Các bệnh về tai

1493

Bệnh về Tai


{tab=Bệnh học}
A- Đại Cương
1- Sự Liên Hệ Giữa Tai Và Tạng Phủ

+ Theo YHCT

Thiên ‘Tà Khí Tạng Phủ Bệnh Hình’ (Linh Khu 4) ghi: “Thập nhị kinh mạch, tam bách lục thập ngũ lạc, kỳ huyệt khí giai thượng vu diện nhi tẩu không khiếu… Kỳ liệt khí tẩu vu nhi vi thính…” (Khí huyết của 12 Kinh Mạch, 365 Lạc, khí huyết đều chạy lên mặt, tưới nhuần các khiếu (ngũ quan)… Khí huyết đi ra trước vào tai, làm cho nó nghe được…).

Thiên ‘Kinh Mạch’ (Linh Khu 10) cũng ghi lại sự tuần hành của 6 kinh Dương đi qua vùng tai. Tuy 6 kinh âm không trực tiếp đi qua tai nhưng các kinh Biệt của các kinh Âm này hợp với kinh Biệt của 6 kinh Dương, vì vậy cũng có liên hệ với Tai.

Thiên ‘Mậu Thích’ (Tố Vấn 63) ghi: “Năm Lạc của thủ túc Thiếu âm, Thái âm, túc Dương minh đều hội trong tai”.

Thiên ‘Khẩu Vấn’ (Linh Khu 28) ghi: “ Nhĩ vi tổng mạch chi số tụ”(Tai là nơi tụ tập của các mạch).

Thiên ‘Mạch Độ’ (Linh Khu 17) ghi: “Thận khí thông ra tai, Thận bình thường thì có thể nghe được”.

Các đoạn trích dẫn trên cho thấy có sự liên hệ giữa tai và các Tạng phủ, cơ quan.

+ Theo YHHĐ

Từ năm 1959, các nhà giải phẫu đã nêu ra sự liên hệ giữa các cơ quan tạng phủ và loa tai qua:

Các đường tuỷ, nhờ các đám rối cổ nông là nơi đã phát ra dây thần kinh tai to.

Não bộ: chủ yếu dựa vào dây thần kinh sinh ba và nhờ vào dây trung gian Trisberrg và dây lưỡi hầu.

Hệ thần kinh thực vật qua các sợi của thần kinh giao cảm và phó giao cảm (kích thích ống tai ngoài gây nấc, ợ hơi, xoa nắn tai gây sôi bụng, nuốt

2- Sinh lý học tai

Theo sinh lý học, tai giữ hai nhiệm vụ chính:

1. Tiếp Nhận Âm Thanh: giúp người ta nghe được, nhờ các cấu tạo khá đặc biệt từ ngoài vào trong (vì thế có trường hợp do điếc dẫn truyền, liên hệ với tai ngoài, và điếc tiếp nhận liên hệ với tai trong). Sách ‘Nội Kinh’ gọi tai là Thám Thính Quan (vị quan chủ về nghe).

2. Điều Hòa Thăng Bằng Cơ Thể: do chức năng của tiền đình ở tai trong. Khi tiền đình bị tổn thương cơ thể sẽ không giữ được thăng bằng. Tiền đình bên phải bị tổn thương sẽ lệch đầu và mất thăng bằng về bên trái và ngược lại. Trong các sách Đông Y xưa cũng có mô tả một số trường hợp chóng mặt do hỏa bốc lên (làm tổn thương tiền đình ?) gây nên.

Theo YHCT: Tai có liên hệ tới Thận (Thận khai khiếu ở tai – Thận khí thông lên tai), đến Can, Đởm, Tam tiêu (đường kinh vận hành) và cũng là nơi hội tụ các tông mạch.

Loa tai cũng có liên hệ đối với toàn bộ cơ thể: Loa tai là hình ảnh của bào thai lộn ngược. Do đó qua quan sát tai, có thể biết được phần nào bệnh lý của tạng phủ bên trong cơ thể, đồng thời trị liệu ở tai (Nhĩ Châm Liệu Pháp) có thể phòng và trị bệnh ở cơ thể.
B- Triệu chứng

Trên lâm sàng, thường gặp 5 loại chứng chính về tai:

1. Tai chảy máu: do hỏa ở Thiếu dương hợp với thấp bốc lên, tương ứng với chứng viêm tai giữa của YHHĐ.

2. Tai đau, tai sưng, tai chảy nước, tai chảy mủ … do Can, Đởm và Tam tiêu có thấp, hỏa bùng lên, hoặc do ngoại thương… tương ứng với các chứng: Nhọt ống tai ngoài, Viêm tai giữa, Viêm xương chũm…

3. Tai ù như ve kêu, do Can Thận âm hư.

4. Nghe kém, nếu không do ngoại vật gây tổn thương màng nhĩ, thì do khí của Can, Thận uất kết không thông được lên tai.

5. Chóng mặt do Can Thận âm hư, tương ứng chứng rối loạn tiền đình do tai trong

Mạch hoà hoãn thường do ngoại thương.

