Từ điển Y học Việt Nam – Mục L

738

Từ điển Y học Việt Nam – Mục L

LÁ PHỔI cơ quan hô hấp ở nhện, gồm một khoang chứa các nếp gấp hình lá của thành cơ thể, thực hiện trao đổi khí hô hấp. Một số loài nhện chỉ có khí quản, đa số các loài khác có cả phổi và khí quản. LP cũng được dùng để gọi phổi của động vật có vú như LP trái, LP phải.

LẠC DÒNG DI TRUYỀN hiện tượng đồng giao của tần số alen trong quần thể nhỏ hoàn toàn do ngẫu nhiên. Nếu số cặp giao phối ít, khi đó số kiểu giao phối mong muốn trên cơ sở là hoàn toàn ngẫu nhiên. Trong những quần thể nhỏ, tần số cận phối tăng, làm thay đổi đáng kể tần số gen vì có những alen được củng cố trong khi những alen khác mất đi. LDDT là một trong những nhân tố có thể phá vỡ cân bằng Hacđy – Uyênbơc (Hardy – Weinberg).

LẠC TINH HOÀN x. Ẩn tinh hoàn.

LÁCH tạng huyết nằm trong ổ phúc mạc, ở tầng trên mạc treo tràng ngang, dưới cơ hoành, bên trái dạ dày, áp vào phía sau lồng ngực. Thường người chỉ có một L, nhưng có thể thêm những L phụ. Là một kho dự trữ máu, khi cần thiết L sẽ tống máu chứa ra ngoài, vd. trong trường hợp bị chảy máu, hoạt động cơ (khi chạy, L co và có thể gây đau). Là cơ quan tạo huyết. L sản sinh bạch cầu, là nơi chôn các hồng cầu già và từ hồng cầu già tạo thành hemoglobin. L có chức năng nội tiết, chuyển hoá chất sắt, mỡ và cholesteron. L là cơ quan bảo vệ cơ thể chống nhiễm khuẩn. Ở người, L to trong bệnh sốt rét, bệnh sán máng, bệnh do Leishmania, một số bệnh nhiễm khuẩn máu, bệnh thiếu máu do tan huyết, một vài thể xơ gan. L là một tạng dễ vỡ; vỡ do chấn thương có thể gây chảy máu trong,và khi điều trị phải cắt bỏ L.

LÃNH ĐẠM TÌNH DỤC là một loại ức chế tình dục ở nữ, mất hứng thú thông thường, nhất là lúc cực khoái khi quan hệ tình dục với nam giới. Có thể do nguyên nhân thực tổn (nhiễm độc chì, thuốc lá, thuốc phiện; rối loạn nội tiết như đái tháo đường, suy tuyến giáp, suy buồng trứng, vv.; dị dạng bộ phận sinh dục) hay tâm lí như chấn thương (bị hiếp dâm, chửa đẻ khó, vv.) hoặc một xung đột đã qua. Điều trị bằng liệu pháp tâm lí; chữa bệnh nguyên phát, vv.

LAO HẠCH thể lao chiếm tỉ lệ cao trong số các thể lao ngoài phổi, do trực khuẩn lao xâm nhập và gây tổn thương ở hạch; thường gặp ở hạch ngoại biên (một hay nhiều hạch to dần, không đau, chắc, các hạch dính vào nhau thành chuỗi), phổ biến ở hai bên cổ, còn gọi là tràng nhạc, ít gặp ở các vị trí khác; xảy ra chủ yếu ở trẻ em. Diễn biến: có thể nhuyễn hoá, biến thành bã đậu rồi vỡ ra ngoài tạo nên lỗ rò ngoài da. Muốn chẩn đoán chính xác phải chọc dò hay làm sinh thiết hạch. Điều trị bằng các thuốc chữa lao đặc hiệu, nhưng do đặc điểm thương tổn của hạch nên kết quả đạt được thường kém hơn so với các thể lao khác; trong một số trường hợp khu trú, có thể mổ loại bỏ hạch, kết hợp với các thuốc đặc hiệu chống lao. Phòng bệnh bằng tiêm vacxin BCG. Y học cổ truyền gọi LH là lao dịch, do can khí uất kết, hoặc đởm nhiệt ngưng trệ ở các kinh can, đởm tam tiêu. Có thể dùng bài thuốc: cải trời 40 g, xạ can 8 g; sắc uống. Có thể châm cứu các huyệt Thái sung, Bách lao, Kiên tỉnh, các huyệt hai bên hạch. Riêng huyệt ở hai bên hạch có thể xung điện kích thích 30 phút, hoặc sau khi rút kim thì cứu.

LAO MÀNG BỤNG bệnh do trực khuẩn lao khu trú và gây tổn thương chính ở màng bụng người bệnh. Có thể LMB tiên phát và LMB thứ phát (thường phát sinh sau lao phổi). Ở Việt Nam, LMB còn gặp tương đối nhiều (đa số người bệnh là nữ). Thể LMB thông thường là thể cổ trướng có dịch ở màng bụng, hay gặp ở thiếu nữ. Để phát hiện bệnh, cần kiểm tra đờm và các ổ lao khác. Phòng bệnh: tiêm BCG. Điều trị bằng thuốc đặc hiệu theo nguyên tắc chung.

LAO MÀNG NÃO thể lao nặng do trực khuẩn lao xâm nhập và gây tổn thương ở màng não. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, phần lớn là trẻ nhỏ. Các dấu hiệu lâm sàng của viêm màng não: nhức đầu, trẻ rên rỉ; cứng gáy, có thể lan đến cột sống, các chi; nôn, táo bón; sốt; trạng thái mơ màng; vv. Để khẳng định bệnh, phải chọc dò cột sống lấy dịch não tuỷ. Điều trị tích cực với các thuốc chữa lao; điều trị sớm cho kết quả tốt. Điều trị muộn, nếu khỏi vẫn có thể để lại những di chứng nặng nề. Hiện nay, tỉ lệ tử vong chung khoảng 1/3 số trường hợp mắc bệnh. Tiêm phòng BCG đúng quy định cho tất cả trẻ sơ sinh là biện pháp tốt nhất để tránh mắc bệnh lao và thanh toán LMN.

LAO PHỔI thể lao khu trú và gây tổn thương ở phổi. Bệnh hay gặp và nguy hiểm vì dễ lây lan, phát triển và tồn tại lâu. Có bệnh cảnh lâm sàng đa dạng, dễ dẫn đến thể mạn tính (xơ, hang). Dấu hiệu: chóng mệt mỏi khi làm việc, chán ăn, xanh xao, gầy, sút cân không rõ nguyên nhân, ho húng hắng, sốt hâm hấp vào buổi chiều vào ban đêm. Bệnh lây qua đường hô hấp (trực khuẩn lao trong đờm phát tán ra không khí). Chẩn đoán bệnh bằng cách kết hợp thăm khám lâm sàng, chụp X – quang và xét nghiệm đờm tìm trực khuẩn lao. Điều trị: cần phát hiện bệnh sớm, điều trị theo đúng quy định của thầy thuốc, kết hợp với nghỉ ngơi và lao động thích hợp. Dự phòng và thanh toán LP trong tương lai bằng cách tiêm BCG cho trẻ sơ sinh.

LAO RUỘT viêm ruột do trực khuẩn lao (BK) đến ruột do ăn các thức ăn có nhiễm BK, do hằng ngày được nuốt theo đờm ở một bệnh nhân lao phổi hoặc theo đường máu. Có hai thể bệnh: 1) LR xảy ra ở một bệnh nhân lao phổi. Dấu hiệu: rối loạn tiêu hoá (ỉa chảy, phân lỏng hoặc sền sệt, ngày đi 3 đến 6 lần, kéo dài nhiều ngày, về sau có thể có chất nhầy, mũi, máu, ăn kém, tiêu hoá chậm, ợ hơi, buồn nôn, đau bụng âm ỉ); thể trạng sút kém nhanh chóng. 2) Thể u khu trú ở mang tràng và phần đầu đại tràng lên, làm thành một khối u ở trong hố chậu phải, mềm, hơi đau, di động theo chiều ngang kèm theo các rối loạn tiêu hoá. Hiện nay ít gặp LR. Điều trị: theo sơ đồ chữa lao thông thường; chữa các triệu chứng (đau bụng, ỉa chảy); nâng cao thể trạng.

