Từ điển Y học Việt Nam – Mục T
TÁ DƯỢC những chất cho thêm vào hoạt chất (trong điều chế thuốc) để tạo dạng thuốc, điều chỉnh độ rắn, mùi, vị, màu… hoặc để bảo quản thuốc mà không có tác dụng nghịch đến hiệu lực, tính khả ứng, độc tính, độ hoà tan, tính bền vững…của hoạt chất. Các loại TD thường dùng: chất độn, chất hút nước, chất làm rã, chất làm dính, chất làm trơn, chất làm bóng nhẵn, chất màu, chất thơm, chất để bảo quản, chất dùng để làm đẳng trương dung dịch tiêm, chất giảm đau (thuốc tiêm), v.v. Dùng đúng TD là một nghệ thuật trong kĩ thuật bào chế.
TÁ TRÀNG đoạn đầu của ruột non nhận thức ăn từ dạ dày đi xuống. Có dạng cong chữ U (ở người, dài khoảng 30 cm), qua các ống nhận dịch tiêu hoá tiết ra từ gan (mật) và tuỵ. Niêm mạc TT có nhiều lông nhung, xen kẽ là các tuyến tiết dịch ruột chứa enzim tiêu hoá. Khi dịch sữa có tính axit từ dạ dày xuống tới TT, các tế bào của niêm mạc tiết hocmon pancreozimin kích thích tuyến tuỵ tiết một số enzim tiêu hoá. Một loại hocmon khác là cholecystokinin gây ra sự co bóp túi mật vào TT. Các chất tiết có tính kiềm này làm trung hoà axit từ dạ dày và tiếp tục quá trình tiêu hoá (x. Hệ tiêu hoá).
TAI cơ quan cảm giác chuyên hoá của động vật (thính giác) nằm ở hai bên đầu của động vật có xương sống, dùng để nghe và định hướng thăng bằng. Ở động vật có vú, T gồm: T ngoài, màng nhĩ, T giữa, cửa sổ bầu dục, cửa sổ tròn và T trong. Cá chỉ có T trong; các loài lưỡng cư có thêm T giữa; chim không có loa T; ở một số loài động vật không xương sống, T có cấu tạo đơn giản hơn và có thể có ở trên chân trước như ở châu chấu, muỗm… hoặc ở hai bên hông như ở cào cào… Xt. Tai giữa; Tai ngoài; Tai trong.
TAI GIỮA xoang chứa đầy khí nằm giữa tai ngoài và tai trong ở trong hộp sọ của đa số động vật bốn chi. TG thông với phía sau qua ống bầu nhĩ [ống Euxta, gọi theo tên của nhà phẫu thuật học người Italia Euxtackiut (B. Eustacchius)]. Ở động vật có vú, có ba xương nhỏ (xương búa, xương đe, xương bàn đạp) nối khoang nhĩ với cửa sổ bầu dục và truyền các chấn động vào tai trong. Ở nhiều động vật bốn chi khác, chỉ có một xương tai là xương bàn đạp. Ở người, TG truyền những xung động âm thanh từ màng nhĩ vào đến tai trong. Màng nhĩ là một màng rung động có thể thích ứng với độ cao của âm thanh trong những giới hạn nào đó, nhờ có xương búa thay đổi mức độ căng của nó. Bình thường, cơ xương búa giữ màng nhĩ ở trạng thái căng liên tục và vừa phải nhờ những lực của cơ. Những âm thanh quá mạnh hoặc quá cao sẽ gây phản xạ làm co cơ xương búa, vì vậy màng nhĩ bị căng sẽ kém rung. Đây là biện pháp gián tiếp bảo vệ TG đối với những âm thanh cao tần hoặc tiếng ồn quá mức có thể làm giảm tính lực hoặc gây điếc.
TAI – MŨI – HỌNG chuyên ngành y học nghiên cứu về giải phẫu, sinh lí, chức năng, bệnh tật của tai và xương thái dương, mũi và xoang, họng, thanh quản, khí phế quản và thực quản, một số vấn đề về hàm mặt và đầu cổ. Ngoài chuyên khoa đại cương, còn có các chuyên khoa sâu: tai học, mũi học, thính học, tiền đình hoặc tai-mắt-thần kinh, dị ứng tai-mũi-họng, thanh học, thanh thính học hoặc bệnh học về tiếng nói và giọng, tai-mũi-họng trẻ em, ung thư tai-mũi-họng, khứu giác, vị giác, chỉnh hình mũi, phẫu thuật thẩm mĩ vùng mặt, vv. Do sự phát triển mở rộng phạm vi hoạt động của chuyên khoa nên ở một số nước, tên gọi chính thức là: tai-mũi-họng và phẫu thuật đầu cổ; tai-mũi-họng và phẫu thuật hàm mặt; tai-mũi-họng và soi thanh-khí-phế quản – thực quản; tai-mũi-họng là từ quen dùng tuy rằng tên chính thức theo gốc Latinh là tai-mũi-thanh quản học (oto – rhino – laryngologie), gọi tắt là tai-thanh quản học (oto – laryngologie).
TAI NGOÀI phần tai nằm phía ngoài xoang nhĩ ở các loài động vật có xương sống như chim, động vật có vú và một số loài bò sát. TN của người gồm: ống TN, vành tai. Da bảo phủ phần sụn có nhiều lông dài, nhiều tuyến bã và những tuyến mồ hôi, đặc biệt là tuyến ráy tai. Mồ hôi tiết ra có màu sắc và khi kết hợp với sản phẩm chế tiết của tuyến bã tạo thành ráy tai. (xt. Tai)
TAI TRONG phần thụ cảm phía trong cùng của tai động vật có xương sống, nằm trong xoang thính giác của hộp sọ thông với tai giữa bằng hai màng: cửa sổ tròn và cửa sổ bầu dục. Chứa đầy ngoại dịch (nội bạch huyết) bao quanh mê lộ màng là bộ phận nghe và giữ thăng bằng. TT có nguồn gốc từ ngoại bì. Ở người, TT gồm: một túi (tiền đình) và chia làm hai xoang thông với nhau, ba ống bán khuyên xếp theo ba chiều của không gian, mỗi ống có một đầu phình; ống nội bạch huyết thông với hai xoang của tiền đình và lồi về phía khoang sọ tới sát màng cứng; ống ốc tai có ba mặt – mặt ngoài gắn liền với màng xương, mặt trên là màng xơ mỏng được bao phủ bằng một lớp biểu mô dẹt, mặt dưới là màng đáy xơ mang bộ phận quan trọng nhất của cơ quan thính giác là cơ quan Coocti [gọi theo tên của nhà tế bào mô học người Italia Coocti (A. Corti)]. Xt. Tai.
TÁI NHIỄM sự nhiễm bệnh (hoặc nhiễm độc) lặp lại xảy ra sau lần nhiễm thứ nhất đã được điều trị khỏi. Đối với các bệnh truyền nhiễm và bệnh kí sinh trùng, người ta cho là có sự tiếp xúc mới với tác nhân gây bệnh mà ở con vật hoặc người đó không có khả năng miễn dịch, vd. TN giun đũa.
TÁI SẢN XUẤT DÂN SỐ (cg. tái sinh sản dân số), quá trình liên tục đổi mới các thế hệ dân số do các biến động tự nhiên của dân số. Có hai loại TSXDS: 1) TSXDS giản đơn: trong một thời gian nhất định, số người mới sinh đủ bù cho số người bị chết, làm cho dân số không thay đổi. 2)TSXDS mở rộng: trong một thời gian nhất định, số người sinh ra vượt quá số người chết đi, làm dân số tăng thêm. Để quan sát tình hình TSXDS, có thể dùng
Hệ số tăng tự nhiên = hệ số sinh – hệ số chết
TÁI TẠO (y), thay thế một mô bị phá huỷ bằng một mô mới giống như mô nguyên thuỷ về mặt hình thái cũng như chức năng. Là hiện tượng tương đối phổ biến ở động vật không xương sống. Ở người, cơ quan duy nhất có khả năng TT là gan (gan có thể TT sau khi cắt bỏ một phần lớn), trong khi thông thường các nhu mô chỉ sửa chữa bằng cách lên sẹo, nghĩa là thay thế bằng một mô liên kết không chức năng hoặc bằng dị sản như tế bào trụ cổ trong cổ tử cung biến đổi thành tế bào vảy khi bị viêm mạn tính cổ tử cung.
TAM THẤT (Panax pseudo ginseng), cây thuốc quý, họ Ngũ gia bì (Araliaceae). Cây thân thảo lưu liên. Lá mọc vòng 3 – 4 lá một, mỗi cuống lá mang 3 – 5 chét hình mác dài, mép có răng cưa nhỏ. Hoa mọc thành tán ở đầu cành. Hoan đơn tính và lưỡng tính cùng tồn tại. Lá dài 5, cánh hoa 5, màu xanh nhạt; nhị 5, bầu hạ 2 ô. Quả mọng, hình thận, khi chín có màu đỏ, chứa 2 hạt hình cầu. Ra hoa vào mùa hè.
Ở Việt Nam, TT mọc hoang trong rừng và được trồng ở những vùng núi cao 1.200 – 1.500 m thuộc tỉnh Hà Giang (Đồng Văn), Lào Cai (Mường Khương, Bát Xát). Nơi thích hợp để trồng TT là sườn núi ít gió lạnh. Đất được bón phân và chuẩn bị kĩ từ một năm trước, chia thành luống cách nhau 1 m. Tháng 10 – 11, chọn những hạt ở cây 3 – 4 năm tuổi, gieo vào vườn ươm; tháng 2 – 3 năm sau cây mọc; tỉa bỏ lá gốc, trồng ra ngôi; 3 – 7 năm sau, bắt đầu thhu hoạch rễ củ. Trong rễ có saponin tritecpenic, có tác dụng cường dương, cầm máu, đặc biệt có tác dụng tốt về sức khoẻ và bổ huyết đối với sản phụ. TT còn trồng ở Vân Nam (Yunnan) và một số tỉnh Trung Quốc.
TAN MÁU hiện tượng vỡ hồng cầu, giải phóng huyết sắc tố ra ngoài hồng cầu. Có: TM sinh lí – vỡ hồng cầu già (đời sống hồng cầu bình thường 100 – 120 ngày); TM bệnh lí – hiện tượng hồng cầu bị phá vỡ quá nhanh và quá nhiều, đời sống hồng cầu bị rút ngắn. Nguyên nhân: ở tại hồng cầu (màng hồng cầu, bệnh huyết sắc tố và thiếu hụt enzim); ở ngoài hồng cầu (nhiễm khuẩn, sốt rét, có kháng thể kháng hồng cầu, nhiễm độc). TM bệnh lí gây thiếu máu, tan máu với các biểu hiện: da xanh xao, vàng da, lách to, nước tiểu sẫm màu. Điều trị tuỳ theo nguyên nhân, thường phải truyền máu trong các trường hợp thiếu máu nặng.
TAN MÁU TRẺ SƠ SINH chứng tan máu ở trẻ mới đẻ, chủ yếu do bất đồng nhóm máu mẹ và con: bất đồng hệ nhóm máu Rh (mẹ có nhóm máu Rh âm, con có nhóm máu Rh dương) hoặc bất đồng hệ nhóm máu ABO (mẹ có nhóm máu O, con có nhóm máu A hoặc B). Biểu hiện: trẻ sơ sinh bị vàng da, thiếu máu nặng, nước tiểu sẫm màu. Trong máu, lượng bilirubin gián tiếp tăng, có thể gây nhiễm độc nhân xám (gọi là vàng da nhân). Cần điều trị sớm bằng cách truyền thay máu.
TAN TẾ BÀO (tk. huỷ bào, tiêu bào), quá trình huỷ hoại mọi thành phần (hay cấu trúc) của một tế bào sống. Thường gặp TTB do tự tiêu bằng các enzim có sẵn trong tế bào hoặc do các enzim của bạch cầu đa nhân từ máu đưa đến.
TÀN NHANG những vết nhỏ bằng đầu đinh ghim hay to bằng khuy bấm, tròn, vàng, nâu, có ranh giới rõ rệt, bằng phẳng với mặt da, trơn không có vẩy, không thâm nhiễm. Do tác dụng của ánh sáng Mặt Trời, TN bộc lộ rõ rệt vào mùa nắng, hoặc có thể biến đi hoặc giảm nhẹ vào mùa đông. Thường gặp ở người da trắng, mịn. Vị trí hay gặp là ở mặt, vùng hai bên mũi, đôi khi ở cổ, ở bàn tay, cẳng tay, hiếm khi ở các vùng có quần áo che phủ. TN thường xuất hiện ở tuổi nhi đồng, tăng lên ở tuổi thiếu niên và có thể tồn tại cho đến tuổi trưởng thành với hướng giảm nhẹ dần. Căn nguyên của bệnh do sắc tố ở lớp đáy của biểu bì có tính di truyền. Việc điều trị thường gặp khó khăn; cần hỏi ý kiến thầy thuốc chuyên khoa.
TÀN PHẾ tình trạng mất lâu dài (giảm hoặc mất hẳn) khả năng hoạt động bình thường về thê chất, tinh thần hay xã hội, khả năng lao động nói chung hoặc khả năng lao động nghề nghiệp do bệnh tật hoặc tai nạn gây nên. Kiên trì thực hiện phục hồi chức năng có khả năng giảm bớt mức độ TP
TẠNG (y), khái niệm của y học cổ truyền, thường dùng kết hợp với từ khác.
1. Tạng phủ là cơ quan trong cơ thể. Y học cổ truyền cho rằng trong cơ thể có ngũ tạng, lục phủ. Ngũ tạng là tâm, can, tì, phế, thận. Lục phủ là đởm, vị, tiểu trường, đại trường, bàng quang, tam tiêu. Tạng phủ nằm ở thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu. T là cơ quan có công năng tàng tinh khí, vì vậy T thường là đầy song không thực.
2. X. Tạng tượng.
3. Tạng hàn, tạng nhiệt chỉ trạng thái của một người có thiên năng về hàn, về nhiệt. Người T hàn thiên về hàn, người T nhiệt thiên về nhiệt, song chưa chuyển sang trạng thái bệnh lí.
4. Tạng người, chỉ thế chất của người. T người khoẻ, T người yếu chỉ thế chất khoẻ, yếu của người.
5. Tạng táo là tên một bệnh của y học cổ truyền. Nguyên nhân của bệnh là dinh huyết hư, nội nhiệt đốt ở trong, làm cho tâm thần không yên, hoặc can khí uất kết, tình chí mất điều hoà. Thường có các triệu chứng sau: vô cớ bi thương, máy động, hoặc cười khóc không bình thường, hoảng hốt, hay thở dài, thở nhanh, gấp, có lúc co giật, có lúc bất tỉnh nhân sự. Bệnh này tương tự như bệnh hysteria của y học hiện đại.
TẠNG CHẢY MÁU tình trạng dễ chảy máu do những bất thường về cầm máu bẩm sinh hay mắc phải: bất thường về thành mạch (ban xuất huyết nhiễm khuẩn); bất thường về tiểu cầu (giảm số lượng hay chức năng tiểu cầu); bất thường về đông máu (thiếu vitamin K, giảm phức hợp protrombin, chứng ưa chảy máu, giảm fibrin máu).
TẠNG CO GIẬT trạng thái tăng kích thích tinh thần – cơ mạn tính mà không do giảm canxi trong máu. Những trẻ có TCG, khi có tác nhân kích thích dù nhỏ cũng dễ bị co giật. TCG thường gặp ở trẻ em bị còi xương.
TÁO BÓN đại tiện khó hoặc không thể thực hiện được; phân cứng sau một thời gian tồn tại lâu trong đại tràng. TB phần lớn do các nguyên nhân rối loạn chức năng: ít hoạt động, thói quen không đại tiện đúng giờ, ăn không có rau, uống ít nước…; có thể do các nguyên nhân tổn thương thực thể như bệnh đại tràng to, đại tràng dài, khối u chèn ép, liệt cơ hậu môn…Muốn tìm nguyên nhân TB cần hỏi bệnh, thăm khám, xét nghiệm, soi và chụp đại tràng…Điều trị: cần tìm các nguyên nhân thực thể để chữa theo nguyên nhân; nếu rối loạn chức năng đơn thuần cần điều chỉnh chế độ ăn, uống nhiều nước, tăng vận động, tập thói quen đi đại tiện đúng giờ, uống các thuốc nhuận tràng nhẹ, thụt tháo nếu cần.
TẠO HÌNH (y), sự tạo nên hình dáng một cơ quan, một vùng cơ thể, như mũi, giác mạc, một ngón tay, vv. (x. Phẫu thuật tạo hình). Trong phôi học, TH bao gồm hiện tượng tạo phôi, tạo mô và biệt hoá tế bào.
TẠO MÁU quá trình hình thành các huyết cầu trong cơ thể động vật và người. Ở đa số động vật không xương sống, quá trình TM diễn ra trong mô liên kết. Ở động vật có xương sống, TM diễn ra trong các cơ quan TM chuyên biệt. Ở động vật có vú, tế bào máu được tạo ra trong gan, lách (ở phôi thai), trong tuỷ xương và mô bạch huyết ở dạng trưởng thành. Ở người, trong quá trình phát triển phôi thai có hai thứ máu lần lượt xuất hiện là máu nguyên thuỷ và máu thứ phát. Máu nguyên thủy là máu tạo ra trước tiên chỉ có tế bào thuộc dòng hồng cầu, không có bạch cầu, được tạo ra từ túi noãn hoàng, nghĩa là ngoài phôi, sớm bị đình lại. Máu thứ phát là máu còn mãi mãi, có cả hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, xuất hiện từ trong lưới mao mạch noãn hoàng; sau tuần thứ 4 – 5, gan bắt đầu làm nhiệm vụ TM; từ tháng thứ 5, máu do tuỷ xương và mô bạch huyết tạo ra.
TẠO MIỄN DỊCH x. Tiêm chủng.
TẠO MÔ 1. Trong phôi sinh học, là sự hình thành các mô biệt hoá từ các mô của phôi, vd. tạo xương từ mô liên kết; tạo mô thần kinh từ các mầm thần kinh, vv.
2. Trong bệnh học, là sự hình thành của một mô mới, hoặc để thay thế một mô bị phá huỷ (như trong viêm lên sẹo), hoặc sinh ra một mô bệnh lí (TM ung thư).
TẠO MỠ quá trình sinh tổng hợp mỡ từ các axit béo và glixerin (glyxerol) hình thành trong tiêu hoá chất béo của thức ăn. Trong chu trình Krepxơ, các chất protein, gluxit, lipit có thể chuyển hoá lẫn nhau.
TẠO UNG THƯ quá trình biến đổi tế bào thành tế bào ung thư có khả năng sinh sản vô hạn định (“tế bào bất tử”). Theo quan điểm hiện nay, trong cơ thể con người cũng như động vật có xương sống luôn có sẵn một số gen ung thư bình thường không hoạt động, coi như “ngủ yên”. Trong một số hoàn cảnh như sức đề kháng kém, cơ thể giảm miễn dịch, tác động của hoá chất độc (vd. chất đioxin có trong chất da cam), virut, gen chống gen ung thư làm cho gen ung thư hoạt động, gây ra quá trình TUT. Quá trình TUT được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn một – giai đoạn khởi động làm thay đổi bản chất của tế bào, có thể kéo dài nhiều năm (có khi tời hàng chục năm); giai đoạn hai – giai đoạn tăng tiến, thúc đẩy sự biến đổi, sinh sản và xâm lấn của tế bào ung thư một cách không giới hạn. Lúc khối u có kích thước nhất định (thường có đường kính 1 cm), xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng khác nhau tuỳ theo mỗi loại ung thư. Một nguy cơ lớn của ung thư là di căn (một số tế bào tách khỏi khối u mẹ, theo đường bạch mạch và dòng máu tới một hay nhiều vị trí khác, phát triển thành một hay nhiều khối u mới). Di căn được coi như đánh dấu giai đoạn “nan y” của ung thư. Chẩn đoán và điều trị sớm. Chẩn đoán càng sớm khi khối u càng nhỏ thì hiệu quả điều trị càng cao.
TẠO XƯƠNG quá trình hình thành và phát triển mô xương từ mô liên kết để sinh ra các loại xương như xương màng (xương sọ, hàm), xương sụn (hầu hết các xương trong cơ thể), xương dài, vv. Có TX sinh lí và TX bệnh lí. Các yếu tố cần thiết cho quá trình TX: muối khoáng (muối photphat, cacbonat, vv.); vitamin C, D; hocmon của tuyến cận giáp, tuyến sinh dục và tuyến yên; tia cực tím. TX có thể bị rối loạn và gây ra một số bệnh, đặc biệt là bệnh còi xương ở trẻ em. Xt. Còi xương.
TẮC tình trạng không lưu thông bình thường (đình chỉ hoàn toàn hay một phần) ở một cơ quan rỗng hay hình ống (dạ dày, ruột, động mạch, ống mật, vv.) tạo nên một tình trạng bệnh lí có thể nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân nếu không được giải quyết kịp thời. T có thể do một ngoại vật ở trong lòng của cơ quan hay do một sự chèn ép ở phía ngoài. Là tình trạng cấp cứu.
TẮC LỆ ĐẠO tình trạng lệ đạo không thông suốt làm cho chảy nước mắt không lưu thông xuống mũi được. Có hai nguyên nhân gây TLĐ: bẩm sinh; biến chứng bệnh mắt hột. Điều trị chủ yếu bằng bơm rửa lệ đạo để kiểm tra đường lệ. Phải thông lệ đạo, nếu chắc chắn có TLĐ. Vì bệnh đã mạn tính, phải thông nhiều lần với que thông có kích thước to dần.
TẮC MẠCH trạng thái bệnh lí sinh ra do một dị vật từ nơi khác đến lấp đột ngột lòng của một mạch máu (thường là động mạch), cản trở lưu thông máu, làm giảm hay ngừng tưới máu ở bộ phận do mạch máu đó nuôi dưỡng. TM có thể do: một cặn máu đông nội sinh long ra từ một huyết khối (ở nơi khác của hệ tuần hoàn); một khối vi khuẩn tách từ một ổ nhiễm khuẩn ở xa; một số tế bào ung thư di căn; một dị vật lọt vào dòng máu khi có một vết rách mạch máu lớn; một giọt thuốc mỡ không hoà tan; một bọt khí chui vào dây truyền nhỏ giọt, vv. TM xảy ra một cách đột ngột, với các dấu hiệu lâm sàng cấp tính thay đổi tuỳ theo vị trí (vd. tử vong nhanh chóng, tức thời nếu tắc một mạch máu lớn như động mạch phổi, động mạch não, động mạch vành…).
TẮC RUỘT tình trạng không lưu thông các chất chứa trong ruột (chất khí, lỏng, đặc). Có 2 dạng TR: 1) TR bẩm sinh như phình đại tràng, không có hậu môn…2) TR mắc phải, chia thành: TR chức năng do ruột bị liệt hoặc co thắt quá mạnh; TR cơ học do khối u, khối búi giun, do một dây chằng chèn quan quai ruột, do các quai ruột dính vào nhau hoặc dính vào một tạng ở gần…, do lồng ruột, do xoắn ruột. Triệu chứng: đau bụng đột ngột thành từng cơn; bụng trướng, các quai ruột nổi lên và di động trên bụng như rắn bò; nôn; bí trung; đại tiện, vv. TR có thể xảy ra đột ngột (TR cấp tính) và hoàn toàn khi có đầy đủ các triệu chứng nói trên. TR có thể không hoàn toàn nếu còn thông chút ít. TR cấp tính là một cấp cứu ngoại khoa xếp thứ hai sau viêm ruột thừa cấp, phải được giải quyết sớm tại cơ sở y tế chuyên khoa.
TẮC THỞ sự cản trở đường thở làm cho sự trao đổi khí không thực hiện được (ngạt thở) do nhiều nguyên nhân cơ giới: bịt mồm và mũi một cách trực tiếp (bằng bàn tay, quần áo, khăn, vv.); lấp đường hô hấp do các vật thể như hòn bi, tiền xu, tiền hào, hoặc sữa khi ăn sữa, hạt lạc, hạt đậu, hạt na, vv.; đè ấn lên ngực bụng (trẻ em bị mẹ đè khi ngủ say), người bị giẫm đạp trong đám đông hỗn loạn…; người bị chôn sống, bị nhà đổ vùi lấp; ngạt hoá học do thiếu oxy và thừa cacbon đioxin, vv.
TĂNG ÁP LỰC PHỔI tăng huyết áp trong hệ thống động mạch phổi, cao hơn 4,6 kPa (35 mmHg) [huyết áp động mạch phổi bình thường: tối đa 3,3 kPa (25 mmHg), tối thiểu 2 kPa (15 mmHg), trung bình 2,6 kPa (20 mmHg). Nguyên nhân: trở ngại ở các vùng mao mạch phổi (vd. trong bệnh phổi – phế quản mạn tính) gọi là tăng áp lực trước mao mạch; trở ngại ở vùng tim trái (vd. trong bệnh van tim, suy tâm thất trái) gọi là tăng áp lực sau mao mạch (cg. tăng áp lực thhụ động hay tĩnh mạch).TALP sẽ gây giãn thân và các nhánh lớn của động mạch phổi, tăng to tâm thất phải. Các biểu hiện lâm sàng: khó thở lúc gắng sức ngày một tăng; tiến triển thành suy tâm thất phải.
TĂNG ÁP LỰC TĨNH MẠCH CỬA hội chứng do có sự cản trở tuần hoàn của hệ thống tĩnh mạch cửa (hệ thống tĩnh mạch dẫn vào gan một khối lượng máu lớn 1 – 2 lít/phút). Nguyên nhân: nguyên nhân ở trong gan như phát triển mô xơ lan tràn rộng làm thu hẹp, bó chẹt các nhánh của của tĩnh mạch cửa và các tế bào nhu mô gan do nhiễm khuẩn, nhiễm độc gan (x. Xơ gan); nguyên nhân ở ngoài gan như hẹp tĩnh mạch cửa bẩm sinh, cục tắc nghẽn tĩnh mạch cửa…Dấu hiệu: cổ trướng tự do, nhiều dịch (3 – 10 lít) màu trong hay ngả màu vàng chanh, có ít anbumin; tuần hoàn bàng hệ dưới da bụng, nổi rõ khi bệnh nhân ngồi dậy (ở vùng thượng vị, hạ sườn, hai vùng bẹn); lách to, dãn tĩnh mạch trực tràng (trĩ); dãn tĩnh mạch thực quản (có thể vỡ và gây nôn ra máu). Điều trị theo nguyên nhân (xơ gan, hẹp tĩnh mạch cửa…). Nếu áp lực tăng quá cao (bình thường 10 – 15 cm cột nước) cần nối tĩnh mạch lách – chủ, lách – thận; rút cổ trướng, áp dụng chế độ sinh hoạt và ăn uống thích hợp.
TĂNG BẠCH CẦU tăng số lượng bạch cầu trong máu. Số lượng bạch cầu bình thường ở máu ngoại biên: ở người trưởng thành 6 – 8 nghìn/mm3. Tuỳ theo loại bạch cầu tăng, có: TBC trung tính, TBC lỵmpho, TBC ưa axit. Nguyên nhân: nhiễm khuẩn, nhiễm virut, sốt xuất huyết, bệnh máu và cơ quan tạo máu lành tính hay ác tính. TBC là dấu hiệu giúp chẩn đoán một số bệnh.
TĂNG BỆNH tình trạng triệu chứng bệnh xuất hiện lại và nặng lên ở một số bệnh nhân mà trước đó bệnh đã lắng dịu nhưng chưa khỏi hẳn.
TĂNG CHOLESTEROL MÁU nồng độ cholesterol vượt quá 250 mg trong 100 ml huyết tương (nồng độ cholesterol bình thường là 175 – 200 mg, theo phương pháp Rapoport). TCM xuất hiện sau bữa ăn có nhiều mỡ động vật. Về phương diện bệnh lí, TCM gặp trong bệnh xơ vữa động mạch, viêm thận, thận hư nhiễm mỡ, bệnh u vàng, thiểu năng tiếp giáp, vv. Dự phòng và điều trị: hạn chế ăn mỡ động vật và thay bằng dầu thực vật, giảm ăn trứng vịt lộn, vv.
TĂNG HỒNG CẦU tăng số lượng hồng cầu trong một đơn vị thể tích máu (bình thường là 4 – 5 triệu/mm3), do nhiều nguyên nhân: mất huyết tương hay mất nước làm máu bị cô đặc (trong trường hợp bị bỏng, sốc, ỉa chảy, ra nhiều mồ hôi); thiếu oxi ở mô (bị bệnh phổi mạn tính, tim bẩm sinh, khi ở trên cao); bệnh huyết sắc tố bẩm sinh hay mắc phải do dùng thuốc, hoá chất, ngộ độc cacbon oxit; THC bẩm sinh. Triệu chứng của THC thay đổi tuỳ theo bệnh chính; ngoài triệu chứng của bệnh chính, còn có các triệu chứng như tím tái, đau đầu, chóng mặt, ù tai, dễ bị chảy máu và tắc mạch máu, huyết sắc tố tăng. Điều trị tuỳ theo nguyên nhân gây THC.
TĂNG HUYẾT ÁP tình trạng huyết áp động mạch vượt quá giới hạn bình thường. Theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (J.N.C, 2005): huyết áp bình thường < 130 mm Hg (milimét thuỷ ngân) tối đa, < 85 mm Hg tối thiểu; cao hay THA > 140 mm Hg tối đa và > 90 mmHg tối thiểu. Người ta còn chia 4 mức độ THA như sau: giai đoạn 1 – nhẹ 140 -159 mm Hg tối đa, 90 – 99 mm Hg tối thiểu; giai đoạn 2 – vừa 160 – 179 mm Hg tối đa, 100 – 104 mm Hg tối thiểu; giai đoạn 3 – nặng 180 – 209 mm Hg tối đa, 110 – 119 mm Hg tối thiểu; giai đoạn 4 – rất nặng > 200 mm Hg tối đa, > 120 mm Hg tối thiểu. THA phần lớn không có biểu hiện dấu hiệu gì; muốn phát hiện cần phải đo huyết áp. Dụng cụ dùng để đo huyết áp gọi là huyết áp kế (x. Huyết áp kế). THA phần lớn là do tự phát không rõ nguyên nhân (khoảng 90% trường hợp), một số ít là hậu quả của một số bệnh của thận, nội tiết, tim mạch…(THA thứ phát). THA nếu không được theo dõi điều trị có thể gây nên những biến chứng ở não (xuất huyết, nhũn não), ở tim (suy tim), ở thận (suy thận), vv. Dự phòng THA, nhất là tai biến THA: cần có chế độ sinh hoạt điều độ, hạn chế rượu và thuốc lá, không ăn quá mặn, tránh stress, thường xuyên theo dõi kiểm tra huyết áp. Khi đã có THA, cần điều trị bằng các thuốc hạ huyết áp, lợi tiểu, dãn mạch, an thần (theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc).
TĂNG HUYẾT ÁP ÁC TÍNH thể bệnh nguy hiểm nhất của tăng huyết áp, hay xảy ra ở người trẻ tuổi. Nguyên nhân: suy thận (chiếm tới 60% trường hợp), tăng huyết áp sẵn có. Biểu hiện: huyết áp tăng vọt (có thể đến 250/150 mm Hg), diễn biến nhanh, biến chứng dồn dập (mờ mắt, đái ít, phù nề, phù phổi cấp, suy tim cấp, suy thận cấp, xuất huyết não, hôn mê, liệt nửa người) và dẫn đến tử vong nếu không xử lí cấp cứu kịp thời.
TĂNG HUYẾT ÁP DO THAI NGHÉN tình trạng huyết áp tăng cao bệnh lí từ nửa sau của thời kì thai nghén: huyết áp tối đa trên 140 mm Hg, tối thiểu trên 90 mm Hg. Đối với các bà mẹ trẻ, được theo dõi sức khoẻ và có huyết áp ban đầu thấp, nếu huyết áp tối đa tăng từ 15 mm Hg trở lên cũng coi là bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp thường đi kèm với phù, protein niệu và tạo nên hội chứng nhiễm độc thai nghén (xt. Nhiễm độc thai nghén). THADTN thường gặp ở người có thai lần đầu, người nhiều tuổi, người có mức sống thấp. THADTN sẽ dẫn đến đẻ non, thai chậm lớn, thai chết lưu, và về phía người mẹ biến chứng nặng nhất là sản giật (xt. Sản giật). Sau khi điều trị bằng các thuốc an thần, hạ huyết áp, chống phù não, nếu thấy bệnh vẫn tiến triển, thì có thể cho đẻ nhân tạo hoặc mổ lấy thai, đề phòng sản giật.
TĂNG NĂNG TUYẾN GIÁP x. Cường tuyến giáp.
TĂNG NĂNG TUYẾN YÊN (cg. cường tuyến yên), tình trạng tuyến yên tăng sản sinh hocmon tăng trưởng và prolactin (hocmon chi phối việc tiết sữa và kìm hãm hoạt động của buồng trứng, tinh hoàn), do các u tuyến phát sinh từ các nhóm tế bào thuỳ trước tuyến yên. Có 2 loại u tuyến: u tuyến ưa axit gây nên chứng khổng lồ và bệnh to cực; u tuyến ưa bazơ gây nên bệnh Cusinh [theo tên của Cusinh (H. Cushing), nhà phẫu thuật thần kinh Hoa Kì].
TĂNG NHÃN ÁP x. Glôcôm
TĂNG NHIỆT biểu hiện sự tăng nhiệt độ trong cơ thể hay một phần của cơ thể so với thân nhiệt bình thường (thân nhiệt bình thường là 37oC). TN thường được coi là đồng nghĩa với sốt. Xt. Sốt.
TĂNG SẢN (cg. quá sản), sự sinh sản nhiều hơn từ các mô bình thường, tăng số lượng tế bào của một cơ quan nào đó, làm cho kích thước của cơ quan đó cũng tăng lên; các tế bào mới tăng sinh không khác về hình thái và chức năng so với tế bào sinh ra chúng. Vd. nếu cắt đi một phần gan thì phần còn lại có thể trải qua quá trình TS để tái sinh. Xt. Phì đại.
TĂNG SINH x. Tăng sản.
TĂNG TIẾT MỒ HÔI tình trạng tiết nhiều mồ hôi, thường thấy ở bệnh nhân sốt cao, mắc bệnh nhiễm khuẩn (sốt rét, lao phổi), tâm thần, rối loạn thần kinh thực vật, cảm xúc, trong trường hợp dùng một số loại thuốc (vd. pilocacpin). Hiện tượng TTMH ở trẻ em (“mồ hôi trộm”) có thể là dấu hiệu sớm của bệnh còi xương.
TĂNG URE HUYẾT nồng độ ure vượt quá 0,59 g hoặc 10 mmol trong 1 lít huyết tương hoặc huyết thanh; là dấu hiệu của tình trạng suy thận. Ure là một trong số các sản phẩm chuyển hoá cuối cùng của protein, được thận bài tiết ra nước tiểu. Khi chức năng thận bị rối loạn, các chất này bị ứ lại và tăng lên trong máu (ở người bình thường, nồng độ ure huyết là 0,3 g/l hoặc 4 – 5 mmol/l).
TÂM NHĨ một trong những xoang của tim động vật có xương sống. Ở động vật có vú, có hai TN, tạo nên hai ngăn phía trên tim: TN trái nhận máu động mạch giàu oxi từ phổi; TN phải nhận máu tĩnh mạch từ cơ thể. Ở các động vật bốn chi khác, cũng có hai TN. Cá chỉ có một TN (tim cá chỉ có hai xoang).
TÂM THẦN HỌC một lĩnh vực của y học lâm sàng, nghiên cứu các triệu chứng, nguyên nhân, cơ chế phát sinh bệnh tâm thần; đề ra các biện pháp ngăn ngừa và chữa trị, cũng như hệ thống tổ chức nhằm giúp đỡ người bệnh. Các phương pháp nghiên cứu: lâm sàng học, sinh lí học, thần kinh học, hoá sinh học, di truyền học, tâm lí học, vv. TTH nghiên cứu các quy luật chung cơ bản của sự rối loạn hoạt động tâm lí, các bệnh tâm lí riêng biệt. Các chuyên ngành: TTH trẻ em, TTH tuổi già, TTH tư pháp, vv.
TÂM THẦN PHÂN LIỆT x. Bệnh tâm thần phân liệt.
TÂM THẦN THIỂU NĂNG x. Thiểu năng tâm thần.
TÂM THẤT một trong hai ngăn dưới có thành cơ dày của tim ở động vật có vú. Khi TT co, van hai lá và van ba lá đóng lại, máu bị đẩy vào các động mạch. Khi TT dãn, các van bán nguyệt ở các động mạch đóng lại ngăn không cho máu từ động mạch trở lại tim. TT phải bơm máu tĩnh mạch lên phổi; TT trái đẩy máu động mạch (giàu oxi) đi khắp cơ thể.
TÂM THU x. Kì tâm thu.
TÂM TRƯƠNG x. Kì tâm trương.
TÂM VỊ lỗ mở từ thực quản vào dạ dày (x. Dạ dày) ở động vật có xương sống. Chức năng là cơ thắt, không có ý nghĩa về giải phẫu.
TÂN DỊCH 1. Theo nghĩa rộng, là thể dịch (chất dịch trong cơ thể).
2. Chất dinh dưỡng có nguồn gốc từ thức ăn. Trong kinh mạch, TD là một phần của huyết. Ngoài kinh mạch, TD phân bố giữa các mô: tân phân bố ở da, cơ; dịch phân bố ở não, tuỷ, khớp và các khiếu để làm ấm, nuôi dưỡng và nhu nhận các bộ phận đó. Được thải ra ngoài dưới dạng mồ hôi và nước tiểu.
TẦN SỐ GEN tần số gặp tương đối của gen trong quần thể. Nếu nồng độ gen A trong quần thể là p thì nồng độ alen lặn là (1 – p). Tần số của các genotip tương ứng trong quần thể khi giao phối tự do, được xác định theo định luật Hađy – Vainơbec (Hardy – Weinberg). Vd. Trong quần thể tần số q2 của genotip là aa bằng 0,01, thì tần số q của alen a bằng = 0,2. Nồng độ p của đoạn alen trội bằng l – q = 0,8. Quần thể trong trường hợp này có tỉ lệ cân bằng các genotip là p2 AA: 2pqAa: q2aa = 0,32Aa: 0,04aa.
TẦNG SINH MÔN x. Đáy chậu.
TẬT trạng thái không bình thường về cấu tạo, chức năng sinh lí hoặc hoạt động tâm lí của con người, ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách. Những tật thường thấy là: mù, loà, điếc, câm, nghễnh ngãng, kém trí, mất ngôn ngữ, ngọng, lắp, T trong ứng xử, vv.
TẬT CỦA MẮT sai sót trong cấu tạo của mắt khiến cho nó không hoạt động bình thường. Có các dạng: cận thị (x. Cận thị); viễn thị (x. Viễn thị); loạn thị x. Loạn thị); loạn sắc (x. Mù màu). Mắt lão không phải là mắt có tật mà chỉ do tuổi già nên khả năng điều tiết kém (x. Lão thị). Xt. Thấu kính quang học.
TẬT HỌC khoa học nghiên cứu nguyên nhân các khuyết tật, đặc điểm tâm lí và nội dung phương pháp giáo dục trẻ em có tật. TH có liên quan chặt chẽ với giãi phẫu học, sinh lí học, y học, xã hội học, tâm lí học và giáo dục học. TH bắt đầu hình thành từ thế kỉ 14, nhưng đến giữa thế kỉ 18 mới nghiên cứu cơ chế sinh khuyết tật. Khi các thành tựu khoa học chứng minh được rằng trẻ em có tật có khả năng nhận thức, phục hồi chức năng để trở thành người lao động, thì TH trở thành khoa học nghiên cứu giáo dục trẻ em có tật (mù, điếc, kém trí, tật ngôn ngữ, vv.). Ở Việt Nam, được hình thành từ những năm 30 thế kỉ 20 và hiện nay vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Đã có Ban Nghiên cứu Giáo dục Trẻ em có tật do Viện Khoa học Giáo dục thành lập năm 1978, đến năm 1987, đổi tên là Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Trẻ em có tật, với 4 loại hình trường thực nghiệm dạy trẻ em mù, câm, điếc, chậm phát triển trí tuệ và tật ngôn ngữ.
TẬT KHÔNG GIÃN ĐƯỢC TÂM VỊ tổn thương tự nhiên của cơ thắt tâm vị mà chức năng bị rối loạn làm cho tâm vị không giãn khi thực quản ở phía trên co bóp, do đó quá trình đẩy thức ăn xuống dạ dày không được bình thường. Thực quản bị dãn. Bệnh nhân có TKGDTV khó nuốt, đau và ợ thức ăn. Chẩn đoán bằng X quang. Chữa bệnh bằng thủ thuật nong hay cắt cơ thắt tâm vị.
TẬT THỪA NGÓN CHI tật bẩm sinh có tính di truyền và thường gặp ở tay (6 ngón) có khi ở chân; ngón thừa thường ở phí xương trụ. Các hình thái TTNC: ngón tay cái chẻ làm đôi; phân đôi từng phần của ngón tay (một đốt ngón thành hình chữ Y); ngón cái thừa; phân đôi hoàn toàn; mẩu thừa hình ngón tay; thể phối hợp (có 2 – 3 ngón tay thừa, ngón cái chẻ ba) hiếm gặp. Điều trị bằng phẫu thuật (sau 4 tuổi): cắt bỏ hoặc ghép ngón thừa.
TẬT VÚ TO ở nam giới trưởng thành với hai vú to giống vú phụ nữ do sản xuất quá thừa các nội tiết tố nữ hoặc quá ít nội tiết tố nam. Nguyên nhân: thiểu năng tinh hoàn; các u nữ hoá của tinh hoàn; loạn chức năng tuyến thượng thận, tuyến yên; một số trường hợp do bệnh xơ gan. Ở người trên 50 tuổi, TVT có thể là biểu hiện của hội chứng cận ung thư (vd. TVT ở người bị ung thư phổi).
TEO tình trạng giảm khối lượng của một cơ quan đã phát triển hoàn chỉnh. Phân biệt với thiếu sản là tình trạng một cơ quan không phát triển hoàn chỉnh (vd. hai thận với một bình thường, một thiểu sản nhỏ hơn). Có thể là một hiện tượng sinh lí (vd. ở người già, nhiều phủ tạng như lách, tinh hoàn, vú, buồng trứng, da…trở nên nhỏ hơn bình thường) hoặc bệnh lí (tê liệt, teo cơ do không hoạt động; nhịn đói, không cung cấp đủ năng lượng tối thiểu cho hoạt động, protein của cơ thể phải chuyển hoá bất thường thành glucozơ sinh năng lượng, vv.).
