Bệnh loét dạ dày tá tràng

782

Đại cương về Bệnh loét dạ dày tá tràng

Loét dạ dày – tá tràng (DD-TT) là một bệnh đã được biết từ thời cổ đại. Bệnh xảy ra ở mọi quốc gia, mọi lứa tuổi. Tỉ lệ bệnh ở các nước là 1 – 3% dân số, và trong suốt một đời người khả năng mắc bệnh loét là 10%. Việc điều trị bệnh loét  DD – TT đã có những thay đổi lớn trong ba thập niên trở lại đây với việc phát triển các thuốc chống loét thế hệ mới từ thập niên 1970 và việc phát hiện và xác định vai trò gây bệnh loét của vi khuẩn Helicobacter Pylori từ thập niên 1980.

I.    Nguyên nhân và các yếu tố gây ra bệnh loét DD – TT là gì?

1.   Quan niệm về sự sinh bệnh loét được hình thành từ những năm đầu của thế kỷ 20. Đó là do sự mất quân bình giữa 2 lực đối kháng tác động lên niêm mạc DD-TT: (1) Lực tấn công làm phá hủy niêm mạc DD-TT mà tiêu biểu là HCl và pepsin của dịch dạ dày và (2) Lực bảo vệ đảm bảo sự nguyên vẹn của thành DD-TT do hàng rào nhày và lớp tế bào niêm mạc DD-TT. Theo quan niệm này, bất cứ một tác nhân nào làm gia tăng lực tấn công hoặc làm giảm lực bảo vệ đều có thể gây bệnh loét DD-TT. Có thể minh họa quan niệm này bằng sơ đồ dưới đây:

 

Giảm Lực Bảo Vệ                                                      Tăng Lực Tấn Công

– Giảm tưới máu                                                           – Vi khuẩn H.Pylori niêm mạc DD-TT                                                                           – Các stress

– Thuốc lá                                                                     – Thuốc AINS , Steroids …

– Bệnh gan mạn tính                                                      – Rượu .

( xơ gan )

Hàng rào nhày

Lớp tế bào niêm mạc

2.   Trong số các tác nhân gây bệnh nêu trên, H. Pylori là nguyên nhân quan trọng nhất. Các thuốc AINS, Steroides có thể gây loét ở người phải điều trị dài ngày với các thuốc này. Các stress về tâm lý thần kinh cũng có thể gây bệnh loét. Thuốc lá làm tăng nguy cơ bị loét, tăng tỉ lệ tái phát và biến chứng của bệnh loét. Rượu cũng tăng tỉ lệ tái phát loét.

 

II.  Triệu chứng của bệnh loét DD-TT như thế nào?

Chỉ khoảng 50% bệnh nhân loét DD-TT là có triệu chứng điển hình, 40 – 45% có triệu chứng mơ hồ, không điển hình, những trường hợp này rất khó chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác của DD-TT như viêm DD-TT, ung thư DD. Có 5 – 10% bệnh nhân loét  hoàn toàn không có triệu chứng (loét câm), hay gặp ở người lớn tuổi.

1.   Cơn đau loét: là triệu chứng điển hình của bệnh loét DD-TT với các đặc điểm (1) Đau thượng vị (vùng trên rốn và dưới mỏm xương ức). (2) Đau có chu kỳ theo bữa ăn và theo mùa.  (3) Đau xuất hiện hoặc tăng khi ăn các thức ăn chua, cay hay khi bị căng thẳng thần kinh và giảm khi uống các thuốc kháng axit hay thuốc băng niêm mạc dạ dày.

 

2.   Các triệu chứng không điển hình như đầy bụng, ợ hơi, ợ chua, chậm tiêu hóa… rất khó phân biệt là do loét hay do một bệnh khác của dạ dày như viêm DD, ung thư DD, hay chứng loạn tiêu hóa không do loét. Trường hợp này phải chụp Xquang hoặc nội soi DD-TT mới chẩn đoán chắc chắn.

