium sirumarium; tk. thương nhĩ), cây thảo, họ Cúc (Asteraceae). Thân nhỏ. Lá mọc so le. Hoa tự hình đầu. Quả giả hình thoi, có móc. Mọc hoang khắp nơi ở Việt Nam. Trong quả có glucozit là hạ glucozơ – huyết, xanthatin và xanthium kháng khuẩn. Dùng cành lá hoặc quả phơi khô chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, tràng nhạc, chảy nước mũi hôi. Dùng dưới dạng thuốc sắc.

KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH kế hoạch xác định rõ quy mô sinh sản của mỗi gia đình trong khuôn khổ chiến lược phát triển dân số của một nước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội chung, nhằm mục đích: bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, hạnh phúc của gia đình trước mắt và lâu dài, tương lai của trẻ em, góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh. Ở Việt Nam, chủ trương mỗi gia đình có một hoặc hai con; khuyến khích tuổi lập gia đình ở nam từ 25 tuổi, ở nữ từ 20 – 22 tuổi trở đi; lập gia đình sau hai năm mới có con; khoảng cách giữa hai lần sinh là 5 năm. KHHGĐ là quyền lợi và trách nhiệm của toàn xã hội, của mỗi gia đình và chủ yếu là của bản thân mỗi công dân. Để chuẩn bị vào đời, mỗi thanh niên (nam cũng như nữ) cần dự kiến một kế hoạch xây dựng gia đình tương lai của mình cho thích hợp. Trong KHHGĐ, ngành y tế đảm bảo đầy đủ và an toàn các dịch vụ chuyên môn – kĩ thuật theo các dịch vụ chuyên môn – kĩ thuật theo các yêu cầu của mỗi công dân.

KHÁM BỆNH xem xét tình trạng cơ thể một cách khách quan về lâm sàng (tim mạch, phổi, tiêu hoá, bụng, gan, vv.) qua nhìn, sờ, gõ, nghe, đo huyết áp. Khi cần, cho khám thêm các chuyên khoa thần kinh và nếu cần cả tâm thần. Làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết theo chỉ định của lâm sàng như thử máu, xét nghiệm dịch não – tuỷ qua chọc sống thắt lưng; khám X quang(chiếu, chụp tim, phổi) và các thủ thuật chuẩn đoán khác như điện tâm đồ, điện não đồ, vv. Tất cả các tư liệu về lâm sàng và cận lâm sàng đều lưu giữ trong bệnh án của người bệnh góp phần vào chuẩn đoán và theo dõi điều trị. X. Tứ chẩn.

KHÁM NGHIỆM TỬ THI 1. (y), thủ tục do thầy thuốc thực hiện trên tử thi để xác định sự chết thật, thời gian chết, nguyên nhân chết (chết tự nhiên, do bệnh, tai nạn, tự sát, hay án mạng, vv.). Kết quả KNTT phải được xác lập trên giấy chứng tử để cho nhân viên hộ tịch cấp giấy phép chôn cất. KNTT là một thủ tục thông thường, đơn giản nhưng vẫn phải để phòng những sự bất ngờ. Những điều cần chú ý khi tiến hành: hiện trường (nếu không chết ở bệnh viện); tình trạng áo quần, tình trạng thi thể (vị trí, mi mắt mở hay khép, có dấu hiệu chăm sóc người chết thông thường hay không, vv.); xác định chết thật chưa (nhiệt độ, tím xác, cứng xác, thối xác…, ước lượng thời gian tử vong, vv.); nhận dạng tử thi (giới tính, độ tuổi, chiều cao, vv.). KNTT phải được thực hiện đầy đủ, nếu cần phải cởi bỏ quần áo. Khi có nghi ngờ, nên yêu cầu mổ tử thi.

2. (luật, an ninh), hoạt động điều tra nhằm phát hiện những dấu vết trên thi thể người chết có liên quan đến vấn đề mà cơ quan điều tra cần xác minh, làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết, cũng như những dấu vết của người phạm tội để lại. Điều 126 Bộ luật tố tụng hình sự quy định, khi phát hiện tử thi, điều tra viên phải tiến hành khám nghiệm, có bác sĩ pháp y tham gia và phải có người chứng kiến. Trong trường hợp cần khai quật tử thi , phải có quyết định của cơ quan điều tra, phải thông báo cho gia đình nạn nhân biết và phải có sự tham gia của bác sĩ pháp y. Khi cần thiết, có thể triệu tập người giám định và phải có người chứng kiến. trong mọi trường hợp, việc KNTT phải được báo trước cho viện kiểm sát cùng cấp biết. KNTT là một bộ phận cấu thành giám định pháp y.

