Bệnh thận

997

Thận là một cơ quan gồm hai quả, có nhiều chức năng, được tìm thấy trong một số loại động vật có xương sống và không xương sống. Chúng là một bộ phận quan trọng của hệ tiết niệu và cũng có chức năng hằng định nội môi như điều chỉnh các chất điện phân, duy trì sự ổn định axit-bazơ, và điều chỉnh huyết áp. Các quả thận đóng vai trò là bộ lọc máu tự nhiên trong cơ thể, và các chất thải được dẫn đến bàng quang để thải ra ngoài. Trong việc tạo ra nước tiểu, các quả thận bài tiết các chất thải như urê và amoniac; thận cũng có nhiệm vụ tái hấp thụ nước, glucose, và các axít amin. Thận cũng sản xuất các hóc môn như calcitriol, renin, và erythropoietin.

Vị trí của thận

Nằm ở phía sau khoang bụng trong khoang sau màng bụng, các quả thận nhận máu từ cặp động mạch thận, và chảy vào các cặp tĩnh mạch thận. Mỗi quả thận tiết nước tiểu vào niệu quản, là một cấu trúc cặp đôi dẫn nước tiểu vào bàng quang.

Cấu tạo thận

Mỗi quả thận dài khoảng 10 – 12.5 cm và nặng khoảng 170g. Thận gồm 3 vùng: vùng ngoài cùng là phần vỏ (có màu hồng tới đỏ hay đỏ sẫm) dày khoảng 7 – 10mm, vùng kế tiếp là phần tủy màu vàng và trong cùng là một khoang rỗng được gọi là bể thận.

Quan sát trên kính lúp có thể thấy rõ ở phần vỏ thận gồm các chấm đỏ, nhỏ li ti, đường kính khoảng 0.2mm. Đó là các cầu thận, còn được gọi là tiểu cầu Manpighi. Cầu thận, nang cầu thận và ống thận tạo thành một đơn vị chức năng. Nang cầu thận hay còn gọi là nang Baoman, do nhà khoa học Baoman phát hiện và mô tả nó, thực chất nó là một cái túi gồm 2 lớp mà lớp trong tiếp giáp với búi mao mạch (chính là cầu thận). Ống thận thực chất cũng gồm 3 đoạn khác biệt nhau là ống lượn gần, quai Henle và ống lượn xa. Ống lượn gần và ống lượn xa nằm trong phần vỏ, quai Henle nằm trong phần tủy.

Trên phần tủy là các tháp thận (hình tháp) được tạo bởi một phần các ống thận. Mỗi quả thận có thể gồm hàng chục tháp thận (hay còn gọi là tháp Manpighi).

Bài tiết nước tiểu ở thận

Nước tiểu được tạo thành ở các đơn vị chức năng của thận. Đầu tiên là quá trình lọc máu qua màng lọc ở vách mao mạch ở cầu thận để tạo thành nước tiểu đầu ở nang cầu thận. Mỗi phút, động mạch thận đưa 1 lít máu vào thận, 40% số đó là hông cầu không qua được lỗ lọc. Như vậy, chỉ 60% số đó tức 600ml huyết tương vào cầu thận mỗi phút, nhưng khi đó ở động mạch đi chỉ còn 480ml, nghĩa là có 120ml lọt qua lỗ lọc sang nang cầu thận tạo thành nước tiểu đầu. Làm phép nhân đơn giản thì mỗi ngày sẽ có khoảng 172 lít nước tiểu đầu được hình thành.

Sau đó là quá trình hấp thụ lại. Quá trình hấp thụ lại đã biến 172 lít nước tiểu đầu thành 1.5 lít nước tiểu chính thức mỗi ngày. Các chất độc hại còn sót lại trong 480ml huyết tương qua cầu thận vào động mạch đi sẽ được lọc tiếp ở ống thận nhờ quá trình bài tiết tiếp.

Nước tiểu chính thức sẽ đổ vào bể thận, xuống ống dẫn nước tiểu, tích trữ ở bóng đái (bàng quang) rồi được thải ra ngoài qua ống đái .

