Từ điển Y học Việt Nam – Mục Y

722

Từ điển Y học Việt Nam – Mục Y

Y BẠ sổ ghi chép tình hình sức khoẻ, bệnh tật của một người trong lần khám đầu tiên và các diễn biến sức khoẻ và bệnh tật, trong các lần khám định kỳ tiếp sau, theo quy định của thầy thuốc. Là tài liệu quan trọng của một chế độ quản lí sức khoẻ toàn dân của một nền y tế tiến bộ, giúp cho theo dõi sức khoẻ mỗi người, từ lúc còn trong bụng mẹ cho đến lúc chết. Trong giai đoạn trước mắt, YB giúp theo dõi sức khoẻ của một vài đối tượng ưu tiên như trẻ em, phụ nữ có thai, người lao động, vv.

Y ĐẠO những quy ước, lâu dần trở thành những quy định, một số có tính chất pháp lí (thành luật hoặc chưa thành luật), một số có tính chất nội bộ trong ngành y tế, thuộc về hoạt động nghề nghiệp của cán bộ y tế, chủ yếu của người thầy thuốc, trong mối quan hệ giữa thầy thuốc với các đối tượng tiếp xúc hàng ngày. Mục đích: giúp cho thầy thuốc có thái độ xử thế đúng đắn hợp với lòng người, tạo nên một sự hài hoà trong quan hệ nội bộ của ngành và trong xã hội (thái độ đối với bệnh nhân, nhân dân thuộc các tầng lớp khác nhau, đối với cả người đang sống và người đã chết, vv.); giúp cho việc hành nghề đạt nhiều kết quả tốt và tạo ra một sự tín nhiệm trong cộng đồng. Cũng có thể hiểu một cách ngắn gọn, nội dung của YĐ là những nghĩa vụ của thầy thuốc và các quyền lợi của họ.

Y ĐỨC (tk. đạo đức y học), những quy ước không có tính chất pháp lí, những thuộc phạm trù luân lí, đạo đức ràng buộc người thầy thuốc phải chấp hành trong hành nghề hàng ngày, vì danh dự của tập thể, bản thân và quyền lợi của bệnh nhân. Nội dung của YĐ được nêu trong lời thề Hippôcrat hay lời thề tương tự của thầy thuốc và cán bộ y tế mới tốt nghiệp ở các nước. Các quy định của YĐ thay đổi theo không gian và thời gian, tuỳ theo các yếu tố tâm lí, tín ngưỡng, phong tục, tập quán sống của mỗi cộng đồng xã hội. Trong xã hội hiện đại, các tiến bộ khoa học và công nghệ y học nêu lên một loạt vấn đề mới đang gây ra nhiều tranh luận chưa được kết luận thống nhất, nhưng đã làm thay đổi một phần các quan niệm thông thường về YĐ như nạo phá thai, thụ tinh nhân tạo cho người, ghép cơ quan, khả năng kéo dài cuộc sống trong khi bệnh nhân không còn ý thức, vv. Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu gọn nội dung của YĐ trong câu “lương y phải như từ mẫu”.

Y HỌC ngành khoa học (cơ bản, tự nhiên, xã hội) và kĩ thuật ứng dụng, hướng phát triển vào việc bảo vệ và củng cố sức khoẻ con người, dự phòng và chữa các bệnh tật, tạo những tiền đề thực hiện nhằm kéo dài tuổi thọ một cách tích cực và sáng tạo, cải tạo giống nòi. Đối tượng nghiên cứu của YH là trạng thái sinh học của con người khi khoẻ và khi bệnh tật (trạng thái bình thường và trạng thái bệnh lí). Nội dung nghiên cứu của YH bao gồm: nghiên cứu quy luật phát triển bệnh, cơ chế tác động của các nhân tố tự nhiên, nhân tố xã hội đối với trạng thái sinh học của con người; tìm biện pháp chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; phát hiện nguyên nhân gây bệnh, tìm các biện pháp củng cố và nâng cao sức khoẻ cho người dân. Chức năng xã hội học của YH: cứu chữa người bị bệnh, bị thương, tàn tật, phục hồi chức năng; bảo vệ sức khoẻ người dân (bảo vệ môi trường, cải tạo nòi giống); nghiên cứu và soạn thảo các đề nghị về tổ chức tối ưu công tác y tế và nếp sống của con người trong xã hội. YH đứng ở vị trí nối liền giữa khoa học tự nhiên, khoa học kĩ thuật và khoa học xã hội. Hệ phương pháp nghiên cứu của YH sử dụng cách quan sát theo dõi các sự kiện, đúc kết kinh nghiệm, thực hiện khoa học và ứng dụng các phương pháp nghiên cứu của các môn khoa học chính xác khác, vv.