Mạch Huyền, Sác thuộc thực hoả của Tam tiêu và Can Đởm.

Mạch Hư, Tế thường do Thận hư.
C- Nguyên Tắc Điều Trị

Theo Hải Thượng Lãn Ông (Ấu Ấu Tu Tri – quyển Thủy) thì khi điều trị tai cần chú ý:

Do nhiệt: nên thanh hỏa, dưỡng huyết, trừ thấp, tiêu độc.

Do âm hư: nên sơ Can, tư âm.

Do can phong: nên bình Can, trừ nhiệt, sơ phong.

Do khí bế tắc: nên làm cho khí bế tắc được thư thái, huyết được điều hòa, còn bên ngoài dùng thuốc đạo dẫn và tuyên thông.

Do khí hư trong bào thai: thì tiêu độc và tư nhuận phần âm.

Do ngoại nhân: dùng cách chữa bên ngoài.

Một số phương pháp điều trị thường dùng:

1- Sơ Phong Thanh Nhiệt: Thường dùng phép Tân lương giải biểu để trị phong nhiệt xâm nhập vào tai hoặc phong hàn hóa nhiệt gây nên. Có các biểu hiện như sốt, sợ gió, đau đầu, lưỡi trắng, mạch Phù. Thường dùng các bài Ngân Kiều Tán (26), Tang Cúc Ẩm (47). Các vị thuốc thường dùng là Kinh giới, Cúc hoa, Tang diệp, Ngân hoa, Hạ khô thảo. Phối hợp với Tân di, Thương nhĩ tử, Thạch xương bồ là các loại thuốc để thông khiếu

2- Tả Hỏa, Giải Độc: Thường dùng thuốc loại hàn lương tả hỏa để thanh tả nhiệt uẩn kết bên trong. Dùng trong trường hợp tà độc truyền vào phần biểu, nhiệt độc ủng tắc nhiều ở tai gây nên đau, sưng, lở loét. Thường thấy sốt cao, họng khô, lưỡi đỏ tím, mạch Sác có lực. Thường do nhiệt ở Can Đởm là chính, có dấu hiệu phiền khát, dễ tức giận, hông sườn đau, mạch Huyền. Điều trị dùng phép Thanh Can, tả hỏa. Dùng bài Long Đởm Tả Can Thang (22). Các vị thuốc thường dùng là Long đởm thảo, Chi tử, Hoàng cầm, hoàng liên, Ngân hoa, Liên kiều, Bồ công anh, Địa đinh.

Nhiệt độc nhiều gây sưng đau, dùng phép thanh nhiệt độc. Thường dùng bài Ngũ Vị Tiêu Độc Ẩm (29). Các vị thuốc thường dùng là Ngân hoa, Liên kiều, Bồ công anh, Địa đinh, Dã cúc hoa, Hoàng liên, Chi tử.

Tà khí xâm nhập vào kinh Tâm, Tâm hỏa nung nấu mạnh biểu hiện trong ngực nóng, ngủ không yên, hay mơ, hoảng sợ.

Dùng phép Thanh doanh, lương huyết. Dùng bài Thanh Ôn Bại Độc Ẩm (50). Các vị thuốc thường dùng như Tê giác, Sinh địa, Đơn bì, Nguyên sâm, Liên tử tâm.

Nếu nhiệt nhập Tâm bào, hôn mê, nói xàm. Dùng phép Thanh Tâm, loát nhiệt, khai khiếu, tỉnh thần. Dùng bài Tử Tuyết Đơn (62), An Cung Ngưu Hoàng Hoàn (01).