LAO THẬN nhiễm khuẩn thận do trực khuẩn lao. Là nhiễm khuẩn lao thứ phát và thường có kèm theo lao ở các phần khác của hệ tiết niệu – sinh dục. Trực khuẩn lao đến thận theo đường máu, xuất phát từ một ổ lao nguyên phát ở phổi, ruột, xương, hạch lympho hay từ một điểm không xác định được. Các biểu hiện lâm sàng: triệu chứng nhiễm lao (sốt về chiều, biếng ăn, gầy, sút cân, người xanh xao, vv.), đau vùng thắt lưng, đái ra mủ, có thể có dấu hiệu viêm bàng quang. Xét nghiệm nước tiểu tìm thấy trực khuẩn lao (khoảg 60% các trường hợp). Chữa bệnh theo sơ đồ chung chữa lao bằng kháng sinh đa trị liệu (phối hợp nhiều kháng sinh). Dự phòng: tiêm BCG cho trẻ sơ sinh để phòng ngừa mọi thể lao, trong đó có LT.

LAO XƯƠNG tổn thương mạn tính trong bệnh lao mà không kèm theo viêm khớp, do trực khuẩn lao từ hạch hoặc ổ lao phủ tạng, theo đường máu tới xương, gây viêm lao mô liên kết xương, gây bã đậu hoá, mô xương dần bị hoại tử, gãy vụn rồi tự tan. Triệu chứng: sốt nhẹ, tốc độ lắng máu tăng; người bệnh gầy, mệt; đau xương tại chỗ bịtổn thương; xuất hiện apxe lạnh phần mềm gần hoặc xa nơi tổn thương. Các thể LX: thưa xương, loét xương, có hang, thủng xương, vv. LX hay gặp ở lứa tuổi thanh, thiếu niên. Ở người có tuổi, LX tiển triển nhanh, làm sức khoẻ suy sụp, đe doạ tính mạng. Cần điều trị kịp thời và toàn diện: chế độ ăn uống, nghỉ ngơi vệ sinh hợp lí; chỉnh hình bằng bột, bất động đoạn xương bị lao; dùng phối hợp 3 loại thuốc đặc hiệu (isoniazid, streptomycin và rifamycin); mổ để nạo xương mục, tháo apxe lạnh (trong trường hợp dùng thuốc không đạt kết quả).

LAO XƯƠNG KHỚP viêm khớp lao, do trực khuẩn lao từ lao sơ nhiễm hạch phổi theo máu tấn công vào khớp, gây nang lao, bã đậu và huỷ xương. LXK xuất hiện vào năm thứ hai, thứ ba sau khi bị sơ nhiễm lao (giai đoạn lao phát triển ngoài phạm vi phổi). Thường chỉ viêm khớp lao ở một khớp, sau lan dần ra các khớp theo thứ tự: khớp đốt sống (x. Bệnh Pott), khớp háng, khớp khuỷu tay, khớp cổ chân. Gặp ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất ở thanh, thiếu niên. Khoảng 10% trường hợp LXK có yếu tố gia đình với cơ địa thích hợp. Điều trị: phối hợp ba loại thuốc đặc hiệu (isoniazid, streptomycin, rifamycin); phẫu thuật loại bỏ các phần tổn thương (hoại tử, bã đậu); chỉnh hình bằng bó bột để bất động khớp lao.

LÃO KHOA Y HỌC (tk. bệnh học tuổi già, lão bệnh học), phần y học của lão học về phương diện sinh lí, nghiên cứu những biến đổi khi con người trở về già, rõ nhất là sự giảm sút mọi chức năng. Ở phần ranh giới, đôi khi khó phân biệt đâu là biểu hiện sinh lí của lão hoá và đâu là bắt đầu bệnh lí. Về đặc điểm bệnh lí tuổi già: người già hay mắc nhiều bệnh một lúc, các triệu chứng bệnh lí thường không được điển hình và rõ nét như lúc còn trẻ; bệnh dễ chuyển nặng do sức đề kháng kém; điều trị bệnh tuổi già không hoàn toàn giống như đối với người trẻ.

Với mục đích nâng cao tuổi thọ khoẻ mạnh và hữu ích, người ta dùng một số thuốc và nhất là các phương pháp không dùng thuốc, quan trọng nhất là lối sống lành mạnh, điều độ, năng luyện tập vừa sức, ăn uống hợp lí và tâm thần thanh thản, thư thái.

LÃO SUY trạng thái giảm tuần tiến mọi khả năng hoạt động thể lực, tinh thần, trí tuệ ở người cao tuổi và người già. Hiện nay, người ta chú ý nhiều đến các rối loạn tâm thần ở các mức độ khác nhau, rất phổ biến và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống trong xã hội. LS là hiện tượng sinh lí bình thường. Cũng có thể gặp LS ở người còn trẻ do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố gây già sớm: chế độ sinh hoạt, lao động, dinh dưỡng, rèn luyện cơ thể và nghỉ ngơi không hợp lí, nhất là một số thói quen xấu như nghiện rượu, ma tuý, thuốc lá, vv.; một số bệnh cấp tính, mạn tính, bệnh chuyển hoá, bệnh nội tiết và di truyền, ..(xt. Y học tuổi già). Hiện nay y học vẫn đang tìm kiếm các biện pháp làm chậm quá trình LS để kéo dài tuổi thọ khoẻ mạnh.

LÃO THỊ hiện tượng sinh lí của mắt ở người có tuổi (trên 40 tuổi), với những biểu hiện: mới đầu khó đọc sách, chỉ đọc được khi để sách ở khoảng cách xa hơn bình thường, sau đó phải dùng kính đọc sách. Hiện tượng LT xuất hiện do trạng thái xơ cứng của thuỷ tinh thể. Khắc phục tình trạng LT bằng cách đeo kính theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

LIỆT DƯƠNG dương vật không có khả năg cương lên và do đó không có khả năng giao hợp. Nghĩa rộng: người đàn ông không có khả năng sinh sản. LD có nhiều nguyên nhân: thủ dâm (đối với thanh niên); dâm dục quá độ; cơ thể suy nhược; rối loạn thần kinh chức năng; thận hư; viêm nhiễm lâu ngày, vv. Chữa bệnh căn cứ vào nguyên nhân bệnh; tổ chức lại cuộc sống, ăn uống điều độ, rèn luyện cơ thể, dưỡng sinh, vv.

LIỆT HAI CHI DƯỚI liệt cả hai chân kiểu ngoại vi hoặc trung ương, có thể có rối loạn cảm giác hoặc rối loạn co thắt (bàng quang, hậu môn). Khi có tồn thương, các nơron vận động co thắt (vùng thắt lưng – cùng), bàng quang giãn, gây són đái dầm dề, khó phục hồi. Khi tổn thương ở cao hơn, bàng quang co, có thể đái không tự chủ, tiện lượng tốt hơn.

LIỆT HÀNH LÃO liệt kiểu ngoại vi do tổn thương nơron vận động một bên hay cả hai bên các dây thần kinh sọ não ở hành não, gồm các dây IX (thiệt hầu), X (phế vị), XI (gai – chi phối các cơ vùng cổ, vai, gáy), XII (đại hạ nhiệt – chi phối cơ lưỡi), đôi khi còn cả dây V (sinh ba – dây vận động cơ nhai và cảm giác vùng mặt) và dây VII (mặt – vận động các cơ mặt, tuyến nước bọt). LHN gây rối loạn nhai, nuốt, phát âm, mất điệu bộ mặt. Nguyên nhân gây LHN cũng là nguyên nhân gây tổn thương thần kinh nói chung (nhiễm khuẩn, nhiễm virut, xuất huyết, vv.) Xt. Liệt giả hành não.

LIỆT MẮT liệt một số hay tất cả các cơ vận động mắt do dây thần kinh III chi phối. Biểu hiện bằng song thị (nhìn một vật thành hai do hai mắt không tập trung vào một vật nhìn), mất đi khi bịt một mắt. LM có thể do nhiều nguyên nhân gây ra: các bệnh và chấn thương sọ não, xơ cứng rải rác, nhiễm độc, đái tháo đường, các bệnh cơ.

