Từ điển Y học Việt Nam – Mục R
RẠCH. động tác dùng dao cắt mở da, niêm mạc và các phần mềm, các tạng hoặc bộ phận cơ thể nhằm bộc lộ khu vực mổ, cắt bỏ, thông tháo hoặc dẫn lưu, vv. X. Đường rạch.
RĂNG. phần phụ cứng rắn ở trong xoang miệng, dùng để nghiền, xé thức ăn. Số lượng, cách sắp xếp và sinh lý của R tạo thành các kiểu R đặc trưng cho từng loài động vật.
Ở người, R được chia ra: 1/ R sữa là R tạm thời, mọc lên từ lúc 6 đến 30 tháng tuổi. Có 20 chiếc và sẽ được thay dần bằng R vĩnh viễn. Đến tuổi thay R, nên nhổ R sữa khi bắt đầu lung lay. 2/ R khôn, loại R cối lớn (R hàm) thứ ba, mọc vào lứa tuổi thành niên (18-25 tuổi) cũng có khi mọc chậm hơn hoặc không mọc. R khôn có thể mọc lệch (mọc kẹt vào góc xương hàm), gây đau khó há miệng, có khi bị khít hàm. R khôn mọc lệch thường làm hỏng R hàm đứng trước nó. Phải nhổ R khôn mọc lệch ở cơ sở y tế chuyên khoa, tránh biến chứng. 3/ R vĩnh viễn là loại R thay R sữa và tồn tại đến tuổi già. Có 32 răng vĩnh viễn, mọc từ lúc 6 tuổi đến khoảng 22-25 tuổi (x. công thức răng).
RĂNG CỬA. răng nằm phía trước hàm ở động vật có vú, có phần vành và chân đơn giản. Thường có dạng chiếc đục với bờ cắt sắc. Dùng cắt thức ăn và ở các loài gặm nhấm dùng để gặm. RC của gặm nhấm là răng có ống tuỷ hở mọc ra liên tục suốt đời sống. Đa số các loài động vật có vú bốn RC hàm trên và bốn RC hàm dưới.
RĂNG GIẢ. Răng làm bằng kim loại, nhựa hoặc sứ để thay răng vĩnh viễn bị mất. Có tác dụng giữ cho những răng còn lại không bị đổ, bảo tồn chức năng nhai và giữ vẻ đẹp của hàm răng. Cần làm ngay RG sau khi nhổ răng.
RĂNG HÀM. Răng nằm ở vùng má, có kích thước lớn. Ở động vật có vú, có từ hai cái trở lên, nằm ở vùng sau cùng của hàm. Trên mặt RH có một số mấu lồi, dùng nghiền hay nhai thức ăn. RH chỉ mọc một lần trong đời. Ở người, RH thứ ba ở cả hai phía của mỗi hàm đến tuổi thành niên mới mọc (vì thế còn gọi là răng khôn).
RĂNG-HÀM-MẶT. chuyên khoa nghiên cứu làm công tác dự phòng và chữa các bệnh về răng và hàm mặt. Muốn phát triển và đáp ứng được các yêu cầu của nhân dân, khoa R-H-M hiện đại ứng được các yêu cầu của nhân dân, khoa R-H-M hiện đại cần có các trang thiết bị và vật tư đầy đủ, cán bộ có kinh nghiệm và kĩ thuật. Do chi phí cho chữa bệnh rất tốn kém và ngày càng đắt tiền hơn, cần phát triển theo hướng dự phòng, bảo vệ răng miệng cho trẻ em và nhân dân lao động bằng biện pháp ít tốn kém nhất; vệ sinh răng miệng, xỉa răng, chùi đánh răng sau mỗi bữa ăn; chế độ ăn uống giảm đường; kẹo; phòng bệnh sâu răng bằng cách cung cấp nước có trộn flo.
RĂNG KHÔN. X. răng
RĂNG NANH. loại răng cố định nhọn hình chóp, nằm ở cả hai bên, giữa răng cửa và răng trước hàm ở động vật có vú. Chỉ có 1 RH ở mỗi phía của mỗi hàm, tổng số là 4 RN. Ở động vật ăn thịt (vd. Chó), RN dài dùng giết mồi. Động vật gặm nhấm không có RN.