KHÁNG HISTAMIN các chất chống lại tác dụng của histamin. KH tự nhiên (adrenalin, ephedrin) có tác dụng chữa dị ứng, thường gây ngủ. Ngày nay thường dùng KH tổng hợp: benadryl, dimedrol, allergosan, cyproheptadin, phenergan, pipolphene, promethazin, tavegil, vv.

KHÁNG NGUYÊN các protein, glucidoprotein, lipidoprotein khi lọt vào hoặc được đưa vào cơ thể sống sẽ kích thích hệ thống đáp ứng miễn dịch của cơ thể sản xuất ra kháng thể. Trong y học và thú y, có nhiều chất KN: tế bào vi khuẩn sống hay chết, tế bào cơ thể khác loài, tế bào thực vật, hoá chất, các chất tiết của tế bào, các độc tố. Tuỳ theo nguồn gốc của KN có: KN đồng loài; KN dị loài; KN của bản thân (tự KN); KN mô là KN chứa ngay trong các tế bào của cơ thể, có tác động khi làm thủ thuật ghép (cấy) mô.

Kháng thể do KN tạo ra rất đa dạng và có tính đặc hiệu, vd. các lizozim làm tan các thân vi khuẩn; các precipitin làm các độc tố kết tủa, không hoà tan được , các antitoxin trung hoà độc tố. Kháng thể là cơ sở của tính miễn dịch. Virut là một loại KN. Dựa vào đặc tính KN của virut, người ta đã xây dựng phương pháp chuẩn đoán và phát hiện bệnh ở thực vật bằng huyết thanh: tiêm dịch cây bị bệnh virut vào cơ thể động vật thí nghiệm (vd. thỏ) sẽ tạo ra kháng thể; thu được kháng thể đặc hiệu bằng cách làm sạch KN bằng phương pháp li tâm hay bằng hoá chất làm kết tủa các thành phần khác.

KHÁNG SINH (tk. trụ sinh) x. Chất kháng sinh.

KHÁNG SINH ĐỒ kết quả thử nghiệm độ nhạy cảm của một vi khuẩn đối với những kháng sinh cần thử; cho biết tính chất kìm và diệt khuẩn của các kháng sinh đối với vi khuẩn để chọn loại kháng sinh cho hiệu quả tốt nhất trong điều trị.

KHÁNG THỂ phân tử protein hình thành trong cơ thể động vật (globulin huyết thanh, globulin miễn dịch, protein thuộc phần gamma – globulin do tế bào lympho B, tương bào sản xuất ra) để trung hoà hiệu ứng của protein lạ (kháng nguyên). KT do các tế bào bạch huyết sản ra đáp ứng sự có mặt của kháng nguyên. Mỗi KT có cấu trúc phân tử giống hệt cấu trúc của kháng nguyên (có thể ví như chìa khoá và ổ khoá). Các KT tự tấn công kháng nguyên (trên vi khuẩn hoặc được truyền từ vi khuẩn sang tế bào hồng cầu hoặc mô ghép của động vật khác) và làm kháng nguyên không hoạt động được . Một số KT gây nên hiện tượng ngưng kết tế bào xâm nhập và làm tan rã kháng nguyên; một số KT khác gây nên hiện tượng opsonin hoá, làm cho vi khuẩn dễ bị các bạch cầu thực bào nuốt. Có hai loại KT: KT đơn clôn chỉ do một dòng tế bào lympho sản xuất; KT đa clôn do nhiều dòng tế bào lympho sản xuất. Hiện nay KT đơn clôn được dùng nhiều trong nghiên cứu, chuẩn đoán và điều trị bệnh. Các KT có vai trò rất quan trọng trong việc phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn và để tạo miễn dịch. Xt. Ngưng kết; Tế bào bạch cầu.

