Thuốc điều trị bệnh viêm cầu thận đái tháo đường

727

Dấu hiệu của viêm cầu thận

Viêm cầu thận (VCT) là một bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm của các tiểu cầu thận và các mạch máu nhỏ trong thận. Bệnh có thể xuất hiện độc lập hoặc kết hợp với hội chứng thận hư. Bệnh được phân loại thành nhiều thể khác nhau, được chia thành các nhóm theo mức độ tiến triển.

Chẩn đoán thể bệnh VCT rất quan trọng vì kết quả và điều trị khác nhau trong các loại hình khác nhau. VCT tiên phát do tổn thương nội tại của thận, trong khi VCT thứ phát có liên quan đến một số bệnh nhiễm khuẩn (vi khuẩn, virut hay ký sinh trùng gây bệnh), thuốc, bệnh hệ thống (lupus ban đỏ, viêm mạch) hoặc bệnh tiểu đường.

Triệu chứng điển hình là gì? Triệu chứng VCT phụ thuộc vào từng thể bệnh và sự tiến triển cấp hay mạn tính. Các triệu chứng chung có thể bao gồm: nước tiểu sẫm màu, có bọt (do dư thừa protein); tăng huyết áp; phù; mệt mỏi, thiếu máu; đi tiểu ít hơn bình thường.

Phân loại thể bệnh: Có nhiều cách phân loại, nhưng phân loại theo cách tiến triển của bệnh là cách được sử dụng rộng rãi. Bao gồm:

Bệnh mỏng màng đáy cầu thận: Là bệnh di truyền gen trội với biểu hiện lâm sàng là tình trạng đái máu đại thể dai dẳng. Tổn thương được xác định bằng sinh thiết thận và soi trên kính hiển vi điện tử thấy màng đáy cầu thận mỏng hơn bình thường.

Bệnh cầu thận tiến triển chậm: Viêm cầu thận tổn thương tối thiểu: loại bệnh này chiếm tới 80% hội chứng thận hư ở trẻ em, nhưng lại chỉ chiếm 20% HCTH ở người lớn. Điều may mắn là thể bệnh này đáp ứng điều trị tương đối tốt. Hơn 90% trẻ em khỏi bệnh sau 3 tháng điều trị, tỉ lệ khỏi bệnh ở người lớn là 80%. Thuốc thường được dùng là corticoid. Thuốc giảm miễn dịch được chỉ định khi có hiện tượng kháng corticoid.

Xơ cứng cầu thận từng ổ, từng đoạn, còn gọi là viêm cầu thận ổ: có thể nguyên phát hay thứ phát trong các bệnh lý như viêm thận ngược dòng (do nhiễm khuẩn ở đường tiết niệu), hội chứng Alport (viêm cầu thận, tổn thương thính giác, thị giác), lạm dụng heroin, HIV. Biểu hiện của bệnh như một hội chứng thận hư với suy thận ở nhiều mức độ, tình trạng xơ cứng chỉ xảy ra ở một số vị trí nhất định. Tổn thương tiến triển chậm dẫn đến suy thận và đáp ứng kém với điều trị corticoid.

Viêm cầu thận màng: Là thể bệnh hay gặp ở người lớn. Biểu hiện lâm sàng là sự kết hợp triệu chứng của cả viêm cầu thận và hội chứng thận hư. Thường vô căn nhưng cũng có thể kết hợp với một số bệnh như viêm gan, sốt rét, ung thư phổi và ruột, lupus ban đỏ. 1/3 số bệnh nhân tiến triển đến suy thận giai đoạn cuối. Điều trị corticoid cũng được sử dụng như một nỗ lực để hạn chế sự tiến triển của bệnh.

Một số bệnh lý khác gây tổn thương thận: Tăng huyết áp, bệnh thận do tiểu đường. Biểu hiện sớm là microalbumin niệu. Vì vậy việc xét nghiệm nước tiểu để phát hiện bệnh sớm là rất quan trọng. Tiến triển thường chậm và phụ thuộc vào việc điều trị nguyên nhân gây bệnh.

Bệnh cầu thận tiến triển nhanh: Về mặt mô bệnh học, nhóm bệnh này được đặc trưng bởi sự gia tăng nhanh chóng về số lượng tế bào trong tiểu cầu thận. Quá trình suy thận dẫn đến giai đoạn cuối cũng diễn ra nhanh chóng trong thời gian từ vài tuần đến vài tháng tùy theo từng loại.