3- Lợi Thủy Thấm Thấp: Dùng trị nước, thấp ủng trệ ở trong lỗ tai. Dùng trị thấp độc đình trệ bên trong, tai chảy mủ, chảy nước. Biểu hiện tai ù, điếc, đầu nặng, chóng mặt, ngực đầy, muốn nôn, miệng khô không muốn uống, hoặc trong miệng có vị ngọt, tiểu không thông hoặc tiểu buốt, đại tiện sền sệt, rêu lưỡi trắng đục, mạch Hoãn. Thường dùng bài Ngũ Linh Tán (28). Các vị thuốc thường dùng: Phục linh, Xa tiền tử, Trạch tả,Thông thảo, Ý dĩ nhân…

Nếu thấp tà đình tụ lại làm cho khí trệ, thêm Trần bì, Thạch xương bồ, Hoắc hương, để hành khí, thông trệ.

Nếu do Tỳ hư, thấp bế thì dùng phép kiện Tỳ, thấm thấp. Dùng bài Sâm Linh Bạch Truật Tán (44). Các vị thuốc thường dùng là Đảng sâm, Phục linh, Bạch truật, Biển đậu, Trạch tả, Ý dĩ nhân…

4- Bổ Thận, Chấn Tinh: Dùng trị Thận bị suy tổn. Thường dùng trong các chứng tai ù, điếc, tai chảy mủ lâu ngày, thuộc loại hư chứng. Thường dùng phép bổ Thận, dưỡng âm. Dùng bài Lục Vị Địa Hoàng Thang. Các vị thuốc thường dùng là Nữ trinh tử, Hạn liên thảo, Địa du, Quy bản, Miết giáp. Chủ yếu dùng những vị thuốc có vị ngọt, tính hơi mát để tư âm.

Nếu hư hỏa mạnh, dùng phép tư âm, giáng hỏa. Dùng bài Tri Bá Địa Hoàng Hoàn (60). Các vị thuốc thường dùng là Tri mẫu, Thiên hoa phấn, Thiên môn, Thạch hộc,

Nếu Can Thận âm hư, Can dương mạnh lên, dùng phép Tư âm, tiềm dương, bình Can. Dùng bài Kỷ Cúc Địa Hoàng Hoàn (20) thêm Câu đằng, Thạch quyết minh.

Nếu âm hư, Thận dương hư tổn, thấy tai ù, chóng mặt, cơ thể lạnh tay chân lạnh, lưng đau, chân mỏi. Dùng phép ôn bổ Thận dương, tán hàn, thông khiếu. Thường dùng bài Quế Phụ bát Vị Hoàn (39), Tả Quy Hoàn (45). Các vị thuốc thường dùng là Phụ tử, Nhục quế, Dâm dương hoắc, Tỏa dương…

5- Tán Ứ, Bài Nùng: Dùng trong trường hợp dịch ứ lại gây nên mủ. Thường thấy tai sưng đỏ, đau, hoặc tai chảy mủ hôi thối, lưỡi đỏ hoặc có vết ban tím, rêu lưỡi trắng hoặc hơi vàng, mạch Sác.

Nếu do mủ ứ trệ trong trường hợp thực chứng, dùng phép Tán ứ, bài nùng, thanh nhiệt, giải độc. Dùng bài Tiên Phương Hoạt Mệnh Ẩm (58). Các vị thường dùng là Cát cánh, Thiên hoa phấn, Bạch chỉ, Ý dĩ nhân, Xuyên sơn giáp, Tạo giác thích

Nếu do mủ ứ trệ mà khí bất túc, làm cho mủ đình trệ lâu ngày không tan, dùng phép Tán ứ bài nùng, Bổ thác bài nùng.

Thường dùng bài Thác Lý Tiêu Độc Tán (48) để bổ ích khí huyết, hỗ trợ cho chính khí, đẩy độc ra ngoài.

Nếu mủ tràn vào xương chũm, dùng phép hoạt huyết, khứ ứ, khứ hủ, sinh tân như Đào nhân, Hồng hoa, Nhũ hương, Một dược, Ngũ linh chi…

6- Hành Khí, Thông Khiếu: dùng trong trường hợp tai tai bị bế tắc như trong các chứng tai ù, điếc, tai đau. Dùng phép Hành khí, thông ngưng, tân tán khai khiếu. Thường dùng bài Thông Khí Tán (53, 54). Các vị thuốc thường dùng là Hoắc hương, Thạch xương bồ, Lộ lộ thông, Hương phụ, Thanh bì.