KHÁNG THUỐC (cg. chống thuốc, nhờn thuốc), hiện tượng giảm sút phản ứng của quần thể một loài sinh vật (vi khuẩn, côn trùng, vv.) đối với thuốc hoặc hoá chất (vd. kháng sinh, thuốc trừ sâu, vv.); một bộ phận của quần thể này có khả năng chống chịu và tiếp tục tồn tại khi tiếp xúc với thuốc hoặc hoá chất và chúng được nhân lên theo thời gian để trở thành thành phần chính của quần thể. Mức độ KT được tính bằng chỉ số Ri dựa trên trị số LD50 (liều lượng gây chết 50% cá thể khảo nghiệm là mg hoạt chất/kg thể trọng) hoặc LC50 (nồng độ gây chết 50% cá thể khảo nghiệm tính theo ppm phần triệu hoặc ppb phần tỉ) của quần thể KT và quần thể mẫn cảm đối với thuốc. Có thể khái quát bằng công thức:

LD50 của thuốc với quần thể KT
Ri =
LD50 của thuốc với quần thể mẫn cảm
Khi trị số Ri > 10 – quần thể đó đã KT.

Trong y học và thú y, hiện tượng một sinh vật (vi khuẩn, động vật hoặc cơ thể người) không chịu tác dụng của thuốc (kháng sinh hoặc hoá chất) làm cho thuốc giảm hoặc mất hiệu lực phòng, chữa bệnh ngay cả khi dùng thuốc với liều lượng rất cao và trong thời gian dài cũng không đem lại hiệu quả. Phân biệt: KT tự nhiên có tính di truyền; KT ban đầu khi bắt đầu điều trị; KT thứ phát là KT xuất hiện sau khi dùng thuốc một thời gian. Phát hiện tính KT bằng kĩ thuật kháng sinh đồ (nuôi cấy vi khuẩn trên các môi trường có những nồng độ kháng sinh khác nhau và nhận định sự phát triển của vi khuẩn). Để tránh vi khuẩn KT, phải dùng thuốc đúng liều lượng, đủ thời gian quy định, có khi phải phối hợp nhiều loại kháng sinh.

KHÁNG VITAMIN nhóm chất có khả năng ức chế tác dụng của các vitamin. Vd. chất kháng vitamin K (cumaron, tromexan, pidion, vv.) là các chất đối kháng với vitamin K chống lại quá trình đông máu vì cản trở việc tạo ra các men ở trong gan, các men này cần thiết cho sự đông máu và do vitamin K tổng hợp. Nói chung đông máu là một quá trình có ích, nhưng có lúc lại có hại vì gây tắc mạch máu ở một số nội tạng (não, tim, võng mạc, vv.) và là nguyên nhân của các biến chứng nặng (liệt nửa người, nhồi máu cơ tim, mù, vv.) Để đề phòng, người ta dùng kháng vitamin K. Các chất kháng axit folic (vitamin B9 ) làm bất sản tuỷ xương, dùng để chữa bệnh bạch cầu cấp và một số loại ung thư.

KHÂU MẠCH MÁU khâu các mạch (thường là động mạch bị đứt, thủng, rách, vv.) để phục hồi sự lưu thông máu. Trong các vết thương dập nát, sau khi cắt lọc, KMM tránh được hoại tử thường xảy ra. KMM cần có kim, chỉ chuyên dùng, không gây chấn thương: loại kim rất nhỏ cỡ 0,00001, gắn liền chỉ và chỉ không tiêu (tơ hoặc nilon). Sau khi khâu phải theo dõi mạch ngoại biên. Nếu mất mạch, có thể do co thắt, cần tiêm ngay vào động mạch 10 – 20 ml novocain hoặc lidocain 1%. Nếu động mạch bị rách quá lớn, phải chuyển qua kĩ thuật nối hoặc ghép mạch máu. Tuyệt đối không khâu động mạch khi vết thương nhiễm khuẩn, nhiễm xạ nặng hoặc bị bỏng vòng quanh chi. Xt. Máy khâu (y).

KHÂU RUỘT khâu lỗ thủng ở ruột do bị đâm, bị vỡ (chấn thương bụng kín), bị bệnh (thương hàn, ung thư, loét, vv.). Thường chỉ áp dụng KR với ruột non. Với ruột già, hầu hết tạm thời phải đưa hai đầu ruột ra ngoài ổ bụng hoặc làm hậu môn nhân tạo. Có nhiều kĩ thuật khâu ruột non khác nhau nhưng đều theo chung một nguyên tắc cơ bản là phải lộn mép vết thương (mép lỗ thủng) vào phía trong lòng ruột. Trong những ngày đầu sau mổ, nhịn ăn uống (thay bằng truyền dịch) cho tới khi có trung tiện theo chỉ thị của thầy thuốc. Xt. Máy khâu (y).

