Bệnh Động mạch Ngoại biên là gì?

856
Bệnh về mạch máu ngoại biên (PVD) thuộc các bệnh về mạch máu bên ngoài tim và não. Đó thường là chỗ hẹp của các mạch máu dẫn máu đến chân, tay, dạ dày hoặc thận.

Có hai loại rối loạn tuần hoàn:
• Các bệnh về mạch máu ngoại biên chức năng không có nguyên nhân từ nội tạng. Điều đó có nghĩa là chúng không can dự vào các khiếm khuyết trong cấu trúc của mạch máu. (Các mạch máu không bị tổn thương bằng cách nào đó.) Những bệnh này thường có các triệu chứng liên quan đến “spasm” (co cứng), triệu chứng này có thể trở đi trở lại.
Bệnh Raynaud là một ví dụ. Trong bệnh Raynaud, tuần hoàn bị hạn chế có thể gây ra bởi nhiệt độ lạnh, chứng trầm cảm, làm việc với máy móc rung động hay hút thuốc lá.
• Các bệnh về mạch máu ngoại biên liên quan đến nội tạng bị gây ra do những thay đổi về cấu trúc trong mạch máu. Các ví dụ có thể bao gồm sưng viêm và tổn thương mô.
Bệnh động mạch ngoại biên (PAD) là một dạng của bệnh mạch máu ngoại biên (PVD) liên quan đến nội tạng. Bệnh này gây nên bởi các chất béo tích tụ (bệnh xơ cứng động mạch) bên trong thành động mạch, những chất béo tích tụ này làm nghẽn dòng chảy bình thường của máu.

Bệnh động mạch ngoại biên có nguy hiểm không?

Có. PAD là một bệnh tương tự như bệnh động mạch vành và bệnh động mạch cảnh. (Bệnh động mạch vành là tên để chỉ các chất béo tích tụ trong động mạch cung cấp máu và chất dinh dưỡng cho cơ tim. Bệnh động mạch cảnh là tên để chỉ các chất béo tích tụ trong động mạch cổ đưa máu lên não.)

Với bệnh PAD, chất béo tích tụ ở bên trong thành động mạch. Những chỗ tắc này ngăn cản tuần hoàn máu, chủ yếu là trong các động mạch dẫn đến thận, dạ dày, cánh tay, chân và bàn chân. Nếu không được điều trị, PAD có thể dẫn tới hoại thư và khiến phải cắt bỏ chi. Những người mắc PAD thường có các chất béo tích tụ trong các động mạch tim và não, nhưng PAD có thể là dấu hiệu đầu tiên của họ. Phần lớn bệnh nhân bị PAD có nguy cơ tử vong cao hơn do đột quỵ và đau tim. Nếu cục máu hình thành và làm nghẽn một động mạch về tim vốn đã hẹp, thì cơn đau tim sẽ xảy ra. Đột quỵ sẽ xảy ra nếu cục máu làm nghẽn động mạch lên não.

Triệu chứng là gì?

Trong các giai đoạn đầu của bệnh, triệu chứng thông thường của sự tuần hoàn ở cẳng chân bị suy yếu là chuột rút, mệt, nặng nề, đau hay khó chịu ở cẳng chân và mông khi hoạt động. Triệu chứng này thường giảm bớt khi ngưng hoạt động. Đây được gọi là “chứng khập khiễng cách hồi”. Các triệu chứng của sự tuần hoàn ở thận bị suy yếu bao gồm huyết áp tăng đột ngột hay huyết áp khó hoặc không thể kiểm soát được bằng thuốc. Các động mạch ở thận bị tắc nghiêm trọng có thể dẫn đến mất hay suy yếu chức năng thận.

Bệnh động mạch ngoại biên được chẩn đoán bằng cách nào?

Chẩn đoán PAD bắt đầu bằng bệnh sử và khám thể chất. Trong khi khám, bác sĩ có thể làm một xét nghiệm đơn giản gọi là ABI (chỉ số mắt cá chân – cánh tay). Sau đó, có thể làm các xét nghiệm khác. Bao gồm:
• Chụp doppler và chụp ảnh siêu âm duplex
• chụp ảnh cộng hưởng từ (MRA)
• chụp CT tim
• chụp X-quang mạch máu thông thường (căn cứ trên ống thông)

Bệnh động mạch ngoại biên được điều trị ra sao?