TEO CƠ giảm thể tích và khối lượng cơ do tổn thương nuôi dưỡng cơ. TC có thể toàn bộ, như trong trường hợp gầy đét bất kể vì nguyên nhân gì. TC cũng có thể do không vận động, không tập luyện (nằm lâu ngày). TC cục bộ có thể do thoái hoá cơ, do bệnh thần kinh (bại liệt) hoặc do bất động (gãy xương, viêm khớp, sai khớp). Liệu pháp vận động, xoa bóp được sử dụng để điều trị loại TC cục bộ.
TEO THẦN KINH THỊ GIÁC tình trạng tổn thương các sợi thần kinh, tắc mao mạch, làm cho đĩa thần kinh thị giác bị bạc màu, kèm theo suy giảm các chức năng thị giác và dẫn tới mù loà. Nguyên nhân: viêm võng mạc, viêm hệ thần kinh, chấn thương, u sọ não, nhiễm độc, di truyền, vv.
TEST (y; cg. thử nghiệm), phương pháp thăm dò: a) Một phản ứng hoá học: T thymol – sự lên bông của huyết thanh dưới tác động của một dung dịch thymol, tăng mạnh trong hoàng đản do viêm gan; T Silơ [theo tên của thầy thuốc sản khoa người Áo Silơ (W. Schiller; 1877 – 1960)] dùng để phát hiện các thương tổn tiền ung thư của cổ tử cung – bôi lên cổ tử cung một dung dịch lugol, vùng bình thường có nhiều glicogen bắt màu nâu gụ, vùng thương tổn không bắt màu. b) Phản ứng của cơ thể đối với một loại thuốc: T penixillin – phát hiện sự mẫn cảm đối với penixillin; T tubeculin – phát hiện sự nhiễm lao. c) Sự tương hợp máu (T chéo): lấy vài giọt huyết tương của người nhận (bệnh nhân cần truyền máu) trộn lẫn với vài giọt máu của người cho trên một phiến kính; nếu thấy ngưng kết sau 4 – 5 phút thì hai loại máu không phù hợp với nhau và không truyền máu được. d) Sự phát triển của trí tuệ, tính tình, các khả năng, nghề nghiệp.
TESTOSTERON (tk. Kích tố tinh hoàn), loại anđrogen tự nhiên, hocmon sinh dục đực do các tế bào mô kẽ [tế bào Lâyđich; gọi theo tên của nhà mô học Đức Lâyđich (F. Leydig) của tinh hoàn tiết ra dưới ảnh hưởng của hocmon tạo thể vàng. Ở dạng tinh khiết, T có dạng tinh thể không màu, hoà tan trong ancol, ete và các dung môi hữu cơ khác. Ở con đực trưởng thành, sự tiết T đảm bảo cho phát triển, hoạt động chức năng và duy trì các đặc tính sinh dục thứ cấp, cơ quan sinh dục đực và sinh tinh. T có tác dụng làm xuất hiện và bảo tồn các đặc tính sinh dục phụ và bản năng sinh dục của con đực; kích thích sự phát triển cơ thể (hệ thống cơ – xương); tăng cường quá trình trao đổi chất; tham gia vào việc điều hoà quá trình sinh tinh và hình thành tính biệt hoá của tinh trùng. Ở con cái, kết hợp với oestrogen và progesteron, T tham gia vào quá trình phát triển của nang trứng và điều hoà chu kì sinh dục. T còn được vỏ thượng thận và buồng trứng tiết ra. T chuyển hoá thành các dẫn xuất trung gian là anđrosteron và antiocholanon ở gan và bài xuất theo nước tiểu.
TÊ PHÙ bệnh do thiếu vitamin nhóm B, đặc biệt là B1 và phần nào do thiếu protein. Triệu chứng chính là liệt, nhất là liệt chi dưới, hoặc phù. Trong thể liệt, các dây thần kinh ngoại vị bị tổn thương (chủ yếu ở chi dưới), dẫn tới giảm trương lực cơ, teo và liệt. Trong thể phù, có thể kèm tổn thương màng ngoài tim và làm tim to. Cả hai thể đều dẫn tới suy tim nếu không được điều trị. Bệnh thường gặp nhiều ở các nhóm cư dân ăn gạo không đảm bảo chất lượng, hoặc do gạo xay xát quá kĩ, mất hết cám (chất chứa nhiều vitamin B1) hoặc gạo bảo quản không tốt, bị nhiễm nấm mốc (cũng mất hết vitamin B1). Vì vậy, để phòng bệnh phải dùng gạo sạch, bảo quản tốt và còn một lượng cám vừa phải. Chế độ ăn cần đủ vitamin B1 và cân đối giữa protein động vật và gluxit.
TẾ BÀO đơn vị cấu trúc của mọi cơ thể sống không kể virut, được nhà tự nhiên học người Anh Huc (R. Hooke) phát hiện năm 1665, nhưng phải đến năm 1839, các nhà sinh học người Đức Slâyđen (M. J. Schleiden) và Svan (T. Schwann) mới trình bày rõ ràng. TB nhân sơ (đường kính đặc trưng 1 µm) rất nhỏ so với TB nhân chuẩn (TB nhân chuẩn đường kính đặc trưng 20 µm). TB lớn nhất là TB trứng (trứng đà điểu Bắc Phi có đường kính 15 cm); TB nhỏ nhất là TB vi khuẩn (đường kính khoảng 0,1 µm). Tất cả mọi TB đều chứa vật liệu di truyền ở dạng AND, làm nhiệm vụ kiểm tra những hoạt động của TB. Ở TB nhân sơ, AND nằm trong nhân. Các TB đều có chất TB chứa các cơ quan tử khác nhau và được bao bọc bằng màng bào chất, để kiểm soát các chất xâm nhập và thải các chất thừa. TB thực vật có nhân sơ được bọc vỏ cứng. TB động vật và thực vật có sự khác nhau (hình vẽ), giữa TB nhân sơ và nhân chuẩn cũng có sự khác nhau. Ở sinh vật đa bào, TB được biệt hoá do chức năng khác nhau. Bên trong các TB khác nhau cũng có cơ quan tử khác nhau, mang chức năng khác nhau.
TẾ BÀO BAO NOÃN các tế bào từ nang Grap (Graaf) bao quanh trứng của động vật có vú khi trứng rụng vào xoang cơ thể . Các tế bào này sẽ mất đi rất nhanh nếu gặp tinh trùng (khoảng 30 phút), nếu không gặp thì kéo dài 2 giờ hoặc lâu hơn (xt. Vùng sáng).
TẾ BÀO BỔ TRỢ tên gọi khác của tế bào phụ (x. Tế bào phụ).
TẾ BÀO CHẤT phần dịch không màu (dịch bào trong suốt) nằm trong tế bào, gồm nhân và các cơ quan tử, các thể vùi, được bọc trong màng sinh chất, là nơi xảy ra nhiều hoạt động trao đổi chất. Có 90% nước. Đây là dung dịch thật của các ion (kali, canxi, clo), những phân tử rất nhỏ (đường, axit amin, ATP) và dung dịch keo của các phân tử lớn (protein, lipit, axit nucleic). Có thể giống như chất gen hoặc keo.
TẾ BÀO CHO tế bào sinh vật có thể truyền AND sang cho tế bào của một sinh vật khác. Xt. Tế bào.
TẾ BÀO CHUYỂN VẬN dạng tế bào chuyên hoá của thực vật mà thành của chúng tạo nên những mấu lồi vào phía trong tế bào để làm tăng thêm bề mặt tiếp xúc của thành tế bào và màng sinh chất. Là những tế bào hoạt động có chứa nhiều ti thể và liên quan đến sự vận chuyển các chất hoà tan trong khoảng cách nhỏ. Thường gặp ở tế bào tuyến, tế bào biểu bì và trong mô mềm của xylem và phloem, nơi có liên quan đến việc chuyển tại tích cực hoặc không chuyển tải của mạch và ống rây.
TẾ BÀO CỔ ÁO (cg. tế bào choanocyte), lớp tế bào trong lát thành xoang trung tâm, gồm các tế bào có tiêm mao và vành chất nguyên sinh bao quanh giống như Trùng roi cổ áo (Choanoflagellata), có ở động vật thân lỗ. TBCA lớt bên trong các vòng tiêm mao hoặc xoang trung tâm của động vật thân lỗ. Sự hoạt động của các tiêm mao sẽ tạo ra dòng nước qua phòng tiêm mao và rãnh thông nước, mang thức ăn và thải cặn bã ra ngoài.
TẾ BÀO DẠNG AMIP tế bào di chuyển tự do trong các mô động vật như ở thành cơ thể động vật thân lỗ, trong máu và các phần lỏng của động vật có vú. Hình dáng của chúng giống trùng amip (Amoeba), có kiểu vận chuyển bằng chân giả.
TẾ BÀO DẠNG BẦN những tế bào xếp thành lớp trong mô bần của thực vật, màng tế bào hoá gỗ ở mức độ nào đó nhưng không thấm suberin. TBDB thường gặp ở các loài thuộc chi Pinus, Euonymus.
TẾ BÀO ĐÓNG loại tế bào biểu bì hình hạt đậu chuyên hoá, nằm hai bên lỗ khí. Có 2 TBĐ cùng vây quanh lỗ khí và điều khiển mở ra và đóng vào của khe lỗ khí. Việc điều khiển này nhờ sự thay đổi độ trương nước. Vách của TBĐ ở phía lỗ dày còn phía đối diện tương đối mỏng. Cho nên khi trương nước thì vách đối diện trương lên, phình ra tách xa lỗ, vách dày không được căng sẽ bị kéo ra ngoài về phía vách mỏng. Kết quả là tạo nên một khe hở ở giữa hai TBĐ kề nhau. Khi áp suất thẩm thấu của TBĐ giảm xuống thì lỗ khí đóng lại.
TẾ BÀO HÌNH SAO tế bào ống có lông roi trong đơn thận của các ấu trùng của một số giun đốt, thân mềm, động vật lưỡng tiêm. Xt. Tế bào cùng.
TẾ BÀO HỌC khoa học về tế bào, nghiên cứu cấu tạo và chức năng các tế bào của các sinh vật đa bào, đơn bào và những phức hợp nhân tế bào không phân chia thành tế bào như hợp bào, thể nguyên sinh nhiều hạch và thể amip bào, vv. Tế bào là đơn vị cấu trúc cơ sở xác lập cấu tạo, chức năng và phát triển của tất cả các cơ thể sống. Do đó, đối tượng nghiên cứu của TBH cũng là đối tượng nghiên cứu của mô học, giải phẫu học, phôi thai học, sinh lí học, di truyền học, hoá sinh học và sinh học phân tử, vv. Tế bào được nghiên cứu từ nửa cuối thế kỉ 17 nhờ sử dụng kính hiển vi. Lí thuyết tế bào được xây dựng vào giữa thế kỉ 19, là một trong những thành tựu quan trọng nhất trong lĩnh vực sinh học. Nửa cuối thế kỉ 19, sự hoàn thiện của kính hiển vi đã dẫn tới việc phát triển ra những thành phần của tế bào chất và vai trò của nhân trong quá trình phân chia tế bào. Đầu thế kỉ 20, ngành di truyền học đã nghiên cứu được nhiễm sắc thể và xác định giới tính dẫn tới hình thành ngành di truyền học tế bào. Từ những năm 50 của thế kỉ 20, ngành TBH được phát triển mạnh mẽ nhờ áp dụng kính hiển vi điện tử, các phương pháp hoá học tế bào và các phương pháp hoá lí. Điều này dẫn tới việc tìm ra một loạt cấu trúc mới trong tế bào chất và trong nhân tế bào , tạo điều kiện cho việc dịch mã giá trị chức năng của chúng.
TẾ BÀO HỒNG CẦU x. Hồng cầu.
TẾ BÀO HUỶ XƯƠNG (cg. tế bào tiêu xương), các tế bào bám vào và ăn mòn các sụn bị canxi hoá hoặc các màng, được hình thành trong các giai đoạn sớm của sự hoá xương. Các mạch máu có trước TBHX, toá khắp trong mô và sau đó các tạo cốt bào bám vào cấu trúc vĩnh viễn của xương (x. Tế bào xương).
TẾ BÀO KÈM tế bào mô mềm chuyên hoá xuất hiện trong liên kết sinh lí và phát triển chặt chẽ với thành phần mạch rây (cg. mạch libe). Xt. Tế bào.
TẾ BÀO KHỞI SINH tế bào thường xuyên có trong mô phân sinh, luôn bổ sung thêm tế bào mới cho cơ thể thực vật. TBKS không bao giờ phân hoá. Có 2 nhóm: TBKS đỉnh của thân và rễ; TBKS của mô phân sinh bên. TBKS ngọn ít khi đơn (trừ một số trường hợp ở dương xỉ và khởi đầu cho các cấu trúc chồi bên, hoa, lá). Tầng phát sinh mạch có 2 kiểu TBKS khác nhau là TBKS tia tạo các tia tuỷ và TBKS dạng thoi sản sinh ra các yếu tố xylem và pholoem.
TẾ BÀO KHỞI SINH DẠNG THOI x. Tế bào khởi sinh.
TẾ BÀO LÔNG CHÂM (tk. Thích ti bào), tế bào chuyên hoá nằm trong lớp biểu bì ngoài và cả lớp nội bì của đa số động vật ruột khoang, nhất là ở xúc tu. Mỗi tế bào gồm một bao vách mỏng, chứa sợi cuộn xoắn, nhân tế bào nằm ở đáy. Trên mặt hướng ra ngoài có một mấu cảm giác là lông châm, nhạy cảm với kích thích như khi có con muồi tới gần, vv. Khi bị kích thích, bao bật nắp, lông châm phóng ra ngoài cắm vào con muồi rồi truyền các chất độc làm tê liệt nó. TBLC có thể làm chết những con muồi nhỏ, gây bỏng, đôi khi gây chết con mồi lớn. Có nhiều kiểu TBLC: lông châm bật ra quấn quanh con mồi, kiểu sợi lông châm tiết ra chất dính, vv.
TẾ BÀO LÔNG HÚT tế bào có dạng mấu nhô hình sợi của ngoại bì của rễ tập trung thành một miền gần chóp các rễ con non, làm tăng gấp bội diện tích hấp thụ nước và muối khoáng hoà tan trong nước của hệ rễ.
TẾ BÀO LYMPHO x. Bạch huyết bào.
TẾ BÀO MÁU x. Máu.
TẾ BÀO MẦM tế bào tham gia vào quá trình thụ tinh và phát triển thành một cơ thể mới.
TẾ BÀO MÔ thể thực bào lớn của hệ lưới nội mô.
TẾ BÀO NHẦY (tk. tế bào dạng chén), tế bào tiết ra chất nhầy lên bề mặt hay vào trong xoang cơ thể. Trong biểu mô trụ, một vài tế bào tiết ra chất nhầy dưới dạng các giọt nhỏ và lớn dần lên làm phần trên của tế bào phình to, phần dưới vẫn giữ trạng thái cũ. Lúc đó tế bào có dạng chén. Chất nhầy có tác dụng làm trơn và bảo vệ chống mất nước. Có trong ống tiêu hoá và da của một số động vật như giun đốt, giun dẹp.
TẾ BÀO NHỚ các lympho bào nhỏ hình thành do đáp ứng miễn dịch sơ cấp và là cơ sở đáp ứng miễn dịch thứ cấp.
TẾ BÀO PHÌ tế bào có trong chất nền của mô liên kết thưa có hoạt động tiết. Có trong nội mạc của mạch máu và trong máu của một số cá thể như các bạch cầu ưa bazơ. Nhân của TBP phân thuỳ và các hạt chất tế bào ưa bazơ. Các TBP tiết heparin và histamin.
TẾ BÀO PHỤ (cg. tế bào bổ trợ), 1. Tế bào biểu bì phân biệt hình thái nằm kề và liên kết chức năng bên ngoài các tế bào bảo vệ trên lá của nhiều loài cây.
2. Tế bào không bạch huyết giúp cảm ứng phản ứng miễn dịch bằng cách chuyển tế bào bạch huyết T (tế bào bạch huyết được tạo ra trong tuyến ức) tới.
TẾ BÀO SẮC TỐ tế bào có trong da, chứa các sắc tố, có thể bị biến đổi do dãn rộng hoặc co hẹp để phản ứng lại các kích thích như cường độ ánh sáng, nhiệt độ, sự sợ hãi hay sự quyến rũ của động vật khác giới. TBST giúp cho con vật nguỵ trang như ở tắc kè hoa và một số loài cá.
TẾ BÀO SINH DỤC (cg. giao tử), x. Giao tử.
TẾ BÀO SVAN (A. Schwann cell), loại tế bào bao quanh sợi trục thần kinh ngoại vi cấu tạo nên bao thần kinh, cho phép các chất chuyển hoá thấm vào sợi thần kinh qua nó. Do nhà sinh lí học Đức Svan (T. Schwann) mô tả năm 1838.
TẾ BÀO TẠO RĂNG một trong những tế bào tạo đentin kéo dài, phủ lên lớp nhú răng; tham gia quá trình tạo thành ngà răng, hoá vôi trong ngà răng.
TẾ BÀO TẠO SỤN loại tế bào non của mô sụn, tổng hợp colagen và các thành phần cơ chất của sụn.
TẾ BÀO TẠO XƯƠNG (cg. tạo cốt bào), x. Nguyên bào xương.
TẾ BÀO THĂNG BẰNG 1. Ở thực vật, là tế vào có chứa sỏi thăng bằng trong môi trường lỏng.
2. Ở động vật không xương sống, là bao trụ cảm chứa sỏi thăng bằng và chức năng nhận biết vị trí cơ thể trong không gian.
TẾ BÀO THẦN KINH x. Nơron.
TẾ BÀO TRẦN tế bào vi khuẩn và thực vật bị tách ra thành tế bào nhờ phương pháp vật lí hoặc bằng enzim. TBT có thể sinh trưởng được nhờ nuôi cấy, do đó giúp cho việc nghiên cứu thực nghiệm và quan sát sự hình thành tế bào mới, quá trình thẩm bào và sự dung hợp tế bào. Sự dung hợp TBT của các loài khác nhau đang được các nhà chọn giống thực vật nghiên cứu coi như phương tiện lai những thực vật không tương hợp. trong điều kiện nuôi cấy thích hợp, tế bào lai có thể phát triển thành cây hữu thụ thành thục.
TẾ BÀO TRỨNG tế bào sinh dục nằm trong buồng trứng của động vật, phát triển thành trứng sau này. TBT sơ cấp phát triển từ noãn nguyên bào sau quá trình sinh trưởng và phân chia. Noãn nguyên bào sau lần giảm phân thứ nhất cho ra TBT thứ cấp chứa một số thể nhiễm sắc và một thể cực nhỏ. Sau lần giảm phân thứ hai, TBT thứ cấp tạo ra một trứng và một thể cực thứ hai (x. Phát sinh trứng). Xt. Bao noãn.
TẾ BÀO TUỶ XƯƠNG x. Nguyên hồng cầu.
TẾ BÀO XECTÔLI (A. Sertoli cell), loại tế bào của ống dẫn tinh nhỏ ở động vật có vú; có nhiệm vụ nuôi tế bào sinh dục đang phát triển, tham gia tổng hợp hocmon nhóm steroit và protein liên kết anđrogen. Được gọi theo tên nhà sinh lí học người Italia Xectôli (E. Sertoli).
TẾ BÀO XƯƠNG tế bào tiết ra chất gian bào rắn chắc của xương. TBX nằm trong xoang hẹp giữa các tấm xương, bên trong có các ống dọc là hệ thống Havơ. Mỗi tế bào xương có nhiều sợi chất tế bào mảnh xuyên qua phần gian bào để liên kết với các mạch máu để nhận chất dinh dưỡng và oxi. Nguồn gốc của TBX từ những tế bào trung mô, mô bào hay tế bào sợi hoặc tế bào nội mô. Ở nơi nào cần có sự tạo xương, thì những tế bào ấy biến thành những cốt bào, các cốt bào vừa tự tạo ra chất căn bản xương ở xung quanh vừa tự vùi mình trong chất đó và biến thành TBX. Cấu trúc TBX là tế bào hình sao có nhiều nhánh; thân tế bào mang nhân chứa nhiều chất nhiễm sắc đồng nhất, một ít bào tương ưa bazơ, bào quan và glicogen. TBX là những tế bào chuyển hoá tích cực, đảm bảo cho mô xương đang phát triển hay trưởng thành có sức sống và luôn đổi mới bằng cách đắp thêm và tiêu huỷ những chất căn bản ở xung quanh chúng.
THAI (cg. bào thai), phôi đã phân hoá rõ rệt của động vật có vú (trừ các loài thú đẻ trứng). Giai đoạn từ khi thụ tinh thành hợp tử cho đến khi phân hoá thành các cơ quan và hệ thống gọi là phôi. (x. Phôi; Phôi nang). Trong thời kì bào thai, diễn ra các quá trình phát triển và phân hoá các mô, các cơ quan, các bộ phận và tăng nhanh khối lượng. T hấp thu dinh dưỡng từ cơ thể mẹ qua nhau thai. Thời gian T phát triển trong bụng mẹ, dài hay ngắn tuỳ thuộc vào loài. T người gọi là thai nhi (x. Thai nhi). Xt. Chửa.
THAI CHẾT LƯU thai chết trong tử cung, khi thai sổ ra ngoài không còn một dấu hiệu nào của sự sống (ngừng thở, tim ngừng đập, vv.). Dấu hiệu: thai chết trong tử cung dưới 28 tuần tuổi (nghĩa là trong thời kì sảy thai) có dấu hiệu lâm sàng dễ nhầm với dấu hiệu sẩy thai tự nhiên; thai chết từ 28 tuần tuổi trở đi, chủ quan người mẹ có thể thấy các dấu hiệu, như tự nhiên không thấy thai máy, không thấy tử cung phát triển, vú không to lên và đôi khi có sữa non chảy ra, thường kèm theo chảy ít máu đen dai dẳng ra ngoài âm đạo. Nguyên nhân: về phía thai – các khuyết tật lệch lạc của các gen (yếu tố di truyền); về phía mẹ – các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính gây sốt cao (cúm, sốt rét, viêm phổi…), nhiễm độc thai nghén, huyết áp cao, các bệnh mạn tính, vv. Trong lúc mang thai, nếu có một trong những dấu hiệu nêu trên cần đến các cơ quan sở y tế để được chuẩn đoán và xử lý kịp thời.
THAI GIÀ THÁNG (trong dân gian còn gọi là chửa trâu) thai có thời gian phát triển từ 43 tuần trở lên. Thai càng già tháng, bánh nhau càng xơ hoá, diện tích hoạt động trao đổi chất của bánh nhau càng giảm, việc cung cấp cho thai nhi giảm sút, làm cho thai nhi sụt cân, thai suy hoặc chết ngay sau những cơ co tử cung đầu tiên khi chuyến dạ. Để chuẩn đoán TGT, ngoài việc dựa vào tuổi thai tính theo kì kinh cuối cùng, còn cần dựa vào các biện pháp kĩ thuật thăm dò bổ sung: đánh giá tế bào âm đạo về mặt nội tiết; chụp X quang thai nhi để tìm điểm cốt hoá đầu xương chày; siêu âm xem lượng nước ối. Về nguyên tắc, khi chuẩn đoán TGT, cần cho đẻ nhân tạo, nhất là đối với con so vì tỉ lệ chết của con cao.
THAI MÁY (cg. thai đạp),cảm giác thấy chân của thai nhi cử động như búng vào thành bụng. Là dấu hiệu cho biết thai sống, ít nhất có 18 – 20 tuần tuổi. Căn cứ vị trí TM có thể đoán định chi bên nào. Đếm số lần TM thường được áp dụng cho những trường hợp có nguy cơ suy thai; hoặc đếm số lần TM trong một thời gian nhất định vào buổi sáng và chiều, thời gian đếm không quá 15 – 30 phút để có được độ tập trung cao; hoặc theo dõi thời gian cần thiết để có đủ 10 lần TM. Nếu thấy TM giảm đi, cần đi khám thai.
THAI NGHÉN (cg. có thai, chửa), tình trạng một phụ nữ đang mang thai; bắt đầu từ lúc thụ tinh và chấm dứt khi chuyển dạ đẻ. Thời gian TN bình thường là từ 36 đến 40 tuần lễ.
THAI NHI cơ thể người trong bụng mẹ, từ tuần lễ thứ 13 trở đi (từ lúc trứng thụ tinh đến hết tháng thứ ba gọi là phôi) cho đến tuần lễ thứ 40. Từ tuần lễ thứ 13, TN đã rõ nét các đặc điểm của người. Đến cuối giai đoạn, TN có chiều dài 48 – 51 cm; cân nặng trung bình 2.800 – 3.800g. TN phát triển nhanh đặc biệt trong những tuần cuối, nếu thai phụ khoẻ mạnh, được nghỉ ngơi và dinh dưỡng đầy đủ, mỗi ngày cân nặng của TN tăng tới 20 – 25 g. Trong thời kì có thai, nếu không được cung cấp đủ năng lượng, ăn uống thiếu thốn (về lượng và chất), TN sẽ bị suy dinh dưỡng, cân nặng dưới 2.500 g.
THẢI URE thuật ngữ chỉ sự bài tiết chất đạm là chủ yếu của các động vật sản sinh ure.
THAN HOẠT TÍNH than xốp chứa 88 – 98 % than tuỳ theo điều kiện chế tạo, thu được bằng cách than hoá nguyên liệu hữu cơ (vd. than mỏ, gỗ, sọ dừa, xương…) và hoạt hoá sản phẩm nhận được ở khoảng 900o. Hoạt hoá là quá trình cho than phản ứng với hơi nước, khí cacbonic, kẽm clorua, vv. Vd. do phản ứng C + CO2 = 2CO một phần than bị cháy tạo thành khí CO để lại lỗ hổng làm cho than trở nên xốp (độ xốp khoảng 60 – 70%) và do đó có khả năng hấp phụ tốt. Là chất hấp phụ tốt đối với các chất không phân cực, thường là chất hữu cơ, hấp phụ yếu các chất phân cực như nước, amoniac. Được dùng để chế tạo mặt nạ chống hơi độc, thhu hồi hơi dung môi hữu cơ, làm sạch dung dịch nước (vd. tẩy màu dung dịch đường, dầu, mỡ…) Trong y học, được dùng để làm sạch máu và hút chất độc trong bộ máy tiêu hoá.
THANH KHIẾT MÔI TRƯỜNG xử lí những chất thải trong đời sống sinh hoạt, sản xuất… nhằm làm sạch môi trường, loại trừ hoặc giảm nồng độ các chất thải dưới mức gây ảnh hưởng cho sinh vật và người. Các biện pháp thanh khiết đất: thu gom các chất thải hữu cơ đặc, lỏng; thu gom các chất thải vô cơ (thuỷ tinh, kim loại..); lò đốt rác; ủ phân, bể khí sinh học, vv. Các biện pháp thanh khiết không khí: hệ thống hút, hệ thống lọc hút bụi và khí độc; các thiết bị chống ồn, chống nóng ở các xí nghiệp sản xuất, vv. Các biện pháp thanh khiết nước: xây dựng hệ thống thoát nước, hệ thống xử lí nước và chất thải của các bệnh viện, các xí nghiệp sản xuất, nhà máy nước, lọc nước, đun sôi nước uống, dùng nước lọc để làm nước đá, vv. Thanh khiết môi trường xã hội: chống tệ nạn nghiện hút, mại dâm, giải quyết công ăn việc làm, thực hiện kế hoạch hoá gia đình, vv.
THANH MẠC mô lót các khoang kín ở động vật có xương sống, lót các xoang màng phổi hoặc xoang màng bụng. Cấu tạo từ trung biểu mô và lớp mô liên kết bên dưới.
THANH MÔN khe giữa hai dây thanh để không khí đi từ hầu vào khí quản; có độ rộng hẹp tuỳ theo giai đoạn và mức độ thở và khép lại khi phát âm.
THANH QUẢN bộ phận nằm ở đầu khí quản của động vật bốn chi. Ở động vật có vú, TQ có một tấm sụn giữ cho nó thông khí. Khi nuốt, lưỡi gà đóng kín TQ lại. Ở người, TQ lồi lên thành những nếp gấp, mỗi thành bên có hai nếp gấp: trên là băng TQ thất, dưới là dây thanh âm, giữa có một khe sâu gọi là buồng TQ. Các dây thanh âm do niêm mạc TQ dày lên, trong mô đệm của dây thanh âm có mô chống đỡ đặc biệt là mô túi nước, làm cho dây thanh âm rất cứng. Trong lớp đệm của buồng TQ có lượng bạch huyết dồi dào, tạo thành những điểm lympho và những nang bạch huyết. Ngoài ra, trong lớp đệm của nắp, băng TQ thất và buồng TQ còn có nhiều tuyến tiết nước bọt và tiết nhầy.
THANH THẢI (tên gọi đầy đủ: hệ số thanh thải huyết tương), tỉ lệ giữa lưu lượng của một chất nào đó trong nước tiểu tính cho 1 phút và nồng độ của chất đó trong huyết tương. Trước tiên TT được nghiên cứu để thăm dò chức năng thận. Hệ số TT thận của một chất nào đó được biểu thị bằng số mililít huyết tương mà thận có thể lọc sạch hoàn toàn chất đó trong 1 phút. Vd. ở người lớn bình thường, hệ số TT đối với ure là khoảng 54 ml/phút; thực ra đây là một số ảo có được do tính toán, vì không thể có một thời điểm nào mà trong huyết tương lại hoàn toàn không có ure.
THANH THÍNH HỌC chuyên khoa sâu của ngành tai – mũi – họng chuyên về các vấn đề có liên quan chung tới giọng, tiếng nói và thính giác.
THANH TOÁN BỆNH loại trừ bệnh ở một nước hay một khu vực. Mục tiêu TTB thường chỉ đạt được sau một thời gian dài, thực hiện nghiêm ngặt chương trình quốc gia nhằm thanh toán một bệnh cụ thể, nhất là các bệnh từ súc vật truyền sang người. Một loại bệnh đã được thanh toán nhưng nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, có thể tái phát do lan truyền, xâm nhập từ nơi khác đến, đặc biệt do kiểm dịch xuất nhập khẩu không chặt chẽ. Sau nhiều năm công bố TTB, dịch sốt lở mồm long móng lại nổ thành đại dịch ở lợn năm 1997, gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi lợn ở Đài Loan. Tuy nhiên, thanh toán triệt để một loại bệnh nào đó về mặt thực tế không phải bao giờ cũng đạt được. Bệnh coi là đã được thanh toán khi đạt mục tiêu hạn chế bệnh đến mức không còn gây thiệt hại dù nhỏ và trạng thái vệ sinh của đàn súc vật được ổn định , bệnh ít có điều kiện tái nhiễm. Vd. ở Việt Nam, bệnh dịch tả trâu bò đã được thanh toán; bệnh lao bò đã được thanh toán lần đầu tiên ở Đan Mạch, về sau một số nước khác cũng công bố TTB này (Anh, Hoa Kỳ, Cuba, Nga…); bệnh sẩy thai truyền nhiễm bò (Brucellosis) đã được thanh toán ở Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Bắc Ailen.
THANH TRA VỆ SINH xem xét kĩ để biết và nhận định về: tình hình chấp hành pháp luật và các quy định về vệ sinh (theo Luật bảo vệ sức khoẻ) của các tổ chức nhà nước (kể cả ngành y tế), tổ chức xã hội, cộng đồng và mọi công dân; tình hình môi trường và những thay đổi có thể xảy ra do tự nhiên, nhất là tác động của con người và có ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống của con người; đề xuất các biện pháp cải thiện tình hình môi trường. Nếu cần, có thể đề ra các biện pháp xử lí (kĩ thuật, hành chính, hình sự, vv.) các vụ vi phạm và theo dõi kết quả xử lí.
THẢO QUẢ (Amomum tsaoko), cây thân thảo, họ Gừng (Zingiberaceae), cao 2 – 3 m, thân rễ mọc ngang. Hoa màu đỏ nhạt, mọc ở gốc. Quả chín có màu nâu. Cây mọc hoang và được trồng ở nam Trung Quốc và Miền Bắc Việt Nam, chủ yếu ở Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang. Thu hoạch quả hằng năm vào tháng 10 – 12. Hạt chứa 1,5 % tinh dầu, nước thơm ngọt. Dùng làm gia vị, chế bánh kẹo và dùng trong Đông y. Là đặc sản xuất khẩu có giá trị.
THÁP TUỔI (cg. tháp tuổi dân số), một loại đồ thị thống kê được dùng để biểu thị sự kết hợp cơ cấu tuổi và cơ cấu giới tính của dân số dưới dạng hình học. Tháp gồm các hình chữ nhật xếp chồng lên nhau với chiều dài biểu thị tỉ lệ phần trăm dân số của từng nhóm tuổi trong tổng số dân và chia làm 2 phần: phần bên trái là số nam, bên phải là số nữ. Tuỳ theo đặc điểm của cơ cấu dân số, có các kiểu TT: tháp nhọn với chân rộng (nếu dân số có xu hướng tăng), tháp đứng (nếu dân số ổn định), tháp lá đề (nếu dân số có xu hướng giảm). Nếu số nữ nhiều hơn số nam, phần bên phải tháp rộng hơn phần bên trái (hình vẽ).
Tháp tuổi THÁP TUỔI DÂN SỐ x. Tháp tuổi.
THĂM DÒ (triết), x. Điều tra xã hội học; Bảng hỏi.
THẮT BAO QUY ĐẦU x. Nghẹt quy đầu.
THẮT LƯNG đồ trang phục phụ bằng da, nhựa, nilon, vải, lụa hoặc kim loại…để trơn hay trang trí hoa văn, màu sắc đẹp; dùng để quấn quanh bụng nhằm giữ cho quần, váy khỏi tụt, để thắt ra ngoài áo tạo đường eo, hoặc kết hợp để đeo gươm, lưỡi lê, bao đạn, chùm chìa khoá…có khi chỉ làm vật trang sức. Thường gắn bộ khoá (cũng là một đồ trang sức) ở một đầu có thể thít vào, nới ra hoặc để cởi hẳn ra. Loại không có khoá thường bằng vải, lụa mềm, sau khi quấn quanh bụng , đầu TL phải dắt vào đường vòng cho chặt hoặc buột nút thả 2 đầu xuống phía trước hay cạnh sườn. Do tính năng sử dụng hoặc do phong tục, mốt…có loại TL rộng bản đến hơn 10 cm, vd. TL của giám mục, vv. Phụ nữ Việt Nam xưa ưa dùng thắt lưng lụa màu hồng đào, cánh sen, hồ thuỷ, hoa lí, vàng chanh, mỡ gà, thắt 2, 3 cái một lúc đi cùng với bộ váy lĩnh hay sồi đen, yếm thắm, áo tứ thân mớ ba mớ bảy, với nón thúng quai thao, khăn nhiễu tím, vv.
THẮT ỐNG DẪN TINH (cg. đình sản nam), tiểu phẫu thuật thắt và cắt một phần ống dẫn tinh, làm gián đoạn đường đi của tinh trùng ra ngoài, nên khi giao hợp, tinh trùng không thể xâm nhập vào hệ sinh dục nữ. TÔDT loại bỏ chức năng sinh sản của người đàn ông nhưng vẫn duy trì khả năng giao hợp, không làm mất khoái cảm tình dục, hoàn toàn khác với hoạn (xt. Hoạn) vì hoạt động của tinh hoàn vẫn bình thường.
THẮT VÒI TRỨNG phẫu thuật thắt chít vòi trứng, ngăn cản không cho noãn gặp tinh trùng để tránh thụ tinh. Có phương pháp chỉ thắt hai vòi trứng mà không cắt đoạn và phương pháp vừa thắt vừa cắt, nhưng hầu như bao giờ cũng thắt kèm theo cắt để đề phòng vòi trứng thông trở lại. Tuy là phẫu thuật “thắt và cắt vòi trứng” nhưng trên thực tế người ta vẫn gọi tắt là TVT. Là một trong những biện pháp thực hiện sinh đẻ có kế hoạch có hiệu quả một cách vĩnh viễn, vì vậy, chỉ tiến hành TVT khi người phụ nữ yêu cầu vì đã có đủ số con theo nguyện vọng.
THÂM NHIỄM thương tổn nhiễm khuẩn phổi, biểu hiện trên phim X quang dưới hình ảnh một đám mờ nhạt đồng đều hay không, đôi khi đậm nét có ranh giới không rõ ràng, với kích thước khoảng vài centimét. Gặp trong nhiều bệnh phổi (lao phổi ban đầu đang tiến triển xuất tiết, viêm phổi), thâm nhiễm mau bay, vv.
THẨM PHÂN MÀNG BỤNG kĩ thuật lọc các thành phần cặn bã độc của máu thay cho thận; dùng màng bụng (phúc mạc) làm màng lọc nhờ tính thấm có chọn lọc của màng bụng; truyền liên tục vào ổ màng bụng một dung dịch ưu trương nhẹ, trong đó khuếch tán các chất cặn bã có nitơ (tiến hành 4 – 5 lần trong một ngày, 3 ngày trong 1 tuần). Chỉ định: rất có hiệu quả trong điều trị suy thận, ngộ độc cấp tính (thuốc ngủ), rút nước cho bệnh nhân bị phù do suy tim hay bị phù phổi cấp. Kĩ thuật đơn giản và rẻ tiền hơn thận nhân tạo; được dùng ở cơ sở y tế không có thận nhân tạo; được dùng ở cơ sở y tế không có thận nhân tạo; có thể thực hiện ở gia đình.
THẨM PHÂN MÁU phương pháp thanh lọc ngoài thận giúp loại bỏ khỏi máu các chất cặn bã độc, dựa trên nguyên lí: các phân tử hoà tan trong hai dung dịch khác nhau (máu và dung dịch muối đẳng trương) được phân cách bằng một màng bán thấm, màng này giữ lại các chất keo và để khuếch tán các phân tử á tinh (ure, creatinin, natri, kali…) có kích thước nhỏ từ dung dịch có nồng độ cao (máu) về phía có nồng độ thấp (dung dịch đẳng trương). Màng bán thấm: màng bụng (phúc mạc), các màng nhân tạo bằng xelophan. Kĩ thuật TPM được dùng để chữa suy thận cấp, suy thận mạn, hôn mê gan, vv. Có hai phương pháp TPM: thẩm phân màng bụng; thận nhân tạo (x. Thẩm phân màng bụng; Thận nhân tạo).
THẨM THẤU hiện tượng dịch chuyển của dung môi từ dung dịch loãng đến dung dịch có nồng độ cao hơn qua màng bán thấm. Vd. dung dịch đường có nồng độ cao được ngăn cách với dung dịch đường có nồng độ thấp hơn bằng một màng bán thấm thì các phân tử nước từ dung dịch loãng chuyển qua màng sang dung dịch đặc. Màng kiểu này là màng bán thấm. Màng trong cơ thể sống là màng TT chọn lọc. Quá trình TT liên tục cho đến khi nồng độ hai bên bằng nhau. Áp suất cần thiết để làm ngừng quá trình TT là áp suất TT (gọi tắt tiếng Anh: OP – osmotic pressure). Dung dịch có nồng độ càng cao thì áp suất TT càng lớn. Đối với sung dịch rất loãng, áp suất TT phụ thuộc vào nồng độ và nhiệt độ theo phương trình: = CRT (C là nồng độ chất tan, mol/l; T – nhiệt độ tuyệt đối; R – hằng số khí). Hiện tượng TT được phát hiện vào năm 1748. Quá trình TT là đặc trưng rất quan trọng của quá trình sinh học. Thành tế bào hoạt động như một màng TT chọn lọc và TT có thể xảy ra ở phía trong hay ngoài tế bào. Cơ chế TT làm ngưng sự trương hoặc co tế bào, rất cần thiết đối với động vật. Ở thực vật, thành tế bào tương đối “mềm dẻo”, nồng độ trong tế bào có thể cao hơn nồng độ xung quanh và quá trình TT bị ngăn cản bởi áp suất trương của thành tế bào. Quá trình TT gồm sự khuếch tán qua màng. Nước khuếch tán từ dung dịch có nồng độ thấp đến dung dịch có nồng độ cao hơn. Áp suất gây ra chiều chuyển dịch của nước từ ngoài vào tế bào gọi là áp suất hút (SP – suction pressure; cg. thiếu hụt áp suất khuếch tán, áp suất khuếch tán thiếu). Đối với thực vật, áp suất này liên quan với áp suất TT của dịch tế bào (OP) và áp suất trương của thành tế bào (TP): SP = OP – TP. Thuật ngữ áp suất TT và áp suất hút ít được dùng để mô tả quá trình vận chuyển nước trong thực vật (x. Thể nước).
THÂN NÃO phần nối với não, gồm: hành não, cầu não và những cuống não. Ở TN, có 3 hiện tượng quan trọng: trục xám từ tuỷ lên. bị phân tán do bắt chéo nhau của những bó tháp và của những dãy Rây (Reil) từ bên này chạy sang bên kia và ra mặt trước; ống nối tuỷ bè ngang tạo thành não thất IV; phần chất xám riêng của TN. Ở hành não, chất xám và tuỷ bị phân thành 4 phần đối xứng làm nhiệm vụ vận động và cảm giác. Cầu não là nơi tiếp nhận những sợi cảm giác của dây thần kinh sọ não (các dây vận mặt, vận nhãn ngoài, thính giác, sinh ba). Cuống não nối não thất III với não thất IV, phần chất xám riêng phát triển mạnh, tạo thành vỏ củ não sinh tư, nhân đỏ và liềm đen. Ngoài ra, ở TN còn có những nhân xám của hệ phó giao cảm.
THÂN TẾ BÀO phần của tế bào thần kinh có chứa nhân. Dạng phình to và chứa các hạt nissi. Trung tâm tổng hợp, cung cấp vật liệu cho phần còn lại của tế bào thần kinh (x. Tế bào thần kinh).
THÂN THỂ TÂM THẦN x.Thuyết tâm thể.
