Từ điển Y học Việt Nam – Mục O

724

Từ điển Y học Việt Nam – Mục O

ỐC TAI. ống màng hình xoắn ốc nằm ở tai trong động vật có vú để tiếp nhận âm thanh. Sóng âm thanh truyền vào tai trong, qua cửa sổ bầu dục truyền qua ngoại dịch bao quanh OT; làm màng màng đáy rung động, kích thích lên các tế bào thính giác làm phát sinh các xung động truyền về não. Âm thanh có tần số khác nhau tác động lên các vùng khác nhau của màng đáy, ở vùng đỉnh ứng với các âm thanh tần số thấp, ở góc âm thanh tần số cao và cho phép phân biệt các âm thanh có độ cao khác nhau. ÔT cũng có ở cá sấu và chim.

ỐNG. cấu trúc mô với hình thái, cấu tạo và chức năng rất khác nhau tùy thuộc vào vị trí. Vd. Ô động mạch là một Ô tồn tại trong thời kì phôi thai, nối liền động mạch chủ và động mạch phổi (về sau teo nhỏ và biến mất) nếu còn tồn tại sau khi ra đời, nó trở thành một dị tật bẩm sinh; Ô dẫn sữa của tuyến vú; Ô mật chủ dẫn mật từ gan và túi mật đến tá tràng; ống nội tuỷ sống chạy dọc theo đường trục của tủy sống để dẫn thông dịch não tuỷ.

ỐNG BẠCH HUYẾT NGỰC ống bạch huyết kéo dài từ phía lưng, là ống chính của hệ bạch huyết. Nhận bạch huyết từ hầu hết các vùng của cơ thể. Ở động vật có vú, ÔBHN xuất hiện từ dưới cơ hoành, đi tới phía trước cột sống và đổ vào tĩnh mạch không tên ở gốc cổ.

ỐNG DƯỠNG TRẤP. ống hiển vi chứa bạch huyết, có trong lông nhung mao của niêm mạc ruột non. Chất béo đã tiêu hoá đựơc hấp thụ vào ÔDT nối với các vi mao mạch bạch huyết và các mao mạch bạch huyết lớn hơn của ruột. Nhờ hệ mao mạch này mà chất béo từ ÔDT được chuyển vào máu qua ống động mạch ngực đổ vào tĩnh mạch cảnh, đến các mô mỡ trong cơ thể.

ỐNG MANPIGHI. Cơ quan bài tiết ở côn trùng, gồm các ống mảnh, kín một đầu, đầu kia đổ vào phần đầu ruột sau. Được gọi theo tên nhà giải phẫu học Italia Manpighi (M Malpighi; 1625-96). Số lượng ÔM có thể thay đổi từ 2 (ở rệp sáp) đến 150 (ở ong mật). Mỗi ÔM có một lớp tế bào, chủ yếu để thải axit uric được hình thành trong quá trình trao đổi chất vào ruột sau, đổ ra ngoài theo phân. Ở nhiều loài côn trùng cánh gân (chuồn chuồn…), ÔM còn có chức năng phụ là tiết tơ.

ỐNG MẬT. ống dẫn dịch mật từ gan đổ vào tá tràng ở động vật có xương sống (x. Túi mật).

ỐNG NGHE. một bộ phận của điện thoại, có tác dụng biến đổi dao động điện thành dao động âm. ÔN gồm có nam châm điện và màng rung. Dưới tác động của dao động điện, màng dao động và phát ra âm.

ỐNG NGHIỆM. ống thuỷ tinh trong suốt, đáy tròn, dùng để thử nghiệm các phản ứng hoá học. Tuỳ theo yêu cầu thử nghiệm, có các ÔN với nhiều kiểu, cỡ và hình dáng khác nhau: thẳng, cong, có nhánh, có nút, chia độ, chịu nhiệt,

ỐNG NỘI SOI. dụng cụ quang học, hình ống, luồn vào trong khoang của một tạng rộng (khí quản, xoang mặt, thực quản, dạ dày, trực tràng, bàng quang, ổ bụng, vvv) cho phép quan sát tình trạng của tạng (vết loét, khối u, ngoại vật), cắt polyp, loại bỏ một số tổn thương khác, Gồm một ống có nguồn sáng nóng hoặc lạnh và có thể có một nhánh bên để luồn ống sông hút dịch, kẹp gắp ngoại vật, kim làm sinh thiết. ÔNS có loại cứng bằng kim loại (ống soi cứng), có loại mềm bằng các sợi thuỷ tinh (ống soi mềm).
Ngày nay, ÔNS được dùng để tiến hành phẫu thuật trong nhiều chuyên khoa. Vd. Khoa tiết niệu làm phẫu thuật nội soi ổ bụng sử dụng ÔNS và các dụng cụ chuyên biệt đưa vào ổ bụng qua đường rạch nhỏ một vài centimét, phẫu thuật viên nhìn mành ảnh truyền hình để thao tác; khoa tai, mũi, họng phát triển “phẫu thuật chức năng xoang mặt” sử dụng các ÔNS (còn gọi là ống soi xa), các dụng cụ vi phẫu và truyền hình.