3.   Các trường hợp loét câm thường chỉ được chẩn đoán khi xảy ra biến chứng.

 

4.   Bệnh thường hay tái phát. Trước đây, sau khi được chữa lành, có 60 – 80% tái phát trong vòng 2 năm. Từ thập niên 80, khi xác định được vai trò gây bệnh của vi khuẩn H. Pylori, việc điều trị tiệt trừ H. Pylori đã làm giảm tỉ lệ tái phát còn khoảng 10%.

 

III. Các biến chứng của bệnh loét DD-TT là gì?

1.   Xuất huyết tiêu hóa (chảy máu đường tiêu hóa): xuất huyết hay chảy máu thường rầm rộ với ói ra máu, có hoặc không có đi tiêu phân đen. Bệnh nhân cần được nhập viện ngay để điều trị cấp cứu.

 

2.   Thủng DD-TT: xuất hiện cơn đau bụng đột ngột , dữ dội vùng thượng vị như dao đâm, thường có nôn ói và bụng cứng như gỗ. Biến chứng này phải được mổ cấp cứu, nếu không bệnh nhân sẽ tử vong.

 

3.   Hẹp môn vị: lúc đầu ăn chậm tiêu, đầy bụng, nặng bụng, ợ nước chua nhất là về buổi chiều; tiếp theo bệnh nhân bị nôn ói sau ăn  ngày càng thường hơn. Bệnh nhân thường gầy sút do bị nôn ói. Biến chứng này phải được điều trị bằng phẫu thuật.

4.   Hóa ung thư: ngày nay người ta thấy có chứng cứ nhiễm H. Pylori gây viêm loét dạ dày lâu dài có thể dẫn đến ung thư dạ dày.

IV. Làm cách nào để xác định bị bệnh loét DD-TT?

1.   Chẩn đoán xác định loét DD-TT: trước đây khi bệnh nhân có cơn đau loét điển hình, bác sĩ có thể tiến hành điều trị với thuốc chống loét. Trường hợp các triệu chứng không điển hình, phải chụp Xquang hoặc nội soi để xác định bệnh loét và loại trừ các bệnh khác của dạ dày, nhất là ung thư dạ dày. Các triệu chứng giúp nghĩ đến ung thư dạ dày là (1) Sụt cân, chán ăn. (2) Đi cầu phân đen và có các triệu chứng của thiếu máu mạn như xanh xao, mệt mỏi. (3) Đau bụng âm ỉ vùng thượng vị. (4) Người lớn tuổi (> 50 tuổi). (5) Có người thân trong gia đình bị ung thư dạ dày

 

2.   Chẩn đoán nhiễm H. Pylori: hiện nay do cần xác định có nhiễm H. Pylori hay không để quyết định việc điều trị tiệt trừ nên cần làm xét nghiệm chẩn đoán nhiễm H. Pylori cho bệnh nhân. Có nhiều phương pháp chẩn đoán nhiễm H. Pylori như chẩn đoán qua nội soi và các xét nghiệm không phải làm nội soi như test huyết thanh học, test thở urease, kỹ thuật PCR…

V.   Điều trị loét DD-TT như thế nào?

Hiện nay việc điều trị loét DD-TT có thể phân ra hai nhóm chính: nhóm bệnh loét DD-TT do nhiễm H. Pylori và nhóm không do nhiễm H. Pylori. Nhóm sau thường do dùng các thuốc  kháng viêm, thuốc trị đau nhức, do stress, do bệnh gan mạn tính.

1.   Đối với nhóm loét DD-TT do nhiễm H.Pylori, việc điều trị chủ yếu là dùng các phác đồ điều trị tiệt trừ H. Pylori. Các phác đồ 3 thuốc gồm một thuốc chống loét (Bismuth, Ức chế thụ thể H2 của Histamine, Ức chế bơm proton) kết hợp với hai kháng sinh (Tétracycline, Clarythromycine, Amoxicilline, Imidazole). Các phác đồ 4 thuốc gồm 2 thuốc chống loét kết hợp với 2 kháng sinh thường dùng trong trường hợp thất bại với phác đồ 3 thuốc. Các phác đồ điều trị thường có các tác dụng phụ như chua miệng, đắng miệng, nhức đầu, buồn ói và ói. Người bệnh cần cố gắng chịu đựng để uống đủ liều điều trị vì nếu bỏ dỡ điều trị sẽ làm tăng nguy cơ kháng thuốc về sau.