THẦN (y), 1. Trong y học cổ truyền, T là một trong ba của quý (tam bảo) của cơ thể: tinh (x. Tinh), khí (x. Khí*) và T. T là tên gọi chung của tất cả các hiện tượng hoạt động sinh mệnh của con người (bao gồm tinh thần, ý thức, tri giác, vận động). T có cơ sở vật chất là tinh. Nếu tinh vượng thì T vượng; nếu tinh kiệt thì T suy. Nếu T vượng thì sự sống mạnh mẽ; nếu T yếu thì sự sống giảm sút; nếu mất T thì chết. Tâm quản lí T, là chỗ ở của T. Y học cổ truyền gọi là “tâm tàng thần”, “tâm chủ thần minh”.
2. Y học cổ truyền còn ghi: “tâm tàng thần”, “phế tàng phách”, “can tàng hồn”, “tì tàng ý”, “thận tàng chí”. Như vậy 5 tạng còn là chỗ ở của T. Y học cổ truyền gọi là “T tạng”. Phách chỉ công năng của các cơ quan trong cơ thể. Những công năng này hoạt động được nhịp nhàng nhờ công năng chủ trị tiết và chủ khí của phế. Hồn chỉ tinh thần và ý chí của người, do sự mưu lược của can quyết định. Ý chí, ý niệm, tức là những động cơ của sự suy nghĩ. Suy nghĩ do tì quản lí. Chỉ là kết quả của sự suy nghĩ thành thục và tạo điều kiện cho hoạt động. Chí do thận quản lí.
3. T trong y học cổ truyền thể hiện chức năng của hệ thống thần kinh, song lại có thêm chức năng của tâm và các tạng khác. Tâm có vai trò quyết định đối với T (“tâm chủ T”), vì nếu tâm ngừng hoạt động thì chết và T mất.
THẦN GIAO CÁCH CẢM hiện tượng truyền ý nghĩ, cảm xúc qua khoảng cách không gian dựa vào các giác quan cảm xúc, chức không dựa vào các phương tiện kĩ thuật. Hiện tượng kì lạ này đang được nghiên cứu, chưa khẳng định rõ ràng về bản chất vật lí, cơ chế của sự mã hoá các thông tin, các phương sách, sự giải mã và ảnh hưởng của nó đến các quá trình sinh lí thần kinh và các quá trình tâm lí như thế nào.
THẦN KINH ĐỐI GIAO CẢM thuật ngữ chỉ một bộ phận cấu thành của hệ thần kinh tự chủ. Hệ thần kinh tự chủ bao gồm hệ thần kinh giao cảm và hệ TKĐGC, giữ vai trò kiểm soát mọi hoạt động không ý thức của cơ thể. Thân tế bào của hệ TKĐGC xuất phát từ thân não và hạt nhân của các dây thần kinh sọ não III, VII, IX và X; một số sợi khác xuất phát từ mấy đốt cùng của tuỷ sống. Các sợi đối giao cảm đi riêng biệt hoặc đi cùng với một số sợi của thần kinh gai. Dây thần kinh phế – vị, dây X là dây thần kinh quan trọng nhất, phân bố rộng rãi và đưa các sợi đối giao cảm đến khắp nơi trong cơ thể, trừ tứ chi. Các sợi của hệ TKĐGC chi phối tim, các cơ trơn của một số mạch máu, phế quản, ống tiêu hoá, bàng quang…và cả một số tuyến chế tiết. Hệ TKĐGC điều hoà chức năng nội tại của cơ thể và tham gia bảo vệ năng lượng; còn hệ thần kinh giao cảm có liên quan tới việc huy động năng lượng của cơ thể trong các chấn động cơ thể và cảm xúc. Giữa hai hệ đối giao cảm và giao cảm có một sự cân bằng đảm bảo cho tình trạng hằng định của cơ thể.
THẦN KINH GIAO CẢM hệ thống thần kinh của đốt sống cơ thể, gồm bốn sừng của từng bên cột sống, trên đường đi có rất nhiều hạch, chúng nhận những nhánh tới tuỷ sống và đưa nhiều gấp bội nhánh đi ra từ chúng hợp thành những dây thần kinh tuỷ sống, dây thần kinh sọ não, một số khác phân chia tới các bộ phận khác nhau, hợp thành hoặc phân chia các đám rối cảnh, hang thái dương, hạ vị, vv. Hệ thống TKGC chi phối các cơ trơn, tim và có quan hệ mật thiết với chức năng nội tiết, các cử động mạnh và quá trình dinh dưỡng.
THẦN KINH HỌC chuyên ngành y học nghiên cứu hệ thần kinh và các bệnh thần kinh (trừ các bệnh tâm thần).
THẦN KINH HÔNG (cg. thần kinh toạ), dây thần kinh lớn và dài nhất trong cơ thể, chi phối vận động, cảm giác và dinh dưỡng gần như toàn bộ chi dưới (mặt sau đùi, cẳng và bàn chân). TKH còn là từ để chỉ chứng đau dây TKH; người bệnh đau từ vùng mông lan xuống mặt sau đùi, có thể xuống đến cẳng và bàn chân; chân bị bệnh yếu, tê, teo nhỏ, vv.; nguyên nhân có thể do viêm, do lạnh, nhưng phần lớn do đĩa đệm đốt sống vùng thắt lưng – cùng lồi ra chèn ép (thoát vị đĩa đệm). Điều trị TKH: nghỉ ngơi, châm cứu, vật lí trị liệu, thuốc chống đau, phẫu thuật trong trường hợp do chèn ép. Phòng bệnh bằng cách chống các tư thế và động tác sai trong lao động và vận động có thể gây tổn thương đĩa đệm đốt sống.
THẦN KINH LI TÂM dây thần kinh dẫn các xung động từ hệ thần kinh trung ương đến các vùng ngoại biên như tới cơ…
THẦN KINH NGÔN NGỮ HỌC bộ môn khoa học kết hợp tri thức của cả thần kinh học lẫn ngôn ngữ học để nghiên cứu và phục hồi những kĩ năng và thói quen ngôn ngữ đã bị mất (hoặc bị phá vỡ) ở những người bệnh, tức là nghiên cứu các bình diện tâm lí – ngôn ngữ học của bệnh mất ngôn ngữ.
THẦN KINH THỊ GIÁC một phần của đường thị giác, có nhiệm vụ truyền cảm giác thị giác từ mắt lên hướng vỏ não vùng chẩm. Dây TKTG đi từ đĩa thị giác ở gần cực sau nhãn cầu đến phần trước của giao thoa thị giác và do hàng triệu sợi trục của các tế bào thần kinh (ở võng mạc) tạo thành.
THẬN đôi cơ quan bài tiết chính của động vật có xương sống; còn là cơ quan điều hoà áp suất thẩm thấu. Được hình thành từ các đơn vị bài tiết (nguyên thận), lọc, hấp thu lại một cách chọn lọc nước, muối khoáng, glucozơ…và hình thành các chất thải. Ở động vật có vú, T có dạng bầu dục màu đỏ nâu, nằm phía sau khoang bụng. Nhận máu động mạch từ động mạch T và trả lại máu tĩnh mạch theo tĩnh mạch T. Các ống niệu dẫn nước thừa, muối, các hợp chất nitơ (ure và axit uric) – nước tiểu từ T vào bàng quang rồi từ đó thải ra ngoài.
Trong quá trình phát triển diễn ra sự thay đổi qua 3 kiểu: 1) Tiền thận là kiểu T đầu tiên của động vật có xương sống, có ở cá hương và nòng nọc. Gồm nhiều ống hở dầu, xếp theo kiểu phân đốt ở ngay sau tim. Thu thập các chất bài tiết lỏng từ thể khoang rồi đổ vào lỗ huyệt qua ống dẫn tiền thận. Đến lúc trưởng thành được thay bằng trung và hậu thận. 2) Trung thận là kiểu T thứ cấp của động vật có xương sống, gặp ở cá, ếch nhái trưởng thành. Gồm các ống phân đốt, một đầu đổ vào các nang Bâumân dạng chén. Đôi khi các ống này có nhánh mở ra phía bên là các ống dẫn trung thận hay ống Vonphơ thay cho ống dẫn tiền thận. Ở bò sát, chim và động vật có vú, trung thận được thay bằng hậu thận, còn trung thận hình thành mào tinh hoàn ở con đực. 3) Hậu thận là đôi cơ quan bài tiết ở động vật có xương sống, gồm vô số ống nhỏ có nếp cuộn. Có ở cá và lưỡng cư.
THẬN NHÂN TẠO thiế bị y tế dùng để thanh lọc máu ngoài thận và cơ thể nhờ một màng lọc nhân tạo bằng xenlophan (xt. Xenlophan), cho phép loại được chất độc tính trong máu. Máy gồm: một bộ phận bơm máu; một bộ phận bơm một dung dịch muối khoáng đẳng trương có cấu tạo tương tự như huyết tương bình thường; giữa máu và dung dịch là một màng lọc máu; một hệ thống tự động để điều chỉnh áp lực máu, áp lực dịch, kiểm tra các thành phần của dịch, vv. Sử dụng TNT để điều trị suy thận cấp, suy thận mạn, ngộ độc cấp, vv.; mỗi tuần 3 lần, mỗi lần từ 2 – 10 giờ (x. Thẩm phân máu). Là một phương thức điều trị đắt tiền; thường dùng để chuẩn bị cho ghép thận.
THẬN Ứ MỦ nhiễm khuẩn nặng toàn bộ thận, gây ứ mủ ở bể thận, làm bể thận bị căng dãn, nhu mô thận bị viêm và bị phá huỷ (viêm mủ thận) và gây phản ứng viêm ở các mô xung quanh (viêm quanh thận). Biểu hiện lâm sàng: sốt, thận to và đái ra mủ gián cách.
THẬN Ứ NƯỚC tình trạng bể thận, đài thận và kể cả thận bị nước tiểu vô khuẩn làm căng dãn do một chướng ngại vật (sỏi, niệu quản, vv.) hay một khuyết tật về trương lực và tính nhu động của bể thận làm nghẽn tắc thường xuyên hoặc tạm thời dòng chảy của nước tiểu. Biểu hiện lâm sàng: đau tức vùng thắt lưng hay gọi là cơn đau quặn thận; khối lượng nước tiểu bài tiết trong 24 giờ thất thường; thận to. Không chữa kịp thời, sẽ dẫn tới nhiễm khuẩn và biến chứng thận ứ mủ.
THẤP KHỚP một từ có hàm ý chung bao gồm một nhóm các bệnh khớp cấp tính và mạn tính do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, nhưng phần lớn là chưa rõ nguyên nhân; có triệu chứng chung là sưng, đau ở khớp và phần mềm quanh khớp. Trong y học, người ta thường dùng từ TK ghép với một số từ khác để chỉ một bệnh khớp cụ thể, vd. TK cấp, TK vẩy nến, TK phản ứng, TK cận ung thư, vv. Vì là một từ chung để chỉ nhiều bệnh nên việc phòng và chữa phải dựa vào từng bệnh cụ thể.
THẤP TIM thấp khớp cấp [cg. bệnh Buiô, theo tên của Buiô (J. de Bouillaud, thầy thuốc Pháp)], bệnh gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi: sưng đau nhiều khớp, viêm các màng của tim, múa giật do tổn thương thần kinh, nổi ban và cục ở ngoài da. Nguyên nhân: nhiễm liên cầu khuẩn ở hầu họng dẫn tới tình trạng miễn dịch gây phản ứng viêm ở khớp, tim, thần kinh, mô dưới da, vv. Bệnh khỏi nhưng để lại các tổn thương vĩnh viễn ở tim, gây hẹp, hở các van tim, vv.; cuối cùng là suy tim và loạn nhịp. Điều trị: trong đợt cấp tính phải nghỉ ngơi tuyệt đối, tiêm kháng sinh chống vi khuẩn, corticoid chống viêm…Phòng bệnh táo phát bằng tiêm penicillin tan chậm, 3 tuần một lần cho đến năm 25 tuổi.
THẦY THUỐC người có đủ các điều kiện về trình độ chuyên môn (tốt nghiệp trường y), phẩm chất (y đức) và được cho phép về mặt pháp lí để thực hành y học, cụ thể là phòng bệnh, chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng cho cá nhân và (hoặc) cho cộng đồng. Trong xã hội ngày nay, hoạt động của TT rất đa dạng: có thể thuộc khu vực nhà nước hoặc khu vực tư nhân, có thể làm TT đa khoa hay chuyên khoa, TT Tây y hay Đông y (y học dân tộc cổ truyền), v.v. Hoạt động trong bất cứ khu vực dịch vụ nào, TT cũng phải cố gắng thực hiện đúng lời dạy của Hồ Chủ Tịch “lương y phải như từ mẫu” và theo lời thề của sinh viên y khoa lúc tốt nghiệp và trước khi hành nghề [lời thề Hippôcrat (Hippocrate) hay lời thề riêng của mỗi nước]
THẦY THUỐC CHUYÊN KHOA thầy thuốc được đào tạo theo một lĩnh vực chuyên môn, kĩ thuật hẹp thuộc các chuyên ngành của y học và làm việc lâu dài trong lĩnh vực được đào tạo. Có TTCK diện rộng, vd. nội khoa tổng quát; TTCK diện hẹp, vd. nội tiết, nội khoa tim mạch, bệnh phổi, ngoại chấn thương, ngoại chỉnh hình, vv.
THẦY THUỐC LÂM SÀNG thầy thuốc chữa bệnh thăm khám trực tiếp bệnh nhân tại phòng hay giường bệnh, tại phòng khám, tại nhà bằng các phương pháp cổ điển (hỏi, nhìn, sờ, gõ, nghe) hay tứ chẩn của y học cổ truyền dân tộc; sau đó có sự hỗ trợ của các xét nghiệm cần thiết rồi tổng hợp các dấu hiệu lâm sàng, các kết quả xét nghiệm một cách biện chứng trên cơ sở các hiểu biết y học và kinh nghiệm bản thân, để đi đến chẩn đoán, đề ra các biện pháp đieề trị và phòng bệnh cho bệnh nhân. Nội dung hoạt động của TTLS khác với nội dung hoạt động của thầy thuốc làm ở phòng thí nghiệm, các cơ sở vệ sinh – phòng dịch, các cơ quan quản lý nhà nước, vv. TTLS có thể là thầy thuốc đa khoa (tổng quát) hay chuyên khoa sâu, làm việc ở các cơ sở y tế thuộc các tuyến của hệ thống y tế quốc lập, dân lập hay ở các cơ sở y tế tư nhân. Với chủ trương chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho toàn dân, cần chú ý tới vai trò của TTLS đa khoa làm việc ở các trạm y tế cơ sở (xã, trường học, cơ sở sản xuất) theo phương thức người thầy thuốc gia đình.
THẦY THUỐC NHÂN DÂN danh hiệu cao quý mà Nhà nước phong cho những thầy thuốc có nhiều thành tích xuất sắc, tiêu biểu của ngành y tế trong công tác bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
THẦY THUỐC ƯU TÚ danh hiệu mà Nhà nước phong cho những thầy thuốc có nhiều thành tích trong công tác bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
THEOPHILIN (A. theophylline; cg. 3,7 – đihiđro – 1,3 đimetyl – 1H – purin – 2,6 – điom), C7H8N4O2.H2O. Hợp chất thuộc lớp ancaloit, tách ra từ lá chè. Tinh thể màu trắng, vị đắng; tnc = 268 – 272oC. Khó tan trong nước lạnh; tan dễ hơn trong nước nóng và etanol nóng. Có tác dụng lợi tiểu mạnh và kích thích hệ thần kinh trung ương. Dùng làm thuốc dãn mạch (thuốc hen phế quản).
THỂ DỤC CHỮA BỆNH phương pháp chữa bệnh dùng các liệu pháp vận động để điều chỉnh trạng thái cơ thể, thống nhất giữa hoạt động thể lực và tâm lí, những cảm xúc có tác dụng điều hoà hoạt động của hệ thần kinh nội tiết, huy động “khả năng tự điều chỉnh, duy trì, phục hồi hoàn thiện ở mức độ cao của cơ thể” [theo Paplôp (I. P. Pavlov; 1849 – 1936; nhà sinh lí học Nga)]. TDCB là phương pháp điều trị toàn diện, chủ động, tích cực vì nó huy động tiềm lực của chính bản thân người bệnh vào việc chữa bệnh. Biện pháp: các bài tập vận động thể lực và tập thở có định lượng vận động; kết hợp chặt chẽ thể dục với vệ sinh và sinh hoạt hợp lí; sử dụng triệt để các yếu tố thiên nhiên như khí hậu, ánh nắng, nước, vv.; áp dụng các phương pháp xoa bóp chữa bệnh và xoa bóp hồi phục. Nhiều công trình khoa học chứng minh TDCB làm tăng tác dụng của thuốc.
THỂ DỤC DƯỠNG SINH x. Dưỡng sinh.
THỂ NHIỄM SẮC (cg. nhiễm sắc thể), cách gọi hiện đại của nhiễm sắc thể (x. Nhiễm sắc thể).
THỂ THUỶ TINH bộ phận trong suốt của mắt ở động vật, có hình dạng như một thấu kính lồi hội tụ; ở người và động vật có xương sống, TTT nằm sau mống mắt và trước dịch kính. TTT có khả năng biến đổi hình dạng (tăng độ cong của hai mặt), làm tăng lực khúc xạ khi nhìn gần ở khoảng cách dưới 5 m (x. Điều tiết). trong trường hợp bị tổn thương, TTT mất tính trong suốt (x. Đục thể thuỷ tinh).
THỂ TÍCH CẶN (cg. thể tích tồn dư; kí hiệu thường dùng RV), thể tích không khí còn lại trong phổi sau khi thở ra hết sức, trung bình khoảng 1.000 đến 1.200 ml tuỳ theo lứa tuổi, giới tính và chiếm 20 – 30% tổng dung tích phổi giảm ở người có tuổi, do nhu mô phổi giảm tính đàn hồi, dung tích sống thấp hơn; trong các bệnh khí thũng, các bệnh gây khoảng trống trong phổi (lao hang, nang phổi, apxe phổi, giãn phế quản diện rộng, vv.).
THỂ TÍCH DỰ TRỮ HÍT VÀO thể tích không khí còn có thể cố hít vào được sau một thì hít vào bình thường. Ở người Việt Nam, TTDTHV trung bình khoảng 1.100 ml (ở nữ), 1.500 ml (ở nam) và chiếm khoảng 50 – 56% so với dung tích sống lí thuyết. TTDTHV tăng ở những người cao gầy (xt. Dung tích phổi hít vào). Về phương diện sinh lí học, TTDTHV thể hiện ở khu vực phổi có khả năng tiếp nhận không khí mà khi thở bình thường không có không khí lưu thông. Tập thể dục, thở sâu, thở dài, có tác dụng tốt để phòng chống một số bệnh phổi.
THỂ TÍCH DỰ TRỮ THỞ RA thể tích không khí còn có thể cố thở ra được sau một hơi thở ra bình thường. Ở người Việt Nam, TTDTTR trung bình là 800 ml (ở nữ), 1.000 ml (ở nam) và chiếm tỉ lệ 32 – 38 % so với dunh tích sống lí thuyết. Khi tập thể dục hoặc hít sâu, TTDTTR giảm bớt, dung tích cặn chức năng cũng giảm đi, oxi đưa vào hoà trộn với một lượng không khí ít hơn, tạo được phân áp cần thiết để chuyển sang huyết tương và hồng cầu và đưa đầy đủ oxi đến tế bào.
THỂ TÍCH HÔ HẤP x. Thể tích lưu thông.
THỂ TÍCH KHỐI HỒNG CẦU (cg. thể tích huyết cầu), muốn tính TTKHC người ta cho chất chống đông vào máu, rồi hút vào ống đo thể tích khối huyết cầu (cg. ống Wintrobe); sau khi quay li tâm 5 phút với tốc độ 10 nghìn vòng/phút, lọc phần hồng cầu lắng xuống, đó chính là thể tích phần trăm của hồng cầu so với huyết tương trên thước đo. Ở người bình thường, TTKHC chiếm 45 – 50% (ở nam), 40 – 45% (ở nữ). TTKHC giảm dưới 40% ở nam, dưới 37% ở nữ trong bệnh thiếu máu; TTKHC tăng trong các trường hợp mất huyết tương, bỏng nặng, mất nước, ỉa chảy ở trẻ em, bệnh tả, vv.
THỂ TÍCH THỞ RA TỐI ĐA/GIÂY (cg. nghiệm pháp Tifơno, nghiệm pháp thở ra gắng sức, lưu lượng thở ra tối đa/giây), thể tích khí thở ra trong giây đầu tiên khi thở ra gắng sức và được đo trên phế dung kế. Còn gọi là nghiệm pháp Tifơno [theo tên Tifơno (M. Tiffeneau), thầy thuốc Pháp]. Bình thường TTTRTĐ/G chiếm tới 70 – 80 % dung tích sống. Muốn đo TTTRTĐ/G, người ta yêu cầu người được đo hít vào hết sức sau đó thở ra nhanh và mạnh hết sức, TTTRTĐ/G sẽ được ghi trên băng giấy của phế dung kế. TTTRTĐ/G giảm là biểu hiện có trở ngại lưu thông không khí thì thở ra với hai căn nguyên thường gặp là phế quản bị co thắt hoặc vướng mắc (trong hen, viêm phế quản) và nhu mô phổi giảm tính đàn hồi (trong bệnh khí thũng phổi hoặc xơ phổi). Xt. Thể tích lưu thông.
THỂ XÁC ĐỊNH KHÁNG NGUYÊN cấu trúc hoá học có kích thước nhỏ so với các đại phân tử, được nhận biết nhờ điểm hoạt động của một kháng thể. Nó xác định tính đặc hiệu của tương tác kháng nguyên – kháng thể.
THỂ NẰM ĐẦU DỐC (cg. thế Tơrenđêlenbua) x. Tư thế trong lâm sàng.
THỂ NẰM FAOLƠ x. Tư thế trong lâm sàng.
THỊ GIÁC khả năng nhìn thấy vật, hình, màu sắc ở xung quanh; một trong năm giác quan của người. TG bình thường cần phải có những điều kiện: các môi trường trong suốt của mắt, võng mạc (x. Nhãn cầu; Võng mạc) và các đường thị giác không bị tổn thương. Phân biệt: TG một mắt, TG hai mắt, TG màu sắc hay sắc giác (x. Sắc giác); TG trung tâm (x. Thị lực); TG ngoại vi (x. Thị trường).
THỊ KÍNH bộ phận của dụng cụ quang học (kính hiển vi, kính viễn vọng, vv.) mà người quan sát nhìn vào. TK dùng để quan sát ảnh cho bởi vật kính. Xt. Thấu kính.
THỊ LỰC khả năng mắt nhận rõ các chi tiết của vật hoặc phân tách riêng biệt hai điểm gần nhau. Theo quy ước, mắt có TL 10/10 khi có khả năng phân tách hai điểm riêng biệt dưới một góc nhìn là 1 phút. TL trung tâm phụ thuộc vào các tế bào chóp ở vùng trung tâm võng mạc (hoàng điểm).
THỊ TRƯỜNG (y), TT của mắt là khoảng không gian mà một mắt có thể bao quát được khi mắt đó nhìn tập trung vào một điểm cố định. Bình thường, TT của một mắt rộng khoảng 90 độ ở phía thái dương, 55 độ ở phía mũi, 70 độ ở phía dưới. Những ranh giới của TT có thể thay đổi tuỳ thuộc từng cá nhân. Đo TT là một trong những phương pháp thăm dò chức năng của võng mạc và đường thị giác.
THÍCH NGHI (sinh, y), trong sinh học, TN là việc xuất hiện những tính trạng và đặc tính mà trong các điều kiện môi trường hiện có là có lợi cho cá thể hoặc quần thể. Nhờ TN mà sinh vật có khả năng tồn tại được trong môi trường đó. TN phát triển cá thể, nếu khi sinh vật có khả năng thích ứng với những điều kiện bên ngoài biến đổi trong quá trình phát triển cá thể của nó. TN cá thể có thể là TN genotip nếu diễn ra sự chọn lọc khả năng TN đã được tăng cường bởi sự xác định di truyền (sự biến đổi genotip) đối với những điều kiện đã biến đổi. TN có thể là thích nghi phenotip, nếu biến dị chỉ giới hạn trong phạm vi phản ứng do genotip không đổi quy định. Nếu ở sinh vật xuất hiện những tính trạng không có ý nghĩa đối với sự sống của chúng trong những điều kiện của môi trường đang tồn tại nhưng là những tính trạng TN trong những điều kiện sẽ biến đổi trong tương lai thì gọi là TN tương lai hay tiền TN.
THÍCH NGHI DI TRUYỀN sự thích nghi được hình thànhtrong quá trình phát triển cá thể của các loài sinh vật mà không phụ thuộc vào hiện trạng của môi trường; những thích nghi đó được củng cố bởi thuộc tính di truyền. Vd. màu sắc động vật sống bám cố định không phụ thuộc vào màu sắc môi trường xung quanh. Chúng thích nghi khi màu sắc nơi đó giống với màu sắc của chính bản thân sinh vật, thuận lợi cho việc lẩn tránh sự phát hiện và tấn công của kẻ thù.
THÍCH NGHI SINH LÝ sự thích nghi do quá trình tự điều chỉnh của bản thân sinh vật đối với sinh vật khác và đối với môi trường vật lí bên ngoài.
THIÊN ĐẦU THỐNG x. Glôcôm.
THIỂU NĂNG tình trạng bệnh lí trong đó chức năng của một cơ quan, một bộ phận của cơ thể giảm thấp, không đáp ứng được nhu cầu bình thường của cơ thể. Vd. TN động mạch vành – giảm tưới máu cơ tim do thương tổn (viêm động mạch vành, vv.), thu hẹp lòng động mạch vành tạo cơn đau thắt ngực; TN tuyến giáp – giảm tiết hocmon giáp, gây ra các dạng phù niêm (da ngấm nhầy, giảm chuyển hoá cơ bản, lãnh đạm tình dục, giảm hoạt động trí tuệ; trẻ em chậm lớn, không xuất hiện thời gian dậy thì, vv.).
THIỂU NĂNG TÂM THẦN (hiện nay gọi là chậm phát triển tâm thần), các trạng thái chậm hay đình chỉ phát triển tâm thần do nhiều nguyên nhân (sinh học hay tâm lí xã hội). Có tỉ lệ cao ở vùng bệnh bướu cổ (bướu giáp) lưu hành. Căn cứ vào thương số trí tuệ, chia ra các mức độ chậm phát triển tâm thần từ nhẹ đến trầm trọng.
THIẾU ĂN (cg. thiếu dinh dưỡng), tình trạng bệnh lí do khối lượng thức ăn thu nhận vào cơ thể thấp hơn sự tiêu hao vật chất của cơ thể. Nguyên nhân: ăn ít vì lí do kinh tế, tín ngưỡng, tập quán; bệnh của hệ tiêu hoá làm giảm hấp thu; các bệnh làm tăng tiêu hao vật chất của cơ thể (đái tháo đường, đái dưỡng trấp, vv.); phụ nữ có thai, mẹ cho con bú, vv. TĂ gây ra nhiều mức biến đổi phát triển của cơ thể: biến đổi nhẹ, vd. trẻ em dưới 3 tuổi có tầm vóc nhỏ hơn bình thường; biến đổi nặng và kéo dài là suy sinh dưỡng protein – năng lượng, đặc biệt là nếu có bệnh nhiễm khuẩn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, một nửa số trẻ em ở các nước đang phát triển hiện đang trong tình trạng TĂ. Xt. Suy dinh dưỡng.
THIẾU CHẤT DINH DƯỠNG 1. Đối với động vật: không có hay thiếu một yếu tố dinh dưỡng nào đó cần thiết cho cơ thể. Nguyên nhân có thể do cung cấp chất dinh dưỡng không đủ trong khẩu phần; hoặc do sử dụng, khi cơ thể tiêu hoá, chuyển hoá, đồng hoá không tốt mà thiếu. Có trường hợp TCDD lại do thừa một yếu tố nào đó, nên cơ thể bị thiếu yếu tố này, vd. thừa axit béo không no trong khẩu phần làm tăng những cầu về vitamin E gây chứng thiếu lâm sàng về vitamin E
2. Đối với thực vật: không có hay thiếu yếu tố dinh dưỡng cần cho cây trong đất hay môi trường nuôi cây. TCDD có nhiều triệu chứng: vd.thiếu nitơ cây sinh trưởng kém, lá kém xanh, ngả màu vàng nhạt, ra hoa ít, lượng protein giảm; thiếu lân, lá ngả màu vàng sẫm, rồi có vệt tím, quả hạt ít và chậm chín; thiếu kali lá úa vàng từ ngoài mép, thân cây yếu dễ đổ, quả hạt teo quắt lại…Mỗi loại hoa màu cần hút từ đất một số chất dinh dưỡng nhất định để cho năng suất cao.
THIẾU DINH DƯỠNG x. Thiếu ăn.
THIẾU DƯỠNG CHẤP thiếu chất dịch màu trắng sữa có chứa protein và sản phẩm tiêu hoá của mỡ. Dịch này được hấp thụ từ nhung mao ruột và vận chuyển theo đường ống bạch mạch (gọi là ống dưỡng trấp) để đưa vào máu. Nguyên nhân: các bệnh của ống tiêu hoá ảnh hưởng đến quá trình tiêu hoá thức ăn; các bệnh của ruột ảnh hưởng đến nhung mao ruột và sự hấp thụ dưỡng trấp; các bệnh gây ra đái dưỡng trấp.
THIẾU MÁU trạng thái bệnh lí của máu do giảm số lượng hồng cầu (dưới 4 triệu) hay chính xác hơn là giảm số lượng hemoglobin (huyết sắc tố) trong một đơn vị thể tích máu (bình thường có 12 – 16 g hemoglobin trong 100 ml máu). Có nhiều nguyên nhân, có thể xếp thành 4 loại: 1) Giảm tạo máu do suy tuỷ xương hay do thiếu nguyên liệu để tạo máu, thiếu sắt [bệnh xanh lướt ở thiếu nữ, người có thai, vv; thiếu vitamin B12, bệnh Bimơ hay thiếu máu ác tính [theo tên của Bimơ (A. Biermer), thầy thuốc người Đức], thiếu enzim, thiếu protein (sau cắt dạ dày, có thai, sinh đẻ, vv.), thiếu dinh dưỡng (thiếu protein, thiếu vitamin…) 2)Tăng vỡ hồng cầu: do bản thân hồng cầu kém chất lượng hay xuất hiện trong huyết tương những chất làm vỡ hồng cầu, nhiễm độc kim loại, hoá dược, truyền nhầm nhóm máu. 3) Do chảy máu ra ngoài (trĩ, rong kinh, giun móc…). 4)Không tìm thấy nguyên nhân. Dấu hiệu tuỳ theo mỗi loại bệnh: rối loạn tiêu hoá (biếng ăn, chán ăn, ăn không tiêu…); rối loạn thần kinh (chóng mặt, mất ngủ, chóng mệt mỏi, giảm trí nhớ…); sụt cân, người gầy yếu, xanh xao, da và niêm mạc nhợt nhạt, trắng bệch, vv. Xét nghiệm máu thấy giảm số lượng hồng cầu, giảm số lượng hemoglobin…Chữa bệnh theo nguyên nhân (trị giun sán nhất là giun móc, sốt rét, lao, thiếu vitamin, thiếu sắt, vv.); cải thiện chế độ ăn uống để tăng cường dinh dưỡng (tăng cường lượng protein, vitamin, lòng đỏ trứng gà, trứng vịt lộn, rau mống); cho các chất sắt có kèm axit folic, viên sắt. Trường hợp mất máu nặng, có thể phải truyền máu. Cần có chế độ an dưỡng, lao động phù hợp với mức độ thiếu máu.
THIẾU MÁU ÁC TÍNH bệnh thiếu máu xảy ra ở người trên 40 tuổi. Các đặc điểm huyết học: giảm nhiều số lượng hồng cầu, tăng kích thước hồng cầu và tăng tỉ lệ hemoglobin; có nhiều nguyên hồng cầu trong tuỷ xương. Các dấu hiệu lâm sàng: rối loạn tiêu hoá (viêm lưỡi, giảm hay thiếu dịch vị, đau bụng, nôn, vv.); hoa mắt, chóng mặt, chảy máu cam; rối loạn thần kinh (giảm trí nhớ, thay đổi tính tình, liệt chi…). Nguyên nhân: thiếu vitamin B12 do không được hấp thụ ở ruột non, trong bệnh viêm dạ dày teo; cũng có thể do một yếu tố di truyền như các bệnh tự miễn dịch. Điều trị theo chỉ định của thầy thuốc.
THIẾU MÁU CƠ TIM tình trạng động mạch vành không cung cấp đủ máu cho cơ tim để cơ tim được nuôi dưỡng và làm việc bình thường. Nguyên nhân: vữa xơ động mạch vành làm cho lòng động mạch bị hẹp lại; co thắt động mạch vành; một nhánh động mạch vành bị tắc hẳn gây nhồi máu cơ tim (cấp và mạn); cơ tim làm việc quá nhiều trong một số trường hợp sinh lí hoặc bệnh lí (luyện tập, thi đấu thể thao, bệnh bazơđô, vv.). TMCT thường gây ra cơn đau thắt ngực, có thể ngất (đột quỵ). Ghi điện tim và làm nghiệm pháp gắng sức là phương pháp tốt phát hiện tình trạng TMCT. Sau mỗi đợt bệnh, có nguy cơ tái phát, đợt bệnh sau nặng hơn đợt bệnh trước. Cần có chế độ lao động, sinh hoạt nhẹ, thích hợp, tránh các gắng sức đột ngột. Cần đi khám bệnh, để được thầy thuốc hướng dẫn điều trị, theo dõi chặt chẽ và quản lí sức khoẻ. Khi tai biến xảy ra, cần bình tĩnh, nằm nghỉ tuyệt đối tại giường, di chuyển nhẹ nhàng đến bệnh viện để được điều trị một cách tích cực và kịp thời.
THIẾU MÁU CỤC BỘ giảm lượng máu đến một vùng của cơ thể do thu hẹp lòng của động mạch bình thường vẫn tưới máu cho vùng đó. Nguyên nhân: vữa xơ động mạch, viêm tắc động mạch, chèn ép ở phía ngoài, co thắt động mạch, vv. Hậu quả là phần thiếu máu bị hoại tử, nếu thiếu máu kéo dài. Các triệu chứng lâm sàng và diễn biến của bệnh thay đổi tuỳ theo động mạch bị tắc và vị trí của điểm bị tắc: tắc động mạch vành hay một nhánh động mạch vành có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim; viêm tắc động mạch chi dưới diễn biến thành nhiều đợt và gây hoại tử từng khúc của chi, tuần tự từ dưới lên.
THIẾU MẬT, VÔ ĐỞM hội chứng gan ngừng tiết mật, gây nên nhiều rối loạn tiêu hoá (ăn không tiêu, trướng bụng, phân mất màu, vv.). Tiên lượng bệnh xấu.
THIẾU OXI sự giảm lượng oxi tới các mô, hậu quả của tình trạng giảm oxi trong máu, làm cho các mô trong cơ thể không nhận đủ oxi. Nguyên nhân: giảm phân áp oxi trong không khí (trên núi cao, vv.); ngạt thở, tắc đường thở, suy cơ hô hấp, rối loạn khuyếch tán oxi từ phổi và máu, từ máu vào các mô; thiếu máu. Biểu hiện lâm sàng: tím tái, khó thở, thở gấp, mạch nhanh, rối loạn thần kinh. Điều trị: chữa căn nguyên, liệi pháp oxi hỗ trợ.
THIẾU PROTÊIN tình trạng bệnh lí do cung cấp không đủ protein (nguồn protein động vật, thực vật) về cả lượng và chất cho nhu cầu mà cơ thể đòi hỏi phát triển và hoạt động (lao động trí óc đòi hỏi nhiều protein hơn các loại lao động khác). TP thường kèm theo thiếu nhiều thành phần dinh dưỡng khác, tạo nên sự thiếu và suy dinh dưỡng protein – năng lượng, đặc biệt ở trẻ em, có thể chiếm đến 50% tổng số trẻ em dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển. Nguyên nhân: tình trạng kém phát triển ở các nước thuộc thế giới thứ ba (sự nghèo khổ, tình trạng kinh tế – xã hội, khoa học kĩ thuật, công tác bảo vệ sức khoẻ thấp kém, dân trí chưa mở mang, vv.). Giải quyết tình trạng TP đòi hỏi một chương trình tổng hợp phát triển đất nước mà các điểm nổi bật là phát triển giáo dục – văn hoá, nâng cao dân trí, tăng cường sản suất lương thực – thực phẩm, cải tiến chính sách phân phối, thực hiện chăm sóc sức khoẻ ban đầu, kế hoạch hoá gia đình, vv.; nên thay một phần protein động vật bằng protein thực vật từ đậu tương, rau khô (hàm lượng protein lên đến 25%), vv.
THIẾU SẮT tình trạng khi lượng sắt trong cơ thể xuống dưới 2 g (bình thường cơ thể người lớn có 3 – 4 g sắt). Mỗi ngày, thức ăn đưa vào cơ thể khoảng 10 – 20 mg sắt và niêm mạc ruột hấp thụ khoảng 1 mg. Sắt được thải qua đường tiêu hoá, da và nước tiểu cũng khoảng 1 mg/ngày. Sắt hấp thụ được vận chuyển trong máu dưới dạng kết hợp transferin hay siderophilin, có thể dự trữ (chủ yếu ở gan) hoặc đến nơi sử dụng (tổng hợp hemoglobin ở tuỷ xương). Biểu hiện dễ thấy nhất của TS là thiếu máu. Xét nghiệm máu sẽ xác định được nguyên nhân thiếu máu do TS. Cách chữa thường đơn giản: ăn thức ăn có nhiều chất sắt (rau muống, bí đỏ, gan, tim, bầu dục của lợn, bò, trâu…) kèm uống viên sắt. Trong trường hợp TS do rối loạn tiêu hoá (kém hấp thụ sắt) hoặc do giun móc thì phải khám và chữa bệnh theo chỉ dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.
THIẾU VITAMIN trạng bệnh lí do cơ thể không được cung cấp đầy đủ lượng vitamin cho nhu cầu hàng ngày, làm cho lượng vitamin lưu hành trong máu giảm thấp. Nguyên nhân: chế độ ăn không cân đối giữa các thành phần gluxit, protein, lipit, rau quả, vv.; kĩ thuật bảo quản và chế biến lương thực, thực phẩm không đạt yêu cầu (vd. gạo xát quá kĩ, vv.), làm phá huỷ các vitamin; một số bệnh ở hệ tiêu hoá làm giảm khả năng hấp thụ vitamin (viêm dạ dày, cắt đoạn dạ dày, lỗ rò ruột, vv.); cơ thể tăng nhu cầu vitamin (vd. trong thời kì mang thai, cho con bú). Thiếu loại vitamin nào thì gây nên bệnh đặc thù của vitamin ấy. Vd. thiếu vitamin A gây bệnh quáng gà, khô giác mạc, dễ gây mù và là nguyên nhân chính gây mù loà ở trẻ em; thiếu vitamin B1 gây bệnh tê phù, bại liệt hai chân và bệnh tim cấp tính do tê phù; thiếu vitamin B3 (PP) gây bệnh pallagra (L. pellagra) (viêm da, viêm lợi, kiết lị, rối loạn tinh thần); thiếu vitamin B12 gây bệnh thiếu máu hồng cầu to [bệnh Bimơ (biermer)]; thiếu vitamin C gây bệnh scobut (L. Scorbutus) với triệu chứng chảy máu chân răng, chảy máu dưới da; thiếu vitamin D gây bệnh còi xương ở trẻ em, đau và xốp xương ở người lớn; thiếu vitamin E gây sẩy thai, vô sinh, có thể là một trong số những nguyên nhân dẫn đến thiểu năng sinh dục; thiếu vitamin K gây chảy máu…
THÍNH GIÁC giác quan nhận biết các âm thanh. Con người có khả năng nhận biết các âm thanh trong khoảng tần số 16 – 20.000 Hz. Khi nói chuyện bình thường, cường độ âm thanh khoảng 30 – 40 dB. Đối với người làm việc thường xuyên trong môi trường quá ồn (cường độ âm thanh trên 80 dB), cần có các biện pháp giảm ồn, bảo vệ tai. Được rèn luyện tốt, tai người có thể phân tích, nhận biết được các âm đơn tạo thành âm phức. Nhờ có bộ não phát triển, người còn nghe và hiểu ý nghĩa của lời nói, âm nhạc, vv.
THÍNH HỌC chuyên khoa y học nghiên cứu, thăm khám chức năng thính giác, những vấn đề giảm sức nghe. Những phương pháp đo sức nghe chủ quan kinh điển như: đo bằng tiếng nói thầm, tiếng nói thường, âm thoa; đo bằng máy đo sức nghe (thính lực kế) dùng âm đơn – đường khí, dùng lời – đường xướng (thính lực lời), đo trên ngưỡng (hồi thính); đo bằng thính lực kế bán tự động, vv. Đo sức nghe khách quan gồm: ghi điện ốc tai (EcoG: électrocochléographie); ghi điện thế đáp ứng của não với tiếng động (ERA – Evoked Response Audiometry, BERA – Brainstem Evoked Response Audiometry). Đo trở kháng tai, ghi nhĩ đồ, phản xạ âm học các cơ hòm nhĩ (thường gọi là phản xạ bàn đạp) cũng được coi là phương pháp đo khách quan trong thính học. Đối với trẻ em, có thể sử dụng phản xạ có điều kiện để đo sức nghe. Đo âm phản hồi của ốc tai (oto – acoustic emissions – kemp – echo) là cách đo sức nghe khách quan khá chính xác đối với trẻ nhỏ.
THÍNH LỰC KẾ x. Máy đo sức nghe.
THÍNH MŨI mũi có khả năng nhận biết tốt các mùi. Mũi người có thể phân biệt khoảng 4.000 mùi khác nhau. Khi nồng độ của mùi trong không khí tăng đến 30%, người ta mới cảm nhận được có sự thay đổi về cường độ mùi. Có những người không thể nhận biết một số mùi nào đó, có thể là do bẩm sinh. Nhiều bệnh làm cho khứu giác giảm sút, sai lạc, hoặc mất hẳn (vd. bệnh trĩ mũi).
THÍNH NGƯỠNG (cg. ngưỡng nghe được), cường độ nhỏ nhất của âm thanh mà tai người có thể nhận biết được. TN phụ thuộc vào tần số âm và phụ thuộc vào từng người khác nhau. Trong vùng tần số khoảng 1kHz, TN có giá trị cỡ 10-16 W/cm2.