ỐNG SINH TINH. búi các ống nhỏ cuộn khúc nằm trong tinh hoàn của động vật có xương sống, có chức năng sinh ra tinh trùng.

ỐNG THẦN KINH. yếu tố hình thành đầu tiên của tuỷ sống và não ở động vật có xương sống. Được hình thành do tấm thần kinh cuộn lại và lõm vào thành một ống. ÔTK thường mở ra ngoài ở phía trước bằng lỗ xoang thần kinh. Phía sau ống có thể thông với ruột nguyên thuỷ qua ống ruột thần kinh cho đến khi hình thành đuôi. ÔTK có nguồn gốc từ ngoại bì thần kinh.

ỐNG THẬN. ống dài hẹp tạo thành một phần đơn vị bài tiết của thận động vật có xương sống, để tái thu chọn lọc các chất có lợi. Phần nước lọc rồi bao Bâumân qua các cuộn mạch (hoặc tiểu cầu); ở đây một phần glucozơ, axit amin, một phần nước được hấp thu lại. Sau đó nước lọc đi qua ống lượn, qua quai Henlê – nơi chủ yếu hấp thụ lại nước, rồi qua phần hai ống lượn là nơi hấp thu lại muối, nước. Cuối cùng, chất lỏng còn lại đi vào ống thu nước tiểu chảy vào bể thận. Ở một số động như lưỡng cư, quai Henlê nhỏ hoặc không có ống lượn, vì thế không có khả năng tạo nước tiểu đậm đặc.

ỐNG TIÊU HOÁ.x hệ tiêu hoá

ỐNG TINH một cập ống dẫn chính ở động vật, để dẫn tinh từ tinh hoàn ra ngoài và mở vào niệu đạo ngay sát bàng quang. Ở động vật có vú đực, ÔT bắt đầu từ mào tinh hoàn.

ƠSTROGEN. Hocmon sinh dục cái thuộc loại C18 (vòng A là một nhân thơm) được chế tiết chủ yếu từ tế bào lớp vỏ (ảo) trong của nang trứng, từ một tế bào thể vàng, hoặc từ nhau thai (từ tuần chửa thứ 10 của phụ nữ và bài tiết vào nước tiểu). Một lượng nhỏ Ơ được chế tiết từ vỏ thượng thận và từ dịch hoàn (tế bào Sectoli). Một lượng nhỏ testosteron trong máu cũng được chuyển hoá thành Ơ. Trong 8 chất có mang tính Ơ (phát hiện ở động vật và thực vật), có 3 chất chủ yếu: estron (E 1), ostraction (E 2) và ơstradion (E 2) và ơstrion (E 3), E 2 có tác dụng mạnh nhất (lưu thông trong máu), E 3 yếu nhất (đào thải vào nước tiểu). Ở con cái: Ơ làm nang trứng phát triển. Ơ kết hợp với progesteron làm biến đổi đường sinh dục theo chu kì như tăng trưởng nội mạc dạ con, cổ tử cung, gây sừng hoá tế bào âm đạo, kích thích nội mạc dạ con, bài tiết niêm dịch và glycogen, làm niêm dịch lỏng và kiềm tính hơn (thuận lợi cho tinhtrung di chuyển), hình thành các đặc tính sinh dục thứ cấp, đẩy mạnh chuyển hoá và tăng đồng hoá protein, phát triển tuyến vú, tăng tích luỹ mỡ dưới da, kích thích phát triển hệ cơ xương, giữ nước và muối trước kì kinh nguyệt. Ở con đực. Ơ có tác dụng tăng sinh, làm phát triển tuyến tiền liệt túi tinh, ống dẫn tinh. Ơ được sử dụng riêng hoặc phối hợp với progesteron để ức chế rụng trứng (thuốc tránh thai bằng steroit tổng hợp). Dùng điều trị chứng “bốc hoả” của phụ nữ mạn kinh. Nhưng vì Ơ có thể tác dụng làm cho nội mạc dạ con phát triển quá mức, để dẫn đến ung thư nên cần thận trong khi sử dụng.