Các bệnh về mắt

2508

Các bệnh về mắt

{tab=Cấu tạo mắt}

Cấu tạo mắt

1. Cấu trúc của mắt

Mắt (organon visus) gồm có nhãn cầu, thần kinh mắt và những bộ phận phụ thuộc như mí mắt, lông mi, các cơ mắt, các cân mạc, tuyến lệ và các màng tiếp hợp.

Nhãn cầu (bulbus oculi) là phần chính yếu nhất, thường được so sánh với chiếc máy ảnh vì đặc tính chính xác quang học của nó.

Nhãn cầu gồm 3 lớp màng có tên gọi là:

  • Màng ngoài gồm củng mạc và phía trước biến đổi thành giác mạc.
  • Màng giữa là màng bồ đào, thân bè và mạch lạc mạc, chứa nhiều mạch máu, phía trước dày lên thành cơ thể mi và mống mắt.
  • Màng trong là võng mạc, chứa các tế bào nhận cảm ánh sáng là tế bào gậy và tế bào nón.

Chức năng cơ bản của mắt:

  • Là hệ quang học, thu chụp lấy hình ảnh.
  • Là hệ thống thu nhận và “mã hoá” thông tin cho đại não.
  • Là một cơ quan chức năng, “phục vụ” cho sự sống con người.
  • Thể thủy tinh: giữ vai trò của một thấu kính để hội tụ ánh sáng trên võng mạc. Nó được treo bởi các dây chằng tròn với cơ thể mi. Giữa giác mạc và thể thủy tinh là thủy dịch, giữa thể thủy tinh và võng mạc là dịch kính. Cả hai chất dịch này giữ cho mắt không bị xẹp.
  • Tiền phòng và hậu phòng: Chỗ hõm giữa giác mạc và mống mắt được gọi là tiền phòng, đối lại chỗ hõm đóng kín quanh sau mống mắt và phần thắt ngang thủy tinh thể (thấu kính mắt) được gọi là hậu phòng. Cả hai phòng đều chứa đầy thủy dịch.
  • Con ngươi (đồng tử): là lỗ tròn giữa màng mống mắt. Phần lớn nhất của hõm sau thủy tinh thể chứa đầy một chất trong suốt gọi là dịch kính (corpus vitreum). Cái băng đỡ thủy tinh thể được gọi là vùng bè (mi) (zonula ciliaris zinni) căng ra giữa màng ngang thủy tinh thể và thân bè (corpus ciliare).
  • Các cơ của mắt: cũng tham gia vào một số chức năng của mắt. Các cơ mống mắt giúp điều chỉnh đường kính đồng tử. Cơ thể mi có thể làm thay đổi độ cong của thể thủy tinh. Các cơ ngoài mắt điều khiển mắt quay về phía mục tiêu thị giác.

Giác mạc, tiền phòng, con ngươi, thủy tinh thể (thấu kính) và dịch kính có chức năng cho xuyên qua và phản chiếu tia sáng, vì vậy chúng được gọi là môi trường xuyên ánh sáng. Võng mạc và thần kinh mắt tuần tự là những bộ phận tiếp nhận và truyền dẫn xung động ánh sáng. Phần giữa của võng mạc được gọi là hoàng điểm (macula lutea) có chức năng nhạy cảm nhất.

2. Cấu trúc võng mạc

Võng mạc được cấu tạo bởi mười lớp. Lớp ngoài cùng chứa sắc tố và vitamin A. Sắc tố có vai trò ngăn cản sự phản chiếu ánh sáng trong toàn nhãn cầu, sẽ khiến cho hình ảnh sẽ bị mờ. Vitamin A rất cần thiết để thành lập quang sắc tố.
Võng mạc là một bộ phận nằm phía sau khối tinh thể mắt, chứa các tế bào đặc biệt, có thể goị là tế bào “nhận ảnh” (chúng nhạy với ánh sáng) và các tế bào thần kinh. Các tế bào nhận ảnh có hai loại: hình dẹt và hình que dài. Chúng có chức năng chuyển quang năng thành điện năng cho hệ dây thần kinh, ở đây phản ứng hoá xảy ra.
Các tế bào que dài rất nhạy với ánh sáng, chúng cho phép ta nhìn thấy các vật trong điều kiện thiếu ánh sáng, giúp cho tầm nhìn được xa hơn .Các tế bào nhận ảnh hình dẹt thì ngược lại cần nhiều ánh sáng, nhưng lại cho ta nhận biết các chi tiết rất nhỏ của vật ta nhìn vào, đảm bảo tập trung thị lực vào một điểm và giúp phân biệt các màu khác nhau. Loại tế bào thứ hai nằm tập trung vào một chỗ, chúng quyết định sự tinh tường của thị giác.
Võng mạc tiếp giáp với lớp mao dẫn của mắt, nhưng nhiều chỗ độ tiếp giáp yếu. Khi võng mạc bị bệnh thì độ tiếp giáp càng yếu đi.