LIỆT MẶT loại liệt ngoại vi gây LM cùng bên, mặt bị lệch sang bên lành, do tổn thương dây thần kinh mặt (dây VII). Bệnh nhân không nhắm được mắt bên tổn thương, nên dễ bị khô và loét giác mạc, miệng bị méo cùng bên với mắt, không huýt sáo được, uống nước bị trào ra ngoài. Để tránh biến chứng ở mắt cần tra thuốc mỡ vài lần trong ngày, nhất là khi ngủ. Nếu liệt đồng thời hai bên, bệnh nhân mất khả năng biểu hiện vẻ mặt. Nguyên nhân: thường gặp nhất là lạnh hướng dồn vào một bên mặt (nhưng không tìm được tổn thương thương thực thể); viêm tai giữa mạn tính, u tuyến mang tai, chấn thương làm vỡ xương đá, vv. Điều trị bằng thuốc chống viêm, vitamin, châm cứu. Sau giai đoạn cấp, bệnh tiến triển đến khỏi (85% các trường hợp sau 10 ngày đến vài tuần) hoặc vẫn còn để lại di chứng nhẹ (khoảng 15% các trường hợp). LM trung tâm là loại liệt không hoàn toàn, do tổn thương nơron vận động ở trung tâm. Thường kèm theo liệt nửa người cùng bên, do tổn thương khu trú bên bán cầu đại não đối diện. Y học cổ truyền chia LM ra nhiều loại: 1) LM ngoại biên: liệt do lạnh hay trúng phong hàn ở kinh lạc, sau khi gặp mưa, gió lạnh. Chữa bằng châm cứu các huyệt tại chỗ (Ế phong, Dương bạch, Toản trúc, Tinh Minh, Ti trúc không, Đồng tử liêu, Thừa khấp, Nghinh hương, Giáp xa, Địa thương, Nhân Trung, Thừa tướng, vv.); châm toàn thân các huyệt Hợp cốc, Phong trì. 2) Liệt do nhiễm khuẩn hay trúng phong nhiệt ở kinh lạc. Chữa bằng châm cứu như LM ngoại biên, thêm các huyệt Khúc trì, Nội dinh. 3) Liệt do sang chấn hay ứ huyết ở kinh lạc. Châm các huyệt tại chỗ như trên; châm toàn thân các huyệt Huyết hải, Túc tam lí. Châm cứu cho kết quả tốt trong trường hợp liệt do lạnh; đối với các loại liệt khác, phải phối hợp nhiều phương pháp chữa, mất nhiều thời gian hơn.

LIỆT NHẸ liệt không hoàn toàn, biểu hiện bằng sự giảm lực cơ.

LIỆT NỬA NGƯỜI trạng thái bệnh lí mất một phần hay hoàn toàn khả năng vận động nửa người. Xảy ra ở người cao huyết áp, xơ cứng động mạch, xơ vữa động mạch, tăng colesteron trong máu toàn phần (quá 2,5 g/l); tỉ lệ mắc bệnh ở nam cao hơn nữ; thường xảy ra ở người béo, ít luyện tập và vận động, khoảng 50 tuổi trở lên; thường xảy ra vào lúc giao thời giữa mùa xuân – hè, thu – đông; có thể sau một bữa cơm thịnh soạn, sau một cảm xúc mạnh… cũng có khi không có nhân tố nào đáng kể. Bệnh xảy ra một cách đột ngột, tự nhiên (có thể trước đó có một cơn nhức đầu), bệnh nhân ngã quỵ xuống, bất tỉnh, bị hôn mê ngay (cơn đột quỵ); nửa người bị liệt cứng, hai bàn tay nắm chặt, thở rống hay khò khè; huyết áp rất cao. Bệnh nhân bị tai biến vỡ mạch máu não, gây chảy máu não, có thể tụ thành một u máu trong sọ. Cần phải hồi sức nhanh chóng cứu bệnh nhân qua cơn hiểm nghèo. Đa số bệnh nhân có thể được cứu sống, nhưng vẫn có nguy cơ bị hai di chứng nặng nề là LMM và nói khó khăn.

Một thể LNN xảy ra một cách dần dần: thoạt tiên bệnh nhân thấy liệt nhẹ bàn tay phải, nói khó khăn; hoặc thấy LNN, hoặc thấy mắt mờ, chóng mặt, vv.; các triệu chứng này thoáng qua vài phút hoặc tồn tại vài giờ; huyết áp bệnh nhân tăng cao. Đây là các tai biến thần kinh do thiếu máu não nhất thời, hậu quả của bệnh vữa xơ động mạch làm hẹp khẩu kính của động mạch cảnh, hoặc của một loạn nhịp tim gây tắc một cành động mạch não. Cần khám thật kĩ bệnh nhân (kể cả các phương tiện khám hiện đại như siêu âm, chụp X quang cắt lớp, cộng hưởng từ, hạt nhân, vv.) để tìm ra nguyên nhân của sự thiếu máu cục bộ và điều trị tích cực, dự phòng tích cực nhất là chữa bệnh cao huyết áp, vữa xơ động mạch, tăng colesteron trong máu; nếu xảy ra LNN phải tích cực phục hồi chức năng sau khi qua cơn nguy kịch ban đầu, tiếp tục chữa cao huyết áp, vv. Y học cổ truyền gọi LNN là thiên khô, thường là di chứng của trúng phong, do khí trệ, huyết ứ ở kinh mạch, huyết nuôi dưỡng nửa người kém. Có thê dùng bài: đương quy 8 g, xuyên khung 4 g, hồnh hoa 4 g; nếu huyết áp không cao cho thêm hoàng kì 12 g; nếu nói khó, thêm xương bồ 12 g, viễn chí 12 g; nếu đái ỉa không tự chủ, thêm thục địa 12 g, sơn thù 12 g, nhục quả 4 g ngũ vị tử 4 g.

Châm cứu: các huyệt bên liệt như Khúc trì, Dương lăng tuyền, Kiên ngung, Thủ tam lí, Dương trì, Hợp cốc, Bát tà, Hoàng khiêu, Phong thị, Túc tam lí, Huyền chung, Bát phong; nếu liệt mặt, lấy huyệt Địa thương, Giáp xa, Đồng tử liêu, Toản trúc; nếu nói khó lấy huyệt Liên tuyền, Thông lí, Dũng tuyền, Á môn.

LIỆT RUNG (tk. bệnh Parkinxơn), bệnh do bác sĩ người Anh Pakinxơn (J. Parkinson) mô tả năm 1817. Bệnh mạn tính tuần tiến của hệ thần kinh, xảy ra muộn nên thường gặp ở người lớn tuổi; tuy nhiên, người trẻ tuổi hơn cũng vẫn có thể bị. Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh: run, cứng cơ và giảm vận động cơ. Run xuất hiện ở đầu chi lúc nghỉ và giảm khi hoạt động. Cứng cơ do tăng trương lực, làm cho các cử động trở nên chậm chạp và giật cục bộ thành từng nấc. Giảm vận động cơ đặc biệt rõ ở mặt, tạo nên một vẻ đờ đẫn, không sinh khí. Bệnh căn hiện nay chưa rõ, gây ra tổn thương các nhân xám trung ương ở nền sọ, đặc biệt nhất là tổn thương liềm đen. Khi tổn thương lan rộng tới các trung tâm thực vật, bệnh có thể có những rối loạn thực vật, trong đó sớm nhất là chảy nước dãi. Bên cạnh bệnh pakinxơn, nhiều bệnh khác cũng có thể gây những triệu chứng tương tự tạo thành hội chứng Pakinxơn: viêm não, tai biến mạch máu não, ngộ độc cacbon oxit, vv. Bệnh Pakinxơn tiến triển chậm và thường gây tử vong do các biến chứng, nhất là nhiễm khuẩn. Điều trị bằng các thuốc LR; một số trường hợp còn có thể giải quyết bằng phẫu thuật định vị thần kinh (đưa chính xác một điện cực vào để phá huỷ vùng thương tổn).

LIỆT TỨ CHI liệt các cơ ở cả bốn chi (hai chân, hai tay), xảy ra khi tổn thương ở phần cao của tuỷ sống, đoạn đốt sống cổ trên đốt cổ thứ năm. Xt. Liệt.

LIỆT VẬN NHÃN tình trạng liệt một vài cơ hoặc tất cả cơ vận động nhãn cầu do chấn thương, khối u, viêm nhiễm, nhiễm độc, vv. Biểu hiện: người bệnh bị song thị (nhìn một vật thành hai hình), mắt bị hạn chế vận động và lác. Phân biệt: LVN ngoài (liệt các cơ trục, cơ chéo và cơ nâng mi trên) và LVN trong ( liệt cơ tròn đồng tử và cơ thể mi).