KHÍ QUẢN 1. Ở động vật, ống rỗng nối từ họng tới phế quản ở động vật có xương sống trên cạn. Thành KQ có các vành sụn không hoàn toàn để chống xẹp mà vẫn giữ độ mềm dẻo. Ở côn trùng và nhiều loài chân đốt, KQ là ống dẫn khí từ các lỗ thở, ống này phân nhánh thành các vi KQ đến từng bộ phận của cơ thể. Cơ chế bơm làm thông khí ở các KQ lớn: oxi hoà tan trong một chất dịch (chất đầy trong các vi KQ nhỏ nhất) để khuếch tán qua các vi KQ vào các mô xung quanh.
2. Ở thực vật, X. Mạch.

KHÍ THŨNG PHỔI (cg. giãn phế nang) x. Giãn phế nang.

KHÍ TƯỢNG Y HỌC bộ môn ứng dụng của khí tượng học, nghiên cứu ảnh hưởng của các điều kiện khí quyển (thời tiết) đến diễn biến của các bệnh, sự phụ thuộc của các bệnh mạn tính và sự bùng nổ của các bệnh dịch theo những điều kiện thời tiết. Người ta còn gọi là khí hậu y học, bao hàm cả việc nghiên cứu ảnh hưởng của khí hậu đến sức khoẻ con người và các vấn đề khí hậu trị liệu.

KHÓ PHÁT ÂM tình trạng phát âm khó khăn, làm cho giọng nói không bình thường, do các biến đổi thực thể, chức năng, hoặc kết hợp của những cơ cấu phát âm: niêm mạc dây thanh, độ căng dây thanh (sự điều phối thần kinh), áp lực khí từ phổi, cơ quan cộng hưởng, phối hợp (họng mũi, lưỡi, vòm miệng, răng, môi, vv.).

KHÓ THỞ cảm giác chủ quan: cảm thấy khó khăn khi hít vào, thở ra, biểu hiện bằng nhịp thở quá nhanh hoặc quá chậm, co kéo các cơ hô hấp, co lõm trên xương ức hoặc dưới xương ức. KT có thể là một triệu chứng do rất nhiều nguyên nhân bệnh lí từ mũi vào thanh – khí – phế quản, phổi, tim và nhiều bệnh khác có tính chất toàn thân; do nguyên nhân sinh lí như sau khi làm việc nặng, chạy, leo dốc. Người ta còn phân biệt KT ra với KT vào, hoặc cả KT ra lẫn vào, từ tình hình từng bệnh.

KHOA CẬN LÂM SÀNG 1. Đơn vị chuyên khoa trong bệnh viện, không chữa bệnh nhưng chẩn đoán theo yêu cầu của các khoa lâm sàng, vd. khoa hoá sinh, X quang, giải phẫu bệnh, tế bào bệnh học, huyết học, vi sinh vật, vv.
2. Những chuyên khoa cận lâm sàng trong đào tạo y học ở trường đại học, trung học, viện nghiên cứu, vv. (giải phẫu, giải phẫu bệnh, sinh lí, hoá – sinh, vi sinh vật, vv.) thường được gọi là khoa y học cơ sở.
Trong y học hiện đại, KCLS có vị trí ngày càng quan trọng, để nâng cao tính khoa học và chất lượng của các dịch vụ bảo vệ sức khoẻ.

KHOA CHỈNH HÌNH chuyên khoa y học nghiên cứu các khuyết tật do một số bệnh bẩm sinh hay mắc phải để lại trên cơ thể; tiến hành phẫu thuật, sửa chữa những lệch vẹo ở các chi thể, lắp các bộ phận giả nếu cần thiết để phục hồi chức năng.