RĂNG NÓN. X. Conođonta
RĂNG SỮA. X. răng
RĂNG TẠM THỜI. X răng
RĂNG THỊT. loại răng đặc biệt có ở chó và các động vật có vú ăn thịt: răng hàm nhỏ (răng trước hàm) cuối cùng ở hàm trên và răng hàm đầu tiên ở hàm dưới. Các răng này rất to, dùng cắt thịt, gặm xương, chỉ có một dãy mấu lồi chạy dọc theo hàm. Mặt trong phẳng và nhẵn của RT hàm trên có thể cắt qua cắt lại trên bề mặt ngoài nhẵn của răng hàm dưới, giống như lưỡi kéo. Khi ăn thịt hoặc gặm xương, chó đưa mồi vào sâu trong miệng đến chỗ các RT để nghiền và gặm.
RĂNG HÀM TRƯỚC. (tk. Răng hàm nhỏ), răng nằm giữa răng nanh hoặc răng cửa ở phía trước và răng hàm ở phía sau của động vật có vú. Có nhiều chân cắm chắc vào hàm và củ lồi trên mặt răng dùng để nghiền thức ăn (x. răng)
RĂNG VĨNH VIỄN. x. răng
RẬM LÔNG – RẬM RÂU. rậm lông chủ yếu do rối loạn nội tiết. Có 3 loại: loại dị hình – thường gặp ở phụ nữ ở tuổi dậy thì hoặc tiền mãn kinh, kèm theo mọc râu, dấu hiệu của nam tính hoá; loại dị sắc ở trẻ em – lông râu mọc sớm; loại dị sản – lông phát triển khắp người hoặc ở chỗ bất thường, có tính chất gia đình, thường kèm theo dị tật khác. Rậm râu ở phụ nữ do có u tuyến yên, u nam tính, hoá buồng trứng hoặc tuyến vỏ thượng thận. Cần được khám chuyên khoa để điều trị.
RẬN. x. chấy rận
RẬN MU. bệnh do rận kí sinh ở vùng lông mu. Lây khi quan hệ tình dục với người có bệnh; có thể lây do dùng chung quần áo, chăn, chiếu, chậu rửa. Rận đốt, gây ngứa vùng lông mu (triệu chứng sớm) và để lại những vết xước do ngứa gãi và những sẩn nhỏ, rớm máu. Có thể tìm được rận và trứng ở vùng mu. Điều trị: cạo lông mu; vệ sinh cá nhân, chăn, màn, giường chiếu; bôi các loại thuốc diệt kí sinh vật (nhũ dịch benzil benzoat 25%).
RÒ. X. Đường rò
RÒ HẬU MÔN. đường thông bất thường đi từ lỗ ngoài da đến lỗ trong ở niêm mạc hậu môn – trực tràng và ở trong cơ thắt hậu môn (đường rò hoàn toàn), hoặc từ da vào hố ngồi – trực tràng, ở ngoài cơ thắt hậu môn (đường rò chột), xảy ra sau apxe quanh hậu môn và tự vỡ ra ngoài; đường rò bị xơ hoá, có nhiều mô hạt, rỉ dịch và mủ, không tự liền được. Dự phòng: rạch rộng apxe quanh hậu môn tự vỡ ra ngoài; đường dò bị xơ hoá, có nhiều mô hạt, rỉ dịch và mủ, không tự liền được. Dự phòng: rạch rộng apxe quanh hậu môn theo đúng kĩ thuật, băng bó hàng ngày, điều khiển sự lên sẹo từ trong sâu ra ngoài da, không cho vít miệng quá sớm. Điều trị: rạch rộng đường rò, phá huỷ hết các ngách đường rò, phơi bày đường rò và điểu khiển sự lên sẹo.
RÒ ĐỘNG TĨNH MẠCH. Tình trạng có một lỗ hoặc một đường nối thông giữa một động mạch và một tĩnh mạch (thường chạy song song và sát nhau). Có hai loại: RĐ – TM bẩm sinh (có từ khi mới sinh), vd. Các u bẩm sinh của mạch máu; RD-TM mắc phải còn gọi là rò chấn thương khi hai mạch máu ở gần nhau cùng bị thương một lúc ở một điểm gần sát nhau. Qua lỗ hay đường rò, máu từ động mạch (có áp lực cao) chảy sang tĩnh mạch (có áp lực thấp) rồi đổ về tim phải gây rối loạn về huyết động; tim bắt buộc phải làm việc tăng lên, cuối cùng dẫn đến suy tim phải. Cách điều trị duy nhất là phẫu thuật (xt. Phình động mạch).