THÍNH TAI có thính giác tốt hơn bình thường. Tiêu chí của thính giác bình thường gồm: về tần số – giới hạn nghe từ 16 – 20 Hz đến 16.000 – 20.000 Hz, tuổi càng cao giới hạn nghe càng giảm; về cường độ – ngưỡng nghe tối thiểu là 0 dB (đêxinben) trên máy đo sức nghe (đó là mức trung bình, nghĩa là có người nghe tốt hơn mức đó); mức độ phân biệt hai âm khác nhau về cường độ khoảng 1 – 2 dB, về tần số tăng hoặc giảm 10%. Tính ra, tai người có thể nghe và phân biệt 300 nghìn âm cơ bản. Từ 20 tuổi trở đi, sức nghe đã bắt đầu suy giảm, mỗi năm suy giảm thêm một chút, đến khoảng 50 – 60 tuổi đã có ít nhiều trở ngại trong giao tiếp. Đó là quá trình lão thính. Quá trình này xảy ra ở mỗi người một khác. Có người cao tuổi mà vẫn nghe tốt, có người ít tuổi hơn mà điếc nặng hơn. Tai có thể phân biệt được những âm thanh cần nghe trong tiếng ồn ào hỗn tạp. Được luyện tập, tai có thể nhận biết những âm cơ bản cấu thành một âm thanh tự nhiên. Vd. có nhạc sĩ đã ghi lại thành những nốt nhạc tái hiện tiếng chim hót, tiếng sóng vỗ, vv.
THOÁI HOÁ sự biến đổi cấu trúc một bộ phận hoặc cơ quan của cơ thể thành dạng đơn giản; vd. cánh của những loài chim không biết bay như đà điểu Châu Úc (nay gọi là Châu Đại Dương). Hiện tượng này thường gặp ở sinh vật kí sinh , vd. cơ quan tiêu hoá của giun sán; mắt của một số động vật sống trong lòng đất. Trong giải phẫu bệnh học, TH là sự biến đổi hình thái bất thường của một mô hay một cơ quan, trước hết ở mức độ tế bào (giảm các chức năng chuyển hoá, làm cho các tế bào trở thành đơn giản về mặt cấu trúc và mất các hoạt động chức năng vốn có). TH tế bào có thể dẫn đến hoại tử tế bào. Hậu của của TH phụ thuộc vào cơ quan bị bệnh, nặng nhất là ở não. Trên lâm sàng, thường dùng thuật ngữ TH đê chỉ sự chuyển một tổn thương lành tính sang ác tính.
THOÁI HOÁ DẠNG BỘT thoái hoá (thay đổi bệnh lí) của chất protein gian bào, biến thành một chất vô định hình đặc, kháng enzim tiêu hạch đặc, nhuộm sẫm với đỏ Côngô. Nguyên nhân có thể do viêm, di truyền, u và sự lắng đọng chất thoái hoá này có thể tại chỗ hay lan rộng, có hệ thống ở các mô, cơ quan khác nhau trong cơ thể. Về đại thể, giống như tinh bột và cho phản ứng hoá học của tinh bột, thường gặp trong các bệnh tạo keo, bệnh thận bột, vv.
THOÁI HOÁ ĐỐT x. Thoái hoá khớp.
THOÁI HOÁ KHỚP x. Hư khớp.
THOÁI HOÁ MỠ một loại thoái hoá thường gặp trong nhiều hoàn cảnh bệnh lí, từ nhiễm độc (nhiễm độc gan do rượu) đến nhiễm khuẩn (viêm gan virut), suy tim (gan tim), vv. Tế bào THM thường phìng to, chứa những giọt mỡ tròn trong bào tương, có thể đè ấn lên nhân tế bào. Nhẹ có thể khỏi. Nặng có thể dẫn đến suy chức năng của cơ quan thoái hoá (gan, tim, thận, vv.).
THOÁI PHÔI VỊ hiện tượng môi lưng của phôi khẩu không lộn vào trong quá trình tạo phôi vị ở một số phôi động vật có xương sống.
THOÁT VỊ tình trạng bệnh lí một cơ quan hoặc một phần cơ quan (thường là ruột) thoát ra khỏi khoang bình thường chứa nó, chui lọt qua một lỗ hay một khe tự nhiên để nằm dưới da hoặc một khoang khác một cách tự nhiên hay mắc phải (vd. TV bẹn, TV rốn, TV não, TV hoành…).
THOÁT VỊ BẸN trạng thái bệnh lí: một cơ quan hay một phần của một cơ quan trong khoang bụng (thường là ruột, mạc nối, vv.) chui lọt qua ống bẹn, đi dần xuống đùi cùng bên. TVB xuất hiện rõ rệt lúc đi nhiều, làm việc nặng, cố sức hoặc rặn; lâu dần thoát vị trở thành thường xuyên. Có 2 loại TVB: 1) TVB bẩm sinh thường gặp xuất hiện ngay hay một thời gian ngăn sau khi sinh (ở trẻ sơ sinh) do ống phúc tinh mạc không bịt kín một phần hay toàn bộ và tạng trong ổ bụng theo đó thoát ra. Một số ít trường hợp thoát vị nhỏ, lúc trẻ lớn có thể khỏi. 2) TVB mắc phải (ít gặp), thường xảy ra ở nam trưởng thành do thành bụng (vùng hố bẹn) yếu; lúc đi hoặc gắng sức, tạng trong ổ bụng qua phần yếu đó thoát ra (ruột, mạc nối, vv.). Điều trị: mổ để khâu chắc lại thành bụng; sau khi mổ, tập thể dục bụng để củng cố lại thành bụng.
THOÁT VỊ ĐÙI thoát vị mắc phải gặp chủ yếu ở nữ do một tạng (ruột, mạc nối) thoát ra khỏi ổ bụng qua vòng đùi xuống phần trên vùng gốc đùi [vùng tam giác Xcacpa, theo tên của Xcacpa (A. Scarpa), nhà giải phẫu học Italia], làm thành một khối mềm ở gốc đùi; xuất hiện rõ lúc đi, đứng nhiều hay cố sức. Điều trị: mổ để khâu kín lỗ vùng đùi.
THOÁT VỊ NGHẼN các tạng (ruột, mạc nối…)trong bao thoát vị đột nhiên bị vòng xơ cổ túi thoát vị thít chặt không đẩy trở lại khoang bụng như thường lệ, gây tắc ruột, cản trở tuần hoàn nuôi dưỡng tạng, gây thiếu máu và hoại tử tạng. Dấu hiệu: đau đột ngột, dữ dội ở cổ bao thoát vị; khối thoát vị trở nên căng, chắc, gõ đục, không đẩy lên được; có dấu hiệu tắc ruột nếu tạng ra ngoài là ruột (x. Tắc ruột). Điều trị: mổ cấp cứu, nếu chậm trễ có thể gây hoại tử.
THOÁT VỊ RỐN một hình thái dị tật của thai nhi: cơ thành bụng, vùng quanh rốn thiếu hoặc yếul các tạng trong bụng thai nhi thoát ra ngoài ổ bụng chỉ còn được bao bởi một màng hoặc bởi da thành bụng. Tình trạng TVR nặng hay nhẹ tuỳ theo vùng yếu rộng hay hẹp, khối tạng thoát ra ngoài nhiều hay ít. Giải quyết bằng phẫu thuật. Đối với TVR kích thước nhỏ: không cần mổ ngay; băng chặt rốn và theo dõi; một số trường hợp có thể tự khỏi.
THÔNG ĐÁI thủ thuật cho một ống thông vào bàng quang qua lỗ niệu đạo và niệu đạo để dẫn nước tiểu ra. Dùng thủ thuật này để thông nước tiểu ở bàng quang ra cho người bị bí đái hoặc để làm các xét nghiệm cần thiết (vd. tìm vi khuẩn khi nghi là người đó bị nhiễm khuẩn đường niệu). Khi TĐ, có thể đưa vi khuẩn ở ngoài vào bàng quang cho nên chỉ TĐ khi thật cần thiết và phải đảm bảo chặt chẽ kĩ thuật vô khuẩn. TĐ còn là một biện pháp điều trị tạm thời cho một số trường hợp bị bí đái do nhiều nguyên nhân khác.
THÔNG KHÍ PHẾ NANG (kí hiệu: VA), lượng khí hút vào tới các phế nang của phổi trong một phút và tham gia vào sự trao đổi khí máu. Được tính theo công thức:
VA = tần suất khí hút vào x (thể tích khí lưu thông – khoảng chết hô hấp).
Có thể hiểu TKPN là sự thanh thải lượng cacbon đioxit (CO2) trong các phế nang (trong đơn vị thời gian tính bằng phút) do cơ thể sản xuất ra để duy trì sự ổn định về nồng độ cacbon đioxit, là tỉ số giữa cung lượng CO2 thở ra với áp lực riêng phần của CO2 trong phế nang. TKPN thay đổi theo tuổi, theo diện tích bề mặt của cơ thể, theo sự chuyển hoá trong cơ thể, theo sự hoạt động của thể lực. Ở người trưởng thành khi nghỉ ngơi, TKPN khoảng 4 lít/phút.
THÔNG TIM kĩ thuật đặc biệt dùng một ống thông nhỏ luồn theo đường tĩnh mạch vào tim phải theo đường động mạch vào tim trái, nhằm chẩn đoán hoặc điều trị cấp cứu nhiều bệnh tim mạch.
THỐNG KÊ Y TẾ một ngành khoa học ứng dụng phương pháp thống kê học vào việc thu thập và xử lý những số liệu y tế (trong mọi khu vực hoạt động của ngành y tế) dựa trên những chỉ số và chỉ tiêu y tế.
THỜI GIAN QUICH *(Ph. Temps de Quick) thời gian đông của huyết tương. TGQ phụ thuộc vào phức hệ prothrombin (yếu tố đông máu II, V, VII, X) và fibrinogen. Bình thường TGQ là 11 – 13 giây. TGQ kéo dài trong trường hợp bệnh suy gan, các bệnh rối loạn đông máu.
THỜI GIAN RỤNG TRỨNG thời gian diễn ra từ lúc trứng thoát từ bao noãn và kết thúc dài hay ngắn tuỳ thuộc vào các giống động vật. Ở lợn cái, TGRT xảy ra khoảng 20 – 23 giờ kể từ lúc bắt đầu động hớn và kéo dài 24 – 30 giờ, có trường hợp kéo dài hơn. Ở bò cái, trứng rụng sau khi kết thúc động dục, khoảng 10 -15 giờ. Ở ngựa cái, trứng rụng kể thừ ngày thứ hai trước khi động hớn và kéo dài thêm 24 giờ trước khi kết thúc động dục; ở cừu cái, rụng trứng xảy ra khoảng 30 – 32 giờ kể từ thời điểm bắt đầu động dục; còn ở thỏ, mèo, rụng trứng xảy ra ngay sau khi giao phối.
THỜI KỲ ĐỘNG DỤC khoảng thời gian diễn ra hiện tượng động dục, x. Động dục.
THỜI KỲ THUYÊN GIẢM BỆNH thời kỳ các biểu hiện của bệnh giảm dần hoặc đi đến khỏi bệnh, hoặc tái phát một đợt mới của bệnh.
THỜI KỲ TIÊN PHÁT giai đoạn đầu của bệnh từ lúc xuất hiện dấu hiệu đầu tiên (sốt, đau, ho…) đến lúc có đầy đủ các dấu hiệu của bệnh. Độ dài của TKTP phụ thuộc vào mỗi loại bệnh, phản ứng của cơ thể, điều kiện môi trường, vv.
THỜI KỲ TOÀN PHÁT thời kỳ bệnh đạt đến đỉnh cao, khi các triệu chứng có đầy đủ về số lượng và cường độ.
THỜI KỲ TRƠ thời kỳ sau khi xung động qua dọc theo sợi thần kinh mà không kích thích nào, dù lớn, có thể gây xung động (TKT tuyệt đối) hoặc chỉ có kích thích quá lớn mới có thể gây xung động tiếp theo (TKT tương đối). Trong thời kỳ này, điện thế tĩnh của màng tế bào được phụ hồi bằng việc bơm tích cực ion natri ra khỏi tế bào. Cùng với TKT còn có thời kỳ nghỉ (x. Thời kỳ nghỉ). TKT, thời kỳ nghỉ đảm bảo cho mô cơ cảm ứng tránh được sự làm việc quá tải và duy trì sự mẫn cảm của hệ thần kinh, đặc biệt là não. TKT và thời kỳ nghỉ bị rối loạn là triệu chứng của sự rối loạn thần kinh.
THỜI KỲ Ủ BỆNH khoảng thời gian từ khi nhiễm tác nhân gây bệnh đến khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh. TKUB tuỳ thuộc vào từng loại bệnh. TKUB có thể kéo dài trong vài giờ, vài ngày (vd. bệnh ho gà có TKUB 72 ngày, uốn ván – khoảng 2 tuần…) hoặc kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm (vd. bệnh phong, hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải).
THỦ DÂM thói quen gây khoái cảm tình dục bằng cách dùng tay mân mê, cọ xát vào bộ phận sinh dục; thường xảy ra ở nam ở tuổi dậy thì, khi các tuyến sinh dục bắt đầu hoạt động mạnh. Thường chấm dứt vào tuổi trưởng thành. Ở người lớn, TD có thể do cá nhân tự thực hiện (vì tâm lí tránh gần phụ nữ), hoặc do một người khác đồng giới thực hiện (một biểu hiện của loạn dâm đồng giới).
THỤ THAI quá trình kết hợp của hai quá trình: thụ tinh giữa trứng và tinh trùng để thành hợp tử và làm tổ của hợp tử thường ở buồng tử cung.
THỤ TINH (tk. hợp giao), quá trình rất cần thiết của sinh sản hữu tính, là kết hợp giao tử đực với giao tử cái để tạo thành hợp tử. Ở động vật, màng giao phối hình thành bao quanh trứng sau khi tinh trùng lọt vào ngăn cản sự xâm nhập của các tinh trùng khác. TT ngoài xảy ra khi các giao tử bị đưa ra ngoài cơ thể bố mẹ trước khi kết hợp, đặc trưng cho động vật bậc thấp ở nước và thực vật bậc thấp. TT trong được thực hiện bên trong cơ thể mẹ và có những cơ chế đặc biệt phức tạp đưa giao tử đực vào đúng vị trí. TT trong thích nghi với đời sống trên cạn và một số ít sinh vật ở nước thứ cấp như cỏ nhãn tử, rùa biển… Ở động vật trên cạn, giao tử đực đặc biệt nhỏ và cần có nước bên ngoài để bơi đến giao tử cái. Các cây con mọc trên đất cần có vỏ không thấm nước mà giao tử đực lại không thể xuyên qua được nên chúng phải được thụ tinh trước khi tách khỏi cơ thể mẹ. TT trong còn bảo đảm việc nuôi dưỡng và bảo vệ phôi non như ở động vật có vú và thực vật có hạt. Ở thực vật, quá trình TT phải phụ thuộc vào nhiều tác nhân khác như gió, côn trùng mang giao tử đực đến giao tử cái, vv. Xt. Thụ tinh nhân tạo.
THỤ TINH KÉP kiểu thụ tinh đặc trưng cho thực vật có hoa: một tinh tử (nhân hạt phấn) kết hợp với trứng để hình thành hợp tử và nhân hạt phấn kia với nhân cực để tạo thành nhân nội nhũ tam bội.
THỤ TINH NHÂN TẠO (tk. truyền tinh nhân tạo), việc chủ động đưa tinh dịch lấy được ở những con đực có đặc điểm mông muốn vào cơ quan sinh dục của con cái. Đwocj áp dụng cho gia súc như cừu, trâu, bò, lợn. Tinh dịch có thể ở dạng pha loãng hoặc động lạnh, dễ chuyển đi xa để thụ tinh một lúc cho nhiều con cái. Trong chăn nuôi, phương pháp này cho phép tăng số lượng đời sau của những con giống đực ưu tú lên gấp 10 – 100 lần và tránh được một số bệnh truyền nhiễm và kí sinh trùng truyền vào đường sinh dục qua giao phối. Trung tâm truyền giống nhân tạo là cơ sở quản lý theo những điều kiện do luật lệ quy định, được giao nhiệm vụ nuôi dưỡng đực giống ưu tú, lấy tinh, pha loãng tinh dịch rồi phân phối qua mạng lưới dẫn tinh viên để dẫn tinh cho súc vật cái (lợn, bò, vv.). Ở Việt Nam, đã nghiên cứu áp dụng TTNT ở lợn (từ đầu năm 1958), bò (1959), trâu (1960), vịt (1978), và gà (1986). Hiện nay, phương pháp TTNT cho lợn, bò, trâu đã được áp dụng rộng rãi trong chăn nuôi.
Ở người, TTNT được áp dụng đối với phụ nữ mong muốn có con mà chồng không có khả năng hoặc vô sinh. Xt. Thụ tinh.
THỤ TINH NHIỀU TINH TRÙNG hiện tượng nhiều tinh trùng xâm nhập vào một tế bào trứng, nhưng chỉ có một tinh trùng thực sự phối hợp với nhân tế bào trứng. Thường gặp ở động vật trứng có noãn hoàng (lòng đỏ) như chim. Ở phần lớn động vật, màng phôi hình thành bao quanh trứng sau khi thụ tinh ngăn cản hiện tượng TTNTT. Ở thực vật có thể có TTNTT theo kiểu khác, khi chỉ có một ống phấn xâm nhập vào túi phôi, song trong thời gian sinh trưởng của ống phấn, các sinh tử được hình thành do một hay một số lần nguyên phân đã tạo nên việc thừa tinh tử.
THỤ TINH QUA ĐIỂM HỢP phương thức thụ phấn ở thực vật hạt kín, trong đó ống phấn xâm nhập vào noãn qua điểm hợp thay cho qua lỗ noãn, gặp ở một số cây như sồi. Xt. Thụ tinh qua lỗ noãn.
THỤ TINH QUA LỖ NOÃN phương thức thụ phấn thông thường ở thực vật hạt kín, trong đó ống phấn xâm nhập vào noãn quan lỗ noãn. Xt. Thụtinh qua điểm hợp.
THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM (A. embryo – transfer; tk. chyển phôi), quá trình thụ tinh giữa trứng và tinh trùng xảy ra bên ngoài cơ thể người mẹ, trong phòng thí nghiệm, thay vì bên trong cơ thể. Ban đầu kĩ thuật này được sử dụng để điều trị vô sinh cho các cặp vợ chồng mà người vợ bị tổn thương nặng ở vòi trứng không thể phục hồi được; về sau kĩ thuật này được mở rộng cho những trường hợpkhác như vô sinh không rõ nguyên nhân, lạc nội mạc tử cung hoặc vô sinh do nam giới. Hiện nay TTTÔN được áp dụng cho các trường hợp xin trứng hoặc mang thai hộ. TTTÔN bao gồm các bước cơ bản sau: kích thích buồng trứng cho nhiều nang noãn phát triển; chọc hút trứng qua ngả âm đạo với sự trợ giúp của siêu âm đầu dò âm đạo; trứng chọc hút sẽ được cho tiếp xúc với tinh trùng đã được xử lý trong một môi trường chuyên biệt; quá trình thụ tinh và sự phát triển của phôi sẽ được bác sĩ phôi học theo dõi cho đến giai đoạn 2 – 8 tế bào, nghĩa là vào khoảng 2 – 3 ngày sau khi chọc hút trứng; phôi sẽ được chuyển trở lại vào buồng tử cung bằng cách cho vào một ống nhựa đặc biệt, đưa qua cổ tử cung và bơm vào buồng tử cung. Người ta thường chuyển khoảng 2 – 3 phôi chất lượng tốt vào buồng tử cung. Các phôi còn lại nếu có chất lượng tốt thường được trữ lạnh để sử dụng lại. Bác sĩ thường cho thuốc thêm để hỗ trợ sự phát triển của phôi trong tử cung. Xét nghiệm thử thai thường được thực hiên 14 ngày sau khi chuyển phôi; nếu dương tính, sẽ siêu âm vào khoảng 2 – 3 tuần sau đê xác định thai trong tử cung. Việc theo dõi thai về sau và sinh con được thực hiện như bình thường. Tỉ lệ chọc hút trứng và tỉ lệ thụ tinh giữa trứng và tinh trùng thường rất cao. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới, tỉ lệ có được em bé sinh sống sau mỗi chu kì điều trị nói chung vào khoảng 15%, do không làm phôi bám được vào tử cung hoặc do sẩy thai sớm. Kĩ thuật này tương đối an toàn, ít biến chứng.
TTTÔN được xem là phát kiến kĩ thuật có ý nghĩa nhất trong việc điều trị vô sinh. Nó cũng là cơ sở để thúc đẩy sự phát triển của nhiều công nghệ làm thay đổi cuộc sống con người. Em bé TTTÔN ra đời đầu tiên trên thế giới là Brao (L. Brown), sinh ngày 25.7.1978 tại Anh. Công trình do Patơrich (S. Patrick) và Robơt (E. Robert) thực hiện. Ở Việt Nam, em bé TTTÔN đầu tiên ra đời là bé Mai Quốc Bảo, sinh ngày 30.4.1998. Công trình do Nguyễn Thị Ngọc Phượng và cộng sự thực hiện tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Thành phố Hồ Chí Minh.
THỦNG LOÉT DẠ DÀY dạ dày bị thủng tại nơi có ổ loétỉơ người mắc bệnh loét dạ dày hoặc ung thư dạ dày (trường hợp sau ít xảy ra). Các dấu hiệu: đau đột ngột, dữ dội như dao đâm ở vùng dạ dày (thượng vị); thành bụng cứng ở vùng thượng vị, lan nhanh ra toàn thành bụng, vv.; chụp Xquang bụng thấy có một liềm hơi dưới hoành. Điều trị: mổ cấp cứu.
THỦNG RUỘT THỪA biến chứng nặng của viêm ruột thừa. Viêm ruột thừa tiến triển rất nhanh, làm hoại tử thành ruột thừa; ruột thừa có thể mưng mủ, sưng to, căng mọng và vỡ; dịch trong ruột thừa chảy vào ổ bụng, gây viêm màng bụng. Trong một số ít trường hợp, mạc nối và các quai ruột đến vây quanh ruột thừa và khu trú ổ viêm, làm thành đám quánh ruột thừa hoặc apxe ruột thừa. Ở Việt Nam, còn có một nguyên nhân gây TRT là giun đũa chui vào lòng ruột thừa làm hoại tử thành ruột thừa. Điều trị: mổ, cắt ruột thừa; thấm hết mủ, làm khô ổ màng bụng. Dự phòng: chẩn đoán sớm và mổ sau khi chẩn đoán, trước 6 giờ kể từ khi có dấu hiệu đầu tiên (đau vùng hố chậu phải, vv.). Mổ sớm cho kết quả tốt; mổ chậm (khi thủng ruột rồi mới mổ) kết quả không tốt, có nhiều biến chứng sau mổ.
THUỐC chất thảo mộc hay hoá chất, là đơn chất hay hỗn hợp có nguồn gốc xác định, được dùng cho người hay sinh vật để chẩn đoán, phòng hay chữa bệnh, để khống chế, cải thiện điều kiện bệnh lí hay sinh lí. T được phân loại theo nhiều cách: theo mục đích sử dụng (thuốc phòng bệnh, thuốc chẩn đoán hay thuốc chữa bệnh); theo tính chất của nền y học (tây y có tân dược; y học cổ truyền có thuốc cổ truyền, thuốc bắc, thuốc nam); theo nguồn gốc (các hợp chất tự nhiên lấy từ thực vật, động vật hay tổng hợp từ phòng thí nghiệm, vv.); theo dạng bào chế (thuốc tiêm, thuốc viên, cao, hoàn, tán…); theo tác dụng chữa bệnh đối với các cơ quan và chức năng cơ thể hay đối với từng loại bệnh (thuốc cảm, thuốc ho, thuốc lợi niệu, vv.). Việc phân loại như trên cũng chỉ có ý nghĩa tương đối, từy theo liều lượng, cách dùng và dạng dùng. Cùng một chế phẩm có thể là T, thức ăn hay chất độc; thực phẩm giàu vitamin có thể được coi là T phòng bệnh thiếu vitamin; nhiều thuốc có thể gây chết người như chất độc vì vô tình hay cố ý dùng sai liều lượng. Trong số hàng chục nghìn loại thuốc lưu hành trên thị trường thế giới, thực ra chỉ vài trăm chất là tối cần thiết được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị trong danh mục T thiết yếu từ 1978. Tên của T trước đây được đặt tuỳ tiện, nay thống nhất dần theo tên thông dụng quốc tế hay không sở hữu quốc tế (INN) và Dược điển Việt Nam. Bên cạnh các loại thuốc tổng hợp và tân dược, những T có nguồn gốc tự nhiên và T cổ truyền có nhiều ưu điểm và được dùng rộng rãi. Tuy có nhiều loại T nhưng vẫn còn nhiều bệnh không có hoặc thiếu T hiệu nghiệm (vd. ung thư, AIDS, bệnh tâm thần, thần kinh, vv.) nhiều loại T trước kia tốt nay giảm hiệu nghiệm (vd. T chống sốt rét…). T dùng đúng có tác dụng phòng chữa bệnh song không phải là vô hại: dùng T là chấp nhận nguy cơ có tác dụng phụ, các phản ứng có hại của T, nhất là đối với T đặc hiệu, T có tác dụng mạnh gây nghiện, T dùng cho trẻ em, người già và người có thai. Cần theo đúng chỉ dẫn của cán bộ chuyên môn trong việc dùng thuốc như về liều lượng, cách dùng, lúc dùng; tránh mua thuốc để tự chữa, tránh lạm dụng và sùng bái bất kì loại T nào; tăng cường dùng T đơn thành phần, giảm dùng T hỗn hợp nhiều thành phần để tránh tương tác T, tránh lãng phí và nguy hại đến sức khoẻ. Một T tốt là T có thành phần xác thực như tên gọi, đúng dạng, đúng liều lượng, bảo quản tốt (chất lượng tốt), dùng đúng bệnh và kịp thời theo chỉ định của cán bộ chuyên môn. Bên cạnh việc dùng T, trong y học hiện đại và cổ truyền còn có nhiều liệu pháp không dùng T, hay dùng kèm ít T.
THUỐC AN THẦN thuốc chấn tĩnh thần kinh, không gây buồn ngủ. Các TAT thường dùng: 1) Aminazin, clorpromazin, có tác dụng an thần, làm trấn tĩnh, ức chế hệ thần kinh giao cảm, chống nôn, làm hạ huyết áp, chống loạn tâm thần thao cuồng, dùng để chuẩn mê; dạng viên nén 25 – 100 mg, liều tối đa 1 lần 0,15 g, trong 24 giờ 0,5 g. 2) Diazepam (seduxen, valium) có tác dụng an thần, làm trấn tĩnh, ổn định hoạt động của hệ thần kinh thực vật, làm thư doãi cơ; dùng trong rối loạn giấc ngủ, suy nhược thần kinh; dạng viên nén 2 – 5 – 10 mg. 3)Meprobamat có tác dụng an thần nhẹ, chống kinh giật, cảm xúc quá mức, loạn thần kinh, rối loạn tâm thần; dạng viên nén 0,2 – 0,4 g; dùng theo chỉ định. Các TAT sản xuất trong nước vẫn thường dùng: xiro brocan, xiro bromua, cao lạc tiên, xiro rotunda, viên sen vông, viên vông nem.
THUỐC BẮC (tk. thuốc nhập), thuốc Đông y nhập chủ yếu từ Trung Quốc (một số cây làm TB đã được di thực tốt ở Việt Nam). Thuốc đã được bào chế thành dạng hàng hoá, tương đối dễ bảo quản hơn thuốc tươi hoặc thuốc sơ chế.
THUỐC BÙ NƯỚC VÀ CHẤT ĐIỆN GIẢI nhóm thuốc có tác dụng khắc phục sự mất cân bằng nước – điện giải. Trong cơ thể người, nước chiếm một tỉ lệ cao, trung bình chiếm 60% thể trọng (50 – 70%), trong tế bào – khoảng 45% dịch toàn phần, trong dịch ngoài tế bào – khoảng 55%. Dịch cơ thể còn chứa những chất điện giải: quan trọng nhất là natri ở dịch ngoại bào, kali ở dịch nội bào; các cation và anion khác. Cơ thể bình thường giữ được cân bằng nước – điện giải. Cân bằng này dễ bị phá vỡ do chấn thương hay bệnh tật (vd. trong trường hợp mất máu, ỉa chảy…).Dung dịch muối thường hay dùng là muối uống bù nước (ORS: Oral Rehydration Saltis) gồm natri clorua, natri xitrat đihidrat, kali clorua, glucozơ. Nếu thiếu gói ORS của y tế , có thể thay bằng dung dịch tự pha: muối ăn (3 – 4 g), đường kính (20 g) pha trong một lít nước đun sôi để nguội (hoặc nước cháo loãng, nước cơm). TBNVAĐG tiêm thông thường là dung dịch natri clorua, glucozơ và natri clorua, kali clorua, natri cacbonat, vv. Do các cơ sở được pha chế và được sự dụng theo chỉ định của thầy thuốc.
THUỐC CAI ĐẺ x. Thuốc tránh thai.
THUỐC CHỐNG CO THẮT nhóm thuốc có tác dụng chống lại sự co không tuỳ ý của một nhóm cơ (co thắt quá mức của các cơ trong cơn gây đau bụng, đau kinh, bí đái, cơn sỏi mật, sỏi thận, co thắt mạch, tâm vị, môn vị, vv.). Có nhiều loại TCCT. Tổ chức Y tế Thế giới giới thiệu: belladone propanthelin bronmua, hỗn hợp clordiazepoxid và clidinium, hyoscin butylbromua, hyoscyamin, spasmocibalgin, spasmoplus để giảm co thắt gây đau bụng; atropin và papaverin có tác dụng tốt, nhưng độc, cần có chỉ định của thầy thuốc (co thắt mạch não, mạch vành). Xt. Thuốc dãn mạch.
THUỐC CHỐNG ĐÁI THÁO ĐƯỜNG nhóm thuốc có tác dụng duy trì nồng độ glucozơ – huyết bình thường trong cơ thể. Có hai loại đái tháo đường: loại cần (phụ thuộc) isulin do cơ thể thiếu hoàn toàn isulin; loại không phụ thuộc isulin (cơ thể vẫn tiết isulin nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu isulin để duy trì nồng độ glucozơ – huyết bình thường). TCĐTĐ cũng chia ra làm 2 loại, dùng cho 2 loại bệnh nhân. 1) Loại thứ nhất chủ yếu là isulin, có tác dụng chính là duy trì sự cân bằng glucozơ trong máu, giúp cho một số tế bào của cơ thể (cơ, mô, mỡ, vv.) sử dụng được glucozơ, giảm sản xuất glucozơ của gan. Sau một bữa ăn, sau khi ruột hấp thu được glucozơ, isulin còn có tác dụng duy trì dự trữ năng lượng của cơ thể trong các cơ, mô mỡ, vv. Có 2 loại isulin: isulin tiêu nhanh, đóng ống 10 đơn vị, tiêm dưới da hay bắp thịt, bắt đầu tác dụng sau nửa giờ, tác dụng giảm glucozơ huyết tối đa 2 – 3 giờ sau, hết tác dụng sau 6 – 8 giờl isulin chậm, gọi là isulin – protamin – kẽm, có tác dụng hạ glucozơ – huyết sau khi tiêm 3 – 6 giờ, tác dụng tối đa vào giờ thứ 18, kéo dài 34 – 36 giờ. 2) Loại thứ hai: sunfamid hạ glucozơ – huyết bằng cách kích thích tuyến tuỵ tiết isulin; biganit (biguanides) làm cho cơ thể thu nhận isulin tốt hơn và tiết kiệm việc sử dụng isulin.
THUỐC CHỐNG ĐÔNG nhóm thuốc có đặc tính chống lại hiện tượng đông máu. Phân biệt hai nhóm TCĐ: thuốc kháng vitamin K (dicumarol, dicumarin) được bào chứa dưới dạng ống (viên), có tác dụng ức chế sự tạo thành prothrombin ở gan, kéo dài thời gian đông máu, tác dụng chậm (xuất hiện sau 36 – 48 giờ), nhưng kéo dài; heparin (TCĐ tự nhiên, có sẵn ở mọi cơ quan trong cơ thể, đặc biệt ở gan, cơ) được bào chế dưới dạng ống tiêm và có tác dụng làm chậm sự tạo thành prothrombin, làm chậm và ức chế sự động máu. Dùng TCĐ (theo chỉ dẫn của thầy thuốc) chủ yếu để điều trị các bệnh tắc mạch máu.
THUỐC CHỐNG GIAO CẢM thuốc ức chế thụ thể bêta: gắn vào thụ thể bêta giải phóng adrenalin, do đó ngăn cản tác dụng của adrenalin và các chất catecholamin đến cơ tim và hệ tuần hoàn (theo một cơ chế đối kháng chạy đua thuận nghịch). Trong các TCGC thuộc hệ thứ nhất, được sử dụng nhiều nhất là propranodol chữa các chứng bệnh đau thắt ngực, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, mạch nhanh kịch phát, vv.; các biệt dược như anaprilil, avlocardyl, dociton, stobetin…Các TCGC thuộc hệ thứ hai (sotalol, timolol) có tác dụng chọn lọc đến tim, thích hợp để điều trị các bệnh cao huyết áp.
THUỐC CHỐNG GIUN SÁN nhóm thuốc có tác dụng diệt trừ giun sán kí sinh trong cơ thể người. Khi dùng TCGS nên chú ý: xét nghiệm phân để biết rõ bị nhiễm loại giun sán nào để dùng loại thuốc thích hợp; tẩy giun sán thường xuyên, kết hợp với phòng bệnh và cải tạo môi trường; chọn thuốc ít độc, giá rẻ; dùng đúng liều lượng và theo chỉ dẫn. Nếu nhiễm một loại giun thì dùng thuốc đặc hiệu với loại đó; nếu nhiễm nhiều loại thì dùng thuốc đa trị có thể chống tất cả hay hầu hết các loại ấy. Vd. mebendazol có thể dùng trị cả giun đũa, giun kim, giun móc, giun tóc, giun lươn; dùng piperazin có thể trị đồng thời giun đũa, giun kim, giun móc, giun tóc, thibendazol có tác dụng với giun lươn, giun kim, giun đũa, giun móc và ấu trùng di động dưới da; praziquantel hiện là tốt tốt nhất, nhưng rất đắt, có tác dụng với sán lá và sán máng.
THUỐC CHỐNG ỈA CHẢY x. Thuốc đi rửa.
THUỐC CHỐNG LOẠN TÂM THẦN (cg. thuốc an thần mạnh), thuốc thường tạo sự bình thản mà không ảnh hưởng đến ý thức. Tuy nhiên, TCLTT không còn được xem là thuốc an thần đơn thuần vì trong điều trị tâm thần phân liệt, tác dụng an thần chỉ là thứ yếu. TCLTT dùng chữa tâm thần phân liệt cấp và mạn tính, rối loạn phân cảm, hội chứng não kèm loạn tâm thần; nấc liên hồi, múa vung, vv. TCLTT chính thuộc nhóm: phenothiazin mà đại diện là clopromazin (thuốc viên, sirô, tiêm) và fluphenazin tiêm; butyrophenon mà đại diện là haloperidol (thuốc viên, tiêm). Tác dụng phụ nghiêm trọng nhất của TCLTT là hội chứng ngoài tháp, có thể khắc phục bằng trihexyphenidyl. Do có tác dụng chỉnh khí sắc, lithi cacbonat (nang hoặc viên) được dùng chữa chứng hưng cảm, phòng trầm cảm và hưng cảm.
THUỐC CHỐNG NẤM nhóm thuốc có tác dụng diệt nấm gây bệnh ở người; về mặt điều trị, có thể chia TCN ra ba nhóm: nhóm thuốc trị các bệnh nấm da, đại diện là griseofulvin (viên hoặc nang) có khả năng tập trung chọn lọc ở vỏ keratin của nấm; nhóm thuốc trị bệnh nấm toàn thân, địa diện là amphotericin B (bột tiêm) và flucytosin (nang, dịch tiêm truyền); nhóm thuốc trị nấm men Candida, đại diện là nystatin (viên, thuốc đặt âm đạo), nhưng cũng dùng amphotericin B hoặc flucytosin cho bệnh nấm Candida toàn thân. Bệnh nấm thường có liên quan tới khuyết tật trong sức đề kháng của người bệnh, vậy phải tìm cách chữa khuyết tật ấy kết hợp với dùng TCN. Xt. Chất diệt nấm.
THUỐC CHỐNG TĂNG HUYẾT ÁP nhóm thuốc được sử dụng trong các liệu pháp thuốc chống tăng huyết áp: thuốc lợi tiểu với liều thấp nhất (thiazid); thuốc chẹn giao cảm bêta (propranodol) dùng phối hợp với một thiazid (lợi niệu); liệu pháp dãn mạch bằng cách dùng thuốc chẹn bêta kết hợp với một thiazid và một thuốc dãn mạch. Như vậy, mỗi bậc của thang liệu pháp tăng thêm về số lượng và loại thuốc. TCTHA thường dùng: hiđralazin (viên) có tác dụng dãn mạch, chống tăng huyết áp; hiđroclorothiazid viên lợi niệu; propranolol chẹn bêta; natri nitroprussiad viên và tiêm truyền có tác dụng dãn mạch; methyldopa viên và reserpin (viên) có tác dụng hạ huyết áp trung tâm.
THUỐC CHỐNG THIẾU MÁU thuốc dùng trong bệnh thiếu máudo hụt sắt; chỉ nên dùng thuốc khi tình trạng hụt sắt được chứng minh; tuy nhiên có thể dùng thuốc phòng khi có thai, thống kinh, cắt bỏ dạ dày, vv. TCTM do hụt sắt là muối sắt (sunfat, gluconat) viên, dịch uống; sắt đextran tiêm tĩnh mạch khi không dùng được thuốc uống. Trong bệnh thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ, dùng axit folic (viên, tiêm), hiđroxocobalamin (vitamin B12) tiêm.
THUỐC CHỐNG TRẦM CẢM (cg. thuốc hưng thần), những loại thuốc nhằm gây hưng phấn tâm thần. Có nhiều loại trầm cảm khác nhau nên có nhiều loại TCTC khác nhau, thầy thuốc phải chọn loại thuốc thích hợp cho từng loại trầm cảm. Các TCTC thông dụng nhất là imipramin, clomipramin, amitriptylin, lithi cacbonat, vv.
THUỐC CO MẠCH thuốc dùng tại chỗ có tác dụng cầm máu hoặc chống phản ứng sung huyết (dung dịch naphazolin 0,1% dùng nhỏ mũi, mắt). Metaraminol và nor-adrenalin là hai thuốc co thắt được chỉ định trong các trạng thái giảm huyết áp cấp (truy mạch và sốc) do dị ứng, nhiễm độc, chấn thương, phẫu thuật, xuất huyết, gây tê tuỷ sống, vv. Cần có chỉ định của thầy thuốc. Các TCM loại giống thần kinh giao cảm (isoprenalin, adrenalin, ephedrin…) được dùng trong khoa tim mạch (x. Thuốc chống giao cảm).
THUỐC CORTICOID x. Corticoid
THUỐC CƯỜNG ĐỐI GIAO CẢM nhóm thuốc tác dụng ưu tiên trên các thụ thể muscarin kích thích cơ trơn và các tuyến, ức chế tim. Acetylcholin là chất cường đối giao cảm điển hình, có tác dụng muscarin cụ thể sau: co đồng tử, tiết nước bọt, nhịp thở chậm, phế quản co thít, nhu động ruột tăng, tăng co bàng quang. Nhóm TCĐGC thứ nhất là các chất kháng enzim cholinesteraza, do đó làm acetylcholin tồn tại lâu và có tác dụng đối giao cảm kéo dài: neostigmin (viên, tiêm) dùng chẩn đoán và chữa bệnh đau cơ nặng: pyridostigmin cũng có tác dụng như neostigmin; chất kháng cholinesteraza chứa photphat hữu cơ (lân hữu cơ) dùng làm nông dược (thuốc trừ sâu) hơn là TCĐGC. Nhóm thứ hai trong TCĐGC gồm những chất khác như carbocol (viên, tiêm) dùng trị bí đái; pilocarpin (dịch nhỏ mắt) làm co đồng tử và chữa glôcôm.
THUỐC CƯỜNG GIAO CẢM (tk. thuốc chống giao cảm), chất trung gian hoá học của hệ giao cảm, chủ yếu là noradrenalin, cadrenalin và đopamin. TCGC có tác dụng trên các cơ quan và tuyến, giống như khi kích thích hệ giao cảm. Về mặt hoá học, gồm các chất dẫn của nhiều nhóm hoá học khác nhau: dẫn chất của amin – diphenol (adrenalin, noradrenalin, isoprenalin…); dẫn chất của amin monophenol (phenylephrin…); dẫn chất của aminphenyl (aphedrin amphetamin…); dẫn chất của imidazol (naphazolin…). Mỗi TCGC có những đặc điểm tác dụng khác nhau và được sử dụng khác nhau. Vd. isoprenalin, dopamin, dobutamin dùng tiêm tĩnh mạch trong chăm sóc tích cực cho các trường hợp suy tim nặng, có tác dụng tức thời và ngắn hạn, làm tăng sự co cơ, làm chậm nhịp tim, vv.
THUỐC DÃN ĐỒNG TỬ nhóm thuốc có tác dụng làm dãn đồng tử. Trong nhãn khoa thường dùng những thuốc kháng cholin (giải đối giao cảm) có tác dụng dãn đồng tử do làm liệt cơ thắt con ngươi, nhằm soi rõ đáy mắt để chẩn đoán bệnh ở mắt. TDĐT chính xếp theo hiệu năng và thời gian tác dụng tăng dần: tropicamid (dung dịch, 3 giờ); scopolamin và homatropin (dung dịch, 24 giờ); atronbin (dung dịch, thuốc mỡ, 7 ngày hoặc lâu hơn). Ngoài ra, có thể dùng adrenalin (dung dịch). TDĐT có thể dẫn tới glôcôm góc đóng cấp ở một số người bệnh, đặc biệt ở người từ 60 tuổi trở lên; cần tránh chỉ định TDĐT cho các bệnh nhân đó và cần tìm hiểu trước bệnh sử gia đình.