Ngoại Khoa

a- Thuốc Rửa: Dùng để thanh nhiệt, giải độc. Lấy các vị thuốc nấu lên lấy nước rửa chỗ có mủ, sưng đau. Thường dùng vị Bản lam căn, sắc lấy nước rửa hoặc giấm thanh nấu sôi, rửa.

b- Thuốc Nhỏ Vào Tai: để thanh nhiệt, giải độc, thu liễm, trừ thấp, khai tà, chỉ thống. Dùng dược liệu chiết lấy nước cốt nhỏ vào tai dùng trị tai đau, tai có mủ… Thường dùng Hoàng liên, Ngư tinh thảo ép lấy nước cốt hoặc Thất diệp nhất chi hoa ngâm với rượu lấy nước cốt nhỏ vào tai.

c- Thuốc Thổi: để thanh nhiệt, giải độc, thu liễm, làm khô nước. Dùng dược liệu tán thật nhuyễn, thổi vào tai, thường dùng trị tai chảy mủ, tai lở loét…

d- Thuốc bôi: Dùng dược liệu nấu thành cao đặc bôi vào vết thương. Dùng để thanh nhiệt, giải độc, trừ thấp, tiêu thủng. Thí dụ Hoàng Liên Cao dùng trị Nhĩ trĩ, Tai lở loét…

{tab=Ù tai}

Thế nào là ù tai?

Nếu chưa bao giờ bị ù tai, các bạn sẽ khó tưởng tượng được ù tai là như thế nào. Những bệnh nhân ù tai “nghe” thấy trong tai mình có những tiếng động bên ngoài không hề có mà chính họ đôi khi tưởng là có. Triệu chứng ù tai gồm có:

• Tiếng động trong tai như tiếng reng, tiếng “zừ”, tiếng gầm, tiếng huýt sáo hay tiếng “xì”..

• Mất thính giác

Những tiếng động nghe được có thể lớn hay nhỏ, cao hay thấp và có thể nghe trong một hay hai tai. Trong vài trường hợp, tiếng ù tai lớn đến nỗi bệnh nhân không nghe được những tiếng động thực sự bên ngoài.

Ráy tai quá nhiều cũng có thể làm bạn ù tai nhiều hơn. Ráy tai nhiều khiến bệnh nhân không nghe tiếng động thực sự bên ngoài và làm tiếng động “bên trong” lớn hơn.

Nguyên nhân của chứng ù tai

Nơi tai trong (inner ear), chúng ta có hằng ngàn những tế bào thính giác có chứa điện. Trên mặt của những tế bào thính giác là những sợi lông rất nhỏ. Nếu chúng ở tình trạng “mạnh khỏe”, những sợi lông này sẽ chuyển động theo sức ép của những làn sóng âm thanh từ ngoài vào. Sự chuyển động này khiến cho những tế bào thính giác phát ra một luồng điện tới sợi thần kinh thính giác và rồi những tín hiệu này được gửi lên óc. Óc chúng ta nhận ra đây là những âm thanh.

Nếu những sợi lông mỏng manh này bị hư hại, uốn cong, chúng sẽ chuyển động rối loạn không theo một chiều hướng nào cả. Do đó, những tế bào thính giác sẽ gửi lên óc những “tín hiệu” bất thường khiến óc bạn “nghe” được âm thanh không hề có.

Các tế bào thính giác có thể bị hư hại do những nguyên nhân sau:

• Giảm thính lực do tuổi già: bệnh này thường bắt đầu vào khoảng 60 tuổi.

• Chấn thương gây hư hại tai trong: những tiếng động quá lớn, nghe từ ngày này qua ngày khác như tiếng nhạc rock, xe kéo hạng nặng, cưa máy, khí giới…có thể làm giảm thính lực nhiều.

• Dùng một vài thứ thuốc quá lâu ngày thí dụ như thuốc aspirin hay một vài loại kháng sinh. Khi ngưng dùng thuốc, có thể bạn sẽ nghe trở lại.

• Thay đổi của chuỗi xương nhỏ trong tai: những xương này có thể bị cứng lại khiến không vận chuyển âm thanh được vào tai trong.

• Chấn thương ở cổ hay đầu có thể làm hư hại tai trong.

Một vài bệnh về hệ tuần hoàn cũng có thể gây ra chứng ù tai từ bên trong:

• Xơ động mạch: Với tuổi già và sự tích tụ của chất cholesterol cũng như vài loại chất mỡ khác, những mạch máu lớn gần tai giữa và tai trong của bạn sẽ bị mất tính đàn hồi tức khả năng co giãn với mỗi nhịp bóp của tim. Sự giảm tính đàn hồi này làm máu chẩy mạnh và xoáy hơn khiến tai ta có thể nghe được.

• Cao huyết áp: cao huyết áp và những yếu tố khác như stress, rượu và cà phê có thể làm cho âm thanh ù tai rõ hơn. Thường, ta có thể làm âm thanh biến mất khi thay đổi vị trí đầu.

