Vitamin A

1032

A.  NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ VITAMIN A


I. VAI TRÒ CỦA VITAMIN A TRONG CƠ THỂ

Vitamin A là một vi chất dinh dưỡng quan trọng, tham gia vào nhiều chức phận trong cơ thể:

  • Vai trò tăng trưởng: Vitamin A có vai trò trong quá trình tăng trưởng, giúp cho trẻ phát triển bình thường.
  • Chức năng thị giác: Vitamin A tham gia vào chức năng nhìn của mắt trong điều kiện ánh sáng yếu. Biểu hiện của nó được gọi là “Quáng gà”, đây là dấu hiệu sớm của thiếu vitamin A.
  • Bảo vệ biểu mô: Vitamin A cần thiết cho sự bảo vệ toàn vẹn của biểu mô: giác mạc mắt, các tổ chức biểu mô dưới da, khí quản, các tuyến nước bọt, ruột non, tinh hoàn… Vì vậy khi thiếu vitamin A sẽ xuất hiện khô da, sừng hóa và các tổn thương ở mắt được gọi là “Khô mắt”.
  • Miễn dịch cơ thể: Vitamin A tham gia vào quá trình đáp ứng miễn dịch cơ thể, làm tăng khả năng đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật.

II. THIẾU VITAMIN A GÂY HẬU QUẢ GÌ ?

–         Thiếu vitamin A làm trẻ em chậm lớn, nhất là ở những trẻ nhỏ.

–         Thiếu vitamin A làm giảm sức đề kháng cơ thể đối với bệnh tật, trẻ dễ bị nhiễm trùng nhiễm khuẩn nặng, đặc biệt là các nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường tiêu hóa và sởi. Nhiễm trùng vitamin A là một vòng luẩn quẩn bệnh lý dẫn tới nguy cơ tử vong cao.

–         Ở mức độ thiếu vitamin A nặng sẽ gây nên các tổn thương ở mắt, gọi là bệnh “Khô mắt”, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả mù vĩnh viễn.

III. ĐỘ TUỔI NÀO DỄ BỊ THIẾU VITAMIN A?

Trẻ em dưới 3 tuổi dễ bị thiếu vitamin A, vì ở độ tuổi này trẻ đang lớn nhanh, cần nhiều vitamin A. Bên cạnh đó, ở độ tuổi này trẻ thường gặp phải nhiều yếu tố nguy cơ gây thiếu vitamin A: ở giai đoạn còn bú, do không được bú mẹ hoặc lượng vitamin A trong sữa mẹ thấp (chế độ dinh dưỡng của mẹ kém), đến thời kỳ cai sữa, do sự thay đổi chế độ nuôi dưỡng và hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn.

IV. NGUYÊN NHÂN CHÍNH GÂY THIẾU VITAMIN A

Có 3 nguyên nhân chính gây thiếu vitamin A là:

1. Khẩu phần ăn bị thiếu hụt vitamin A: Cơ thể không tự tổng hợp được vitamin A mà phải do thức ăn cung cấp, vì vậy nguyên nhân chính của thiếu vitamin A là do ăn uống các loại thức ăn nghèo vitamin A và Caroten. Bữa ăn thiếu dầu mỡ cũng làm giảm hấp thu vitamin A (vì vitamin A tan trong dầu). Ở trẻ nhỏ đang bú thì nguồn vitamin A là sữa mẹ, trong thời kỳ cho con bú nếu bữa ăn của mẹ thiếu vitamin A sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con. Thiếu vitamin A thường hay xảy ra trong giai đoạn cho ăn bổ sung vì vậy khi cho trẻ ăn bổ sung cần chú ý chọn các loại thực phẩm giàu vitamin A.

2. Các bệnh nhiễm khuẩn đặc biệt là sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp làm tăng nhu cầu vitamin A gây nguy cơ thiếu vitamin A. Nhiễm giun, nhất là giun đũa cũng là yếu tố góp phần làm thiếu vitamin A.

3. Suy dinh dưỡng nặng thường kèm theo thiếu vitamin A vì thiếu đạm để chuyển hóa và vận chuyển vitamin A. Ngoài ra, thiếu một số vi chất khác như kẽm cũng ảnh hưởng tới chuyển hóa vitamin A.

V. NHỮNG GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG THIẾU VITAMIN A

Có 3 giải pháp chính để giải quyết vấn đề thiếu vitamin A:

1. Bổ sung vitamin A: Cho các đối tượng nguy cơ uống vitamin A liều cao định kỳ đề phòng thiếu vitamin A. Đây là cách giải quyết nhanh tình trạng khô mắt gây nên hậu quả mù ở trẻ, nhưng đây không phải là giải pháp cơ bản.