(Theo Website Bệnh Viện Mắt Cao Thắng – Bệnh viện Mắt Quốc Tế Việt Nga)

{tab=Cận thị}

Cận thị là một tật khúc xạ ở mắt. Người bị cận thị có thể nhìn bình thường đối với những mục tiêu ở cự ly gần, nhưng không nhìn rõ đối với những mục tiêu ở cự ly xa nếu mắt không điều tiết. Nguyên nhân của cận thị là do giác mạc vồng quá hoặc do trục trước – sau của cầu mắt dài quá khiến cho hình ảnh không hội tụ đúng võng mạc như mắt bình thường mà lại hội tụ ở phía trước võng mạc.
Bình thường tia sáng hội tụ khi đi qua giác mạc, thủy tinh thể để rơi đúng vào mặt phẳng võng mạc, chuyển thông tin lên não và cho hình ảnh rõ nét.

Mắt cận thị, vì sức hội tụ quá mạnh hoặc là nhãn cầu quá dài, ánh sáng hội tụ trước mặt phẳng võng mạc, kết quả là hình ảnh ở xa bị mờ đi, tuy nhiên các hình ảnh ở gần thường vẫn rõ nét.

Để điều chỉnh hiện tượng này có thể dùng kính đeo, kính tiếp xúc để đưa hình ảnh hội tụ về mặt phẳng võng mạc. Ngoài ra còn có thể dùng Excimer laser để làm phẳng hơn độ cong giác mạc.

{tab=Viễn thị}

Viễn thị là một tật liên quan đến khúc xạ ở mắt. Người bị viễn thị có thể nhìn bình thường đối với những mục tiêu ở cự ly xa, song không nhìn rõ những mục tiêu ở cự ly gần. Nguyên nhân của viễn thị là giác mạc dẹt quá hoặc trục trước – sau của cầu mắt ngắn quá khiến cho hình ảnh không hội tụ ở đúng võng mạc như mắt bình thường mà lại hội tụ ở phía sau võng mạc. Một thấu kính lồi phù hợp có thể giúp điều chỉnh điểm hội tụ về đúng võng mạc.
Mắt viễn thị, vì sức hội tụ quá yếu hoặc nhãn cầu quá ngắn, ánh sáng hội tụ sau mặt phẳng võng mạc, kết quả là hình ảnh ở gần và thường là cả hình ảnh ở xa bị mờ đi.

Để điều chỉnh hiện tượng này có thể dùng kính đeo, kính tiếp xúc để đưa hình ảnh hội tụ về mặt phẳng võng mạc. Ngoài ra còn có thể dùng Excimer laser để làm tăng hơn độ cong giác mạc.

{tab=Loạn thị}

Loạn thị là một tật về mắt liên quan đến khúc xạ. Ở mắt bình thường, các tia hình ảnh sau khi đi qua giác mạc thì được hội tụ ở một điểm trên võng mạc. Nhưng ở mắt loạn thị, các tia hình ảnh lại được hội tụ ở nhiều điểm trên võng mạc khiến cho người loạn thị thấy hình ảnh nhòe, không rõ. Nguyên nhân của loạn thị là giác mạc có hình dạng bất thường khiến khả năng tập trung ánh sáng của giác mạc bị giảm đi. Loạn thị có thể đi kèm với cận thị thành tật cận loạn, hoặc đi kèm với viễn thị thành tật viễn loạn.
Trên mắt loạn thị, giác mạc không đều ở các phía. Nhãn cầu không giống như trái banh tròn mà lúc này giống như trái banh bầu dục, chổ này có độ cong lớn hơn chỗ kia. Loạn thị có thể đơn thuần một mình nó hay phối hợp với cận thị hoặc viễn thị.

Người loạn thị nói chung nhìn mọi vật bị mờ và biến dạng. Hiện tượng này có thể điều chỉnh dùng kính đeo, đôi khi bằng kính tiếp xúc nhưng ít khi thành công. Có thể điều trị bằng Excimer laser, mục đích để tạo hình lại giác mạc.

{tab=Đau mắt đỏ}

Đau mắt đỏ (hay nhặm mắt) dùng để chỉ một số các bệnh viêm kết mạc. Viêm kết mạc có nhiều nguyên nhân nhưng hầu hết chỉ gồm 5 nguyên nhân chính. Mỗi nguyên nhân có một sắc thái bệnh riêng, nếu chú ý đến các sắc thái riêng biệt này, ta có thể chẩn đoán đúng nguyên nhân bệnh và xác định được hướng điều trị.

Viêm kết mạc là gì ?