RONG HUYẾT. ra huyết từ đường sinh dục nữ ra ngoài, kéo dài trên 7 ngày ngoài kì kinh nguyệt. Nguyên nhân: doạ sẩy thai, sẩy thai; ung thư cổ tử cung; ung thư thân tử cung, u xơ tử cung. Cần được khám bệnh để xác định nguyên nhân và điều trị.
RONG KINH. hiện tượng hành kinh kéo dài trên 7 ngày, bất kể lượng máu nhiều hay ít. RK có thể do nguyên nhân rối loạn hoạt động nội tiết liên quan đến sinh dục; tử cung bị tổn thương (u xơ, lao niêm mạc tử cung); các bệnh rối loạn chảy máu, đông máu. Nói chung, RK bao giờ cũng là bệnh lí và cần được xác định nguyên nhân bệnh và điều trị kịp thời, đỡ mất máu kéo dài. Đặc biệt đối với những em gái đang ở tuổi dậy thì, RK cần được chữa rất sớm, tránh để thiếu máu kéo dài, gây khó khăn cho việc điều trị nguyên nhân bệnh.
RỐI LOẠN CHỨC NĂNG SINH DỤC. tình trạng không thỏa mãn trong giao hợp. Có thể ở người chồng hay người vợ. Ở người chồng, có những biểu hiện: ham muốn tình dục thấp do ốm đau, mệt mỏi, hôn nhân không phù hợp, sự thông cảm và tôn trọng giữa vợ chồng bị giảm sút, do một số bệnh (suy nhược cơ thể, bệnh thận, bệnh nội phóng tinh như xuất tinh sớm, xuất tinh ngược dòng (tinh xuất vào bàng quang); đau khi giao hợp (đau ở dương vật hay tinh hoàn) do dị tật dương vật, sang chấn thương dương vật, chít hẹp quy đầu hoặc do bị tổn thương ở âm đạo (sẹo cứng ở tầng sinh môn, thiếu dịch nhầy) hoặc do dị ứng với bao cao su, thuốc diệt tinh trùng. Ở người vợ có những biểu hiện: giảm kích thích do rối loạn cương tụ máu ở 2/3 ngoài âm đạo không được trơn; co thắt âm đạo ở 1/3 ngoài âm đạo ngăn cản sự giao hợp; cơn cực khoái thấp, thường do đau khi giao hợp (đau ở âm đạo, âm vật hay vùng tiểu khung).
RỐI LOẠN KINH NGUYỆT. hiện tượng bất thường về kinh nguyệt như hành kinh kéo dài (rong kinh), hành kinh nhiều huyết (băng kinh), hành kinh đau (thống kinh), vv RLKN chỉ là triệu chứng của các bệnh khác nhau, vì vậy phải tìm nguyên nhân bệnh để điều trị (x. rong kinh; thống kinh; vô kinh).
RỐI LOẠN NGÔN NGỮ. Một trong các rối loạn tâm thần, thần kinh, bao gồm các biểu hiện mất cảm giác ngôn ngữ, bệnh mất ngôn ngữ vận động, tật nói ngọng, tật viết sai… có khi có một trong các rối loạn này, có trường hợp bị hỏng ngôn ngữ hoàn toàn.
RỐI LOẠN NƯỚC ĐIỆN GIẢI. Trong cơ thể sống khỏe mạnh luôn luôn có một sự vận chuyển nước và điện giải qua các khu vực chính: trong và ngoài tế bào, trong và ngoài lòng mạch máu, tạo thành một thể cân bằng do tính chất của màng phân cách (màng tế bào thành mạch) và nồng độ các chất trong khu vực. Khi có thay đổi tình trạng màng phân cách hay đậm độ điện giải, sẽ xảy ra các rối loạn nước và điện giải. Vd. Trong ỉa chảy.
