Cách tăng chiều cao chuẩn khoa học cho trẻ

74

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang hướng dẫn cách tăng chiều cao chuẩn khoa học cho trẻ, bố mẹ nhất định phải biết!

Tăng chiều cao luôn là chủ đề rất được các bậc phụ huynh quan tâm. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng và biết cách giúp con tăng chiều cao chuẩn khoa học. Dưới đây là những chia sẻ của Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang – một trong những bác sĩ nhi khoa rất được yêu mến hiện nay về tăng chiều cho trẻ.

Từng khám, tư vấn dinh dưỡng cho rất nhiều trẻ thấp còi, mình nhận thấy rằng rất nhiều bố mẹ muốn con đạt chuẩn cân nặng và chiều cao nhưng lại chưa tiếp cận được thông tin khoa học. Điều đó dẫn đến nhiều sai lầm khiến trẻ không thể tăng chiều cao tốt. Bài viết này mình muốn phân tích rõ một số hiểu lầm thường gặp và hướng dẫn cách giúp trẻ tăng chiều cao khoa học.

Bố mẹ thấp, con có cao được không?

Có một sự thật rằng chiều cao của trẻ phụ thuộc vào 3 nhóm yếu tố chính: di truyền (60%), dinh dưỡng (30%), vận động và giấc ngủ (10%). Vậy, bố mẹ thấp con có thể cao được không? Câu trả lời là có. Bé vẫn có thể tăng chiều cao tốt và cao hơn bố mẹ nếu chúng ta chăm sóc tối ưu được cả 3 yếu tố trên.

Để gen chiều cao phát huy hết tiềm năng cần dinh dưỡng khoa học kết hợp vận động thể lực, giấc ngủ đảm bảo… từ đó, trẻ sẽ bứt phá chiều cao. Nếu bố mẹ cao nhưng trẻ bị suy dinh dưỡng lúc bé và BMI không đạt chuẩn thì khả năng sẽ không đạt được chiều cao như mong đợi.

Đừng bỏ lỡ thời điểm vàng tăng chiều cao của trẻ

Trẻ có 2 giai đoạn tăng chiều cao nhanh, nếu chăm sóc tốt ở các giai đoạn này, trẻ sẽ đạt được chiều cao kỳ vọng khi trưởng thành, đó là Giai đoạn 5 năm đầu đời và Giai đoạn Tiền dậy thì, dậy thì.

5 năm đầu đời là tiền đề quan trọng để tối ưu được chiều cao lúc dậy thì. Nhưng đây cũng giai đoạn nhiều bố mẹ sai lầm nhất khiến bé suy dinh dưỡng, không đạt cân nặng rồi từ đó thấp lùn do biến chứng của suy dinh dưỡng.

Mình từng khám cho rất nhiều bé uống canxi, DHA, lysine, men… từ 1 tháng tuổi, mà vốn dĩ chúng không cần vì hàm lượng canxi quá đủ trong sữa, và buồn hơn nữa là bố mẹ hoàn toàn không có khái niệm bổ sung vitamin D – chìa khóa đưa canxi từ máu vào xương.

Chưa kể, việc sử dụng canxi cho những đứa trẻ vài tháng tuổi khiến chúng rối loạn tiêu hóa và biến chứng thường gặp đó là táo bón, bỏ bú…

Ngay từ trong giai đoạn bào thai, xương của thai nhi đã phát triển rất nhanh. WHO luôn khuyến cáo cần chăm sóc thật tốt cả giai đoạn lúc người mẹ mang thai, khi trẻ sinh ra cho đến 5 tuổi.

Nếu tối ưu hóa phát triển chiều cao của trẻ trong giai đoạn này và khi bước vào giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì, chúng ta tiếp tục tối ưu hóa một lần nữa, chắc chắn trẻ sẽ tăng chiều cao vượt trội. Tất nhiên, những năm giữa 2 giai đoạn này vẫn nên chăm sóc thật tốt để con khoẻ mạnh và tăng chiều cao tối đa.

Tiền dậy thì là giai đoạn bé bắt đầu có thay đổi về cơ thể và cho đến Dậy thì được định nghĩa là cơ thể trẻ phát triển và thay đổi để trở thành người lớn thực sự”. Thường giai đoạn dậy thì của bé gái diễn ra lúc 11 tuổi với “chu kỳ” đầu tiên và bé trai là 12 tuổi với vỡ giọng và “mộng tinh” đầu tiên. Còn các biểu hiện như ngực phát triển, lông mọc nhiều… là biểu hiện của tiền dậy thì, kéo dài 2-3 năm tùy bé.