Y HỌC CHỮA BỆNH lĩnh vực của y học ra đời rất sớm trong lịch sử nhân loại. Dân tộc nào cũng có những kinh nghiệm chữa bệnh cổ xưa, truyền tụng từ đời này sang đời khác và được ứng dụng vào từng thời đại. Đầu tiên, chữa bệnh dựa vào sự quan sát các hiện tượng bệnh tật, các kinh nghiệm chữa bệnh thực tiễn hàng ngày. Trình độ văn hoá, triết học, khoa học và kĩ thuật, các kinh nghiệm thực tiễn được tổng kết, đúc kết thành lí luận hoàn chỉnh dần từng bước qua các giai đoạn lịch sử. Từ nhiều thế kỉ nay, theo nhận xét của các danh y, muốn chữa bệnh đạt hiệu quả mong muốn, YHCB phải phát triển theo hướng dự phòng; bản chất của YHCB là dự phòng; không có mâu thuẫn giữa YHCB và y học dự phòng.
Ngoài thuốc men và kĩ thuật cao, YHCB hiện đại phải chú ý đến các vấn đề sau: tổ chức mạng lưới y tế đến tận các cụm dân cư, đến tận gia đình; tổ chức gọn nhẹ, có hiệu quả; phát hiện bệnh sớm, điều trị sớm; sử dụng ngày càng nhiều các biện pháp huy động sức chống đỡ của cơ thể bệnh nhân; liệu pháp tâm lí; phục hồi chức năng sớm ngay từ khi mới mắc bệnh; rèn luyện cơ thể hằng ngày và khi ốm đau; nâng cao ý thức giữ gìn sức khoẻ cho mỗi người dân, kéo dài tuổi thọ khoẻ mạnh; tổ chức cuộc sống hàng ngày một cách khoa học, lành mạnh, tránh việc phung phí sức khoẻ vào những hoạt động không cần thiết, vv.

Y HỌC CỔ TRUYỀN tổng thể các kiến thức và thực hành y học dựa trên kinh nghiệm sống và quan sát lâm sàng, được truyền từ thế này sang thế hệ khác bằng dạy nghề trực tiếp, truyền khẩu hoặc văn tự, giải thích được hoặc không giải thích được để chẩn đoán, dự phòng hoặc loại trừ sự mất cân bằng trong cơ thể con người, giữa con người và thiên nhiên, giữa con người và xã hội, nhằm chữa bệnh và giữ gìn sức khoẻ. Nói chung, mỗi dân tộc đều có YHCT riêng. Còn có YHCT của từng khu vực, vd. Đông y là YHCT của các nước phươn Đông (Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, vv.)

Y HỌC DỰ PHÒNG lĩnh vực y học chuyên nghiên cứu và triển khai thực hiện các biện pháp nhằm phòng tránh bệnh tật, tai nạn, để giữ gìn và nâng cao sức khoẻ cho mỗi người và cho cộng đồng xã hội, cải thiện môi trường (thiên nhiên, sinh hoạt đời sống, lao động sản xuất, vv.). YHDP bao gồm: vệ sinh học, dịch tễ học và một số môn học liên quan như di truyền, miễn dịch, sinh học, vi sinh và kí sinh y học, y học lao động, y học xã hội, dinh dưỡng, vv. Bản chất của y học hiện đại là dự phòng. Chữa bệnh tốt, tích cực phục hồi toàn vẹn sức khoẻ như trước khi bị bệnh cũng là một mặt của YHDP.