2. Tăng cường vitamin A vào thực phẩm: Đưa vitamin A vào một số thực phẩm thông dụng như đường, sữa, dầu ăn… Đây là giải pháp chuyển tiếp và mang lại hiệu quả cao vì tới được phần lớn các đối tượng trong vùng nguy cơ.

3. Cải thiện bữa ăn: Bảo đảm ăn uống đủ chất dinh dưỡng và vitamin A. Chú trọng phát triển các sản xuất tạo nguồn thực phẩm giàu đạm, mỡ và vitamin A cho bữa ăn hàng ngày. Đây là giải pháp cơ bản và lâu dài để giải quyết vấn đề thiếu vitamin A.
Ngoài ra cần phải bảo đảm sức khỏe chung cho trẻ, giữ gìn vệ sinh và tiêm chủng đầy đủ đề phòng các viêm nhiễm và ký sinh trùng đường ruột.
Trong điều kiện hiện nay ở nước ta thì bổ sung vitamin A vẫn là giải pháp chính khi mà các giải pháp khác chưa thể bảo đảm phòng chống thiếu vitamin A.

B. THỰC HIỆN BỔ SUNG VITAMIN A LIỀU CAO DỰ PHÒNG

Mỗi liều vitamin A dự phòng có thể bảo vệ cho trẻ không bị thiếu vitamin A trong vòng 4-6 tháng, vì vậy mỗi năm chương trình phòng chống thiếu vitamin A sẽ tổ chức hai đợt uống vitamin A cho trẻ 6-36 tháng tuổi. Đồng thời thực hiện cấp phát thường xuyên cho bà mẹ sau đẻ và trẻ dưới 5 tuổi bị mắc các bệnh có nguy cơ thiếu vitamin A.

1. Đối tượng và liều uống (loại viên nang vitamin A 200.000 đơn vị quốc tế)

  • Uống theo đợt chiến dịch, mỗi năm hai đợt cho trẻ 6-36 tháng tuổi:

+ Từ 6-12 tháng tuổi: uống nửa viên/6 tháng uống một lần
+ Từ 13-36 tháng tuổi: uống 1 viên/6 tháng uống một lần

  • Uống thường xuyên không theo chiến dịch và chỉ uống một lần:

+ Bà mẹ sau khi sinh con: uống 1 viên
+ Trẻ dưới 5 tuổi bị mắc các bệnh có nguy cơ thiếu vitamin A (Sởi, tiêu chảy kéo dài, viêm hô hấp cấp, suy dinh dưỡng nặng): Dưới 1 tuổi uống nửa viên. Trên 1 tuổi uống 1 viên.
+ Trẻ dưới 6 tháng tuổi không được bú mẹ cho uống 50.000 đơn vị (khoảng 2 giọt)

2. Thống kê lập danh sách trẻ 6-36 tháng tuổi:
Để thuận tiện cho việc lập danh sách số trẻ 6-36 tháng tuổi trước mỗi đợt uống vitamin A, chương trình thống nhất như sau:

+ Đợt I (tháng 6): Trẻ sinh từ ngày 15/5 cách đây 3 năm đến ngày 15/12 năm vừa qua.
+ Đợt II (tháng 12): Trẻ sinh từ ngày 15/11 cách đây 3 năm đến ngày 15/6 năm nay.

Đợt I của năm 2004: Trẻ sinh từ 15/05/2001 – 15/12/2003
Đợt II của năm 2004: Trẻ sinh từ 15/11/2001 – 15/06/2004

Chú ý: Trong trường hợp không tổ chức uống vitamin A đúng thời gian qui định thì điều chỉnh xê dịch ngày theo nguyên tắc trên.

3. Cách cho trẻ uống vitamin A:

  • Đối với trẻ dưới 2 tuổi: Giữ viên nang bằng ngón trỏ và ngón cái, dùng kéo cắt đầu núm của viên nang rồi bóp dịch vitamin A vào miệng trẻ. Xong cho trẻ uống một thìa nước tráng miệng.
  • Đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên: Cho trẻ nhai hoặc nuốt viên nang rồi cho uống nước.

Lưu ý:

– Mỗi viên nang chứa khoảng 6-8 giọt dịch vitamin A, nếu cắt sát đầu núm thì bóp ra được khoảng 8 giọt, nếu cắt ở giữa đầu núm được khoảng 6 giọt.