2.   Đối với nhóm loét DD-TT không do nhiễm H. Pylori: việc điều trị gồm (1) Ngưng các thuốc gây loét, (2) Điều trị với các thuốc chống loét. Trường hợp phải điều trị lâu dài các bệnh mạn tính với các thuốc có thể gây loét thì nên điều trị kết hợp với thuốc chống loét. Trường hợp bệnh nhân đã bị loét nếu cần phải điều trị với các thuốc có thể gây loét thì bắt buộc phải điều trị kèm với các thuốc chống loét.

Các thuốc chống loét DD-TT không do nhiễm H. Pylori gồm 3 nhóm: (1) Thuốc kháng axít, (2) Thuốc chống tiết axít và (3) Thuốc bảo vệ niêm mạc.

2.1-Thuốc kháng axít: là những thuốc có khả năng trung hòa axít của dịch dạ dày. Các thuốc kháng axít chủ yếu là các muối aluminium hoặc magnesium (hydroxide, phosphate) hiện nay được sử dụng trong điều trị triệu chứng của bệnh loét như đau bụng, đầy bụng, ợ hơi… Các thuốc thường chỉ có tác dụng khoảng 1 – 2 giờ nên phải dùng nhiều lần trong ngày. Các muối alumium thường gây táo bón; ngược lại, các muối magnesium thường gây tiêu chảy.

2.2- Các thuốc chống tiết axít: gồm các thuốc Ức chế thụ thể H2 và  Ức chế bơm proton làm giảm tiết axít của tế bào thành.

2.3- Các thuốc bảo vệ niêm mạc  gồm:

·      Bismuth dạng keo: có tác dụng che phủ ổ loét để bảo vệ ổ loét chống lại axít và pepsine của dịch vị.

·      Sucralfate: là một hỗn hợp sucrose sulfate và aluminium hydroxide, ở môi trường axít, hỗn hợp này tạo thành dạng gel che phủ ổ loét.

·      Prostaglandine: ức chế tiết axít đồng thời có tác dụng bảo vệ niêm mạc DD-TT qua cơ chế kích thích tái tạo niêm mạc và tăng tiết nhày.

3.   Điều trị hỗ trợ: bên cạnh việc điều trị tiệt trừ H. Pylori hoặc điều trị thuốc chống loét bệnh nhân cần kiêng cữ các thức ăn chua cay, nhiều mỡ béo và phải ngưng hút thuốc lá, ngưng uống bia, rượu. Tránh bớt các nguyên nhân gây căng thẳng thần kinh.

Kết Luận:

1. Bệnh có thể điều trị dứt, không tái phát và không gây biến chứng nguy hiểm nếu được phát hiện kịp thời và được điều trị đúng cách.

2. Nguyên nhân gây bệnh quan trọng nhất là do nhiễm khuẩn H. Pylori.

3. Các yếu tố thuận lợi phát sinh bệnh loét gồm: thuốc lá, bia rượu, các stress về thần kinh tâm lý, các thuốc kháng viêm, thuốc trị  đau nhức.

4. Việc điều trị bằng thuốc trong bệnh loét DD-TT cần có sự hướng dẫn của thầy thuốc để đảm bảo hiệu quả điều trị và phù hợp với tình trạng bệnh của từng bệnh nhân.

5. Người bệnh không nên tự ý điều trị, hay nghe theo lời mách bảo hoặc sử dụng lại toa thuốc cũ mà không chịu đi tái khám để tránh những hậu quả không tốt có thể xảy ra do không đuợc điều trị đúng cách.