Viêm kết mạc là tình trạng viêm màng nhầy bao phủ tròng trắng của mắt và lớp sau mi mắt. Một số nguyên nhân chính gây viêm kết mạc là nhiễm khuẩn, nhiễm siêu vi, dị ứng, mắt khô, viêm bờ mi và những phản ứng độc hại ở mắt.
Viêm kết mạc thường nhẹ, tự giới hạn và nếu biết rõ nguyên nhân gây bệnh thì vấn đề điều trị cũng dễ dàng. Thường mỗi loại viêm kết mạc sẽ có một dấu hiệu và triệu chứng chuyên biệt. Ðể ý đến những triệu chứng chuyên biệt này, ta có thể chẩn đoán được nguyên nhân cũng như cách phòng ngừa và điều trị.

Các loại viêm kết mạc

  • Viêm kết mạc do vi khuẩn:

– Dấu hiệu chủ quan (bệnh nhân thấy): Buổi sáng mắt dính, khó mở, ghèn nhiều.
– Khám nghiệm: Có nhiều ghèn (thường ở một mắt), mắt có màu đỏ như thịt bò tươi.
– Ðiều trị: Dùng kháng sinh nhỏ và uống.

  • Do siêu vi:

– Dấu hiệu chủ quan: Chảy nước mắt nhiều, cảm giác có vật lạ ở trong mắt. Lây lan thường xuất hiện vào mùa có dịch.
– Khám nghiệm: Mắt đỏ nhiều, sưng. Thường bị cả hai mắt, có thể chảy máu ở tròng trắng, có hạch hai bên dái tai, đôi khi sốt.
– Ðiều trị: Nhỏ thuốc sát trùng, kháng sinh ngừa bội nhiễm. Giữ vệ sinh mắt để tránh lây lan.

  • Viêm kết mạc do dị ứng:

– Dấu hiệu chủ quan: Ngứa nhiều, chảy nước mắt, tái phát thường xuyên. Bệnh không lây lan, thường xuất hiện theo mùa.
– Khám nghiệm: Phù tròng trắng, lộn mi thấy có những hột ở mắt.
– Ðiều trị: Nhỏ hoặc uống thuốc dị ứng, nhỏ nước mắt nhân tạo. Ðắp gạc lạnh lên mắt.

  • Mắt khô:

– Dấu hiệu chủ quan: Cảm giác như phỏng, khô, dính mắt, không muốn mở mắt, như có vật lạ trong mắt.
– Khám nghiệm: Tròng trắng không bóng. Thấy ở những người ít nhắm mắt, làm việc trong môi trường khô (như làm việc trước màn hình vi tính trong thời gian lâu, nơi gió cát), người cao tuổi, uống các loại thuốc dị ứng, an thần… lâu ngày hay nhỏ thuốc trị cườm nước.
– Ðiều trị: Nhỏ nước mắt nhân tạo, tránh nơi gió cát, khô.

  • Viêm bờ mi:

– Dấu hiệu chủ quan: Mắt đỏ kinh niên (ở bờ mi mắt), cảm giác như có vật lạ. Khi nặng sẽ làm mắt toét.
– Khám nghiệm: Có vảy chân lông mi, bờ mi đỏ.
– Ðiều trị: Uống và nhỏ kháng sinh, chủ yếu dùng nhóm Tetracycline, thường do mắt hột (chữa mắt hột).

  • Viêm do nhiễm độc:

– Dấu hiệu chủ quan: Không đỏ nhiều nhưng bị kinh niên không lúc nào dứt. Có tiền căn dùng nhiều loại thuốc nhỏ lâu dài chứa chất bảo quản gây độc cho mắt. Mắt có cảm giác khó chịu, không có ghèn, không nhức.
– Khám nghiệm: Lộn mi thấy có sẹo, không đỏ nhiều.
– Ðiều trị: Xem lại các thuốc đã nhỏ có chứa loại chất bảo quản nào không? (như Benzakonium gây độc cho mắt).
Nên dùng các loại thuốc nhỏ không có chất bảo quản.

  • Glaucoma cấp:

– Dấu hiệu chủ quan: Ðỏ nhiều ở một mắt, lan lên đầu gây nhức đầu (thường xuất hiện ở người trên 45 tuổi). Xuất hiện về đêm làm mắt mờ, nhìn vòng màu.
– Khám nghiệm: Ðồng tử nở, có vòng đỏ quanh tròng đen, đo thấy nhãn áp cao.
– Ðiều trị: Ðây là một bệnh nguy hiểm trong nhãn khoa, cần đến bác sĩ khám kịp thời.
Bệnh đau mắt đỏ rất thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Có những loại nguy hiểm cần điều trị gấp, nhưng cũng có loại nhẹ chỉ thoáng qua mà không cần điều trị. Quan trọng là chúng ta phải biết cách nhận biết những dấu hiệu để chẩn đoán đúng nguyên nhân và điều trị thích hợp nhằm tránh những tổn hại về sau.