THUỐC DÃN MẠCH nhóm thuốc có tác dụng trong các trường hợp mạch máu bị hẹp lại, gây ra các tình trạng bệnh lí, vd. bệnh Râynô [gọi theo tên của Râynô (M. Raynaud), thầy thuốc Pháp] do co mạch đầu chi, co thắt mạch não, có nguy cơ gây hôn mê. TDM ngoại vi với các biệt dược: nicodan, nicyl, axit nicotinic, drotaverin, xavin, vv.; chữa rối loạn tuần hoàn ngoại vi, vữa xơ động mạch, nhức đầu, chóng mặt, nhuyễn não, cước, bệnh Râynô. TDM vành: prenylamin (corontine), nitroglycerin (nitropenton), theophelin, aminophylin, vv.; dùng chữa đau thắt ngực, loạn nhịp tim, phù phổi, vv. Các loại TDM khác như papaverin và các biệt dược: cepaverin, no-spa, atriphos, divascol, vv. Dùng trong trường hợp xơ cứng động mạch não, suy mạch ở người già, chứng tắc nghẽn mạch. Cần có chỉ định của thầy thuốc.
THUỐC DÃN PHẾ QUẢN thuốc dùng chủ yếu để phòng hoặc chữa các cơ hen phế quản. TDPQ chính gồm: thuốc cường giao cảm loại cường bêta 2 như salbutamol (viêm, khí dung, sirô, tiêm); TDPQ cầu trúc xanthin như aminophylin, tốt nhất là loại giải phóng dần, tác dụng kéo dài (viêm liều cao, viêm nhi khoa), aminophylin giải phóng nhanh (viên, tiêm, thuốc đạn) không tốt bằng; thuốc cường giao cảm chung như adrealin tiêm, được dùng trị cơn hen cấp. Ngoài hen phế quản, TDPQ còn dùng chữa tắc đường khống khí khả hồi. Nhiều ca tắc đường không khí khả hồi như viêm phế quản mạn tính hoặc tràn khí cũng giảm nhẹ một phần với thuốc cường bêta 2.
THUỐC DỰ PHÒNG thuốc dùng uống, tiêm theo liều lượng và thời gian quy định để ngăn chặn trước khỏi bị nhiễm bệnh (uống thuốc sốt rét theo liều dự phòng khi đi vào hoặc sống ở vùng có sốt rét nặng để không bị nhiễm bệnh sốt rét; các vacxin uống, tiêm chủng dự phòng chống nhiễm các bệnh bạch cầu, bại liệt, sởi, ho gà, lao, uốn ván, vv.).
THUỐC ĐI RỬA nhóm thuốc có tác dụng khắc phục những tình trạng bệnh lí do đi rửa gây ra như mất nước, mất điện giải, toan hoá dịch thể, bệnh nhân rất mệt và háo. Có nhiều loại: TĐR kháng khuẩn như neomycin, dekamycin, sulphaguanidin, dẫn chất oxyquynolein, berberin, chính lại cân bằng vi sinh ruột như belladon, atropin, hyoscin buttylbromua, papaverin, thuốc phiện (cồn paregoric, viên opizoic); làm se niêm mạc ruôt như cao lanh, bitmut nitrat kiềm, canxi cacbonat, than hoạt tính; bù nước và chất điện giải như dung dịch oresol (gồm natri clorua 3,5 g, natri hiđrocacbonat 2,5 g, kali clorua 1,5 g, glucozơ 20 g pha trong 1 lít nước đun sôi để nguội) uống trong 24 giờ. Dùng oresol cho trẻ em rất tốt.
THUÔC ĐỎ x. Mecurocrom.
THUỐC GÂY MÊ x. Thuốc mê.
THUỐC GHẺ nhóm thuốc có tác dụng diệt cái ghẻ. Có nhiều loại TG: loại TG đơn giản nhất là diethyl phtalat (gọi tắt là DEP) dùng bôi vào chỗ ngứa vào buổi tối, có tác dụng diệt cái ghẻ và chống nhứa; mỡ lưu huỳnh 10% cũng có tác dụng diệt cái ghẻ nhưng có mùi hôi và có thể kích thích da; hỗn hợp benzoat benzyl – xà phòng (20 – 25 %) pha với nước, được dùng bôi lên thương tổn 2 lần trong ngày (mỗi lần bôi 12 phút, cách nhau 10 phút), bôi liền trong 5 ngày; dung dịch natri hiposunfit 60% (dung dịch số 1) và dung dich axit clohiđric (dung dịch số 2), được dùng theo phương pháp Đêmianôvich (lúc đầu bôi dung dịch số 1 nhiều lần trong 5 phút, chờ thuốc khô, bôi tiếp dung dịch số 2), có tác dụng diệt cái ghẻ. Theo kinh nghiệm dân gian, có thể dùng cây ba lá chạc (vò nát, nấu nước tắm) hoặc dùng dầu hạt cây máu chó diệt cái ghẻ. Không dùng lá cây lim vì có thể gây ngộ độc.
THUỐC GIẢI CẢM thuốc gồm một vị hoặc nhiều vị có tác dụng làm thoát mồ hôi để hạ nhiệt và loại các yếu tố gây bệnh (nếu có thể), cùng với tác dụng của sức đề kháng bản thân giúp người bệnh có thể lập lại trạng thái cân bằng ban đầu. Nếu điều đó không thực hiện được, người bệnh phải được khám bệnh, chẩn đoán và điều trị tiếp tục. Trong y học hiện đại, thuốc axit acetylsalicylic, paracetamol, vv. Có tác dụng làm thoát mồ hôi và hạ nhiệt như trên, thường được goi theo tác dụng dược lí cụ thể là thuốc hạ nhiệt, không gọi theo khái niệm chung là TGC. Y học cổ truyền gọi TGC (lá tía tô, lá tre, bài thuốc lá để xông, vv.) là thuốc giải biểu, dùng để đưa ngoại tà (phong, hàn, thấp, nhiệt) ra ngoài bằng đường mồ hôi, chữa những bệnh còn ở biểu, làm cho bệnh không xâm nhập vào bên trong (lí). Tuỳ nguyên nhân bị cảm do hàn hay nhiệt mà thành phần của thuốc thay đổi, gọi là thuốc tân ôn giải biểu và thuốc tân lương giải biểu.
THUỐC GIẢI ĐỘC thuốc dự phòng hoặc loại trừ tác dụng của chất độc. Thuốc tác dụng theo cơ chế: phản ứng hoá học với chất độc, tạo ra chất không độc hoặc chất ít độc hơn; có tác dụng sinh lí như đối kháng với chất độc; tác dụng sinh hoá như phục hồi enzim bị chất độc ức chế; tác dụng lí học như hấp thụ chất độc (x. Tiêu độc).
THUỐC GIẢI NHIỆT 1. Thuốc giảm cảm có tác dụng ra mồ hôi, cho nhiệt tà ở phần biểu da (da, lông) thoát ra ngoài cơ thể.
2. Thuốc làm mát (với tên gọi “chè giải nhiệt”) có tác dụng giữ cân bằng nhiệt độ trong cơ thể, đỡ khát nước, đỡ ra mồ hôi; thường dùng trong mùa hè hoặc cho người làm việc ở môi trường nắng, nóng.
THUỐC GIẢM ĐAU các loại thuốc có tác dụng làm giảm hay làm mất tạm thời (thời gian dài hay ngăn khác nhau) các cơn đau thực thể ở người bệnh, như đau do chấn thương, đau do phẫu thuật, đau vì ung thư, vv. Có hai nhóm TGĐ chính: TGĐ gây nghiện (morphin, phetanyl, promedol…), còn có tác dụng như an thần; TGĐ không gây nghiện (axit acetylsalicylic, paracetamol…), còn có tác dụng hạ nhiệt. Dùng TGĐ gây nghiện phải theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc, vì chúng độc và dễ gây nghiện, nếu dùng quá liều có thể bị ngộ độc, dẫn đến tử vong.
THUỐC HO nhóm thuốc có tác dụng giảm ho: thuốc giảm ho, an thần như thuốc phiện, codein, noscapin, pholcodin, vv.; thuốc giảm ho sát khuẩn nhẹ đường hô hấp như eucalitol, xirô khuynh diệp, xiro chồi thông, xirô an tức hương. Các loại TH đều rất có ích, nhất là cho trẻ em vì ít độc. Có thể phối hợp với thuốc long đờm (xt. Thuốc long đờm). Cần có chỉ định của thầy thuốc.
THUỐC HƯỚNG TÂM THẦN có thể phân chia thành 3 loại: 1) Thuốc liệt tâm thần có tác dụng làm giảm hoạt động tâm thần, gồm: thuốc ngủ, thuốc trấn tĩnh như diazepam, meprobamat; thuốc liệt thần kinh, chủ yếu tác động vào chức năng vận động như clopromazin, thioridazin, haloperidol, lithi cacbonat, vv. 2) Thuốc hồi sức tinh thần làm tỉnh táo, hưng phấn như amphetamin, cafein kích thích tinh thần nhẹ. 3) Thuốc giảm trầm uất, chống trầm cảm như amitriptylin, imipramin, sulpirid.
THUỐC IOT 1. Cồn thuốc iot: hoà tan trong cồn (dung dịch màu nâu) dùng để bôi ngoài, sát khuẩn mạnh.
2. Dung dịch lugol mạnh gồm iot hoà tan trong nước cất, thêm kali iođua; là chế phẩm uống, dùng để điều trị tăng năng tuyến giáp (bệnh Bazơđô).
THUỐC KHÁNG GIÁP nhóm hoá chất có tác dụng ngăn trở một hay nhiều khâu trong quá trình sinh tổng hợp hocmon giáp; được dùng làm thuốc chữa bệnh bướu giáp lan toả nhiễm độc (bệnh Bazơđô). TKG thường dùng: metylthiouracil, propylthiouracil, benzyl thiouracil; iot với liều lượng cao cũng có tính chất như TKG. TKG có thể gây tai biến; giảm bạch cầu hạt, mẩn ngứa ngoài da, đôi khi gây vàng da, bướu giáp hoặc thiểu năng giáp, vv. Cần dùng TKG theo chỉ định của thầy thuốc và theo dõi thường xuyên các tai biến.
THUỐC KÍCH THÍCH HÔ HẤP nhóm thuốc có tác dụng kích thích trung tâm hô hấp ở não làm cho thở sâu hơn, làm tăng thông khí phế nang, tăng áp suất oxi trong máu và thải trừ cacbon đioxit. Dùng TKTHH trong các trường hợp ngạt thở, ngừng thở, suy hô hấp, hôn mê do nhiễm độc, do tai biến của gây mê, vv. Những TKTHH thường dùng: coprapamid và crotetamid, doxapram, almitrin, vv.
THUỐC LONG ĐỜM loại thuốc có tác dụng làm cho đờm loãng, dễ khạc và làm giảm ho. TLĐ thường dùng: natri benzoat, terpin liều nhỏ, vv. Thường dùng xirô cho trẻ em vì dễ uống và ít độc.
THUỐC LỢI MẬT nhóm thuốc kích thích tế bào gan tiết ra mật. Một số TLM chính: mật bò và các muối mật, nghệ, actisô, axit đehiđrocholic (dycholium), cinchophen, sorbitol, vv. Còn có thuốc thông mật với tác dụng kích thích túi mật, đẩy mật đã trữ sẵn vào tá tràng. TLM và thuốc thông mật được chỉ định trong các chứng loạn vận động đường mật (vàng da do viêm ống mật), đầy bụng, chậm tiêu do thiếu mật, táo bón.
THUỐC LỢI TIỂU nhóm thuốc gồm: các dẫn chất thuỷ ngân dùng điều trị phù do suy tim, báng như furosemid, novurit; các chất sunfamit như acetazolamit (diamox), clorothiazid (diurilix), hiđroclorothiazit (esidrex), vv.; các dẫn chất xanthique như theobromin, cafein, vv.; các thuốc khác như aldacton (spirolacton), terian (triamteren), tadlaron (axit etacrylic) cũng được chỉ định theo đơn của thầy thuốc. Lượng nước tiểu ít trong các bệnh viêm cầu thận, viêm thận, suy tim, suy gan, tắc tĩnh mạch, tắc mạch bạch huyết. Cần điều trị nguyên nhân bệnh, có thể dùng phối hợp TLT nếu phù to, báng, cổ trướng.
THUỐC MÊ (cg. thuốc gây mê), thuốc có tác dụng làm mất mọi cảm giác, đặc biệt làm cảm giác đau và mất mọi liên hệ của người bệnh với môi trường xung quanh. Được chia làm 3 loại lớn: TM bốc hơi (ete, clorofom, vv.); TM khí (nitơ đioxit xiclopropan, vv.). TM tĩnh mạch (hexobacbitan, thiopental, ketamin, vv.). Một số TM tĩnh mạch có thể tiêm bắp và đưa vào hậu môn. Có thể dùng thêm các thuốc tiền mê như morphin, pethiđin (dolosal), atropin, scopolamin phối hợp để giảm đau. Các TM và thuốc tiền mê đều có nhiều chống chỉ định, cho nên cần có sự chỉ định và theo dõi của thầy thuốc cho từng bệnh nhân.
THUỐC NAM (tk. Nam dược, thuốc ta), 1. Thuốc Đông y có nguồn gốc Việt Nam.
2. Theo nghĩa hẹp, chỉ các cây thuốc hoặc thuốc từ thực vật hay động vật dùng tươi hoặc sau khi qua sơ chế. Thuốc tươi hoặc chỉ qua sơ chế khó bảo quản, để lâu dễ bị mốc, mọt, biến chất. Cần được chế biến kĩ và bảo quản tốt để có thể giữ được lâu hơn.
THUỐC NGỦ loại thuốc liệt tâm thần, đem lại cho bệnh nhân một giấc ngủ hồi sức. Có 3 loại chính: 1) Các dẫn chất barbituric như barbital gây ngủ nhanh nhưng giấc ngủ ngắn; phenobarbital gây ngủ chậm nhưng mạnh hơn và độc hơn, dùng ngăn cản cơn co giật; butobarbital (soneryl) gây ngủ và giảm đau. 2) Các loại thuốc như cloral hyđrat, gluttethimid…đều ít độc nhưng gây ngủ kém. 3) Các dẫn chất benzodiazepin như diazepam (seduxen, valium), oxazepam, clodiazepoxit, nitrazepam, lorazepam đều thuộc loại thuốc bình thản, giãn lo âu, gây ngủ tốt. Hiện nay, diazepam được ưa dùng vì sau giấc ngủ ít mệt.
THUỐC PHIỆN (tk. A phiến, opi), nhựa khô của quả và cây anh túc (Papaver somniferum). Là khối cứng hay mềm, màu nâu đỏ sẫm, có mùi đặc biệt, vị đắng và gây lượm; chứa 4ancaloit chính (morphin, cođein, papaverin, noscapin hay nacrotin). Có tác dụng giảm đau, giảm ho, gây ngủ và chữa ỉa chảy, đi rửal trẻ em dưới 3 tuổi không được dùng. Là thuốc độc và gây nghiện (thuốc độc bảng A nghiện). Cần dùng theo chỉ định của thầy thuốc. Xt. Ma tuý; Heroin.
THUỐC PHÒNG HEN loại thuốc có tác dụng làm thưa và nhẹ cơn hen, làm giảm liều thuốc dãn phế quản hay corticoid, được dùng trong trường hợp hen phế quản. TPH thông dụng là natri cromoglicat dùng dưới dạng khí dung.
THUỐC RỬA MẮT dung dịch thuốc dùng để rửa mắt. Tuỳ theo mục đích của việc rửa mắt mà dùng dung dịch thuốc khác nhau. Nếu để loại các dị vật lọt vào mắt hoặc loại các chất nhầy, máu, mủ…ở mắt bị nhiễm khuẩn, dùng dung dịch có chất sát khuẩn nhẹ như dung dịch axit boric 3%. Trường hợp bị bắn axit vào mắt, làm mềm vảy cứng ở mi mắt…dùng dung dịch natri hiđrôcacbonat 3,5% để rửa mắt. TRM phải được pha chế theo tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt như thuốc nhỏ mắt.
THUỐC SẮC x. Nước sắc.
THUỐC SỐT RÉT nhóm thuốc có tác dụng phòng và điều trị bệnh sốt rét. Có loại thuốc diệt thể phân liệt và loại thuốc diệt thể giao tử của kí sinh trùng sốt rét. Thuốc diệt thể phân liệt: quinin (x. Quinin), mepacrin (x. Quinacrin), cloroquin (aralen, nivaquine) viên 25 – 50 mg, proguanil (cloriguan, paludrin) viên 50 – 100 mg. Các thuốc dùng phối hợp có sulfadoxin viên 500 mg, sulfon, tetracyclin, lincomycin, viên fansidar gồm 500 mg sulfadoxin và 25 mg pyrimethamin; artemisinin và các chất bán tổng hợp của nó như artemether, artesunat. Thuốc dệt thể giao tử: proguanil, primaquin (avlon) viên 13,2 và 26,4 mg. Các thuốc điều trị sốt rét thường dùng kéo dài 7 – 10 ngày. Để dự phòng, mỗi tuần uống 1 lần 500 mg cloroquin hoặc 300 mg proguanil hoặc 1 viên fansidar cho người lớn. Việt Nam nằm trong vùng sốt rét kháng cloroquin, vì vậy được khuyến cáo dự phòng bằng mefloquin.
THUỐC TÂY 1. Loại thuốc được sử dụng tron y học hiện đại mà trước đây nhập vào Việt Nam từ các nước phương Tây.
2. Loại thuốc nhập nội và sản xuất trong nước bằng phương pháp dược học hiện đại. Ngành y tế đã thay thuật ngữ TT bằng thuốc y học hiện đại để phân biệt với thuốc y học dân tộc.
THUỐC TÊ (cg. thuốc gây tê), x. Gây tê.
THUỐC TIÊU CHẢY x. Thuốc đi rửa.
THUỐC TÍM x. Kali pemanganat.
THUỐC TRÁNH THAI thường là các hoá chất và chia ra làm ba loại: 1) TTT đặt tại âm đạo, chứa các hoạt chất diệt tinh trùng dưới dạng keo, keo đặc, viên trứng, dịch sủi bọt, viên sủi bọt như glyxeril rixinoleat, nonoxynol, octoxynol, phenylmecuric borat, bodecaethylen glycol, vv. 2) TTT uống thường phối hợp với một thành tố động dục ngăn cản trứng làm tổ (estrogen) và một thành tố tiền thai (progestin) thúc đẩy quá trình bóc màng trong tử cung và hành kinh. TTT uống có loại chỉ gồm thành tố tiền thai. TTT uống thông dụng là viên ethinylestradiol – norethisteron, hoặc viên norethisteron. Viên TTT liều nhỏ chỉ chứa progestagen (viên mini) uống hằng ngày, liên tục kể cả những ngày hành kinh. 3) TTT tiêm là dung dịch medroxiprogesteron axetat có tác dụng lâu dài hay dung dịch norethisteron enantat. TTT cấy là những ống chất dẻo đặc biệt, chứa progestagen được cấy dưới da, có khả năng giải phóng đều đặn một lượng nhỏ progestagen hằng ngày đủ để ức chế sự phóng noãn trong thời gian 3 năm. Ngày nay, người ta còn dùng vòng tránh thai có chứa hoạt chất (thuốc) như đồng progesteron. TTT dùng cho nam đang được thí nghiệm. Ngoài TTT, nhiều biện pháp khác (như đình sản) cũng được dùng có hiệu quả.
THUỐC XOA BÓP thuốc ở dạng dung dịch, hỗn dịch, được điều chế bằng cách hoà tan, phân tán dược chất vào dung môi (nước, rượu, dầu, glixerin, dấm, vv.). Khi dùng, tẩm thuốc vào bông, vải gạc bôi lên da rồi xoa bóp để thuốc ngấm dần qua da. Các loại TXB thường dùng và có tác dụng tốt: dầu tràm, dầu khuynh diệp, vv.
THUỐC XÔNG HÍT thuốc ở dạng dung dịch, hỗn dịch chứa một hoặc nhiều hoạt chất, khi hoà tan vào nước nóng, hoạt chất sẽ bay hơi, hơi đó được dẫn vào đường hô hấp qua mũi, miệng bằng dụng cụ chuyên dùng để xông hít. Cũng có thể dùng bình phun mù. Đối với các loại tinh dầu, có thể cho vào một lọ nhỏ để hít, hoặc dùng cao xoa bôi vào trước hai lỗ mũi để hít. TXH có tác dụng chữa bệnh ở đường hô hấp hoặc toàn thân.
THỤT THÁO (cg. thụt rửa), thao tác kĩ thuật đưa một lượng nước ấm (khoảng 1,5 – 2 lít) qua hậu môn vào ruột già bằng một dụng cụ chuyên biệt (bốc cho người lớn; bóng cao su hoặc bơm tiêm to 100 – 250 ml cho trẻ em), với mục đích làm tan rữa phân khô táo trong ruột già, gia tăng áp lực vào thành ruột, kích thích nhu động ruột để tháo phân đối với người hay súc vật bị táo bón lâu ngày, hoặc chuẩn bị cho chụp X quang khung đại tràng hay chụp thận để phát hiện bệnh của đại tràng, thận, vv.
THUỲ một phần có giới hạn rõ ràng, làm thành một đơn vị của một cơ quan như phổi, gan, não.. được giới hạn bởi các khe, rãnh, hoặc một vách mô liên kết. Mỗi T có một cuống mạch máu – thần kinh riêng. Các T có cùng một chức năng chung, cũng có nhiều trường hợp các T của một cơ quan có chức năng hoàn toàn khác nhau, vd. T trước và T sau tuyến yên; các T trán, T chẩm, T thái dương…của đại não. Nhiều T lại chia thành các T nhỏ hơn gọi là phân thuỳ như phân thuỳ gan. Phân thuỳ phổi, vv. Khi có bệnh (ung thư, apxe, vv.) có thể cắt bỏ gọn một hay nhiều T và phân thuỳ.
THUỲ MIÊN PHÂN TÍCH phương pháp khám thần kinh và tâm thần cho người bệnh ngay trong lúc vừa tỉnh giấc mà trước đó bệnh nhân được gây ngủ nhẹ nhàng bằng cách tiêm tĩnh mạch một loại thuốc ngủ. Trong thời gian này, những cản trở tâm thần hữu ý hoặc ngoài ý chí đã biến đi tạm thời, giúp cho bệnh nhân diễn đạt được những ý chí, tình cảm đã bị vùi lấp vô thức. Sự giải phóng này có thể dùng trong điều trị (thuỳ miên tổng hợp, thuỳ miên phân tâm).
THÙY SAU TUYẾN YÊN nếp gấp ở đáy não gồm một khối mô thần kinh đệm nhỏ, hình cầu có các nhánh tận cùng phình ra; những sợi thần kinh trần và một số tế bào biểu mô. Có chức năng dự trữ và tiết hocmon vào máu động vật có xương sống bậc cao: oxitoxin làm co cơ tử cung, vesopresin làm co mạch và tăng huyết áp. Các hocmon này được tiết ra trong vùng dưới đồi thị do tế bào thần kinh tận cùng nằm trong TSTY.
THUỶ ĐẬU x. Bệnh thuỷ đậu.
THUỶ TINH DỊCH một cách gọi khác của dịch thuỷ tinh (x. Dịch thuỷ tinh).
THUYẾT DI TRUYỀN NHIỄM SẮC THỂ thuyết cho rằng các nhiễm sắc thể với các gen khu trú trong chúng là vật chất chủ yếu mang tính di truyền. Có những luận điểm cơ bản: 1) Trong các tế bào phát sinh từ hợp tử thì bộ nhiễm sắc thể gồm có hai nhóm giống nhau: một có nguồn gốc từ mẹ là ế bào trứng; một có nguồn gốc từ bố là tinh trùng. Các gen nằm trên các nhiễm sắc thể, phân bố theo mạch thẳng, tạo thành nhóm liên kết. Số nhóm này bằng số nhóm đơn bội của nhiễm sắc thể. 2) Các nhiễm sắc thể giữ nguyên tính chất cá thể về cấu trúc và di truyền trong suốt chu kì sống của một cơ thể. 3) Trong giảm phân, giữa các nhiễm sắc thể tương đồng có thể xảy ra trao đổi chéo, tần số chéo tỉ lệ thuận với khoảng cách giữa các gen. TDTNST được Xăttơn (W. W. Sutton) và Bôveri (T. Boveri) đề xướng 1902 – 1903, được Mogân (T. Morgan) và các cộng sự hoàn thiện vào 1919 – 1915.
THUYẾT TẾ BÀO thuyết cho rằng tất cả mọi sinh vật đều cấu thành từ các tế bào và sản phẩm của nó, chúng sinh trưởng, phát triển do sự phân chia và biệt hoá các tế bào. Quan niệm này do kết quả của nhiều nghiên cứu vào đầu thế kỉ 19 đến năm 1839 được Slâyđen (M. J. Schleiden) và Swan (T. Schwann) trình bày hoàn chỉnh.
THUYẾT THẦN KINH thuyết cho rằng tế bào thần kinh là đơn vị cấu trúc và chức năng cơ bản của hệ thần kinh, nó tác động lên tế bào thần kinh khác thông qua synap.
THUYẾT THÔNG TIN CẢM XÚC thuyết do nhà tâm lí học Nga Ximônôp (P. V. Simonov) đề xuất, cho rằng cảm xúc nảy sinh do thiếu hoặc thừa thông tin cần thiết để cơ thể đạt được mục đích nào đó, tức là thoả mãn được một nhu cầu nào đó. Thừa thông tin thì có cảm xúc dương tính (thoải mái, dễ chịu…); thiếu thông tin thì sẽ có cảm xúc âm tính (căng thẳng, bồn chồn, khó chịu…). Nội dung trên biểu đạt bằng công thức C = N (T – t); C là cảm xúc; N – nhu cầu; T – thông tin cần có; t – thông tin hiện có. Thuyết này nói lên mối liên hệ giữa cảm xúc và nhu cầu, đồng thời cũng cho thấy vai trò cua thông tin về những điều kiện thoả mãn nhu cầu đối với sự nảy sinh cảm xúc.
THUYẾT VỎ NÃO – NỘI TẠNG x. Thuyết tâm thể.
THƯ DÃN trạng thái thả lỏng, dãn mềm, giảm tối đa trương lực của các cơ bắp để cho thần kinh, tâm hồn được thư thái. TD có thể không chủ định (như lúc sắp ngủ) hoặc có chủ định (như trong tập luyện, tĩnh toạ, thiền, vv.). Khi TD, trương lực cơ bắp giảm dần, ở người có huyết áp cao thì huyết áp hạ, nhịp tim chập hơn, vv. TD được coi như phương pháp bổ trợ trong tập luyện thể dục thể thao, tập luyện tự sinh, dưỡng sinh, thường có hiệu quả cao trong rèn luyện sức khoẻ. Dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc, người bệnh sẽ tự ám thị để điều chỉnh các rối loạn trong cơ thể do các trạng thái căng thẳng hay do tự ám thị gây ra.
THỬ NGHIỆM MIỄN DỊCH PHÓNG XẠ phương pháp để tìm nồng độ hocmon peptit trong hệ thống sinh học. Các đồng vị phóng xạ được dùng để đánh dấu mà sau đó được đưa cùng với các kháng thể đặc hiệu vào các mô hoặc dung dịch cần phân tích. Số hocmon đánh dấu liên kết với kháng thể đếm được chỉ ra mối tương quan trong mẫu (vì hocmon không đánh dấu cạnh tranh để ngăn chặn sự kết hợp của hocmon đánh dấu). Nồng độ hocmon không đánh dấu có thể tìm thấy bằng cách so sánh mức độ ức chế do cạnh trạnh tạo ra với độ chuẩn.
THỬ NGHIỆM SINH HỌC kĩ thuật thực nghiệm trên cơ thể sinh vật nhằm đo cường độ cũng như số lượng các hoạt động sinh học của chúng do tác động hoá học. Vd. hocmon giới tính anđrogen gây nên sự tăng trưởng của mào gà sống thiến. Số đo sự tăng trưởng của mào gà trong điều kiện tiêu chuẩn được đối chiếu để đánh giá hoạt tính của hocmon. TNSH cũng được áp dụng tốt đối với thực vật.
THỬ NGHIỆM TRONG CƠ THỂ SỐNG (cg. thử nghiệm in vivo), theo dõi các phản ứng sinh học (qua các thao tác kĩ thuật) diễn ra trên cơ thể sống, hoặc của con người (vd. quan sát lâm sàng học), hoặc của súc vật (bằng thực nghiệm). Vd. tiêm B. C. G cho người để gây nhiễm lao, có thể tạo ra những phản ứng miễn dịch, tránh mắc bệnh lao. Thử nghiệm này được coi là thử nghiệm “in vivo”. Một thử nghiệm đặc sắc của y học hiện đại là đã kết hợp thành công việc thụ tinh trong ống nghiệm với cấy phôi từ ống nghiệm vào buồng tử cung người mẹ (in vivo) để tạo nên con người hoàn chỉnh như bình thường.
THỬ NGHIỆM TRONG ỐNG NGHIỆM (cg. thử nghiệm in vitro), theo dõi các phản ứng sinh học (qua các thao tác kĩ thuật) diễn ra trong các ống nghiệm. Vd. để kiểm tra tác dụng của kháng sinh streptomycin đối với trực khuẩn lao, người ta cho streptomycin vào ống nghiệm đã có các khuẩn lạc lao mọc; kết quả là vi khuẩn lao không phát triển được. Thử nghiệm này được gọi là thử nghiệm in vitro. Ngày này, y học hiện đại đã có thể cấy phôi trong ống nghiệm để chuẩn bị cho thụ tinh nhân tạo, cũng có thể cho thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm để phát triển thành phôi (giai đoạn in vitro) và sau đó lại cấy phôi vào trong tử cung của một phụ nữ (giai đoạn in vivo) để phôi tiếp tục phát triển và thành thai nhi. Xt. Thụ tinh trong ống nghiệm.
THỨC ĂN BỔ SUNG 1. x. Thức ăn hỗn hợp.
2. Hỗn hợp thức ăn không có giá trị dinh dưỡng (không chứa năng lượng hoặc các chất dinh dưỡng khác) bổ sung vào thức ăn nhằm phòng bệnh hoặc nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Nhóm TĂBS này gồm các chất kháng khuẩn, các chế phẩm sinh học, các loại axit hữu cơ, các chất chống oxi hoá, các chất tạo mùi thơm, các enzim trợ giúp tiêu hoá, vv. Các chất kháng khuẩn (kháng sinh và hoá chất) được bổ sung vào thức ăn với lượng rất nhỏ nhằm phòng bệnh và ức chế vi sinh vật có hại ở đường ruột, góp phần nâng cao sinh trưởng của vật nuôi, nhưng phải đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Các chế phẩm sinh học thường là các hỗn hợp vi khuẩn và nấm men bổ sung vào thức ăn nhằm tạo ra hệ vi sinh vật đường ruột cạnh tranh với vi sinh vật có hại ở đường ruột, góp phần làm giảm hàm lượng amoniac trong đường ruột và máu, do đó có tác dụng tốt đến sinh trưởng của vật nuôi.
THỨC ĂN KHOÁNG loại thức ăn bổ sung chứa các muối khoáng không độc hại của các nguyên tố canxi, photpho, natri, clo, kali, magie, sắt, đồng, kẽm, coban, iot, vv. Có 2 nhóm TĂK: khoáng đa lượng và khoáng vi lượng. 1) TĂK đa lượng chứa các nguyên tố khoáng. Hằng ngày gia súc, gia cầm cần một khối lượng đáng kể: canxi, photpho, natri, clo, magie, kali…được tính bằng gam trong 1 kg thức ăn. Trong số các nguyên tố trên, canxi và photphho là 2 chất khoáng mà gia súc, gia cầm cần nhiều nhất vì chúng là thành phần chính của xương và răng, giữ vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ thần kinh, hệ cơ và xương và giữ ổn định áp suất thẩm thấu của máu. Nếu thiếu hụt chúng trong khẩu phần, vật nuôi sẽ còi xương, chậm lớn và yếu ớt. Để bổ xung canxi, photpho cho vật nuôi, dùng bột đá vôi, bột vỏ sò, vỏ trứng, vôi bột, bột xương và một số muối vô cơ không độc như canxi hiđrophotpho Ca(H2PO4)2, canxi photphat Ca3(PO4)2, amoni hiđrophotphat (NH4)2HPO4, amoni đihiđrophophat NH4H2PO4, vv. Người ta cũng sử dụng muối ăn NaCl để bổ sung natri và clo. Ở những vùng núi cao người ta còn dùng than củi để bổ sung khoáng đa lượng cho gia súc. 2) TĂK vi lượng chứa các chất nguyên tố sắt, đồng kẽm, mangan, coban, iot, selen, nolipđen…ở dạng muối không độc. Hằng ngày, gia súc, gia cầm chỉ cần một lượng rất nhỏ (tính bằng mg trong một kg thức ăn) nhưng không thể thiếu vì chúng là thành phần của nhiều hocmon, enzim và có mặt trong tất cả các mô của tế bào. Vd. sắt là thành phần của huyết sắc tố, hồng cầu, iot là thành phần của thyroxin – hocmon tuyến giáp trạng, vv. Trong thức ăn gia súc không đủ khoáng vi lượng, có thể sử dụng premix khoáng để bổ sung cho gia súc, gia cầm, nhằm đạt hiệu quả chăn nuôi cao.
THỨC ĂN NHIỀU NƯỚC (tk. thức ăn cồng kềnh), thức ăn gia súc có tỉ lệ nước cao như củ, quả, rong, rau, bèo, bã, bã đậu, bỗng rượu, bã bia, vv. Trong 1 kg TĂNN thường chứa 0,1 – 0,3 kg chất khô; giá trị dinh dưỡng rất khác nhau. Thức ăn củ, quả giàu tinh bột nhưng lại nghèo protein, có tác dụng rất tốt đối với bò sữa, nhưng khi dùng cho gia súc có dạ dày đơn cần phải bổ sung thức ăn giàu protein. Thức ăn củ, quả như bí đỏ, cà rốt giàu caroten, vitamin nhóm B và đường dễ hoà tan có tác dụng rất tốt cho bò sữa cao sản, TĂNN gồm bã sắn, bã đậu, bỗng rượu, rỉ mật…xếp vào nhóm phụ phẩm công nông nghiệp hay nhóm thức ăn nhiều xơ hoặc nhiều tinh bột đường. Các loại phụ phẩm này thường được dùng phối hợp với thức ăn thô cho gia súc nhai lại hoặc thức ăn tinh cho gia súc dạ dày đơn.
THỨC ĂN THÔ các loại thức ăn thực vật có tỉ lệ nước thấp nhưng hàm lượng chất xơ khá cao (20 – 40% tính trong chất khô) như cỏ khô, rơm rạ, thân cây ngô già, thân lá đậu đỗ sau thu hoạch…dùng làm thức ăn cho gia súc nhai lại. Giá trị dinh dưỡng của TĂT không cao, nhưng là nguồn thức ăn rẻ tiền, dễ dự trữ và sẵn có ở nông thôn. Chất xơ trong TĂT gồm xenlulozơ, hemixenlulozơ liên kết chặt chẽ với thức ăn xanh, củ quả…sẽ mang lại hiệu quả cho chăn nuôi. Bê nghé được tập ăn sớm TĂT giúp cho dạ dày 4 túi và đường ruột phát triển tốt. Trong nhóm TĂT, cỏ khô có giá trị dinh dưỡng cao nhất, là nguồn thức ăn chính trong mùa đông và mùa khô cho trâu, bò. Cỏ khô tốt nhất là cỏ khô cây họ Đậu hoặc cây họ Lúa hỗn hợp với cây họ Đậu chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng như gluxit, protein, chất khoáng, nhưng nghèo caroten. Ngược lại, rơm rạ tuy có khối lượng và chứa một lượng lớn gluxit tiềm tàng, nhưng lại rất nghèo protein và chất khoáng; nếu được kiềm hoá (chế biến bằng ure, amoniac…) giá trị sử dụng sẽ tăng lên. Khối lượng TĂT trong khẩu phần phụ thuộc vào giống, năng suất vật nuôi và chất lượng khẩu phần. Khi khẩu phần có nhiều củ, quả, cỏ non, thức ăn tinh hay thức ăn dễ lên men trong dạ cỏ, có thể tăng tỉ lệ TĂT trong khẩu phần.
THỨC ĂN TINH x. Thức ăn chăn nuôi.
THỨC ĂN XANH thức ăn chăn nuôi gồm thân, lá của cây họ Lúa, cây họ Đậu, thực vật thuỷ sinh và các cây trồng khác cũng như cành ngọn các cây bụi mọc hoang dại…được sử dụng ở dạng tươi làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Tỉ lệ nước trong TĂX khá cao (60 – 85%), đôi khi cao hơn. TĂX chứa hầu hết các chất dinh dưỡng cần thiết cho vật nuôi và dễ tiêu hoá. Gia súc nhai lại có thể tiêu hoá trên 70% các chất hữu cơ trong TĂX. TĂX chứa một lượng lớn xenlulozơ, hemixenlulozơ, tinh bột và đường dễ hoà tan. Ngoài ra, còn chứa một lượng đáng kể protein dễ tiêu, chất khoáng, vitamin và nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học khác nhau. TĂX còn non có giá trị dinh dưỡng cao hơn và dễ tiêu hoá hơn. TĂX giàu caroten (tiền vitamin A), đặc biệt trong các cây họ Đậu còn chứa phytoơstrogen, hợp chất này làm tăng trao đổi chất ở dạ cỏ và có ảnh hưởng tốt đến quá trình sinh trưởng và sinh sản ở gia súc, gia cầm. TĂX thuộc nhóm họ Lúa rất phong phú và đa dạng, bao gồm các loài cỏ tự nhiên, cỏ trồng, cây ngô non…; ở nhóm họ Đậu chỉ có một số ít loài như cỏ stylo, cây keo giậu và một số loài họ Đậu hoang dại mọc trên đồng cỏ. TĂX còn bao gồm thân, lá, ngọn non của các loại cây bụi…được sử dụng trong chăn nuôi. Ở Việt Nam, rất nhiều loài thực vật thuỷ sinh được coi là nguồn TĂX, phong phú sẵn có ở nông thôn, gồm: rau muống, rau lấp, bèo cái, bèo tấm, bèo tây, bèo hoa dâu và các loài rong, tảo nước ngọt và nước mặn, vv. Đối với gia súc ăn cỏ nuôi với mục đích cày kéo hoặc nuôi lấy thịt với mức năng suất trung bình, người ta chỉ dùng TĂX là nguồn thức ăn chính đã cho kết quả tốt; đối với bò sữa, bò thịt nuôi thâm canh, cần thiết bổ sung thêm một lượng nhất định thức ăn tinh bột. Theo phương thức chăn nuôi truyền thống. TĂX rất cần thiết cho lợn và gia cầm, hàng ngày 1 lợn nái cần được cung cấp 4 – 8 kg TĂX tuỳ theo giống; 1 lợn thịt cần cho ăn 2 – 4 kg tuỳ theo lứa tuổi; 1 gia cầm đẻ trứng cần 50 – 70 g TĂX.
THỰC QUẢN ống nối xoang miệng hoặc hầu với dạ dày. Lót trong TQ là lớp màng nhầy gấp nếp làm cho TQ có thể co dãn khi thức ăn đi qua. Ở động vật có xương sống, TQ có hai lớp: lớp cơ dọc và lớp cơ vòng bao quanh. Các cơ co bóp nhịp nhàng tạo nên nhu động chuyển thức ăn xuống dạ dày. Ở chim và côn trùng, TQ gồm cả diều. TQ là ống dẫn và đẩy thức ăn xuống dạ dày. Đoạn trên nhờ có tầng cơ vân đẩy thức ăn xuống đoạn dưới; đoạn dưới có lớp cơ trơn co rút theo kiểu nhu động, bên trong TQ có các tuyến. TQ vị vừa tiết nước vừa tiết dịch nhầy.
THƯƠNG HÀN 1. x. Bệnh thương hàn.
2. Tên một bệnh ngoại cảm, do hàn tà xâm phạm vào phần da, lông của cơ thể gây nên (cg. Hàn, cảm lạnh).
3. Tên chung của các bệnh ngoại cảm gây sốt do ngoại tà xâm phạm vào 6 kinh: 3 kinh dương (Thái dương, Dương minh, Thiếu dương) và 3 kinh âm (Thái âm, Thiếu âm, Quyết âm). Sáu kinh đó được xếp theo thứ tự từ ngoài và trong. Mỗi kinh có một hội chứng cơ bản. Tuỳ diễn biến của bệnh có thể có những triệu chứng khác nhau và bài thuốc điều trị thích hợp. Cụ thể là bệnh Thái dương, bệnh Dương minh, bệnh Thiếu dương, bệnh Thái âm, bệnh Thiếu âm, bệnh Quyết âm, với những diễn biến bệnh lí riêng của từng bệnh và bài thuốc điều trị thích hợp với từng loại diễn biến bệnh lí. Thông thường, ngoại tà xâm phạm vào cơ thể theo quy luật chung từ nông (biểu, dương) vào sâu (lí, âm) (x. Nguyên nhân bệnh). Đối với các bệnh TH, sự truyền biến của ngoại tà được cụ thể hoá như sau: ngoại tà xâm phạm vào Thái dương; nếu chính khí yếu không chống đỡ được thì bệnh tà vào Dương minh hoặc Thiếu dương. Ở 3 kinh dương này, ngoại tà gây nên chứng dương, có sốt. Đó là chứng thực, có sự đấu tranh mạnh giữa chính khí và tà khí. Nếu chính khí vượng dần, ngoại tà yếu dần thì bệnh khỏi dần. Song nếu chính khí tiếp tục suy thì ngoại tà thừa cơ tấn công vào phần lí của 3 kinh âm. Mới đầu vào Thái âm, rồi Thiếu âm, rồi Quyết âm. Song không nhất thiết phải như vậy. Ngoại tà có thể theo quan hệ biểu lí giữa 2 kinh âm dương từ Thái dương truyền vào Thiếu âm, từ Dương minh truyền vào Thái âm, từ Thiếu dương truyền vào Quyết âm. Nếu chính khí quá yếu, không ngăn chặn được sự tấn công mạnh mẽ của tà khí thì ngoại tà có thể xâm phạm thẳng vào lí (thường thấy bệnh Thái âm, Thiếu âm) mà không qua giai đoạn gây bệnh ở phần dương, gọi là trực trúng. Có một quy luật chung là ngoại tà phần lớn từ biểu (dương) vào lí (âm), bệnh từ thực đến hư. Song nếu chính khí hồi phục và mạnh dần, sức tấn công của ngoại tà yếu dần thì bệnh tà có thể từ lí bị đẩy ra biểu, bệnh hư chuyển thành thực như bệnh Thái âm thành bệnh Dương minh phủ, bệnh Thiếu âm thành bệnh Thái dương phủ, bệnh Quyết âm thành bệnh Thiếu dương, vv. Diễn biến trên là do những yếu tố sau tác động lẫn nhau quyết định:sức tấn công của ngoại tà mạnh hay yếu, chính khí mạnh hay yếu, điều trị đúng hay không, chăm sóc tốt hay không. Nếu bệnh nhân yếu, chính khí suy thì bệnh ở dương sẽ chuyển nhanh vào âm. Nếu điều trị đúng, chăm sóc tốt, bệnh ở âm có thể chuyển sang bệnh ở dương.