Bệnh thận IgA: Đây là nguyên nhân gây viêm cầu thận hàng đầu ở người lớn, nam mắc nhiều hơn nữ. Đặc thù của bệnh này là sự xuất hiện thường xuyên hồng cầu trong nước tiểu. Triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 24 – 48 giờ sau một nhiễm khuẩn đường hô hấp hoặc tiêu hóa. Tổn thương trực tiếp cầu thận do sự lắng đọng IgA trên màng đáy. Tiên lượng bệnh rất khác nhau, khoảng 20% bệnh nhân sẽ tiến triển đến suy thận giai đoạn cuối.

Viêm cầu thận sau nhiễm khuẩn: Có thể xảy ra với nhiều loại nhiễm khuẩn, nhưng nguyên nhân hay gặp nhất là sau nhiễm liên cầu nhóm D, đặc biệt là Streptoccocus pyogenes. Bệnh xuất hiện sau các nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn da khoảng 10 – 14 ngày. Chẩn đoán dựa vào việc khai thác tiền sử nhiễm liên cầu trước đó. Các test huyết thanh chẩn đoán liên cầu rất hữu ích để cung cấp thêm bằng chứng. Sinh thiết thận hiếm khi được đặt ra. Được điều trị đúng cách, bệnh thường tiến triển tốt và khỏi bệnh trong 2 – 4 tuần.

Viêm cầu thận tăng sinh màng/viêm cầu thận tăng sinh gian mạch: Bệnh có thể tiên phát hoặc thứ phát sau lupus ban đỏ, viêm gan virut. Người ta nhận thấy các tiểu cầu thận có hiện tượng tăng sinh tế bào bất thường cả ở màng đáy, mao mạch và khoảng gian mạch. Biểu hiện bằng tình trạng thận hư – viêm thận và tiến triển đến suy thận giai đoạn cuối là điều không tránh khỏi.

Viêm cầu thận tiến triển nhanh: Thể bệnh này có tiên lượng xấu. Bệnh tiến triển nhanh chóng đến suy thận giai đoạn cuối trong vòng vài tuần. Corticoid có thể được sử dụng nhưng hiệu quả không thực sự rõ ràng. Bao gồm các nguyên nhân sau: Viêm cầu thận tế bào hình liềm (Tổn thương cầu thận kết hợp với viêm thận kẽ. Bệnh xuất hiện sau viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Chụp Immunofluorescen cho thấy hình ảnh những tế bào hình liềm xuất hiện cả ở tiểu cầu và khoảng gian mạch; Hội chứng goodpasture (là một loại bệnh tự miễn dịch. Người ta phát hiện kháng thể kháng màng đáy ở thận và phổi. Vì thế biểu hiện lâm sàng của bệnh ngoài triệu chứng của VCT còn có triệu chứng của tổn thương phổi như ho ra máu); Các bệnh lý tổn thương mạch máu (điển hình là viêm nhiều động mạch (polyartritis) và U hạt Wegener. Chẩn đoán dựa vào sự xuất hiện kháng thể kháng tế bào chất của bạch cầu trong máu).

Thuốc điều trị bệnh viêm cầu thận đái tháo đường

Đái tháo đường là một bệnh thường gặp ở các nước phát triển và cả các nước đang phát triển. Tỷ lệ mắc bệnh này tùy theo địa dư, chủng tộc, mức sống, lối sống và ngày càng có xu hướng tăng lên. Thuật ngữ “Bệnh cầu thận đái tháo đường” chỉ bệnh lý cầu thận thứ phát do ảnh hưởng của đái tháo đường lên thận.

Bệnh cầu thận đái tháo đường được xác định do thay đổi thành phần hóa học của màng đáy cầu thận và tổ chức gian mạch. Bệnh biểu hiện với các triệu chứng của bệnh đái tháo đường như ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy sút, đường huyết lúc đói > 7mmol/l; ngoài ra còn có các biểu hiện khác như: xuất hiện protein niệu ở mức độ ít (microalbumin niệu 30 – 300mg/ngày), mức độ vừa (microalbumin niệu> 300mg/ngày) hoặc có hội chứng thận hư (microalbumin niệu 3,5g/ngày), tăng huyết áp thứ phát, rối loạn mỡ máu… Nguyên nhân suy thận giai đoạn cuối được lọc máu chu kỳ do viêm cầu thận đái tháo đường đứng hàng thứ hai sau viêm cầu thận mạn tính. Sau đây là một số nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị viêm cầu thận đái tháo đường.

 

Thuốc điều trị đái tháo đường.