Ứng dụng

Sinh lý học thận là môn khoa học nghiên cứu về chức năng thận, trong khi thận học là chuyên khoa y học nghiên cứu các bệnh về thận. Bệnh thận rất đa dạng, nhưng các cá nhân mắc bệnh thận thường thể hiện các đặc tính lâm sàng đặc trưng. Các điều kiện lâm sàng phổ biến liên quan đến thận như: hội chứng thận và hội chứng thận hư, thận nang, tổn thương thận cấp tính, bệnh thận mãn tính, nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận, và tắc nghẽn đường tiết niệu.[1] Có nhiều kiểu ung thư thận đã được phát hiện; ung thư thận phổ biến ở người lớn là ung thư biểu mô tế bào thận. Ung thư, u nang, và một số tình trạng thận khác có thể được khống chế bằng cách cắt bỏ thận. Khi chức năng thận, được đo bằng tỷ lệ lọc cầu thận, liên tục giảm, sự thẩm tách và cấy ghép thận có thể là một trong các lựa chọn để điều trị.

——————————————***———————————————

Các dấu hiệu của bệnh  thận

 

Thông thường các bệnh nhân thường có dấu hiệu đau lưng liền kết luận bị sỏi thận. Tuy nhiên có 98% đau lưng không phải là do bệnh thận mà lại là do bệnh từ cột sống, lưng, thần kinh hoặc bệnh đau toàn thân. Các bệnh nhân bệnh cúm ngoài đau khắp mình thì vùng lưng đau dữ dội hơn. 2% đau lưng do bệnh thận thì chỉ có hơn 1% là do sỏi thận gây ra, còn lại là do viêm thận, bướu thận.

* Đau thận gây đau vùng hông lưng, sát gần xương sườn có thể kèm theo sốt.

* Đau sỏi thận, sỏi niệu quản gây ra những cơn đau dữ dội, đau từ sau lưng chạy xuống bộ phận sinh dục.

Các triệu chứng của đau lưng:

* Khi bệnh nhân đau ê ẩm, đau xuống chân thì là do đau thần kinh tọa, đau cột sống.

* Đau lưng sát gần xương chậu, đau nhói khi đứng dậy hay khiêng vác đồ nặng, cơn đau có thể lan xuống mông hoặc chân bên, đó cũng là do đau thần kinh tọa.

* Đau lưng do rễ thần kinh cũng thường tăng lên sau khi đi xe đạp hoặc xe máy trên một đoạn đường dài và xóc.

* Đau lưng bình thường do mệt mỏi xuất hiện sau một ngày làm việc mệt nhọc, công việc ngồi một chỗ, ít hoạt động, cảm giác ê ẩm lưng và toàn thân. Để hiểu rõ nguyên nhân của đau lưng, bác sĩ sẽ có những kiểm tra, khám nghiệm thận và cột sống của bệnh nhân. Nếu cần thiết có thể sẽ tiến hành thêm các khám nghiệm khác như siêu âm, chụp X-Quang, thử nước tiểu…

Xem nước tiểu đoán bệnh

Sự thay đổi mầu sắc và độ trong của nước tiểu có thể do ăn uống hoặc do một loại thuốc nào đó gây màu nước tiểu bị thay đổi. Một nguyên nhân khác là do bệnh tại thận vì đây là nơi sản xuất ra nước tiểu, hoặc tại bàng quang – ở nơi chứa nước tiểu. Màu nước tiểu bình thường có màu vàng từ nhạt tới hơi sẫm. Độ vàng tuỳ thuộc vào nồng độ chất mochorome trong nước tiểu. Đây là một chất thoái hóa của hemoglobin.

Nếu cơ thể có ít nước cung cấp vào hoặc lao động nhiều mà không uống đủ nước thì nước tiểu có màu vàng sẫm. Có khi màu nước tiểu lại chỉ hơi đục đục, nhất là khi đi tiểu vào buổi sáng. Các hiện tượng này chứng tỏ rằng nước tiểu bị kềm hóa nhẹ nên các tinh thể nhất phát dễ đọng lại. Uống nhiều nước hoặc uống bổ sung 2 viên Chdoramonic vào buổi tối để nước tiểu trong lại. Màu nước tiểu còn có thể bị vẩn đục do nước tiểu có máu. Tốt nhất nên đi khám bác sỹ chuyên khoa, xét nghiệm nước tiểu, cấy nước tiểu, cấy dịch niệu đạo tìm vi trùng, làm siêu âm, chụp Xquang… để tìm ra nguyên nhân gây nên các triệu chứng trên.