Phần lớn những người bị PAD có thể điều trị bằng cách thay đổi lối sống, dùng thuốc hoặc cả hai. Những thay đổi về lối sống để giảm nguy cơ gồm có:
• ngưng hút thuốc lá (so với những người không hút thuốc lá thì những người hút thuốc lá có nhiều khả năng bị PAD hơn từ 2 đến 25 lần và có các triệu chứng của PAD sớm hơn 10 năm.)
• kiểm soát bệnh tiểu đường
• kiểm soát huyết áp
• năng hoạt động thể chất (gồm một chương trình thể dục được giám sát)
• ăn chế độ ăn ít chất béo bão hòa, ít cholesterol

PAD có thể cần điều trị bằng thuốc, bao gồm:
• các thuốc giúp tăng khả năng đi bộ
• các chất chống ngưng tập tiểu cầu để giữ cho tiểu cầu không dính lại với nhau và gây nên cục máu.
• các thuốc giảm cholesterol (statins)

Các thay đổi về lối sống (kể cả chương trình tập luyện) thường cải thiện được các triệu chứng hay giữ cho các triệu chứng không bị tồi tệ thêm. Với một số ít bệnh nhân, chỉ những thay đổi trong lối sống là không đủ. Sau đó, có thể cần đến kỹ thuật nong động mạch hay phẫu thuật.

Kỹ thuật nong động mạch là một quy trình không phẫu thuật được dùng để mở rộng các động mạch bị hẹp hoặc nghẽn tắc. Một ống mỏng gọi là ống thông với một đầu có bong bóng chưa bơm được đẩy vào đoạn động mạch hẹp. Sau đó quả bóng được bơm căng lên, Điều này khai thông các đoạn động mạch bị hẹp. Sau đó làm xẹp bóng và rút ống thông ra.
Đôi khi một ống đỡ động mạch – một cái ống dây dạng lưới – được đặt vào trong động mạch bị hẹp bằng một cái ống thông. Lúc đó ống đỡ động mạch nở ra và chỗ nghẽn được mở. Ống đỡ nằm ở điểm đó, giữ cho động mạch bị bệnh luôn mở.

Nếu một đoạn dài của động mạch bị hẹp, có thể phải cần phẫu thuật. Một tĩnh mạch từ một phần khác của cơ thể hay một mạch máu tổng hợp được buộc vào trên hay dưới chỗ bị nghẽn tắc để cho máu đi vòng chung quanh nơi bị nghẽn tắc.

Có thể tìm hiểu sâu hơn bằng cách nào?

1. Hãy nói chuyện với bác sĩ, y tá hoặc chuyên gia y tế của quý vị. Nếu quý vị có bệnh tim hoặc đã từng bị đột quỵ, các thành viên trong gia đình quý vị cũng có thể có nguy cơ cao. Đối với họ, thay đổi ngay bây giờ để giảm nguy cơ là điều rất quan trọng.
2. Gọi đến 1-800-AHA-USA1 (1-800-242-8721), hoặc ghé thăm trang heart.org để tìm hiểu thêm về bệnh tim.
3. Để biết thông tin về đột quỵ, hãy gọi 1-888-4-STROKE (1-888-478-7653) hoặc ghé thăm trang trực tuyến của chúng tôi tại địa chỉ StrokeAssociation.org.

Chúng tôi có nhiều tờ thông tin và sách hướng dẫn giúp quý vị có được những lựa chọn lành mạnh hơn để giảm nhẹ nguy cơ, kiểm soát bệnh tật hoặc chăm sóc cho người thân.

Kiến thức là sức mạnh, Hãy Học và Sống!

Quý vị có câu hỏi hoặc có điều gì đó muốn trao đổi với bác sĩ hoặc y tá?

Hãy dành vài phút viết ra câu hỏi của chính quý vị để mang theo trong lần tiếp theo đến gặp nhà cung cấp dịch vụ y tế. Ví dụ:

Tôi có nên kiểm tra xem có bị PVD không?

Đóng góp của quý vị đối với Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ hỗ trợ cho nghiên cứu giúp cho những ấn phẩm như ấn phẩm này có thể được thực hiện.

Số liệu trong trang này là số liệu cập nhật tại thời điểm phát hành. Để biết số liệu mới nhất, vui lòng xem Thông tin Cập nhật về Bệnh tim và Đột quỵ tại trang www.heart.org/statistics.
©2007, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ 10/07LS1466