Tùy theo thể bệnh, giai đoạn bệnh và tình trạng của bệnh nhân mà lựa chọn thuốc điều trị cho hợp lý. Khi điều trị phải kiểm soát chặt chẽ đường huyết, đặc biệt đường huyết lúc đói, đường huyết sau ăn và HbA1c. Một số thuốc có thể sử dụng.

– Insulin: có loại tác dụng nhanh, tác dụng chậm và tác dụng rất chậm. Thường chỉ dùng trong điều trị đái tháo đường týp I. Khi dùng phải chú ý đến đường huyết của bệnh nhân đề phòng hạ đường huyết.

– Nhóm sulfonylure: thế hệ 1 có tolbutamid viên 250, 500 và 1.000mg, chlorpropamid viên 100 và 250mg…; thế hệ 2 có diamicron (viên 80mg), daonil (viên 5mg)…, nhóm này có tác dụng gây tăng bài tiết insulin, tuy nhiên khi dùng phải chú ý nguy cơ gây hạ đường huyết, thuốc độc với gan – thận, gây tăng acid lactic, và có một tỷ lệ nhất định dị ứng thuốc.

– Nhóm biguanid: metformin, viên 500mg, 850mg. Nhóm này có tác dụng tăng hiệu lực của insulin ở ngoại vi. Thuốc không được dùng cho người suy gan, suy thận, phụ nữ có thai, người có rối loạn chuyển hóa. Thuốc gây tăng acid lactic.

– Nhóm ức chế men a glycosidase: glucobay viên 50mg, thuốc không dùng cho người suy gan thận, người có ceton niệu.

Thuốc khống chế tăng huyết áp

Trong viêm cầu thận đái tháo đường, tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ, mục tiêu cần đạt được là đưa huyết áp tối đa < 130mmHg, và huyết áp tối thiểu < 85mmHg. Tùy từng trường hợp có thể sử dụng một số thuốc sau để điều trị.

– Nhóm thuốc ức chế men chuyển: có một số biệt dược như renitec (viên 5, 10, 15mg ), coversyl (viên 4 mg), lopril (viên 25mg), zestril (viên 10, 20mg), nhóm này dùng tốt nhất trong trường hợp đái tháo đường/THA. Tác dụng phụ: gây ho, tăng kali máu, không dùng trong hẹp khít van động mạch chủ, động mạch thận.

– Nhóm thuốc chẹn thụ thể angiotensin II như: losartan, telmisartan…

– Nhóm chẹn beta giao cảm: propranolol, atenolol, pindolol…

– Nhóm chẹn kênh canxi: có một số biệt dược hay dùng như nifedipin (viên 10, 20, 30mg ); amlor viên 5mg; plendil viên 5mg; madiplot viên 10, 20mg. Nhóm thuốc này có ưu điểm: hạ huyết áp tốt, tác dụng kéo dài. Tuy nhiên có nhược điểm là chẹn canxi nên không tốt, làm nhịp tim nhanh, bốc hỏa ở mặt.

– Thuốc có tác dụng trung ương: Methyldopa, clonidin.

– Thuốc giãn mạch ngoại biên: dihydralazin.

Tuy nhiên hai nhóm thuốc được ưu tiên lựa chọn để khống chế huyết áp trong bệnh viêm cầu thận đái tháo đường là nhóm ức chế men chuyển có tác dụng bảo vệ tim mạch và nhóm thuốc chẹn thụ thể angiotensin II có tác dụng bảo vệ thận.

Thuốc điều chỉnh tăng mỡ máu

Rối loạn lipid máu đặc biệt là lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL cholesterol) và lipoprotein tỷ trọng cao ( HDL cholesterol ) là những yếu tố nguy cơ của tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim trong bệnh viêm cầu thận đái tháo đường. Do đó ngoài việc có chế độ ăn uống hợp lý, có thể sử dụng các thuốc thuộc nhóm fibrat, statin để điều trị.

Ngoài các thuốc chính trên, còn có thể sử dụng các thuốc chống đông máu, chống ngưng tập tiểu cầu như aspirin, aspegic…, nếu có toan hóa máu thì dùng dung dịch natribicarbonat, nếu có tăng kali máu ta có thể sử dụng dung dịch natribicarbonat hoặc calcium tiêm tĩnh mạch để trao đổi ion. Khi có suy thận giai đoạn III hoặc IV cần có lọc ngoài thận chu kỳ.

Bên cạnh việc dùng thuốc thì chế độ ăn và sinh hoạt hợp lý đối với người viêm cầu thận đái tháo đường là vấn đề hết sức quan trọng. Trong chế độ ăn phải giảm glucid, nếu có suy thận cần giảm thêm protid. Cần cung cấp đủ năng lượng theo mức lao động với mức 30- 40 Kcal/kg cân nặng/ngày với tỷ lệ glucid từ 45-50%, protid từ 15-20%, lipid khoảng 35%.