Sau khi tìm ra các nguyên nhân để từ đó có cách điều trị khác nhau và hiệu quả. Nếu có triệu chứng tiểu buốt, tiểu lắt nhắt, tiểu són là những triệu chứng của bệnh tại bàng quang hay niệu đạo chứ không phải của bệnh do thận. Nguyên nhân thường gặp nhất là viêm bàng quang ở phụ nữ và trẻ em, còn đối với nam giới là viêm niệu đạo, bướu tuyến tiền liệt, nhất là đối với bệnh nhân trên 50 tuổi.

Ảnh hưởng đến sinh lý?

Đôi khi người ta lầm tưởng rằng yếu sinh lý hoặc có bất kỳ những trục trặc nào trong chuyện tình dục đều là do suy thận. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy mà là do mạch máu đến bộ phận sinh dục bị hẹp tắc do thần kinh điều khiển tại chỗ hoặc trên não bị trục trặc. Chính vì vậy mà chẩn đoán và điều trị yếu sinh lý là một vấn đề tế nhị và phức tạp. Yếu sinh lý gồm các nhóm bệnh sau: rối loạn ham muốn (mất hoặc giảm ham muốn), rối loạn cương, rối loạn xuất tinh (có thể là xuất tinh sớm hoặc không xuất tinh), rối loạn cảm giác (không có khoái cảm hoặc bị đau khi lên đến đỉnh điểm), khả năng thụ thai thấp. Mỗi một nhóm bệnh lại được thành những nhóm nhỏ hơn, tương ứng với những bệnh khác nhau, mỗi bệnh có cách điều trị riêng. Các bệnh do suy thận cũng sẽ được chẩn đoán và điều trị theo kết quả của bác sĩ.

Như vậy, phù thận có thể do thận, bệnh thận cũng ít khi gây đau lưng, còn yếu sinh lý thì hoàn toàn không phải do thận yếu. Nếu không bị phù thì cách phòng bệnh thận tốt nhất hiện nay là uống nhiều nước, đặc biệt là khi làm việc ngoài nắng, trong môi trường nóng nực, tập thể thao, lao động nặng. Nếu trong sinh hoạt hàng ngày, cứ 6-7 tiếng mới thấy buồn đi tiểu và nước tiểu có mầu vàng sẫm thì chắc chắn cơ thể bạn chưa được cung cấp đủ nước. Vì vậy cần uống nhiều nước, ít nhất là 2 lít nước mỗi ngày.

Chức Năng Của Thận:

Ðể hiểu được sự suy thận hay hư thận là gì, chúng ta cần phải biết chức năng của thận là gì khi lành mạnh.  Mỗi người chúng ta thường đều có hai quả thận nằm ở vị trí đằng sau lưng dưới cạnh sườn. Hai quả thận là những cơ quan bài tiết quan trọng trong cơ thể.  Qua hệ thống tuần hoàn, những chất dơ trong máu như chất urê được thận lọc ra từ máu thành nước tiểu và thải ra ngoài cơ thể qua niệu quản và bàng quang (bọng đái).  Ngoài tác dụng lọc máu, thận cũng tiết ra những chất hoóc môn (hormone) quan trọng trong sự chuyển hoá của xương, sự sản xuất hồng huyết cầu, và nhiều tác dụng khác chủ yếu để giữ một môi trường điều hòa trong cơ thể.  Vì vậy, khi bị yếu thận, môi trường ổn định này bị xáo trộn vì những chất hoóc môn này không được tiết ra nữa.  Thêm vào đó, những chất dơ trong máu sẽ ứ đọng lại trong cơ thể vì không được bài tiết ra ngoài.  Kết qủa là người bệnh nhân sẽ có những triệu chứng suy thận.

——————————————***———————————————

Bệnh Suy Thận

 

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh suy thận.  Nhưng nói một cách tổng quát thì suy thận có thể được chia ra làm hai loại: suy thận cấp tính và suy thận mãn tính.  Sự phân biệt này là hoàn toàn dựa vào thời gian từ lúc mà người bệnh nhân bắt đầu bị bệnh đến lúc mà bệnh được chẩn đoán.  Nếu thời gian này nhiều hơn ba tháng thì được gọi là mãn tính hoặc kinh niên.

Suy Thận Cấp Tính:

Ðặc điểm của suy thận cấp tính là bệnh phát triển khá nhanh làm cho thận suy yếu mau chóng.  Nguyên nhân bệnh suy thận cấp tính thường được chia ra ba loại chính: trước thận (pre-renal), sau thận (post-renal), và trong thận (intrinsic).