• Luồng máu chẩy bị xoáy: khi động mạch hay tĩnh mạch ngay cổ bị hẹp hay bị gập lại, luồng máu chẩy bị xoáy khiến làm ra tiếng động.

• Những vi quản bị dị dạng: một tình trạng gọi là dị dạng chỗ nối giữa động mạch và tĩnh mạch có thể gây ra tiếng động làm ù tai.

• Bướu ở vùng đầu và cổ: ù tai có thể là một triệu chứng của bệnh này.

Khi nào nên đi khám bệnh?

Đa số chứng ù tai không làm hại gì cả. Tuy nhiên, nếu càng ngày càng bị ù tai nhiều, hoặc kèm theo mất thính lực và chóng mặt, bạn nên đi khám bệnh. Bác sĩ có thể giúp bạn làm giảm bớt tiếng động ù tai và cách để làm quen với tiếng động này. Nếu chứng ù tai của bạn không phải là do bệnh mất thính lực vì tuổi già, và ù tai xuất hiện cùng lúc với mất thính lực trong cùng một bên tai, có thể là bạn đã bị hư hại dây thần kinh nơi tai trong do một chấn thương nào đó, bạn cần phải được khám bệnh.

Chữa bệnh

Cách chữa bệnh ù tai là tùy theo nguyên nhân.

Nếu nguyên nhân là chứng mất thính lực do tuổi già hoặc tai bị hư hại do nghe tiếng động quá to lâu ngày, không có cách nào làm giảm tiếng động này cả. Bác sĩ có thể chỉ cách cho bạn làm quen với những tiếng động này.

Nếu ù tai là do một nguyên nhân khác, thí dụ như do quá nhiều ráy tai, bác sĩ có thể lấy ráy ra để giúp bạn nghe rõ hơn và bớt ù tai. Nếu là do bệnh mạch máu, cách chữa phải hướng về những bệnh này. Nếu do thuốc uống, có thể bạn phải ngưng uống hoặc đổi qua một thứ thuốc khác. Do đó, bạn cần đi khám bệnh để tìm ra nguyên nhân.

Ngoài ra bạn còn có thể theo những cách sau đây để làm giảm thiểu sự khó chịu khi phải “nghe” tiếng động ù tai:

• Tránh những chất kích thích: ù tai có thể tăng lên do tiếng động quá lớn, chất nicotine trong thuốc lá, chất caffeine, nước khoáng có chứa chất quinine, rượu và aspirin. Chất nicotine và caffeine làm mạch máu co lại và tăng tốc độ luồng máu chẩy qua động mạch và tĩnh mạch. Rượu làm cho trương nở mạch máu khiến lượng máu chẩy qua lớn hơn, nhất là vùng tai trong, do đó, bạn bị ù tai nhiều hơn.

• Lấp bớt tiếng động: khi trong phòng yên lặng, nên cho quạt chạy, mở nhạc êm dịu và nhỏ có thể làm giảm bớt tiếng ù tai. Người ta cũng có thể đeo một thứ máy phát ra tiếng động êm tai để che bớt tiếng ù tai .

• Mang máy nghe: nếu ù tai đi theo với mất thính lực, đeo máy nghe để nghe rõ hơn có thể làm giảm bớt tiếng ù.

• Giảm bớt căng thẳng: có thể dùng những cách như tập thư giãn, biofeedback hay tập thể dục để giúp giảm ù tai.

Bs Nguyễn Thị Nhuận

{tab=Viêm tai giữa}

Viêm tai giữa (VTG) ở trẻ nhỏ được xếp vào nhóm bệnh viêm đường hô hấp trên. Đây là một trong những bệnh rất thường gặp ở bên trong tai trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi với nhiều hậu quả xấu. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm hoặc để lại di chứng nặng nề, rất khó khắc phục, ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ. Việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời, đúng đắn, đóng vai trò quyết định trong tiên lượng bệnh, phòng ngừa biến chứng và các hậu quả lâu dài đối với trẻ.

