Suy tĩnh mạch, dãn tĩnh mạch

1237

Suy tĩnh mạch là một thuật ngữ y khoa mô tả bệnh lý ở tĩnh mạch chi dưới. Đây là bệnh lý mạn tính, âm thầm tiến triển qua nhiều năm, làm bệnh nhân thích nghi dần và không tuân thủ điều trị sớm, nên bệnh ngày càng nặng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm mà họ không cho là do suy tĩnh mạch.

Ai dễ bị suy tĩnh mạch?
Suy tĩnh mạch khá phổ biến trong dân số chung, nhất là những người làm việc phải đứng hoặc ngồi lâu, ít vận động cơ bắp chân như: nhân viên văn phòng, giáo viên, nhân viên y tế, nhân viên bán hàng, công nhân…Đối tượng rất dễ bị suy tĩnh mạch là phụ nữ mang thai. Lúc mang thai có thể có biểu hiện của phù hay nổi tĩnh mạch, dãn tĩnh mạch hoặc không có biểu hiện gì. Ngay sau sanh có thể những biểu hiện này “biến mất”. Tuy nhiên, sau sanh 3-5 năm, phần lớn phụ nữ bắt đầu có những triệu chứng sớm của suy tĩnh mạch.

Tại sao bị suy tĩnh mạch?
Những yếu tố làm tăng áp lực trực tiếp hoặc gián tiếp lên tĩnh mạch trong thời gian dài đều gây ra suy tĩnh mạch: mang thai, khiêng nặng, táo bón, ngồi xổm hoặc bắt tréo chân, mặc quần bó sát…
Nhóm nguyên nhân thứ hai là những yếu tố làm yếu thành mạch: mang thai, mãn kinh, thuốc ngừa thai…Hoặc làm dãn trực tiếp thành mạch như cồn, dầu nóng, hơi nóng, nước nóng…
Cuối cùng là những yếu tố làm suy yếu hoặc vô hiệu hóa tác dụng bơm của cơ và khớp ở chân, nhất là cơ bắp chân và khớp cổ chân.

Làm sao nhận biết suy tĩnh mạch?
Khi bệnh đã nặng, có thể thấy các tĩnh mạch (các đường gân xanh) nổi phồng lên dưới da và ngoằn ngoèo, càng ở dưới thấp càng nổi rõ.
Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm của bệnh, có thể không thấy các tĩnh mạch nổi mà chủ yếu là những than phiền như: nặng chân, mỏi chân, đau nhức bắp chân, vọp bẻ, hoặc phù chân, rõ nhất ở vùng mắt cá và trước xương chày (dùng ngón tay ấn trong vài giây vào vùng da sát xương ở vùng mắt cá và trước xương chày – còn gọi ống quyển – rồi thả ra, nếu có phù thì sẽ thấy vết dấu tay lõm sâu xuống da không mất đi mà một lúc lâu sau mới đầy lại).
Các triệu chứng ở giai đoạn sớm thường xuất hiện vào lúc đi làm, và càng về cuối ngày làm việc thì càng nặng. Những triệu chứng này thường biến mất vào sáng hôm sau, sau khi ngủ gác chân cao hơn tim. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại qua nhiều tháng, nhiều năm và ngày càng nặng hơn, xuất hiện ngày càng sớm hơn trong ngày. Ngoài những khó chịu này thì bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, không có bất kỳ suy sụp hay giảm sức khỏe toàn thân, vẫn làm việc gần như bình thường.
Nếu có những biểu hiện này thì bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa mạch máu để được chẩn đoán xác định.

Biến chứng của suy tĩnh mạch là gì?
Các biểu hiện nói trên là ở giai đoạn sớm của suy tĩnh mạch. Nếu không điều trị đúng cách thì bệnh sẽ nặng dần gây ra những biến chứng của suy tĩnh mạch rất nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, do diễn tiến bệnh kéo dài, thường nhiều tháng, nhiều năm, nên khi xuất hiện biến chứng thường là đã bị suy tĩnh mạch trước đó rất lâu, có thể 5-7 năm. Một số biến chứng thường gặp là:

Dãn tĩnh mạch Suy tĩnh mạch Tắc mạch Loét chân

Nên làm gì khi bị suy tĩnh mạch?
Nên điều trị ngay khi có biểu hiện sớm của suy tĩnh mạch. Ở giai đoạn này nên mang  vớ y khoa càng sớm càng tốt để ngăn chặn bệnh không tiến triển xa hơn. Điều quan trọng là nên vận động đầy đủ sẽ góp phần cho sự thành công của điều trị. Không phải môn thể thao nào cũng có lợi cho tĩnh mạch. Nên chọn các môn thể thao “nhẹ nhàng” làm nhón gót chân, tăng cử động khớp cổ chân và ít gây chấn động lên tĩnh mạch như: đi bộ, chạy bộ, bơi lội, khiêu vũ, đạp xe và trượt tuyết. Lý tưởng là tập mỗi ngày 2 lần, mỗi lần ít nhất 30 phút để đảm bảo cơ và khớp chân hoạt động tốt, đẩy máu hiệu quả về tim.

Bệnh suy tĩnh mạch có điều trị hết không?
Suy tĩnh mạch cũng giống như bệnh tiểu đường và cao huyết áp, là bệnh lý mạn tính. Do đó, nên được điều trị lâu dài và càng sớm càng tốt thì khả năng phục hồi càng cao. Đồng thời cũng nên kết hợp với thay đổi lối sống, nên vận động nhiều để giữ bệnh không tiến triển thêm.

Môn thể thao nào có lợi cho tĩnh mạch?
Không phải môn thể thao nào cũng có lợi cho tĩnh mạch. Những môn thể thao “nặng” như đá banh, tennis, bóng chuyền, nhảy cao, nhảy xa… không có lợi cho tĩnh mạch vì nó làm chấn động tĩnh mạch khi chúng ta chạy nhảy với tốc độ và cường độ cao. Nên chơi những môn thể thao “nhẹ nhàng” như bơi lội, đi bộ, chạy bộ, khiêu vũ, đạp xe, trượt tuyết vì những môn thể thao này chủ yếu làm nhón gót và tăng hoạt động của khớp cổ chân và cơ bắp chân. Tốt nhất là tập mỗi ngày 2 lần, mỗi lần ít nhất 30 phút.