Loại đầu tiên là những nguyên do “trước thận”, có nghĩa là những ảnh hưởng hoặc những yếu tố ngoài quả thận nhưng cũng có thể làm giảm đi khả năng của thận.

Chẳng hạn như khi sự cung cấp máu cho thận bị giảm đi trong trường hợp suy tim vì nhồi máu cơ tim, hoặc bị sốc vì xuất huyết, bị mất nước trong cơ thể, hay bị vi khuẩn trong máu.  Những bệnh nhân bị sơ gan trong giai đoạn cuối cũng có thể bị yếu thận vì lý do trên.  Ngoài ra, chứng nghẽn động mạch thận cũng sẽ làm hạ chức năng của thận.

Loại suy thận cấp tính thứ hai là những ảnh hưởng sau quả thận, có nghĩa là những yếu tố ảnh hưởng đến những bộ phận sau quả thận như niêu quản và bàng quang (bọng đái).  Trong trường hợp này thì thường có sự tắt nghẽn đường tiểu làm cho nước tiểu và chất phế thải ứa đọng trong thận và làm giảm đi chức năng lọc của thận.  Một vài thí dụ điển hình gồm sưng tiền liệt tuyến, sạn thận, hoặc ung thư bàng quang.

Loại suy thận cấp tính thứ ba là những bệnh xuất phát ngay trong quả thận.  Loại suy thận này có thể xảy ra khi những tế bào thận bị tổn thương vì những độc tố được lọc qua thận, hay là vì sự phản ứng do chất kháng thể gây nên, hoặc là vì sự viêm những tế bào thận vì dị ứng thuốc men, nhất là những thuốc kháng sinh.  Những hoá chất mà có tính cách độc cho thận gồm có các loại thuốc kháng sinh thông thường như Gentamycin.  Một vài thí dụ bệnh suy thận do phản ứng chất kháng thể gồm có bệnh viêm thận do lupus ban đỏ (lupus nephritis) hoặc viêm mạch máu toàn thân (vasculitis).  Ngoài ra còn có các chứng tổng hợp viêm thận cấp tính khác cũng có thể làm suy thận cấp tính.

Suy Thận Mãn Tính:

Khi suy thận cấp tính mà kéo dài hơn 3 tháng mà không hồi phục, thì sẽ trở thành mãn tính (kinh niên).  Vì vậy, tất cả những nguyên nhân mà gây nên suy thận cấp tính đề cập tới phía trên đều có thể gây nên suy thận mãn tính.  Nói như vậy không có nghĩa là đa số các ca suy thận cấp tính sẽ trở thành mãn tính nếu không được chữa trị triệt để.  Thật ra, chỉ có khoảng 10-20% những ca suy thận cấp tính sẽ trở thành mãn tính.  Ðại đa số các bệnh nhân bị suy thận mãn tính không hề bị suy thận cấp tính trước.

Nói một cách tổng quát và dễ hiểu thì bệnh suy thận mãn tính cũng có thể được chia ra làm hai loại.  Loại thứ nhất là suy thận do những bệnh khác gây nên.  Thí dụ cụ thể là bệnh tiểu đường và bệnh cao áp huyết.  Hai bệnh này là nguyên nhân đưa đến hơn 60% của tất cả các trường hợp suy thận mãn tính.  Ở nước Mỹ, nguyên nhân chính dẫn đến sự hư thận cần phải lọc máu là do bệnh tiểu đường.  Nếu bệnh nhân đã mắc phải bệnh tiểu đường hoặc cao áp huyết thì phải tuyệt đối cố gắng giữ độ đường và áp huyết thật bình thường để tránh bị suy thận.

Loại bệnh mãn tính thứ hai là suy thận do những bệnh phát xuất từ quả thận.  Loại này thì khá phức tạp và hiếm hơn loại trên, nhưng có thể tóm tắt lại qua vài thí dụ sau:

  1. Bệnh IgA (IgA nephropathy), viêm thận lupus ban đỏ (lupus nephritis), hoặc viêm mạch máu toàn thân đều có thể bắt đầu là bệnh cấp tính, rồi lâu dài sẽ trở thành mãn tính.
  2. Những bệnh di truyền rất hiếm như hội chứng Alport (Alport’s Syndrome) và bệnh thận đa nang dạng (thận có rất nhiều u nang).
  3. Viêm mô thận (interstitial nephritis) do thuốc men gây ra chẳng hạn như những thuốc giảm đau (thí dụ như thuốc Ibuprofen).