LIỀU lượng được chỉ định cho một loại thuốc hay hoá chất dùng cho người, súc vật hay cây trồng. Trong y học và thú y học, L thuốc thường được hiểu là lượng thuốc hay chất khác cần đưa vào cơ thể hằng ngày để đạt được một hiệu quả nhất định. Có thể tính theo tuổi hay theo khối lượng cơ thể sống. L tối đa là giới hạn cao nhất của thuốc được phép sử dụng. L độc là lượng có tác dụng gây trúng độc. Không nên nhầm L dùng thuốc với hàm lượng (hay nồng độ) thuốc nguyên chất trong một dung dịch hay một chất phẩm (thuốc bảo vệ thực vật, thường được tính theo diện tích cây trồng). Trong bảo vệ thực vật, y học và cả thú y học, thường dùng: L cho phép được sử dụng hằng ngày; lượng một hóa chất (do FAO và OMS quy định) mà trong cả đời người hay súc vật có thể dùng được, theo những căn cứ khoa học đã biết, mà không có nguy hiểm đến sức khoẻ. L chí tử hay L gây chết (A. Lethal dose, LD): lượng thuốc độc gây chết LD50 là lượng chất có độc gây chết 50% số súc vật được thí nghiệm trong một thời gian nhất định (cho uống, bôi trên da, tiêm, cho hít vào). Trong thực tiễn, tính độc của một chất thường được biểu hiện bằng D50. (xt. Độ độc)

LIỀU BỨC XẠ đại lượng biểu thị mức độ tác dụng của bức xạ đối với vật thể vào con người. Phân biệt: 1) Liều chiếu xạ, lượng bức xạ mà vật thể nhận được, đo bằng tác dụng ion hoá của bức xạ trong không khí.

Đối với bức xạ gamma và tia X, đơn vị đo trong hệ SI là C/kg; đơn vị ngoài hệ là Rơnghen (R); IR = 2,57976. 10-4 C/kg. 2) Liều hấp thụ: năng lượng bức xạ mà một đơn vị khối lượng của vật thể bị chiếu xạ hấp thụ được. Đơn vị đo trong hệ SI là Gray (Gy), 1 Gy = 1 J/kg, đơn vị ngoài hệ là rad, 1 rad = 10-2 Gy. 3) Liều tương đương: đại lượng đặc trưng cho tác dụng tương đương của các loại bức xạ khác nhau lên cơ thể người về mặt sinh lí. Đơn vị đo là rem (viết tắt từ tiếng Anh – rad equivalent man), 1 rem = 1 rad. Q (Q là hệ số hiệu quả sinh lí, đặc trưng cho từng loại bức xạ). Mỗi lần chụp X quang, người ta nhận liều bức xạ tương đương khoảng 1 rem. Liều vài chục rem bắt đầu gây nguy hiểm cho con người.

LIỀU ĐỘC (cg. độ độc) x. Độ độc.

LIỀU LƯỢNG HỌC trong lĩnh vực vật lí hạt nhân ứng dụng, nghiên cứu việc đo lường các liều bức xạ và xác định các biện pháp bảo đảm an toàn cho những người làm việc với nguồn bức xạ hoặc chất phóng xạ.

LIỆU PHÁP HOCMON chữa bệnh bằng hocmon. Khi được đưa vào cơ thể (tiêm, uống, xông, xoa), các hocmon dùng làm thuốc điều trị được máu vận chuyển đến cơ quan nhận, sẽ kích thích hay ức chế sự phát triển và hoạt động của cơ quan đó và có hiệu quả chữa bệnh. Có thể dùng hocmon tự nhiên hoặc hocmon tổng hợp (nhân tạo), vd. estrogen tổng hợp (estradid, estriol, vv.) tăng cường chức năng buồng trứng, kích thích rụng trứng. Trong LHH thường sử dụng 3 nhóm hocmon: nhóm phenol (andrenalin có tác dụng nâng huyết áp động mạch, thyroxin điều trị bệnh cường tuyến giáp); nhóm steroit gồm các hocmon của thượng thận, các corticoid, hocmon của cơ quan sinh dục (progesteron, testosteron); nhóm protein gồm hocmon của tuyến yên có tác dụng đồng hoá, hocmon thuỳ sau tuyến yên cầm máu, co cứng tử cung, các hocmon tuyến tuỵ như insulin điều trị bệnh đái tháo đường, các hocmon cận giáp.

LIỆU PHÁP HUYẾT BẢN THÂN phương pháp điều trị bằng cách dùng bơm tiêm và kim sạch lấy 5 – 10 ml máu tĩnh mạch tay bệnh nhân tiêm vào mông cho chính bệnh nhân đó, thường cách một, hai ngày tiêm một lần, một đợt 10 đến 15 lần. LPHBT được dùng trong chuyên khoa da liễu và là một phương pháp điều trị bằng “sốc” vi thể (microchoc), có tác dụng như một phương pháp phối hợp để điều trị các bệnh da dị ứng.

LIỆU PHÁP INSULIN phương pháp dùng insulin để điều trị bệnh đái tháo đường có xeton trong nước tiểu. Đôi khi cũng dùng LPI để điều trị đái tháo đường tip II trong trường hợp bị mất cân bằng do stress (bệnh nhiễm khuẩn, khi cần phẫu thuật, vv.). Dùng insulin quá liều có thể gây tai biến hạ glucôzơ huyết và dẫn đến tử vong. Người bệnh phải được hướng dẫn về chế độ ăn, chế độ lao động và cách dùng thuốc cũng như cách phát hiện và xử trí hạ glucozơ huyết. Để bản thân có thể điều chỉnh kịp thời liều lượng insulin, cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt hằng ngày cho thích hợp với tình hình sức khoẻ.

LIỆU PHÁP KHÍ DUNG phương pháp dùng một số thuốc dưới dạng hỗn hợp sương (các phân tử chất rắn hoặc chất lỏng rất nhỏ lẫn trong không khí hoặc một chất khí) đưa vào đường thở (hít vào) để phòng và điều trị một số bệnh ở đường thở. Khi được hít vào, hỗn hợp sương sẽ thấm sau vào đường thở, có tác dụng tại chỗ và cũng có thể được hấp thu vào cơ thể.

LIỆU PHÁP MIỄN DỊCH phương pháp điều trị nhằm làm thay đổi các yếu tố đề kháng tự nhiên của cơ thể: tăng cường phản ứng chống lại một kháng nguyên một cách thụ động bằng cách tiêm huyết thanh miễn dịch (miễn dịch thụ động), hoặc một cách chủ động bằng văcxin kích thích tạo ra các kháng thể; tăng cường các phản ứng miễn dịch không đặc hiệu bằng BCG, gamma – globulin; ghép tuỷ xương; điều chỉnh các phản ứng bệnh lí của hệ thống miễn dịch (bệnh dị ứng); huỷ bỏ các phản ứng đề kháng ức chế miễn dịch để làm cho cơ thể chấp nhận một mảnh ghép hay một cơ quan ghép.

LIỆU PHÁP VẬN ĐỘNG phương pháp dự phòng, chữa bệnh, dựa trên yêu cầu làm cho cơ thể vận động chủ động là chính (thụ động trong một số trường hợp), giúp cơ thể phục hồi các chức năng bị giảm hay bị mất do bị bệnh (xương – khớp, thần kinh, hô hấp, tim mạch, đau lưng); dự phòng các biến chứng có nguy cơ xảy ra do thiếu vận động (sau đẻ, sau mổ viêm ruột thừa, cuốc sống quá tĩnh tại, vv.). Có rất nhiều phương pháp luyện tập: luyện tập tay không; có dụng cụ (quả tạ, xe đạp, thanh gỗ, gậy, vv.); luyện tập ngoài trời, dưói nước (bơi lội, xoa bóp, vv.); thể dục nhịp điệu; thể dục nghệ thuật; khí công; Yoga; võ thể dục (các bài quyền). Dựa trên tình hình bệnh tật, sức khoẻ, thầy thuốc sẽ quy định các phương pháp luyện tập thích hợp cho mỗi người; người tập sẽ tự mình luyện tập tại phòng phục hồi chức năng ở các cơ sở y tế, tại các câu lạc bộ thể dục, hoặc tại gia đình; phải dành thời gian thuận tiện trong ngày, kiên trì luyện tập trong mọi hoàn cảnh, xây dựng thành một nhu cầu của cuộc sống hằng ngày, vv.

LIỆU PHÁP VẬT LÍ (tk. vật lí chữa bệnh), chuyên ngành khoa học kĩ thuật nghiên cứu và thực hiện các biện pháp bảo vệ và nâng cao sức khoẻ bằng các yếu tố vật lí tự nhiên và nhân tạo (nước, ánh sáng, nhiệt, khí hậu, xoa bóp, thể dục vận động, điện,vv.). Trong dân gian cũng như trong các tư liệu y học của phương Đông, phương Tây, LPVL có từ rất xa xưa. Hêrêđôt (Hérédote) đã viết về tác dụng của ánh sáng. Hippôcrat (Hippocrate) đã viết về phương pháp chữa bệnh bằng ánh nắng Mặt trời, nước, rèn luyện thể dục. Ở Ấn Độ, kinh Vệ Đà (1800 tCn) đã chép các phép thực hành trong các buổi lễ. Phái Yoga đã sáng lập 840 cách luyện tập còn lưu hành đến ngày nay. Tại Trung Quốc, Lão Tử đã nói về các phương pháp hô hấp thể dục. Hoa Đà (đời Hán) lập ra phép “ngũ cầm hí” để luyện thân thể và các xoa bóp chữa bệnh. Ở Việt Nam, Tuệ Tĩnh (thế kỉ 14) đã giới thiệu phương pháp “ luyện hình” để bảo vệ sức khoẻ. Hoàng Đôn Hoà (thế kỉ 16) đã giới thiệu phương pháp dưỡng sinh. Hải Thượng Lãn Ông (Lê Hữu Trác, thế kỉ 18) đã viết tập “Vệ sinh yếu quyết diễn ca”. Ngày nay.LPVL được phổ biến và sử dụng rộng rãi trong các cơ sở y tế hiện đại và trong nhân dân như những phương pháp phòng bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, dùng ít thuốc hoặc không dùng thuốc và đem lại nhiều kết quả tích cực (phục hồi sức khoẻ ở các nhà điều dưỡng, ở các câu lạc bộ ngoài trời, kéo dài tuổi thọ người cao tuổi, vv.)

LIỆU PHÁP VI LƯỢNG ĐỒNG CĂN dựa trên hai nguyên tắc: dùng thuốc có tính chất gây ra ở người bình thường các triệu chứng của bệnh đang muốn chữa (đồng căn bệnh, lấy độc giải độc), vd. chữa ỉa chảy bằng phan tả diệp hoặc natri sunfat (hai loại thuốc nhuận tràng và tẩy); thuốc dùng phải được pha chế rất loãng (một phần vạn, một phần triệu hoặc loãng hơn nữa) tuỳ theo đơn thuốc của thầy thuốc, đa số thuốc là dược liệu tươi có sẵn ở địa phương. Do thầy thuốc người Đức Hanêman (C. F. S. Hahnemann) đưa ra vào khoảng 1820.

LIỆU PHÁP VITAMIN phương pháp dùng vitamin để điều trị bệnh. Vitamin có trong một số chất dinh dưỡng với một hàm lượng rất nhỏ và không được xếp vào một loại thực phẩm chính nào, nhưng dù chỉ với những lượng nhỏ cũng rất cần thiết cho sự sinh trưởng và duy trì sự cân bằng sinh lí của đời sống. Vitamin phải do thức ăn cung cấp cho cơ thể, nếu thiều sẽ gây ra bệnh thiếu vitamin, phải điều trị bằng LPV.

LIỆU PHÁP XOA BÓP phương pháp chữa bệnh bằng xoa bóp. Xoa bóp có tác dụng: giúp lưu thông máu và bạch huyết về tim, chống ứ phù ngoại vi, dinh dưỡng da, cơ và các mô dưới da, chống khô da, teo cơ, làm giãn cơ, giảm xơ cứng cơ; giảm phản xạ đau tại chỗ; an thần; giảm co thắt bệnh lí (trị táo bón); tăng bài tiết các chất độc ứ đọng (axit lacitc, vv.). Có 6 động tác chính: 1) Xoa, kích thích các đầu cùng thần kinh ở da, gây sung huyết động mạch làm da đỏ hồng, tăng nhiệt độ da, tăng dinh dưỡng da, lan truyền kích thích đến thần kinh trung ương, ức chế những kích thích hưng phấn khác quá mạnh, làm dễ chịu hơn (nhức đầu, mất ngủ do suy nhược thần kinh), giúp máu trở về tim tốt hơn (trị phù nề trong suy tim). Động tác xoa theo hướng của máu trở về tim, gan bàn tay phải thật sát da và các khối bắp thịt.
2) Bóp, tác động chủ yếu lên các cơ, kích thích tăng dinh dưỡng, giúp giải trừ các chất độc còn lại trong cơ (axit lactic), giải quyết tình trạng đau cứng cơ, dính cơ, teo cơ, cơ bị xơ hoá, vv. Động tác bóp được thực hiện bằng một hay hai tay, lòng bàn tay dính chặt chỗ bóp, bóp theo hướng thớ cơ đi. 3) Day, làm tan các tổ chức sẹo dính, làm tan các ổ máu tụ. Động tác day được thực hiện bằng một hoặc nhiều ngón tay, ngón dính vào da và di động trên các khớp sâu. 4) Vỗ, tạo sung huyết mạnh và sâu, tăng dinh dưỡng các tổ chức ở sâu, kích thích co bóp các cơ, tác động mạnh trên các đoạn cùng thần kinh, ức chế các kích thích bệnh lí gây đau, nhức mỏi, vv. Kĩ thuật vỗ bằng lòng bàn tay khum lại. 5) Dần, có tác dụng giống vỗ; thực hiện với bờ bàn tay (làm ở mông và tứ chi); hoặc với bàn tay nắm lại hay các ngón xoè ra (làm ở lưng); hoặc bằng đầu ngón tay quặt lại (trên các đường đi của dây thần kinh). 6) Rung, tác động giống như vỗ, thực hiện bằng đầu ngón tay khi bề mặt rung nhỏ; bằng cả bàn tay khi bề mặt rung lớn; tốt nhất là dùng máy xoa bóp. Chỉ định của xoa bóp: teo cơ, bại liệt, hạn chế vận động khớp, sẹo cứng dính đau, phù nề sau chấn thương, tụ máu sau sung huyết, cơ bị co cứng, da khô teo thiếu cảm giác và dinh dưỡng, đau cơ (đau lưng, đau cứng cổ), nhức đầu, mất ngủ do suy nhược thần kinh, táo bón, tuyến vú không thông, vv. Hằng ngày có thể xoa bóp giới hạn ở hai động tác xoa và bóp. Có thể phối hợp với bấm huyệt, dùng đầu ngón tay của một, hai hay ba ngón bấm vào da, vào các huyệt hay điểm đau. Có thể tăng tác dụng xoa bóp nếu dùng thêm một số hương liệu (dầu chổi, hương nhu, vv.)

LOẠN CẢM GIẢC rối loạn trong phân biệt cảm giác. Có thể rối loạn chung hoặc riêng một trong hai cảm giác sâu và nông. Trong rối loạn cảm giác nông (nhận thức đau, nóng, lạnh, vv.), có thể tăng, giảm hoặc mất cảm giác ở một vùng thân thể, hai bên hay một bên (mất cảm giác với nhiệt, sờ vào cục than hồng không biết đau như bệnh tabet). Trong rối loạn cảm giác sâu (cảm giác cơ, xương, khớp để nhận biết vị trí của từng đoạn chi hoặc toàn thân trong không gian), bệnh nhân không nhận thức được sơ đồ cơ thể hoặc hình khối của đồ vật.

LOẠN DÂM hoạt động tình dục bệnh hoạn do nhiều nguyên nhân phức tạp, chủ yếu là nhân tố tâm thần, làm cho đương sự tìm khoái cảm trong giao hợp một cách không bình thường (kê dâm, dâm đồng giới, hiếp dâm, giao hợp với người già, với tử thi, vv.). LD gây nhiều tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ của đương sự và các đối tượng (bệnh lây truyền qua đường tình dục, hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải, vv.) và có nhiều ảnh hưởng tiêu cực về mặt xã hội.

LOẠN DỤC các rối loạn hoạt động tình dục, trong đó sự thoả mãn tình dục chỉ đạt được bằng cách không tự nhiên hoặc dùng thêm các chất kích thích. Vd. thủ dâm, LD với đồ vật, loạn dâm (x. Loạn dâm), vv. LD có thể xuất hiện từng chu kì hay thường xuyên trong một số bệnh nhân tâm thần; có khi phát sinh do thiếu sự kiềm chế của ý chí, thiếu sự giáo dục thích hợp và chịu ảnh hưởng xấu của môi trường.

LOẠN DƯỠNG rối loạn trong nuôi dưỡng một cơ quan hay một bộ phận cơ thể. LD có thể thứ phát, cục bộ, khi có tổn thương của một mạch máu tiếp tế tương ứng; vd. teo da trong một sẹo nhỏ, teo hẳn nửa người trong nhồi máu hay chảy máu não. LD tiên phát trong một số bệnh di truyền bẩm sinh, thường là những bệnh hệ thống nặng; vd. bệnh huyêclơ (Ph. maladie de hurler) hay đa LD mô liên kết (chất colagen), gây các rối loạn phát triển hình thái của hệ xương – cơ và nhiều cơ quan khác như gan, lách, mắt, não, vv.