RÔÍ LOẠN SẮC GIÁC. rối loạn khả năng nhận biết màu sắc, có thể bẩm sinh hay mắc phải. RLSG có nhiều mức độ, từ nhẹ đến nặng: nhược sắc – cảm nhận 3 màu yếu: khuyết sắc – chỉ cảm nhận được hai màu trong số ba màu cơ bản (x. Sắc giác); mù màu – không phân biệt được màu nào. Việc xác định các RLSG bẩm sinh rất cần thiết trong việc tuyển lựa nghề nghiệp đối với các ngành như lái tàu, phi công, lái thuyền và một số ngành sản xuất công nghiệp có liên quan đến màu sắc (vd. người mù màu đỏ cấm không được làm trong ngành đường sắt ). Các RLSG mắc phải thường xuất hiện trong các bệnh của võng mạc và thần kinh.
RỐI LOẠN TIỀN ĐÌNH. rối loạn khả năng cảm nhận thăng bằng, biểu hiện thông thường là chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu. Sự cảm thụ vị trí của cơ thể trong không gian dựa trên 3 hệ thống thông tin: từ thị giác, từ tiền đình tai trong và từ cơ quan cảm thụ bản thể (các cảm giác sâu, gân và cơ). Hội chứng tiền đỉnh xảy ra khi có thương tổn trong hệ thống tiền đình từ điền đình tai trong đến trung tâm tiền đình ở thân não hoặc khi bộ máy tiền đình bị kích thích quá mức (dao động của đu quay, tàu thuyền, vv).
RỐN.1. Ở thực vật: a/ vết sẹo trên vỏ hạt được tạo thành tại điểm dính của noãn trên vách bầu bởi cuống noãn. Là đặc điểm phân biệt hạt và quả, b/ điểm giữa của hạt tinh bột, được tinh bột bao quanh. C/ điểm nhỏ ở gốc của bào tử đám gần chỗ dính vào buồng bao tử.
2. Ở động vật: a/ sẹo của cuống nhau ở vùng giữa bụng. Ở người, thai nhi nằm trong tử cung, không thở; ôxi và các chất dinh dưỡng được cung cấp từ máu mẹ qua nhau và cuống nhau. Khi trẻ ra đời, cuống nhau bị cắt và sau 2 – 5 ngày teo đi và rụng, để lại vết sẹo lõm, đó là R. Do thao tác kĩ thuật (cắt cuống nhau bằng mảnh chai, mảnh sành, dao kéo bẩn…) và chăm sóc thiếu vô khuẩn, vùng R có thể bị nhiễm khuẩn, ướt có mủ, có nhiều khả năng gây uốn ván R sơ sinh (tỷ lệ tử vong cao, trên 70 – 80%). B/ vùng lõm mà qua đó mạch máu và dây thần kinh đi vào tạng, như R gan, R lách, R phổi, R thận.
RUNG GIẬT NHÃN CẦU. một loại rung động của nhãn cầu ngoài ý muốn, có thể bẩm sinh, sinh lí hoặc bệnh lý, tự phát, hoặc chỉ có một số tư thế, hoặc được gây ra bằng các biện pháp; nhiệt, ghế quay dao động; ghế quay gia tốc, giảm tốc, vv. Tuỳ theo hướng có: RGNC ngang, RGNC dọc, RGNC xoay tròn, RGNC phối hợp hoặc đa hướng, còn có thể xảy ra khi nhìn một vệt sáng hoặc các vạch sáng, tối chuyển động. RLNC gồm hai pha: pha chậm và pha nhanh; được gọi tên theo pha nhanh.
RUNG TÂM NHĨ. Loạn nhịp tim do những xung động nhanh (300 – 400 lần/phút), không đều, tác động lên cơ nhĩ, làm cho cơ nhĩ mất khả năng co bóp mà chỉ rung động liên tục. Biểu hiện: tim đập không đều về biên độ và khoảng cách (cg. loạn nhịp tim hoàn toàn). Điều trị bằng thuốc quinidin hoặc sốc điện theo chỉ định của thầy thuốc.