Triệu Chứng:

Thường thì người bệnh nhân không có triệu chứng gì cả cho đến khi chức năng của thận chỉ còn khoảng 10-15%.  Vì vậy, trong giai đoạn đầu, bệnh nhân thường không biết là mình bị yếu thận.  Những triệu chứng người bệnh nhân có thể cảm thấy gồm có ói mửa, biếng ăn, mệt mỏi, phù thủng tay chân, cao áp huyết, và ngứa ngáy toàn cơ thể.  Một số bệnh nhân sẽ có huyết niệu (tiểu ra máu) hoặc protein niệu (nước tiểu có chất đạm) khi khám nước tiểu.  Ngoài ra, người bệnh nhân cũng có thể thấy lượng nước tiểu giảm đi và họ sẽ đi tiểu ít đi.  Có một triệu chứng mà ít có ai bị suy thận thật sự gặp phải, đó là đau eo lưng.  Chỉ có hai trường hợp liên quan tới thận mà có thể làm bệnh nhân bị đau eo lưng gần chỗ thận, đó là viêm thận do vi khuẩn và sạn thận.Ngoài hai trường hợp đó, thì không có bệnh nào đã nêu ra mà làm cho bệnh nhân bị đau eo lưng.  Ðiều này cần phải được nhấn mạnh là vì có nhiều bệnh nhân, khi cảm thấy đau eo lưng, đều nghĩ là mình bị yếu thận, khi thật sự ra là chỉ bị đau lưng mà thôi.

Chẩn Ðoán Bệnh:

Như đã nói trên, thường thì bệnh nhân không có triệu chứng gì cả khi bị suy thận cho đến khi đã muộn.  Vì vậy, cách duy nhất để chẩn đoán bệnh suy thận là qua thử nghiệm máu và nước tiểu.  Vì chức năng làm việc của thận bị giảm đi khi bị suy thận, nên những chất dơ như urê sẽ tăng cao trong máu.  Khi thử nghiệm máu, thì mức độ của những chất này sẽ cao hơn bình thường.  Sau khi đã khám phá ra là người bệnh nhân bị suy thận, thì bác sĩ có thể sẽ cho người bệnh nhân chụp siêu âm thận hoặc chụp quang tuyến tùy theo nguyên do suy thận.  Cuối cùng là bác sĩ có thể làm “chọc thận” (kidney biopsy) tức sinh thiết để thử nghiệm tế bào thận hầu truy tìm nguyên nhân chính xác.

Chữa Trị:

Vì có rất nhiều nguyên nhân gây suy kiệt chức năng thận, nên cách điều trị phải dựa vào từng trường hợp thích hợp.  Nhưng nói chung thì người bệnh nhân thường được cho thuốc cao áp huyết, thuốc lợi tiểu nếu bị phù thủng, và thuốc hạ mỡ nếu bị mỡ cao.  Ngoài ra, người bệnh nhân thường phải kiêng muối và kiêng những thức ăn có nhiều chất phospho hoặc potassium.  Khi người bệnh nhân đã bị suy thận đến giai đoạn cuối (chức năng thận chỉ còn 10-15%) thì phải cần lọc thận (danh từ y khoa gọi là thấu tích).  Có hai cách lọc thận:  lọc thận qua màng bụng (peritoneal dialysis) và lọc thận qua máu (hemodialysis).  Ðể biết thêm chi tiết về lọc thận, xin xem một bài viết khác cũng trong số báo này.

Kết Luận:

Nói tóm tắt, bệnh suy thận là một bệnh thông thường ảnh hưởng đến khá đông dân số trên thế giới.  Phần lớn các bệnh nhân có thể không có triệu chứng gì đến khi thận đã khá yếu trầm trọng.  Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh suy thận cấp tính cũng như mãn tính.  Sự chữa trị phải dựa vào nguyên nhân của bệnh.  Khi chức năng của thận đã suy kiệt đến giai đoạn cuối cùng, thì bệnh nhân cần phải lọc máu hoặc thay thận.

——————————————***———————————————

Sỏi thận

 

 

Sỏi thận và quá trình hình thành sỏi

Sỏi thận hình thành do lắng đọng các chất trong thận. Lúc đầu sỏi chỉ là có kích thước hiển vi sau đó lớn dần lên.