Viêm kết mạc – bệnh thường gặp trong mùa hè

Bệnh thường dễ bùng phát thành dịch vào mùa hè.Các trường hợp viêm kết mạc thường có triệu chứng chung là: bệnh nhân khó chịu vì cộm trong mắt, chảy nước mắt, thường có dử và tinh chất nhầy, sáng dậy hay dính tịt hai mi lại. Kết mạc phù nề, đỏ do các mạch máu sung huyết. Trong những tháng nắng nóng do gió, bụi bẩn, thu hoạch thóc lúa, môi trường ô nhiễm… thường có những đợt viêm kết mạc rộ lên. Bệnh làm giảm tạm thời khả năng lao động và nếu không điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng nặng (viêm giác mạc), dẫn đến giảm thị lực.
Để phòng ngừa viêm kết mạc, bệnh nhân cần đến khám sớm tại các bệnh viện có chuyên khoa mắt. Các bác sĩ sẽ kê đơn điều trị bằng thuốc kháng sinh (amociclin, tetraciclin…) và thuốc chống phù nề (alfacymotrypcin…). Ngoài các thuốc uống, bệnh nhân còn được dùng thuốc kháng sinh dạng nước, dạng mỡ dùng tại chỗ như thuốc nhỏ mắt cebemycin, tobrex, maxitrol, mỡ posyciclin, cebemycin…
Viêm kết mạc do vi khuẩn gram âm Koch-Weeks gây ra thường hay lây và dễ thành dịch. Có trường hợp từ một người lây cho cả nhà rồi lan ra cộng đồng, nhất là ở cơ quan, trường học… Nguyên nhân lây bệnh chủ yếu là không tôn trọng các quy tắc vệ sinh chung (tay rửa không sạch, dùng chung đồ dùng (tay nắm cửa, khăn, chậu…). Viêm kết mạc virus, viêm kết mạc họng hạch còn lây qua đường hô hấp do vi khuẩn sống trong nước bọt, độ lây lan lan rất cao. Cách phòng bệnh tốt nhất là đi khám sớm, cách ly người bệnh, tôn trọng quy tắc vệ sinh. Không được tự điều trị ở nhà bằng cách xông lá trầu, lá dâu, đắp lá vào mắt… vì có thể gây chảy máu, nhiễm trùng thêm nặng.

(Theo : BS. NGUYỄN CƯỜNG NAM, BS. NGUYỄN VĂN VẤN, Sức Khoẻ & Đời Sống)
{/tabs}

{tab=Dị ứng ở mắt}

Các ca dị ứng mắt đi khám tăng nhanh trong những năm gần đây. Các yếu tố gây bệnh là sự ô nhiễm môi trường sống, mất cân bằng dinh dưỡng, tình trạng dùng thuốc, hóa chất, mỹ phẩm bừa bãi…

Cơ quan nào tiếp xúc càng nhiều với môi trường thì càng dễ bị dị ứng; vì vậy mắt thuộc nhóm cơ quan có nguy cơ cao. Phần bên ngoài của mắt lại luôn ẩm ướt, làm tăng khả năng bám dính và kích ứng của các kích thích và dị nguyên. Nhờ có nước mắt, các dị nguyên có thể nhanh chóng bị rửa trôi, nhưng chỉ cần một thời gian rất ngắn, chúng cũng đã có thể gây ra các biểu hiện dị ứng tại mắt.

Kết mạc – dân gian gọi là lòng trắng – có hệ mạch phong phú, là cửa ngõ của mắt, tập trung nhiều tế bào có khả năng miễn dịch cao nên hay bị dị ứng nhất.
Một số bệnh dị ứng ở mắt:

Viêm kết mạc dị ứng: Là bệnh thường gặp nhất. Các triệu chứng chủ yếu là ngứa mắt, chảy nước mắt, tăng tiết gỉ mắt với các đặc điểm: màu trong, dai dính, lỏng như nước cháo, đôi khi đặc quánh; Nặng hơn thì phù nề, co quắp mi, sợ ánh sáng. Các thể bệnh đặc biệt trong nhóm này đã được y văn nhắc tới nhiều như viêm kết mạc có nhú khổng lồ ở người mang kính tiếp xúc. Tại mi cũng có thể có các biểu hiện viêm nhiễm song hành.

Viêm giác mạc: Do là một tổ chức vô mạch, được nuôi dưỡng nhờ oxy và thẩm thấu nên các biểu hiện dị ứng có vẻ âm thầm và hiếm gặp hơn. Các viêm nhiễm của giác mạc thường do dị ứng với những yếu tố nội sinh như: viêm giác mạc kẽ do dị ứng độc tố vi khuẩn lao – xoắn khuẩn giang mai, viêm giác mạc dạng nốt do dị ứng liên cầu, viêm giác mạc sau nhiễm virus herpes, thủy đậu, zona…
Hiếm gặp hơn là viêm nhiễm tại củng mạc và thượng củng mạc, trong đó viêm thượng củng mạc dạng nốt cũng được nhiều người cho là do dị ứng.
Viêm bên trong nhãn cầu: Tuy khó có dị nguyên nào lọt vào được nhưng chúng ta vẫn có thể gặp các bệnh lý dị ứng. Điển hình là trong một số bệnh cảnh, chất nhân của thể thủy tinh đã lọt ra ngoài bao của nó và lần đầu tiên tiếp xúc với môi trường bên trong nhãn cầu. Chất nhân thể thủy tinh với bản chất là một dị nguyên nội sinh có thể gây ra những bệnh cảnh nặng nề cho mắt như: viêm màng bồ đào dị ứng chất nhân, glaucoma do thể thủy tinh.