Tai được chia làm 3 phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong

1. Tai ngoài: Gồm vành tai và ống tai ngoài.

2. Tai giữa: Gồm màng tai và một hốc xương gọi là hòm tai. Màng tai (còn gọi là màng nhĩ – tympanic membrane) là một màng mỏng hình bầu dục, lõm ở giữa, nằm hơi nghiêng ra sau, ngăn cách hoàn toàn ống tai ngoài và tai giữa, bịt lên hòm tai như màng trống bịt vào tang trống. Màng tai tuy có lớp xơ ở giữa tương đối chắc, nhưng lại rất dễ bị phá hủy gây thủng khi có viêm nhiễm hoặc ứ đọng dịch trong tai giữa. Màng tai cũng dễ bị rách thủng khi có các chấn thương cơ học (chọc, ngoáy vào tai), chấn thương áp lực (lặn sâu, bị tát vào tai, sức ép do bom đạn…) hoặc chấn thương âm.

Trong hòm tai có các xương con nối khớp với nhau rất tinh tế (xương búa (malleus), xương đe (incus), xương bàn đạp (stapedius)). Màng nhĩ và các xương con hợp thành hệ thống màng nhĩ – xương con có tác dụng khuyếch đại và dẫn truyền những rung động của sóng âm từ môi trường (ống tai ngoài) vào tai trong.

3. Tai trong: Chính là đầu mối thần kinh tiếp nhận các tín hiệu âm thanh truyền qua dây thần kinh thính giác (dây số VIII) lên não, và nhờ đó mà người ta nghe được. Tai trong nằm trong một hốc xương có hình xoắn 2 vòng rưỡi nên gọi là ốc tai.

Tai giữa đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ chế sinh lý nghe, nhất là hệ thống màng nhĩ – xương con. Bất kỳ một trục trặc nào trong hệ thống này (thủng màng nhĩ, cứng khớp giữa các xương con, tiêu hỏng 1 trong các xương con, ứ đọng dịch trong hòm tai…) đều gây nên gián đoạn sự dẫn truyền sóng âm vào tai trong và dẫn đến nghe kém hoặc điếc.

Viêm tai
Màng nhĩ của tai bị viêm giữa

Viêm tai giữa ở trẻ em thường là viêm cấp do nhiễm trùng hoặc ứ đọng dịch trong hòm tai mà thành. Do đặc điểm giải phẫu và sinh lý của trẻ em có nhiều điểm khác biệt với người lớn, nên trẻ em thường hay bị VTG cấp hơn:

– Trẻ em hay bị viêm mũi họng, vi khuẩn sẽ từ các ổ viêm này lan lên tai gây nên VTG.

– Ở trẻ em, vòi nhĩ (vòi Ơ-xtat (eustachian tube), nối hòm tai và họng mũi) ngắn hơn, khẩu kính lớn hơn ở người lớn nên vi trùng và các chất xuất tiết ở mũi họng rất dễ lan lên tai giữa, nhất là khi em bé nằm ngửa thì tai sẽ ở vị trí thấp hơn mũi họng, nếu em bé khóc, vòi nhĩ sẽ mở rộng thêm làm cho các chất xuất tiết ở mũi họng theo đó chảy vào hòm tai.

– Hệ thống niêm mạc đường hô hấp (niêm mạc mũi họng, niêm mạc hòm tai, niêm mạc khí phế quản…) ở trẻ em rất nhạy cảm, rất dễ phản ứng với những kích thích hóa, lý và cơ học bằng hiện tượng xuất tiết dịch, làm cho dịch ứ đọng nhiều trong hòm tai gây VTG.

Mức độ nguy hiểm của bệnh

VTG cấp ở trẻ nhỏ có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương, gián đoạn chuỗi xương con… ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ. Trẻ bị nghe kém, nhất là từ khi chưa phát triển lời nói, sẽ dẫn đến rối loạn ngôn ngữ (nói ngọng, nói không rõ âm, từ…) làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng giao tiếp xã hội sau này của trẻ.[1]

Nặng hơn nữa là những biến chứng nhiễm trùng, nhiều khi ảnh hưởng đến tính mạng: VTG cấp có thể dẫn đến những biến chứng sọ não cực kỳ nguy hiểm như viêm màng não, áp xe não do tai, viêm tắc tĩnh mạch bên, do viêm nhiễm lan từ trần hòm tai lên não hoặc gây liệt dây thần kinh mặt (dây số VII).

Phát hiện và điều trị
Cách phát hiện

VTG ở trẻ nhỏ thường biểu hiện bằng các triệu chứng sau:

– Trẻ sốt, thường là sốt cao 39-40oC, quấy khóc nhiều, bỏ bú, kém ăn, nôn trớ, co giật…

– Nếu là trẻ lớn, sẽ kêu đau tai, còn trẻ nhỏ chỉ biết lắc đầu, lấy tay dụi vào tai.