KHOA LÂM SÀNG bộ phận nghiệp vụ chuyên môn trong một cơ sở y tế (bệnh viện) có nghiệp vụ khám bệnh, chữa bệnh, nhận bệnh nhân nằm điều trị và chăm sóc, vv. Tuỳ theo đối tượng phục vụ, tính chất các bệnh lí, yêu cầu chuyên môn kĩ thuật, người ta phân chia thành những khoa khác nhau: khoa nội, khoa ngoại, khoa nhi, khoa phụ sản, vv.
Có thể chia thành những khoa chuyên sâu hơn như khoa tiêu hoá, khoa tim mạch, khoa nội tiết, vv.

KHOA NUÔI TRẺ bộ phận nuôi dưỡng trẻ em ở một cơ sở y tế, giáo dục (bệnh viện, nhà trẻ, mẫu giáo). Có nhiệm vụ: nghiên cứu, áp dụng chế độ dinh dưỡng, kết hợp chăm sóc và giáo dục trẻ.

KHOẢ THÂN toàn bộ hay một phần cơ thể người để trần, không có áo quần che đậy. KT là một phần trong sác tác trong nghệ thuật, rất được các nghệ sĩ tạo hình quan tâm thể hiện, vì cơ thể con người cung cấp cho nghệ sĩ nhiều vấn đề thuộc về hình khối ánh sáng, màu sắc, chất cảm…có thể có trong thiên nhiên. Hầu như nền nghệ thuật tạo hình của các dân tộc qua các thời đại đều có tranh, tượng KT. Ở Việt Nam, từ nghệ thuật Đông Sơn đến nghệ thuật điêu khắc đình làng, người ta có thể thấy những bức tượng, những bức chạm cảnh nam nữ KT hồn nhiên, trong sáng. Đặc biệt, điêu khắc Hy Lạp cổ đại đã cho ra đời nhiều pho tượng KT với kĩ thuật đục đá tuyệt vời, kết hợp chặt chẽ vẻ đẹp hình thể với vẻ đẹp tinh thần, đến nay vẫn còn làm say đắm lòng người.

KHỚP GIẢ khớp mới bất thường, được tạo nên ở ổ gẫy xương dài bị gián đoạn, có phần mềm lọt vào giữa hai đầu xương gẫy và tạo nên sẹo xương xấu. KG làm cho xương không liền được, mặc dù thời gian bó bột kéo dài; tạo nên sự vận động bất thường của chi, cản chở các động tác bình thường của chi. Dự phòng: ngay sau khi gẫy xương phải nắn chỉnh chính xác hai đầu xương gẫy, bất động ổ gẫy; vận động các khớp ở trên và dưới chỗ gẫy, vv. Điều trị: mổ để nắn chỉnh lại và cố định hai đầu xương gẫy cho đúng vị trí.

KHỚP HÀM KIỂU TRỰC TIẾP kiểu treo hàm ở một số các và tất cả động vật có xương sống ở cạn, mà hàm trên gắn trực tiếp với đáy sọ và xương móng hàm tiêu giảm thành xương bàn đạp, xương tai của tai giữa. Khác với kiểu khớp móng hàm, KHKTT hàm khớp động với sọ nhờ cung móng hàm và kiểu hàm khớp móng vuông: hàm dưới được treo vào hộp sọ bằng các sợi dây chằng và xương móng hàm, gặp ở cá nhám.

KHỚP HỌC một phần của bộ phận giải phẫu người, nghiên cứu cấu trúc giải phẫu và chức năng của các loại khớp, nhất là khớp của bộ máy vận động. Lĩnh vực ứng dụng cuả KH: sản xuất dụng cụ bảo hộ để phòng tránh bệnh nghề nghiệp ở khớp; nghiên cứu phương pháp luyện tập thể thao để phòng tránh các yếu tố có hại; sản xuất dụng cụ chỉnh hình (cho người bị vẹo, gù, bại liệt); làm chân tay giả.

KHỚP RĂNG (cg. dây chằng ổ răng – răng), bao gồm nhiều bó mô liên kết xơ,có mạch máu, bạch mạch và dây thần kinh; nằm giữa xương ổ răng và xương răng, bám vào xương ổ răng và xương răng; có nhiệm vụ giữ xương nằm trong xương ổ răng. KR có thể bị viêm, các dây chằng bị phá huỷ làm cho răng lung lay và đau.