– Với loại viên nang 200.000đ.v thì trẻ dưới 1 tuổi chỉ uống nửa viên (3-4 giọt), cần xếp cho hai trẻ cùng uống chung một viên, trường hợp một trẻ đã uống nửa viên mà chưa có trẻ uống tiếp thì có thể cho bà mẹ uống nửa còn lại để tránh lãng phí.

– Nếu trẻ khóc nhổ thuốc ra, có thể cho uống bù tùy theo lượng thuốc trẻ nhổ ra nhưng chú ý không cho quá liều.

– Cần bảo đảm vệ sinh thìa cốc khi cho trẻ uống nước tráng miệng để tránh các bệnh lấy nhiễm qua đường miệng. Nếu nơi nào không có điều kiện bảo đảm vệ sinh (rửa, tráng nước sôi) thì không nhất thiết cho trẻ uống nước tráng miệng tại chỗ mà nên để trẻ về uống tại nhà.

4. Tổ chức uống vitamin A:

  • Đối với trẻ em 6-36 tháng tuổi được uống 2 đợt mỗi năm (theo chiến dịch): đợt I vào tháng 6 (Ngày vi chất dinh dưỡng), đợt II vào tháng 12. Tuy nhiên, ở những vùng khó khăn, có thể cho tổ chức sớm hơn để có thêm thời gian, bảo đảm tỷ lệ bao phủ cao, đồng thời bảo đảm thời hạn báo cáo chung của chương trình.
  • Đối với bà mẹ sau đẻ được uống ngay sau khi sinh con, chậm nhất cũng chỉ uống trong vòng một tháng sau khi sinh con, quy định như vậy là để tránh các trường hợp đẻ dày, bà mẹ lại có thai tiếp ngay sau khi sinh (Bà mẹ đang mang thai không được dùng vitamin A liều cao).
    Cho bà mẹ sau đẻ uống vitamin A để bảo đảm đủ vitamin A qua sữa cho con trong 6 tháng đầu (mẹ uống thay con). Cấp vitamin A cho bà mẹ sau đẻ cần được thực hiện thường xuyên quanh năm, những bà mẹ nào sinh con vào dịp các đợt chiến dịch thì cho uống kết hợp vào các đợt này. Bà mẹ nào đẻ ở trạm y tế thì cho uống vitamin A ngay sau khi sinh, bà mẹ nào đẻ ở nơi khác thì trạm y tế xã phường phải quản lý và cho uống vitamin A, có thể kết hợp cho các bà mẹ này uống vitamin A vào dịp tiêm chủng mũi đầu tiên của đứa con (tháng đầu tiên sau khi sinh).
  • Đối với trẻ nguy cơ (trẻ dưới 6 tháng không được bú mẹ và tất cả trẻ dưới 5 tuổi bị mắc các bệnh có nguy cơ thiếu vitamin A): Thực hiện cấp thường xuyên quanh năm tại trạm y tế và các cơ sở khám chữa bệnh. Khi cấp phát cho đối tượng này cần chú ý xem trước đó trẻ đã được uống vitamin A theo đợt chiến dịch chưa, nếu đã uống thì uống được bao lâu?

–         Nếu là bệnh Sởi thì bất kể đã uống từ khi nào vẫn cần cho uống tiếp một liều.

–         Nếu là các bệnh khác (tiêu chảy, viêm đường hô hấp cấp, suy dinh dưỡng nặng) thì chỉ nên cho uống tiếp nếu thời gian uống từ lần trước đã được nửa tháng.

Cần lưu ý: Ở những nơi có triển khai phân phối cả viên Sắt phòng chống thiếu máu thì các bà mẹ sau đẻ trong vòng 1 tháng được uống cả vitamin A liều cao và viên Sắt, còn phụ nữ đang mang thai chỉ được uống viên Sắt.

5. Đảm bảo an toàn khi dùng viên nang vitamin A liều cao:
Trên thế giới đang phổ biến 2 loại viên nang liều cao: Viên nang màu Đỏ (200.000 đơn vị) và viên màu Xanh (100.000 đơn vị). Viên nang vitamin A mà chương trình đang dùng hiện nay do UNICEF cung cấp, được nhập từ bên ngoài và được kiểm tra chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Vitamin A không hề gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm. Nếu gặp các phản ứng phụ như buồn nôn, đau đầu, khó chịu thì các phản ứng này cũng sẽ tự hết trong vòng 24 giờ và không gây ảnh hưởng gì.

Cần biết rõ hạn dùng của viên nang vitamin A: Hạn sử dụng trên vỏ lọ vitamin A được ghi bằng tiếng nước ngoài (tháng ghi bằng tiếng Anh), vì vậy trước khi dùng cần phải biết chính xác hạn sử dụng.