Thận có chức năng lọc các chất thải từ máu và sản xuất nước tiểu. Khi các chất thải trong nước tiểu không được hòa tan hoàn toàn sẽ dẫn đến sự hình thành các tinh thể. Quá trình lắng đọng tiếp tục dẫn đến hình thành sỏi.

Những hạt sỏi thận nhỏ có thể gây khó chịu khi theo nước tiểu đi ra ngoài. Trong trường hợp sỏi có kích thước lớn tắc lại trong niệu quản và gây đau (lúc đầu có cảm giác đau ở thắt lưng sau đó đau lan tỏa ra hai bên).

Sỏi có thể gây tắc hoàn toàn niệu quản làm cho nước tiểu ứ lại trong thận dẫn đến hiện tượng thận ứ nước, dãn niệu quản và bàng quang gây đau.

Sự hình thành sỏi:

Sỏi hình thành khi có các hiện tượng: (1)tăng hàm lượng canxi, oxalat hay axít uric trong nước tiểu; (2) thiếu xitrát hoặc thiếu nước trong thận để hòa tan các chất thải.

Thận có nhiệm vụ duy trì lượng nước cho cơ thể và loại chất thải. Nếu thiếu nước, các chất như canxi, oxalat, axít uríc không được hòa tan hoàn toàn dẫn đến sự hình thành các tinh thể.

Nước tiểu chứa các chất hóa học như citrát, manhê, pyrô phốtphat có tác dụng chống lại quá trinh tạo tinh thể. Nếu hàm lượng những chất này trong nước tiểu thấp sẽ tạo điều kiện cho sỏi hình thành. Trong những chất này, xitrát đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình chống tạo tinh thể.
Các loại sỏi thận

Thành phần hóa học của sỏi phụ thuộc vào sự mất cân bằng hóa học của nước tiểu. Bốn dạng sỏi hay gặp là: sỏi canxi, sỏi axít uríc, sỏi struvite và sỏi cystine.

(1) Sỏi canxi: Khoảng 85% thành phần của loại sỏi này là canxi. Nguyên nhân hay gặp nhất là do hàm lượng canxi trong nước tiểu quá cao (hypercalciuria). Lượng canxi vượt quá mức thường được thải qua nước tiểu. Canxi kết hợp với các chất thải khác hình thành sỏi. Nếu hàm lượng xitrát thấp và hàm lượng oxalat, axít uríc cao, lượng nước tiểu giảm sẽ là các điều kiện thuật lợi đẻ sỏi canxi hình thành.

Canxi có thể kết hợp với oxalat hình thành calxi oxalat hoặc kết hợp với phốt phát hình thành canxi phốt phát (calcium phosphate). Trong đó calxi oxalat hay gặp hơn. Sỏi canxi phốt phát thường thấy ở những bệnh nhân rối loạn tiêu hóa hay rối loạn hormon do bệnh cường cận giáp (hyperparathyroidism) và hiện tượng nhiễm toan ống thận.

Hiện tượng tăng hấp thu canxi ở đường tiêu hóa, tăng hàm lượng hormon tuyến cận giáp và rối loạn lọc trong thận dẫn đến làm tăng canxi trong nước tiểu.

Hiện tượng tăng độ axít ống thận (thường do di truyền làm thận không có khả năng bài tiết các axít) làm giảm xitrat nước tiểu và độ axít tổng số dẫn đến hình thành sỏi (thường là sỏi canxi phốt phát)

(2) Sỏi axít uríc (khoảng 10% trường hợp sỏi): Nếu làm lượng axít trong nước tiểu cao hay axít được bài tiết quá nhiều, axít uríc có thể không được hòa tan hoàn toàn dẫn đến hình thành sỏi. Dạng sỏi này hay gặp ở nam giới.

(3) Sỏi struvitecòn được gọi là sỏi truyền nhiễm do được hình thành khi đường tiết niệu bị viêm nhiễm (ví dụ viêm bàng quang) dẫn đến làm mất cân bằng các thành phần trong nước tiểu. Vi khuẩn trong đường tiết niệu giải phóng các chất hóa học trung hòa bớt axít trong nước tiểu tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nhanh hơn và là điểu kiện cho sỏi hình thành.

Phụ nữ bị loại sỏi này nhiều hơn nam giới do đường tiết niệu hay bị viêm nhiễm hơn. Sỏi loại này thường có hình dạng lởm chởm, sắc cạnh và có dạng “sừng nai” và phát triển rất nhanh.

