Thuốc xổ

16907

Thuốc xổ bán tự do ngoài quầy (over the counter) có nhiều loại khác nhau, uống hoặc nhét hậu môn. Chúng ta có thể muốn dùng thuốc xổ khi cảm thấy khó chịu vì bị bón, thí dụ như khi đi du lịch hay khi thay đổi cách ăn uống. Nhưng thế nào mới gọi là bón? Rất khó định nghĩa vì thói quen đi cầu bình thường có thể là 3 lần một ngày cho tới 3 lần một tuần. Thông thường là chúng ta đi cầu không cần phải dùng thứ gì trợ giúp cả. Nhưng ăn uống không đủ chất sợi, không vận động lâu ngày, có mang, bị bệnh hay một vài loại thuốc có thể gây ra bón. Và chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu ở bụng, đi cầu khó khăn khác với thói quen thường ngày, đó là bón.

* Trước khi dùng thuốc xổ, chúng ta có thể dùng những cách sau:
– Ăn những thức ăn nhiều chất sợi như wheat bran (cám), trái cây và rau tươi, lúa mạch (oats).
– Uống nhiều nước.
– Vận động thân thể thường xuyên.
Thay đổi lối sống và cách ăn uống như trên có thể giúp ích một số lớn khỏi bị bón. Nhưng nếu đã áp dụng tất cả những cách trên mà vẫn không hiệu quả, bạn có thể phải dùng đến thuốc xổ nhẹ.

* Tác dụng của thuốc xổ
Thuốc xổ “làm việc” theo nhiều cách khác nhau tùy loại thuốc, và hiệu quả của chúng cũng thay đổi ở mỗi người. Thuốc xổ tạo ra “khối to” thường là chất sợi, thí dụ như Metamucil và Citrucel. Thuốc xổ có tích cách “kích động” ruột già, thí dụ như Ex-Lax và Senokot, rất mạnh, ta không nên dùng thường xuyên. Sau đây là một số các loại thuốc xổ, công dụng và tác dụng phụ của chúng. Tuy những thuốc này được bán tự do ngoài quầy nhưng tốt nhất là bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ để xem loại nào tốt nhất cho bạn.
1. Thuốc uống dùng tính cách thẩm thấu (Philip’s Milk of magnesia, Miralax):
Những thuốc này giúp kéo nước từ những mô xung quanh vào ruột cùng để phân loãng hơn và dễ ra hơn. Tác dụng phụ: bụng lình bình, đau quặn, tiêu chảy, buồn nôn, có nhiều hơi, dễ khát nước hơn.
2. Thuốc uống tạo khối to (Benefiber, Citrucel, Fiber Choice, Metamucil):
Hấp thụ nước để tạo phân thành khối to, mềm khiến bắp thịt ruột co thắt tự nhiên để tống phân ra. Tác dụng phụ: bụng lình bình, hơi nhiều, đau quặn bụng, mắc nghẹn, có thể làm bón hơn nếu không uống nước đủ.
3. Thuốc uống làm phân mềm (Colace, Kaopectate):
Làm phân ướt và mềm ra. Tác dụng phụ: cổ họng bị rát, đau quặn bụng.
4. Thuốc uống có tính cách kích động ruột (Ex-Lax, Senokot):
Kích động làm bắp thịt ruột co thắt để tống phân ra. Tác dụng phụ: hay ợ, đau quặn bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nước tiểu đổi màu.
5. Thuốc nhét hậu môn có tích cách kích động (Bisacodyl, Pedia-Lax, Dulcolax):
Làm cho bắp thịt ruột co thắt từng cơn để loại phân ra. Tác dụng phụ: ruột cùng bị khó chịu, bụng khó chịu hay đau quặn.
Thuốc xổ uống có thể làm cản trở việc hấp thụ một vài loại thuốc hay thức ăn trong khi thuốc nhét không bị tác dụng này. Cả 2 loại thuốc xổ đều có thể gây ra xáo trộn các chất điện giải, nhất là khi dùng lâu ngày. Những chất điện giải – gồm có calcium, chloride, potassium, magnesium, và sodium – rất cần cho sự điều hòa co thắt các bắp thịt, nhịp tim, chức năng thần kinh, cân bằng thủy dịch, và nhiều chức năng khác của cơ thể. Rối loạn các chất điện giải sẽ đưa đến tim thất nhịp, bắp thịt yếu ớt, bị lú lẫn, và giựt kinh.
Nhiều thuốc xổ gồm 2 loại thuốc khác nhau, thí dụ như thuốc làm phân mềm và thuốc kích động. Kết hợp nhiều loại thuốc như vậy chưa chắc là đã hiệu quả hơn nhưng lại có thể gây ra nhiều phản ứng phụ hơn. Do đó bạn nên đọc kỹ nhãn hiệu để xem có bao nhiêu loại thuốc trong đó.