6. Dự phòng bệnh loét: đối với nhiễm khuẩn H. Pylori cần giữ vệ sinh ăn uống; Đối với nguyên nhân khác cần khống chế các yếu tố thuận lợi như kiêng thuốc lá, bia rượu, tránh bớt các stress về thần kinh tâm lý.

7. Người lớn tuổi khi có triệu chứng của bệnh loét nên thăm dò nội soi hoặc chụp Xquang DD-TT để xác minh hoặc loại trừ sớm ung thư dạ dày.

Loét dạ dày tá tràng mạn tính

Bệnh loét dạ dày – tá tràng (LDD – TT) mạn tính đã được biết tới từ khoảng hai nghìn năm nay, bắt đầu từ những phát hiện của Celse và Galien (thế kỷ I) qua các trường hợp tử vong do thủng dạ dày – tá tràng. Cũng từ đó, người ta bắt đầu tìm hiểu nhằm lý giải cho quá trình hình thành ổ loét.

Nguyên nhân gây LDD – TT

Từ trước đến nay, người ta vẫn cho rằng LDD – TT là một bệnh do nhiều nguyên nhân như: các yếu tố về ăn uống (ăn nhiều chất kích thích, gia vị, uống nhiều rượu, bia, cà phê, hút thuốc lá…); các yếu tố về di truyền; yếu tố nhóm máu; các yếu tố về thần kinh tâm lý (như căng thẳng, sợ hãi, lo âu kéo dài, các stress trong cuộc sống…); trào ngược dịch mật tụy vào dạ dày; sử dụng các thuốc chống viêm không steroid kéo dài để điều trị nhiều bệnh khác… Tuy nhiên, các yếu tố nói trên thực ra cũng chỉ là những yếu tố thuận lợi, có thể cùng phối hợp trong quá trình hình thành ổ loét. Tự mỗi yếu tố không thể trực tiếp gây ra những ổ LDD – TT mạn tính như thường gặp và nói chung, không đủ bằng chứng để giải thích cho nguyên, bệnh sinh của bệnh LDD – TT.

Sau những phát hiện của Marshall và Warren vào năm 1983 về mối liên quan rõ rệt của vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) trong bệnh viêm dạ dày mạn tính, ngày nay, người ta đã biết rằng LDD – TT là do hậu quả của sự mất cân bằng tương đối giữa các yếu tố tấn công và các yếu tố bảo vệ, trong đó axít, pepsin là những yếu tố có vai trò quyết định và vi khuẩn HP là yếu tố nguyên nhân quan trọng nhất.

Điều trị LDD – TT

Trước đây, khi chưa phát hiện ra HP và chưa nghiên cứu ra các thuốc ức chế tiết axít một cách có hiệu quả, việc điều trị LDD – TT rất khó khăn. Bệnh thường kéo dài và hay tái phát với nhiều biến chứng nguy hiểm như chảy máu, thủng dạ dày, hẹp môn vị và đặc biệt là ung thư hoá. Vì thế, số bệnh nhân phải điều trị bằng phẫu thuật rất lớn với nhiều hậu quả khá nặng nề sau phẫu thuật. Ngày nay, với sự hiểu biết khá đầy đủ về nguyên nhân, bệnh sinh của LDD, đặc biệt là sự phát hiện ra vi khuẩn HP và sự ra đời của nhiều loại thuốc ức chế tiết axít có hiệu quả đã tạo ra một bước ngoặt trong điều trị bệnh LDD – TT. Hầu hết các bệnh nhân LDD – TT thường được điều trị khỏi chỉ trong vài tuần bằng một phác đồ 3 thuốc: kết hợp một thuốc chống loét với 2 kháng sinh diệt HP có hiệu quả.