RUNG THANH. Rung động do tiếng nói phát ra từ các dây thanh âm và truyền qua khí – phế quản, nhu mô phổi đến thành ngực gây ra, có thể cảm thấy được khi áp sát gan bàn tay lên lồng ngực, RT tăng trong các trường hợp kết đặc nhu mô phổi (viêm phổi), viêm xơ cứng, thâm nhiễm lao trên diện rộng vv. RT giảm trong các tràn dịch, tràn khí màng phổi; RT mất hẳn trong xẹp phổi lớn, tràn khí màng phổi toàn bộ, hang khổng lồ không có phế quản dẫn thông, vv
RUNG TIM. Xung động hỗn loạn, tác động lên sợi cơ tim (chủ yếu cổ tâm thất), làm cho các thớ cơ rung lên loạn xạ, dẫn tới liệt và mất khả năng co bóp, tim ngừng đập và chết ngay. RT là bệnh cấp cứu, cần phá rung bằng sốc điện tại trung tâm chuyên khoa tim mạch.
RỤNG LÔNG TÓC. Tình trạng rụng lông hay tóc bệnh lí do nhiều nguyên nhân: tật bẩm sinh, nhiễm khuẩn cấp cứu (sốt rét, thương hàn), nhiễm khuẩn mạn tính như giang mai, chấn thương, phẫu thuật, xúc cảm đột ngột, một số thuốc (vd. Hoá chất tali), tia X (thường làm RL-T sau 15 ngày), do nấm ở trẻ em (x. nấm tóc), do tạng da mỡ ở người lớn (x. hói đầu). Sau khi khỏi bệnh, tóc sẽ mọc trở lại. Điều trị: thường dùng thuốc kích thích mọc tóc theo công thức 4ml amoniac + 12ml terebenthin + 84ml cồn long não.
RỤNG TRỨNG. Quá trình sinh lí thực hiện chức năng sinh sản ở động vật bậc cao. Sau khi tế bào trứng phát triển đầy đủ (trứng chín) sẽ di chuyển từ bao não tới miệng ống dẫn trứng và thoát ra khỏi buồng trứng (ở gia cầm, trứng thoát ra ngoài). Ở động vật có vú như trâu, bò, lợn, vv, trứng rụng khi bao não, chín và có tỷ lệ hocmon RT (LH/FSH) thích hợp, thường là 1/3. Nếu không gặp tinh trùng, trứng sẽ tự tiêu trong ống dẫn trứng và trứng mới đựơc hình thành. Hiện tượng vỡ nang RT được lặp lại theo chu kì, thực hiện khi có mặt của hocmon RT. Số lượng trứng dụng theo loài và lứa tuổi. Lợn cái và gia súc đẻ nhiều con có khoảng 20 trứng rụng: trâu, bò có 5-7 trứng rụng cho mỗi chu kì động dục. Ở người, RT là hiện tương vỡ nang trứng sau khi nang noãn đã chín và phóng noãn ra khỏi buồng trứng. Trong mỗi vòng kinh bình thường chỉ có một nang noãn được phóng ra, noãn chỉ sống tối đa 24 giờ và chỉ có thể thụ tinh trong thời gian đó. Sau khi phóng noãn, phần còn lại của nang noãn tại buồng trứng sẽ phát triển thành thể vàng (hoàng thể) tiết ra progesteron. Nếu có sự thụ tinh, thể vàng rất lớn (có khi tới 2cm) và bắt đầu thoái hoá từ tháng tư của bào thai cho đến khi đẻ.
RUỘT. ống vận chuyển thức ăn từ dạ dày xuống hậu môn. Trong quá trình vận chuyển, thức ăn di chuyển trong R, đồng thời lại có sự tiêu hoá và hấp thụ chất dinh dưỡng. Ở động vật có xương sống. R được chia thành R non (hẹp) và R già (lớn) (x. đại tràng; ruột non).
RUỘT GIÀ. (tk. đại tràng) x. đại tràng
RUỘT GIỮA. phần giữa ống tiêu hoá ở động vật chân đốt và động vật có xương sống, tiêu hoá và hấp thụ thức ăn. Ở động vật chân đốt, RG và ruột tịt kết thúc phía trước của ống Manpighi; được hình thành từ lá phôi trong, gồm các tế bào hình trụ cao có lớp cuticun lót bên trong. Ở động vật có xương sống, RG là đoạn từ ống mật đến ruột thẳng (x. Ruột trước, ruột sau).