KÍ SINH TRÙNG (tk. kí sinh vật), động vật hay thực vật, vi sinh vật sống suốt đời hay một phần đời ăn bám, phụ thuộc vào một cơ thể của loài khác và làm tổn hại cho cơ thể này về mặt sinh học. Chia ra: đa kí sinh, sự phát triển chỉ có thể tiến hành được nhờ qua nhiều kí chủ (vật chủ) liên tiếp; đơn kí sinh thực hiện toàn bộ quá trình phát triển trên một kí chủ. Còn chia ra: KST sống trên mặt da, trong nội bì, trong các hốc tự nhiên, trong máu, các nội tạng. Các KST hút máu đồng thời tiết ra độc tố ức chế hệ thống sinh huyết, gây quá mẫn. KST là những tác nhân gây nhiều bệnh, là một đối tượng rất quan trọng của y học và thú y học nhiệt đới. Phòng KST bằng vệ sinh cá nhân, xử lí tốt phân người và phân gia súc, giữ sạch sẽ môi trường gia đình, cộng đồng, tiêu diệt các vật trung gian truyền bệnh (ruồi, muỗi, rệp, ốc…).

KÍ SINH VẬT x. Kí sinh trùng.

KÍCH DỤC TỐ HCG (tk. prolan B), chất kích thích sinh dục màng đệm của người (viết tắt HCG – A. human chorionic gonadotropia), được chiết xuất từ nước tiểu của phụ nữ có thai, dùng gây rụng trứng cho một số loài cá nuôi. Hàm lượng HCG trong nước giải phụ nữ có thai cao nhất trong khoảng 40 – 110 ngày từ khi có chửa. HCG được sản sinh từ tầng tế bào tự dưỡng (cytotrophoblast) của bào thai người, nên còn được chiết xuất trực tiếp từ nhau thai người. HCG được dùng tiêm kích thích sinh sản cho cá mè hoa, mè trắng, trê phi, với liều lượng 1,5 – 2,5 nghìn UI/kg (UI là đơn vị quốc tế), cho cá mè cái (liều cho cá đực bằng ½). HCG không gây rụng trứng với các loài cá chép, cá trôi, trắm cỏ, cá rôhu, cá mrigan. Thường được dùng kết hợp với não tuyến yên (hypophyse). HCG cần được bảo quản ở chỗ tối, khô ráo, nhiệt độ thấp (khoảng 50C.
Ở Việt Nam, đã sản xuất được HCG phục vụ sinh sản nhân tạo cá nước ngọt và một số loài cá biển như cá giò, cá mú nhưng phải kết hợp với kích thích tố khác như LRH – A (A – luteinising realising hormone).

KÍCH DỤC TỐ LRH – A (A. luteinising realising hormone), chất kích thích sinh sản, dùng cho đẻ nhân tạo của các loài cá nước ngọt, cá biển. LRH – A có trong cá và động vật có vú , nằm ở vùng dưới đồi (hypothalamus) của não, có chức năng điều khiển não thuỳ thể tiết ra kích dục tố làm cho trứng, tinh trùng chuyển sang hoàn toàn thành thục và động dục sinh sản. LRH – A thương phẩm có dạng bột trắng, hoà tan trong nước. Lượng dùng cho loài cá nước ngọt từ 10 – 50µg LRH – A + 5mg domperindon/kg cá cái. Tiêm vào xoang qua gốc vây ngực của cá, thường tiêm làm hai lần, lần thứ nhất tiêm 1/10 – 2/10 liều lượng cần tiêm. Sau 8 – 10 giờ tiêm liều thứ hai với liều lượng còn lại. Với cá đực dùng ½ liều tiêm cho cá cái và chỉ tiêm một lần vào lần tiêm thứ hai cho cá cái. Với cá biển dùng 100 – 200 µg/kg cá cái. Bảo quản thuốc ở nơi thoáng mát, khô ráo, không ánh sáng trực tiếp.

KÍCH GIÁP TỐ (A. thyreostimulin; cg. TSH), hocmon do thuỳ trước tuyến yên tiết ra, có tác dụng kích thích tuyến giáp tiết tyroxin (T4) hoặc triodotyroxin (T3). Thiếu KGT dẫn tới thiểu năng tuyến giáp. Hàm lượng KGT trong máu tăng khi tuyến giáp không tiết đủ T3 và T4. Định lượng KGT là một trong những xét nghiệm để phát hiện sớm bệnh thiểu năng tuyến giáp ở trẻ sơ sinh.

KÍCH TỐ TINH HOÀN x. Testosteron.

