Viêm nha chu

935

Viêm nha chu thường do vệ sinh răng miệng kém dẫn đến viêm nướu răng và không được điều trị, răng bị phá huỷ làm thành một kẽ hở giữa răng và nướu răng.

Các chất nhầy, thức ăn, vi khuẩn tạo thành các mảng bám ở các kẽ hở này và vi khuẩn sẽ tấn công các mô quanh răng làm nướu bị viêm và tróc ra khỏi răng. Dần dần vi khuẩn sẽ ăn mòn xương xung quanh răng khiến răng lung lay và rớt ra.

Khi bị viêm nha chu, nguời bệnh sẽ thấy miệng hôi, hơi thở có mùi khó chịu

Viêm nha chu chia ra hai loại: Viêm nha chu quanh đỉnh chân răng do biến chứng của sâu răng không điều trị. Viêm nha chu mãn tính (là biến chứng của viêm nướu răng).

Thông thường, nếu bị viêm nha chu quanh đỉnh chân răng người bệnh sẽ có hiện tượng đau răng, chân răng lung lay, chảy máu.

Trường hợp viêm nha chu mạn tính sẽ thấy viêm nướu răng làm nướu bị đỏ, mềm, căng bóng, đau, chảy máu, kẽ hở ở chân răng càng lúc càng sâu làm bệnh nhân đau khi khi ăn hay uống nước lạnh, nóng. Có thể có mủ tiết ra ở chân răng.

Khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm nha chu người bệnh nên đến bệnh viện chuyên khoa để bác sĩ có hướng điều trị thích hợp. Không nên để lâu khiến bệnh trở thành mãn tính.

Biến chứng nha chu ở bệnh nhân Đái tháo đường

Nhiều nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) có nguy cơ bị viêm nha chu cao gấp 2,8-3,4 lần so với người không mắc bệnh này.

Bệnh nha chu có hai dạng phổ biến: Viêm nướu (viêm lợi) và viêm nha chu (viêm quanh răng). Viêm nướu có thể tồn tại lâu dài mà không nặng thêm. Nhưng từ tuổi 35-45 trở đi, viêm nướu có thể nặng thêm và trở thành viêm nha chu. Nguyên nhân của sự thay đổi này là vì người có tuổi thường bộc lộ nguyên nhân do gene (di truyền) hoặc một số bệnh khác như: suy giảm miễn dịch, ĐTĐ…

Nguyên nhân chủ yếu của bệnh nha chu là do vi khuẩn ở trong miệng. Hầu hết các loại vi khuẩn của viêm nướu và viêm nha chu đều có trong mảng bám (bựa) và trong cao răng. Với số lượng lớn, chúng gây ra sâu răng, viêm nướu hoặc viêm nha chu. Trong trường hợp bị suy giảm miễn dịch, bệnh ĐTĐ hoặc bị nhiễm HIV… dù với số lượng nhỏ, các vi khuẩn này vẫn có thể gây ra bệnh về răng, cụ thể là viêm nha chu.

Tác động của bệnh ĐTĐ lên nha chu

Những thay đổi ở thận, võng mạc và ở những mạch máu nhỏ quanh dây thần kinh trong bệnh ĐTĐ đều có thể xảy ra ở mô nha chu. Đặc biệt ở nướu, các mạch máu nhỏ bị tăng bề dày thành vách dẫn đến hẹp lòng mạch, làm giảm oxygen khuếch tán và giảm cung cấp dinh dưỡng. Việc tăng đường huyết đặc biệt phổ biến ở bệnh ĐTĐ type 2, có thể tạo ra những thay đổi trong hệ các mạch máu nhỏ của nướu, làm giảm khả năng bảo vệ ở nướu nên vi khuẩn dễ tấn công hơn và dễ gây ra viêm nha chu.

Viêm nha chu gây khó kiểm soát đường huyết

Trong lúc bệnh ĐTĐ tác động nghiêm trọng lên mô nha chu thì thực tế cũng cho thấy rằng, việc nhiễm khuẩn nha chu (viêm nha chu) ảnh hưởng ngược trở lại việc kiểm soát đường huyết. Điều trị viêm nha chu không chỉ giúp loại bỏ vi khuẩn, giảm viêm mà còn có tác động tích cực trên kiểm soát đường huyết. Một nghiên cứu của Đại học Y Dược TP.HCM, cho thấy, các bệnh nhân ĐTĐ sau khi được điều trị viêm nha chu đều thấy đường huyết giảm đáng kể, có trường hợp trở lại bình thường.

Sau thời gian điều trị tại các cơ sở nha khoa, bệnh nhân ĐTĐ cần duy trì nghiêm ngặt vệ sinh răng miệng để không còn mảng bám vi khuẩn (hoặc càng ít càng tốt).

Bác sĩ Trịnh Đình Hải, Viện trưởng viện Răng Hàm Mặt Quốc gia