Công dụng của củ Nén

959

Củ nén cùng họ với hành tỏi. Những nghiên cứu mới đây cho thấy, lá và củ nén chứa hợp chất có lưu huỳnh (tinh dầu) đặc biệt hơn hành tỏi là metylpen – tyldisulfid, pentylhydrodisulfid, nhiều silicium. Lá giàu tiền sinh tố A, sinh tố C, sinh tố nhóm B.

Hành tăm (cây nén) món ăn, bài thuốc quý từ dân gian xứ Quảng

Tên khác: Hành tăm, hành nén, củ nén
Tên khoa học: Allium schoenoprasum, thuộc họ loa kèn đỏ (1)
Bộ phận dùng: Thân củ và lá.
Tính vị: Vị hơi cay, tính ấm

Công dụng chính: Giảm đầy hơi trướng bụng, giảm hó hóa đờm, giúp ấm cơ thể, giảm cảm, thông tiểu tiện…Ở lá và củ của cây nén còn có nhiều chất tiền vitamin A, B, C, cho nên khá tốt cho sức khoẻ của con người, nhất là rất phù hợp với việc chế biến các món ẩm thực cho người ốm, người già và trẻ con.

Cây nén mọc ở đâu ?

Ở nước ta, cây nén được trồng phổ biến ở nhiều nơi. Từ lâu, các bộ phận của cây nén, đặc biệt là củ nén không chỉ là một loại gia vị được sử dụng nhiều trong các món ăn, mà nó còn có những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe của con người.

Món ăn bài thuốc từ củ cây nén

Công dụng của cây nén trong việc chế biến các món ẩm thực thì đã có rất nhiều tài liệu đã đề cập. Ở đây xin nêu ra 03 cách sử dụng củ nén để chế biến món ăn khá đơn giản, dễ làm, nhưng rất ngon và có tác dụng bồi bổ sức khoẻ của người Quảng Bình mà bản thân người viết đã từng được trực tiếp chế biến và thưởng thức.

Cách 1: Bài thuốc kích thích tiêu hóa, giải rượu từ củ nén

Người miền biển Quảng Bình thường luộc qua củ nén để ăn chung với món cháo bánh canh nấu bằng bột gạo, bột mì, hoặc bột lọc với các loại hải sản (cháo bánh canh nấu với ghẹ, tôm, cua, cá biển,…).

Cách chế biến này khá đơn giản, dễ làm. Cháo canh đã nấu chín, nêm nếm gia vị cho vừa ăn và múc ra tô, ra bát đang nghi ngút khói, người ta chỉ việc cho thêm mấy muỗng củ nén luộc chín, đang còn nóng hổi trộn vào ăn chung với cháo, vừa làm tăng thêm vị thơm, sự hấp dẫn cho món ăn, vừa có tác dụng kích thích tiêu hoá cho những ai đã ăn nhiều hải sản, hoặc có uống nhiều rượu bia.

Cách 2: Giải nhiệt, bồi bổ từ củ nén

Nhiều gia đình ở Quảng Bình thường dùng củ nén nấu chung với đậu đen, đậu đỏ, lạc nhân, có cho thêm một ít đường kính, làm món chè, dùng để ăn lạnh có tác dụng giải nhiệt rất tốt trong mùa hè. Ngoài ra, đối với những ngày trời lạnh, thưởng thức món ăn lúc vừa nấu chín, còn đang nóng hổi cũng rất tốt cho sức khoẻ của mọi lứa tuổi.

Cách 3: Gia vị thơm ngon từ củ nén

Người Quảng Bình dùng củ nén đập nhuyễn để phi dầu mỡ (tương tự như cách làm đối với củ hành) khi chế bến các món xào, kho, nấu canh,…cũng có tác dụng làm tăng thêm vị thơm, sự hấp dẫn cho các món ăn.

Cách 4: Chữa viêm họng

Củ nén có tính kháng sinh, có tác dụng kiện vị, trợ tiêu hóa, sát trùng đường hô hấp, tiêu hóa, chống sình bụng, cảm cúm, ho, viêm họng. Nén cũng có tác dụng chống ung thư.

Đi đâu về mắc mưa thì ăn cháo nén giải cảm (giã 10 – 15 củ nén khô hoặc cả cây tươi cho vào tô cháo nóng để ăn) hoặc dùng 1 nắm củ nén khô hoặc cây tươi rửa sạch, giã vắt lấy nước ngậm, uống, sẽ có tác dụng ngừa cảm cúm, chữa ho, viêm họng, viêm amiđan. Khi đã bị cảm cúm, ho, viêm họng cũng dùng như trên nhưng dùng sớm thì hiệu quả hơn.

Công dụng củ củ nén

Củ nén tươi

…Và bài thuốc điều trị bệnh quai bị độc đáo từ củ nén
Trong dân gian đã có nhiều cách điều trị bệnh quai bị bằng các loại cây cỏ. Ở đây xin nêu cách dùng củ nén hết sức đơn giản, dễ làm để điều trị quai bị của người dân Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Củ nén sau khi đã được rửa sạch, để ráo nước và giã nhuyễn, người Hương Sơn, Hà Tĩnh thường cạo lấy một ít bồ hóng (loại bột mịn bám ở thành bếp) và một ít nước trong ống điếu hút thuốc lào trộn đều, làm chất hỗ hợp dùng đắp lên chỗ bị đau quai bị cũng có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh khá tốt (mỗi ngày đắp vài lần, khi sờ tay lên mặt cảm thấy chất hỗn hợp đã quá khô, nên gỡ xuống và thay lại giã khác).

Đối với cách này, cũng cần chú ý thêm là nên lấy bồ hóng từ các bếp đun nấu bằng rơm, rạ hoặc củi chứ không nên dùng bồ hóng từ bếp đun bằng than đá, than đất, dễ gây ngộ độc và không tốt cho sức khoẻ. Khi lấy bồ hóng nên phủi nhẹ lớp bụi ngoài, chỉ lấy phần vẩy đen đóng bên trong mới đem chế biến thành bài thuốc có hiệu quả.

Chất hỗn hợp chế biến từ củ nén, bồ hóng và nước ống điếu hút thuốc lào để điều trị quai bị có mùi rất khó chịu, do vậy người lớn cũng cần có cách động viên, giúp đỡ hợp lý để cho người bệnh là trẻ em biết kiên trì, chịu khó và hợp tác trong quá trình điều trị, cũng như tuân thủ các quy trình, phác đồ điều trị của nhân viên y tế, từ đó, bài thuốc mới có thể phát huy tác dụng.