KIỂM TRA Y HỌC THỂ THAO chuyên khoa quan trọng của hệ thống y học thể thao. Nhiệm vụ cơ bản là xác định tình trạng sức khoẻ, sự phát triển thể lực, khả năng, chức năng cơ thể, trình độ tập luyện của vận động viên từ đó mà cho người tập luyện và thi đấu phù hợp với lứa tuổi, giới tính, tình trạng sức khoẻ, trình độ luyện tập. Phải tiến hành KTYHTT một cách có hệ thống trong và sau từng thời kì tập luyện và thi đấu. Các bác sĩ chuyên khoa KTYHTT có nhiệm vụ hướng dẫn cho vận động viên và người tập hiểu biết và thực hành các phương pháp tự KTYHTT.

KIỂU GEN x. Genotip.

KIỂU NỘI MÔ tình trạng bệnh lí xảy ra khi đường tiết của các tế bào tuyến túi hay tuyến ống bị tắc, chất chế tiết bị ứ đọng, đè ấn lên tế bào tuyến, làm cho các tế bào này bị dàn mỏng giống như tế bào nội mô.

KINH TẾ Y TẾ khoa kinh tế học áp dụng cho ngành y tế với yêu cầu hạch toán các dịch vụ y tế, nhằm đạt hiệu quả cao và tiết kiệm nhất trong mọi lĩnh vực liên quan đến sức khoẻ, đồng thời đảm bảo phúc lợi cho nhân dân và cho người lao động hoạt động trong ngành y tế. Ở Việt Nam, dịch vụ y tế bao gồm mọi hoạt động liên quan đến tổ chức sản xuất thuốc men, trang thiết bị, lưu thông phân phối, khám chữa bệnh, phòng chống bệnh dịch, vệ sinh môi trường, vv. nhằm thực hiện chiến lược “sức khoẻ cho mọi người năm 2000” thông qua chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

KÍNH HIỂN VI x. Kính hiển vi quang học.

KÍNH HIỂN VI ĐIỆN TỬ thiết bị để quan sát và chụp ảnh với độ phóng đại rất lớn (đến hàng triệu lần), dùng chùm tia điện tử (thay cho chùm ánh sáng trong kính hiển vi thông thường) được tăng tốc với điện thế hàng chục, hàng trăm hoặc hàng nghìn kilôvôn trong chân không cao. Có hai loại chính: KHVĐT truyền qua và KHVĐT quét. Trong KHVĐT truyền qua, các đối tượng nghiên cứu phải có dạng màng mỏng cho phép tia điện tử đi qua. Phụ thuộc vào điện thế tăng tốc, khả năng phân giải có thể đạt tới 1 – 3 Å, tương ứng với độ phóng đại hàng trăm nghìn đến hàng triệu lần, có thể quan sát hình ảnh các nguyên tử riêng lẻ. Trong KHVĐT quét, sử dụng các mẫu dạng khối và ảnh phóng đại nhận được là kết quả của tương tác giữa mẫu và chùm tia điện tử sơ cấp dưới dạng tia điện tử phản xạ, tia điện tử thứ cấp, tia rơnghen, tia huỳnh quang catôt, vv. Điện thế tăng tốc của KHVĐT quét vào khoảng hàng chục kilôvôn, khả năng phân giải vào khoảng 50 – 200 Å. KHVĐT còn được dùng rộng rãi trong các ngành sinh học, y học, nông học, vv.

KÍNH HIỂN VI ĐỐI PHA (y), thiết bị chuyển những khác biệt trong pha truyền và phản xạ ánh sáng sang sự chuyển bậc tương phản với nền.

KÍNH HIỂN VI ION kính hiển vi sùng chùm ion chiếu vào mẫu, chùm ion đi xuyên qua mẫu hoàn toàn hoặc một phần, nhờ một hệ tạo ra điện và từ trường tiêu tụ để tạo ra ảnh phóng đại trên màn huỳnh quang hay trên lớp nhũ tương của kính ảnh.