Y HỌC ĐỊA LÝ lĩnh vực của y học đề cập đến các bệnh tật, vấn đề sức khoẻ có liên quan mật thiết với môi trường địa lý, làm thay đổi dịch tễ học, trạng thái bệnh lí, diễn biến của bệnh, vv. Có thể chia các bệnh thành 2 nhóm: 1) Các bệnh phổ biến ở đâu cũng có (vd. Ung thư, bệnh tim mạch, vv.); 2) Các bệnh có tính chất địa phương của từng vùng, từng khu vực như các bệnh nhiệt đới, các bệnh theo chủng tộc, vv. Vd. bệnh Buygơ (theo tên của L. Büger – nhà phẫu thuật Áo) hay viêm tắc động mạch chi, đặc biệt phổ biến ở người Do Thái; ung thư thực quản có tỉ lệ mắc cao ở Nhật Bản; ung thư vòm họng do virut Epxten – Ba (Epstein – Barr) ở Châu Phi nhiệt đới; bệnh bướu giáp có tỉ lệ mắc cao ở miền núi, vv.

Y HỌC HÀNG KHÔNG chuyên ngành y học nghiên cứu những điều kiện hoạt động hoạt động nghề nghiệp của nhân viên bay cũng như tình hình sức khoẻ của các hành khách, làm cơ sở cho việc xây dựng những biện pháp bảo vệ sức khoẻ, khả năng lao động và đảm bảo an toàn bay trong thời chiến cũng như trong thời bình.

Y HỌC HẠT NHÂN chuyên ngành y học nghiên cứu cách sử dụng các chất đồng vị phóng xạ vào chẩn đoán (vd. Kĩ thuật chụp hình nhấp nháy); vào chữa bệnh (vd. liệu pháp rađi, iot, photpho phóng xạ, coban…); vào nghiên cứu khoa học, vv. Ở Việt Nam đã bắt đầu xây dựng YHHN từ những năm 1969 – 70.

Y HỌC HIỆN ĐẠI nền y học bao gồm bốn lĩnh vực: các khoa học tự nhiên, các khoa học xã hội, sinh học và kĩ thuật hiện đại; là cơ sở cho chữa bệnh, dự phòng và nghiên cứu y học. Trước thế kỉ 19, y học tuy phát triển những chưa có một cơ sở khoa học vững chắc. Trong thế kỉ 19 và 20, các môn khoa học khác ngày càng phát triển, cung cấp cho y học các thành tựu mới nhất của khoa học và kĩ thuật tự nhiên.
Y học là một ngành khoa học ứng dụng dựa vào sinh học và các ngành khoa học khác để nghiên cứu sức khoẻ và bệnh tật, đi sâu tìm hiểu các quy luật khách quan về sự phát triển của cơ thể con người khi bình thường cũng như khi bị bệnh, bị thương tật, tìm các biện pháp dự phòng và chữa bệnh có hiệu quả. Bên cạnh khoa học tự nhiên và xã hội, các khoa học xã hội, khoa học môi trường cũng xâm nhập nhanh chóng và mạnh mẽ vào y học. Có hai xu hướng phát triển của YHHĐ: 1) Phân hoá chuyên sâu trong nghiên cứu: thu hẹp phạm vi của đối tượng nghiên cứu; áp dụng phương tiện nghiên cứu có độ nhạy, tính đặc biệt và mức chính xác cao. 2) Lồng ghép nhiều chuyên ngành: để tạo được tri thức tổng hợp về quá trình bệnh tật, YHHĐ đòi hỏi những hiểu biết tổng hợp về con người từ mức sinh học phân tử và cấu tạo tế bào, về môi trường, sinh thái và về xã hội học, để cố tìm được các biện pháp đảm bảo khả năng lao động và khả năng thích nghi của con người trong các điều kiện xã hội hiện đại, đảm bảo sức khoẻ cho con người, đặc biệt là những người lao động, người nghèo khổ, người tàn tật và bị giảm khả năng lao động.