Các thuốc chống loét hiện nay gồm: các thuốc ức chế bơm proton (Omeprazole, Lanzoprazole, Pantoprazole, Rabeprazole, Isomeprazole…); các thuốc ức chế thụ thể H2-Histamin (Cimetidine, Ranitidine…); một số thuốc có tác dụng trung hoà dịch vị và che phủ niêm mạc…

Các thuốc kháng sinh thường dùng để diệt HP như: Amoxicillin, Clarythromycin, Tetracyclin, Metronidazole, Tinidazole…. Tuy nhiên, HP là loại vi khuẩn ái khí, việc điều trị diệt trừ tương đối khó khăn. Với các phác đồ chỉ dùng 1 loại kháng sinh, tỷ lệ diệt HP chỉ đạt khoảng 20 – 30%. Nếu phối hợp 2 kháng sinh hoặc 1 thuốc chống loét với 1 kháng sinh, tối đa cũng chỉ diệt được khoảng 50%. Với các phác đồ phối hợp 3 kháng sinh hoặc 1 thuốc ức chế bơm proton mạnh với 2 kháng sinh, có thể diệt HP tới 80 – 90%. Nói chung, hiện nay các phác đồ 3 hoặc 4 thuốc, phối hợp 1 thuốc ức chế bơm proton với 2 hoặc 3 kháng sinh diệt HP có hiệu quả được coi là phác đồ chuẩn trong điều trị bệnh LDD – TT với kết quả liền sẹo và diệt HP rất cao, ít tái phát. Tuy nhiên, HP có khả năng kháng thuốc khá nhanh và mạnh, điều này có liên quan tới sự đa dạng về mặt di truyền và khả năng đột biến của HP. Vì thế, xu hướng hiện nay là điều trị ngắn ngày, ít khi kéo dài. Nếu không diệt được HP thì phải thay kháng sinh, tốt nhất là dựa vào kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh cho phù hợp.

Vì vậy, lời khuyên đối với mọi người là khi thấy có các triệu chứng của LDD – TT (như đã nói ở trên), nên đến các cơ sở chuyên khoa để được khám, nội soi dạ dày – tá tràng và nếu phát hiện có LDD – TT thì nên sinh thiết, xét nghiệm mô bệnh học cẩn thận để loại trừ ung thư và phát hiện HP. Không nên tự ý điều trị vì rất dễ làm cho HP kháng thuốc, việc điều trị sau đó sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Biểu hiện thường gặp khi bị viêm loét dạ dày ?

Triệu chứng toàn thân

– Trong đa số bệnh lý lành tính ở dạ dày, tổng trạng toàn thân ít bị ảnh hưởng, thông thường bệnh nhân có thể có các triệu chứng sau đây:

+ Mệt mõi, uể oãi, khả năng làm việc kém, khả năng tập trung kém

+ Tính tình hay cáu gắt

+ Nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai

+ Ăn không ngon

+ Ợ hơi, ợ chua.

Đặc biệt trong bệnh lý ác tính ở dạ dày, giai đoạn đầu có thể không có triệu chứng gì rõ ràng nhưng về sau bệnh làm cho người bệnh suy sụp nhanh chóng, giảm cân nhanh, thiếu máu nặng.

– Triệu chứng tại ổ bụng: thường bệnh nhân có những triệu chứng sau đây:

+ Đau bụng: thường đau vùng giữa bụng trên rốn (vùng thượng vị), đau có thể xuất hiện lúc đói, lúc no, hoặc không liên quan gì tới bữa ăn, đau âm ĩ hoặc đau xuất hiện thành từng cơn.

+ Buồn nôn, nôn

+ Cảm giác đầy bụng, khó tiêu, sôi bụng, nóng rát vùng thượng vị…

+ Rối loạn tiêu hóa: táo bón hoặc tiêu chảy.

Chẩn đoán bệnh lý dạ dày ?

– Lâm sàng: có những triệu chứng gợi ý như phần trình bày ở trên.