RUỘT NGUYÊN THUỶ. Xoang xuất hiện sớm nhất ở da số phôi động vật. Được hình thành do nếp gấp phần mặt ngoài của phôi nang tạo nên xoang phía trong. Thông với bên ngoài qua miệng phôi.
RUỘT NON. phần ống hẹp giữa dạ dày và ruột già, RN gồm ruột tá, ruột chạy (hỗng tràng) và ruột hồi (hồi tràng), có lông nhung bọc lót. Là nơi tiêu hoá và hấp thụ thức ăn.
RUỘT SAU. phần cuối cùng của ống tiêu hoá ở động vật chân đốt và động vật có xương sống. Ở động vật chân đốt, RS gồm: hồi tràng, kết tràng, trực tràng, được lót bằng lớp biểu mô, lớp này tiết ra màng kitin bảo vệ tcó thành phần tương tự bộ xương ngoài. Màng kitin bong khi lột xác. Về mặt phôi sinh học, RS bắt nguồn từ ống hậu môn và liên quan với lá phôi ngoài. Ở động vật có xương sống, RS là phần phía sau của ống ruột.
RUỘT THỪA. đoạn ruột hình con giun, dài khoảng 7 – 8cm cắm vào dây manh tràng ở dưới góc hồi – manh tràng khoảng 3cm. Chỗ RT cắm vào manh tràng là điểm cố định nhất, dùng làm mốc để tìm RT, ứng với điểm ở một phần ba ngoài và hai phần ba trong trên đường nối gai chậu trứơc – trên với rốn, ở hố chậu phải, gọi là điểm Mac Bony (gọi theo tên nhà phẫu thuật C. Mc Burney) hay điểm RT. Đỉnh và thân RT thường ở dưới hay cạnh trong manh tràng nhưng dễ thay đổi vị trí, tạo nên nhiều hình thái bệnh lý, rất khó chẩn đoán Xt. hệ tiêu hoá.
RUỘT TỊT. x. manh tràng
RUỘT TRƯỚC. phần đầu tiên của ống tiêu hoá ở động vật chân đốt và động vật có xương sống. Ở động vật chân đốt, RT gồm xoang miệng, thực quản, diều và mề, được lót bằng lớp biểu mô; lớp này tiết ra màng kitin bảo vệ ở phía trong, được bong đi khi lột xác. Trong quá trình phát triển phôi, RT bắt nguồn từ miệng phôi (nguyên khẩu) do lá phôi ngoài lõm vào. Ở động vật có xương sống, RT đoạn đầu tiên của ống tiêu hoá tới ống mật.
RÚT MÁU. Thao tác lấy máu ra khỏi cơ thể. Trong thú y, có nhiều trường hợp cần RM: 1/ RM để chữa bệnh, lấy ra một phần máu của con vật nhằm làm giảm cho một khí quan hay một bộ phần nào đó của cơ thể giảm xung huyết; 2/ Rút kiệt máu, RM hoàn toàn, thường tiến hành ở các lò mổ, phải làm thật nhanh để đảm bảo giữ được chất lượng thịt sau khi mổ RM trong phòng thí nghiệm, về cách làm cũng giống như RM để chữa bệnh, nhưng với mục đích kiểm tra huyết học: lấy ở con vật cho máu một lượng máu để có đủ lượng huyết thanh cần thiết cho việc xét nghiệm những đặc tính hoá sinh và miễn dịch hay cầm máu mà không làm con vật cho máu bị chết.
RỬA VẾT THƯƠNG. Dùng nước đun sôi để nguội và xà phòng rửa sạch da xung quanh vết thương; cạo lông, tóc (nếu có), sau đó dùng các loại thuốc nước như dung dịch natri clorua 9%, dịch daykin [gọi theo tên của daykin (H.D. Dakin) ; 1880 – 1952; nhà hoá học Anh], nước ôxy già nhẹ rửa vết thương, rửa trôi đất, các dị vật bám vào mặt vết thương, đặc biệt ở trong các hốc, các khe giữa các cơ và dưới da. Sau khi RVT, đắp lên một miếng gạc vô khuẩn, bông sạch, băng qua và đưa vào phòng mổ để thầy thuốc xử lý vết thương. Là thao tác bắt buộc trước khi xử lí vết thương, nhất là vết thương do tai nạn giao thông, lao động, vv