Y HỌC PHÂN TỬ x. Y học hạt nhân.

Y HỌC PHỤC HỒI chuyên ngành của y học nghiên cứu lí luận và thực tiễn các biện pháp tổng hợp (sinh học, xã hội học, vv.) để thực hiện việc khôi phục toàn diện (hình thái, chức năng, khả năng lao động, vv.) các khả năng vốn có cho người bị giảm khả năng sinh hoạt, lao động, giúp họ hội nhập trở lại vào cộng đồng xã hội, có thể sống và hoà nhập với môi trường xung quanh. Việc phục hồi được thực hiện ở tất cả các cơ sở chữa bệnh, các nhà điều dưỡng và tại gia đình, theo các phương pháp và phương tiện thích hợp với tình hình chính trị, văn hoá, kinh tế, xã hội của mỗi cộng đồng (vd. luyện tập thở trong các bệnh phổi; luyện tập vận động trong các bệnh về thần kinh, cơ – xương – khớp; dưỡng sinh, vv.)

Y HỌC QUÂN SỰ chuyên ngành y học nghiên cứu lí luận và thực hành đảm bảo sức khoẻ cho lực lượng vũ trang trong thời bình và thời chiến. YHQS có nhiệm vụ nghiên cứu những đặc điểm ảnh hưởng đến sức khoẻ của lực lượng vũ trang, vận dụng những thành tựu của y học, trên cơ sở đó đề ra những biện pháp đảm bảo quân y phù hợp với điều kiện quân sự và chiến đấu, nhằm mục đích giữ vững và nâng cao sức khoẻ, phòng ngừa bệnh, cứu chữa thương bệnh binh, góp phần nâng cao sức chiến đấu cho lực lượng vũ trang. YHQS gồm các bộ môn chính: ngoại khoa dã chiến, nội khoa dã chiến, vệ sinh quân đội, dịch tễ quân đội, tổ chức và chiến thuật quân y, sinh lí lao động quân sự, phóng xạ quân sự, độc học quân sự, địa lý quân y, tiếp tế quâny, y học không quân, y học hải quân, vv.Ngành quân y Việt Nam được chính thức xây dựng từ sau Cách mạng tháng Tám 1945. Cục trưởng đầu tiên Cục quân y là bác sĩ thiếu tướng Vũ Văn Cẩn, sau này trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế (1973 – 83).

Y HỌC THỂ THAO chuyên ngành y học mà đối tượng nghiên cứu là vận động viên thể thao, người tập luyện thể dục thể thao ở mọi lứa tuổi có giới tính và trình độ luyện tập khác nhau. YHTT giúp huấn luyện viên tuyển chọn vận động viên các môn thể thao; kiểm tra theo dõi sức khoẻ, dự báo kết quả tập luyện; hướng dẫn vệ sinh tập luyện , sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi, bảo đảm an toàn trong tập luyện, thi đấu thể thao; điều trị chấn thương, bệnh tật, phục hồi chức năng; nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thể dục thể thao. Liên đoàn Y học Thể thao Quốc tế (International Federation of sports Medicine) thuộc Uỷ ban Ôlympic Quốc tế.

Y HỌC TUỔI GIÀ x. Lão học.

Y HỌC VŨ TRỤ chuyên ngành y học nghiên cứu ảnh hưởng của chuyến bay vũ trụ đến cơ thể, làm cơ sở cho việc xây dựng những biện pháp, chế tạo những phương tiện để bảo vệ sức khoẻ, khả năng lao động và đảm bảo an toàn trong những điều kiện không có trọng lượng trong các chuyến bay vũ trụ ngắn ngày hay dài ngày.