Theo dõi và điều trị tốt đái tháo đường với chế độ ăn giảm glucid, khống chế huyết áp, điều chỉnh rối loạn mỡ máu kèm theo hoạt động thể lực hợp lý có thể làm chậm xuất hiện viêm cầu thận đái tháo đường, từ đó làm chậm diễn biến đến suy thận giai đoạn cuối cũng như làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.

Tìm bài thuốc chữa bệnh thận nhiễm mỡ !

Hội chứng thận hư (HCTH) là hội chứng lâm sàng và sinh hóa xuất hiện ở nhiều bệnh do tổn thương ở cầu thận, đặc trưng bằng những dấu hiệu sau: Phù, Protein niệu cao, Protein máu giảm, Lipid máu tăng.

Tiêu chuẩn chẩn đoán:

1. Phù: Phù mặt, chi dưới; có thể phù toàn thân kèm theo cổ chướng và tràn dịch màng phổi.

2. Protein niệu cao > 3,5g/24 giờ.

3. Protein máu giảm < 60g/lít, Albumin máu < 30g/lít.

4. Rối loạn lipid máu: lipid máu tăng > 9g/lít, cholesterol tăng > 6,5mmol/lít, triglycerid > 2,3mmol/lít.

5. Có hạt mỡ lưỡng chất, trụ mỡ trong nước tiểu.

Trong đó các tiêu chuẩn 2 và 3 bắt buộc phải có.

Nguyên nhân dẫn tới HCTH

Có 2 nguyên nhân:

– Nguyên nhân nguyên phát ở cầu thận.

– Nguyên nhân thứ phát do các bệnh toàn thể hoặc những trường hợp bệnh lý khác dẫn đến.

– Ở người lớn, khoảng 80% viêm cầu thận không biết rõ nguyên nhân, còn lại là kết hợp với bệnh hệ thống hay bệnh lupus ban đỏ, tiểu đường và thận dạng bột.

Bệnh sinh của HCTH chưa được hiểu biết đầy đủ. Về giải phẫu bệnh học thì tổn thương ở màng đáy cầu thận là chủ yếu. Bình thường màng đáy không cho các phần tử lớn như protein đi qua. Khi có một nguyên nhân nào đó làm màng đáy bị tổn thương, điện thế của màng đáy bị thay đổi thì protein lọt qua được. Protein niệu càng nhiều thì protein máu càng giảm. Albumin ra nhiều nhất (80%) làm giảm áp lực keo của huyết tương, nước thoát ra ngoài lòng mạch. Hậu quả là gây phù và giảm thể tích tuần hoàn hiện dụng. Từ đó một mặt trực tiếp gây tái hấp thu nước và Natri ở ống lượn gần, mặt khác gián tiếp qua hệ thống điều hòa nội tiết làm tăng ADH và Aldosteron. ADH tăng sẽ tái hấp thu nước ở ống góp, Aldosterol tăng sẽ tái hấp thu Na+ và nước ở ống lượn xa và ống góp. Kết quả của quá trình trên là cơ thể giữ Natri và giữ nước, do đó sẽ tiểu ít và dẫn tới phù toàn thân, kéo theo các rối loạn nước và điện giải. Về thành phần lipid máu tăng thì chưa có giải thích đầy đủ. Có giả thuyết cho rằng lipid, cholesterol máu trong HCTH là một yếu tố gây xơ hóa cầu thận và dẫn đến suy thận.

Khi mắc HCTH, bệnh nhân thường bị suy dinh dưỡng do thiếu protein – năng lượng do mất nhiều protein qua đường nước tiểu kèm theo chán ăn do giảm dịch ruột, phù gan và nội tạng. Ngoài ra ăn kém do cảm thấy căng trướng do bị cổ chướng. HCTH kéo dài sẽ dẫn đến tiêu cơ bắp, rụng tóc. Tình trạng thiếu dinh dưỡng còn góp phần làm tăng tình trạng mắc các bệnh nhiễm khuẩn trong HCTH như: Viêm phúc mạc tiên phát, viêm phổi, viêm cơ, lao phổi… Cho nên ngoài việc điều trị bằng thuốc, chế độ ăn trong HCTH cũng đóng vai trò hết sức quan trọng giúp cơ thể tăng sức đề kháng và chống lại các rối loạn về thành phần sinh hóa trong máu.