Các viêm nhiễm tại mắt có thể là một phần hoặc đi kèm với các bệnh dị ứng của các hệ cơ quan khác như dị ứng phấn hoa, viêm mũi xoang dị ứng, dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc, hen, chàm… Tại Mỹ, người ta kết luận có tới 25% các khó chịu tại mắt là do dị ứng.
Để điều trị, phải loại trừ nhanh chóng các dị nguyên ra khỏi mắt. Tự bản thân bệnh nhân có thể rửa mắt bằng nước lạnh, nước muối sinh lý, nước mắt nhân tạo. Chườm lạnh cũng là phương pháp hữu hiệu để giảm phù mi, giảm ngứa và kích thích do làm co mạch và ổn định màng tế bào có chức năng miễn dịch. Bệnh nhân cần tránh day, dụi, xoa, ấn tại mắt.
Bác sĩ nhãn khoa có thể cho dùng các thuốc nhỏ mắt thuộc nhóm co mạch, kháng histamin, ổn định dưỡng bào, glucoco-rticosteroid. Các thuốc này sẽ đẩy lui và giúp giảm nhanh các khó chịu tại mắt. Tuy nhiên, cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt thời gian dùng và liều lượng thuốc, bởi việc dùng tùy tiện hay lạm dụng các thuốc này có thể gây một số biến chứng như bệnh khô mắt, viêm do bội nhiễm nấm – herpes – vi khuẩn. Thuốc kháng histamin đường uống, vitamin C cũng có khi được khuyên dùng tùy theo bệnh cảnh.

Để phòng dị ứng, bệnh nhân phải tự cân nhắc nên tránh tiếp xúc với những dị nguyên, chất kích thích nào có thể gây dị ứng cho mắt. Các yếu tố gây dị ứng phổ biến là: phấn hoa, bụi nhà, bào tử nấm mốc, lông côn trùng và súc vật nuôi, nước hoa, xà phòng thơm, một số mỹ phẩm, thức ăn. Trong những năm gần đây, việc dùng kính tiếp xúc và các dạng dung dịch kèm theo cũng góp phần gia tăng các triệu chứng dị ứng tại mắt.
Khí hậu khô nóng ở nước ta cũng làm dị ứng dễ xuất hiện và là một yếu tố làm bệnh nặng thêm. Kính đeo các dạng tuy không ngăn cản triệt để được dị nguyên xâm nhập vào mắt, nhưng cũng giúp giảm đáng kể nguy cơ bị dị ứng và làm dịu các khó chịu tại mắt do dị ứng. Hãn hữu cũng gặp một số người bị dị ứng với chính gọng kính mà mình đang dùng, biểu hiện là đỏ da, mẩn ngứa, nổi mụn nước trên da mặt, da mi trùng với diện tiếp xúc của gọng kính và da.
Khi dùng mỹ phẩm trên mắt, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, nên xoa thử trên da cẳng tay để thử xem mình có dị ứng với loại mỹ phẩm đó không trước khi xoa lên mắt và mặt.

Khi thấy khó chịu tại mắt, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa, không tự tiện mua thuốc nhỏ. Khi bác sĩ kê đơn thuốc, cần báo cho bác sĩ biết về tiền sử dị ứng của bạn. Ngay cả khi các bác sĩ đã cân nhắc kỹ trước khi kê đơn thì khả năng dị ứng thuốc tra hoặc nhỏ mắt vẫn có thể xảy ra. Trong trường hợp này, nên đem đơn và thuốc đã dùng đến cơ sở chuyên khoa mắt gần nhất để được chẩn đoán và hiệu chỉnh. Phần lớn các trường hợp dị ứng thuốc tra – nhỏ mắt tuy có vẻ nghiêm trọng như phù mi, ngứa rát, chảy nước mắt… nhưng cũng qua đi rất nhanh nếu chúng ta dừng thuốc kịp thời và có những điều trị bổ sung xác đáng.

