Sơ cứu người ngừng thở ngừng tim

879
Ngừng thở, ngừng tim hay còn được gọi là ngừng tuần hoàn – Là cấp cứu cơ bản mà mỗi nhân viên y tế đều được học và thực hành thành thạo. Tuy nhiên, không chỉ nhân viên y tế, mà tất cả mọi người cũng đều nên nắm được một số bước chính của cấp cứu ngừng tuần hoàn

Hồi sinh tim phổi (CPR) là kỹ thuật cấp cứu được sử dụng trong rất nhiều các cấp cứu khác nhau như trong ngừng tim, ngừng thở….

CPR bao gồm hai kỹ thuật: ép ngực kết hợp với thổi ngạt miệng – miệng.

Tuy nhiên, những việc bạn với vai trò người quan sát thực sự có thể làm được trong các tình huống cấp cứu phụ thuộc nhiều vào nỗ lực và sự hiểu biết của bạn.

Nếu bạn lo lắng mình không đủ kiến thức, kỹ năng để làm CPR thì hãy nên nhớ: thà làm bất cứ điều gì còn tốt hơn nhiều là không làm gì. Nên nhớ điều khác biệt giữa làm một cái gì đó so với không làm gì có thể là mạng sống của một ai đó.

Sau đây là một số lời khuyên từ Hội tim Mỹ:

  • Không được huấn luyện. Nếu bạn chưa được luyện tập làm CPR, sau đó phải cấp cứu CPR, cần tiến hành ép ngực liên tục khoảng 2 lần mỗi giây cho đến khi các nhân viên y tế hỗ trợ khác đến. Bạn không cần cố gắng thổi ngạt.
  • Đã được huấn luyện và sẵn sàng cấp cứu. Nếu đã được huấn luyện và tự tin vào khả năng của mình, bạn cần lựa chọn một trong 2 biện pháp sau: 1. Ép ngực 2 lần và thổi ngạt 1 lần, hoặc 2. Chỉ ép ngực (mô tả chi tiết bên dưới).
  • Đã được huấn luyện, nhưng đã lâu. Nếu bạn đã được huấn luyện CPR, nhưng không tự tin vào khả năng của bạn, chỉ cần ép ngực là đủ.

Những lời khuyên trên chỉ áp dụng cho người lớn, mà không cho trẻ em.

CPR giúp bơm máu giàu oxy lên não và các tạng quan trọng khác cho đến khi các điều trị có thể phục hồi nhịp tim về bình thường.

Khi tim ngừng đập, não có thể nhanh chóng bị tổn thương không hồi phục chỉ sau vài phút. Tử vong xảy ra trong vòng 8 – 10 phút. Thời gian là điểm mấu chốt trong cấp cứu những bệnh nhân đã ngừng thở, ngừng tim.

Học CPR đúng, hãy tham gia khóa học về cấp cứu ban đầu, bao gồm CPR và cách sử dụng máy chống sốc tự động (AED).

Trước khi bắt đầu

Đánh giá tình trạng bệnh nhân trước khi tiến hành CPR:

–    Bệnh nhân tỉnh hay không tỉnh ?

–    Nếu bệnh nhân không tỉnh, vỗ hoặc lay vai bệnh nhân và hỏi to “Bạn có sao không ?”

–    Nếu bệnh nhân không phản ứng và có sẵn 2 người, một người gọi ngay cấp cứu 115 hoặc cơ sở y tế gần nhất, một người tiến hành CPR. Nếu bạn chỉ có một mình và có điện thoại bên cạnh, gọi cấp cứu 115, sau đó tiến hành CPR — ngoại trừ trường hợp bệnh nhân ngẹt thở (chẳng hạn đuối nước). Trong trường hợp đặc biệt đó, cấp cứu CPR trong 1 phút, sau đó gọi cấp cứu 115.

–    Nếu có sẵn AED, sốc điện một lần, sau đó tiến hành CPR.

Cần nhớ trình tự ABC

ABC — Airway: đường thở, Breathing: nhịp thở và Circulation: tuần hoàn, mô tả thành từng bước dưới đây. Tiến hành nhanh từ kiểm soát đường thở (Airway), duy trì nhịp thở và sau đó bắt đầu ép ngực để phục hồi tuần hoàn (Circulation).

AIRWAY: Làm sạch đường thở

1. Đặt bệnh nhân nằm ngửa trên nền cứng.

