Siêu âm thai nhi có lợi ích gì

814

Hiện nay, siêu âm là phương tiện được sử dụng khá phổ biến trong việc theo dõi thai nhi trong bụng mẹ. Tuy nhiên siêu âm để làm gì, vì sao cần siêu âm, khi nào thì cần siêu âm, siêu âm có nguy hiểm gì cho thai nhi không… là những điều mà có lẽ nhiều bà mẹ cũng chưa hiểu rõ hết, nên từ đó cũng nảy sinh tâm lý có một số bà mẹ lại rất muốn được bác sĩ cho siêu âm thường xuyên nhưng ngược lại cũng có bà mẹ rất e ngại khi được chỉ định siêu âm. Trong bài này chúng tôi sẽ trao đổi với quý vị, đặc biệt là các bà mẹ một số thông tin về sử dụng siêu âm trong việc theo dõi thai nhi trong bụng mẹ mà từ y khoa gọi là siêu âm trong chẩn đoán tiền sản, để qua đó các bà mẹ đang mang thai có thể hợp tác tốt hơn với thầy thuốc sản khoa trong việc theo dõi thai nhi trong bụng mẹ chuẩn bị cho cuộc sanh đuợc an toàn hơn.

I. Các thời kỳ mang thai:

Một thai bình thường kéo dài khoảng 40 tuần lễ tính từ ngày kinh đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng, được chia làm 3 giai đoạn:

– 3 tháng đầu: từ ngày có kinh lần chót đến tròn 14 tuần.

– 3 tháng giữa từ tuần lễ thứ 15 đến hết tuần thứ 26.

– 3 tháng cuối: từ tuần lễ thứ 27 đến cuối thai kỳ.

II. Siêu âm có giá trị như thế nào trong theo dõi thai kỳ trước sanh và được thực hiện như thế nào?

Siêu âm sử dụng một loại sóng phản hồi nhằm cung cấp hình ảnh của thai nhi và bánh nhau trong tử cung người mẹ. Siêu âm là phương tiện an toàn nhất có thể cung cấp thông tin về thai nhi trong bụng mẹ như thế nằm của thai, thai bình thường hay bất thường, sự phát triển của thai, kích thước của thai…

Siêu âm có thể được thực hiện sớm nhất từ tuần lễ thứ 5 của thai kỳ. Khi thực hiện siêu âm, bác sĩ có thể sử dụng dụng cụ gọi là “đầu dò” để rà soát theo bề mặt của thành bụng, hoặc có thể đặt trong âm đạo một cách nhẹ nhàng mà không gây đau cho sản phụ. Khi thai từ 1 tuần trở đi, siêu âm gần như hoàn toàn sử dụng đầu dò qua thành bụng.

III. Siêu âm trong 3 tháng đầu thai kỳ có lợi ích gì?

Siêu âm trong 3 tháng đầu thai kỳ sẽ giúp bác sĩ sản khoa những điều sau:

1. Tính tuổi thai và ngày dự sinh của mẹ.

– Cho phép tính toán tuổi thai và ngày dự sinh sai biệt chỉ có 3 ngày.

– Được sử dụng trong trường hợp sản phụ có kinh không đều, hoặc không nhớ ngày kinh chót.

2. Xem thai nằm đúng vị trí hay không?

– Giúp chẩn đoán thai nằm trong hay ngoài tử cung, nằm cao hay thấp.

– Đặc biệt quan trọng đối với những trường hợp có thai bị đau bụng ra huyết hoặc một trong những lần có thai trước bị thai ngoài tử cung.

3. Xem có bao nhiêu thai? Thai có cùng trứng hay khác trứng.

4. Xem thai có bình thường?

– Thai sống hoặc đã ngừng phát triển.

– Thai trứng

– Thai có dị tật bẩm sinh (từ sau 12 tuần)

IV. Siêu âm trong 3 tháng giữa thai kỳ có lợi ích gì?

Quan trọng nhất là giúp các bác sĩ sản khoa khảo sát xem thai có bất thường hay không, đồng thời có thể khảo sát xác định giới tính của bé, cụ thể là:

– Các bất thường về hình dạng, cấu trúc của cơ thể hoặc các cơ quan nội tạng thai nhi: Có thể phát hiện được rất sớm hoặc muộn tùy theo thời điểm xuất hiện của nó.

– Đánh giá vị trí và tình trạng nhau thai cũng như lượng nước ối.

– Đánh giá phần nào sự phát triển của thai nhi nhằm phát hiện sớm tình trạng suy dinh dưỡng trong bào thai hoặc thai quá to.

– Cũng cần lưu ý là các bất thường thuộc loại chức năng hoặc do rối loạn những sắc thể nhưng không biểu hiện ra ngoài thì không có khả năng phát hiện được qua siêu âm, do vậy cần có những xét nghiệm định lượng nội tiết trong huyết thanh hoặc lấy nước ối thai nhi để khảo sát.

V. Siêu âm trong 3 tháng cuối thai kỳ có lợi ích gì?

1. Xác định các bất thường xuất hiện muộn trong 3 tháng cuối thai kỳ:

– Tật não úng thủy (đầu nước)

– Phù nhau thai

2. Xác định sự tăng trưởng của thai nhi:

– Chậm tăng trưởng trầm trọng (thai nhỏ, suy dinh dưỡng).

– Tăng trưởng quá mức (thai to) như trong trường hợp mẹ tiểu đường.