Y LUẬT những quy định về tập quán, nghề nghiệp, lí luận, mà chính những thầy thuốc đã xác lập ra từ lâu, có ít nhiều thay đổi với thời gian và tự nguyện chấp hành theo truyền thống, cũng như được nhân dân và nhà nước chấp nhận. Có thể nói YL là luật pháp của nội bộ ngành y; là lời thề của thầy thuốc khi gia nhập nghiệp đoàn (vd. lời thề Hippôcrat ở một số nước phương Tây). Nội dung của YL có thể được coi là một bộ phận của y đạo liên quan đến phần pháp luật quy định trong khi hành nghề. Xt. Y đạo.

Y PHÁP chuyên khoa của y học sử dụng các kiến thức của y học để xây dựng các mối quan hệ với pháp luật, nhằm giải quyết các vấn đề có tính pháp lí nảy sinh hàng ngày. Gồm: 1) YP dân sự (luật dân sự) – bố trí công tác, nghĩa vụ quân sự, xác định mẫu hệ, phụ hệ, chứng chỉ sức khoẻ trước khi kết hôn và khi cần thiết, vv. 2) YP hình sự (luật hình sự) – các vi phạm nghiêm trọng đến sức khoẻ, tính mạng, danh dự… của công dân, các vụ đột tử mà nguyên nhân không rõ ràng, các vụ án mạng, vv. Ở một số nước, YP cùng với vệ sinh phòng dịch và y học lao động hợp thành một nhóm chuyên khoa gọi là y học xã hội. Ngoài ra, YP có liên quan mật thiết với pháp y, y đức, y đạo, trong đó đề cập đến nhiều vấn đề về nhiệm vụ của người thầy thuốc ở bất cứ nước nào, vì lẽ phải và danh dự phải tuân theo. Xt. Pháp y.

Y TẾ CỘNG ĐỒNG tổng thể các đường lối, khoa học kĩ thuật, hoạt động thực hành, tay nghề hướng vào việc chăm sóc, bảo vệ, cải thiện sức khoẻ cho toàn dân, tạo sự thoải mái cho mỗi cá nhân cũng như cho cộng đồng; điều chỉnh, sửa chữa kịp thời sự suy giảm sức khoẻ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bình thường của cá nhân và công đồng. Nội dung gồm: các hoạt động dự phòng; chữa bệnh; phục hồi chức năng; tổ chức điều dưỡng cho người kém sức khoẻ; giáo dục sức khoẻ; sản xuất, phân phối thuốc, trang thiết bị, hoá chất chẩn đoán, vật tư cho mọi nhu cầu của các cơ sở y tế và các cán bộ y tế; đào tạo cán bộ y tế; phát triển khoa học kĩ thuật; quản lí, vv. Tổ chức YTCC phụ thuộc vào tình hình phát triển của xã hội (chế độ chính trị; tình hình kinh tế, văn hoá, xã hội, trình độ dân trí; trình độ khoa học kĩ thuật, vv.). Mạng lưới YTCC có nhiều khu vực: y tế nhà nước, y tế tư nhân, y tế tập thể, vv. những đều cần hướng và mục tiêu chung là chăm sóc sức khoẻ có hiệu quả cho nhân dân, cho các tầng lớp người lao động và người nghèo, đặc biệt là chăm sóc sức khoẻ ban đầu ở gần nơi cư trú, tại gia đình, gần cơ sở sản xuất; huy động sự tham gia tích cực của mỗi người dân.