LOẠN NHỊP TIM dấu hiệu diễn tả các biến đổi của nhịp tim bình thường: về tần số nhanh hơn 100 lần/phút, chậm hơn 60 lần/phút; khoảng cách giữa hai lần tim đập không đều (lúc ngắn lúc dài), cường độ co bóp lúc mạnh lúc yếu. Xảy ra trong các trường hợp nhu cầu oxi và các chất năng lượng thay đổi (lúc nghỉ nhu cầu thấp, nhịp tim khoảng 60 – 90 lần/phút; nếu nhu cầu tăng như khi lao động cố sức, một xúc cảm mạnh, …nhịp tim nhanh có thể lên đến 150 lần/phút; loạn năng hay thương tổn của mô nút và các đường truyền trong cơ tim [bó Hip, theo tên của nhà giải phẫu học Đức Hit (W. His)] làm cho tim đập nhanh (trên 100 lần/phút) hoặc chậm (dưới 50 lần/phút) trong các bệnh hẹp van hai lá, bệnh Bazơđô (Basedow), vữa xơ động mạch vành, vv. Ở người khoẻ mạnh, trẻ tuổi, LNT chỉ thoáng qua, nhất thời, không đáng ngại. Đối với người trên 40 tuổi, cần theo dõi kĩ và tìm nguyên nhân, nhất là các bệnh tim.

LOẠN THẦN một trạng thái tâm thần bệnh lí nặng đến mức gây trở ngại cho hoạt động của ý thức, cho sự tiếp xúc với thực tại và cho sự đáp ứng với các nhu cầu cuộc sống. Thường hay gặp các loại: 1) LT do rượu (do uống nhiều rượu hoặc uống rượu lâu ngày) bao gồm nhiều trạng thái bệnh lí khác nhau như sảng run mất trí, ảo giác, say rượu triền miên, vv. 2) LT tiền lão xuất hiện ở những người từ 45 đến 65 tuổi và bao gồm nhiều trạng thái bệnh lí khác nhau như mất trí, trầm cảm, hoang tưởng, vv, 3)LT trầm cảm gây các triệu chứng như khí sắc giảm, buồn rầu, mất thích thú trong cuộc sống, lo âu, rối loạn tiêu hoá, rối loạn giấc ngủ, vận động chậm chạp, ý tưởng tự ti, tự buộc tội, vv. những trường hợp nặng có thể đưa đến hành vi tự sát. LT trầm cảm là một trạng thái cấp cứu, phải đưa đến bệnh viện ngay. 4) Rối loạn thân thể – tâm thần (cg. rối loạn cơ thể tâm sinh hay tâm thể) là những rối loạn rất phổ biến; biểu hiện bằng những triệu chứng cơ thể như nhức đầu, mất ngủ, tăng huyết áp, cơn hen suyễn, loét dạ dày, cơn co thắt đại tràng, vv. Những rối loạn này do những nguyên nhân tâm lí gây ra buồn phiền, lo lắng, sợ hãi, bất toại, vv. Điều trị bằng biện pháp tâm lí đơn thuần hay kết hợp với dùng thuốc.

LOẠN THẦN KINH CHỨC NĂNG nhóm bệnh có những biểu hiện rối loạn hoạt động thần kinh nhưng không phát hiện được bất kì tổn thương thực thể nào và không ảnh hưởng tới nhân cách người bệnh. Bệnh nhân có ý thức về tính chất bệnh lí của các triệu chứng, vẫn làm chủ được hành vi cũng như quan hệ đối xử, nhưng không loại bỏ được các tình trạng bệnh hoạn tác động tới cuộc sống của mình. LTKCN xảy ra do sự quá căng thẳng của quá trình hưng phấn hay ức chế hoặc sự thay đổi quá nhanh giữa hai quá trình đó. Còn có thể là hậu quả của các xung đột tâm lí không được giải thoát từ rất lâu trong cuộc đời. Triệu chứng của bệnh rất đa dạng và phục hồi được. Hiện nay, được xếp vào nhóm LTKCN có các bệnh thường gặp nhất: suy nhược thần kinh, istêri, các trạng thái ám ảnh, các trạng thái lo sợ, vv.

LOẠN THẦN KINH TIỀN LÃO x. Loạn thần.

LOẠN THẦN KINH TRẦN CẢM x. Loạn thần.

LOẠN THỊ 1. (lí), sự méo hình do hệ thống quang học gây ra. Nguyên nhân của LT là do chùm sáng nghiêng một góc lớn so với trục chính của hệ, hoặc do sự đối xứng trục của những mặt khúc xạ của hệ quang bị vi phạm. LT làm cho ảnh của vật bị nhoè vì ảnh của một điểm có dạng một elip không rõ nét.
2. (y), tật khúc xạ của mắt mà qua hệ thống quang học của mắt một vật sẽ có hình ảnh biến dạng và thay đổi khi di chuyển vật đó qua những vị trí khác nhau. Nguyên nhân của LT chủ yếu là do sự thay đổi bất thường ở giác mạc (sẹo mờ trên giác mạc, giác mạc hình chóp, vv.) nhưng cũng có khi so thể thuỷ tinh (lệch thể thuỷ tinh). Bệnh LT của mắt người có thể khắc phục được nhờ mang kính với mắt kính có dạng một phần hình trụ hoặc bằng kính tiếp xúc có dạng thích hợp. Cần đi khám mắt và theo chỉ dẫn của thầy thuốc đề chọn loại kính thích hợp.

LOẠN VẬN NGÔN tình trạng phát ngôn từng từ, chữ bị rối loạn, nói khó, nói ngọng, nói bết vào nhau, nói giọng mũi, …do tổn thương ở cơ quan phát âm.

LOÃNG XƯƠNG xương gồm hai thành phần cấu tạo: một khung protein hữu cơ (colagen), trên đó lắng đọng một phức hợp muối canxi cacbonat, canxi phôtphát, theo từng lớp chồng song song lên nhau. LX xảy ra do khung protein bị huỷ thưa làm cho phức hợp khoáng không đủ nền để lắng đọng; chất xương bị loãng, ống tuỷ xương rộng. Dấu hiệu: đau cột sống lưng, thắt lưng, vận động khó khăn, xương bị biến dạng, dễ gãy. Chụp X quang: hình xương sáng hơn bình thường, các thớ xương hiện rõ. Nguyên nhân: rối loạn chuyển hoá protein làm cho việc cung cấp và hấp thu protein bị thiếu hụt do tuổi già, các bệnh tiêu hoá (cắt dạ dày, xơ gan), đái tháo đường, chấn thương, dùng nhiều thuốc loại corticoides, vv. Chữa bệnh theo nguyên nhân, phối hợp với nâng cao sức khoẻ.

LOÉT tổn thương trên mặt da hay niêm mạc do một quá trình bệnh lý hoặc sau khi bị thương. Các lớp của da hoặc niêm mạc bị hoại tử nóng. Theo tính chất tiến triểm, có L cấp, L mạn. Theo vị trí hay gặp, có L dạ dày, tá tràng, thực quản, túi thửa Mecken [(theo tên của nhà giải phẫu học Đức Mecken (J F Mecken), miệng nối, vv. Ở những bệnh nhân do bệnh tật nằm lâu bất động, suy mòn, thường L ở điểm tì, vì vậy cần phảI chăm sóc để tránh L (x. loét dinh dưỡng). Những tổn thương ở da do chấn thương hoặc do bệnh lý các loại có thể tiến triển thành L, lâu lành, cần phải tìm nguyên nhân của L và chữa cẩn thận ngay từ đầu.

LOÉT CHAI Loét dạ dày – hành tá tràng tiến triển thờI gian đã lâu, với biểu hiện: vết loét to, bờ cao, sờ rắn, cứng; niêm mạc rúm ró do bị co kéo xung quanh, có thể dính chặt vào các phủ tạng bên cạnh, đặc biệt vào tuyến tuỵ. LC làm biến đổi các triệu chứng của loét dạ dày thông thường; đau trở nên liên tục, dữ dội hơn và xuyên ra sau lưng ăn kém, mất ngủ. Dễ gây biến chứng thủng, khoét sâu vào tuyến tuỵ, chảy máu. Điều trị: cần phẫu thuật kịp thời.

