Theo đông y, thịt bồ câu tính bình, vị mặn, dinh dưỡng phong phú, thơm, vị ngọt, là loại thực phẩm tốt cho người già, trẻ em, người bệnh và sản phụ.
Chim bồ câu là loại động vật thuộc họ chim gáy, tên khác là bồ câu nhà, chim câu, là loài chim được nhân dân nuôi rộng rãi. Có nhiều giống rất khác nhau về kích thước và màu sắc, được phân chia thành các nhóm như bồ câu đưa thư, bồ câu bay lượn, bồ câu cảnh và bồ câu thịt. Trong đó, chỉ có bồ câu thịt được dùng phổ biến làm thực phẩm và làm thuốc chữa bệnh.
Theo đông y, thịt bồ câu tính bình, vị mặn, dinh dưỡng phong phú, thơm, vị ngọt, là loại thực phẩm tốt cho người già, trẻ em, người bệnh và sản phụ. Trứng bồ câu có chứa protein 9,5% chất béo 6,4%, hợp chất đường và calci, sắt, phốt pho… Thịt chim bồ câu có tác dụng bổ thận kiện tì vị, ích khí huyết. Dùng cho trường hợp gây yếu, hư nhược, tiêu khát, hay quên, mất ngủ, thần kinh suy nhược, dinh dưỡng không tốt, phụ nữ huyết hư tắc kinh… Trong y học cổ truyền, chim bồ câu được dùng với tên thuốc là cáp điểu hay gia cáp gồm thịt chim (cáp điểu nhục), tiết chim (cáp điểu huyết). Trong một số trường hợp, trứng chim (cáp điểu noãn) cũng được dùng.
Sau đây là một số bài thuốc áp dụng:
Bài 1: Chữa suy nhược cơ thể: Chim bồ câu 2 con, hoài sơn 15g , long nhãn 10g, mộc nhĩ trắng 10g, hạt sen 15g, đông trùng hạ thảo 15g, một ít gừng và đường phèn. Cách làm: chim bồ câu bỏ nội tạng, làm sạch lông để ráo nước. Hạt sen cho vào nồi luộc qua, dùng đũa khuấy nhanh, bóc bỏ vỏ ngoài. Mộc nhĩ trắng ngâm trong nước ấm, rửa sạch. Hạt sen và chim cho vào bát hấp, trên rắc một lớp gừng rồi cho tiếp đông trùng hạ thảo, hoài sơn, long nhãn, mộc nhĩ trắng và đường phèn vào. Đổ nước sôi vào gần đầy bát thì đậy lại, cho bát vào nồi nước sôi hầm cách thủy trong 3 giờ là dùng được. Dùng trong 1 tuần.
Bài 2: Chữa chứng liệt dương, thiếu máu, hoa mắt hay choáng váng: Lấy chim bồ câu non 1 con làm thịt, bỏ lòng ruột, cắt nhỏ, sấy khô giòn, tán bột mịn; đỗ trọng 120g sao tồn tính, tán nhỏ cùng với muối rang 4g. Trộn đều các bột, luyện với mật ong làm thành viên bằng hạt ngô. Ngày uống hai lần, mỗi lần 15 viên với nước ấm (thuốc bổ thận tráng dương).
Bài 3: Để chữa kinh nguyệt không đều, kinh bế lâu ngày không thông: Lấy tiết chim trộn với bột xơ mướp đốt tồn tính làm thành bánh, phơi khô; khi dùng, tán nhỏ, ngày uống hai lần, mỗi lần 8g với rượu vào lúc đói.
Bài 4: Bổ tỳ, tăng cường khí huyết, nhất là cho người mới ốm dậy. Cách làm: Chim bồ câu non 1 con, làm thịt, bỏ ruột, chặt nhỏ; hoàng kỳ 30g, câu kỷ tử 30g, phơi khô, thái nhỏ, trộn đều, thêm nước, hấp cách thủy cho chín nhừ, thêm gia vị, rồi ăn cái, uống nước. Cứ 3 ngày ăn một lần. Dùng 3-5 lần.
Bài 5: Hỗ trợ chữa đái tháo đường: Lấy thịt bồ câu 1 con nấu chín với mộc nhĩ trắng 15g hoặc hoài sơn 30g và ngọc trúc 20g. Ăn cái, uống nước làm một lần trong ngày, không dùng gia vị, ăn nhạt
Bài 6: Chữa váng đầu, hoa mắt, tim đập không đều, mất ngủ: Dùng 30g ngũ vị tử, 30g khởi tử, 30g hà thủ ô đem nấu lấy nước, dùng nước thuốc này luộc 4 quả trứng chim bồ câu, gia thêm 100g rượu nếp cái. Khi trứng chín cho thêm 50g đường đỏ, bỏ vỏ trứng, ăn trứng và húp nước lúc còn nóng.
Bài 7: Chữa chứng ra mồ hôi trộm: Dùng một con bồ câu, 20g hoàng kỳ, 25g kỷ tử. Bồ câu làm sạch, bỏ hết nội tạng, rồi cho hoàng kỳ, kỷ tử vào bụng và khâu lại rồi hấp cách thủy. Khi chín bỏ xác hoàng kỳ, kỷ tử, chỉ dùng thịt chim và nước. Dùng 3 lần cách nhau 5 ngày, chứng mồ hôi trộm sẽ đỡ.
Bài 8: Chữa xuất tinh sớm, mộng tinh, dinh tinh: Dùng một con chim bồ câu đực, cắt tiết giữ lại, làm sạch, bỏ nội tạng; 30g hoàng tinh; 15g ích trĩ nhân; 30g ngũ bội tử; 30g khởi tử; 200ml rượu nếp cái. Hầm chín bằng lửa nhỏ rồi ăn nóng.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống