Bệnh ngứa da

7986

Một số bệnh ngứa ngoài da

Ngứa thường được chia làm hai loại:

Ngứa từng vùng nhỏ

Nguyên nhân thường dễ hiểu. Chẳng hạn bạn bị muỗi đốt, chỗ bị đốt sưng lên, ngứa ngáy. Hoặc trời lạnh, da tay bạn đã khô, bạn lại rửa tay bằng nước nóng và xà-bông ngày nhiều lần, lưng bàn tay và các ngón tay của bạn khô càng thêm khô, sần lên, nứt nẻ và ngứa ngáy.

Ngứa toàn cơ thể

Nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên chứng ngứa toàn thân:

Các bệnh ngoài da

– Bệnh nổi mề đay

Rất hay xảy ra. Da nổi những mẩn đỏ, ngứa, xuất hiện độ vài tiếng rồi biến đi, để rồi lại mọc ở chỗ khác trên da. Bệnh gây bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. 

– Ngứa do tuổi tác

Da càng khô càng dễ bị ngứa. Da tự tiết ra một chất nhờn đặc biệt gọi là “sebum”, có tác dụng giữ cho da khỏi bị khô. Càng lớn tuổi, sự tiết chất sebum càng giảm dần (nên da trông không còn tươi mát như lúc còn trẻ). Một số các vị lớn tuổi bị ngứa quanh năm, do da không còn tiết đủ chất sebum như trước. Ngứa sẽ nặng hơn vào mùa lạnh, khi có nhiều yếu tố khác nữa làm da thêm khô. 

– Ngứa mùa đông

Vào mùa đông, khí lạnh làm da khô. Da khô khiến ta dễ cảm thấy ngứa. Cái lạnh làm nhiều người thích tắm nước nóng hơn bình thường. Vào những ngày lạnh quá, sưởi được bật lên để mọi người trong nhà được ấm. Nước nóng, sưởi (củi, điện hay gas) làm da càng thêm khô và ngứa. Gãi mới đã ngứa. Có người lại dùng rượu, chanh, dầu xanh… chà xát trên da, hi vọng bớt ngứa. Những chỗ do bị gãi và chà xát, trở thành sần sùi, dộp lên. Những chỗ da bị dộp lên này lại càng ngứa hơn, làm người bị ngứa càng gãi nhiều hơn. Tất cả những yếu tố kể trên gộp lại làm da càng lúc càng thêm ngứa trong mùa đông. 

– Bệnh cái ghẻ hay bệnh chấy, rận

Bệnh cái ghẻ, hay chấy, rận gây bởi những ký sinh trùng, lây từ người nọ sang người kia do sự chung đụng. Vì vậy, có thể vài người trong nhà cùng bị. 

Bệnh cái ghẻ hay gây ngứa ở những vùng như kẽ ngón tay, cổ tay, khuỷu tay, nách, vú, rốn, bộ phận sinh dục, … Con cái ghẻ phải nhìn bằng kính hiển vi mới thấy, nhưng tạo những đường hầm đặc biệt nhìn thấy được bằng mắt thường ở những vùng bị ngứa nhiều. Người bị bệnh cái ghẻ ngứa nhiều hơn về buổi tối và ban đêm. Chấy, rận thấy được bằng mắt thường. Chấy lập nghiệp trên đầu, còn rận chạy lăng quăng trên người), hoặc định cư ở vùng háng .

– Bọ thú vật cắn

Nếu bạn có nuôi chó để trông nhà, hay mèo bốn chân để bắt chuột, và bất ngờ trong nhà có người bị ngứa, bạn nhớ cẩn thận xem chó hay mèo của bạn có làm bạn với mấy chú bọ con con (fleas) hay không. Chán máu chó, mèo, mấy chú bọ có thể đổi bữa, thử máu người xem sao, chích đốt những người trong gia đình bạn, gây ngứa ở chỗ da bị chích đốt, hoặc có thể gây cả phản ứng ngứa da toàn diện.

– Bệnh vảy nến

Một bệnh da nhiều người bị. Bệnh tạo những vết đỏ, dày trên da trông giống những vẩy nến. Các vết psoriasis hay hiện diện ở khuỷu tay và đầu gối, nhưng có thể mọc trên da nhiều nơi, cả ở trên đầu, trên móng tay và trong miệng. 

Các bệnh bên trong cơ thể

– Suy thận kinh niên

 

Trong các bệnh nội thương, suy thận kinh niên là bệnh hay gây ngứa nhất. 90% những người suy thận nặng cần được lọc thận bị ngứa. Ngứa do suy thận nặng hơn về mùa hè. 

– Bệnh gan

Bệnh gan có nhiều loại. Loại gây tắc nghẽn và ứ đọng mật (trong hay ngoài gan) cũng hay gây ngứa, chỉ đứng hàng thứ nhì sau bệnh suy thận kinh niên.

– Bệnh cường tuyến giáp trạng

5% những người bị bệnh cường tuyến giáp trạng than ngứa ngáy. Ngứa bớt dần khi bệnh được chữa trị và kiểm soát.

– Bệnh ung thư Hogkin

Hogkin là bệnh ung thư gây nổi hạch ở nhiều nơi trong cơ thể, có thể chữa trị được nếu khám phá sớm. 15% những người bị bệnh ung thư Hogkin than ngứa. 

– Bệnh quá nhiều chất Hemoglobin trong máu

Trong bệnh này, cơ thể sản xuất quá nhiều hồng cầu và chất Hemoglobin lưu thông trong máu, làm máu đặc hơn bình thường. 14-52% người có bệnh này bị ngứa, nhất là sau khi tắm với nước ấm hay nước nóng.

Trên đây là những bệnh được biết chắc có thể gây ngứa. Nhiều bệnh khác như tiểu đường, suy tuyến giáp trạng, thiếu máu do thiếu chất sắt, các bệnh ung thư khác ngoài bệnh Hogkin… có thể gây ngứa.

Ngoài ra, các trạng thái căng thẳng tinh thần, và một số bệnh tâm thần cũng khiến nhiều người cảm thấy ngứa ngáy. Chứng ngứa này được gọi là ngứa tâm lý. Tuy nhiên, chỉ nên định bệnh là ngứa tâm lý, sau một thời gian tìm hiểu và theo dõi, để biết chắc là không có một tật bệnh nào khác quan trọng trong cơ thể gây ra chứng ngứa.

Bạn nên làm gì?

– Nếu mới ngứa vài ba ngày, trên da không thấy có gì lạ, nguyên nhân của ngứa có thể chỉ là những gì thông thường: ngứa mùa đông (nếu trong mùa lạnh), do mới dùng một thuốc gì lạ, … Bạn có thể thử dùng những thuốc chữa ngứa như Benadryl, Chlor-Trimeton, Tavist, … mua ngoài nhà thuốc, trong lúc cố tìm nguyên nhân gây ngứa để tránh. Dùng những thuốc này, khi lái xe, hoặc điều khiển những máy móc nguy hiểm, bạn nên cẩn thận, vì thuốc hay làm người ngầy ngật, buồn ngủ. Thuốc Claritin nay mua không cần toa, uống không buồn ngủ.

– Nếu đang trong mùa lạnh, bạn nên tắm mau với nước vừa đủ ấm, và dùng những loại xà-bông không làm mất nhiều chất nhờn của da như xà-bông Dove. Không dùng xà-bông lại càng tốt, hoặc chỉ dùng ở những vùng nhiều mồ hôi như nách, háng, khuỷu tay, khuỷu chân.

– Không nên tắm ngày nhiều lần. Sau khi tắm, nên thoa da bằng những loại lotion làm da bớt khô như Keri lotion, Vaseline lotion

– Không nên chà xát da với rượu, chanh, dầu xanh, … Và xin… cố đừng gãi. Bạn cũng đừng mặc đồ len trực tiếp trên da.

– Không nên tiếp xúc nhiều với thú vật nuôi. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.

Bệnh thủy đậu và Zona.

2. Viêm da tiếp xúc với hóa chất từ thực vật.

3. Viêm da tiếp xúc với hóa chất từ động vật.

4. Viêm da dị ứng: dị ứng do thời tiết và phấn hoa.

5. Bệnh của da: Nấm da, nấm kẽ, nấm móng, lang ben, nấm tóc, bệnh rận lông mu (do con rận sống trên da vùng có lông, tóc hút máu gây ra ngứa), ghẻ.

6. Do các bệnh trong cơ thể:

+ Nhiễm ký sinh trùng đường ruột (giun sán): da hay nổi mẩn ngứa.

+ Bệnh tiểu đường: thường gây ngứa ở da, mụn nhọt, nhiễm nấm.

+ Suy thận: không thải được các chất độc ra ngoài cũng gây ngứa da.

+ Thay đổi nội tiết: khi mang thai thường bị ngứa da lan tỏa.

+ Bệnh bạch huyết ác tính: thường ngứa dữ dội từng đợt, kèm hạch bạch huyết sưng to.

+ Mụn nhọt thân thể.

+ Sùi mào gà: gây các nốt mụn sần trên da.

+ Viêm gan, suy gan.

+ Bệnh mụn rộp do vi-rút Herpes.

+ HIV & AIDS.

7. Do hóa chất: chất độc da cam, mỹ phẩm…

Việc xác định nguyên nhân gây ngứa phải căn cứ vào soi tổn thương da tại chỗ, tìm ký sinh trùng hoặc cấy tìm vi sinh vật gây bệnh.

Viêm da tiếp xúc với hóa chất từ thực vật:

* Viêm da quang thực vật: Thường xuất hiện vào cuối mùa hè, đầu mùa thu.

– Nguyên nhân: Trong lá cây có một số chất giúp thực vật tự kháng lại vi nấm. Chất này thường hiện diện trong hai họ thực vật là họ hoa dạng tán và họ cam. Nhiều họ cây khác cũng có chứa độc tố gây hại cho da như họ cây cửu lý hương, họ dâu tằm, họ đậu…

– Triệu chứng: Sau khi tiếp xúc với hóa chất 30-120 phút, da sẽ nổi những mảng đỏ, phù, ngoằn ngoèo. 24-72 giờ sau, các mụn nước xuất hiện, đau nhưng không ngứa. Sau 1-2 tuần, có khi kéo dài hàng tháng hàng năm, vùng da bệnh sẽ thâm đen.

– Phòng và điều trị:

+ Không nên trồng cây thuộc các họ kể trên ở gần nhà.

+ Bảo hộ khi sinh hoạt hoặc làm việc dưới tán cây.

+ Rửa ngay với xà phòng và nhiều nước nếu tiếp xúc với thực vật nghi ngờ.

* Viêm da dị ứng:

– Nguyên nhân: Thường gặp do tiếp xúc với lá một số cây họ điều, họ cúc, xoài và bạch quả. Ở vùng trung du miền Bắc, điển hình nhất là cây sơn trồng để lấy gỗ và nhựa dùng trong sơn mài. Chỉ đi ngang qua rừng trồng sơn, nhiều người đã bị sưng phù mặt mày và ngứa ngáy.

– Triệu chứng: Sau khi tiếp xúc, phần da hở của cơ thể như bàn tay, cánh tay, chân sẽ đỏ ngứa chỉ 15 phút sau tiếp cận, phát triển ngày càng nhiều trong vòng 2 ngày. Sau đó nổi mụn nước, bóng nước trên bề mặt thương tổn da.

– Phòng và điều trị:

+ Ngay sau khi tiếp xúc với độc tố thực vật nghi ngờ, nên tắm với xà phòng vì sau 60 phút đã bám vào da thì không rửa được nữa.

+ Xả bằng nước lạnh, không dùng nước nóng vì nước nóng khiến lỗ chân lông trên da nở rộng mở đường cho độc chất xâm nhập. Sau khi xả để nước bốc hơi tự nhiên hoặc với quạt máy chứ đừng lau bằng khăn sẽ làm nhựa độc lan ra.

