Chăm sóc trẻ sơ sinh thiếu tháng

870

Thế nào là trẻ sơ sinh non tháng?

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): trẻ sơ sinh thiếu tháng là trẻ có tuổi thai nhỏ hơn 37 tuần. Tuỳ theo tuổi thai phân ra: sơ sinh rất non tháng (nhỏ hơn 33 tuần) và sơ sinh đặc biệt non (nhỏ hơn 28 tuần)

Các nguyên nhân gây đẻ non thường gặp

Từ mẹ:

• Do nhiễm khuẩn cấp: cúm, sốt virut

• Các bệnh mãn tính: lao, viêm gan, bệnh tim thận

• Các bệnh phụ khoa: u nang buồng trứng, u xơ tử cung, hở eo cổ tử cung, nhiễm khuẩn ối, màng ối

• Các sung chấn nặng: ngã, tai nạn giao thông, lao động vất vả…

Từ con:

• Đẻ sinh đôi, sinh ba

• Con có dị tật

Các đặc điểm của sơ sinh non tháng và các nguy cơ thường gặp

Trẻ sinh non các chức năng, bộ phận cơ thể đều rất non yếu:

• Lớp mỡ dưới da rất kém: trẻ rất dễ bị hạ thân nhiệt, là yếu tố dẫn đến nhiều bệnh lý nặng dẫn đến tử vong

• Nguồn dự trữ năng lượng rất kém: trẻ rất dễ bị hạ đường huyết

• Hệ thống miễn dịch còn rất yếu kém: trẻ dễ bị nhiễm khuẩn nặng

Ngoài ra trẻ còn dễ bị nhiều nguy cơ khác liên quan đến sự non yếu của hệ thống hô hấp và các nội tạng khác.

Chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng

• Việc chăm sóc các trẻ sơ sinh non tháng, rất non tháng và đặc biệt non tháng là công việc đòi hỏi có sự hợp tác của các bác sỹ sản khoa, bác sỹ sơ sinh cùng các phương tiện đặc biệt. Chính vì vậy người ta khuyến cáo: hạn chế các nguy cơ đẻ non của người mẹ như khám thai định kỳ, phát hiện bệnh kịp thời. Khi có nguy cơ dọa để non cần vào viện sớm để được điều trị thuốc làm trưởng thành sớm các cơ quan: phổi, não, tim…

• Các bà mẹ có nguy cơ để non cần được vận chuyển đến các trung tâm sản khoa lớn, có đơn vị hồi sức sơ sinh.

• Trẻ non tháng có thể xuất viện khi đã ăn tốt bằng đường miệng, tăng cân không có cơn ngừng thở.

Việc chăm sóc ở nhà cần được dựa trên ba nguyên tắc cơ bản:

• Giữ ấm: trong phòng phải đảm bảo 28C đến 30C, tránh gió lùa. Áp dụng phương pháp Kangaroo (da kề da) đặc biệt trong mùa đông. Đây là phương pháo rất ưu việt được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Trong phương pháp, trẻ non tháng được cởi bỏ quần áo đặt vào giữa hai bầu vú mẹ, bụng áp ngực mẹ. Người mẹ có thể dùng địu hoặc quấn chăn bên ngoài. Người ta thấy rằng với phương pháp này đứa trẻ được nằm trong lồng ấp tự nhiên với nhiệt độ ổn định nhất. Người mẹ thường xuyên sờ chân trẻ nếu thấy lạnh thì phải ủ ấm ngay (phương pháp da kề da)

• Nuôi con bằng sữa mẹ: sữa mẹ là thức ăn ưu việt nhất đặc biệt với trẻ non tháng. Sữa mẹ là chất dinh dưỡng hoàn hảo, dễ tiêu hoá và hấp thu. Sữa mẹ có chứa các chất kháng khuẩn giúp trẻ có sức đề kháng và miễn dịch với một số bệnh, trẻ bú sữa mẹ ít bị mắc các bệnh dị ứng (chàm, ecgema). Ngoài ra, nuôi con bằng sữa mẹ tạo sự gắn bó .., tiết kiệm thời gian, kinh tế, thuận tiện… Với một số bà mẹ không đủ sữa hoặc mất sữa có thể dùng sữa công thức loại dành cho trẻ non tháng, nhưng thường cũng chỉ cho ăn sữa loại này khi trẻ chưa đạt trọng lượng 3kg rồi lại cho ăn sang các loại sữa công thức thông thường. Một đứa trẻ ăn đủ khi thấy đái nhiều, ỉa nhiều, lên cân (15g/kg/ngày)

• Giữ vệ sinh: phòng trẻ phải sạch sẽ, quần áo mẹ và trẻ phải thay hàng ngày. Những người chăm sóc trẻ phải nhớ rửa tay trước khi cho trẻ ăn, những người đang ốm đau, đang viêm đường hô hấp không được chăm sóc trẻ. Các dụng cụ cho trẻ ăn: bình, cốc, thìa…cần được vệ sinh, tiệt trùng cẩn thận. Sử dụng nước chín (đã dun sôi và để nguội) tắm cho trẻ. Nhiệt độ nước tắm 38C – 40C.

Một số lưu ý đặc biệt

• Khám mắt cho trẻ sinh non dưới 38 tuần tuổi và/hoặc trọng lượng nhỏ hơn 1800gr thường tiến hành sau khi trẻ được ngoài 1 tháng tuổi.

• Tiêm chủng có thể được bắt đầu khi trọng lượng trẻ được 3kg hoặc thời điểm tuổi của trẻ đạt 38 tuần từ ngày thụ thai.

Bác sỹ Nguyễn Thị Minh Nguyệt

Phó trưởng khoa sơ sinh bệnh lý

Bệnh Viện Phụ Sản Hà Nộ