2. Ngồi kế bên cổ và vai bệnh nhân.

3. Mở đường thở của bệnh nhân với thủ thuật ngửa đầu, kéo cằm. Đặt bàn tay lên trán, đẩy nhẹ đầu ngửa về phía sau, kéo nhẹ cằm về phía trước để mở rộng đường thở.

4. Kiểm tra nhịp thở bình thường, không làm động tác này quá 5 tới 10 giây: nhìn di động của lồng ngực, nghe và cảm nhận tiếng thở của bệnh nhân bằng tai và má. Thở gấp không được xem là thở bình thường. Nếu bệnh nhân không thở bình thường, trong khi bạn đã được huấn luyện CPR, hãy bắt đầu thổi ngạt miệng – miệng. Nếu bạn chắc chắn bệnh nhân bất tỉnh do bệnh tim mạch và bạn chưa được huấn luyện các thủ thuật cấp cứu, bỏ qua thổi ngạt miệng – miệng, tiến hành ngay ép ngực để duy trì tuần hoàn (circulation).

BREATHING: Duy trì thở cho bệnh nhân

Cấp cứu thở có thể được thực hiện với thổi ngạt miệng – miệng hoặc thổi ngạt miệng – mũi trong trường hợp miệng bị tổn thương nặng hoặc không mở ra được.

1. Khi đường thở đã được đặt ở tư thế mở (đẩy đầu ra sau, kéo cằm ra trước), bịt mũi bệnh nhân, sau đó dùng miệng phủ kín miệng bệnh nhân và bắt đầu hô hấp nhân tạo.

2. Tiến hành 2 nhịp thở. Thổi ngạt nhịp thứ nhất – kéo dài 1 giây – sau đó quan sát lồng ngực. Nếu lồng ngực vồng lên, tiến hành thổi ngạt tiến nhịp thứ 2. Nếu lồng ngực không vồng lên, kiểm tra lại tư thế đầu xem đường thở đã mở chưa, sau đó thổi ngạt tiếp nhịp thứ 2.

3. Bắt đầu ép ngực để hồi phục tuần hoàn.

CIRCULATION: Hồi phục tuần hoàn

1. Đặt lòng bàn tay lên phần giữa của lồng ngực, giữa 2 núm vú. Đặt lòng bàn tay thứ 2 lên trên bàn tay thứ nhất. Giữ cho khuỷu tay thẳng và hai vai tỳ thẳng lên hai tay.

2. Dùng toàn bộ trọng lượng phần trên cơ thể (không chỉ riêng hai tay) ép thẳng xuống ngực, làm cho lồng ngực bị ép xuống chừng 5cm. Làm mạnh, nhanh, dứt khoát, khoảng 120 lần ép / phút.

3. Sau 30 lần ép, ngửa cổ bệnh nhân và kéo cằm ra phía trước để mở đường thở, rồi thổi ngạt 2 lần. Thổi ngạt lần 1 trong 1 giây, quan sát thấy lồng ngực vồng lên thì tiến hành tiếp thổi ngạt lần 2 trong 1 giây (một chu kỳ). Nếu lồng ngực không vồng lên, làm lại thủ thuật mở đường thở rồi mới thổi ngạt lần 2. Nếu có 2 người, yêu cầu người kia ép ngực 30 lần, sau đó bạn thổi ngạt 2 lần.

4. Nếu bệnh nhân không có chuyển biến sau 5 chu kỳ như trên (khoảng 2 phút) và có sẵn máy sốc tim tự động (AED). Dùng máy sốc theo hướng dẫn. Hội tim Mỹ khuyến cáo sốc tim một lần, sau đó tiến hành tiếp CPR – bắt đầu với ép ngực – trong 2 phút trước khi sốc điện lần 2. Nếu bạn chưa được đào tạo sốc điện, gọi cấp cứu 115 để được hướng dẫn. Một số nhân viên ở một số đơn vị nhà nước cũng có thể đã được đào tạo sử dụng AED và có thể tiến hành hoặc hướng dẫn sốc điện. Không làm sốc điện cho trẻ dưới 1 tuổi. Nếu không có sốc điện, tiến hành làm bước 5 dưới đây.

5. Tiếp tục CPR cho đến khi có dấu hiệu cử động hoặc cho đến khi có nhân viên y tế đến đảm nhiệm công việc.

Benhvathuoc.com