Y TẾ CÔNG NGHIỆP hệ thống tổ chức y tế trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, chăm sóc sức khoẻ cho người lao động, giúp họ đạt năng suất và hiệu quả lao động cao. Nội dung bao gồm: chăm sóc sức khoẻ ban đầu; dự phòng các tai nạn lao động; đề ra các biện pháp khả thi giải quyết các chất thải công nghiệp, các tiêu chuẩn môi trường lao động tối ưu, giảm ô nhiễm môi trường lao động, phát hiện kịp thời các yếu tố làm giảm năng suất lao động, các cá nhân có hiện tượng giảm sức lao động; khám sức khoẻ định kì cho người lao động; tham gia tổ chức công tác điều dưỡng; chú ý theo dõi thực hiện chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho người lao động và gia đình họ, vv. Bộ Y tế có trách nhiệm quản lí nghiệp vu khu vực YTCN trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập khu vực và toàn cầu.

Y TẾ ĐÔ THỊ lĩnh vực của ngành y tế, có nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, chăm sóc sức khoẻ cấp hai, cấp ba cho cư dân đô thị; hỗ trợ cho mạng lưới y tế nông thôn về các yêu cầu vượt quá khả năng nghiệp vụ. Chăm sóc sức khoẻ ban đầu là nhiệm vụ của các tổ chức y tế cơ sở ở đô thị. Các yếu tố như số dân, mật độ dân cư, thành phần dân cư, các hoạt động nghề nghiệp, mạng lưới giao thông, vệ sinh đô thị…đều ảnh hưởng đến tổ chức và hoạt động của mạng lưới YTĐT, vì vậy ngành y tế cần phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan (quản lí công trình đô thị, giao thông vận tải, vv.) để cải tạo môi trường sinh hoạt, lao động cho người dân đô thị.

Y TẾ NÔNG THÔN lĩnh vực của ngành y tế có nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho cư dân nông thôn. Là khu vực y tế quan trọng của các nước đang phát triển (có khoảng 70 – 80 % dân số sống ở nông thôn). YTNT được tổ chức theo địa giới hành chính (xã, huyện) để phát huy được trách nhiệm của nhân dân, các đoàn thể quần chúng, của chính quyền , đảng bộ địa phương. Đơn vị y tế nhỏ nhất là trạm (trung tâm) y tế xã; trạm y tế có thể có các tổ y tế (từ 1 đến 2 cán bộ) ở các cụm dân cư (thôn, ấp, bản) ở xa trạm. Nội dung công tác của trạm y tế xã: chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho toàn dân, trong đó có nạn nhân chiến tranh, đặc biệt là nạn nhân chất da cam, chăm sóc ngoại trú và tại nhà là chính; kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc, tận dụng nguồn dược liệu sẵn có tại địa phương; cải tạo môi trường nông thôn, vv. Các bộ phận công tác của trạm: nhà hộ sinh làm công tác bảo vệ bà mẹ trẻ em (quản lí thai sản, đỡ đẻ, kế hoạch hoá gia đình, sức khoẻ sinh sản, chăm sóc sơ sinh, tiêm chủng, giải quyết các bệnh phụ khoa thông thường, vv.); phòng khám bệnh y tế tây y và đông y có giường lưu; quầy dược; vườn thuốc nam, vv. Trung tâm y tế huyện chỉ đạo hoạt động của trạm y tế xã, hỗ trợ về mặt chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng chuyên môn; nhận các bệnh nhân khó do trạm y tế xã chuyển về; phối hợp với hội chữ thập đỏ đào tạo; giúp đỡ các hội viên chữ thập đỏ của xã, các nhân viên y tế cộng đồng, vv.

Y TẾ TRƯỜNG HỌC tổ chức y tế chăm sóc sức khoẻ cho học sinh thuộc hệ thống giáo dục đào tạo, đặc biệt chú ý đến lứa tuổi học sinh phổ thông, nhà trẻ và mẫu giáo. Nội dung: chủ yếu là chăm sóc sức khoẻ ban đầu, tập trung vào vệ sinh răng – miệng, dự phòng các tật gù lưng, vẹo cột sống, các tật khúc xạ (chủ yếu là cận thị); xây dựng các tập quán sinh hoạt lành mạnh tuỳ theo lứa tuổi; vận động xây dựng bảo hiểm y tế học sinh một cách thích hợp và có hiệu quả cao, vv.