Uống nước – một cách phòng chống dị ứng
Một nghiên cứu gần đây của Allergy Research Group (Mỹ) cho thấy tác dụng làm giảm dị ứng rõ rệt của phương pháp tăng lượng nước uống hằng ngày. 7 bệnh nhân tuổi 16-54 được nghiên cứu sau khi đã loại trừ bệnh tim mạch, cao huyết áp, bệnh thận và có các chỉ số sinh hóa máu trong giới hạn bình thường. Họ có những biểu hiện dị ứng từ nặng đến rất nặng, chủ yếu là với phấn hoa, đã được điều trị bằng rất nhiều loại thuốc. Nhóm bệnh nhân này được dùng 10-14 cốc nước mỗi ngày, mỗi cốc có thể tích 200 ml. Các hoạt động thể lực, dinh dưỡng vẫn theo chế độ bình thường. Sau 28 ngày, các triệu chứng dị ứng đã giảm 70%, lượng thuốc phải dùng cũng giảm tương ứng khoảng 80%. Cũng cần lưu ý là không nên thay nước bằng một thể tích tương đương của rượu hay bia, vì các đồ uống này luôn làm dị ứng nặng thêm.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

{tab=Bệnh quáng gà}

Quáng gà là tình trạng bệnh lý ở mắt với biểu hiện nhìn kém vào ban đêm hay trong môi trường thiếu ánh sáng. Vào ban ngày hay trong môi trường đủ ánh sáng, bệnh nhân vẫn sinh hoạt bình thường, không có biểu hiện bệnh lý gì nhưng khi chiều xuống bệnh nhân thường thấy sinh hoạt khó khăn, tay chân quờ quạng, đi lại hay bị vấp ngã vì thế thường gây nguy hiểm cho bệnh nhân, đồng thời cũng tạo tâm lý mặc cảm buồn rầu, xa cách mọi người khi chiều đến, nhất là trẻ em thường trở nên chậm chạp ù lì không chơi đùa vì sợ gây đổ vỡ đồ đạc bị cha mẹ la mắng.

Tuy nhiên chúng ta cũng cần phải phân biệt với hiện tượng thích nghi bóng tối kém đó là biểu hiện khi thay đổi đột ngột từ vùng sáng sang vùng tối bệnh nhân cảm thấy mờ mắt, say sẩm mặt mày và phải nghỉ ngơi một lúc mới nhìn rõ trở lại, đây là tình trạng sinh lý bình thường chứ không phải mắc bệnh quáng gà.

Có nhiều nguyên nhân gây ra quáng gà trong đó phải kể đến bệnh lý liên quan đến gen di truyền như bệnh võng mạc sắc tố, bệnh lý của thần kinh thị giác, nhiễm độc thuốc và tình trạng thiếu vitamine A. Trong đó nguyên nhân do thiếu vitamine A là phổ biến nhất. Khi bệnh nhân có biểu hiện bị quáng gà, nếu điều trị thử bằng vitamine A mà bệnh nhân hết quáng gà thì nguyên nhân chính gây ra quáng gà là do thiếu vitamine A.
Tổn thương đáy mắt trong bệnh võng mạc sắc tố gây nên quáng gà

Thiếu vitamine A thường gặp ở trẻ em, nhất là ở những trẻ dưới 3 tuổi. Nguyên nhân là do khẩu phần ăn thiếu vitamine A, trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, trẻ mắc các bệnh đường tiêu hóa gan mật như tiêu chảy, viêm gan, sau khi mắc bệnh sởi… hoặc do trẻ lớn quá nhanh trong khi lựơng vitamine A cung cấp cho cơ thể thiếu nghiêm trọng. Ngoài triệu chứng quáng gà, trẻ thiếu vitamine A còn bị khô da, tóc khô giòn dễ rụng.
Tùy theo nguyên nhân gây ra bệnh quáng gà mà có phương pháp điều trị cụ thể, trường hợp quáng gà do thiếu vitamine A sẽ được bổ sung bằng vitamine A liều cao. Tuy nhiên để được chẩn đoán chính xác tình trang bệnh lý và nguyên nhân gây bệnh, khi có biểu hiện quáng gà, chúng ta cần phải đến khám ngay ở các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được điều trị đúng và kịp thời.
Ngoài các nguyên nhân do di truyền, quáng gà do thiếu vitamine A hoàn toàn có thể phòng tránh bằng chế độ dinh dưỡng giàu vitamine A. Với các sản phụ đang mang thai cần bổ sung các loại thức ăn có nhiều vitamine A hoặc tiền chất của vitamine A như trứng, gan, các loại rau xanh, rau củ quả như cà rốt, cà chua…, với những trẻ không được bú mẹ hoặc đã cai sữa nên ăn dặm thêm các chất có chứa vitamine A. Tích cực phòng tránh và chữa trị kịp thời các bệnh mãn tính mà trẻ mắc phải như bệnh đường tiêu hóa, hô hấp, sởi…và sớm bổ sung thêm thức ăn có chứa vitamine A. Đồng thời đưa trẻ đi uống vitamine A định kỳ theo chương trình quốc gia phòng chống mù lòa do thiếu vitamine A.