* Những tai hại của thuốc xổ
– Tác dụng lên những thuốc khác:
Thuốc xổ có thể có tác dụng lên thuốc làm loãng máu warfarin (Coumadin), thuốc trụ sinh tetracycline và một vài loại thuốc tim và xương. Trước khi dùng thuốc xổ nên đọc tờ giấy chỉ dẫn kèm theo kỹ. Nên hỏi bác sĩ hay dược sĩ nếu không hiểu. Không nên dùng quá liều đã dặn, trừ khi đó là lời chỉ dẫn của bác sĩ.
– Tác dụng lên những tình trạng bệnh:
Nếu bệnh bón của bạn gây ra do những bệnh như sưng ruột dư hay nghẹt ruột thì dùng thuốc xổ sẽ đưa đến những hậu quả tai hại. Nếu bạn quen dùng thuốc xổ qua một thời gian dài, thuốc sẽ làm giảm khả năng co thắt tự nhiên của ruột già khiến bệnh bón càng nặng hơn. Thuốc được bán tự do không có nghĩa là chúng an toàn. Nên đọc kỹ nhãn hiệu và lời chỉ dẫn.
– Phụ nữ mang thai và trẻ con cần chú ý:
Không nên dùng thuốc xổ cho trẻ em dưới 6 tuổi trừ khi có lời chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu đang mang thai, cần hỏi ý kiến bác sĩ khi dùng thuốc xổ. Nói chung, thuốc xổ loại “tạo khối” và loại làm phân mềm có thể dùng được; nhưng những loại thuốc xổ quá mạnh có thể gây hại cho bà mẹ cũng như thai nhi. Thí dụ loại thuốc xổ có tính kích động như castor oil, có thể làm tử cung co thắt. Nếu mới sinh con, nên hỏi bác sĩ trước khi dùng thuốc xổ. Dùng thuốc xổ trong lúc cho con bú khá an toàn, tuy nhiên đôi khi thuốc có thể vào sữa mẹ gây ra tiêu chảy cho em bé.
– Không nên coi thường thuốc xổ
Gọi bác sĩ ngay nếu bị phân có máu, đau bụng quặn thật nhiều, yếu ớt, chóng mặt, quá mệt khác thường hay chảy máu từ ruột cùng sau khi dùng thuốc xổ. Nên đi khám bệnh khi thấy thói quen đi cầu bị thay đổi hoặc bón kéo dài hơn 1 tuần dù đã dùng thuốc xổ. Nếu bạn đã bị lệ thuộc vào thuốc xổ, nên hỏi ý kiến bác sĩ về cách giảm và bỏ dùng thuốc, để tái tạo khả năng co thắt của ruột già.

Lời từ chối trách nhiệm (Disclaimer): Những bài viết trong mục “Sức Khỏe” chỉ nhằm mục đích chỉ dẫn tổng quát, không thể dùng thay thế sự chăm sóc của bác sĩ hay nhân viên y tế. Độc giả cần tham khảo thêm với bác sĩ của mình khi bị bệnh.

BS. Nguyễn Thị Nhuận/Viễn Đông