– Nội soi dạ dày: là phương pháp chẩn đoán tối ưu hiện nay đối với các bệnh lý DD-TT. Nội soi dạ dày vừa có thể giúp chẩn đoán chính xác bệnh lý DD-TT, có thể làm xét nghiệm tìm Hp, có thể sinh thiết để chẩn đoán chính xác bệnh lý lành tính hay ác tính, đặc biệt nội soi dạ dày có thể áp dụng để điều trị trong một số trường hợp như chích cầm máu trong xuất huyết tiêu hóa, cắt đốt polyp…

– Chụp dạ dày có cản quang: được chỉ định trong một số trường hợp, đặc biệt ở những bệnh nhân chống chỉ định nội soi dạ dày.

Đau bụng dạ dày khác với đau bụng khác như thế nào ?

Đau bụng do bệnh lý ở dạ dày có trường hợp biểu hiện rõ, chẩn đoán tương đối dễ dàng, thường bệnh nhân có những triệu chứng như:

– Đau vùng bụng trên rốn, đau thường xuất hiện lúc đói hoặc ngay sau ăn nhưng vài trường hợp đau không liên quan gì tới bữa ăn.

– Kèm theo đau bệnh nhân thường hay có cảm giác nặng bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, nóng rát ngay sau xương ức.

Tuy nhiên đa số trường hợp triệu chứng mơ hồ rất khó chẩn đoán phân biệt với những trường hợp đau bụng có vị trí hoặc tính chất gần giống với đau bụng do bệnh lý ở dạ dày, đặc biệt cần chẩn đoán phân biệt với những trường hợp đau bụng đòi hỏi phải được bác sĩ chữa trị & can thiệp kịp thời nếu không sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng như:

– Viêm ruột thừa: thường xảy ra đột ngột, cấp tính, đau ngày càng tăng, lúc đầu có thể đau vùng trên rốn như đau dạ dày, về sau đau khu trú vùng bụng dưới bên phải (gọi là vùng hố chậu phải), thường đi kèm với các triệu chứng sốt, môi khô, lưỡi dơ, nếu không chỉ định phẫu thuật kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho tính mạng.

– Tắc ruột: là tình trạng ruột bị tắc một phần hay hoàn toàn, các chất bị ứ lại trong lòng ruột không thãi ra ngoài được, đau bụng, có những đau bụng có thể tự khỏi, nhưng cũng có những trường hợp đau bụng nếu để chậm trễ không được chỉ định và xử trí kịp thời có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh, vì thế trong mọi trường hợp, chúng ta không nên chủ quan mà cần phải quan tâm đúng mức & đi khám ngay khi có những dấu hiệu nghi ngờ.

Trong nhiều trường hợp việc thăm khám lâm sàng đôi khi chưa đủ, mà đôi khi cần phải kết hợp với các phương tiện cận lâm sàng khác để có chẩn đoán xác định.

Làm cách nào để DD không bị tổn thương khi phải dùng những thuốc ảnh hưởng đến DD.

Một trong những nguyên nhân gây ra bệnh lý ở DD-TT là do sử dụng một vài loại thuốc gây tổn hại cho niêm mạc DD-TT, vì vậy khi sử dụng thuốc phải có sự chỉ dẫn của bác sĩ, trong trường hợp cần thiết phải sử dụng những loại thuốc gây nguy hại cho DD-TT, bác sĩ sẽ có những lời khuyên thích hợp để hạn chế tối đa tác dụng phụ của thuốc.

Các loại thuốc hay gây tổn thương niêm mạc DD-TT thường gặp là: thuốc giảm đau, kháng viêm. Trong một số trường hợp cần thiết phải sử dụng các loại thuốc có ảnh hưởng đến DD chúng ta cần tuân theo những nguyên tắc sau đây:

– Phải có sự chỉ định của bác sĩ, dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn, đúng liều lượng, đúng thời gian, không được tự ý dùng thuốc nếu chưa có ý kiến của BS chuyên khoa.

– Phải báo cho BS biết nếu bạn đã từng bị bệnh lý nào đó về dạ dày tràng.

– Không uống thuốc vào lúc bụng đói, phải uống ngay sau ăn.

– Phải đến khám ngay & cho BS biết những bất thường xảy ra khi sử dụng thuốc.