(Theo Website Khoa Mắt- BV Quốc Tế An Sinh)

{tab=Bệnh chắp ở mắt}

Chắp là một u hạt xuất phát từ tuyến của sụn mi bị bít tắc. Chất bã ứ đọng xâm nhập các mô lân cận và gây viêm hạt mạn tính. Tổn thương tiêu đi sau nhiều ngày đến nhiều tháng, khi chất lipit xâm nhập bị thực bào tiêu diệt; có thể còn lại một phần nhỏ mô sẹo.

Chắp rất thường gặp và có nhiều dạng. Chắp bên ngoài là một nốt đỏ ở mi mắt, kích thước và độ rắn giống như hạt đậu. Chắp bên trong thường kín đáo hơn, nằm ở mặt trong của mi mắt, tức là phần kết mạc của mi, khi lật mi ra chúng ta có thể nhìn thấy được, trong một số trường hợp còn có thể thấy đầu mủ trắng của chắp. Nhiều trường hợp đa chắp, tức là có rất nhiều đầu chắp trên một mi hay cả hai mi, thậm chí hai mắt.

Chắp có thể khởi phát cấp tính hoặc âm ỉ. Hầu hết chắp đều vô trùng, do đó dùng kháng sinh không có giá trị gì.
Chườm nóng có thể làm giảm triệu chứng đau đối với các tổn thương sớm. Chắp thường tự tiêu tan sau nhiều tuần. Những chắp to hoặc chắp dai dẳng có thể sử dụng corticoid nhưng phải được bác sĩ khám và theo dõi. Cũng có thể chích chắp, hoặc kết hợp cả hai phương pháp. Ngoài ra, lạnh đông hay laser được sử dụng thử nghiệm với một số trường hợp và cho kết quả tốt.

 

Các ung thư tại mi mắt như (ung thư biểu mô tế bào đáy hay ung thư biểu mô tuyến bã) có thể bị chẩn đoán nhầm là chắp. Vì vậy, nếu chắp dai dẳng, kéo dài hay không điển hình, đặc biệt là ở người lớn tuổi, cần xét nghiệm mô bệnh học.
BS Nguyễn Quốc Anh, Sức Khỏe & Đời Sống

{tab=Bệnh khô mắt}


Bệnh khô mắt là bệnh diễn tiến âm ỉ kéo dài, khó chẩn đoán chính xác nếu bác sĩ không chịu tìm hiểu kỹ, gây khó chịu cho bệnh nhân đồng thời nếu không chữa trị đúng cách thì có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm cho người mắc phải.

Tìm hiểu về bệnh khô mắt

Khô mắt là tình trạng tổn thương của lớp phim nước mắt do sự giảm tiết nước mắt hoặc tăng sự bốc hơi (có bệnh nhân nước mắt chảy ròng ròng nhưng vẫn bị khô mắt do bị bốc hơi quá nhiều), gây tổn hại bề mặt nhãn cầu và tạo ra một số dấu hiệu khó chịu.
Khoảng 95% nước mắt được tiết ra từ tuyến lệ chính nằm ở phần ngoài của mi trên, 5% còn lại được tiết ra bởi tuyến phụ nằm dưới giác mạc. Phim nước mắt có tác dụng làm ẩm bề mặt giác mạc, kết mạc, bôi trơn mi mắt, cung cấp dinh dưỡng và dưỡng khí cho tế bào biểu mô đồng thời có vai trò miễn dịch giúp ức chế sự phát triển của vi trùng.
Chúng ta có thể thấy trẻ sơ sinh trong thời gian một tháng đầu khóc không có nước mắt, bởi thể mắt chúng không tự miễn dịch. Phim nước mắt còn có vai trò quang học giúp bề mặt giác mạc trơn láng, đẩy đi những chất lạ như bụi cát, dị vật… bám vào mắt bằng cách tiết ra nước mắt.
Việc chớp mắt (nháy mắt) bình thường, mỗi người nháy mắt 15 lần/phút, thời gian giữa 2 lần nháy là 2,8 giây (ở nam) và 4 giây (ở nữ), với cơ chế nháy máy này giúp đưa nước mắt phủ đều lên nhãn cầu không bị khô mắt.
Khô mắt có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi thành phần trong xã hội nhưng đối tượng có nguy cơ cao là nhân viên văn phòng (do sử dụng thường xuyên máy vi tính) và người già, phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh. Theo thống kê của các chuyên gia nhận thấy thì lứa tuổi từ 30-60 chiếm 11%, người già trên 65 tuổi chiếm 15%, tỉ lệ còn lại rơi vào phụ nữ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh, người đeo kính sát tròng, người có bệnh tự miễn, người đã mổ Lasik do cận thị.
Có rất nhiều nguyên nhân gây khô mắt như tuổi tác, môi trường bị ô nhiễm (khói thuốc lá, máy lạnh, gió…), giảm chớp mắt do mắt bị tổn thương, sử dụng máy tính nhiều, các nguyên nhân như do bệnh lý khác mang tới như: viêm toàn thân (bệnh thấp khớp, bệnh Lupus…), tiểu đường, bướu giáp, thay đổi tình trạng nội tiết tố trong cơ thể (uống thuốc ngừa thai, có thai, mãn kinh…), dùng thuốc chữa bệnh của các bệnh khác. v.v…
Dấu hiệu khi bệnh khô mắt thường gặp là khó chịu, cảm giác khô, rát bỏng, người bệnh như thấy có dị vật, hạt sạn trong mắt, nhìn khi mờ khi tỏ, ngứa, sợ ánh sáng, đỏ mắt, tăng tiết nhầy, chảy nước mắt. Những triệu chứng này đôi khi rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý khác như viêm kết mạc (đỏ, đổ ghèn) hay viêm giác mạc (đỏ, sợ ánh sáng) nhưng 2 bệnh này cấp tính, lây lan nhanh, nhức nhối và cũng nhanh hết hơn khô mắt.