– Rối loạn tiêu hóa: trẻ đi ngoài lỏng, nhiều lần, xuất hiện gần như đồng thời với triệu chứng sốt.

Tóm lại tất cả các em bé bị sốt không rõ nguyên nhân, những trẻ nhỏ bị tiêu chảy và nôn… đều phải được khám kỹ càng về tai mũi họng để có thể phát hiện sớm được bệnh VTG cấp.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, vài ngày sau (2-3 ngày) bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn vỡ mủ do màng tai bị thủng, mủ tự chảy ra ngoài qua lỗ tai với các biểu hiện sau:

– Trẻ đỡ sốt, bớt quấy khóc, ăn được, ngủ được.

– Hết rối loạn tiêu hóa, đi ngoài trở lại bình thường.

– Không kêu đau tai nữa.

Các bà mẹ tưởng chừng như bệnh đã lui nhưng thực ra VTG đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn mạn tính, với 1 dấu hiệu rất quan trọng: chảy mủ tai.

Nếu vẫn không được điều trị bệnh sẽ diễn biến thành VTG mạn tính hoặc viêm tai – xương chũm mạn tính, dẫn đến rất nhiều hậu quả xấu sau này cho trẻ, cùng với nguy cơ biến chứng có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào.

Điều trị

Việc chẩn đoán và điều trị VTG ở trẻ nhỏ nhất thiết phải do các thầy thuốc chuyên khoa có kinh nghiệm tiến hành. Tùy theo từng giai đoạn của bệnh mà có cách điều trị khác nhau.

– Giai đoạn đầu, khi màng nhĩ chưa thủng, thường phải dùng kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, chống viêm và giảm xung huyết màng nhĩ, sát trùng mũi họng. Ngoài ra nếu trẻ bị rối loạn tiêu hóa nặng thì cần được phối hợp điều trị bởi các thầy thuốc nhi khoa. Nếu khám thấy màng nhĩ viêm đỏ, phồng, chứng tỏ có nhiều dịch viêm ứ đọng ở hòm tai thì phải chích rạch màng nhĩ, chủ động tháo bỏ dịch mủ trong tai giữa ra ngoài, không nên để cho mủ tự vỡ, làm thủng màng nhĩ hoặc lan vào xương chũm. Nói chung, trong trường hợp nghi ngờ có mủ thì nên chích rạch màng nhĩ sớm, thà chích rạch sớm còn hơn là chích rạch quá muộn. Vết chích sẽ tự liền lại rất nhanh sau 1-2 ngày.

– Giai đoạn muộn, màng nhĩ đã thủng; ngoài các thuốc điều trị toàn thân, cần phải tiến hành làm thuốc tai hàng ngày tại các cơ sở tai mũi họng. Trẻ sau đó phải được theo dõi tình hình lỗ thủng màng nhĩ bởi các thầy thuốc chuyên khoa.

{tab= Viêm tai ở trẻ em}

Hầu như đứa trẻ nào cũng bị viêm tai một lần trong đời. Vậy tuổi nào dễ bị viêm tai? Có cần cho trẻ uống kháng sinh? Cách phòng tránh?…. Tất cả sẽ được giải đáp ngắn gọn và khoa học từ các chuyên gia Nhi khoa Hoa Kỳ.

1. Viêm tai tác động lớn nhất đến phần nào của tai?

Tai giữa.

Hầu hết các loại viêm tai đều tập trung chủ yếu ở vùng giữa tai, ngay sau màng nhĩ.

2. Trẻ thường bị viêm tai nhất ở tuổi nào?

Trước 3 tuổi

Viêm tai giữa rất phổ biến ở trẻ dưới 3 tuổi. Trên thực tế, cứ 3 – 4 trẻ sẽ có ít nhất 1 lần bị viêm tai giữa trước tuổi lên 3.

3. Tại sao trẻ lại bị viêm tai giữa nhiều hơn người lớn?

Vòi nhĩ của trẻ chưa hoàn chỉnh, lúc này vẫn thông với mũi nên rất dễ bị tắc nghẹt do chất nhầy trong mũi chuyển sang.

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vòi nhĩ (vòi Ơ-xtat, nối hòm tai và họng mũi) ngắn hơn, khẩu kính lớn hơn ở người lớn nên vi trùng và các chất xuất tiết ở mũi họng rất dễ lan lên tai giữa, nhất là khi em bé nằm ngửa thì tai sẽ ở vị trí thấp hơn mũi họng. Nếu em bé khóc, vòi nhĩ sẽ mở rộng thêm làm cho các chất xuất tiết ở mũi họng theo đó chảy vào hòm tai.