KÍNH HIỂN VI PHÂN CỰC kính hiển vi quang học có hai nicon phân cực ánh sáng, đặt thẳng góc nhau: nicon phân cực đặt dưới mâm kính, nicon phân tích đặt giữa vật kính và thị kính. Mẫu đá hoặc khoáng vật mài mỏng tới bề dày 0,03 mm, được gắn bằng nhựa Canađa vào tấm thuỷ tinh và đặt trên mâm kính. KHVPC cho phép xác định các hằng số quang học của khoáng vật (chiết suất, lưỡng chiết suất, góc quang học, màu tự nhiên, màu đa sắc của khoáng vật kim loại) và nhờ đó có thể xác định chính xác tên khoáng vật.

KÍNH HIỂN VI QUANG HỌC (thường gọi: kính hiển vi), dụng cụ cho phép phóng đại hình của các vật thể (chi tiết máy, phân tử) có kích thước quá nhỏ mà mắt không nhìn thấy được. Độ phóng đại có thể đạt đến 1500 – 2000 lần. KHVQH gồm một vật kính là hệ nhiều thấu kính nhỏ với tiêu cự ngắn cho ảnh thực đã phóng đại của vật ở mặt phẳng của tiêu, ảnh này được thị kính (hệ hai thấu kính hội tụ làm việc như một kính lúp) phóng đại thêm lên. Vật cần phóng đại được đặt trên một miếng kính và chiếu sáng từ phía dưới.

Để soi sáng các vật phẩm, dùng ánh sáng tự nhiên của Mặt Trời hay của một đèn chiếu sáng. Vật xét nghiệm được soi tươi hoặc cắt mỏng (vài micrômet), sau đó cố định và nhuộm để có thể quan sát rõ các chi tiết. KHVQH tốt nhất có thể phân biệt được hai điểm ở khoảng cách 0,25 µm.

KÍNH MẮT thiết bị hay dụng cụ quang học trong suốt, đeo trước mắt, nhằm: điều chỉnh các tật khúc xạ để mắt nhìn rõ hơn khi làm cho hình ảnh của vật xuất hiện đúng trên võng mạc; bảo vệ mắt. Các loại kính: kính cận thị là kính cầu phân kì (-); kính viễn thị là kính cầu hội tụ (+); kính loạn thị là kính trụ hoặc một hệ thống cầu – trụ dùng cho mắt loạn thị; kính lão thị trường dùng cho người trên 40 tuổi khi phải nhìn gần (đọc sách, khâu vá, vv.) và tuỳ theo khúc xạ của mắt là kính cầu hội tụ, phân kì hoặc kính trụ; kính tiếp xúc là loại kính làm bằng chất dẻo (cứng hoặc mềm), nhỏ, nhẹ, đặt sát vào mắt (mặt sau của kính áp đúng lên diện tích của giác mạc hoặc có thêm vành củng mạc); kính hai tròng để vừa nhìn xa (qua tròng trên), vừa nhìn gần (qua tròng dưới), thuận tiện cho người giảng dạy, thuyết trình vì đỡ phải thay đổi kính (kĩ thuật hiện đại đã sản xuất được kính ba tròng và nhiều tròng); kính râm là kính mầu để giảm bớt ánh sáng, đỡ chói mắt khi nắng gắt; kính đổi màu là loại kính tự thích ứng với cường độ ánh sáng (gần như không có màu khi ít ánh sáng, sẫm lại khi nhiều ánh sáng để mắt đỡ bị chói); kính bảo hộ lao động dùng để bảo vệ mắt cho người lao động trong khi sản xuất. Người bị tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị, vv.) muốn biết số kính thường dùng, phải đến khám ở cơ sở nhãn khoa. Kính tiếp xúc được chỉ định dùng cho mắt cận thị, mắt viễn thị, mắt loạn thị, mắt đã mổ đục thể thuỷ tinh một bên (để nhìn được cân bằng như mắt lành còn lại); người sử dụng kính tiếp xúc thường do nghề nghiệp (thể thao, nghệ sĩ), và phải giữ vệ sinh mắt chu đáo vì dễ xảy ra các biến chứng.

KÍNH SIÊU HIỂN VI dụng cụ quang học để phát hiện những hạt có kích thước cực nhỏ (đến cỡ 2.10-9 m) không thể quan sát được bằng kính hiển vi thông thường. KSHV không quan sát được chính các hạt này, mà là vết nhiễu xạ ánh sáng của chúng, sau đó thông qua mật độ hạt mà tính kích thước trung bình. KSHV được sử dụng khi nghiên cứu các hệ tán sắc, để kiểm tra độ sạch của không khí và nước.