Chẩn đoán và điều trị đúng cách
Khi có những dấu hiệu trên kéo dài, tốt nhất người bệnh nên đến những cơ sở y tế hay chuyên khoa về mắt để được chẩn đoán và điều trị đúng cách, bởi đây không phải là bệnh cấp tính nhưng nếu không điều trị, trước tiên sẽ gây cảm giác khó chịu cho người mắc, để lâu dễ gây tổn thương giác mạc và là cơ hội cho bệnh loét giác mạc, mà loét giác mạc xem như thua vì đây là bệnh rất khó chữa, có thể dẫn đến mù lòa!
Để định đúng bệnh này, người bệnh sẽ được bác sĩ chuyên khoa mắt thăm hỏi quá trình diễn tiến bệnh, khám toàn thân, khám mắt dưới kính hiển vi, đồng thời sẽ được thực hiện một số xét nghiệm chuyên biệt để có thể chẩn đoán rõ ràng, chính xác.
Khô mắt không chỉ là một bệnh mà là một tổn thương do nhiều yếu tố phức tạp tạo thành nên việc điều trị phải gồm sự kết hợp nhiều liệu pháp. Những biện pháp điều trị thường được áp dụng là: vệ sinh bờ mi (chườm nóng mi, xoa mi mắt), đóng điểm lệ, chườm nóng lạnh, dinh dưỡng, đeo kính giữ ẩm và liệu pháp thay thế nước mắt nhân tạo. Nước mắt nhân tạo là một loại dung dịch nhỏ mắt chứa polyme tan trong nước, hiện có 3 dạng: nước, nước-mỡ (liq-uidgel), mỡ (gel).
Trên thị trường hiện có rất nhiều loại nước mắt nhân tạo, các bác sĩ khuyên nên sử dụng loại không có chứa chất bảo quản, nếu có thì chỉ nên dùng loại có chứa 2 chất thay thế không ô xy hóa Purite và Polyquad (ít độc tính), không nên dùng loại có chất bảo quản bảo quản BAK (Benzalkonium) độc tính cao. Việc dùng thuốc nói chung phải tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của thầy thuốc chuyên khoa, tùy theo loại hội chứng khô mắt.

Phòng tránh chứng khô mắt
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới khô mắt, vì vậy tùy theo công việc cũng như điều kiện có thể gây ra, sau đây là một số biện pháp phòng tránh đối với một số hội chứng khô mắt thường gặp: 

Hội chứng khô mắt ở nhân viên văn phòng

 

Do làm việc trong môi trường máy lạnh (khô) và làm việc với vi tính liên tục (giảm tần số chớp mắt, tăng bốc hơi của phim nước mắt), vì thế đối tượng này nên uống nhiều nước, chú ý vị trí ngồi, đừng ngồi ngay luồng gió bay ra của máy lạnh và quạt gió, cần thời gian nghỉ giải lao, nên nhắm mắt vài giây trong mỗi 30 phút (để nước mắt tráng đều qua giác mạc), khi có điều kiện thuận tiện nên nhắm mắt lại! Nên bố trí đèn, màn hình máy vi tính ở vị trí thích hợp.
Hội chứng khô mắt sau mổ Lasik và người dùng kính tiếp xúc (kính sát tròng).

 

Ở hai trường hợp này: một do tổn thương trong lúc phẫu thuật, một do thay đổi thành phần và tăng sự bốc hơi của phim nước mắt, giảm số lần chớp mắt nên cách phòng ngừa tốt nhất là sử dụng kính đúng cách và dùng nước mắt nhân tạo trong thời gian dài (6 tháng đối với Lasik và thường xuyên với kính sát tròng).

Hội chứng khô mắt và viêm kết mạc dị ứng:
Viêm kết mạc dị ứng thường kèm theo khô mắt do rối loạn quá trình tiết nước mắt và tác dụng phụ của thuốc vì thế nên điều trị phối hợp với nước mắt nhân tạo.

(Theo Sức khỏe và đời sống)

{/tabs}