Y XÃ HỘI HỌC lĩnh vực của các khoa học xã hội (xã hội học) nghiên cứu các quy luật phát triển và vận động về mặt xã hội liên quan đến y học (triết học, chính trị, tư tưởng, kinh tế, tâm lí học, vv.) nhằm mục đích đẩy mạnh công tác phòng bệnh, chữa bệnh. Là một ngành khoa học ứng dụng các thành tựu mới nhất của khoa học căn bản, khoa học tự nhiên, đặc biệt là triết học, kinh tế, pháp luật, môi trường… để giải quyết có hiệu quả các vấn đề liên quan đến sức khoẻ con người. Vd. muốn phòng và chống bệnh lao tốt, ngoài việc nghiên cứu về mặt sinh học, lâm sàng, cần phải nghiên nghiên cứu cả về khía cạnh xã hội như các yếu tố dễ mắc bệnh (xã hội, kinh tế, văn hoá, môi trường, tập quán… và cả tâm lí người bệnh) để có biện pháp khống chế có hiệu quả bệnh này. Xt. Vệ sinh xã hội.

YẾU TỐ ĐÔNG MÁU nhóm máu gồm 12 chất hoạt động khi máu bị chảy ra khỏi hệ tuần hoàn (khi bị thương) và làm máu đông lại như một số protein, vitamin K, ion canxi và tiểu cầu, vv.

YẾU TỐ GIỚI TÍNH cấu trúc AND mạch vòng, xác định giới tính ở vi khuẩn. Các tế bào vi khuẩn có nhân tố giới tính (F+) là các tế bào đực. Các tế bào cái là (F-).

YẾU TỐ MẠCH một trong những tế bào tạo nên mạch xylem, thường rộng, ngắn và có bản thủng lỗ nằm ngang.

YẾU TỐ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ CỦA TRẺ những thành phần quy định sự phát triển tâm lí của trẻ, bao gồm: a) Yếu tố thể chất giữ vai trò tiền đề của sự phát triển; b) Yếu tố môi trường xã hội; c) Yếu tố giáo dục giữ vai trò chủ đạo, hướng dẫn chiều hướng phát triển; d) Yếu tố hoạt động và giao lưu của chủ thể giữ vai trò trực tiếp quyết định sự phát triển tâm lí của trẻ.

YẾU TỐ R yếu tố quyết định tính kháng sinh của vi sinh vật, thường là đoạn AND mã hoá cho một enzim thuỷ phân kháng sinh.

YÔGA (Yoga), học thuyết triết học và phương pháp tự điều khiển nhằm đạt được sự tự chủ tâm lí, sinh lí. Có nguồn gốc từ Ấn Độ cổ đại và trung đại. Theo thuyết Y, con người thông qua tâm thần (ý) có thể điều khiển được các vật thể sinh học và vật thể vô tri vô giác.
Trong mọi sinh linh đều tiềm ẩn khả năng và sức mạnh đặc biệt có thể thay đổi căn bản trật tự tự nhiên. Nội dung: 1) Rèn luyện sinh lí (hatha yoga) qua các tư thế (asana), các dáng điệu (mudra), các co thắt cơ (bharana); 2) Rèn luyện tinh thần với mục đích chủ đạo là nhập tĩnh (samyayama) với 3 giai đoạn: tập trung chú ý (dharana); nghiền ngẫm (dhyana); trạng thái bất biến (samadhi), tức là giải thoát mọi ràng buộc về tâm sinh lí. Điều hoà khí (pranayama) là biện pháp quan trọng nhằm bảo đảm giao lưu giữa cơ thể với khí của vũ trụ để thực hiện sự làm chủ của tâm thần đối với cơ thể bằng cách cản trở (prana: khí, yana: cản trở), làm chậm lại, ngừng lại sự hoạt động của thân thể và tinh thần. Trong y học, Y là một phương pháp dưỡng sinh, một môn thể dục tập luyện để chống xơ cứng cơ thể.