3. Khảo sát bánh nhau:

– Vị trí bánh nhau có bình thường hay bất thường (nhau tiền đạo).

– Phân bố mạch máu nhau bình thường hay bất thường (nhau cài răng lược, mạch máu bám màng…)

– Mức độ trưởng thành của nhau

– Nhau bệnh lý: nhau phù, khối u nhau, hoặc nhau bong sớm.

4. Khảo sát nước ối:

– Dư ối hay ra ối.

– Thiếu nước ối.

5. Khảo sát dây rốn:

– Dây rối quấn cổ: ít có giá trị ứng dụng.

– Dây rốn thắt út: rất khó phát hiện.

6. Ước tính trọng lượng thai:

– Có hướng chuẩn bị cho cuộc sanh.

– Chính xác nếu được thực hiện vào những thòi điểm cuối thai kỳ.

7. Xác định tình trạng của thai nhi trước khi sanh:

– Đặc biệt cần thiết trong những trường hợp mẹ có bệnh nội khoa đặc biệt, hoặc thai chậm tăng trưởng nặng trong tử cung.

8. Xác định tư thế nằm của thai nhi có thuận lợi cho cuộc sanh sắp đến hay không?(ngôi thuận hay ngôi ngược).

VI. Siêu âm bao nhiêu lần là đủ và khi nào cần thiết phải siêu âm thai?

Tối thiểu 3 lần: mỗi 3 tháng ít nhất 1 lần đối với những thai kỳ bình thường.

– Ngoài ra cần siêu âm thêm vào những lúc thai có những dấu hiệu bất ổn (đau bụng, ra huyết…) hoặc có chỉ định đặc biệt của bác sĩ.

– Không có giới hạn tối đa về số lần siêu âm.

VII. Siêu âm giúp hỗ trợ và chẩn đoán điều trị như thế nào?

1. Siêu âm hỗ trợ chẩn đoán:

– Giúp lấy lông nhau trong 3 tháng đầu thai kỳ để thử về di truyền.

– Giúp bác sĩ lấy dịch ối hoặc máu thai nhi để thử di truyền học, hoặc thử các chất sinh hóa trong dịch ối hoặc máu.

Lưu ý: Tất cả những thủ thuật thực hiện trên thai đều có thể dẫn đến khả năng gây sẩy thai hoặc sanh non với tỷ lệ 2 – 4%.

2. Siêu âm hỗ trợ điều trị:

– Giúp rút bớt nước ối trong trường hợp đa ối.

– Giúp hướng dẫn truyền nước ối thêm cho thai nhi trong trường hợp thiếu nước ối.

Tất cả đều phải có chỉ định đặc biệt của bác sĩ điều trị.

VIII. Khi nào cần siêu âm doppler màu và siêu âm 3 chiều?

Là những loại siêu âm đặc biệt dùng để hỗ trợ cho chẩn đoán tiền sản.

– Chỉ thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ (nghi ngờ thai chậm tăng trưởng, nghi ngờ nhau cài răng lược…)

– Không phải là loại siêu âm để khảo sát thường xuyên hay “xem cho vui”.

IX. Siêu âm có tác hại cho thai hay không?

Cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh được siêu âm có hại hay không có hại. Vì vậy siêu âm thai vẫn còn là một loại xét nghiệm rất an toàn và dường như không có một nguy cơ nào cả. Tuy nhiên, một kết quả siêu âm bất thường có thể gây cho bà mẹ rất nhiều căng thẳng và lo lắng. Cần lưu ý là một siêu âm:

– Có thể bất thường và đòi hỏi thêm nhiều xét nghiệm bổ sung khác như siêu âm lập lại hoặc chọc dò nước ối v.v…Lưu ý là một số xét nghiệm bổ sung có thể mang nhiều nguy cơ cho thai nhi và mẹ ví dụ như chọc dò nước ối có guy cơ gây sẩy thai.

– Có thể bất thường nhưng sau đó lại biến mất trong thai kỳ.

X. Những điều cần lưu ý về siêu âm tiền sản:

Một kết quả siêu âm tiền sản bình thường không đảm bảo thai nhi khi được sinh ra sẽ được hoàn toàn bình thường khỏe mạnh.

– Một kết quả siêu âm bất thường cần phải được bổ sung bằng nhiều xét nghiệm khác trước khi xét nghiệm.

– Trong 3 tháng cuối của thai kỳ, siêu âm tiền sản không giúp đoán tuổi thai một cách chính xác.

– Tác hại lâu dài của siêu âm trong tiền sản đối với thai nhi chưa được xác định, vì vậy các nhà chuyên môn khuyên rằng không nên sử dụng siêu âm tiền sản ngoài mục đích y khoa. Ví dụ như: siêu âm chỉ để biết sinh trai hay gái, hoặc để xem hình dạng đứa bé ra sao.

– Siêu âm màu Doppler và siêu âm 3 chiều là những loại siêu âm đặc biệt không nên sử dụng đại trà khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Tóm lại: siêu âm là phương tiện hỗ trợ đắc lực cho các thầy thuốc chuyên khoa trong việc theo dõi thai nhi trong bụng mẹ trước khi sanh để giúp chẩn đoán phát hiện sớm những bất thường nếu có để xử lý, can thiệp kịp thòi, góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe của bà mẹ và con trong cuộc sanh. Tuy nhiên các bà mẹ mang thai không nên tự ý lạm dụng siêu âm mà chỉ thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ.

Theo BS. Tạ Thị Thanh Thủy – BV. Hùng Vương

benhvathuoc.com