THƯƠNG HÀN NHẬP LÍ trạng thái bệnh thương hàn (x. Thương hàn) có ngay triệu chứng ở lí (Thái âm, Thiếu âm) hoặc bệnh đang ở phần dương (Thái dương, Dương minh, Thiếu âm) chuyển nhanh vào phần âm (Thái âm, Thiếu âm, Quyết âm), do sức tấn công của ngoại tà (hàn tà) mạnh và chính khí suy yếu. Chính khí suy yếu có thể do cơ thể vốn yếu, hoặc điều trị không đúng, hoặc chăm sóc không tốt làm chính khí suy sụp nhanh. Vd. một người mới mắc bệnh thương hàn mà nôn, ỉa lỏng, chân tay không ấm, không khát nước ngay; đó là hàn tà đã trực tiếp xâm phạm vào Thái âm (bệnh Thái âm). Nguyên nhân: hàn tà mạnh và người bệnh có tì thổ hư hàn, chính khí suy. Trong điều trị phải ôn trung tán hàn. Hoặc một người mới mắc bệnh thương hàn mà có ngay trạng thái lơ mơ, chân tay lạnh, người lạnh, nằm co, mạch vi tế; đó là hàn tà đã trực tiếp xâm phạm vào Thiếu âm (bệnh Thiếu âm). Nguyên nhân: hàn tà mạnh, bệnh nhân có tâm thận dương hư. Phép chữa phải hồi dương cứu nghịch. Hoặc một người mắc phải thương hàn có chứng đầy và cứng ở tâm hạ (dạ dày) trong điều trị dung nhầm thuốc công hạ đã làm chính khí suy yếu nhanh, hàn tà từ dương minh thừa cơ xâm nhập vào Thái âm, Thiếu âm. Phép chữa là trợ dương chỉ tà. Nếu cầm được ỉa chảy thì mới cứu được người bệnh.
THƯƠNG VONG tổn thất về sinh lực trong tác chiến. Là một trong những chỉ số dùng để đánh giá hiệu suất chiến đấu và bổ sung quân số. Sau chiến đấu, TV được phân loại tỉ mỉ theo tình trạng và số lượng cụ thể của từng loại: bị thương, chết, mất tích.
THƯỢNG THỌ (cg. Khao thượng thọ), lễ mừng người cao tuổi. Trong xã hội truyền thống của người Việt (Kinh), vào dịp đầu năm, người ta thường tổ chức khao TT. Đây là lễ mừng thọ các cụ già 70 tuổi – những người được xem là sống lâu. Đồng thời cũng là lễ mừng của con cháu, vì cha mẹ có sống lâu thì con cái mới được phụng dưỡng, thể hiện đạo hiếu. Lễ khao TT được tổ chức trong gia đình, chủ yếu mang tính gia đình, khác với lễ lên lão (gọi là lễ ra nhiêu), diễn ra ở đình làng, chủ yếu mang tính xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh việc sửa lễ để cáo gia tiên, con cháu cũng sắm lễ để cúng tại đình. Trong lễ TT, cha mẹ trong trang phục trang trọng, ngồi trên sập kê giữa nhà, con cháu lần lượt đến kính cẩn dâng rượu (thọ) và đào (tiên), rồi lễ bái cha mẹ, sau đó mời các cụ dự tiệc mừng. Trong lễ này, ngoài con cháu trong nội bộ gia đình, còn có họ hàng nội ngoại gần xa, lân gia và khách mời đến chúc mừng, chứng kiến niềm hạnh phúc của các cụ và con cháu. Lễ mừng TT là một nét đẹp của văn hóa Việt Nam.
TỈ SUẤT TĂNG DÂN SỐ (cg. tỉ suất tái sinh sản dân số), số trung bình em bé gái được sinh ra bởi một người phụ nữ hay một nhóm phụ nữ, sống và phát triển khoẻ mạnh, đến tuổi sinh đẻ, đồng thời cũng tuân theo quy luật sinh và tử theo các nhóm tuổi đặc thù. Như vậy, TSTSXDS là thước đo mức dân số có yếu tố sinh và tử. Thường dùng NRR để biểu thị tỉ suất này theo công thức:
Trong đó, Bo là số trẻ em gái sinh ra sống ở độ tuổi 1 năm tuổi; Lx – hệ số sống của phụ nữ ở độ tuổi x; Lo – hệ số sống của trẻ em gái độ tuổi 1 năm tuổi; Wx – hệ số phụ nữ trong độ tuổi x; Bx – số trẻ em gái được sinh ra sống bởi một phụ nữ ở độ tuổi x. TSTSXDS mô tả tiềm năng của sự tăng trưởng dân số theo những tiêu thức riêng có tính đến các yếu tố sinh đẻ và tử vong theo nhóm tuổi. Nếu NRR bằng 1 hay tiến gần bằng 1 thì sau một khoảng thời gian đủ dài (khoảng 80 năm) dân số của quốc gia đạt đến sự ổn định, nghĩa là đảm bảo sự thay thế. Nếu NRR lớn hơn 1 thì tốc độ tăng trưởng dân số sẽ cao và ngược lại, nếu NRR nhỏ hơn 1 thì không có khả năng thay thế dân số, dân số sẽ giảm. Trong điều kiện hiện nay, nhiều quốc gia đã xem NRR bằng 1 là mục tiêu dài hạn của các chính sách dân số. Ở Việt Nam, trong chiến lược dân số và kế hoạch hoá gia đình, chúng ta mong muốn đến năm 2050 sẽ đạt được NRR bằng 1, đảm bảo cho dân số phát triển ổn định.
TIA CỰC TÍM (tk. Tia tử ngoại), x. Bức xạ tử ngoại.
TIA HỒNG NGOẠI x. Bức xạ hồng ngoại
TIA RƠNGHEN (cg. Tia X, X quang), bức xạ điện từ, mắt người không nhìn thấy, có những tính chất tương tự như ánh sáng thường (truyền theo đường thẳng, bị khúc xạ, phân cực và nhiễu xạ), có bước sóng cỡ từ 10-5 đến 102 nm. Truyền qua được những vật chất không thông suốt đối với ánh sáng thông thường (ánh sáng thường không đâm xuyên qua được) như vải, giấy, gỗ, da, thịt. Được phát ra khi các electron đang chuyển động nhanh (hoặc các hạt mang điện khác như proton) bị hãm bởi một vật chắn và trong quá trình tương tác giữa bức xạ với vật chất (khi đó ta thu được phôt vạch). Nguồn thông dụng là ống TR, một số đồng vị phóng xạ. Theo quy ước được chia thành loại sóng ngắn (bức xạ cứng) và loại sóng dài (bức xạ mềm), có khả năng đam xuyên vật chất tăng theo tốc độ của các electron bị hãm. Được sử dụng rộng rãi trong khoa học, để nghiên cứu cấu trúc tinh thể, cấu tạo nguyên tử; trong kĩ thuật, để thăm dò khuyết tật kim loại, phân tích nguyên tố, phân tích cấu trúc. TR có khả năng phân huỷ các muối bạc trên phim và giấy ảnh, nên được sử dụng trong y học để chụp hình (chiếu/ chụp X quang) để chẩn đoán bệnh. TR còn có khả năng ion hoá chất khí và gây phát xạ huỳnh quang đối với nhiều loại vật chất, đặc tính này được sử dụng trong chẩn đoán hiển vi huỳnh quang. TR gây tác động sinh học lên cơ thể sống, kích thích ức chế một số tế bào, mô nên được ứng dụng để chữa trị một số bệnh như diệt các khối u ác tính, vv.
TIA X (tk. Tia Rơnghen), Tia Rơnghen.
TÍA THỊ GIÁC sắc tố nhạy cảm ánh sáng đỏ sẫm nằm trong que thị giác của võng mạc của nhóm cá biển và phần lớn động vật có xương sống bậc cao.
TÍCH DỊCH VÒI TRỨNG tình trạng tích dịch trong vòi trứng, thường xảy ra ở giai đoạn cuối của viêm mủ vòi trứng; một thể của viêm phần phụ. Có thể chỉ xảy ra ở một bên vòi trứng, có nhiều thuỳ, nhiều múi, hay ở cả hai bên vòi trứng. Dấu hiệu: sốt nhẹ, đau vùng hố chậu và phía thắt lưng, đau khi hành kinh, có thể ra khí hư, vv.
TIÊM (cg. Chích), biện pháp dùng kim tiêm chọc vào cơ thể, sau đó dùng bơm tiêm (có nhiều loại với dung tích khác nhau: 1 ml, 2 ml, 5 ml, 10 ml, …) bơm chất dịch (thuốc, chất khử khuẩn) qua kim tiêm vào cơ thể. Tuỳ theo địa điểm bơm thuốc, có: T tĩnh mạch, T động mạch, T dưới da, T tuỷ sống, T bắp thịt, vv. Cần triệt để tuân theo nguyên tắc: vô khuẩn dụng cụ tiêm, vùng T, bàn tay người T để tránh apxe, lây bệnh; không dùng một bơm tiêm, một kim tiêm cho nhiều người, vv. Ngày nay, người ta dùng bơm tiêm và kim tiêm một lần, loại đã tiệt khuẫn sẵn để tránh lây truyền bệnh qua đường máu, đặc biệt là nhiễm HIV (virut gây hội chứng suy giảm miễn dịch ở người) và virut viêm gan B, C, vv.
TIÊM BẮP THỊT (cg. Tiêm bắp), phương pháp tiêm rất phổ biến với mũi tiêm chọc sâu qua da tới tận bên trong các bó cơ vân (bắp thịt). Ở người, TBT ở nơi có khối cơ lớn (thường ở cơ cánh tay, cơ đenta hay tam giác ở vai, cơ đùi, mông). Với TBT, thuốc tiêm ngấm vào cơ thể nhanh hơn so với tiêm dưới da. Thuốc có thể TBT: kháng sinh, vitamin, dịch đẳng trương, thuốc có dầu, vv. Cần tránh tuyệt đối TBT ở vùng có nhiều mạch máu và dây thần kinh. Chống chỉ định TBT đối với một số thuốc gây đau hoặc hoại tử (vd. Canxi clorua, thuốc trợ tim uabain, vv.)
TIÊM CHỦNG phương pháp phòng các bệnh nhiễm khuẩn bằng cách dùng vacxin (tiêm hoặc uống) để gây miễn dịch chủ động đối với các bệnh đặc hiệu tương ứng với vacxin đó.
TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG chương trình tiêm chủng do Tổ chức Y tế Thế giới cùng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đề xuất với mục đích tiêm 6 loại vacxin để phòng 6 bệnh cho trẻ em dưới 1 tuổi (bại liệt, bạch cầu, ho gà, uốn ván, lao và sởi). Việt Nam tham gia chương trình TCMR từ năm 1981 và đến tháng 5.1990 đạt mục tiêu 80% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đủ 6 loại vacxin và với chất lượng cao. Năm 1997 đã bước đầu triển khai tiêm vacxin viêm gan B (loại vacxin thứ 7) cho trẻ em và vacxin viêm não; tiêm vacxin uốn ván cho phụ nữ có thai.
TIÊM DƯỚI DA cách tiêm mà mũi tiêm chọc vào lớp mỡ (mô lỏng lẻo) ở dưới da. Ở người, có thể TDD ở mặt ngoài cánh tay, cơ đenta (cơ tam giác vai), đùi. Với TDD, thuốc (chất dịch, hơi) ngấm vào cơ thể chậm và kéo dài. Có thể TDD các loại thuốc như kháng sinh, vv. Chống chỉ định TDD đối với một số loại thuốc (thuốc có chất dầu, canxi clorua, dịch ưu trương, vv.) vì gây đau, sưng tấy và loét da.
TIÊM ĐỘNG MẠCH tiêm trực tiếp vào lòng động mạch (thường là động mạch đùi ở người). Với TĐM, thuốc được đưa vào cơ thể rất nhanh (nhanh hơn cả so với tiêm tĩnh mạch). Chỉ áp dụng TĐM trong trường hợp cấp cứu tối nguy kịch (người bệnh có thể chết hoặc đang hấp hối), vd. Tiêm adrenalin vào động mạch trong trường hợp truỵ mạch rất nặng; còn dùng TĐM để tiêm thuốc cản quang khi chụp X quang động mạch. Chống chỉ định TĐM đối với chất dầu, chất khí (xt. Tiêm tĩnh mạch).
TIÊM HẠCH x. Bệnh tiêm hạch.
TIÊM NHỎ GIỌT x. Truyền nhỏ giọt.
TIÊM TĨNH MẠCH (tk. Tiêm mạch máu), tiêm trực tiếp vào trong lòng tĩnh mạch. Ở người, có thể thực hiện TTM ở bất cứ tĩnh mạch nào nổi đủ to để chọc kim [tĩnh mạch cổ, ở mu bàn tay, cổ tay, cổ chân, nhưng thông thường nhất là tĩnh mạch ở khuỷu tay (đối với người lớn) và tĩnh mạch ở đầu (đối với trẻ nhỏ 1 – 2 tuổi)]. Với TTM, các chất dịch hoặc thuốc ngay lập tức được chia đi khắp cơ thể và cơ quan bị bệnh, nhưng cũng bị đào thải ra ngoài nhanh hơn so với các phương pháp tiêm khác. Áp dụng TTM trong các bệnh cấp cứu hoặc trong các trường hợp cần nhanh chóng đưa thuốc với nồng độ cao vào cơ thể. Thuốc TTM: kháng sinh, vitamin, thuốc gây mê, dịch ưu trương, vv. Chống chỉ định TTM đối với một số loại thuốc: chất dầu (long lão, testosteron, vv.), chất khí vì gây tai biến mạch máu dẫn đến tử vong. Cần tuyệt đối không để không khí lọt vào tĩnh mạch qua bơm tiêm vì có thể gây tắc (nghẽn) mạch khí làm chết người nhanh chóng.
TIÊM TRONG DA phương pháp tiêm (x. Tiêm) mà kim tiêm chọc vào trong chiều dài của da, ở lớp chân bì. Khi tiêm thì thấy nổi phồng lên khỏi mặt da một nốt như hạt ngô, sần da cam hay muỗi đốt. Với TTD, chỉ đưa được một lượng thuốc rất nhỏ vào cơ thể (khoảng 0,1 ml), do đó thường chỉ dùng để thử phản ứng thuốc, phản ứng lao, hoặc tiêm các loại vacxin phòng bệnh.
TIÊM VÀO HUYỆT (cg. thuỷ châm, dược châm), phương pháp châm kết hợp cổ truyền và hiện đại, được tiến hành bằng cách dùng dung dịch (nước muối sinh lí, novocain, vitamin B1, B12, vv.) tiêm vào huyệt có liên quan với bệnh để phòng và chữa.
TIỀN ĐỘNG DỤC x. Chu kì động dục.
TIỀN HOCMON (A. Prohocmon), dạng dự trữ không có hoạt tính của hocmon. Sự hoạt hoá thường gồm việc tách bằng enzim một bộ phận nào đó của TH, vd. Tách axit amin khỏi proinsolin để tại ra insolin.
TIỀN KỲ x. Pha đầu.
TIỀN LIỆT TUYẾN x. Tuyến tiền liệt.
TIỀN MÃN KINH giai đoạn xảy ra trước khi mãn kinh, thời gian kéo dài hay ngắn thay đổi tuỳ thuốc từng người, có thể chỉ vài tuần, có thể kéo dài nhiều năm. Trong giai đoạn này, buồng trứng đã kém hoạt động nên có thể có những rối loạn về kinh nguyệt như kinh thưa, kinh mau, rong kinh; những rối loạn toàn thân như cảm giác nóng bừng ở mặt, ở đầu, mệt mỏi, hồi hộp, vã mồ hôi, lạnh đầu chi…; các rối loạn này được gọi chung là rối loạn TMK. Cần được khám bệnh và điều trị.
TIỀN SẢN GIẬT tình trạng bệnh lí của thai phụ trước khi xảy ra các cơn co giật (sản giật), thể hiện bằng những dấu hiệu khách quan như phù, huyết áp cao, có protein trong nước tiểu; có thêm dấu hiệu chủ quan như nhức đầu, mờ mắt, rối loạn thần kinh, rối loạn tiêu hoá. Cần tích cực chữa, nếu không sẽ xảy ra cơn sản giật (x. Sản giật; Nhiễm độc thai nghén).
TIỀN SỬ BỆNH những thông tin có liên quan đến một quá trình bệnh lí (bệnh kiện, triệu chứng, dấu hiệu…) mà bệnh nhân hay người thân quen nhớ lại và kể cho thầy thuốc lâm sàng biết. Vd. về mùa rét, sau khi tắm, cảm thấy ớn lạnh, sốt cao, đau tức ngực, ho ra đờm nâu…; TSB này hướng sự chú ý của thầy thuốc về phía bộ máy hô hấp; thầy thuốc sẽ nghe phổi tỉ mỉ hơn; cho chiếu chụp X quang ngực – phổi và có thể chẩn đoán ra bệnh viêm phổi thuỳ. Trong y học cổ truyền dân tộc, vấn, văn trong tứ chẩn cũng có yêu cầu là khai thác TSB.
TIỀN TINH TRÙNG tế bào sinh dục được hình thành từ lần phân chia giảm phân thứ hai của tinh bào. Các TTT này trải qua một loạt những biến đổi rồi mới hình thành tinh trùng (x. Phát sinh tinh trùng).
TIỀN TRIỆU CHỨNG triệu chứng bào hiệu trước và sớm một bệnh, có thể là một trạng thái khó chịu, khó ở bình thường. Các TTC thường không đặc hiệu (vd. nhức đầu trước khi xuất hiện tai biến mạch máu não). Thường sau khi bệnh đã rõ, hồi cứu các triệu chứng, mới hiểu ý nghĩa của TTC. Dù sao, khi thấy triệu chứng dù nhỏ xuất hiện một cách khác thường, cần đề cao cảnh giác, nghỉ ngơi và theo dõi sự biến chuyển. Vd. một người đã được thầy thuốc cho biết là bị viêm động mạch vành, nếu thấy đau chói ngực, có cảm giác khó chịu, thì phải đề phòng ngay khả năng xuất hiện nhồi máu cơ tim và thực hiện các chỉ dẫn của thầy thuốc.
TIỀN UNG THƯ tình trạng bệnh lí gặp trước khi có ung thư hoặc có thể trở thành ung thư. Tổn thương TUT được chú ý trong ung thư học dự phòng vì khi được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, sẽ ngăn chặn được sự phát triển thành ung thư. TUT có thể mang tính di truyền như trong bệnh polip đại tràng – trực tràng gia đình, hoặc mắc phải như xuất hiện sau các quá trình viêm mạn tính (viêm cổ tử cung mạn tính, viêm phế quản mạn tính kèm theo loạn sản) hoặc theo sau teo niêm mạc dạ dày vô toan, vv. Trong thực tế, tổn thương TUT không nhất thiết tiến triển thành ung thư. Y học xác minh rằng: khả năng mắc ung thư ở những người có nguy cơ TUT cao hơn hẳn so với những người bình thường hoặc có những tổn thương khác. Những năm gần đây, tổn thương TUT được coi là giai đoạn phát triển sớm của ung thư, còn gọi là ung thư tiền xâm nhập, chưa có biểu hiện lâm sàng và bao gồm các tổn thương loạn sản, ung thư tại chỗ, có thể chữa khỏi hoàn toàn.
TIỀN VIRUT (A. provirut), trạng thái của một vật chủ khi virut gắn vào nhiễm sắc thể của tế bào vật chủ và được chuyển từ thế hệ tế bào này sang thế hệ tế bào sau.
TIẾN BỘ DI TRUYỀN (tên viết tắt: ΔG), hiệu quả chọn lọc (R) của bất kì một tính trạng nào đó trên một đơn vị thế hệ (L), nói cách khác là sự vượt trội về giá trị trung bình ở thế hệ con của những bố mẹ được chọn làm giống so với giá trị trung bình của đàn con mà bố mẹ chúng không được áp dụng bất kỳ một phương thức chọn lọc nào trên một đơn vị thời gian thế hệ. Tất cả những TBDT thu được trong sản xuất chỉ có thể có được từ đàn hạt nhận trong mô hình giống hình tháp, vì ở đó mới có chọn lọc và chọn lọc mới mang lại TBDT. TBDT được tính theo công thức:
TIẾNG THỔI RÁP tiếng thổi có âm sắc thô ráp, xảy ra khi máu bị đẩy từ nơi có áp lực cao qua một lỗ nhỏ sang nơi có áp lực thấp (từ buồng tim trái sang buồng tim phải hoặc động mạch phổi). Thường gặp trong bệnh thông liên thất ở cao, hẹp van động mạch phổi, vv. TRR có thể mất đi sau khi mổ chữa bệnh nguyên thuỷ; cũng có thể vẫn còn lại một tiếng thổi cơ năng nhẹ (do thay đổi huyết động học ở trong tim).
THIẾNG THỔI TÂM THU tiếng thổi nghe như tiếng phụt hơi nước, nhận thấy được khi nghe trên lồng ngực. Là tiếng thổi xảy ra trong kì tâm thất thu (các tâm thất bóp, tống máu lên phổi và ra ngoại biên). TTTT thường do nguyên nhân bệnh lí như hở van nhĩ – thất, hẹp lỗ van động mạch chủ hay lỗ van động mạch phổi (gọi là TTTT thực tổn); cũng có thể nghe thấy khi lượng hồng cầu trong máu tuần hoàn giảm nhiều, làm giảm độ quánh của máu (tiếng thổi chức năng do thiếu máu).
TIẾNG THỔI TÂM TRƯƠNG tiếng thổi nghe thấy khi nghe trên lồng ngực, nghe như tiếng thổi sau tiếng đập thứ hai của tim, xảy ra trong kì tâm trương. Nguyên nhân: nguyên nhân cơ năng (lỗ van động mạch chủ hay van động mạch phổi đóng không kín do hai tâm thất giãn rộng); tổn thương thực thể (tổn thương của van động mạch chủ hay van động mạch phổi làm cho lỗ van đóng không kín).
TIẾNG THỞ KHÒ KHÈ tiếng thở khò khè từ người bệnh mà cả người ngoài cũng nghe thấy. Nguyên nhân: dòng khí chuyển động hỗn loạn qua đường hô hấp đã bị hẹp lại do bị đè ép từ bên ngoài (do khối u, cách hạch lớn đè ép); các nguyên nhân từ bên trong của đường hô hấp (viêm nhiễm, phù nề, co thắt thanh quản, dị vật lọt vào khí quản, do cục máu đông, cục đờm nút một phần khí quản…) làm hẹp lòng đường hô hấp.
TIẾNG TIM THAI âm phát ra do sự co bóp của tim nguyên thuỷ của bào thai hay của tim thai nhi nghe thấy được bằng máy Đôplơ [theo tên của Đôplơ (C. Doppler), nhà vật lí Đức] khi tuổi thai được từ 8 tuần trở lên, tính từ ngày đầu tiên của kì kinh cuối cùng. Có thể nghe được trực tiếp bằng ống nghe qua thành bụng ở tuổi thai sau 20 tuần. Tần số tim thai bình thường dao động từ 120 đến 160 nhịp, trung bình là 140 nhịp trong một phút. Nhịp tim thai phản ánh gián tiếp tình trạng sức khoẻ của thai nhi trong tử cung và là một trong những yếu tố tiên lượng quan trọng đối với thai nhi.
TIẾT SỮA hiện tượng sữa được tiết ra từ hai bầu vú của người phụ nữ. Thông thường sau khi kết thúc thai nghén, sau đẻ thường, sau đẻ non, sữa được tiết ra dưới tác động của prolactin do tuyến yên tiết ra. Càng cho trẻ bú nhiều thì động tác mút vào hai đầu vú rỗng lại càng kích thích tuyến yên tiết ra prolactin và sữa lại được tiết ra nhiều hơn. Vì vậy, nếu trẻ bú chưa hết sữa, sau khi cho bú xong phải vắt hết sữa cho hai bầu vú rỗng thì mới không mất sữa. Hơn nữa, sữa ứ đọng ở các ống tuyến sẽ dễ gây apxe. Nếu khó vắt sữa bằng tay có thể dùng máy hút sữa hoặc cho trẻ lớn bú cho hết sữa. Những ngày đầu sau khi sinh, thường hai vú tiết ra sữa non màu hơi vàng, vị nhạt (x. Sữa non). Nếu sữa tiết ra ít, nên cho sản phụ uống nhiều nước, ăn thêm sữa, ăn cháo gạo nếp; có thể dùng các bài thuốc dân gian (vd. uống nước sắc từ hạt bông). Muốn ngừng TS, chỉ cần không cho trẻ bú nữa, không vắt sữa, băng chặt hai vú lại, uống aspirin (ngày 1 – 2 g) hoặc tiêm estrogen 5 mg trong 2 – 3 ngày. Đôi khi ở người phụ nữa không có thai, không có kinh mà hai bầu vú vẫn có ít sữa. Đây là hiện tượng bệnh lí (hội chứng vô sinh TS), cần đi khám chuyên khoa để điều trị. Ở nam giới, uống lâu ngày một vài loại thuốc (vd. Aminazin) cũng có thể gây TS (khối lượng ít); chỉ cần ngừng uống thuốc là khỏi.
TIỆT KHUẨN (tiệt trùng), quá trình tiêu diệt các vi khuẩn, các nha bào, các vi sinh vật có trong một chất, một dung dịch pha chế, trên các dụng cụ, các đồ vật dùng mổ xẻ, pha chế… dưới tác động của các tác nhân vật lí và hoá học (nhiệt độ, sức nóng khô, hấp hơi nước ở áp suất thường hay áp suất cao, tia tử ngoại, bức xạ gamma của coban 60, lọc qua màng xốp, xông hơi fomađehit, phenol, cresol). Trong công tác y dược, thường hấp TK ở 110oC dưới áp suất 0,5 atm trong 60 phút; hoặc hấp trong nồi hấp ở 120oC dưới áp suất 1 atm trong 15 – 20 phút, hoặc theo phương pháp hấp Tynđan [theo tên của Tynđan (J. Tyndall), nhà vật lí Ailen] ở 70 – 80oC, dưới áp suất thường trong 1 giờ mỗi lần, hấp 3 lần trong 3 ngày liền. “Phương pháp Paxtơ” [do Paxtơ (L. Pasteur) đề ra năm 1860] được dùng để tiệt khuẩn thực phẩm, chủ yếu là sữa: sữa được hấp nóng đến 61,7oC trong 30 phút hoặc đến 71,7oC trong 30 giây. Chọn phương pháp TK phải dựa vào tính chất và độ bền vững của chất cần TK, phải đảm bảo an toàn khối vật chất ấy được TK.
TIỆT TRÙNG x. Tiệt khuẩn.
TIÊU CHUẨN ĂN những quy định về chất lượng các chất dinh dưỡng cần có trong khẩu phần như năng lượng, protein, chất khoáng, chất xơ, vitamin, axit amin… nhằm cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho vật nuôi để duy trì các hoạt động sống và cho năng suất cao. Trong TCĂ có TCĂ cho duy trì và TCĂ cho sản xuất. Nhu cầu năng lượng cho vật nuôi thường được tính bằng năng lượng trao đổi (ME) hay năng lượng thuần (NE) và biểu thị bằng kcal hay kJ. Nhu cầu về các chất dinh dưỡng khác như protein, chất khoáng, chất xơ…được tính bằng gam; vitamin và axit amin bằng miligam hay bằng tỉ lệ phần trăm trong khẩu phần. Vd. Nhu cầu protein thô của 1 lợn thịt 50 kg với mức tăng trọng 0,8 kg/ngày được tính là 324 g/ngày, nhưng cũng có thể biểu thị bằng 15% protein thô và khối lượng thức ăn hàng ngày là 2,16 kg. Người ta xây dựng TCĂ từ các thí nghiệm trên gia súc, gia cầm sau đó tính gần đúng bằng các thuật toán. TCĂ được biểu thị bằng các bảng biểu để thiện tiện cho việc sử dụng. Trong đó người ta đã tính toán TCĂ cho từng loại vật nuôi ở các lứa tuổi khác nhau với các hướng sản xuất khác nhau (thịt, trứng, sữa, sức kéo…). Khi tính toán khẩu phần ăn, phải dựa vào TCĂ để tránh hiện tượng thiếu hoặc thừa các chất dinh dưỡng trong khẩu phần, làm giảm hiệu quả của chăn nuôi.
TIÊU ĐỘC hệ thống các biện pháp loại trừ tác hại của chất độc đối với người, vật nuôi, đồ vật (vật dùng, phòng ở, chuồng trại, dụng cụ…) và môi sinh. Có nhiều phương pháp TĐ: phương pháp hoá học (thực hiện phản ứng chuyển chất độc thành chất không độc); phương pháp lí – hoá (dùng quá trình hoà tan – tẩy rửa – hấp thụ, lọc, sấy…); phương pháp cơ học (dựa trên thao tác cạo, cắt xén, gọt hớt, vùi lấp để cách ly chất độc), vv. TĐ bằng phương pháp hoá học là biện pháp nhanh và triệt để nhất. Thường dùng hai loại hoá chất để TĐ: các chất kiềm và các chất oxi hoá hoặc clo hoác (x. Thuốc giải độc). TĐ còn được dùng với nghĩa rộng hơn bao gồm cả tẩy uế và tiệt khuẩn. Xt. Tẩy uế; Tiệt khuẩn.
TIÊU FIBRIN (A. fibrinolysis), việc tiêu huỷ cục máu đông do hoà tan fibrin dưới tác động của enzim fibrinolyzin.
TIÊU HOÁ quá trình phân giải các phần tử thức ăn hữu cơ phức tạp nhờ các enzim thành các chất đơn giản, dễ hoà tan và được sử dụng vào quá trình trao đổi chất của cơ thể. Đa số động vật TH ngoại bào (vd. động vật có xương sống, động vật chân đốt) – thức ăn được phân giải trong ống TH hay trong xoang ruột với sự tham gia của enzim. Ở động vật nguyên thuỷ (vd. động vật nguyên sinh, ruột khoang) là TH nội bào – các phần tử thức ăn rắn được tế bào amip thu nhận và TH. Ở Ruồi chuồn chuồn (Asilidae) có quá trình TH ngoài ruột bằng cách tiết enzim TH vào cơ thể vật mồi làm tan mô cơ thành dịch lỏng và sau đó hút dịch này làm thức ăn.
TIÊU THAI hiện tượng thai phát triển không bình thường và tiêu đi trong quá trình mang thai và dưỡng thai. TT thường xảy ra đối với lợn, trâu, bò, trong khoảng thời gian 1 – 2 tháng sau khi thụ thai. TT không gây chết gia súc mẹ nhưng nếu không theo dõi, tưởng là gia súc đã có chửa, sẽ bỏ qua không cho phối giống lại.
TIỂU NÃO phần của não, gồm: hai bán cầu gấp nếp sâu, màu xám nhạt nằm ở phía lưng của hành tuỷ và bị hai bán cầu não nằm phía trên che khuất một phần; chất xám tạo thành lớp vỏ mỏng; chất trắng chiếm giữa TN tạo thành những phần trắng. TN điều khiển vị trí của các chi và điều hoà sự hoạt động của chúng. TN rất quan trọng trong việc điều chỉnh thăng bằng và sự vận động của cơ thể.
TIỂU PHẾ QUẢN một trong số các ống dẫn khí nằm trong phổi động vật có vú. Hệ thống phân nhánh các TPQ dẫn không khí từ phế quản vào các vùng trong phổi. Các TPQ nhỏ nhất (tiểu phế quản tâm) đi vào và kết thúc ở phế nang. Vách TPQ có lớp tế bào tiết chất nhầy giữ bụng , các vi khuẩn và các tế bào có tiêm mao đẩy các chất lạ ra ngoài. Các TPQ nhỏ có thành mỏng có thể trao đổi khí với mao mạch bao quanh chúng.
TIỂU THỂ 1. Các phần tử của mạng lưới nội chất và phức hệ Gônghi có dạng bọt nhỏ được tạo thành trong quá trình đồng nhất hoá tế bào và được tách bởi li tâm siêu tốc. TT tách từ nội chất thô được bọc bởi các ribosom và có thể tiến hành tổng hợp protein.
2. Cấu tạo chất hữu cơ nhỏ (chỉ nhận rõ qua kính hiển vi), có ở nhiều nơi trong cơ thể, có hình thái và chức năng khác nhau. Vd. TT đỏ (hồng cầu), TT Haxan (Ph. Corpuscule de Hassal) – những tế bào dẹt thoái hoá ở mô tuyến ức, TT máu (huyết cầu), TT trắng (bạch cầu), TT xúc giác ở da, vv.
TIỂU THỂ MÁU x. Máu.
TINH (y) 1. Chất cơ bản cấu tạo nên cơ thể, duy trì sự sống và nòi giống. Có: T tiên nhiên do thận sinh ra, chi phối sự sinh đẻ, phát triển, già đi và chết; T hậu thiên có nguồn gốc từ thức ăn , qua chuyển hoá của tì mà thành, có tác dụng duy trì dự sống, nuôi dưỡng và bổ sung cho T tiên nhiên.
2. Một trong những nguyên liệu tạo ra huyết.
TINH BÀO tế bào sinh sản nằm trong các ống sinh tinh của tinh hoàn, phát triển trong quá trình hình thành tinh trùng. TB sơ cấp được tạo thành từ tinh nguyên bào đã trải qua quá trình phân chia nhân lên về số lượng và sinh trưởng. Phân chia giảm phân lần thứ nhất tạo nên hai TB thứ cấp có nhân đơn bội; mỗi TB thứ cấp lại giảm phân lần thứ hai vào tạo nên hai tiền tinh trùng, sau đó phát triển thành tinh trùng (x. Phát sinh tinh trùng).
TINH DẦU BẠC HÀ tinh dầu lấy từ cây bạc hà. Chất lỏng không màu, có mùi thơm dễ chịu, vị cay dịu, có thành phần chính là mentol. Hàm lượng mentol thay đổi tuỳ theo giống bạc hà . Được dùng trong các ngành công nghiệp dược phẩm, thực phẩm và mỹ phẩm.
TINH DẦU GIUN tinh dầu cất từ cây dầu giun (cả cây hoặc từ hạt). Dầu có màu vàng nhạt, mùi hăng, vị đắng, chứa ít nhất 60% ascaridol. Dùng để tẩy giun đũa, giun mỏ; dùng dưới dạng viên nang hoặc pha với dầu thầu dầu thành dầu tẩy giun. Hiện nay ít dùng vì mùi vị khó uống và có độc tính (thuốc độc bảng B)
TINH DẦU THÔNG sản phẩm thu được từ chế biến nhựa thông, là chất lỏng trong suốt, không màu, đặc trưng không có cặn và nước. Là hỗn hợp của hiđrocacbon monotecpen có công thức chung C10H16. Ngoài ra, thường có một lượng nhỏ các setquitecpen và các dẫn xuất axit của tecpen. Những chỉ số lí hoá đặc trưng của TDT thương phẩm: khối lượng riêng (ở 25oC) 0,8570 – 0,8650 g/m3; chiết xuất với tia D ở 20oC là 1,4620 – 1,4720. TDT được sử dụng chủ yếu làm dung môi trong công nghiệp sơn; làm nguyên liệu để tổng hợp các chế phẩm long não, tecpin hiđrat. Tecpineol, thuốc trừ sâu. Ở Việt Nam, TDT được chia làm hai loại: I và II.
TINH DỊCH chất dịch chứa tinh trùng và các chất dinh dưỡng do cơ quan sinh dục con đực tiết ra. Nguồn gốc từ tuyến tiền liệt và túi chứa tinh. TD được phóng ra khi giao phối. Trong chất lỏng TD có nhiều muối vo cơ, protein, anbumin, globulin, mucoprotein, axit amin tự do, các bazơ nitơ như spermin, cholin…Lượng TD được phóng ra trong mỗi lần xuất tinh ở mỗi loài có sự khác nhau: ở người 3 ml, cừu 1,5 ml, chó 6 ml, ngựa 70 ml, lợn 250 ml. Số lượng tinh trùng trong 1 ml TD cũng khác nhau theo từng loài: ở chó có 3 triệu, ngựa – 120 nghìn, lợn – 100 nghìn. Trong TD, ngoài tinh trùng bình thường còn có thể có những tinh trùng có cấu tạo bất thường. Nếu tỉ lệ tinh trùng bất bình thường dưới 20%, TD vẫn được coi là bình thường.
Ở người, TD là dịch nhớt, trắng như sữa, có mùi nhạt đặc trưng. TD bình thường có ba thành phần chính: a) Chất nhờn do các tuyến của hành niệu đạo và niệu đạo dương vật tiết ra trước khi phóng tinh; b) Tinh trùng với khoảng 100 triệu con trong 1ml, có khả năng hoạt động tốt (vận động được trong đường sinh dục nữ để đến gặp trứng ở phần ba ngoài vòi trứng trong quá trình thụ tinh), tỉ lệ tinh trùng bất thường thấp (thường dưới 20%); c) Những chất lỏng do túi tinh và tuyến tiền liệt tiết ra.
TINH HOÀN tuyến sinh dục đực, sản sinh ra tinh trùng và các hocmon sinh dục ở động vật. Ở động vật có xương sống, có một đôi TH phát triển trong khoang bụng gần thận. Ở bò sát, TH có màng liên kết dày và phát ra các tia, chia Th thành nhiều múi, chứa ống sinh tinh uốn khúc, giữa có các tế bào kẽ [tế bào Lâyđich (Leydig)] tiết ra anđrogen. Ở đa số động vật có vú trong quá trình phát triển phôi. TH dịch chuyển xuống dưới và nằm ngoài khoang cơ thể trong túi da (bìu) ở phía sau dương vật. TH nằm ở đây suốt đời, song ở một loài chỉ có TH trong mùa sinh dục. TH ở các động vật có kích thước rất khác nhau.
Ở người, TH có hình trứng dài 4 – 5 cm, bọc ngoài bằng màng liên kết trắng đục có hai lớp (lớp ngoài – sợi liên kết chắc, lớp trong – xốp có nhiều mạch máu), thường nằm ở trong bìu
TINH HỒNG NHIỆT x. Bệnh tinh hồng nhiệt.
TINH NGUYÊN BÀO tế bào sinh sản ở tinh hoàn, nằm ở biểu mô mầm, trải dài trong các ống sinh tinh. Qua giai đoạn nhân lên về số lượng và sinh trưởng, chúng trở thành các tinh bào (x. Phát sinh tinh trùng).
TINH TRÙNG (tk. Giao tử đực), tế bào sinh dục đã trưởng thành của người và động vật, được sản sinh từ những ống sinh tinh của tinh hoàn, chứa đựng những yếu tố di truyền của con đực. Tuỳ theo từng loài động vật mà hình thái TT có khác nhau, nhưng về cơ bản có hai phần rõ rệt: đầu và cổ, thân và đuôi. Quá trình sống được dồn lại trong nhân của đầu TT, đợi cho đến khi thụ tinh mới thể hiện. Hai phần ba phía trước đầu có acroxom bao bọc, trong đó có men hialuroniđaza có tác dụng làm tan rã vòng tia của trứng để TT tiếp cận với noãn bào. Quá trình này cần thiết cho sự thụ tinh. Cổ, thân và đuôi TT là nguồn năng lượng, trong đó các chất và năng lượng được sản sinh ra cần thiết cho hoạt động của TT.
TÌNH DỤC HỌC khoa học về đời sống tinh dục của con người, được hình thành trong những năm 40 của thể kỉ 20. Những phương hướng nghiên cứu cơ bản: a) Y sinh học (nghiên cứu cơ sở sinh học của giới tính, tương quan giữa các nhân tố sinh học và nhân tố văn hoá – xã hội trong việc hình thành giới tính, vv.). b) Xã hội – lịch sử (nghiên cứu đặc trưng các chức năng xã hội và các hình thức hoạt động nam – nữ; những chuẩn mực đạo đức trong hành vi tình dục giáo dục giới tính). c) Tâm lí học (nghiên cứu các đặc điểm lứa tuổi của tình dục, các vấn đề tâm lí học xã hội và tâm lí học so sánh của tình dục). Bệnh học tình dục, một bộ phận lâm sàng độc lập, được tách ra từ giữa thế kỉ 20.
TĨNH MẠCH mạch vận chuyển máu đã bị mất oxi từ hệ thống các mao mạch ở các mô về tim (trừ TM phổi), thường đi kèm theo động mạch; các động mạch lớn chỉ có một TM đi kèm như động mạch đùi, động mạch chậu, động mạch cảnh…; các động mạch nhỏ có 2 TM nhỏ đi kèm. Phần lớn các TM đều có van để duy trì chiều dòng máu đi về tim không bị trào ngược trở lại, nhất là các TM thấp ở phía dưới cơ thể của người. Nếu thành mạch yếu, các van hở, máu dồn xuống dưới và gây giãn TM (x. Giãn tĩnh mạch). So với động mạch, TM có xoang rộng hơn và vách mỏng hơn, thành phần cơ cũng ít hơn nên không có sự điều chỉnh dòng máu bằng cách thay đổi đường kính lòng mạch. Từ đó phát ra các mao mạch tiến sâu vào bên trong. Những mạch này đóng vai trò rất quan trọng trong nuôi dưỡng TM vì chúng đem đến loại máu chứa nhiều oxi hơn máu chứa sẵn trong bản thân lòng TM. Thành TM còn có những mạch bạch huyết. Những TM ở vùng tim có những van nếp gấp hình bán nguyệt, van xếp thành từng đôi đối diện ở hai bên thành TM. Dựa vào sự thay đổi thành phần cấu tạo TM, người ta chia ra: TM xơ, TM cơ, TM hỗn hợp, TM cơ – chun.