LOÉT DẠ DÀY – TÁ TRÀNG phổ biến là loét khu trú ở phần dưới của dạ dày và phần đầu hành tá tràng (những phần tiếp xúc với axit dịch vị). Bắt đầu từ một điểm ở niêm mạc và hạ niêm mạc bị phá huỷ, có kích thước từ vài milimet đến trên dưới một centimet, có khi hơn, với bờ vết loét mềm mại, nhưng sau vài năm vết loét ăn sâu xuống lớp cơ, bờ dày, xơ cứng, thành chai. Chưa rõ nguyên nhân. Các yếu tố ảnh hướng đến bệnh: tăng tiết axit và căng thẳng tâm thần, lo nghĩ, xúc cảm quá mạnh. Dấu hiệu cơ bản: đau xảy ra sau bữa ăn 1 – 2 giờ (loét dạ dày), 3 – 4 gờ (loét tá tràng), tạo cảm giác đau khi đói, đau vùng thượng vị, lan xuyên ra sau lưng; đau cồn cào, đau quặn, có thể làm dịu bằng cách nằm nghỉ, chườm nóng, uống thuốc muối, vv. Thông thường đau kéo dài một đợt 2 – 3 tuần, rồi tự hết không cần dùng thuốc, vào cuối đợt nếu dùng một thuốc mới và thấy hết đau, bệnh nhân có thể sẽ cho đó là hiệu quả của thuốc. Sau đợt đau, hình ảnh trên phim Xquang, soi dạ dày với ống soi sợi mềm. Sau đợt đau, hình ảnh trên phim Xquang có thể biến mất. Đợt đau sau trở lại theo chu kỳ 2 – 3 tháng hay dài hơn tuỳ từng bệnh nhân. Sau nhiều năm, các đợt đau sít gần nhau hơn, đau dữ dội hơn, nếu chữa không có kết quả. Ba biến chứng có thể xảy ra: chảy máu (thổ huyết, đi ngoài phân đen); thủng vết loét (đau đột ngột như dao đâm, bụng cứng như gỗ, vv); ung thư hoá vết loét (loét bờ cong nhỏ). Phải mổ ngay khi xảy ra một trong ba biến chứng trên.
Chữa bệnh nội khoa là chủ yếu; dùng các thuốc giảm độ axit dịch vị, các thuốc dịu đau, làm liền vết loét (mật ong, viên nghệ tẩm mật ong); chế độ ăn uống (không ăn các thức ăn chua như dưa chua, cà muối, không ăn các loại gia vị như ớt cay, hạt tiêu, uống rượu vv; có thể ăn cơm nếp, cơm nấu nát, vv); không hút thuốc lá, thuốc lào, quy định chặt chẽ chế độ lao động, sinh hoạt, giảm căng thẳng tinh thần. Nếu chữa nội khoa không có kết quả cần mổ theo chỉ định của thầy thuốc. Việc phát hiện vi khuẩn Helicobacter pylori gây bệnh đang làm thay đổi quan niệm và cách chữa bệnh LDD – TT.

LOÉT DINH DƯỠNG. Loét xuất hiện do các rối loạn dinh dưỡng cục bộ gây hoại tử da hoặc niêm mạc và các phần mềm tạo thành những ổ loét mạn tính lâu liền, phát đi phát lại. Rối loạn dinh dưỡng có thể do tuần hoàn nuôi dưỡng vùng đó bị giảm sút, bị ứ trệ, hoặc do tổn thương bệnh lý thần kinh phân bố khu vực đó, do trạng thái suy mòn toàn thân làm thiểu dưỡng vùng bị loét. Da và phần mềm xung quanh các ổ loét cũng có các triệu chứng biểu hiện rối loạn dinh dưỡng như da teo, màu sắc thẫm, phù nề. Dự phòng LDD: chăm sóc vùng da và phần mềm bị tì đè cho luôn khô và sạch sẽ; xoa bóp vùng xung quanh để tăng cường dinh dưỡng tại chỗ; dùng gối mềm, túi hơi để kê lót; thay đổI tư thế, vv. Chữa LDD: chăm sóc da và phần mềm để dự phòng LDD; dùng các chiết xuất từ nghệ và rau má; nếu loét rộng, phảI ghép da.

LOÉT GIÁC MẠC. bệnh khá phổ biến của giác mạc do vi khuẩn (nguy hiểm nhất là vi khuẩn gây mủ xanh), virút (virut Herpes) và nấm, xâm nhập vào giác mạc qua vết thương (do bụi, dị vật, tai nạn, chấn thương trong lao động như đập lúa, tuốt lúa). Mỗi đầu là vết xước nhỏ, trở thành LGM và có thể dẫn tới thủng nhãn cầu. LGM có thể dẫn tới mù loà. Phòng bệnh lấy bụi, dị vật một cách vô khuẩn tại tuyến y tế cơ sở, tra thuốc sát khuẩn (thuốc đỏ 2%, argyrol 10%, thuốc kháng sinh, sulfamid, vv). Điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu chống tác nhân gây bệnh.

LÌ RUỘT. tổn thương hở của thành bụng, làm ruột hay tạng lòi ra ngoài. Nguyên nhân: vết thương hở của thành bụng: vết mổ thành bụng bị nhiễm khuẩn và toác rộng ta; hở thành bụng bẩm sinh ở em bé mà bố hoặc mẹ, hoặc cả hai bị nhiễm độc lúc thai nghén (các chất diệt cỏ hay phát quang dùng trong thời bình, thời chiến) hoặc do một nguyên nhân di truyền ngẫu nhiên, vv. Phương pháp chữa: mổ để khâu kín thành bụng.

LONG ĐỜM.làm cho việc khạc đờm được dễ dàng bằng cách dùng thuốc LD. Khi đờm đặc quánh do có nhiều tơ huyết (fibrin), thuốc LĐ có tác dụng chủ yếu làm tiêu tơ huyết và làm cho đờm loãng ra. X. Thuốc long đờm.

LỖ CHÂN RĂNG. túi bọc xung quanh chân răng trong xương hàm của động vật có vú. Răng được cố định trong lỗ răng nhờ túi mạng mạch, có nguồn gốc từ mang bao xương của xương hàm và chất xi măng bao bọc chân răng. Các sợi bện lại của màng bao chân răng bám vào cả xương răng và xương hàm, cho phép răng dao động rất nhẹ so với hàm trong khi nhai.

LỖ ĐÁI LỆCH THẤP. dị dạng bẩm sinh của niệu đạo nam: lỗ đái (miệng sáo niệu đạo) thông ra ở mặt dưới dương vật, cách đỉnh quy đầu một khoảng dài hoặc ngắn tuỳ theo từng bệnh nhân. Cần mổ để tái tạo lỗ đái bình thường.

LỖ MŨI. Đôi lỗ của khoang mũi thông ra ngoài ở động vật có xương sống. Cá chỉ có LM ngoài, thông khoang mũi với khoang miệng. Ở người LM là cơ quan khứu giác có cấu tạo phức tạp, gồm: niêm mạc… lớp đệm nhiều noron thần kinh, l ưới mao mạch và tĩnh mạch có tác dụng giữ nhiệt độ thích hợp cho sự thu nhận những cảm giác.

LỖ THỞ 1. Lỗ dẫn vào hệ khí quản của côn trùng, chân đều, rết, nhện, vv. thường có từng cơn, nằm hai bên cơ thể. Ở côn trùng trưởng thành, LT nằm ở phía sau đốt ngực thứ hai, thứ ba và phía trước của tám đốt bụng. Ở ấu trùng và nhộng có sự thay đổi về vị trí của các LT.
2. Lỗ thông ra ngoài của khoang mang ở nòng nọc của ếch nhái, chỉ nằm phía trái cơ thể. 3. Khe mang trước của cá sụn thường đã bị thoái hoá.

LỘ TUYẾN. tình trạng các tuyến trong ống tử cung phát triển lan tràn ra ngoài, xâm lấn biểu mô phủ mặt ngoài của môi trước hay môi sau cổ tử cung. Triệu chứng: xuất tiết nhiều chất nhầy đục, có mùi hôi (khí hư). Là tổn thương lành tính nhưng nếu không điều trị, bệnh sẽ kéo dài, gây viêm nhiễm mạn tính âm đạo và cổ tử cung. Hướng xử lí, chống viêm nhiễm (rửa âm đạo, đặt thuốc quả bông có tẩm thuốc vào âm đạo, vv), sau đó huỷ các tuyến mọc xâm lấn ra ngoài bằng cách đốt cháy (bằng hoá chất, nhiệt điện).