4. Viêm tai có dễ lây không?

Không.

Viêm tai giữa hoàn toàn không lây nhưng cảm lạnh và các bệnh viêm nhiễm khác sẽ gây ra chứng bệnh này.

Khi trẻ bị cảm lạnh, các chất dịch và nước nhầy có thể xâm nhập vào tai giữa qua mũi. Nếu vòi nhĩ mở rộng thì không khí và chất lỏng sẽ lập tức lấp đầy tai, giống như một cái máy hút ở phía sau màng nhĩ. Kết quả là gây viêm.

5. Những dấu hiệu phổ biến nhất của viêm tai?

Đau tai.

Viêm tai thường gây đau. Nếu trẻ chưa đủ lớn để nói cho bạn biết rằng chúng đau tai thì bạn hãy thật chú ý những dấu hiệu cảnh báo như: khóc hoặc dễ cáu kỉnh; khó ngủ và sốt. Một số dấu hiệu khác như nôn, tiêu chảy và phản ứng chậm trước âm thanh. Việc xem ống tai lúc này không giúp bạn nhận ra được trẻ có bị viêm tai không bởi dấu hiệu rất không rõ ràng.

6. Cách tốt nhất để điều trị bệnh viêm tai?

Đó là theo dõi.

Hầu hết các trường hợp viêm tai đều tự khỏi mà không cần dùng kháng sinh. Hãy kiên nhẫn và theo dõi bé chặt chẽ. Khi thấy trẻ khá hơn, bạn vẫn có thể cho trẻ chơi đùa, thậm chí là đi học.

Viện Nhi Hoa Kỳ khuyến nghị: Kháng sinh chỉ nên dùng khi tình trạng viêm nhiễm kéo dài hơn 2 – 3 ngày. Việc sử dụng bừa bãi kháng sinh, đặc biệt là với các bệnh phổ biến như viêm tai có thể dẫn tới lờn thuốc.

7. Kháng sinh có điều trị được viêm tai?

Không

Kháng sinh không thể điều trị được chứng đau tai do viêm tai giữa trong 24 giờ đầu, khi mà cơn đau đang ở đỉnh điểm. Thậm chí chúng cũng không thể chấm dứt cơn sốt nhanh hơn và tốt hơn so với với các loại thuốc hạ sốt không cần kê đơn thông thường. Nếu bé bị đau, hãy hỏi bác sĩ cách để làm giảm đau.

Nếu bác sĩ tư yêu cầu bé phải uống kháng sinh thì hãy tuân thủ nghiêm túc. Thậm chí, nếu bé cảm thấy khá hơn thì cũng phải tuân thủ nốt đơn thuốc để điều trị tận gốc.

8. Ai sẽ là cần phải thông tai?

Đó là những đứa trẻ vẫn tiếp tục bị viêm tai sau 5 tuổi

Đối với những đứa trẻ bị viêm tai mãn tính thì việc thực hiện tiểu phẫu, mở một lỗ nhỏ ở màng nhĩ sẽ giúp chúng giảm được tình trạng viêm nhiễm. Bằng cách này, các chất lỏng sẽ nhanh chóng được đào thải ra ngoài, giúp cho vùng sau màng nhĩ không bị nhiễm khuẩn.

9. Những biến chứng thường gặp khi viêm tai?

Nghễnh ngãng nhất thời.

Viêm tai giữa nhìn chung tự khỏi mà không cần điều trị. Các chất lỏng trong tay có thể gây nghễnh ngãng tạm thời và hết ngay sau khi tình trạng viêm được giải quyết. Trong một số trường hợp, nếu áp lực ở tai giữa gia tăng quá mức thì có thể gây nứt, rách màng nhĩ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, màng nhĩ sẽ tự vá trong vài tháng.

10. Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm tai?

Có rất nhiều cách để ngăn ngừa viêm tai giữa. Đó là:

– Luôn rửa tay cho trẻ

– Không để trẻ tiếp xúc với môi trường khói thuốc hay người mắc bệnh

– Đối với trẻ sơ sinh, tăng cường bú mẹ sẽ giúp trẻ phòng ngừa được bệnh cảm lạnh và viêm tai.

– Vệ sinh bình bú sạch sẽ và bế trẻ ở tư thế ngồi nghiêng trong suốt quá trình bú để tránh chất lỏng tràn vào vòi nhĩ. Tuyệt đối không cho trẻ bú nằm.

Thu Phương

Theo MSN
{/tabs}