TĨNH MẠCH CẢNH đôi tĩnh mạch ở cổ động vật bốn chân. Mỗi tĩnh mạch gồm nhánh ngoài và nhánh trong. TMC tập trung máu từ cổ và đầu, nhập với các tĩnh mạch dưới đòn rồi đổ vào tĩnh mạch chủ trước.
TĨNH MẠCH CHÍNH một trong hai đôi tĩnh mạch ở cá, mang máu tĩnh mạch trở lại tim. Các TMC trước, mang máu phần đầu; TMC sau, đảm nhiệm các phần còn lại của cơ thể. Các tĩnh mạch này hợp lại thành TMC chung (ống Quyviê) rồi đổ vào xoang tĩnh mạch của tim. Ở động vật bốn chi, các TMC trước được thay bằng tĩnh mạch cảnh và tĩnh mạch chủ trước. Ở lưỡng cư có đuôi và phôi động vật có xương sống, có cả TMC và tĩnh mạch chủ sau. Ở bò sát và động vật có vú trưởng thành, di tích TMC sau dưới dạng tĩnh mạch lẻ.
TĨNH MẠCH CHỦ hai tĩnh mạch (trên và dưới) dẫn máu đã khử oxi từ cơ thể vào tâm nhĩ phải của tim ở động vật bốn chi. Đôi TMC trên dẫn máu từ đầu và các chi trên, TMC dưới là tĩnh mạch đơn dẫn máu từ các bộ phận cơ thể và các chi dưới. Ở cá, TMC trên tương đồng với tĩnh mạch chính trước. TMC dưới bắt nguồn từ tĩnh mạch chính sau và hệ mạch cửa thận.
TĨNH MẠCH DƯỚI x. Tĩnh mạch chủ.
TĨNH MẠCH TRÊN x. Tĩnh mạch chủ.
TĨNH MẠCH CỬA tĩnh mạch nối mạng lưới mao mạch của hai vùng riêng biệt, cho phép máu vùng này được điều chỉnh bởi máu từ vùng kia.
TĨNH MẠCH PHỔI đôi tĩnh mạch mang máu giàu oxi từ phổi về tâm nhĩ trái của tim ở cá phổi và các động vật bốn chi (xt. Tĩnh mạch).
TÍNH BIẾN DỊ đặc tính của sinh vật xuất hiện sự sai khác giữa các cá thể thuộc cùng một loài vào những giai đoạn tương ứng trong chu kì sống, phản ánh cấu tạo của các cá thể và ảnh hưởng của môi trường đối với chúng cũng như sự phát triển cá thể trong những điều kiện ngoại cảnh xác định. TBD là đặc điểm khác tách rời của vật chất sống. Xt. Biến dị.
TÍNH CẢM THỤ khả năng của hệ thần kinh có thể tiếp thu, dẫn truyền, nhận biết các cảm giác do tác động của yếu tố bên ngoài hay bên trong cơ thể thông qua các cơ quan cảm nhận chuyên biệt (thể thụ cảm). Các yếu tố tác động như ánh sáng, nhiệt độ, hoá chất, cơ học, áp suất…có thể gây cảm giác nông ở bề mặt cơ thể (cơ, gân, xương, khớp).
TÍNH CẢM ỨNG khả năng của một phần hay cả cơ thể thu nhận và phản ứng đối với sự thay đổi trong môi trường sống như các kích thích ánh sáng hay hoá học. TCƯ là một đặc trưng của cơ thể sống. Trong quá trình tiến hoá, hình thức thu nhận và phản ứng trả lời kích thích đã được hoàn thiện dần. Ở sinh vật đơn bào, việc nhận biết và trả lời các kích thích chỉ xảy ra trong một tế bào. Ở động vật đa bào, có các tế bào chuyên hoá hoặc các cơ quan chuyên biệt cảm nhận kích thích, còn các cơ quan khác thì trả lời.
TÍNH KHÁNG KHÁNG SINH x. Kháng thuốc.
TÍNH ỔN ĐỊNH CỦA CHÚ Ý thuộc tính của chú ý, đối lập với tính dao động, thể hiện ở khả năng chú ý trong một thời gian cần thiết vào một hay nhiều đối tượng nhất định mà không chuyển sang đối tượng khác. Cơ sở sinh lí là định hình động lực. Khi động hình thần kinh gắn với sự chú ý đó hình thành, các quá trình thần kinh có liên quan không lan toả tới các trung khu khác ở vỏ não, làm cho chú ý ổn định tập trung vào đối tượng.
TÍNH ỔN ĐỊNH CỦA TRI GIÁC thuộc tính của tri giác, thể hiện ở khả năng phản ánh sự vật một cách không thay đổi khi điều kiện tri giác đã thay đổi. Vd, dưới ánh đèn màu xanh, nhưng ta vẫn tri giác (nhận thức) màu giấy của vở viết hàng ngày là màu trắng. TÔĐCTG do kinh nghiệm của cá nhân tạo nên, là điều kiện cần thiết của đời sống và hoạt động của con người, nếu không con người sẽ không định hướng được trong thế giới đa dạng và biến đổi vô tận.
TÍNH THÍCH NGHI tính thay đổi di truyền và sinh lí của sinh vật nhằm đáp ứng các kích thích từ bên trong hoặc bên ngoài tới. Sự thích nghi di truyền liên quan đến sự chọn lọc tự nhiên và chọn lọc nhân tạo, còn sự thích nghi sinh lí liên quan đến sự thay đổi của từng cá thể, đó là quá trình tự điều chỉnh của bản thân sinh vật đối với các sinh vật khác và đối với môi trường vật lí bên ngoài. TTN là một tập hợp các hiện tượng thích nghi và có thể đánh giá bằng khả năng tự điều chỉnh của sinh sinh vật đối với môi trường trung bình cũng như đối với khí hậu cực đoan. Sinh vật thích nghi tốt có các đặc trưng sau: giảm khối lượng thân thể để bớt tác động bất lợi từ bên ngoài (như thiếu dinh dưỡng hoặc vận chuyển); có sức cản cao; có sức đề kháng bệnh cao; sống lâu và tỉ lệ chết thấp. TNN có liên quan đến sự biến đổi tiến hoá qua nhiều thế hệ (vd. TNN khí hậu) của quần thể với điều kiện sống mới xảy ra nhờ sự chuyển biến di truyền, tạo điều kiện cho nhập nội các giống thực vật.
TÍP HUYẾT THANH một kháng huyết thanh nhất định có khả năng phản ứng với một nhóm vi sinh vật tương ứng. Do tính chất trên, có thể dùng một kháng huyết thanh đã biết để chuẩn đoán và xếp loại vi sinh vật.
TOA THUỐC CĂN BẢN toa thuốc nam do bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng đề xuất trong thời kì Kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 54) và được sử dụng rộng rãi ở chiến trường Nam Bộ. Toa thuốc nguyên thuỷ gồm có các vị thuốc chính và các thuốc thay thế sau đây:
Tác dụng Vị thuốc Thuốc thay thế Lợi tiểu
Rễ tranh 8 g (bạch mao căn)
Râu ngô – cải bắp 8 g; lá cây râu mèo, lá mã đề, rễ thơm
Nhuận gan
Lá rau má 8 g (liên tiền thảo)
Rau đắng lá lớn 8 g; tinh tre xanh, trái khổ qua (mướp đắng)
Nhuận trường
Lá nhánh muồng trâu 4 g
Vỏ cây đại 8 g; dây mơ
Nhuận huyết
Cỏ mực 8 g (cỏ nhọ nhồi)
Rau rền tía 8 g; củ cà rốt, vv.
Giải độc cơ thể
Lá cỏ mần trầu 8 g; ké đầu ngựa, cảm thảo đất
Lá dâu tằm 8 g; rau sam, dây kim ngân, vv.
Kích thích tiêu thực
Gừng 2 g; củ sả 4 g; trần bì 4 g
Củ giềng 4 g; vỏ bưởi 4 g; vỏ phật thủ…4 g
Bài thuốccó tính tổng hợp, không có tác dụng phụ; hiện nay có thể sử dụng cho người ốm, nghị bị nhiễm độc hoá chất, kể cả chất da cam.
TÓC cấu trúc sừng hình sợi dài, dẫn xuất của biểu bì da, bao phủ da đầu ở người. Trong thành phần của T có chủ yếu là chất sừng (một dạng protein) giàu lưu huỳnh và nitơ. Màu sắc của T là do sắc tố có trong sợi T quyết định và có tính di truyền. Cùng với tuổi tác, lượng sắc tố giảm đi, đồng thời có sức biến đổi trong phân bố các hạt sắc tố, vì vậy làm cho T bị bạc. Còn có trường hợp T bị mất sắc tố, gặp trong bệnh bạch tạng (x. Bạch tạng). T mọc dài ra liên tục nhờ các tế bào nang tóc sinh sản thường xuyên. Một sợi T chỉ tồn tại một thời gian (ở nam, trung bình là 2 năm; ở nữ là 4 – 5 năm) rồi rụng. Trung bình một ngày rụng khoảng 20 – 30 sợi T. T có thể có dạng thẳng, xoăn, uốn sóng; có thể có màu đen, nâu, hung, bạch kim, vàng…Dạng và màu T cũng là những dấu hiệu nhân chủng học quan trọng.
TỐC ĐỘ LẮNG MÁU (tk. tốc độ lắng huyết cầu), được đo bằng chiều cao của lớp huyết tương sau 1 giờ và sau 2 giờ. Đo TĐLM ở người: lấy máu và chất chống đông, để hồng cầu lắng trong ống đo TĐLM. TĐLM bình thường: sau giờ thứ nhất khoảng dưới 10 mm; sau giờ thứ hai khoảng dưới 20 mm. TĐLM tăng nhanh trong các bệnh nhiễm khuẩn như lao phổi, thấp khớp cấp; đa u tuỷ xương, ung thư; suy dinh dưỡng; có thai; kí sinh trùng đường ruột. Trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu, có thể dùng xét nghiệm này để phát hiện sớm một số bệnh.
TỔN THƯƠNG HỖN HỢP tổn thương của cơ thể do nhiều tác nhân gây ra: chấn thương cơ học, sức nóng, hoá chất, các tia, hạt vật lí, vv.
TỔNG HỘI Y DƯỢC HỌC VIỆT NAM tổ chức tự nguyện của những người làm công tác khoa học kĩ thuật trong ngành y tế; được thành lập năm 1955 với tên gọi Hội Y học Việt Nam; hoạt động trong phạm vi cả nước. Chủ tịch đầu tiên là giáo sư Trần Hữu Tước (1911 – 83). Năm 1960, Hội Y học Việt Nam đã đổi tên thành Tổng hội Y học Việt Nam; lần lượt nhiều hội chuyên khoa y và dược trung ương và hội y dược tỉnh, thành phố được thành lập. Để đẩy mạnh sự phát triển của ngành dược, tại đại hội X (1985) đã đổi tên Tổng hội Y học Việt Nam thành THYDHVN. Từ 8.1995, THYDHVN là thành viên chính thức của Hiệp hội Y học các nước Đông Nam Á (viết tắt tiếng Anh là MASEAN). Năm 2004, Hội Dược tách khỏi THYDHVN để thành lập một hội độc lập, THYDHVN đổi tên thành Tổng hội Y học Việt Nam. Năm 2004, Tổng hội Y học Việt Nam có 40 hội chuyên khoa ở trung ương và 61 hội y học tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trụ sở: Hà Nội.
TỔNG HỘI Y HỌC VIỆT NAM x. Tổng hội Y dược học Việt Nam.
TRẠM CẤP CỨU tổ chức y tế có nhiệm vụ tiến hành các biện pháp cứu chữa tối khẩn cấp hoặc cấp cứu người bị thương, bị bệnh trước khi chuyển họ về các cơ sở điều trị tuyến sau. Tuỳ theo nhiệm vụ được phân công, tình hình biên chế, trang bị, khối lượng và nội dung công tác, TCC có thể thu hẹp hoặc mở rộng. TCC thường do bác sĩ hoặc y sĩ có kinh nghiệm phụ trách. Xt. Tổ chức cấp cứu.
TRẠM CỨU THƯƠNG tổ chức y tế thực hiện nhiệm vụ sơ cứu sớm và tại chỗ người bị thương: băng bó, cầm máu, cố định xương gẫy, hô hấp nhân tạo, giảm đau, phòng sốc…để sau đó chuyển ngay nạn nhân về tuyến sau để chữa tiếp một cách đầy đủ. Việc băng bó và sơ cứu bước đầu ảnh hưởng rất lớn đến kết quả cứu chữa của các tuyến sau. TCT do bác sĩ hoặc y sĩ có kinh nghiệm phụ trách.
TRẠM QUÂN Y bộ phận triển khai trong chiến đấu của các phân đội quân y tuyến chiến thuật (từ đại đội đến sư đoàn) để thu dung, cứu chữa thương binh, bệnh binh. Từ tuyến trung đoàn trở về sau, thành phần cơ bản của TQY gồm các bộ phận thu dung phân loại, cứu chữa, hậu táng, dược, hậu cần. Trong trường hợp cần thiết, còn có bộ phận xử lí vệ sinh. Các TQY thường triển khai trong hoặc sau đội hình chiến đấu của cấp mình, trong công sự kiên cố, công sự dã chiến hoặc lợi dụng địa hình tự nhiên che khuất.
TRẠM VỆ SINH PHÒNG DỊCH cơ sơ y tế dự phòng được giao phụ trách một khu vực dân cư hay sản xuất (quận, thành phố, tỉnh, các ngành sản xuất như giao thông, hoá chất, công nghiệp…). Chức năng: giám sát việc thực hiện luâtj bảo vệ sức khoẻ, các điều lệ vệ sinh trong mọi hoạt động xã hội (vệ sinh ăn uống, vệ sinh lương thực – thực phẩm, vệ sinh công nghiệp, lao động, vệ sinh trường học…), xây dựng các tiêu chuẩn vệ sinh; phòng chống ô nhiễm môi trường; giáo dục vệ sinh, dự phòng, các biện pháp phòng chống dịch, chống các bệnh dịch gia súc lây sang người; phổ biến và hướng dẫn thực hiện các tiện nghi sinh hoạt (nguồn nước, hố xí, bể khí sinh học…); thực hiện việc kiểm dịch các cửa khẩu, hải cảng, sân bay, vv.
TRẠM Y TẾ cơ sở y tế tại xí nghiệp, công trường, nông trường, cộng đồng cư dân (cụm dân cư, xã, phường, vv.) để sơ cứu các chấn thương, nhiễm độc nghề nghiệp, chữa các bệnh thông thường, bệnh cấp cứu và thực hiện công tác phòng bệnh. Là nơi thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu đối với toàn dân ở cộng đồng, trong đó bao gồm cả người khuyết tật do nhiều nguyên nhân, nạn nhân chiến tranh, vv.; là nơi tiếp xúc đầu tiên với nhân dân và thực hiện các chương trình y tế. TYT nông thôn còn có kèm theo nhà hộ sinh, phụ trách công tác thăm thai, đỡ đẻ, bảo vệ bà mẹ – trẻ em, kế hoạch hoá gia đình; một nhà thuốc, một vườn thuốc. Ở Việt Nam, nhiều TYT đã có bác sĩ y khoa phụ trách. TYT thuộc sự chỉ đạo trực tiếp của trung tâm y tế huyện về mọi mặt (tổ chức, chuyên môn, nghiệp vụ).
TRÀN DỊCH KHỚP hiện tượng có nhiều dịch trong ổ khớp (bình thường trong ổ khớp có một lượng dịch nhất định để làm cho khớp trơn khi vận động). Nguyên nhân TDK có thể do viêm, do u hoặc do bệnh toàn thân. Điều trị theo nguyên nhân.
TRÀN DỊCH MÀNG NGOÀI TIM tình trạng bất thường khi khối lượng dịch tăng nhiều hơn bình thường (có thể tới 500 – 800 ml); dịch có màu vàng chanh; có thể chèn ép tim và gây suy tim cấp. Bình thường, trong khoang màng ngoài tim có chứa một chất dịch loãng (khoảng 5 – 10 ml), trong , màu vàng nhạt. TDMNT gặp trong bệnh lao màng ngoài tim hoặc viêm đa màng (TDMNT, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, vv.). Điều trị theo nguyên nhân, có thể kết hợp với chọc hút dịch, phẫu thuật.
TRÀN DỊCH MÀNG PHỔI trạng thái bệnh lí khi có dịch lọt vào giữa hai lá (lá thành và lá tạng) của màng phổi. Là biểu hiện phản ứng của nhiều bệnh, trước hết là các bệnh của đường hô hấp và bệnh hệ thống. Tràn dịch có thể chiếm toàn bộ ổ màng phổi hay khu trú ở một vùng của ổ màng phổi. Tuỳ theo tính chất của dịch, có: tràn dịch trong (thanh dịch) màng phổi (gọi là tràn thanh dịch màng phổi); tràn máu màng phổi (x. Tràn máu màng phổi); tràn mủ màng phổi (x.Tràn mủ màng phổi). Chẩn đoán dựa vào lâm sàng, chụp, chiếu X quang, chọc thăm dò màng phổi.
TRÀN DỊCH MÀNG TINH tình trạng có dịch tích tụ quanh tinh hoàn. Màng tinh hoàn là một thành phần của màng bụng (phúc mạc) ở thời kì bào thai, sau khi tinh hoàn di chuyển xuống bìu và đường di chuyển bị lấp lại, màng tinh hoàn mới tách rời khỏi màng bụng. Nếu đường di chuyển của tinh hoàn không bị lấp, nước của màng bụng có thể tích tụ ở quanh tinh hoàn và sinh ra TDMT thể bẩm sinh hay thể trẻ em. TDMT thể bẩm sinh thường đi kèm với thoát vị bẹn. Nếu không có biến chứng nhiễm khuẩn, bệnh được điều trị dễ dàng bằng phẫu thuậtcùng với thoát vị. TDMT mắc phải là trường hợp xảy ra ở ổ màng tinh đã tách rời khỏi ổ màng bụng, sau khi đường di chuyển của tinh hoàn bị lấp kín. Nguyên nhân: lao, giang mai, giun chỉ; có trường hợp không rõ nguyên nhân. Dịch tràn là thanh dịch – tơ huyết. Dấu hiệu: khối sưng ở một bên bìu, làm căng da bìu, không đỏ, không nóng, không đau; nắn không đẩy được nước lên bụng, nếu không chữa , khối sưng to dần và sẽ cản trở hoạt động của bệnh nhân. Điều trị: mổ tháo hết nước và cắt một phần màng tinh. Điều trị nguyên nhân (nếu có, vd. lao, giang mai, giun chỉ…)
TRÀN DỊCH NÃO tình trạng tăng lượng dịch não tuỷ trong các não thất và các khoang trong não tuỷ. Dịch được tiết ra từ các mạng mạch trong não thất bên và não thất IV, chuyển vận qua lỗ thông giữa các não thất và đổ ra khoang dưới màng não tuỷ, tạo thành một lớp nước bao bọc toàn bộ hệ não tuỷ. Lớp dịch mỏng nhất ở vùng vòm sọ và phần lớn được tiêu đi ở đó. Khi dịch được sản xuất nhiều hơn, tiêu giảm đi hoặc khi tắc lỗ thông, đều có thể gây TDN. Do đó có hai loại tràn dịch: TDN thông do tăng tiết hoặc giảm tiêu; TDN tắc do lỗ thông bị bịt. Nguyên nhân gây tràn dịch thường gặp: bệnh màng não hậu quả của chảy máu não – màng não ở trẻ sơ sinh; viêm màng não mủ (gây dính) teo não; u não (hiếm gặp hơn). Nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân. Có thể gặp TDN cấp lành tính do ngộ độc vitamin A ở trẻ còn bú (liều vitamin A quá cao dùng trong một lần), với biểu hiện: thóp phồng, nôn, sốt…; thường tự khỏi sau vài giờ. Để điều trị, người ta tìm cách dẫn lưu dịch vào các khoang khác của cơ thể để tiêu ra ngoài.
TRÀN KHÍ MÀNG PHỔI trạng thái bệnh lí khi có không khí lọt vào giữa hai lá của màng phổi; còn gọi là TKMP tự phát để phân biệt với những trường hợp TKMP do chấn thương lồng ngực, do chọc dò. TKMP có thể chiếm toàn bộ ổ màng phổi, hoặc khu trú ở một vùng. Triệu chứng chủ yếu: đau họng, ngực, ho, khó thở. Tuỷ theo tình hình phổi xảy ra tràn khí, TKMP được xếp thành 2 loại: 1) Ở người khoẻ mạnh trẻ tuổi, phổi không có hiện tượng bệnh lí rõ rệt, TKMP xảy ra sau một cố sức (vd. ở nghệ sĩ thổi kèn, thợ thổi thuỷ tinh…) một cách đột ngột; hiện tượng tốt, điều trị đơn giản. 2) Ở những bệnh nhân có bệnh phổi như lao phổi, hen, viêm phế quản mạn kèm theo viêm phế nang, giãn phế quản có bội nhiễm, apxe phổi, ung thư phổi, TKMP xảy ra âm thầm hơn, không có các triệu chứng lâm sàng rầm rộ.
TRÀN MÁU KHỚP tình trạng có máu trong ổ màng hoạt dịch do chấn thương khớp hoặc các nguyên nhân bệnh lí (bệnh ưa chảy máu, bệnh scobut). Đề phòng TMK: tránh va chạm, vận động quá sức; tránh chọc hút máu để phòng dính khớp.
TRÀN MÁU MÀNG NGOÀI TIM tình trạng có máu xuất hiện trong khoang màng ngoài tim. Bình thường trong khoang màng ngoài tim không có máu. Bất thường có tràn máu trong khoang màng ngoài tim, do nhiều nguyên nhân:
1) Vết thương làm thủng màng ngoài tim, thủng thành tim.
2) Chấn thương ngực kín gây vỡ tim, làm cho máu chảy ồ ạt vào trong khoang màng ngoài tim.
Trong cả hai trường hợp trên, máu chảy nhiều có thể gây chèn ép tim và dẫn đến tử vong. Bệnh nhân cần được đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu.
3) Ung thư màng ngoài tim hoặc ung thư cơ tim làm cho máu chảy thấm từ từ vào khoang màng ngoài tim từ khối ung thư, hiếm thấy có hội chứng chèn ép tim. Chữa nguyên nhân bệnh là ung thư. Nếu máu chảy nhiều và gây chèn ép tim (khó thở, thở nhanh, môi tím, mạch nhỏ và khó bắt, huyết áp tụt, chân tay lạnh, tiếng tim nghe không rõ…), cần chọc, hút máu để giảm chèn ép.
TRÀN MÁU MÀNG PHỔI loại tràn dịch màng phổi với máu lọt vào giữa hai lá của màng phổi. Chiếm khoảng 10% trong tổng số các loại tràn dịch màng phổi. Có thể cấp tính và mạn tính (ngày càng nhiều). Nguyên nhân: chấn thương, vết thương gây chảy máu trong màng phổi; bệnh nội khoa mà hàng đầu là ung thư tiên phát và di căn (có tiên lượng xấu); bệnh lao và một số bệnh hệ thống khác.
TRÀNG HẠT SUỜN (tk. chuỗi hạt sườn), tổn thương ở xương sườn trẻ em dưới dạng những cục nhỏ giống như một chuỗi hạt (có thể sờ thấy được),do tăng sản mô sụn chậm biến thành xương ở nơi tiếp giáp sụn – xương sườn. Là một trong các dấu hiệu của bệnh còi xương ở trẻ em.
TRÀNG NHẠC x. Lao hạch.
TRẠNG THÁI CĂNG THẲNG CẢM XÚC x. Stress.
TRẠNG THÁI CẤP CỨU tình trạng biến đổi bất thường trong trạng thái và hoạt động của một cơ quan, một bộ phận cơ thể người, do tác nhân ngoại lai hay nội tại và ảnh hưởng xấu đến các chức năng sinh lí hoặc cuộc sống (vd. truỵ tim mạch, khó thở, sốt quá cao gây co giật, tai nạn giao thông, bỏng, vv.)
TRẠNG THÁI KÍCH THÍCH (y) tình trạng tăng hoạt động bất thường của một cơ quan do nguyên nhân thần kinh. Có thể do ngộ độc (vd. ngộ độc thuỷ ngân, atropin, cà độc dược, mã tiền…), do bệnh ở hệ thần kinh hoặc bệnh toàn thân khác. TTKT tim (đau ngực, đánh trống ngực…) có thể gặp ở người trẻ dễ xúc động mà không có bất cứ bệnh tim mạch nào.
TRÁNH THAI sử dụng các biện pháp y học giúp cho người phụ nữ vẫn sinh hoạt tình dục nhưng không thụ thai. Một mục đích quảntọng của TT là thực hiện chủ động việc kế hoạch hoá gia đình về các mặt: số con, khoảng cách hai lần sinh con, thời điểm sinh con thuận lợi cho sinh hoạt, học tập, sức khoẻ của hai vợ chồng và cả gia đình. Các phương pháp TT đươc chia ra: TT nhất thời và TT vĩnh viễn. 1) TT nhất thời ở nam giới gồm: giao hợp ngắt quãng (cg. xuất tinh ra ngoài); dùng bao cao su là phương pháp thông dụng nhất hiện nay và còn có tác dụng đề phòng các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, trong đó có AIDS; thắt ống dẫn tinh – phương pháp thường dùng ở các nước đang phát triển và các gia đình đông con. TT nhất thời ở nữ: kiêng giao hợp vào những ngày quanh thời điểm phóng noãn (ngày rụng trứng) [phương pháp Ôginô Kyuxaku – Knauxơ (theo tên của Ogino Kyusaku – thầy thuốc sản khoa Nhật Bản và H. Knaus – thầy thuốc sản khoa Áo], nhưng hiện nay ít phổ biến vì tỉ lệ vỡ kế hoạch cao; dùng màng ngăn âm đạo, mũ cổ tử cung; dùng thuốc hocmon tránh thai (uống hay tiêm, cấy dưới da) – phương pháp thông dụng, nhất là ở các nước phát triển mặc dù có một số điểm bất tiện (phải uống liên tục, gây rối loạn nội tiết) (x. Thuốc tránh thai). 2) TT vĩnh viễn gồm: thắt và cắt vòi trứng cho nữ; thắt và cắt ống dẫn tinh cho nam.
TRAO ĐỔI CHẤT x. Chuyển hoá.
TRAO ĐỔI CHẤT TRUNG GIAN các phản ứng hoá học trong tế bào nhằm chuyển hoá các phân tử thức ăn thành các phân tử cần cho cấu trúc và sinh trưởng của tế bào.
TRẦN HỮU TƯỚC (1913 – 83), thầy thuốc chuyên khoa tai – mũi – họng người Việt Nam. Quê: Hà Nội. Tốt nghiệp bác sĩ y khoa và là giảng viên Trường Đại học Pari. Giáo sư y học tại Trường Đại học Y Dược Hà Nội. Tham gia Kháng chiến chống Pháp và Kháng chiến chống Mĩ. Đảm nhiệm các chức vụ: giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội (1955 – 1969); một trong những người đầu tiên xây dựng ngành tai – mũi – họng Việt Nam. Tham gia nhiều hoạt động chính trị xã hội: đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (từ 1960), đại biểu Quốc Hội, uỷ viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Y học Việt Nam, phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Các công trình nghiên cứu khoa học tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: ung thư tai – mũi – họng (ung thư vòm, hạ họng, thanh quản); viêm tai – xương chũm hài nhi; apxe não và tiểu não do tai; điếc trẻ em; dị ứng trong tai – mũi – họng; nội soi, vv. Anh hùng lao động (1966), Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Lao động hạng nhất, Độc lập hạng nhất. Truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (1966).
TRẺ CÓ TẬT những trẻ phát triển thể chất và tâm lí không bình thường, không đạt chuẩn, vì có rối loạn trong tổ chức cơ thể hay chức năng của các giác quan (trẻ bị điếc, bị mù,…), hoặc do sự tổn thương của hệ thần kinh trung ương gây nên (trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ rối loạn ngôn ngữ nặng…). Các lệch lạc trong sự phát triển tâm lí cũng có thể nằm trong những kết hợp khác nhau, có thể xuất hiện trước hoặc sau khi sinh. Hiệu quả của việc ngăn ngừa, chấn chỉnh, chữa chạy các lệch lạc trong sự phát triển tâm lí của các em này theo nguyên tắc bù trừ (giác quan này hỗ trợ, thay thế giác quan kia), phụ thuộc trực tiếp vào thời điểm bắt đầu, nôi dung và phương pháp của công tác chữa trị. Phát hiện sớm các lệch lạc và chẩn đoán chính xác khuyết tật nguyên phát có ý nghĩa rất quan trọng.
TRẺ CÒN BÚ trẻ còn đang trong thời kì bú mẹ. Theo quy ước, là trẻ 1 – 12 tháng tuổi; có nước quy định đến 24 tháng tuổi. Trong thực tế, phần lớn trẻ được cai sữa lúcc được 1 tuổi. Ngày này, người ta khuyến cáo các bà mẹ nên cho con bú đến 18 hoặc 24 tháng tuổi, vì có lợi cho sức khoẻ của trẻ và đề phòng suy dinh dưỡng.
TRẺ ĐẺ NON trẻ sinh ra khi có tuổi thai từ 28 tuần đến hết 37 tuần tính từ ngày đầu của kì kinh cuối cùng. TĐN cân nặng dưới 2,500 g và không dài hơn 45 cm. Nhiều chức năng của TĐN còn chưa hoàn chỉnh nên tỉ lệ tử vong ở TĐN rất cao. Nuôi dưỡng TĐN rất khó khăn vì chúng hay mắc bệnh, nhất là trong giai đoạn sơ sinh. Sữa mẹ đặc biệt cần thiết cho TĐN. Trong những giai đoạn sau, trẻ phát triển như trẻ đủ tháng.
TRẺ EM giai đoạn phát triển của đời người từ lúc sơ sinh cho đến tuổi trưởng thành. Có đặc điểm nổi bật là sự tăng trưởng và phát triển liên tục về thể chất và tâm thần. Quá trình phát triển của TE trải qua các thời kì: sơ sinh, b mẹ, trước khi đi học, đi học và tuổi dậy thì. Ở mỗi thời kì, có những đặc điểm sinh học khác nhau nên việc nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ cũng khác nhau, phù hợp với những đặc điểm của mỗi thời kì.
TRẺ SƠ SINH thời kì đầu của đời người; theo quy ước, trong các thống kê y tế, thời kì sơ sinh gồm 4 tuần lễ được chia làm hai: thời kì sơ sinh sớm – 7 ngày đầu sau khi sinh; sơ sinh muộn – từ 8 ngày đến hết 28 ngày sau khi sinh. Trong thời kì này, TSS dễ bị ốm, đau và dễ bị tử vong nhất. Về mặt pháp lí, thời kì sơ sinh chỉ tính có 3 ngày sau khi sinh. Sau khi cắt rốn, TSS có nhiều biến đổi quan trọng về tuần hoàn, hô hấp và chuyển hoá, bắt đầu thời kì sống độc lập và không phụ thuộc vào tuần hoàn nhau thai nữa. Trong khoảng 3 – 5 ngày đầu, TSS giảm cân khoảng 100 – 300 g (6 – 8% cân nặng khi sinh) và đến cuối tuần thứ hai, cân nặng mới tăng dần. Nhiều TSS bị vàng da sinh lí vào ngày thứ 3 – 4 và hết vào cuối tuần thứ nhất và đầu tuần thứ hai. Nếu vàng da tăng hoặc kéo dài, phải nghĩ tới tình trạng tan huyết bệnh lí. TSS có ít dự trữ muối khoáng, xương sọ rất mềm, dễ bị biến dạng nếu không chăm sóc đúng cách (đầu bị bẹp nếu để nằm lâu trên gối không đủ mềm). Hệ thần kinh chưa phát triển đầy đủ.
TRẺ THIỂU NĂNG những trẻ do những nguyên nhân khác nhau dẫn đến di chứng não khiến cho quá trình phát triển tâm lí và tâm thần dưới chuẩn bình thường. Trẻ nhận biết các sự vật hiện tượng của thế giới khách quan rất khó khăn, trí tuệ kém phát triển.
TREO CỔ tai nạn trong đó một dây thắt nút vào cổ treo người lên cao, sức nặng của bản thân nạn nhân tạo nên một lực thắt chặt nút, gây ngạt cơ giới (khác với chẹt cổ do lực ở bên ngoài). TC có thể hoàn toàn khi chân không chạm đất; không hoàn toàn khi chân chạm đất hay một vật nặng phía dưới. Trong công tác pháp y, vấn đề quan trọng là xác định vị trí của nút dây ở phía trước, phía sau hay phía bên cổ, để đối chiếu với các tổn thương tìm thấy khi khám thi thể nạn nhân (mặt màu trắng hay đỏ tím, vv.). Gặp một người TC, cần cắt đứt dây treo cổ, xác định vị trí của nút, gỡ nút, làm hồi sức cấp cứu nếu còn chút ít hi vọng cứu sống, vv.
TRI GIÁC mức độ cao so với cảm giác của nhận thức cảm tính; là sự phản ánh một cách trọn vẹn thuộc tính của sự vật và hiện tượng trong thế giới khách quan, khi chúng trực tiếp tác động vào các giác quan, do sự hoạt động phối hợp của nhiều cơ quan phân tích tạo nên. TG là hành động tích cực, trong đó có sự kết hợp chặt chẽ của các yếu tố cảm giác và vận động. Ở con người, nó là thành phần chính của nhận thức cảm tính, là điều kiện quan trọng của nhận thức lí tính, định hướng hành vi và hoạt động; hình ảnh TG (sản phẩm của quá trình TG) là vật điều chỉnh các hành động. Hình thức TG tích cực, có chủ định
TRI GIÁC NGỮ ÂM nghe được ngữ âm, mặt tâm lí bên trong của hoạt động ngôn ngữ. Sự phân tích tín hiệu khi TGNÂ diễn ra qua 3 mức độ: mức cảm nhận phân tích âm của điều thông báo; mức nhận biết tách các âm tạo thành từ; mức hiểu nghĩa, xác lập nghĩa của từng từ, cả câu, đoạn và toàn bài để hiểu toàn bộ nội dung của thông báo. Các mức này thể hiện rõ ở trẻ nhỏ khi học tiếng mẹ đẻ và ở người lớn khi bắt đầu học ngoại ngữ.
TRĨ (y). x. Bệnh trĩ.
TRĨ MŨI x. Bệnh trĩ mũi.
TRÍ TUỆ THIỂU NĂNG x. Chậm phát triển trí tuệ.
TRINH TIẾT 1. Theo nghĩa đen, TT là trạng thái của một người phụ nữ chưa có quan hệ tình dục với một người đàn ông và vẫn còn giữ được nguyên vẹn màng trinh.
2. Theo nghĩa rộng, TT là trạng thái tốt về tâm hồn và đạo đức của người phụ nữ còn trinh, hoặc giữ trọn lòng chung thuỷ với chồng. Xt. Màng trinh; Phá trinh.
TRUNG KHU THẦN KINH nơi tập trung các tế bào thàn kinh cùng chức năng trong hệ thần kinh. Hệ thống các cấu trúc thần kinh nằm ở các vị trí khác nhau của hệ thần kinh trung ương. TKTK gồm các nơtron liên kết với nhau nhờ các synap (khớp thần kinh). Mỗi TKTK thực hiện việc điều hoà một chức năng chuyên biệt nào đó của cơ thể, vd. trung khu hô hấp, trung khu vận chuyển mạch, trung khu nôn. Các TKTK ở tuỷ sống điều hoà các hoạt động phản xạ tương đối đơn giản, các TKTK ở não điều hoà chức năng thở, khát, đói, đau đớn, phấn chấn, vv.
TRUNG TÂM Y TẾ – TÂM LÍ – GIÁO DỤC tổ chức hoạt động phối hợp giữa các thầy thuốc, nhà tâm lí học và nhà giáo dục học nhằm thực hiện các nhiệm vụ phức hợp của việc giám định, chẩn đoán, tư vấn, và chữa trị về mặt tâm lí – sinh lí cho người bệnh.
TRUNG THẤT khu vực ở lồng ngực, nằm giữa 2 lá phổi trái và phải, ở sau xương ức, trước cột sống, tách biệt với khoang bụng và chia thành nhiều vùng (trước và sau), chứa nhiều phủ tạng quan trọng như tim, tuyến ức, khí quản, phế quản, thực quản, các mạch máu lớn, các chuỗi hạch bạch huyết và nhiều dây thần kinh, vv.
TRÙNG ROI (Flagellata = Mastigophora; cg. Trùng tiên mao), một trong số 6 lớp của ngành Động vật nguyên sinh (Protozoa), gồm các loài động vật nguyên sinh nguyên thuỷ, có cơ quan vận động là roi (1 hoặc nhiều roi). Có dạng hình thoi, hình trứng, hình cầu, hình trụ, vv. Kích thước từ 2 – 5 m đến 1 mm. Có khoảng hơn 8 nghìn loài, sống phổ biến ở nước ngọt, nước biển và đất ẩm, một số sống kí sinh. TR có thể có quan hệ chặt chẽ với tổ tiên của thực vật và động vật. TR được chia thành hai phân lớp: a) TR thực vật (Phytomastigophorea; Phytoflagellata) có khả năng quang hợp nhờ sắc tố trong hạt diệp lục như Euglena, một số loài khó phân biệt với tảo và thường liệt vào tảo, một số sống thành tập đoàn lớn (Volvox); b) TR động vật (Zoomastigophorea, Zoòlagellata) dinh dưỡng giống như động vật. TR giáp là nhóm thức ăn quan trọng của các loài cá ăn nổi. Sinh sản hữu tính của tập đoàn Volvox giúp ta hình dung bước tiến hoá của sinh sản hữu tính từ đẳng giao đến dị giao và noãn giao. Nhiều loài TR kí sinh và gây bệnh ở người và vật nuôi. Nhiều loài thuộc chi Trypanosoma hây bệnh ngủ ở Châu Phi, bệnh đường ruột, đường máu… Nhiều loài TR thuộc chi Trichomomas kí sinh ở các hốc tự nhiên trong cơ thể ở người như âm đạo (T. vaginalis), ruột (T. intestinalis)…gây viêm niệu đạo (đái đau, buốt…), viêm âm hộ, âm đạo, cổ tử cung bán cấp hay mạn tính (ra khí hư nhiều, trắng đục hay vàng nhạt; ngứa âm hộ; giao hợp khó và đau). Bệnh phổ biến trên thế giới thường lây nhiễm qua đường tình dục; đôi khi lây lan qua bàn tay, đồ dùng bị nhiễm (quần áo, ống thông…).
TRÙNG SỐT RÉT (Plasmodium), chi động vật nguyên sinh thuộc bộ Trùng bào tử máu (Haemoporidia), lớp Trùng bào tử (Sporozoa), gồm các loài sống kí sinh trong máu của động vật có vú, gây bệnh sốt rét ở người do muỗi Anopheles truyền. Kí sinh TSR có chu kì sống phức tạp gồm quá trình sinh sản vô tính ở người và sịnh sản hữu tính ở muỗi. Có 3 loài: P. falciparum phổ biến nhất (chiếm 80% người bệnh), có vòng liệt sinh trong hồng cầu 48 giờ và thời gian sốt kéo dài; P. vivax (khoảng 20%), có vòng liệt sinh 48 giờ, thời gian sốt ngắn hơn; P. malariae có vòng liệt sinh 72 giờ. Các cơn sốt ứng với thời gian giữa hai lần sinh sản vô tính liệt sinh. Kí sinh trùng xâm nhập vào cơ thể người từ tuyến nước bọt của muỗi khi muỗi đốt hút máu người, sinh sản vô tính trong hồng cầu, phá vỡ hồng cầu gây sốt. Các kí sinh trùng này được muỗi hút phải từ máu người bệnh, sau đó các giao tử đực và cái phát triển và sinh sản hữu tính. TSR chỉ có thể gây bệnh khi có các loài muỗi sốt rét Anopheles truyền bệnh đặc trưng của từng vùng sinh thái, có TSR và có người bị bệnh. TSR lây lan từ vùng này sang vùng khác chủ yếu là do con người. Muỗi truyền bệnh sốt rét ở Việt Nam gồm một số loài thuộc chi Anopheles, trong số đó thường gặp A. minimus (bọ gậy sống ở khe suối nước chảy) và A. balacensis (bọ gậy thích sống trong vùng nước tù đọng). Xt. Trùng bào tử; Muỗi.
TRÙNG TIÊM MAO (Ciliata), một trong hai phân lớp của lớp Trùng cỏ (Infusoria), ngành Động vật nguyên sinh (Protozoa). Xt. Trùng cỏ.
TRÙNG TIÊN MAO x. Trùng roi.
TRUỴ TIM MẠCH tình trạng bệnh lí, xuất hiện do giảm bất thường số lượng máu tuần hoàn quá lớn so với tổng số lượng máu của cơ thể. TTM là biến chứng của nhiều bệnh (nhiễm khuẩn, nhiễm độc, mất nhiều máu, mất nhiều nước do ỉa chảy, bỏng nặng, bệnh tim mạch ở giai đoạn nguy kịch, vv.). Xuất hiện đột ngột với những biểu hiện: người bệnh tím tái, vã mồ hôi, chân tay lạnh; mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt thấp (dưới 80 mmHg) hoặc không đo được; ít hoặc không có nước tiểu. Bệnh tiến triển nhanh, dễ đưa đến tử vong. Điều trị: nâng huyết áp (tiêm truyền nhỏ giọt vào tĩnh mạch 50 ml dung dịch glucozơ đẳng trương với 2 mg nor-adrenalin), uống nước muối pha đường hoặc dung dịch oresol (trong trường hợp bị mất nước vì ỉa chảy).
TRUYỀN DỊCH phương pháp đưa một chất dịch vào cơ thể với khối lượng lớn trong một thời gian dài hơn tiêm, nhằm duy trì khối lượng máu tuần hoàn hoặc nuôi dưỡng. TD có thể kéo dài liên tục nhiều giờ hoặc nhiều ngày. Có thể TD vào tĩnh mạch, dưới da, vào ruột (qua ống thông nuốt qua dạ dày xuống ruột). Dịch truyền thường là huyết thanh mặn, ngọt ưu trương hoặc đẳng trương, huyết tương khô hoặc máu, dung dịch nuôi dưỡng, dung dịch keo và chất điện giải, vv. Có thể pha thuốc vào dịch truyền theo chỉ định của thầy thuốc. Áp dụng TD trong các trường hợp: ỉa chảy, mất nước, nôn nhiều, chảy máu, người suy mòn, người không ăn được cần TD để nuôi dưỡng, vv.
