Bệnh Nấc cục

1146

Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng đã từng chứng kiến con em mình bị nấc cục. Có bé nấc cục đến đỏ mặt tía tai và hầu như các bậc cha mẹ không biết phải xử trí ra sao trong tình huống này. Rất ít ông bố bà mẹ đưa con đi khám bác sĩ vì nấc cục vì đa số trường hợp tự khỏi sau vài phút, nhưng rõ ràng là bé của bạn không thoải mái một chút nào. Chắc hẳn các bạn cũng từng tự hỏi rằng nguyên nhân nào gây chứng nấc cục, và nấc cục chữa như thế nào, đúng không?

Vì sao bé nấc cục?

Nấc cục là âm thanh gây ra do sự co thắt đột ngột không tự ý của cơ hoành. Đây là một khối cơ có hình vòm nằm ở đáy ngực, cũng là cơ hô hấp chính của cơ thể. Nấc cục thường có liên quan đến chứng khó tiêu hoặc do ăn quá nhiều làm cho bao tử bị đầy và chèn ép lên cơ hoành. Uống quá nhiều soda cũng góp phần gây nấc cục.

Có cách nào giúp bé hết nấc cục không?

Có một vài mẹo nhỏ mà bạn hoàn toàn có thể thực hiện để chấm dứt tình trạng khó chịu này. Đối với trẻ lớn, bạn hãy lấy một muỗng cà phê đường cát nhuyễn và đút bé nuốt ngay, nếu không hết bạn có thể lập lại 3 lần cách nhau 2 phút. Trẻ nhỏ hơn có thể thay bằng sirô ngũ cốc hoặc nước chín. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số cách như: bảo bé hít thở sâu, ngồi gập người trên đầu gối, ăn nước đá hoặc ăn một ít gừng tươi, dùng nước súc miệng.

Nấc cục hầu hết là vô hại nhưng trong một số ít trường hợp nó cũng có thể là triệu chứng báo hiệu bệnh tật. Bạn cần đưa trẻ đi khám bệnh nếu như bé nấc cục liên tục trên 3 giờ (đây là khoảng thời gian để làm trống dạ dày) hoặc bé bứt rứt, khó chịu nhiều.

Như Huỳnh

Theo MD Consult và Better Health Channel