Hội chứng thận hư là một hội chứng sinh hóa và lâm sàng đặc trưng bởi sự mất nhiều protein qua nước tiểu, gây giảm albumin huyết tương, biểu hiện bằng phù và nhiều rối loạn khác như rối loạn lipid máu, rối loạn đông máu… Hội chứng thận hư là hội chứng nặng nhất của bệnh thận.

Biểu hiện của hội chứng thận hư và các xét nghiệm cần thiết

Biểu hiện lâm sàng của hội chứng thận hư bao gồm: phù, đái ít, nước tiểu giảm dưới 500ml/24 giờ, tăng huyết áp, đái máu, thiếu máu nhẹ. Trong đó phù là triệu chứng chính, hay gặp phù toàn thân với nhiều mức độ từ kín đáo tới rất nặng nề, có thể tràn dịch các màng như cổ trướng, tràn dịch màng phổi, màng tim, màng tinh hoàn, phù nề bộ phận sinh dục. Đặc điểm phù trong hội chứng thận hư là phù trắng, mềm, không đau.
Các xét nghiệm cận lâm sàng cần làm để chẩn đoán bao gồm: Xét nghiệm nước tiểu, tốt nhất là định lượng protein niệu 24 giờ, tìm tế bào niệu, trụ niệu, thể mỡ lưỡng chiết, trụ mỡ, trụ hạt, hồng cầu niệu, bạch cầu niệu. Xét nghiệm máu gồm định lượng protid toàn phần trong huyết tương, định lượng albumin huyết thanh, điện di protein huyết tương thấy alpha 2 globulin tăng. Ngoài ra cần làm thêm máu lắng, hồng cầu, hemoglobin. Xét nghiệm đánh giá chức năng thận: urê, creatinin huyết tương, axit uric…
Các nguyên nhân gây ra hội chứng thận hư được chia làm hai nhóm: Hội chứng thận hư nguyên phát bao gồm: bệnh cầu thận thay đổi tối thiểu, xơ cầu thận ổ – cục bộ, bệnh cầu thận màng…, hội chứng thận hư thứ phát sau các bệnh: đái tháo đường, lupus ban đỏ hệ thống, thận thoái hóa bột, hội chứng ban dạng thấp Schonlein – Henoch, viêm mạch hoại tử, nhiễm khuẩn cấp tính, nặng, kéo dài, nhiễm khuẩn huyết, ký sinh trùng (sốt rét P. Malariae, Schistosomiasis, Filariosis), virut (viêm gan B, C; HIV), ung thư phổi, đại tràng, dạ dày, thực quản, ung thư hắc tố, các u lympho tăng sinh ác tính, bệnh đa u tủy xương, thuốc chứa thủy ngân, kháng sinh, D-penicillamin, thuốc chống viêm không steroid. Các nguyên nhân khác cũng có thể gây hội chứng thận hư như: mang thai, bệnh hồng cầu hình liềm, sử dụng heroin, sarcoidosis, hội chứng Guillain – Barré, sau cắt thận, bẩm sinh…

Một số vị thuốc thường dùng chữa viêm cầu thận

Thuốc lợi tiểu chữa phù: Bạch linh, trạch tả, mã đề.

Thuốc bổ thận, bổ khí huyết: Hoàng kỳ, bạch truật, thục địa, đương quy.

Tuy nhiên trong điều trị cần tùy giai đoạn viêm cấp hay mạn mà kết hợp thuốc tân dược và đông dược.

Nếu viêm cầu thận cấp: Dùng tân dược là chính. Tân dược có thể dùng prednisolon (nhóm corticoide) phối hợp với thuốc kháng sinh (do thầy thuốc chỉ định). Kết hợp với các vị thuốc bổ như nhân sâm, hoàng kỳ, đương quy, bạch truật hoặc dùng bài Lục vị địa hoàng hoàn (thục địa, hoài sơn, sơn thù, đan bì, bạch linh, trạch tả). Khi bị viêm cầu thận mạn tính việc điều trị bằng đông dược là cần để nâng sức đề kháng (chính khí) các vị thuốc thường dùng là: Hoàng kỳ, đương quy, bạch truật, nhân sâm, kỷ tử, ba kích…

Điều trị viêm cầu thận ở giai đoạn nào cũng khó. Vì vậy, khi triệu chứng phù từ mặt xuống chân, phù trắng, đau lưng, đái ít có thể đái đục đỏ cần đi khám ngay ở các cơ sở y tế. Bệnh chữa tích cực sẽ khỏi hoàn toàn, chữa sai càng làm nhiễm độc thêm và dẫn đến suy thận sẽ vô cùng phức tạp.

benhvathuoc.com