TRỰC KHUẨN 1. (Bacillus), chi vi khuẩn thuộc họ Bacillaceae; là các tế bào vi khuẩn hiếu khí và kị khí mang hình que, thường sản xuất catalaza.
2. Tên gọi chỉ bất kì loại vi khuẩn nào có hình que.
TRỰC KHUẨN SINH BÀO TỬ chi vi khuẩn hình que, hiếu khí (ưa khí) có khả năng sinh bào tử. Có thể tồn tại riêng lẻ hoặc xếp thành cặp, thành từng chuỗi. Kích thước bề ngang của bào tử không vượt quá bề ngang tế bào vi khuẩn.
TRỰC TRÀNG phần cuối cùng của ống tiêu hoá tích phân và thải phân ra ngoài qua hậu môn hoặc lỗ huyệt sau những khoảng thời gian nhất định. Ở động vật có vú, TT được đóng lại do một cơ thắt vòng. Ở côn trùng, TT (hay còn gọi là ruột sau) còn có chức năng hấp thụ lại nước.
TRƯỚC PHẪU THUẬT các chăm sóc, các công việc chuẩn bị làm đối với bệnh nhân trong những ngày trước khi mổ, nhằm tạo những điều kiện cho ca mổ đạt được nhiều kết quả tốt. Nội dung gồm: kiểm tra lại và hoàn chỉnh hồ sơ; xác định lại chẩn đoán cuối cùng; chuẩn bị tinh thần cho gia đình và bệnh nhân để bệnh nhân yên tâm và tin tưởng vào cuộc mổ. Trước hôm mổ, bệnh nhân cần thư dãn tinh thần và cơ thể; nằm nghỉ; ăn nhẹ, tránh thức ăn dễ lên men; tắm; thụt tháo ruột; cạo lông vùng mổ; khử khuẩn và băng vô khuẩn chỗ mổ; cho thuốc an thần đêm trước khi mổ. Đối với ca cấp cứu, cũng phải có một sự chuẩn bị tối thiểu cần thiết và bệnh nhân được hồi sức kịp thời trước khi mổ.
TRƯƠNG CÔNG QUYỀN (1908 – 2000), dược sĩ Việt Nam. Quê: Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Tốt nghiệp dược sĩ hạng nhất Trường Đại học Tuludơ (1934), tiến sĩ dược học (1936). Một trong những người đầu tiên xây dựng ngành dược học Việt Nam. Giáo sư Trường Đại học Y dược Hà Nội và sau đó Trường Đại học Dược Hà Nội. Đảm nhiệm các chức trách: hiệu trưởng Trường Đại học Quân Dược trong thời kì Kháng chiến chống Pháp; chủ tịch Hội đồng Dược điển Việt Nam (1963 – 97); chủ nhiệm đơn vị nghiên cứu chuyên đề kháng sinh. Chủ biên và biên soạn cuốn “Thực hành dược khoa” (1971, 86), sách giáo khoa về hoá học hữu cơ, hoá dược (1962, 65), một số sách giảng dạy và nghiên cứu về dược học. Ngoài ra, còn có công trình nghiên cứu về kháng sinh từ xạ khuẩn phân lập được ở Việt Nam, về hoá dược, bào chế thuốc. Nhà giáo Nhân dân (1989), Giải thưởng Hồ Chí Minh cho công trình “Dược điển Việt Nam” (1996).
TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH trường đào tạo nhân lực về y tế. Thành lập năm 1976 trên cơ sở hợp nhất các cơ sỏ đào tạo của chế độ cũ và Trường Cán bộ Y tế Cao cấp Miền Nam. Ngoài đào tạo đại học, còn có chuyên trình đào tạo sau đại học: thạc sĩ, tiến sĩ, chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, cao đẳng; nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng các kĩ thuật và thành tựu khoa học hiện đại vào thực tế Việt Nam. Trường có 6 khoa (Y, Dược, Răng Hàm Mặt, Y học Cổ truyền, Điều dưỡng và Kĩ thuật Y tế, Y tế cộng đồng). Trụ sở: 217 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.
TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI trường trọng điểm quốc gia của ngành y tế Việt Nam. Tiền thân là Trường Đại học Y Dược Đông Dương, thành lập năm 1902, tại Hà Nội; năm 1945, là Trường Đại học Y Dược Việt Nam; từ năm 1981, đổi tên thành TĐHYHN. Nhiệm vụ: đào tạo bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa , cử nhân điều dưỡng, cử nhân kĩ thuật y học, cử nhân y tế công cộng, bác sĩ răng-hàm-mặt, tiến sĩ y học, thạc sĩ y học. Các cơ sở đào tạo: ngoài trụ sở Trường còn có các bộ môn ở 27 bệnh viện nghiên cứu: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Viện Nhi Trung ương, Viện Lao và các Bệnh phổi, Viện E, Viện Y học Cổ truyền Trung ương. Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Thanh Nhàn, vv. Trường có hai khoa: Y tế công cộng, Y học cổ truyền; 8 bộ môn khoa học cơ bản; 12 bộ môn y học cơ sở; 23 bộ môn y học lâm sàng; 13 trung tâm và đơn vị nghiên cứu dự án khoa học. Danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động thời kì đổi mới (2000). Huân chương Hồ Chí Minh (2002). Anh hùng Lực lượng vũ trang (2004). Trụ sở: số 1 Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa, Hà Nội.
TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y KHOA (Huế), Đại học Huế.
TRƯỚNG BỤNG hội chứng do khí trong dạ dày và ruột tăng lên làm cho bụng bị căng. Bình thường, trong dạ dày và ruột người bao giờ cũng có một ít khí. TB xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa lượng khí nuốt vào và được sản ra trong ống tiêu hoá với lượng khí thoát ra ngoài do ợ hơi và qua hậu môn (trung tiện). Khối lượng khí phụ thuộc vào loại thực phẩm (sữa tươi, khoai tây, bắp cải, bia, bánh mì…), tính chất lao động, các phản ứng hoá học là lên men do thay đổi các vi khuẩn trong ruột. Các nguyên nhân làm cản trở sự thoát khí: ruột bị xẹp, co thắt quá mức; ruột mất trương lực; các dây chằng, màng dính trong màng bụng; một số bệnh mạn tính như viêm dạ dày, ruột, viêm túi mật, vv. Dự phòng: chú ý vệ sinh ăn uống, giảm các thực phẩm tạo nhiều khí, bai hơi, nước uống có ga, tập thể dục…Chữa bệnh theo nguyên nhân.
TRƯỚNG BỤNG ĐẦY HƠI bệnh thường thấy ở loài nhai lại, nhất là trâu bò. Nguyên nhân: con vật ăn nhiều thức ăn dễ lên men như: cỏ ướt, dây lang phơi tái, cỏ ngâm nước sau vụ lụt, cỏ thối úng, rơm mốc, vv. Thời tiết giông bão đột ngột, đang cho ăn thức ăn khô chuyển đột ngột sang cho ăn thức ăn tươi, cũng làm bệnh dễ phát. Thức ăn trong dạ cỏ lên men nhanh, sinh ra nhiều hơi, làm bụng phình trướng nhanh về bên trái, da bụng căng, gõ nghe như tiếng trống. Nếu không chữa kịp, con vật đổ mồ hôi đầm đìa, chảy dãi nhiều, mạch yếu dần rồi ngạt thở mà chết. Phòng bệnh bằng loại bỏ những nguyên nhân gây bệnh. Chữa bệnh bằng phẫu thuật (chọc dạ cỏ) và xoa bóp, cho uống, cho hít chất làm thông hơi.
TRYPSINOGEN zymogen của trypsin, tiết ra từ dịch tuỵ.
TỦ SẤY thiết bị có bộ phận tạo ra nhiệt độ nhất định. Thường dùng không khí khô, kèm theo bộ điều nhiệt để giữ cho nhiệt độ được ổn định. TS dùng để tiệt khuẩn dụng cụ. Tuỳ theo loại dụng cụ cần tiệt khuẩn mà điều chỉnh nhiệt độ và thời gian cần thiết.
TÚI LỆ một bộ phận của hệ thống tuyến nước mắt, nằm trong máng lệ và bờ khoang lệ. TL bình thường chỉ chứa nước mắt. Khi bị viêm mạn tính, TL chứa một chất nhờn vàng chanh. Khi bị nhiễm khuẩn thứ phát, TL có thể chứa mủ, dễ có nguy cơ biến thành apxe TL, đồng thời đe doạ nhiễm khuẩn giác mạc, nhãn cầu (nếu bị xước, loét giác mạc).
TÚI MÁU bọc máu tụ do máu chảy và bị tụ lại. Dùng để chỉ những bọc máu ở bìu, màng tinh hoàn (ở nam), ở khung chậu trong khoang giữa tử cung và trực tràng ở nữ [gọi là túi cùng Đugla; theo tên của Giêm Đugla (J. Douglas), thầy thuốc sản khoa người Ailen] do chửa ngoài tử cung bị vỡ, vv. Xt. Bọc máu tụ.
TÚI MẬT phần phình rộng có dạng túi của ống mật nằm giữa thuỳ gan ở nhiều động vật có xương sống. Trong TM có những tiểu quản mật là những ống rất nhỏ chạy xen vào giữa hai mặt giáp nhau của hai tế bào gan, những tiểu quản này chia nhánh trong tế bào và mở vào những tiểu quản gian bào. Kích thước của tiểu quản thay đổi tuỳ theo mức độ hoạt động của gan. TM là nơi dự trữ mật tạm thời và sau đó mật được tiết vào tá tràng khi có thức ăn, do hocmon cholecystokinin điều khiển (xem minh hoạ Hệ tiêu hoá).
Ở người, TM dài 8 – 10 cm, chỗ rộng nhất 3 cm; gồm có đáy, thân và cổ, ở sát vào mặt dưới bờ trước của gan. Điểm TM là chỗ gặp gỡ giữa bờ sườn phải và bờ ngoài cơ thẳng to. Niêm mạc TM là biểu mô tuyến giống niêm mạc tá tràng, do đó viêm tá tràng có thể lan dần lên TM. Ống TM đi từ cổ TM, dài khoảng 3 – 4 cm họp cùng ống gan chung tạo nên ống mật chủ. TM có nhiệm vụ chứa mật từ ống gan đưa xuống để khi có nhu cầu, sẽ đưa ra theo ống túi mật và ống mật chủ vào tá tràng; cô đặc mật để sau đó đưa xuống tiểu tràng giúp tiêu hoá thức ăn.
TÚI NHẬN TINH cơ quan dạng túi gặo ở cá thể cái hoặc lưỡng tính của một số loài động vật không xương sống như ở giun đất, gián, ong mật, vv. Nơi nhận và chứa tinh khi giao phối, sau đó thụ tinh cho trứng chín khi trứng đi qua miệng túi.
TÚI NIỆU một trong ba màng phôi của bò sát, chim và động vật có vú. Đầu tiên, túi phát triển từ một nếp gấp ở phần bụng sau ruột phôi hoặc như một bóng nhỏ ở phía bụng (ở linh trưởng), lớn dần gần như choán hết thể xoang phía dưới ruột sau, nằm giữa màng đệm và màng ối. Sau đó phát triển ra xoang ngoài phôi. Thành ngoài TN có nhiều mạch máu hoà với màng đệm tạo nên màng đệm – niệu – nang (ở chim) hoặc nhau (ở động vật có vú). Ở bò sát và chim, TN vừa là nơi tích trữ axit uric vừa là nơi trao đổi khí của phôi. Xt. Màng ối; Màng đệm; Nhau thai.
TÚI NOÃN cơ quan sinh sản cái của một số nấm và tảo, có hình dạng, kích thước khác với cơ quan sinh sản đực (túi đực). Chứa một hay một số tế bào trứng đơn bội là noãn cầu lớn, bất động. Các noãn cầu được “giải phóng” ra trước thụ tinh như ở tảo gạc hươu (Fucus) hoặc còn lại bên trong TN ở Pythium.
TÚI PHÌNH MẠCH đoạn động mạch bị giãn, phồng to thành một túi phồng, trong đó có chứa máu và các phần máu đông, do lớp giữa dãn của thành mạch bị huỷ một phần hay toàn bộ; có hình túi hay hình thoi (x. Phình động mạch).
TÚI PHÔI 1. (động vật), một cấu trúc dạng túi (quả cầu) rỗng chứa đầy dịch, có một lớp tế bào nằm ở mặt ngoài và khối tế bào bên trong, khối tế bào này sẽ phát triển thành phôi. Gặp ở giai đoạn muộn trong quá trình phân cắt trứng động vật có vú, trước lúc làm tổ. Xt. Lá nuôi; Phôi.
2. (thực vật), tế bào lớn, hình bầu dục nằm trong nhân noãn của thực vật có hoa, là nơi xảy ra quá trình thụ tinh của trứng và sau đó là sự phát triển của phôi. TP tương đương với thể giao tử cái của thực vật bậc thấp, chứa một số nhân thay đổi do phân chia của nhân đại bào tử. Thông thường, có một bộ máy nhân trứng ở tận cùng lỗ noãn, gồm một nhân tế bào trứng và hai nhân trợ bào, ở tận cùng đối diện phía điểm hợp là ba tế bào đối cực có thể hỗ trợ cho nuôi dưỡng phôi và ở phần giữa là hai nhân cực hợp lại với nhau tạo thành nhân nội nhũ sơ cấp. Trong quá trình thụ tinh, một nhân của giao tử đực kết hợp với nhân tế bào trứng tạo nên hợp tử, nhân của giao tử đực thứ hai kết hợp với nhân nội nhũ sơ cấp tạo thành tế bào tam bội, về sau phát triển thành nội nhũ. Ở thực vật hạt trần, đại bào tử cho một tế bào cũng gọi là TP với cấu tạo cũng giống như ở thực vật hạt kín. (x. Thể giao tử; Lỗ noãn).
TÚI TẠNG năm cặp túi ở mặt bên của họng ở phôi của động vật có xương sống.
TÚI THỪA ống tịt hay một cái bao lồi từ xoang hay ống trong cơ thể (vd. manh tràng của thỏ tạo nên TT).
Ở động vật có dây sống nguyên thuỷ (vd, lưỡng tiêm Amphioxus), TT là túi lồi ở giữa thực quản và và ruột, tương đồng với gan ở động vật có xương sống. Ở người, TT là túi nhỏ, phát sinh (do bệnh, bẩm sinh…) từ thành của một cơ quan rỗng, thông vào lòng của cơ quan đó. TT phát sinh ở nhiều điểm trên ống tiêu hoá: TT thực quản ở vị trí cao; TT hầu – thực quản gây khó nuốt, ợ; TT ở vị trí ngực do thực quản dính vào một hạch viêm mạn tính (lao, vv.); TT của vị trí thấp trên cơ hoành; TT ruột non, thông thường nhất là TT Mêchken [theo tên của nhà giải phẫu học Đức Mêchken (J. F. Meckel)] ở trên mép cuối cùng của ruột non, do sự tồn tại bất thường của ống rốn; TT ruột già thông thường ở quai xichma (sigma). Về lâm sàng, có 2 trạng thái: 1) Bệnh TT thường không có triệu chứng lâm sàng, chẩn đoán được do ngẫu nhiên khi bị một bệnh khác. 2) Viêm TT với dấu hiệu tuỳ theo mỗi loại. Viêm TT Mêchken có dấu hiệu tương tự như viêm ruột thừa, vì vậy dễ nhầm lẫn giữa 2 bệnh; tuy nhiên cách chữa cũng như nhau (mổ cắt TT). Viêm TT đại tràng xichma với dấu hiệu đau bụng vùng hố chậu trái, kèm theo táo bón hay ỉa chảy; có thể gây biến chứng như thủng và viêm màng bụng, apxe đại tràng, chảy máu tiêu hoá; chữa nội khoa không khỏi phải mổ cắt bỏ.
TÚI TINH 1. Đôi tuyến phụ sinh dục nhỏ, dài, đổ vào ống dẫn tinh ở con đực của đa số các loài động vật có vú. Tiết ra loại dịch kiềm nhớt chứa các chất: fructozơ, protein và các chất khác hoà lẫn với tinh dịch. Sự sinh trưởng và hoạt động của TT phụ thuộc chủ yếu vào các hocmon (anđrogen).
2. Cơ quan dùng chứa tinh trùng ở các động vật có xương sống bậc thấp và một số động vật không xương sống.
TUỔI THỌ thời gian sống của một người tính bằng năm, kể cả lúc hôn mê, khi tim, phổi, não vẫn còn các hoạt động sinh học, biểu hiện bằng các hoạt động của các dòng điện sinh học. TT chịu ảnh hưởng của các điều kiện di truyền, môi trường sống, lối sống, bệnh tật và sự rèn luyện của từng người. Con người ngày càng sống lâu hơn. Nhà lão khoa Đức Bruske (Bruschke) ước tính TT trung bình của loài người như sau:
Năm Tuổi thọ trung bình 0 22 1000 33 1700 35 1860 49 1960 70 2000 80
TUỶ 1. Ở động vật, là vùng trung tâm của một cơ quan ở động vật, có sự khác biệt với vùng xung quanh về cấu tạo, chức năng. Vd. T của thận.
2. Ở thực vật, là vùng giữa của thân, đôi khi của rễ, có cấu tạo mô mềm. Được hình thành từ phần trong của trụ và đôi khi có thêm mô dẫn là các bó mạch.
TUỶ BÀO tế bào trong mô sinh máu của tuỷ xương đỏ, hình thành qua phân chia các tuỷ nguyên bào và sẽ biến thành bạch cầu hạt đi vào máu (x. Bạch cầu hạt).
TUỶ ĐỒ công thức tỉ lệ của các tế bào trog tuỷ xương, hình thể, kích thước, sự trưởng thành của tế bào như dòng hồng cầu, dòng bạch cầu và dòng mẫu tiểu cầu. Lấy tuỷ xương để xác định TĐ bằng cách chọc hút bằng kim vào tuỷ xương của một xương ở nông (xương ức). Nhờ kết quả của TĐ, người ta có thể chẩn đoán được các bệnh về máu khi mà xét nghiệm máu ngoại vi chưa cho kết quả rõ ràng.
TUỶ SỐNG bó thần kinh dài của hệ thần kinh trung ương ở động vật có xương sống, nối não bộ với các tế bào thần kinh, điều khiển các cơ quan và cơ của cơ thể qua nhiều đôi dây thần kinh chạy dọc theo chiều dài. Nằm trong ống xương sống. Trên lát cắt ngang, có thể thấy hai vùng: ngoài là chất trắng, gồm các sợi trục đi lên và đi xuống bao quanh vùng chất xám hình chữ “H” ở phía trong chứa các thân tế bào thần kinh, giữa là ống rỗng, hẹp, chứa đầy dịch não tuỷ (x. Dây thần kinh tuỷ sống).
TUỶ XƯƠNG mô liên kết ở trong các hốc của tuỷ xương các xương dài (xương chày, xương đùi, xương tay…) và xương dẹt (xương ức, xương khung chậu…). Có nhiệm vụ: tạo xương và tạo các tế bào miễn dịch, tạo máu.
TUỴ tuyến vừa nội tiết (tiết ra isulin, glucagon, somatostatin, vv.) vừa ngoại tiết (tiết dịch tuỵ) ở động vật có xương sống, tham gia vào quá trình tiêu hoá và điều hoà trao đổi các chất gluxit, lipit và protein. Ở phần lớn động vật có xương sống,T nằm ở màng treo ruột của tá tràng gần với dạ dày. Các tế bào ngoại tiết tạo enzim tiết dịch tuỵ qua ống tiết vào tá tràng để tiêu hoá protein, lipit, gluxit. Nhóm tế bào nội tiết sản sinh và tiết vào máu các hocmon (isulin, glucagon, somatostatin, vv.). Tuyến T của một số động vật có xương sống có các tế bào thể khảm tiết ra cả enzim tiêu hoá lẫn hocmon. Động vật có xương sống bậc thấp có các tế bào nội tiết và ngoại tiết tách biệt nhau, Ở thành ruột của động vật không xương sống cũng phát hiện thấy các tế bào tiết ra các chất tương tự hocmon tuyến T.
Ở người, tuyến T (cg. tuỵ tạng) nặng trung bình 70 – 80 g, hình búa dẹt, gồm đầu, cổ, thân và đuôi, cố định vào thành bụng sau (trừ đuôi T). Đầu T to nằm trong khung tá tràng, đoạn 1/3 dưới của ống mật chủ chui qua đầu T để cùng với ống T đổ mật vào đoạn tá tràng thứ hai. Chức năng: tham gia chuyển hoá đường, mỡ, protein bằng các enzim nội tiết và ngoại tiết. Các bệnh thường gặp ở tuyến T: viêm T cấp và mạn, ung thư T, đái tháo đường, vv.
TUỴ TẠNG x. Tuỵ
TUYẾN cấu trúc mô có chức năng chế tiết và giải phóng các chất được chế tiết của cơ thể động vật ra ngoài hoặc vào trong máu. Các T được xếp thành 3 loại.
1) T ngoại tiết: sản phẩm tiết được đẩy theo ống tiết ra mặt ngoài lớp biểu mô của cơ thể động vật (T nước mắt, T mồ hôi, T bã, T sữa ở người và động vật có vú; T tơ ở nhện côn trùng…) hoặc đổ vào các tạng rỗng hoặc các khoang [T tiêu hoá, T nước bọt, T Brunnơ – tuyến ở niêm mạc tá tràng có nhiệm vụ tiết chất nhầy bảo vệ niêm mạc; gọi theo tên Brunnơ (J. C. Brunner; thầy thuốc người Thuỵ Sĩ)]
2) T nôi tiết: các sản phẩm tiết được giải phóng thẳng vào máu, do các tế bào tuyến tiếp cận mật thiết, xen kẽ với các mao mạch (T giáp, T thượng thận, T yên…).
3) T hỗn hợp vừa ngoại tiết vừa nội tiết (T tuỵ sản xuất ra dịch tuỵ). Vì là một mô có nhiều mạch máu, các T có thể bị viêm, u, quá sản, giảm sản, loạn sản giống các mô khác. Khi bị viêm, các T sưng, đau ngay tại vị trí giải phẫu của nó. Khi T nội tiết tăng chức năng chế tiết thì gọi là cường, vd. cường tuyến giáp, cường tuyến cận giáp, vv. Biểu hiện bệnh lí của T nội tiết rất phức tạp, tuỳ theo chức năng của mỗi T.
TUYẾN BÃ NHỜN. Tuyến nằm ở phía trên của nang lông gần mặt da. Cấu tạo gồm một khối đặc tế bào, chia a nhiều thuỳ, có chung một ống bài xuất mở vào nang lông hoặc mở thẳng ra mặt da. Xung quanh TBN mô liên kết tạo thành một bao xơ chun, xen giữa lớp tế bào ngoài cùng và bao mô liên kết là màng đáy. Mỗi tế bào nằm trong màng đáy thì nhỏ, hình khối hay nhiều cạnh, có nhân hình trứng, đó là các tế bào có khả năng gián phân mạnh, chứa nhiều ARN và nhiều enzim như esteraza, photphotaza, TBN tiết ra dịch nhờn vào nang lông giữ cho tóc, lông và da luôn mềm mại, chống nhiễm khuẩn. Trong một ngày, mỗi người tiết ra khoảng 20g chất bã nhờn.
TUYẾN CẬN GIÁP. bốn khối nhỏ có hình ôvan nằm ở mặt sau 2 thuỳ bên tuyến giáp trạng, tiết ra hocmon điều hoà lượng canxi trong máu. Gồm các cột tế bào cách nhau bằng khe mạch máu. TCG có thể kiểm soát lượng canxi trong máu qua cơ thể liên hệ ngược. Ở người, 2 khối dưới dính vào 2 bờ sau giáp trạng, 2 khối trên thường nằm trong giáp trạng, gần mặt sau tuyến ấy. Nguồn gốc của 2 khối dưới là những túi nang nội bì thứ ba; 2 khối trên là những túi nang nội bì thứ tư. Ngoài ra còn những TCG phụ vùi trong tuyến ức hay trong mô mỡ đã thay tuyến này ở người đứng tuổi.
TUYẾN GIÁP TRẠNG. tuyến lớn nằm ở cổ thuộc mặt trước động vật có vú, có hai thuỳ ở hai bên khí quản và thanh quản hình dạng giống con bướm. Tiết hocmon điều hoà tốc độ chuyển hoá. Nguồn gốc nội bì. TGT có một vỏ xơ bao bọc và bị ngăn làm nhiều tiểu thuỳ (ngăn không hoàn toàn) bởi những vách liên kết phát sinh từ vỏ xơ mang theo vào trong tuyến những mạch và những dây thần kinh. Nhu mô TGT được tạo thành bởi những nang tuyến gọi là túi giáp chứa chất keo đặc biệt và một lưỡi mao mạch bao quanh, ngoài ra còn có những đám hay dãy tế bào không có xoang, gọi là đám Vônflơ.
TUYẾN HÁNG. một trong số các tuyến đôi củc cơ thể, có các ống nối mở về phía vùng khớp háng
TUYẾN LỆ. tuyến có liên quan mật thiết với mắt ở nhiều động vật có xương sống, nằm dưới mi mắt trên. Dịch tiết (nước mắt) rửa sạch phần trước mắt và sau đó chảy theo ống lệ xuống xoang mũi. Dịch tiết làm giác mạc luôn ướt, chống nhiễm khuẩn nhẹ do có một lượng nhỏ chất diệt khuẩn. TL ở người gồm 2 loại: 1/ TL chính nằm giữa hố lệ của thành xương hốc mắt và nhãn cầu, gồm 2 phần; 1 phần TL hốc và 1 phần TL mi; trong trường hợp bị kích thích (xúc động, viêm hoặc bị bụi kết mạc), sẽ tiết nhiều nước mắt và bị chảy nước mặt. 2/ TL phụ gồm rất nhiều tuyến nhỏ, nằm dưới kết mạc. Nhiệm vụ của TL là tiết nước mặt để luôn luôn làm cho mặt ngoài của giác mạc được phủ một lớp nước mắt rất mỏng.
TUYẾN MẬT một phần tế bào biểu bì tuyến tiết trên để hoa hoặc trên các phần khác ở một số loài hoa tiết ra dịch đường (mật hoa) hấp dẫn con trùng. Các tế bào biểu bì và đôi khi cả những tế bào nằm dưới nó được họp lại thành bộ phận dày và nạc là các đĩa mật. Vị trí của đĩa mật trên để so với nhị và nhuỵ khác nhau tuỳ theo từng loài, từng họ thực vật. Sự có mặt của TM là biểu hiện của thích nghi cao độ với sự thụ phần nhờ côn trùng.
TUYẾN MỒ HÔI tuyến hình ống cuộn nằm trong da của các loài thú, bài tiết các chất thải mồ hôi. Ống dẫn từ TMH qua lớp biểu bì và tiết mồ hôi ra mặt ngoài da. Mồ hôi bay hơi góp phần điều hoà thân nhiệt. Ở trong tai, TMH thay đổi chức năng và tiết ra ráy tai.
TUYẾN NGOẠI TIẾT. x. Tuyến
TUYẾN NỘI TIẾT. x. Tuyến
TUYẾN NƯỚC BỌT. các đôi tuyến tiết nước bọt vào xoa ng miệng giúp cho quá trình tiêu hoá ở động vật. Ở các động vật khác nhau, số lượng TNB thay đổi, vd. thỏ có 4 đôi lá tuyến mang tai, tuyến dưới ổ mắt, tuyến dưới hàm và tuyến lưỡi; ở người có 3 đôi – tuyến mang tai, tuyến dưới hàm và tuyến dưới lưỡi; ở động vật không xương sống, có 1 đôi, như ở côn trùng.
TUYẾN PHỤ. cấu trúc tuyến thừa, được hình thành trong thời kì bào thai, xuất phát từ một tuyến chính hoặc độc lập, thường ở vị trí lạc chỗ; có thể có hoặc không có chức năng. Vd. tuyến vú mọc ở đường nách giữa là TP. Có thể cắt bỏ khi cần thiết.
TUYẾN SINH DỤC. cơ quan sinh sản của động vật, nơi sản ra các tế bào sinh dục (giao tử) và đôi khi các hocmon. TSD cái là buồng trứng, sinh ra trứng; TSD đực là tinh hoàn, sinh ra tinh trùng. Ở một số động vật không xương sống, trên các cá thể có cả 2 TSD cái và TSD đực (tuyến sinh sản lưỡng tính); vd ở ốc sên, giun đất.
TUYẾN THƯỢNG THẬN. đôi tuyến nằm ở phía trên thận, tiết hocmon adrenalin dưới sự kiểm soát của hệ thần kinh. Gồm phần tuỷ ở giữa, phần vỏ bên ngoài, hoạt động độc lập nhau. Phần tuỷ tiết noradrenalin và adrenalin, phần vỏ có nhiều vitamin C và cholesterin. TTT tiết 3 loại hocmon: andosteron, coctizon và các hocmon sinh dục.
TUYẾN TIỀN LIỆT. (cg. tiền liệt tuyến), tuyến ở động vật có vú đực, bao quanh niệu đạo, sát bàng quang, TTL là tuyến lớn, bọc ngoài bằng lớp vỏ liên kết cơ và được ngăn cách làm nhiều thiểu thuỳ bởi những vách ngăn cũng bằng mô liên kết cơ. Gồm nhiều tiểu thuỳ, mỗi tiểu thuỳ có 1 lỗ bài xuất riêng, có 1 ống đứng ở đường trục, ống này phình ra khắp mọi phía thành những nhánh phụ. Tiết dịch hỗn hợp enxym, tác nhân chống ngưng kết – thành phần quan trọng của tinh dịch. Kích thước và chức năng của TTL phụ thuộc vào các hocmon như androgen. Ở người TTL tiết ra một chất dịch trắng đục như sữa, đổ vào khúc tiền liệt của niệu đạo lúc phóng tinh. Ở lứa tuổi trên 50 có thể xuất hiện khối u, mà dấu hiệu đầu tiên cần lưu ý là rối loạn tiểu tiện; đái nhiều lần vào ban đêm; sau mỗi lần đái són một ít nước tiểu. Cần đi khám để được theo dõi và chữa kịp thời
TUYẾN TÙNG. tuyến nội tiết thần kinh của động vật có xương sống và người, nằm ở giữa củ não trước và củ nãosinh tư, có cuống nối với não thất ba. Nguồn gốc có liên quan đến cơ quan đỉnh (mắt đỉnh) của một số cá bậc cao và bò sát. Ở cá miệng tròn, TT còn giữ mức độ mắt, ở lưỡng cư không đuôi bị tiêu giảm dưới lớp da đầu. Ở Người, TT có hình quả thông nhỏ (nặng khoảng 120 mg). Cấu tạo gồm: các tế bào tùng, tế bào thần kinh đệm xếp thành dây xen kẽ với các vi mạch. TT tiết melatonin và có chức năng điều chỉnh hoạt động của tuyến giáp, tuyến sinh dục và ảnh hưởng đến những thay đổi về điện não đồ. TT có thể bị vôi hoá, u (thường là u ác tính) với một số biểu hiện thường gặp: não úng thuỷm tăng áp lực dịch não tuỷ, rối loạn vận động nhãn cầu, dậy thì sớm, đái tháo nhạt, suy tuyến yên.
TUYẾN ỨC. tuyến gồm 2 thuỳ nằm phía dưới cổ và trên ngực. Các thuỳ được chia ra nhiều thuỳ nhỏ gồm phần vỏ và tuỷ ở trong. Kiểm tra mô bạch huyết và nguồn hoạt động miễn dịch. TƯ có kích thước lớn cá thể non, tham gia vào sản sinh các tế bào bạch huyết. Tiêu giảm sau khi động vật đạt tới độ thành thục sinh dục.
TUYẾN YÊN. tuyến nội tiết trong não của động vật có xương sống, nằm gần đồi thị, dưới bắt chéo thị giác. Ở người TY có hình tròn nhỏ với đường kính 1cm, nằm ở trên yên xương bướm; gồm 2 phần khác nhau về nguồn gốc và cấu trúc; phần trước hay thuỳ trước (TY tuyến) và phần sau hay thuỳ sau thường nhỏ hơn (TY thần kinh); TY được coi là tuyến nội tiết chủ yếu vì nhiều hocmon của nó điều khiển sự tiết hocmon của các tuyến nội tiết khác. Các hocmon TY quan trọng hơn cả là: hocmon (tăng trưởng kích thích tố sinh dưỡng); hocmon chống lợi tiểu (vasopressin); hocmon kích thích thượng thận adrenococticotropin (ACTH); hocmon kích dục (kích nang, tạo thể vàng); oxitoxin kích thích co cơ tử cung khi đẻ; prolactin kích thích tiết sữa; hocmon kích thích tuyến giáp. Hoạt động của TY do trung tâm thần kinh điều khiển. Do đó nhiều chức năng nên ở người, bệnh lý của TY rất đa dạng với một số bệnh chính; bệnh đái tháo nhạt, bệnh khổng lồ và to đầu chi, bệnh cơsinh (theo tên của nhà phẫu thuật Hoa Kỳ Cơsinh (H.W. Cushing), rối loạn dậy thì…
TƯ DUY .sản phẩm cao nhất của vật chất có được tổ chức một cách đặc biệt – bộ não, quá trình phản ánh tích cực hiện thực khách quan dưới dạng các khái niệm, phán đoán, lí luận, vv. TD xuất hiện trong quá trình sản xuất xã hội của con người. Trong quá trình đó, con người so sánh các tài liệu thu được từ nhận thức cảm tính hoặc các ỹ nghĩ với hoá, phân tích và tổng hợp để rút ra các khái niệm, phán đoán, giả thuyết, lí luận, … Kết quả của quá trình TD bao giờ cũng phản ánh khái quát các thuộc tính, các mối liên hệ cơ bản, phổ biến, các quy luật không chỉ ở một sự vật riêng lẻ, mà còn ở một nhóm sự vật nhất định. Cơ chế sinh lý học của TD là cơ chế hoạt động thần kinh cao cấp. Song mặc dù không thể tách khỏi bộ não, TD vẫn không được giải thích một cách hoàn toàn bởi sự hoạt động của bộ máy sinh lý học, mà với sự tiến hoá xã hội.Nó là một sản phẩm xã hội, bởi vì TD con người chỉ tồn tại trong mối liên hệ không tách rời với hoạt động lao động và lời nói, là những hoạt động chỉ tiêu biểu cho xã hội loài người thôi. Kết quả của TD được ghi lại trong ngôn ngữ. Ngay từ khi xuất hiện, TD đã gắn liền với ngôn ngữ, được thực hiện nhờ ngôn ngữ. Mặc dù xuất hiện do kết quả của hoạt động thực tiễn, song TD lại có tính độc lập tương đối. Nó thể hiện ở chỗ, sau khi xuất hiện, sự phát triển TD còn chịu ảnh hưởng của toàn bộ tri thức mà nhân loại đã tích luỹ được trước đó, cũng như chịu ảnh hương, tác động của các lí thuyết, quan điểm cùng thời với nó. TD có lôgic phát triển nội tại của mình, đó là sự phản ánh đặc thù lôgic của thế giới quan. Tính độc lập tương đối của TD, một mặt, khiến TD có được tính tích cực sáng tạo trong quá trình tìm kiếm tri thức mới, nhưng mặt khác, cũng là nguồn gốc của sự tách rời TD khỏi hiện thực khách quan. Vì vậy, tính đúng đắn của TD cần được kiểm tra trong thực tiễn.
TƯ THẾ TRONG LÂM SÀNG hiện tượng bệnh nhân thấy người khó chịu, không được thoải mái (khó thở, không khạc được đờm, vvv) không thể ngồi, nằm theo tư thế thông thường, không thể nghỉ ngơi được; phải chuyển sang tư thế khác cho thoải mái hơn. Có nhiều dạng: 1/ Thế Faolơ – thế nửa nằm nửa ngồi; bệnh nhân nằm ngửa lưng dựa trên một tấm ván dốc nghiêng, đầu cao, đùi và cẳng chân dựa trên một tấm ván hình chữ V ngược, đùi và chân làm một góc khoảng 900 – 1200. Dùng trong trường hợp khó thở, giúp cho bệnh nhân dễ thở hơn, không bị các tạng trong ổ bụng dồn chèn ép lên cơ hoành; làm cho các dịch ô nhiễm ở ổ bụng không bị đẩy dồn lên các phần trên của ổ bụng. 2/ Thế nằm đầu dốc: bệnh nhân nằm ngửa trên bàn được cấu tạo đặc biệt, dốc nghiêng 300 – 400, đầu thấp, hai bàn chân buộc vào một bộ phận của bàn để người khỏi bị tuột xuống; dùng trong trường hợp dẫn lưu các dịch ứ đọng của bộ máy hô hấp; trong trường hợp bị chèn ép tuỷ do lún đốt sống,. phải nằm sấp, đầu thấp để giảm chèn ép ; nằm đầu dốc trong xuất huyết tiêu hoá, để máu dồn lên não. Có một cách đơn giảm là để bệnh nhân nằm ngửa, kê cao hai chân giường bằng một bục gỗ có nhiều bậc. 3/ Thế Tơrendelenbua (theo tên của F. Trendelenburg – nhà phẫu thuật Đức); bệnh nhân nằm ngửa trên bàn, đầu thấp, hai chi dưới gấp dựa trên hai cột, bàn có trục quay điều chỉnh độ dốc của bàn trong khám phụ khoa. Trong luyện tập dưỡng sinh, khí công còn có các tư thế đứng tự nhiên, đứng xuống tấn, tư thế ngồi hai chân trên ghế đầu thông hai chân xuống đất, tư thế ngồi chân xếp vành đơn, xếp vành tự nhiên, thế ngồi giun chui ống mật, viêm tuỵ tạng. Tư thế nằm co cò súng trong viêm màng não, …
TỬ CUNG (cg. dạ con), phần phình ra ở cuối ống dẫn trứng, giống hình quả lê của cơ quan sinh sản cái ở người và động vật; là nơi cư trú của trứng ở các loài đẻ trứng (bò sát, chim) hoặc phôi thai ở các loài động vật có vú, TC chỉ có ở các loài đẻ con.
Ở người, TC là bộ phận của hệ sinh dục nữ, nằm trong tiểu khung, ở sau bàng quang và trước trực tràng; là nơi làm tổ của thai. Thân TC – phần chính của TC là một khối cơ rỗng, trên có 2 sừng thông với 2 vòi TC. Cổ TC có hình ống trên thông với thân TC, dưới thông với âm đạo. Eo TC là phần tiếp giáp giữa thân và cổ TC. Niêm mạc (màng trong) TC là màng bao phủ mặt trong thân TC (buồng TC) gồm lớp biểu mô hình trụ, có nhiều lông rụng, nhờ đó trứng và các chất bài tiết khác được đẩy ra ngoài. Ở người, màng trong TC luôn thay đổi hình thái do tác động của các hocmon buồng trứng trong chu kì kinh nguyệt. Bào thai phát triển trong TC, nhận các chất dinh dưỡng và oxi từ cơ thể mẹ qua nhau thai (x. Hệ sinh dục cái, Kinh nguyệt).
TỬ THI . x. Xác
TỬ THIẾT. thủ thuật trong khám nghiệm tử thi: lấy tế bào, mảnh mô, cơ quan ở xác chết để xác định bệnh (bằng xét nghiệm vi thể) (x. Khám nghiệm tử thi).
TỰ MIỄN DỊCH (tk. tự mẫn cảm). trạng thái bệnh lí của cơ thể trong đó xuất hiện các kháng thể (tự kháng thể) được hình thành phản ứng với chính các kháng nguyên của cơ thể đó (tự kháng nguyên) được cơ thể coi như là các kháng nguyên lạ (phản ứng chống lại thành phần bình thường mô của chính cơ thể đó). Đôi khi TMD xảy ra không do tự kháng nguyên mà do rối loạn chức năng các tế bào có khả năng tạo miễn dịch. Trạng thái TMD là nguồn gốc của một số bệnh tự miễn dịch, do tự mẫn cảm với kháng nguyên của chính mình (x. Bệnh tự miễn dịch), là nhân tố phụ của nhiều bệnh (những bệnh tự miễn dịch) như bệnh thấp, viêm khớp, vvv
TỰ NHIỄM ĐỘC. (tk. Tự nhiễm độc nội sinh) , tình trạng cơ thể bị nhiễm độc do các chất phát sinh từ bên trong cơ thể: nội tiết tố và các chất chuyển hoá trung gian (vd. Trong bệnh đái tháo đường, bệnh Bazơđô), các sản phẩm cuối cùng của quá trình chuyển hoá các chất như urê, amoniac, gặp trong trường hợp suy thận (tăng urê huyết) và suy gan (tăng amoniac huyết cùng một số sản phẩm khác); độc tố của vi khuẩn (bạch hầu, thương hàn, vvv).
TỰ PHÁT. tự nhiên sinh ra, không rõ nguồn gốc bên trong hoặc sự tác động, ảnh hưởng bên ngoài (có thể chưa được phát hiện ra) song có thể sau này sẽ biết được nhờ các tiến bộ khoa học công nghệ ngày càng phát triển. Vd. bệnh cứng khớp tự phát.
TỰ SÁT. chết do bản thân đương sự tự quyết định và tự gây ra cho mình do nhiều nguyên nhân phức tạp (tâm lí, tâm thần, xã hội…) có để lại hay không để lại chúc thư. Các biện pháp: dùng thuốc ngủ liều cao, dùng thuốc độc, thắt cổ, treo cổ, trẫm mình (nhảy xuống nước để chết đuối), dùng súng, tự thiêu,… Giám định viện pháp y nghiên cứu hiện trường, khám tử thi, các thương tích, các chứng tích để phân định với án mạng (x. Án mạng).
TƯA bệnh do nấm Candida albicans mọc ở niêm mạc miệng, lưỡi trẻ nhỏ thành những mảnh trắng như sữa. Điều kiện đề T xuất hiện là tình trạng thừa axit ở các vùng này. Muốn điều trị, dùng các dung dịch kiềm như natri bicacbonat 5% hoặc dùng mật ong bôi vào miệng, lưỡi.