Trường hợp nếu dùng vỏ lọ cũ để đựng viên nang mới thì phải ghi lại hạn dùng lên vỏ lọ. Trước mỗi lần cho uống phải kiểm tra lại hạn dùng. Không được dùng viên nang đã quá hạn sử dụng hoặc đã bị hỏng, mốc.

Ghi nhớ: Không dùng quá liều quy định, không cho các bà mẹ đang mang thai uống vitamin A liều cao.

6. Bảo quản viên nang vitamin A:
Bảo quản viên nang nơi thoáng mát khô ráo, nhiệt độ bảo quản tốt nhất là từ 50Cđến 200C, tránh ánh sáng. Luôn giữ kín nắp lọ khi không dùng đến. Trong thời gian bảo quản cần kiểm tra định kỳ, nếu phát hiện có lô thuốc nào bị hỏng, mốc hoặc quá hạn sử dụng thì làm thủ tục hủy theo qui định.

7. Dự trù, cấp phát viên nang vitamin A:

Chương trình vitamin A trung ương thực hiện cấp phát vitamin A cho các tỉnh vào trước mỗi đợt chiến dịch. Ban chỉ đạo chương trình của tỉnh triển khai phân phối cho các xã số lượng viên nang theo kế hoạch để triển khai chiến dịch (trẻ 6-36 tháng) và cấp phát thường xuyên cho các đối tượng nguy cơ.

Để thực hiện cấp phát được thường xuyên vitamin A cho bà mẹ sau đẻ và trẻ bị các bệnh có nguy cơ thiếu vitamin A, cần bảo đảm luôn có sẵn một lượng viên nang vitamin A tại các trạm y tế xã phường. Sau mỗi đợt chiến dịch, số viên nang dùng cấp thường xuyên sẽ được bảo quản tại Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và hàng tháng cấp xuống cho các xã cùng với đợt cấp Vacxin tiêm chủng mở rộng.

Dự trù viên nang vitamin A (Loại viên 200.000 đơn vị/viên nang):

1. Số viên nang cho trẻ 6-36 tháng = Số trẻ 6-36 tháng tuổi.

2. viên nang cho bà mẹ sau đẻ = Số trẻ 0-6 tháng tuổi.

3. Số viên nang cho trẻ < 5 tuổi mắc các bệnh có nguy cơ thiếu vitamin A: = khoảng 20% số trên.

Như vậy tổng số viên nang dự trù cho một đợt 6 tháng sẽ là:

= (Số trẻ 0- 36 tháng) x 1,2

Lưu ý khi phát kho: Khi phát cho cần phân loại các lô vitamin A theo các hạn dùng khác nhau, thực hiện phân phối đều các lô cho các đơn vị, tránh tình trạng có nơi nhận toàn loại gần hết hạn, còn nơi khác nhận toàn loại còn hạn dùng xa.

8. Theo dõi, báo cáo:

  • “ Phiếu theo dõi uống vitamin A tại xã phường” dùng ghi chép đối tượng trẻ 6-36 tháng trong các đợt chiến dịch uống vitamin A. Phiếu này thay cho sổ theo dõi uống vitamin A trước đây, nó thuận tiện cho việc lập danh sách và phát vitamin A tại các điểm uống. Khi kết thúc, trạm y tế xã thu các phiếu này và tổng hợp làm báo cáo theo mẫu của chương trình.
  • Theo dõi cấp phát thường xuyên cho bà mẹ sau đẻ và trẻ mắc các bệnh nguy cơ: Để không phát sinh thêm nhiều sổ sách tại trạm y tế xã, chương trình không in thêm hai loại sổ này mà thống nhất như sau:

+ Bà mẹ sau đẻ được uống vitamin A: Ghi cùng vào sổ theo dõi đẻ.

+ Trẻ nguy cơ được uống vitamin A: Ghi cùng vào sổ khám chữa bệnh.

  • Báo cáo định kỳ 6 tháng một lần sau mỗi đợt uống vitamin A (tháng 6 và tháng 12), từng cấp tổng hợp số liệu và gửi báo cáo theo mẫu lên tuyến trên (có bản lưu lại từng cấp).

9. Giám sát khô mắt ở cộng đồng:
Các trạm y tế xã phường cần thường xuyên theo dõi phát hiện kịp thời các trường hợp khô mắt. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ có trẻ bị khô mắt (từ mức độ quáng gà đến khô loét giác mạc) cần cho uống ngay một liều vitamin A (trẻ dưới 12 tháng: uống 100.000 đơn vị; trẻ trên 12 tháng tuổi: uống 200.000 đơn vị) và chuyển ngay đến Khoa Nhi bệnh viện huyện để xác định và điều trị.