+ Sau khi làm da mát lạnh, xoa thuốc giảm ngứa, ngừa rỉ nước như calamine, kem hydrocortisone 1%. Có thể dùng thuốc uống chống histamine như Benadryl, Atarax, Periactin.

Viêm da tiếp xúc với hóa chất từ động vật:

* Viêm da do sâu bướm:

– Nguyên nhân: do tiếp xúc trực tiếp với các độc tố gây kích ứng da có trong nhiều chủng sâu bướm. Da ngứa gây cào gãi và tạo đường cho nhiều hóa chất có trong lông của sâu bướm thâm nhập vào da. Kén sâu bướm treo lơ lửng trên cành và lá cây. Gió sẽ giúp khuếch tán lông hoặc kén sâu vào trong không khí và rơi trên da hoặc quần áo chúng ta.

– Triệu chứng: Sau tiếp xúc một thời gian ngắn, da nổi những sẩn đỏ và mụn nước, gây bỏng rát, ngứa kéo dài 12 giờ sau tiếp xúc.

– Phòng và điều trị: Rửa sạch vùng da tổn thương để loại bỏ hóa chất và lông sâu bám trên da. Có thể dùng một số loại thuốc bôi dịu da và thuốc uống chống ngứa. Tuy nhiên, nên đến khám bác sĩ chuyên khoa Da liễu.

* Tổn thương da do nhện cắn:

– Nguyên nhân: Đa phần độc tố nhện chỉ gây đau, sưng đỏ vùng bị cắn. Tuy nhiên, một số độc tố có thể gây hoại tử da, hoặc tổn thương cơ – thần kinh.

– Triệu chứng: Thường thì người bệnh không cảm nhận được vết nhện cắn ngay thời điểm xảy ra. Nhưng sau đó da sẽ bị sưng phồng hình tổ ong tại vị trí bị cắn và lan rộng dần, gây ngứa nhiều, cảm giác hơi đau khi cào gãi. Sờ mảng da tổn thương sẽ có cảm giác sâu, nóng, cứng. Những trường hợp nặng, da dần tái màu, hoại tử lan rộng và sâu, tạo các vết loét rất khó lành.

– Điều trị: Bệnh tự khỏi dần. Một số trường hợp vết cắn sưng to, ngứa nhiều có thể băng ép lạnh và thuốc uống chống ngứa. Một số trường hợp gây tổn thương toàn thân như chóng mặt, nhức đầu, vã mồ hôi, nôn ói; trầm trọng hơn là gây tổn thương máu, thần kinh, cơ, nội tạng thì nên nhập bệnh viện chuyên khoa.

* Do côn trùng Rove Beetle:

– Côn trùng này khi đậu lên da sẽ gây nhột, nếu đập chết sẽ xịt ra nước gây viêm da dị ứng, có thể bị tái bệnh nhiều lần, thường gây tổn thương trên vùng da trần như tay, cổ, mặt… Côn trùng này sống ở những nơi có nhiều cỏ mục, bụi cỏ, rơm, rạ. Do côn trùng này rất thích ánh sáng nên thường bay theo gió, trúng ai thì người đó chịu.

Một số bệnh ngứa da khác do vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng… gồm 2 nhóm:

– Nhóm không lây: Hạt cơm, Herpet, Zona (giời leo), do vi-rút, không lây cho người tiếp xúc.

– Nhóm chỉ lây qua tiếp xúc chặt chẽ lâu dài, nhất là đối với những người suy giảm miễn dịch: nấm ngoài da (hắc lào), bệnh ghẻ có khả năng lây lan mạnh. Ở nhiều đơn vị phải nằm chung giường, đắp chung chăn, dùng chung chậu, bệnh nấm có lúc lên tới 20-30%, bệnh ghẻ tới 40-60% quân số.

TS. Bùi Mạnh Hà

benhvathuoc