Có một quan niệm sai lầm dậy thì thường kéo dài 4-5 năm nhưng không phải. Dậy thì thực ra chỉ 2 năm và phần còn lại là Tiền dậy thì. Trong 2 năm ít ỏi này bé có thể đạt tốc độ phát triển chiều cao lên tới 10-15cm/năm. Nếu trong 2 năm dậy thì, trẻ không đạt tối đa tốc độ phát triển chiều cao thì xem như chúng mất đi cơ hội cuối cùng để cải thiện chiều cao lúc trưởng thành”.

Dậy thì là giai đoạn vàng tăng chiều cao cuối cùng của trẻ

Sau 15 – 16 tuổi ở nữ và 17 – 18 tuổi ở nam, trẻ khó có thể phát triển chiều cao tốt như trước nữa. Do đó, ngay khi trẻ còn có thể phát triển chiều cao, bố mẹ nên quan tâm giúp con tăng chiều cao tốt nhất.

Bố mẹ nên làm gì để cải thiện chiều cao cho trẻ?

Hãy tập trung vào chế độ dinh dưỡng đúng, đủ, cân bằng.

Chế độ ăn đa dạng, đủ các nhóm chất cần thiết, bao gồm đạm – béo – đường (tinh bột) và cân bằng các nhóm chất này với tỷ lệ lần lượt 20-30-50%. Đồng thời, cân bằng các vi chất (vitamin, chất xơ, khoáng chất… từ rau củ quả). Không cho con ăn quá nhiều gia vị, bánh kẹo, fast-food, uống quá nhiều nước ngọt… làm mất cân bằng 3 nhóm chất.

Đúng không phải là khi “bổ sung thật nhiều canxi con mới tăng chiều cao”, để tốn hàng triệu tiền canxi mỗi tháng, chưa kể hàng loạt vấn đề sức khỏe do dư thừa canxi. Mà đúng là khi cho trẻ nhận nguồn canxi an toàn và tốt nhất từ nguồn thực phẩm phong phú.

Top các thực phẩm giàu canxi bao gồm: sữa, phomai cứng, sữa chua, các loại tôm, cua và cá biển như cá hồi, cá mòi, đậu phụ, các loại đậu trắng, rau cải xoăn, bông cải xanh và tất cả các loại rau màu xanh sậm, ngũ cốc…

Nhưng ăn nhiều thực phẩm giàu canxi mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ chính là Vitamin D – “chìa khoá” mở cánh cổng đưa canxi hấp thu từ ruột vào máu và chuyển hóa vào xương, bên cạnh những chất dinh dưỡng quan trọng khác là vitamin K, vitamin C, kẽm và đồng…

Nếu thiếu Vitamin D, cơ thể sẽ không thể hấp thụ hiệu quả canxi cho quá trình phát triển xương, răng và chiều cao của trẻ. Chưa kể, vitamin D cũng góp phần rất lớn trong điều hòa miễn dịch của cơ thể. Các nghiên cứu mới cũng ghi nhận rằng Vitamin K2 là vitamin quan trọng giúp tối ưu hóa hoạt độ của vitamin D đưa canxi gắn vào xương tối ưu, giúp xương chắc khỏe và thúc đẩy tăng trưởng chiều cao.

Vitamin D3, K2 quyết định hiệu quả hấp thu và chuyển hoá canxi vào xương

Có một thực tế là canxi có thể dễ dàng nhận được qua thực phẩm nhưng vitamin D thì không. Đó là lý do các Tổ chức y khoa trên thế giới đều khuyến cáo bổ sung vitamin D hằng ngày.

Nhu cầu sinh lý vitamin D như sau:

– Trẻ dưới 12 tháng: 400 IU/ngày

– Trẻ từ 12 tháng: 600-800 IU/ngày

– Người lớn từ 70 tuổi: 800 IU/ngày

Nhu cầu sinh lý là cái trẻ cần mỗi ngày. Bao nhiêu tuổi thì ngừng bổ sung vitamin D? Bố mẹ nên tùy vào chế độ dinh dưỡng hiện tại của bé. Còn mình thì vẫn khuyên bổ sung đủ liều sinh lý theo tuổi, mỗi ngày từ 1-2 nhát xịt, tương đương 400 – 800 IU vitamin D.

Ngoài tối ưu dinh dưỡng đúng, bố mẹ cũng cần phải kết hợp đồng thời 2 yếu tố còn lại: vận động thể chất phù hợp theo độ tuổi và đảm bảo giấc ngủ cho trẻ (ngủ sớm trước 9-10h tối và đủ giấc) để thúc đẩy các yếu tố tăng trưởng hoạt động mạnh nhất. Đây chính là chìa khoá để trẻ tăng chiều cao chuẩn khoa học và phát triển khoẻ mạnh.