C. PHÁT HIỆN KHÔ MẮT DO THIẾU VITAMIN A

Để phát hiện Khô mắt do thiếu vitamin A người ta dựa vào các biểu hiện lâm sàng được Tổ chức y tế thế giới phân loại như sau:

  1. Quáng gà (ký hiệu là XN): Là hiện tượng giảm thị lực trong điều kiện thiếu ánh sáng. Đây là biểu hiện sớm nhất của bệnh khô mắt do thiếu vitamin A, phát hiện bệnh thông qua các biểu hiện: vào lúc chập choạng tối, đứa trẻ trở nên nhút nhát, chỉ ngồi yên tại chỗ, không dám đi lại hoặc chạy đùa theo bạn. Trẻ lớn thường phải lần tường khi đi lại và hay va vấp vào những đồ vật trên lối đi, hay bị vấp ngã. Trẻ không biết tìm nhặt đồ chơi và không cầm đúng thức ăn khi mẹ đưa cho. Cần phân biệt với một số ít trường hợp quáng gà do bệnh nhãn khoa chứ không do thiếu vitamin A (chẩn đoán phân biệt bằng điều trị thử vitamin A). Quáng gà do thiếu vitamin A khi được điều trị bằng vitamin A liều cao sẽ khỏi nhanh chóng sau 2-3 ngày.
  2. Vệt Bitô (ký hiệu X1B): Là những vệt trắng bóng trên màng tiếp hợp mắt (còn gọi là kết mạc hay lòng trắng), thường có hình tam giác như đám bọt xà phòng, hay gặp ở sát rìa giác mạc ở vị trí 3 giờ hoặc 9 giờ, có thể thấy ở cả hai mắt. Vệt Bitô chính là những đám tế bào biểu mô kết mạc bị khô, dày lên, sừng hóa và bong vảy. Vệt Bitô là triệu chứng đặc biệt của tổn thương kết mạc do thiếu vitamin A.
  3. Khô giác mạc (ký hiệu là X2): Giác mạc (lòng đen) trở nên mất độ bóng sáng, mờ đục như làn sương phủ, có thể sần sùi. Khô giác mạc hay xảy ra ở nửa dưới giác mạc. Thường khô giác mạc hay kèm theo khô kết mạc, có khi kèm vệt Bitô. Biểu hiện quan trọng nhất là trẻ sợ ánh sáng, hay cụp mắt nhìn xuống, ra sáng thường nhắm mắt. Ở giai đoạn này nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể hồi phục hoàn toàn không để lại di chứng.
  4. Loét nhuyễn giác mạc (ký hiệu là X3A và X3B): Loét giác mạc là sự mất tổ chức một phần hay tất cá các lớp của giác mạc. Khi loét giác mạc được phát hiện và điều trị kịp thời thì vết loét sẽ liền nhanh, sẹo để lại nhỏ và mỏng, thị lực bị giảm ít. Nếu để loét giác mạc sâu và rộng sẽ bị mù vĩnh viễn.
  5. Sẹo giác mạc do khô mắt (ký hiệu là XS): Là di chứng sau khi bị loét giác mạc, tùy theo vị trí và mức độ sẹo (sẹo lồi, sẹo dúm) sẽ ảnh hưởng đến thị lực hoặc mù hoàn toàn.
  6. Tổn thương đáy mắt do khô mắt (ký hiệu là XF): Là tổn thương của võng mạc do thiếu vitamin A, biểu hiện tình trạng thiếu vitamin A mạn tính. Tổn thương thường gặp ở trẻ tuổi đi học, có thể kèm theo quáng gà. Phát hiện bằng soi đáy mắt, cho thấy hình ảnh các chấm nhỏ màu trắng hoặc vàng nhạt rải rác, dọc theo các mạch máu võng mạc. Điều trị bằng vitamin A sẽ hồi phục nhanh chóng.

Chú ý: Khi phát hiện trẻ bị khô mắt cần điều trị ngay theo phác đồ như sau:

  • Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên:

+ Ngay lập tức: cho uống 200.000 đơn vị quốc tế vitamin A.
+ Ngày hôm sau: uống tiếp 200.000 đơn vị quốc tế vitamin A.

+ Một tuần sau: uống nốt 200.000 đơn vị quốc tế vitamin A.

Với trẻ dưới 12 tháng tuổi cho uống bằng nửa liều trên (mỗi lần 100.000 đơn vị quốc tế vitamin A).