LÔNG CHUYỂN (lông rung, lông đập) 1. Cấu trúc hình lông trên bề mặt một số tế bào biểu mô (niêm mạc hô hấp, ống dẫn tinh, vòi trứng) có chức năng hướng dẫn sự vận chuyển, hoạt động của một số tế bào (tinh trùng, noãn) hoặc loại thải các chất hoặc dị vật không cần thiết hoặc có hại (chất nhầy, bụi, vi khuẩn ở đường hô hấp)

LÔNG QUẶM. biến chứng của bệnh mắt hột, bao gồm: cụp mi do sẹo co kéo trên kết mạc sụn mi, nhất là kết mạc củng đồ sụn mi bị dày lên, uốn cong và quặp vào phía nhãn cầu; lông siêu (lông mi mọc siêu vẹo, thành nhiều hàng và uốn vào phía nhãn cầu). LQ luôn cọ sát vào giác mạc, dễ gây màng máu (màng máu cơ giới), loét giác mạc, nhiễm khuẩn và gây mù. Đề phòng : chữa mắt hột sớm, kiên trì, đẩy mạnh phong trào thanh toán mắt hột (x. Mắt hột). Điều trị bằng phẫu thuật.

LÔNG NHUNG. mấu lồi rất nhỏ, hình ngón ở thành trong ruột non. Với số lượng rất lớn (hàng triệu), LN làm cho lớp lót của ruột có dạng mượt như nhung và làm tăng bề mặt hấp thu của ruột lên gấp nhiều lần. Mỗi một LN đều chưa duới lớp biểu mô một mạng lưới mạch máu và mạch dưỡng trấp. Các bó cơ ruột co bóp nhịp nhàng, liên tục đẩy máu và dưỡng trấp vào hệ tuần hoàn và luôn tạo ra một lực thẩm thấu. Trên bề mặt các tế bào biểu mô, còn thấy riềm hút gồm nhiều vỉ LN, các vỉ LN này đã làm tăng thêm một cấp nữa bề mặt hấp thu của ruột

LÔNG SINH DỤC. cấu trúc protein có dạng sợi tóc làm cầu nối trong hiện tượng tiếp hợp giữa tế bào vi khuẩn cho và vi khuẩn nhận.

LỒNG ẤP thiết bị y tế có hình dáng như chiếc lồng úp bằng chất dẻo, bên trong có ôxy, nhiệt độ ổn định, độ ẩm thích hợp. được dùng để nuôi trẻ sơ sinh thiếu tháng hay trong tình trạng suy yếu nặng. Có LÂ đơn giản, LÂ phức tạp và LÂ hiện đại. Sử dụng LÂ đòi hỏi kỹ thuật tỷ mỉ, chính xác để tránh các biến đổi đột ngột của môi trường trong LÂ và tránh nhiễm khuẩn xảy ra ở môi trường nhiệt đới.

LỒNG RUỘT CẤP. hiện tượng bệnh lý: một đoạn ruột chui vào trong lòng của một đoạn ruột kế tiếp tạo nên một nút ruột, làm tắc ruột: xảy ra ở ruột non, thông thường ở chỗ ruột non thông vào ruột già, khúc hồi – manh tràng. Nguyên nhân: rối loạn vận động của ruột ở một khúc ruột không được cố định vào thành bụng: khối u ruột, dị dạng ruột (túi thửa Mecken). Xảy ra ở trẻ đang bú, khoảng 4 – 9 tháng tuổi, bụ bẫm, khoẻ mạnh. Dấu hiệu: bé đau bụng đột ngột, khóc thét, da mặt nhợt nhạt, vật vã, uốn người, không chịu bú, sau nửa giờ lại khóc thét từng cơn dữ dội; xuất hiện nôn: sờ bụng thấy một khối u đau, di động, sau 12 – 24 giờ, ỉa ra máu. Thăm trực tràng, rút ngón tay thấy dính máu, mũi. Chụp Xquang bụng có thụt chất cản quang vào khung đại tràng, thấy chỗ tắc nơi lồng ruột. Là một cấp cứu ngoại khoa, vì bệnh tình ngày càng nặng, ngày thứ hai ruột bắt đầu bị hoại tử. Điều trị: các giờ đầu có thể tháo lồng ruột bằng bơm hơi hoặc chất cản quang qua hậu môn (cũng đồng thời để xác định chẩn đoán) với kết quả tốt; để muộn, chỗ lồng ruột dính, phải mổ, tỷ lệ tử vong rất cao (trên 50%). Sau điều trị, bệnh có thể tái phát; sau 2 – 3 lần tái phát, bệnh không mắc trở lại nữa.

LỘT DA ĐẦU. (cg. lột mảng da đầu), da bị bóc ra đến màng xương sọ do tai nạn lao động (thường là tóc bị cuốn vào dây kéo, trục quay chuyển động của máy hoặc công cụ cơ giới) và chấn thương các loại. Khi có tai nạn xảy ra, phải tìm cách hãm máy, công cụ; cắt, gỡ tóc bị cuốn; giữ mảnh da đầu bị lột, nhất là các phần còn cuống với da, cần che phủ xương sọ; băng vô khuẩn cầm máu; chuyển ngay đến cơ sở điều trị để kịp thờI cứu chữa và mổ tạo hình lại phần mềm che phủ hộp sọ. Dự phòng: không để tóc dài loà xoà trong thời gian lao động trên máy; phải vấn tóc gọn và đội mũ che kín tóc.

LỘT XÁC. 1. Lột theo chu kì lớp vỏ cúng cuticun ở động vật chân đốt, đặc biệt là côn trùng, giáp xác. Một số chất cần thiết trong lớp vỏ cũ được hoà tan và giữ lại. Sau đó lớp vỏ nứt theo đường dọc để lộ ra bên trong một lớp vỏ vuticun mới, mềm. Trong thời gian LX, con vật hút khí và nước vào cơ thể và lớn lên, nên khi lớp vỏ mới cứng lại thì kích thước con vật lớn nhất. LX ở tôm, cua, côn trùng do hocmon ecdyson điều khiển.
2. Lột da theo chu kỳ của lớp biểu bị ngoài ở bò sát (trừ cá sấu). Rắn lột toàn bộ cơ thể, thằn lằn lột thành nhiều mảnh nhỏ. Qúa trình tương tự cũng xảy ra liên tục ở động vật có vú, kể cả người dưới dạng lớp vảy rất nhỏ của biểu bị bị bong ra.

LỜI THỀ HYPÔCRÁT. lời thề trước phù điêu Axklepiôt [Asklepios (cg. Esculap) – tượng thần của ngành y] của người thầy thuốc khi tốt nghiệp ra trường và trước khi hành nghề. Tác giả của lờI thề là Hippốcrat (Ph. Hippocrate – thầy thuốc Hi Lạp), thuỷ tổ của ngành y. Nội dung: tôn trọng danh dự và truyền thống của ngành y; không làm các điều đồi phong bại tục và trái đạo lí xã hội đương thời; không lấy tiền quá công lao động bỏ ra, chữa cho người nghèo không lấy tiền, không phân biệt đối xử giữa người giầu và người nghèo; không tiết lộ các bí mật của bệnh nhân và gia đình họ; tôn trọng thầy học và truyền lại nghề cho các con thầy…

LỢI. phần tiếp theo của huyệt răng và nối với xoang tuỷ qua ống tuỷ răng. Gồm lớp niêm mạc có biểu mô hình vảy xếp thành tầng dưới là mô liên kết, chứa các dây thần kinh, mạch bạch huyết và nhiều mao mạch máu, bao các xương hàm và tiếp nối với lớp lót xoang miệng. Màu hồng. Xt. Lỗ chân răng.

LỤC DÂM. X. Lục khí

LƯỚI NỘI BÀO TƯƠNG. hệ thống túi thẳng, có màng bao bọc (các xoang) chạy xuyên qua bào tương của mọi tế bào nhân chuẩn và có liên hệ với màng nhân. LNBT trải rộng và chỉ được phát hiện nhờ kính hiển vi điện tử. Bề mặt của LNBT trải rộng và chỉ được phủ bằng các ribosom tạo thành LNBT hạt. Các protein do LNBT tổng hợp có thể xâm nhập vào xoang để vận chuyển đến những phần khác của tế bào hoặc để tiết ra thông qua bộ máy Gongi. LNBT không có ribosom (LNBT nhân) tham gia vào quá trình tổng hợp lipit và các steroid. Ở tế bào cơ có dạng chuyển hoá của LNBT (tướI tạo cơ) X. bộ máy Gôngi: Tế bào.