– Trong một số trường hợp có thể BS sẽ chỉ định dùng thêm thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày kèm theo để bảo vệ dạ dày.

Điều trị Viêm, loét DD thế nào là hiệu quả ?

Để điều trị hiệu quả bệnh lý dạ dày tràng chúng ta cần phải phối hợp tốt ba phương pháp sau đây:

– Chế độ ăn uống:

Không nên ăn quá nhiều chất kích thích, thức ăn quá chua, quá cay, quá nóng

Không nên ăn quá nhiều chất béo

Chế độ ăn phải đầy đủ các chất dinh dưỡng

Không uống rượu, không hút thuốc lá

Không nên ăn quá nhanh, nhai không kỹ.

Ăn đúng bữa, đúng giờ, không ăn quá khuya bữa ăn cuối cùng trước lúc ngủ ít nhất 4 giờ, không ăn quá no hoặc nhịn đói quá lâu.

– Chế độ làm việc, nghĩ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức, căng thẳng lo âu kéo dài, phiền muộn quá đáng.

– Thuốc & các phương pháp điều trị khác

Ngày nay có rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh lý DDTT, tùy theo tình trạng bệnh BS sẽ có sự lựa chọn thuốc thích hợp, cần lưu ý là phải dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của BS vì có thuốc phải uống trước bữa ăn, có thuốc phải uống sau ăn mới phát huy tác dụng, uống thuốc phải đủ liều lượng, đủ thời gian, không được thấy hết đau tự ý ngưng thuốc, hoặc thấy chưa giãm nhiều tự ý tăng liều thuốc.

Tổn thương nào trên DD-TT có chỉ định phẫu thuật ?

1. Loét dạ dày: ngày nay do những tiến bộ trong điều trị nội khoa, những trường hợp phải PTDD do loét đã giảm đi rất nhiều, giảm tới 80 – 90% so với trước đây, thường loét DD có chỉ định phẫu thuật trong những trường hợp sau:

Loét dạ dày gây ra những biến chứng:

– Chảy máu tiêu hóa ồ ạt nguy cơ đe dọa tính mạng bệnh nhân mà không cầm máu được bằng các phương pháp cầm máu thông thường.

– Thủng ổ loét

– Gây hẹp môn vị làm thức ăn không đi qua được

– Ung thư hóa

Điều trị nội khoa thất bại hoặc tái phát nhiều lần.

2. Khi có chẩn đoán là ung thư dạ dày phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả nhất, những trường hợp ung thư DD không còn chỉ định phẫu thuật:

– Di căn tới các cơ quan xa : phổi, xương…

– Tổng trạng quá suy kiệt, không có khả năng chịu đựng nổi một cuộc phẫu thuật DD.

Thuốc nam có tác dụng gì trong điều trị bệnh DD

Từ xa xưa con người chúng ta đã biết sử dụng những thành phần từ cây cỏ để chữa bệnh.

Hiện nay để đáp ứng nhu cầu toàn diện của y học nhà nước ta vẫn chú trọng & khuyến khích sự kết hợp điều trị giữa đông & tây y.

Trong bệnh lý DDTT, thuốc nam cũng có vai trò quan trọng trong việc điều trị dự phòng, một số loại thường được sử dụng là: cam thảo, chè dây, mật ong, nghệ…

Như vậy thuốc nam cũng có thể sử dụng để điều trị dạ dày, thậm chí trong nhiều trường hợp là rất cần thiết, nhưng việc sử dụng này phải hợp lý, có cơ sở khoa học rõ ràng & nghiêm túc, tuyệt đối không sử dụng tùy tiện, liều lĩnh.

Việc sử dụng thuốc nam ở đây phải được nghiên cứu rõ ràng liều lượng chính xác, không nên nghe theo lời mách bảo, uống lung tung, không rõ nguồn gốc, không rõ liều lượng.

Hiện nay các công ty dược của nước ta đã sản xuất khá nhiều biệt dược từ nghệ, mật ong, chè dây có thẻ sử dụng an toàn.

Benh va thuoc