Triệu chứng lạnh thường xuyên ở chân

836

Lạnh tay chân là một triệu chứng thường gặp. Vị thính giả ở Mỹ, chắc đã đi khám bịnh về chứng này rồi, hơn nữa không thể căn cứ trên một triệu chứng mà bàn về một trường hợp bịnh lý được, nên chúng ta chỉ bàn rất tổng quát ở đây với mục đích thông tin mà thôi.

Cảm giác lạnh chân có thể do nhiều hoàn cảnh gây ra.

1) Trường hợp dễ hiểu nhất là tuần hoàn đến chân kém (poor circulation) nhưng ít xảy ra trong nhóm bịnh nhân chỉ có triệu chứng chính là chân lạnh. Tuần hoàn kém do binh mạch máu ngoại biên (peripheral vascular disease, mạch máu ngoại biên là những mạch máu nuôi vùng không phải tim óc, phổi và các mạch máu chính trung tâm). Những người bị vữa xơ động mạch (atherosclerosis), bị bịnh nghẽn mạch máu, làm máu đến nhưng nơi càng xa trái tim càng ít lại, mà nơi xa nhất là hai bàn chân, không đủ máu nên không đủ ấm. Bịnh nhân thường lớn tuổi hơn, có thể có những yếu tố cơ nguy (risk factors) như mắc chứng tiểu đường (diabetes), hút thuốc lá, chất mỡ trong máu quá cao (vd cholesterol quá cao), áp huyết cao, trong quá khứ có thể đã từng bị cơn đau tim do mạch máu tim đã từng bị nghẽn. Chân lạnh có thể chỉ là triệu chứng mơ hồ ban đầu, nếu bịnh nghẽn mạch máu (occlusive disease) bàn chân nặng hơn (thường ở người bịnh tiểu đường) sẽ có những dấu hiệu rõ rệt hơn như đi:

2) Phía trước bàn chân đau lúc để yên không cử động (rest pain of the forefoot), thòng chân xuống thấp thì bớt đau.
3) Đi thì đau hoặc tê bàn chân.
4) Loét hoặc hoại thư (gangrene) bàn chân.
5) Lúc đưa bàn chân lên cao thì da bàn chân tái đi, thong xuống thì đỏ thẩm (máu ứ lại).
6) Da bàn chân mỏng đi (atrophic), sờ thấy lạnh và rụng lông.

2) Cần phân biệt: một số trường hợp viêm thần kinh (neurophathy) cũng có thể gây triệu chứng lạnh, đau, tê tương tự như tuần hoàn kém, nhưng cũng có thể đi đôi với tuần hoàn kém, nhất là ở những người tiểu đường, hút thuốc lá, nghiện rượu mãn tính.

3) Bịnh nhân có thể tự thử xem tuần hoàn đến chân mình có tốt không bằng cách :

– lấy ngón tay bấm vào đầu ngón chân cho đến khi da trắng bệt ra, rồi thả ra, xem bao nhiêu lâu sau thì da hồng hào trở lại (capillary filling time). Nếu hồng lại ngay, nội trong 1-2 giây đồng hồ thì máu lưu thông còn tốt.
– sờ lưng bàn chân, cách cỗ chân chừng 5 cm về phía trước, hướng ngón chân thứ 2, dùng mu ngón tay sờ nhẹ xem có bắt được mạch của mạch máu lưng chân không (dorsalis pedis pulse)
– thử bắt mạch khác ở phía sau của mắt cá phía trong cỗ chân (posterior tibial pulse)

Nếu 3 điểm trên đều tốt, có lẽ tuần hoàn chân của bạn ở tình trạng tốt. Nếu không hoặc thắc mắc cần liên lạc với bác sĩ của bạn. Bác sĩ sẽ khám toàn diện, nhất là bắt mạch chính xác hơn, dùng máy đo áp huyết động mạch cỗ chân và so sánh với áp huyết trên cánh tay bịnh nhân. Nếu cần bs có thể giới thiệu bịnh nhân đến bác sĩ chuyên về thần kinh (neurologist) nếu nghi là viêm dây thần kinh, đến bs chuyên về tim mạch (vascular surgeon) hoặc dùng siêu âm để đánh giá tình trạng mạch máu ở chân cũng như những nơi khác.

4) Trường hợp thông thường hơn là lạnh do lo âu, sợ hãi (như trong từ ‘lạnh gáy”, hoặc “lạnh cẳng”). Trong trường hợp chứng sợ hãi (anxiety), bịnh nhân lo sợ về một điều gì đó, có thật hoặc không có thật, hoặc có thể sẽ xảy ra. Thường các cơ chế để đối phó với stress được huy động, kích hoạt, qua trung gian của chất adrenalin do tuyến thượng thận (adrenal gland) sản xuất. Những hiệu ứng này xảy ra một cách tự động và chúng ta thường không có ý thức là chúng đang xảy ra. Chất adrenalin làm chúng ta thở nhanh để huy động oxy vào máu, tim đập nhanh, các mạch máu ngoại biên co thắt lại (peripheral vasoconstriction) để bớt chảy máu nếu chúng ta bị thương, và ưu tiên máu dồn về các bộ phận cần thiết hơn như óc, bắp cơ (để chiến đấu hoặc chạy trốn, “fight or flight”), mồ hôi vã ra để chống nóng quá độ, do đó tay chân vừa lạnh vừa ướt.

Trong đời sống thường ngày, nếu người bịnh bị chứng sợ hãi mãn tính, kinh niên (chronic anxiety) do một sự mất thăng bằng trong sự điều hoà hệ thần kinh (disrupted modulation of the nervous system), giữa trạng thái bình yên và trạng thái chống stress, những hiệu ứng vừa kể có thể xảy ra ở một mức độ âm thầm mà người đó không hay: áp huyết lên cao hoặc trồi sụt, hồi hộp, khó thở, bứt rứt và thường lạnh chân lạnh tay.

5) Một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng làm chân lạnh: thời tiết lạnh bên ngoài, cơ năng tuyến giáp (thyroid function), thuốc men đang uống, thiếu dinh dưỡng như vitamin B, nhất là vitamin B12, hoặc quá nhiều vitamin B6, cũng ảnh hưởng đến những dây thần kinh phụ trách các cảm giác nóng, lạnh, tê, buốt ở hai chân chũng như các chỗ khác, nhất là người bị tiểu đường, hút thuốc lá và nghiện rượu như nói ở trên.

Tóm lại, bịnh nhân nên thu thập các dữ kiện về bịnh sử của mình (áp huyết, cholesterol trong máu, ăn uống ra sao, uống thuốc gì, hút thuốc bao lâu, gia đình có tiểu đường hay không) và gặp bác sĩ gia đình để nhờ bs khám kỹ và xét đến những điểm nêu trên. Đa số trường hợp lạnh chân có thể chỉ là một triệu chứng riêng lẻ, tuy nhiên cần loại bỏ khả năng bịnh vữa xơ động mạch, bịnh cao máu, bịnh tiểu đường, bịnh sợ hãi mãn tính (chronic anxiety) và bịnh suy tuyến giáp (hypothyroidism). Dù sao, nếu hút thuốc hoặc nghiện rượu, đây cũng là cơ hội thức tĩnh và dứt khoát bỏ thuốc, bỏ rượu và ăn uống điều độ, hợp vệ sinh.

Chúc bịnh nhân may mắn.

Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.