(4) Sỏi cystin: cystin là một axít amin khó hòa tan. Do di truyền nên một số người có hàm lượng cystin trong nước tiểu cao dẫn đến hiện hình thành sỏi. Loại sỏi này khó điều trị và cần thời gian điều trị dài.
Lưu hành bệnh

Những người sống gần vùng “nước mềm”, người có anh chị em ruột mắc bệnh sỏi thận thường có nguy cơ mắc cao hơn. Theo lứa tuổi, sỏi thận hay gặp trong khoảng từ 30 đến 45 tuổi và giảm dần sau tuổi 50. Viện y học quốc gia Mỹ ước tính cứ 10 người thì một người có hiện tượng hình thành sỏi thận. Tỷ lệ người mắc sỏi thận chiếm hoặc bệnh liên quan đến sỏi thận chiếm từ 7-10% số bệnh nhân nhập viện.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận như uống không đủ nước, mất nước do các nguyên nhân khác nhau, thiểu niệu, tăng nồng độ canxi, oxalate, axit uric hay giảm nồng độ citrate trong nước tiểu… Bất kỳ nguyên nhân nào cản trở sự lưu thông của đường dẫn niệu (như tắc niệu quản, tắc niệu đạo do bệnh lý hay di truyền) đều làm tăng nguy cơ sỏi thận.

+ Những yếu tố hóa học:

Canxi (tăng canxi)

Cystine (cystine trong nước tiểu, do di truyền)

Oxalate (tăng oxalate)

Axit uric (tăng axit uric trong nước tiểu)

Natri (tăng natri trong nước tiểu)

Nồng độ citrate thấp là yếu tố nguy cơ dẫn đến giảm citrate trong nước tiểu (hypocitrauria)

Những yếu tố bệnh lý khác làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận:

– Hư thận bẩm sinh làm tăng nguy cơ mất canxi và dễ dẫn đến hình thành sỏi (thận tủy xốp, medullary sponge kidney)

– Hormon cận giáp cao quá mức làm mât canxi (cường cận giáp)

– Bệnh Gout (do tăng axit uric tromg máu)

– Tăng huyết áp (hypertension)

– Viêm đại tràng dẫn đến tiêu chảy mãn, mất nước và mất cân bằng điện giải (colitis)

– Thận không có khả năng bài tiết axit (renal tubular acidosis) và thường do yếu tố di truyền

– Do bệnh lý đường tiêu hóa gây tiêu chảy, mất nước và chứng giảm citrate (Crohn s disease)

– Viêm khớp

– Viêm đường tiết niệu ảnh hưởng đến chức năng của thận

– Khẩu phần đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành sỏi và diễn biến bệnh lý đặc biệt với những người đã từng mắc sỏi thận. Khẩu phần gồm các thức ăn chứa nhiều natri, chất béo, thịt, đường và ít chất xơ, protein thực vật, tinh bột làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận. Bệnh có thể tái phát ở những bệnh nhân mẫn cảm với các chất hóa học sinh ra từ quá trình tiêu hóa protein có nguồn gốc động vật và những bệnh nhân dung quá nhiều thịt trong khẩu phần.

– Liều cao vitamin C (trên 500mg một ngày) có thể dẫn đến hiện tượng tăng oxalate trong nước tiểu (hyperoxauria) và làm tăng nguy cơ sỏi thận. Oxalat được tìm thấy trong các loại rau, đậu xanh, cà chua, lạc (đậu phộng), sôcôla, chè.
Triệu chứng bệnh

Những sỏi thận nhỏ, bề mặt trơn nhẵn có thể nằm trong thận hoặc di chuyển xuống đường dẫn niệu mà không gây đau. Nếu sỏi nằm lại trong niệu quản sẽ kích thích và gây đau (kích thích đau không phụ thuộc vào kích thước của sỏi) và có chiều hướng đau lan truyền từ vùng thắt lưng ra hai bên.

Sỏi có kích thước nhỏ (dưới 4mm) có thể theo nước tiểu ra ngoài. Sỏi có kích thước từ 8mm thường phải can thiệp.

Những triệu chứng khác của sỏi thận:

Tiểu ra máu (máu trong nước tiểu hematuria)

Tăng số lần đi tiểu (đái rắt)

Buồn nôn

Đau buốt khi đi tiểu

Đau khi chạm vào vùng thận

Nhiễm trùng đường tiểu

benhvathuoc.com